Thứ bẩy, 20/04/2024

Địa chỉ: 183 Đặng Tiến Đông - Hà Nội - Tel: 844. 38573194 - Fax: 844 38570940 - Email: vienhannom@gmail.com Tìm kiếm
Tạp chí Hán Nôm
Nghiên cứu Hán Nôm
Di sản Hán Nôm
Văn khắc
Bảng tra triều vua Việt Nam
Bảng tra triều vua Việt Nam

  Tạp chí Hán Nôm >> TCHN từ 2006 về sau >> Năm 2012 >> Số 6
 
Nguyễn Huy Mỹ
Nguyễn Huy Quýnh - Một tác gia Hán Nôm đáng chú ý ở thế kỷ XVIII (Tạp chí Hán Nôm, số 6 (115) 2012; tr.69 - 77)

Cập nhật lúc 16h18, ngày 06/12/2013

NGUYỄN HUY QUÝNH - MỘT TÁC GIẢ HÁN NÔM

ĐÁNG CHÚ Ý Ở THẾ KỶ XVIII

NGUYỄN HUY MỸ

Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam.

Nguyễn Huy Quýnh (1734 - 1786) thuộc thế hệ thứ 10 của họ Nguyễn Huy Trường Lưu (NHTL), sinh ngày 19 tháng Hai năm Giáp Dần niên hiệu Long Đức năm thứ 3 (1734) đời vua Lê Thuần Tông, húy là Nham, khi làm quan đổi là Trị, tên chữ là Duy Nham, hiệu Dần Phong, tại làng Trường Lưu nay là xã Trường Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, trong một gia đình nhiều đời khoa bảng.

Cha ông là Nguyễn Huy Tựu (1690 - 1750) đỗ Hương giải năm 28 tuổi, dự thi Hội và trúng Tam trường năm 32 tuổi, làm quan đến Tham chính, được tặng hàm Thượng thư. Mẹ ông là bà Trần Thị Cung (1703-1781), người làng Trường Lưu là vợ thứ của Nguyễn Huy Tựu.

Gia đình ông có sáu anh em trai. Người anh cả là Nguyễn Huy Oánh (1713 - 1789), đỗ Đình nguyên Thám hoa khoa Mậu Thìn (1748) từng đi sứ nhà Thanh, cũng làm quan tới Thượng thư, đồng thời là một tác gia lớn của thế kỷ XVIII. Người anh thứ hai là Nguyễn Huy Cự (1717 - 1775) đỗ Hương giải năm Mậu Ngọ (1738), Tam trường thi Hội năm 1748, chuyển sang ngạch võ và làm đến Khanh thông Tướng quân, được phong tặng tước vương. Người anh thứ ba là Nguyễn Huy Kiên (1735 - ?), đỗ Hương cống năm 1759, khoa Kỷ Mão, làm quan đến Lại bộ Thiêm sự. Người em dưới ông là Nguyễn Huy Khản đỗ Sinh đồ. Cuối cùng, người em út là Nguyễn Huy Đại làm Phó sứ đồn điền.

Nguyễn Huy Quýnh đi học từ khi lên 5 tuổi, 8 tuổi đã biết làm thơ văn, thuở nhỏ vừa đi học, ông vừa cùng tham gia dạy học từ năm 17 tuổi, và có đóng góp trong công việc soạn sách, in ấn tài liệu cho Phúc Giang thư viện(1).

Năm 1756, 23 tuổi, Nguyễn Huy Quýnh đi thi từ Huyện khảo đến thi Hương đều đỗ đầu và dự kỳ thi Hội năm 1757, chỉ đỗ Tam trường. Sau hai khóa thi Hội năm Tân Tỵ (1761) ông được bổ một chức quan nhỏ là Thừa ty Tả mịch xứ Nghệ An, tới năm 1769 vì có 4 lần thi Hội trúng Tam trường (từ 1757 tới 1769 có 5 khoa thi Hội, trong đó 4 khoa ông trúng Tam trường), được bổ làm Tri huyện huyện Chân Phúc và ít lâu sau ông từ quan; có lẽ là do bực và phẫn chí là nổi tiếng học giỏi mà thi không đỗ cao chăng? Ông giao du rộng rãi với các danh sĩ thời ấy như Phạm Nguyễn Du, Ninh Tốn v.v... quyết tâm học thêm.

Năm Nhân Thìn (1772), ba mươi chín tuổi, Nguyễn Huy Quýnh đỗ Đệ tam giáp Tiến sĩ đồng xuất thân thứ 5 và bắt đầu tham gia quan trường với chức Cấp sự trung Hộ khoa, rồi Giám sát Ngự sử xứ Sơn Nam.

Năm Giáp Ngọ (1774), ông cùng nhiều người thân trong nhà như anh là Nguyễn Huy Oánh, cháu là Nguyễn Huy Tự, tham gia cuộc Nam chinh, giữ chức vụ Kiêm lí lương hướng Nhung vụ. Đầu năm Ất Mùi (1775) sách ơng mục chép rằng, chúa Trịnh sau lúc đóng quân ở Kỳ Anh sai ông mang vàng bạc vào tặng cho Hoàng Ngũ Phúc và quân sĩ đóng ở Thuận Hóa(2). Cùng năm đó ngày 12 tháng Hai, mẹ đích ông là bà Phan Thị Trừu mất, ông xin về cư tang và tham gia dạy học ở Trường Lưu.

Năm Đinh Dậu (1777) hết tang phục, ông được ban chức Nhập thị nội giảng, sau khi dâng lên Chúa bài thơ nghìn chữ được thăng chức Hàn lâm viện Hiệu thảo, và năm sau 1778, thăng làm Đốc đồng xứ Sơn Nam. Thời gian này ông tham gia đánh dẹp “giặc bể”. Năm 1779, ông được cử làm Giám khảo trường thi Thanh Hoa.

Năm Tân Sửu (1781), Nguyễn Huy Quýnh được bổ làm quan Trực giảng ở Quốc tử giám, tháng 6 đi khảo sát tình hình ở Sơn Tây và Hưng Hóa, ngày 2 tháng 10, mẹ đẻ ông là bà Trần Thị Cung mất, ông về cư tang ở Trường Lưu. Thời gian này Trường Lưu với Phúc Giang thư viện là nơi nhiều danh sĩ qua lại, nhiều sĩ tử ở các nơi về học, và Nguyễn Huy Quýnh tham gia giảng dạy ở đây.

Tháng 10 năm Giáp Thìn (1784) hết tang phục, Nguyễn Huy Quýnh lại được cử làm quan Trực giảng ở Quốc tử giám, năm sau thăng Hàn lâm Đãi chế, hành Đốc thị Thuận Quảng, Đề đốc học chính, Kiêm lí lương hướng ở Thuận Hóa.

Khoảng một năm, ngày 10 tháng Sáu năm Ất Tỵ (1785) ông mất ở nhiệm sở, thi hài đưa về an táng ở cánh đồng thuộc thôn Đông Tây, xã Bạt Trạc, sau con cháu chuyển về xã Đức Dũng (huyện Đức Thọ), rồi lại chuyển về núi Phượng Lĩnh trong lăng Thám hoa Nguyễn Huy Oánh.

Cuộc đời Nguyễn Huy Quýnh chủ yếu là học hành thi cử, dạy học, làm quan, trong đó từ năm lên năm tuổi đến 23 tuổi thi Hương và tiếp đó là 16 năm với 6 khoa thi Hội (trong đó có ít thời gian làm quan nhỏ ở Nghệ An và Tri huyện huyện Chân Phúc). Sau khi đỗ Tiến sĩ, Nguyễn Huy Quýnh chỉ tham gia hoạt động quan trường 13 năm trong đó có gần 5 năm cư tang mẹ đích và mẹ đẻ. Thời gian làm quan của ông chỉ được khoảng hơn tám năm chủ yếu là lo việc giáo dục.

Ở làng Trường Lưu, tại xóm Phúc Trường hiện nay (trước là xóm Độ), trước đây còn khu vườn của Nguyễn Huy Quýnh liền kề với vườn của anh là Nguyễn Huy Kiên và vườn của em là Nguyễn Huy Khản. Đến đời thứ 6 tính từ ông, vườn này nay chỉ còn một nửa, một nửa con cháu đã bán cho họ khác. Tại vườn này trước đây có nhà thờ của Nguyễn Huy Quýnh nhưng đã bị bom của quân đội Pháp ném hỏng năm 1953, năm 2010 con cháu ngoại ở Trường Lưu, Nga Lộc, Thị trấn Nghèn mới xây lại nhà thờ nhỏ.

Tại cánh đồng Dinh, nằm giữa làng Trường Lưu và làng Hốt thuộc xã Phú Lộc, trước kia nghe nói là Dinh thự của Nguyễn Huy Quýnh được xây dựng sau khi ông đỗ Tiến sĩ - Dinh quan Nghè. Thời trước đây khi làm ruộng, đào mương, dân Trường Lưu vẫn hay đào được gạch ngói, v.v…

Tại xã Đức Dũng, huyện Đức Thọ cũng có nhà thờ của ông, đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa tỉnh Hà Tĩnh năm 2005.

Nguyễn Huy Quýnh là một người có thể nói hội tụ và phát huy được một số đặc điểm sau của dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu:

Một tấm gương học hành, thi cử; một thầy giáo gương mẫu

Nguyễn Huy Quýnh đi học từ năm lên 5 tuổi và nổi tiếng là học giỏi, đương thời, ai cũng dự đoán là họ Nguyễn sẽ có thêm “khôi khoa”, ý nói sẽ có thêm người đỗ Đình nguyên. Theo bản Hành trạng Nguyễn công do con trai ông là Nguyễn Huy Hào thuật, Nguyễn Huy Quýnh đã học với các thầy sau:

1. Tiến sĩ khoa Bính Thìn (1736), tức Nguyễn Thế Giai (1709-?) người xã Nhân Lý huyện Thanh Lâm (nay thuộc thị trấn huyện Nam Sách tỉnh Hải Dương). Ông giữ các chức quan, như Hữu Thị lang Bộ Hình, Hiệp thống lĩnh, Hàn lâm Hiệu lý, tước hầu và được cử làm Trấn thủ Thanh Hoa, nhưng bị mất trên đường đi. Có tài liệu ghi ông là Nguyễn Thế Khải.

2. Hoàng giáp khoa Tân Hợi (1731), Tham tụng Nguyễn Nghiễm. Nguyễn Nghiễm (1708-1775) hiệu là Nghi Hiên, biệt hiệu là Hồng Ngư Cư sĩ và tự là Hy Tư, người xã Tiên Điền huyện Nghi Xuân (nay là xã Tiên Điền huyện Nghi Xuân tỉnh Hà Tĩnh). Ông là thân phụ của Nguyễn Khản, Nguyễn Du. Sinh thời, Nguyễn Nghiễm là một nhà chính trị, nhà thơ, nhà văn, nhà sử học nổi tiếng.

3. Tiến sĩ khoa Tân Hợi (1731) Nguyễn Hoãn. Nguyễn Hoãn (1713-1792) người xã Lan Khê huyện Nông Cống (nay thuộc xã Nông Trường huyện Triệu Sơn tỉnh Thanh Hóa). Ông là con của Nguyễn Hiệu và giữ các chức quan, như Nhập thị Tham tụng, Thượng thư bộ Lại kiêm Hữu Tư giảng bộ Lễ, Tri Quốc tử giám, Tri Trung thư giám, Tri Đông các, Tri Hàn lâm viện sự kiêm Quốc sử tổng tài, sau thăng hàm Thái phó, tước Việp Quận công và được tôn làm Quốc lão. Có tài liệu đọc là Nguyễn Hoàn.

4. Tiến sĩ khoa Giáp Tuất (1754), họ Nguyễn, tức Nguyễn Bá (sau đổi là Thưởng). Nguyễn Thưởng (1727-?) người xã Vân Điềm huyện Đông Ngàn (nay thuộc xã Vân Hà huyện Đông Anh, Hà Nội). Ông giữ các chức quan, như Hàn lâm viện Thị giảng, Hữu Thị lang Bộ Binh, Đốc thị đạo Thuận Quảng, tước Khánh Xuyên hầu.

5. Tiến sĩ khoa Giáp Tuất (1754), họ Dương, Đông các Học sĩ, tức Dương Trọng Khiêm (1727-1787) (Dương Trọng Tế), quê làng Lạc Đạo xã Dương Xá huyện Gia Lâm trấn Kinh Bắc tỉnh Bc Ninh, nay là làng Lạc Đạo xã Lạc Đạo huyện Văn Lâm tỉnh Hưng Yên. Ông giữ các chức quan, như Hàn lâm Hiệu lý, Thiêm đô Ngự sử. Sau ông đổi tên là Dương Trọng Tế.

Trong quá trình đi học, ông giao du với nhiều danh sĩ đương thời và khá nổi tiếng trong họ. Thầy hay, bạn tốt và với ý chí học không mỏi, về việc học hành của ông, bạn thân là Phạm Nguyễn Du ghi trong bài Mã thượng cẩm ký (Bài trướng mừng Duy Nham thi đỗ) rằng: “Duy Nham lúc này đã nổi tên khắp kinh thành làng nước”, “Sách không rời tay” con ông là Nguyễn Huy Hào đã ghi ở bài Hành trạng cũng kể rằng, ông “âm thầm nghiên cứu, bền bỉ rũa mài, kiến thức ngày càng rộng mở”. Ông sáu lần dự kỳ thi Hội với mong ước đậu cao hơn anh mình là thám hoa Nguyễn Huy Oánh. Việc ông chỉ đỗ ở hạng thứ 5 theo lời của bạn ông là Phạm Nguyễn Du là “một việc mừng” nhưng xem là “danh chưa xứng với thực”, “đã không chiếm được bảng cao, Duy Nham cùng tiếc, cần gì phải mừng”. Quá trình đi học để thi liên tục 6 khoa suốt 18 năm trời trong lịch sử thi cử Việt Nam thời xưa có lẽ trường hợp của Nguyễn Huy Quýnh cũng là một trường hợp đáng chú ý.

Cũng như anh mình, cố gắng học hành để sau này có điều kiện lập thân, giúp đời, ông cũng quan niệm học để hành “từ nhỏ theo con đường khoa cử, xuất thân từ đấy mà ra”, lấy việc học để có kiến thức mà làm việc không kể chức quan to nhỏ. Bạn bè và những người cùng làm quan đều có nhận xét như vậy, năm 1784, khi tiễn Nguyễn Huy Quýnh đi nhận chức ở Thuận Hóa, Tể tướng Bùi Huy Bích nói “ông có thể tận tâm thì làm chức Đốc thị Thuận Hóa cũng đủ để thi thố sở học của mình”.

Thời xưa, thường vừa đi học vừa đi dạy, Nguyễn Huy Quýnh, như ông thường bảo với con trai là, từ năm 17 tuổi “đã dạy học để tự chu cấp”. Trong thời gian ở quê và hai dịp về cư tang mẹ đích (từ 1775 đến 1777) và mẹ đẻ (từ 1781 đến 1783), ông tham gia nhiều vào việc đào tạo học trò ở Phúc Giang thư viện. Sách Nguyễn thị gia tàng tư liệu dòng họchép ông dạy học trò nhiều người đỗ Tiến sĩ, cùng làm quan tại triều, tiếc là ở đây không ghi rõ họ tên các học trò của Nguyễn Huy Quýnh.

Chính thức từ năm 1777, ông nhận chức Nhập thị Nội giảng tham gia việc giảng dạy ở phủ chúa. Hai lần ông giữ chức Trực giảng ở Quốc tử giám, lần đầu từ năm 1781 “học trò bốn phương đều quy phục”, lần sau từ tháng 2 năm 1874, khi ông “giảng luận kinh nghĩa, các triều sĩ đều khen ông là ‘Hòm sách của Lai Thạch’” và khi ông được cử đi làm quan ngoài, “Học sinh nhà Thái học họp lại kể mấy trăm người xin giữ người ở lại”.

Dạy học đã vậy, đối với việc thi cử để tuyển chọn người tài ông lại càng nghiêm minh. Hành trạng ông cho biết, năm Kỷ Hợi (1779), khi ông làm Giám khảo trường thi Thanh Hoa, ông rất công tâm lấy đỗ đúng thực chất, chỉ trích quan Đồng khảo và quan lưu thủ ở đây là Mãn Quận công, nhờ đó trường thi nghiêm túc trở lại. Việc ông được cử đi Thuận Hóa làm Đốc thị và cũng kiêm luôn Đề đốc học chính, lo việc học tập, cũng làm rõ ông là một người có uy tín trong giới học quan thời bấy giờ.

Một vị quan tận tụy, khảng khái

Như ở phần tiểu sử đã ghi, Nguyễn Huy Quýnh trước lúc đỗ Tiến sĩ chỉ làm chức quan nhỏ ở xứ Nghệ An rồi làm Tri huyện một thời gian ngắn, phẩm hàm chỉ là quan tòng thất phẩm (theo Việt sử thông giám cương mục, quyển 22, tờ 21b(3)). Trong thời gian này chưa rõ ông lập được công gì mà nhờ đó cha ông là Nguyễn Huy Tựu được phong tặng chức Thượng thư Bộ Công tước là Khiết Nhã hầu(4).

Thời làm quan chính thức của ông là sau khi đỗ Tiến sĩ, khởi đầu với chức Cấp sự trung khoa Hộ rồi Giám sát Ngự sử Sơn Nam cho đến lúc mất 1785, giữ chức Đốc thị, được tặng Hàn lâm viện Thị giảng, quãng thời gian từ năm 1772 đến năm 1775, từ năm 1777 đến năm 1781 và hai năm 1784, 1785 gần 9 năm, ông trải qua các chức vụ:

- Hộ khoa Cấp sự trung.

- Giám sát Ngự sử đạo Sơn Nam (nay thuộc các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Hưng Yên…) sách Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú chép “xét hỏi các vụ kiện do Ngự sử đài duyệt lại để trình lên quan bản đài xét xử, về cuối năm trình bày về chính sự kiện thời”(5). Làm ở Ngự sử đài thường là những người cương trực, giám can gián, hạch tội các quan. Quan hàm chỉ ở Chánh thất phẩm.

- Năm 1774, trong cuộc Nam chinh, ông giữ chức Kiêm lí lương hướng Nhung vụ, lo việc quân lương.

- Năm 1778, giữ chức Đốc đồng, và năm 1785 giữ chức Đốc thị Thuận Quảng về hai chức này, Lịch triều hiến chương loại chí cho biết “chức Đốc đồng, Đốc thị đặt ra từ đầu thời Lê Trung hưng. Ở các trấn đặt chức Đốc đồng, khám xét việc kiện cáo, ở trấn Nghệ An đặt chức Đốc thị coi việc biên cương. Chức Đốc đồng thì dùng quan tứ phẩm, ngũ phẩm trở xuống, chức Đốc thị dùng quan tam phẩm, tứ phẩm. Cũng có khi lâm thời chọn người cho làm, không cứ phẩm hàm”(6), như vậy Nguyễn Huy Quýnh được cử đi làm Đốc thị Thuận Quảng lại kiêm quản việc học, việc quân lương là “chọn người cho làm”.

- Ở Hàn lâm viện, Nguyễn Huy Quýnh trải qua các chức vụ: Hàn lâm viện Hiệu thảo (năm 1777), sau thăng Hàn lâm viện Đãi chế (năm 1784), quan hàm ở mức Tòng lục phẩm, sau lúc mất được tặng Hàn lâm viện Thị giảng, hàm quan cũng chỉ ở mức ngũ phẩm. Về Hàn lâm viện, Phan Huy Chú cho biết “đặt các chức Thừa chỉ, Thị độc, Thị giảng, Thị thư, Đãi chế, phẩm trật ở hàng Chánh tứ trở xuống” nhưng quan trọng là những người làm ở Hàn lâm viện đều là “nhà nho nổi tiếng về văn học”, “những phẩm giá ngọc đường ấy thực là những người kén chọn vẻ vang trong một thời(7).

Điểm qua một số chức mà Nguyễn Huy Quýnh đảm nhận, để hiểu quá trình hoạt động của ông, tiếc rằng thời gian làm quan của ông quá ít, chưa được 9 năm. Nhưng những gì ông làm được, qua các đánh giá của bạn bè, các danh sĩ, như những điều ông trình, làm, đã ghi trong Hành trạng thì thật đáng khâm phục.

Bạn ông Phạm Nguyễn Du nhận xét “một chức quan nhỏ ở biên cương không đủ để trổ hết tài kinh luân của ông” (Văn tế Nguyễn Huy Quýnh). Hành trạng cho biết trong quãng thời gian làm quan, năm 1778 (Mậu Tuất) khi làm Tham hiệp Nhung vụ, ông đã làm tờ khải nêu lên việc cần chấn chỉnh hào mục và “hoạch định, sắp đặt, chấn chỉnh lại mọi việc, cả một vùng được nhờ cậy”. Lúc làm Giám sát ngự sử ông dâng sớ nói về việc giữ gìn khi có giặc bể vào cướp phá, từ việc nhỏ đến việc lớn nhưng chung lại vẫn cốt làm sao cho dân được lợi. Trong suốt thời gian làm quan ông “không tiếp ai ở nhà riêng”, thường “cùng với dân chuyện trò, bàn bạc suốt ngày”. Vào thời gian này, thế lực của các hoạn quan rất lớn, lúc được cử đi thăm dò tình hình ở xứ Sơn Tây, Hưng Hóa, nhận được “kêu kiện” của dân về việc hoạn quan Phường quận công ép vét của cải của dân, Nguyễn Huy Quýnh đã “lập tức nhận đơn làm khải trình lên. Tên hoạn quan này hai ba lần sai người nhà đến xin”, nhưng ông đều không chấp nhận. Lúc vào Thuận Hóa ông chủ trương “nắm chính quyền phải luôn luôn lấy việc thu phục được lòng người, củng cố vùng biên cương làm châm ngôn”, việc làm của ông ở vùng này đó được Trần Chánh Kỷ - mưu sĩ của vua Quang Trung sau này - làm thơ ca ngợi và tiếc là Nguyễn Huy Quýnh đến vùng này muộn.

Nguyễn Huy Quýnh tham gia quan trường quá ngắn, chưa đầy chín năm và với phẩm hàm bé, nhưng đó để lại một tấm gương cho đương thời.

Một tác giả Hán Nôm đáng chú ý

Theo Hành trạng Nguyễn công do con trai ông là Nguyễn Huy Hào viết, cháu (con bác) là Nguyễn Huy Vinh nhuận chính, tác phẩm của Nguyễn Huy Quýnh có Dần Phong thi sao (4 quyển), Dần phong văn sao (3 quyển), Quảng Thuận đạo sử tập, Tây Hưng đạo sử(8). Nhưng những tập như Dần Phong thi sao, Dần Phong văn sao, Tây Hưng đạo sử tập hiện vẫn chưa tìm thấy. Về Tây Hưng đạo sử, theo Thái Kim Đỉnh, đây có thể là của Nguyễn Huy Tự, cho đến khi ta tìm ra sách Lai Thạch tân khoa ký(9).

Riêng quyển Quảng thuận đạo sử tập là vẫn còn. Sách hiện đang được tàng trữ ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm(10) do Nguyễn Huy Chương (thường gọi là ông Đề Chương) thuộc thế hệ thứ 15 họ NHTL sao chép lại. Theo ghi chép của các bác trong họ(11), ông còn có tập Nam phương dư địa chí. Có thể các ông lầm quyển Quảng Thuận đạo sử tập với Nam Phương dư địa chí là một chăng?

Qua bài Mã thượng cẩm ký của Thạch Động Phạm Nguyễn Du, ta còn biết ông khi làm Tri huyện có gửi cho Phạm Nguyễn Du “vài mươi bài sáng tác”. Ngoài ra, trong một số bức thư Phạm Nguyễn Du gửi Nguyễn Huy Quýnh cũng nói Nguyễn Huy Quýnh sáng tác nhiều thơ văn gửi cho ông(12). Tương truyền, Nguyễn Huy Quýnh còn có bài thơ khá dài kể lại quá trình 6 lần dự thi “Lục thứ đình thi”. Nhưng cho đến nay, những tác phẩm như thế vẫn chưa tìm thấy.

Như vậy, gần như những tập sách gốc của Nguyễn Huy Quýnh theo ghi chép của Hành trạng Nguyễn công hiện đã thất truyền. May mắn là, theo thời gian, các tác phẩm của Nguyễn Huy Quýnh và các thông tin có liên quan được tìm thấy ngày một nhiều thêm, dày dặn thêm, góp phần làm hiện rõ lên gương mặt Nguyễn Huy Quýnh như một tác giả Hán Nôm thế kỉ XVIII đáng chú ý.

Vào những năm 20 của thế kỷ XX, các cụ Lê Thước, Phan Sĩ Bàng đã công bố bài Thác lời gái phường vải phiên âm Nôm gồm 20 câu lục bát và xem Nguyễn Huy Quýnh là tác giả của bài này làm khi trao đổi thơ văn với Nguyễn Du qua bài Thác lời trai phường nón(13). Hơn 20 năm sau, Đào Duy Anh, Hoàng Xuân Hãn đều có về Trường Lưu khảo sát, có nhắc đến Nguyễn Huy Quýnh với bài Thác lời gái phường vải(14). Năm 1995, Thái Kim Đỉnh cũng cho in lại bài Thác lời gái phường vải trong sách Năm thế kỷ văn Nôm người Nghệ(15) dưới tiêu đề Thác lời người con gái phường vải Trường Lưu gửi người con trai phường nón Tiên Điền với lời khẳng định khá chắc chắn rằng tác phẩm này là của Nguyễn Huy Quýnh. Bản thân chúng tôi, cùng với Nguyễn Thạch Giang cũng đã có những khảo cứu để khẳng định thêm điều này(16).

Năm 1981, trong cuốn Từ trong di sản(17), Hoàng Lê đã giới thiệu một trích đoạn bài Tựa Tây hỗ mạn hứng do Nguyễn Huy Quýnh đề tựa. Năm 1984, ông lại cho công bố bài tựa này trong cuốn Thơ văn Ninh Tốn(18). Kể từ đó, bài tựa được khá nhiều công trình trích dẫn khi nghiên cứu về quan niệm thơ văn cổ trung đại Việt Nam.

Đến năm 1994, trong cuốn Phan Kính con người và sự nghiệp do Vũ Ngọc Khánh và Chương Thâu biên soạn(19), có tư liệu liên quan đến Nguyễn Huy Quýnh: Ông là tác giả 2 bài thơ đề được Phan Kính (1715 - 1761) họa lại.

Tiếp đó, Lại Văn Hùng trong luận án Tiến sĩ Ngữ văn Khảo sát văn nghiệp dòng họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu (sau công bố thành sách chuyên khảo Dòng văn Nguyễn Huy ở Trường Lưu) [1998, 2000](20) và bài Tác giả Nguyễn Huy Quýnh với mười bài thơ họa thập cảnh Quan Lan sào (2003)(21), rồi Tìm hiểu quan niệm và sự hình thành dòng văn trong văn học Việt Nam (thế kỉ XVIII nửa đầu thế kỉ XIX) (2005)(22) đã lần lượt trình ra danh mục các tác phẩm hiện còn của Nguyễn Huy Quýnh gồm: Quảng Thuận đạo sử tập, Thác lời người con gái phường vải, 10 bài thơ họa cảnh Quan Lan sào, một vài đoạn trích tấu, khải. Lại Văn Hùng cũng tỏ ra nghi ngờ việc Phan Kính có họa thơ Nguyễn Huy Quýnh vì: Phan Kính mất năm 1761, trong khi Nguyễn Huy Quýnh được cử làm Giám khảo ở Thanh Hoa năm 1779. Nhưng theo chúng tôi, việc Phan Kính họa thơ Nguyễn Huy Quýnh vẫn có thể xảy ra, bởi lẽ, trong đời, có thể Nguyễn Huy Quýnh không chỉ làm Giám khảo một lần, ở một nơi. Ngay cả khi chưa đỗ đạt, ông vẫn có thể được cử đi làm Giám khảo ở các nơi khác. Trường hợp bạn ông là Thạch Động Phạm Nguyễn Du, chưa đỗ đạt nhưng vẫn được nhà chúa tin cậy, giao cho việc ra đề và chấm thi(23). Dẫu sao, thông tin này cũng cho thấy Nguyễn Huy Quýnh có sáng tác thơ để có người họa lại.

Đến năm 2010, Nguyễn Thanh Tùng qua khảo sát các thư tịch Hán Nôm đã phát hiện thêm một số tác phẩm của Nguyễn Huy Quýnh, gồm: 4 bài thơ (hoặc nguyên vẹn hoặc trích đoạn) trong Nguyễn thị gia tàng, 2 bài thơ trong gia phả dòng họ Nguyễn Huy; 18 lời bình thơ trong Tây hỗ mạn hứng của Ninh Tốn; 1 bài trướng; 1 bài văn thi Hội (Nguyễn Huy Quýnh đỗ thứ 5); 3 đoạn “khải” chép trong bản Hành trạng (Nguyễn thị gia tàng). Ngoài ra, Nguyễn Thanh Tùng cũng phát hiện thêm bài tựa Tây Hưng đạo sử tập do Thạch Động Phạm Nguyễn Du đề. Bài tựa cho thấy rõ tác giả Tây Hưng đạo sử tập là Nguyễn Huy Quýnh. Qua bài tựa này, chúng ta cũng biết đại khái, Tây Hưng đạo sử là một tập ghi chép về địa dư, phong tục, nhân vật và thơ văn.

Tổng hợp lại, tác phẩm Nguyễn Huy Quýnh hiện còn bao gồm:

1. Thơ: Về thơ chữ Hán, Nguyễn Huy Quýnh còn 16 bài thơ, cụ thể là: Mười bài họa Quan Lan thập vịnh của Ngô Thì Sĩ, 2 bài thơ tặng anh là Nguyễn Huy Cự và cháu Nguyễn Huy Tiêu, 2 bài cảm tác chép trong Hành trạng, hai bài thơ mừng anh là Nguyễn Huy Oánh về trí sĩ và thượng thọ. Về thơ chữ Nôm, ông hiện còn bài Thác lời người con gái phường vải Trường Lưu gửi người con trai phường nón Tiền Điền.

2. Văn: Nguyễn Huy Quýnh có các tác phẩm: Bài văn sách thi Hội năm Nhâm Thìn (1772), bài tựa Tây hỗ mạn hứng (Ninh Tốn), 18 lời bình các bài thơ trong Tây hỗ mạn hứng (Ninh Tốn), bài trướng mừng Nguyễn Huy Oánh sang tuổi 71 và 3 đoạn trích các bài khải trong Hành trạng.

3. Địa dư: Quảng Thuận đạo sử tập, tác phẩm này đã được Trịnh Khắc Mạnh giới thiệu(24), Tây Hưng đạo sử tập (hiện chưa tìm thấy chỉ còn bài tựa của Phạm Nguyễn Du).

Như vậy, với chừng đó thơ, văn, tác phẩm đã sưu tầm được, Nguyễn Huy Quýnh xứng đáng được coi là một trong các tác giả Hán Nôm lớn thế kỷ XVIII. Giá trị một số tác phẩm đã được các nhà nghiên cứu uy tín, như: Lê Thước, Phan Sĩ Bàng, Hoàng Xuân Hãn, Đào Duy Anh, Thái Kim Đỉnh, Lại Văn Hùng, Trịnh Khắc Mạnh, v.v… khẳng định. Giá trị các tác phẩm mới được phát hiện cũng như tổng thể văn nghiệp của Nguyễn Huy Quýnh đến đâu, chúng tôi rất trông đợi ở các nhà nghiên cứu quan tâm. Đặc biệt trong Quảng Thuận đạo sử tập Nguyễn Huy Quýnh có nhiều lần nói về các đội thuyền của ngư dân đảo Lý Sơn ra tìm kiếm sản vật ở Hoàng Sa.

Chú thích

(1)Thái Kim Đỉnh: Về bộ ván khắc của “Thạc Đình tàng bản” lưu giữ tại nhà thờ họ Nguyễn Tràng Lưu. Tạp chí Hồng Lĩnh, số 33 tháng 8 năm 2006, tr.95-98.

(2)Nguyễn Huy Hào: Hành trạng Nguyễn Huy Quýnh, trong sách Nguyễn thị gia tàng, tài liệu Hán Nôm, bản dịch của Lê Hữu Nhiệm, tài liệu đánh máy, H. 1996.

(3)Quốc sử quán triều Nguyễn: Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Nxb. Giáo dục, H. 1998.

(4)Tờ sắc năm 1767 phong tặng cho Nguyễn Huy Tựu, tư liệu dòng họ Nguyễn Huy.

(5)(6) Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí, 2 tập Nxb. Giáo dục, H. 2007, tr.569.

(7) Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí, Sđd, tr.557.

(8) Nguyễn Huy Vinh: Nguyễn thị gia tàng, Dòng họ Nguyễn Huy tàng bản, tài liệu Hán - Nôm, bản dịch của Lê Hữu Nhiệm, tài liệu đánh máy, H. 1996.

(9) Thái Kim Đỉnh: Bài Tựa trong Truyện Hoa Tiên, Hà Tĩnh 1993.

(10) Nguyễn Huy Quýnh, Nguyễn Huy Chương: Quảng Thuận đạo sử tập, kí hiệu VHv.1375, Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

(11) Nguyễn Huy Bút, Nguyễn Huy Báu: Tập soạn về công đức tổ tiên, tài liệu đánh máy, 1976.

(12) Phạm Nguyễn Du: Thạch Động văn sao, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu VHv.84/1-2. Bản dịch của Nguyễn Thanh Tùng.

(13) Phan Sĩ Bàng, Lê Thước: Truyện cụ Nguyễn Du tác giả truyện Thúy Kiều, Hà Nội 1924.

(14) Hoàng Xuân Hãn: “Nguồn gốc Truyện Kiều”, Tạp chí Thanh Nghị, số Xuân, 2-1943.

(15) Thái Kim Đỉnh: Năm thế kỷ văn Hán Nôm người Nghệ, Nxb. Nghệ An, 1995.

(16) Nguyễn Thạch Giang, Nguyễn Huy Mỹ: “Một số ý kiến về hai bài Văn tế sống hai cô gái Trường Lưu…”, Tạp chí Hán Nôm, số 2-1991.

(17) Từ trong di sản…Nguyễn Minh Tấn chủ biên, Nxb. Tác phẩm mới, H. 1981.

(18) Thơ văn Ninh Tốn. Hoàng Lê chủ biên, Nxb. KHXH, H. 1984.

(19) Vũ Ngọc Khánh, Chương Thâu: Phan Kính con người và sự nghiệp, Nxb. KHXH, H. 1994.

(20) Lại Văn Hùng: Dòng văn họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu, Nxb. KHXH, H. 2000.

(21) Lại Văn Hùng: Tác giả Nguyễn Huy Quýnh và mười bài thơ họa thập cảnh Quan Lan sào, Tạp chí Hán Nôm, số 4 (59) - 2003, tr.33-43.

(22) Trần Thị Băng Thanh, Lại Văn Hùng: Tìm hiểu quan niệm và sự hình thành dòng văn trong văn học Việt Nam (thế kỉ XVIII - đầu thế kỉ XIX), Nxb. Hội Nhà văn, H. 2005.

(23) Phạm Đình Hổ: Vũ trung tùy bút, Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến dịch, Nxb. Văn học, H. 1988.

(24) Trịnh Khắc Mạnh: Khảo sát tài liệu Hán Nôm về dư địa chí hiện lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Tạp chí Hán Nôm, số 3 (94) - 2009, tr.11-28./.

(Tạp chí Hán Nôm, số 6 (115) 2012; tr.69 - 77)

In
Các tin khác:

VIỆN NGHIÊN CỨU HÁN NÔM  - VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
Địa chỉ: 183 Đặng Tiến Đông - Đống Đa - Hà Nội
Tel: 844. 38573194 - Fax: 844 38570940
Email:
vienhannom@gmail.com
Người chịu trách nhiệm: TS.Nguyễn Tuấn Cường
Lượt truy cập: