Ảnh minh họa

 

¨ Là Thư viện của một viện nghiên cứu chuyên ngành được xây dựng trên nền tảng của tổ Tư liệu (thành lập ngay sau khi Ban Hán Nôm ra đời năm 1970), và sau này là phòng Thông tin-Tư liệu-Thư viện. Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm có vốn tài liệu tuy khiêm tốn, nhưng lại rất đa dạng và phong phú về mặt chủng loại. Vốn tài liệu của Viện Nghiên cứu Hán Nôm hiện có, được hình thành từ 2 nguồn chính: 1) Mua trực tiếp của nhà nước, mua lại của các thư viện tư nhân, qua con đường trao đổi, biếu tặng; 2) Tiếp nhận nguồn tài liệu Hán Nôm của Trường Viễn Đông bác cổ để lại, do Viện Thông tin KHXH chuyển giao vào năm 1980. Hiện tại vốn tài liệu của Viện Nghiên cứu Hán Nôm bao gồm:

 Ảnh minh họa

Trao đổi nghiệp vụ thư viện

Tài liệu tra cứu, tham khảo (gồm tiếng Việt và các ngôn ngữ khác): 17.000 đơn vị sách, bản đồ và trên 7.000 đơn vị tạp chí các loại.

Tài liệu Hán Nôm bao gồm: Kho sách tổng hợp có khoảng 20.000 đơn vị; Kho thác bản văn khắc có trên 48.000 đơn vị; Kho ván khắc in cổ khoảng 20.000 đơn vị.

Số lượng độc giả đến với Thư viện không thật nhiều, nhưng hầu hết đều là những nhà nghiên cứu, những học giả trong và ngoài nước quan tâm đến lịch sử văn hoá Việt Nam; bên cạnh đấy cũng ưu tiên phục vụ sinh viên năm cuối chuyên ngành Hán Nôm đến chuẩn bị tư liệu để viết luận văn tốt nghiệp.

Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm mở cửa phục vụ độc giả tất cả các ngày làm việc trong tuần theo giờ chính quyền (trừ chiều thứ Sáu, Thư viện đóng cửa để làm công tác nghiệp vụ).

Hình thức phục vụ: chỉ phục vụ bạn đọc ngoài viện tại phòng đọc của Viện, không có chế độ mượn về nhà. Đối với những tài liệu Hán Nôm, độc giả sử dụng bản chụp và tài liệu đã số hoá, hạn chế độc giả tiếp xúc với bản gốc. Khi độc giả có nhu cầu sao chụp tài liệu, phải được sự đồng ý của lãnh đạo Viện. Mọi nhu cầu về thông tin có thể thực hiện qua điện thoại hoặc Email (thư điện tử).

Sản phẩm thông tin: với sự đầu tư tài chính có hạn, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã từng bước chuyển từ phục vụ thủ công sang tự động hoá các hoạt động của thư viện. Hầu hết vốn tài liệu và các tư liệu chuyên ngành của Viện đã được quản lý ở trên máy với các CSDL sau đây:

1. TVHN: Quản lý toàn bộ vốn tài liệu hồi cố tiếng Việt, với 5.266 biểu ghi
         2. Smoi: Quản lý tài liệu mới nhập về, với 673 biểu ghi
         3. KSHN: Quản lý sách Hán Nôm các loại, với 10.635 biểu ghi
         4. NVDD: Giới thiệu về các nhà khoa bảng Việt Nam thời phong kiến, với 3.126 biểu ghi
         5. TTan: Quản lý các bài trích trong tạp chí Tri Tân thuộc lĩnh vực Hán Nôm, với 302 biểu ghi
         6. TCHN: Quản lý các bài trích trong Tạp chí Hán Nôm (từ khi thành lập cho đến nay), với 1.328 biểu ghi, cho phép bạn đọc tiếp cận với thông tin thuộc lĩnh vực nghiên cứu Hán Nôm theo nhiều chiều khác nhau
         7. Tmục: Quản lý bài trích trong các tạp chí chuyên ngành có liên quan đến lĩnh vực Hán Nôm, như Tạp chí Văn học, Tạp chí nghiên cứu Lịch sử, Tạp chí Văn hoá dân gian, … với 2.895 biểu ghi

Thư viện đang xây dựng các CSDL để quản lý vốn thông tin khoa học nội sinh, như: HPCD (quản lý các tư liệu điều tra điền dã của cán bộ trong Viện trong nhiều năm qua) và LALV (quản lý luận án, luận văn) và TDTH (giúp tra cứu về tên tự, tên hiệu của các nhân vật lịch sử và các tác gia Hán Nôm).

Thư viện đã phối hợp với Tạp chí Hán Nôm vừa hoàn thành việc đưa Tạp chí Hán Nôm toàn văn lên mạng để phục vụ nhu cầu nghiên cứu và khai thác của bạn đọc trong và ngoài nước trong bối cảnh hội nhập và giao lưu văn hoá.

 Ảnh minh họa

 Đọc sách Hán Nôm

Thư viện cũng vừa hoàn thành việc biên soạn cuốn Tổng mục lục Tạp chí Hán Nôm (1984-2005): giới thiệu 1.328 bài viết và tin tức thuộc lĩnh vực nghiên cứu Hán Nôm, bao quát nhiều chủ đề khác nhau với hệ thống bảng tra phong phú.

Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã và đang tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động nghiệp vụ của mình để phục vụ bạn đọc ngày một hiệu quả hơn. Điều đó cũng đòi hỏi những người làm công tác thông tin-tư liệu-thư viện ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm phải nỗ lực, phấn đấu, cập nhật, phát triển và hoàn thiện kiến thức mới để đáp ứng nhu cầu của bạn đọc trong điều kiện và hoàn cảnh mới.

 

VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM - VIỆN NGHIÊN CỨU HÁN NÔM

Địa chỉ: 183 Đặng Tiến Đông - Đống Đa - Hà Nội
Tel: 84 24. 38573194 - Fax: 84 24 38570940
Email:vienhannom@gmail.com
Người chịu trách nhiệm: PGS.TS.Nguyễn Tuấn Cường
Lượt truy cập: