Tìm trong trích yếu
Tên sách Ký hiệu
Tác giả Tên người
Tên thần Tên đất
Địa phương Chủ đề
Dẫn luận Lời tựa

¨ THƯ MỤC SÁCH HÁN NÔM là bộ sách thông tin về tình hình thư tịch và tài liệu Hán Nôm lớn nhất Việt Nam hiện nay đang được tàng trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Đây chính là tài sản quý giá với hàng ngàn đơn vị tư liệu chứa đựng các thông tin có liên quan đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội Việt Nam thời phong kiến, là di sản văn hóa thành văn ngàn năm của dân tộc Việt Nam.

 Ảnh minh họa

Phải mất cả chục năm ròng với bao công sức, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia Hán Nôm mới có thể tổng hợp, phân loại, tóm lược, sắp xếp và xuất bản hoàn chỉnh bộ Thư mục sách Hán Nôm trong đó có sự hợp tác và tài trợ tích cực của Viện Viễn Đông Bác Cổ nước Cộng hòa Pháp. Bộ sách thực sự là cuốn cẩm nang không thể thiếu nếu muốn đi sâu tìm hiểu về Kho di sản  Hán Nôm Việt Nam.

 Ảnh minh họa
Thư mục sách Hán Nôm có tên đầy đủ là Di sản Hán Nôm Việt Nam - Thư mục đề yếu, với phần tên sách được xếp theo thứ tự ABC, gồm các phông có ký hiệu: A, VHv, VHb, VHt (sách viết bằng chữ Hán); AB, VNv, VNb (sách viết bằng chữ Nôm); AC, HV (sách sao chép hoặc in lại của Trung Quốc, chủ yếu là kinh Phật) với 5038 tên sách. Mỗi tên sách ứng với một đến nhiều cuốn sách hoặc nhiều bộ sách, cả thảy hơn 10.000 đơn vị tư liệu thư tịch.

Tiếp sau là bộ Bổ di gồm 2 quyển (Thượng và Hạ) giới thiệu 6 phông sách có ký hiệu : AD (thần sắc); AE (thần tích); AF (tục lệ); AG (địa bạ; AH (xã chí); AJ (cổ chỉ). cả thảy gồm 2280 đầu sách (bắt đầu từ mã 5039 đến 7318).

 Ảnh minh họa

Với hơn 10.000 đơn vị, mỗi đơn vị tư liệu đều có các thông tin: Tên sách; Tác giả (nếu có); năm nơi in, số trang; Ký hiệu và nội dung tóm tắt. Toàn bộ kho sách Hán Nôm được phân thành khoảng 40 chủ đề: Văn học, Sử học, Quan chức, Bang giao, Địa lý, Kinh tế, Gia phả, Pháp chế, Quân sự, Tôn giáo, Phong thủy, Văn hóa giáo dục, Y dược và Văn học các dân tộc ít người, vv. Một cuốn sách có thể được xếp vào một loại, cũng có thể được xếp vào nhiều loại hình khác nhau vì tính chất nội dung đa ngành của nó.

Bộ sách đã giúp cho đọc giả trong và ngoài nước tìm thấy rất nhiều thông tin bổ ích về văn hóa thành văn của dân tộc Việt Nam. Nhưng không phải ai cũng có được bộ sách này, có thể do chưa biết, hoặc chưa có điều kiện mua được cho riêng mình. Mặt khác muốn tìm kiếm hoặc thống kê thông tin theo các loại hình khác nhau, thì từ bộ sách này thật không dễ dàng gì, đôi khi không thể thực hiện nổi.

Nhận thấy Công nghệ thông tin có thể giúp bạn đọc tìm kiếm, sắp xếp hoặc thống kê dữ liệu một cách thuận lợi, nhanh chóng, chúng tôi quyết định đưa dữ liệu bộ Di sản Hán Nôm Việt Nam - Thư mục đề yếu và bộ Bổ di lên Website của Viện dưới dạng Cơ sở dữ liệu để phục vụ bạn đọc xa gần.

Từ Di sản Hán Nôm trên Website hannom.org.vn bạn đọc có thể tra cứu thư tịch Hán Nôm theo các tiêu chí: TÊN SÁCH; KÝ HIỆU (mỗi quyển sách hoặc bộ sách có một ký hiệu), TÁC GIẢ (một tác giả có thể có từ một đến nhiều sách), TÊN NGƯỜI, TÊN THẦN, TÊN ĐẤT (là tên có xuất hiện trong sách), ĐỊA PHƯƠNG (các sách thần sắc, thần tích, tục lệ, địa bạ, xã chí, cổ chỉ thuộc địa phương đó), và CHỦ ĐỀ (rất nhiều chủ đề), có thể đọc nội dung tóm tắt (trích yếu) của từng cuốn hoặc bộ sách bằng cách kích chuột vào tên sách.

Công việc mà chúng tôi đang triển khai thật không đơn giản, nên khó tránh khỏi sai sót, nhầm lẫn, rất mong nhận được những ý kiến chỉ bảo chân tình của quý bạn đọc xa gần.

Xin chân thành cảm ơn.

* Bạn đọc muốn tìm hiểu kĩ hơn, xin đọc bài DẪN LUẬN DI SẢN HÁN NÔM VIỆT NAM của PGS Trần Nghĩa (đồng chủ biên) in ở phần đầu cuốn Di sản Hán Nôm Việt Nam - thư mục đề yếu, mà chúng tôi đã đăng lại toàn văn ở phần Dẫn luận trong THƯ MỤC HÁN NÔM này.

VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM - VIỆN NGHIÊN CỨU HÁN NÔM

Địa chỉ: 183 Đặng Tiến Đông - Đống Đa - Hà Nội
Tel: 84 24. 38573194 - Fax: 84 24 38570940
Email:vienhannom@gmail.com
Người chịu trách nhiệm: PGS.TS.Nguyễn Tuấn Cường
Lượt truy cập: