LÀNG LA CẢ - BỀ DÀY VĂN HÓA QUA TƯ LIỆU HÁN NÔM Bùi Xuân Đính Viện Dân tộc học I- LA CẢ - LÀNG QUÊ VĂN HIẾN 1- Diên cách Làng La Cả (tên Nôm là Kẻ La) nay thuộc xã Dương Nội, huyện Hoài Đức tỉnh Hà Tây, nằm trong vùng “Bảy làng La ba làng Mỗ” ở phía tây thành Thăng Long xưa. Căn cứ vào tấm bia Hoa Nghiêm tự bi lập năm Sùng Khang thứ 10 (1575) hiện còn lưu ở chùa Hoa Nghiêm của làng thì từ xa xưa, La Cả là một làng lớn, đến cuối thời Lê sơ, đầu thời Mạc, chia thành 2 làng La Nội và Ỷ La. Vào đời Sùng Khang nhà Mạc, hai làng phát triển thành 2 xã với hội đồng kỳ mục và chức dịch riêng. Tuy vậy cả 2 làng vẫn là một khối thống nhất với đình chung, chùa quán chung, thành hoàng chung, hương ước, lệ tục chung và đặc biệt là cùng chung tổ chức lễ hội làng năm(1). Cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn, làng La Cả (gồm 2 làng con, cũng là 2 xã La Nội và Ỷ La) thuộc tổng La Nội, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oi, trấn Sơn Tây. Năm 1831, thuộc phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội, đến năm 1888 thuộc tỉnh Cầu Đơ (năm 1904 đổi thành tỉnh Hà Đông). Dân làng sống chủ yếu bằng nghề làm ruộng và dệt the lụa. The La Cả là thứ the nổi tiếng, đi vào ca dao. 2. Bề dày văn hóa La Cả từ xưa nổi tiếng là vùng quê có truyền thống hiếu học và khoa bảng, là một trong “tứ danh hương” của huyện Từ Liêm xưa(2). Theo các nguồn tài liệu thì làng có 7 người đỗ đại khoa qua các kỳ thi của Nhà nước phong kiến. 1- Tạ Tử Điền (hay Tạ Tử Chân): Đệ Tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân, khoa thi Mậu Thìn đời Lê Nhân Tông (1448), làm quan tới chức Tham chính. Năm 1442, ông đi sứ Trung Quốc. 2- Nguyễn Tử Mỹ: Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân, khoa thi Ất Sửu đời Uy Mục Đế (1505), khi 22 tuổi, làm quan tới chức Chưởng Hàn lâm viện sự. 3- Bùi Hưng Vận (hay Bùi Hưng Tạo): Hoàng giáp khoa thi Đinh Mùi triều Mạc Phúc Nguyên (1547), khi 39 tuổi, làm Giám sát Ngự sử. 4- Đặng Công Mậu: Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân, khoa thi Tân Sửu niên hiệu Bảo Thái (1721), lúc 34 tuổi, giữ nhiều chức vụ trong triều, ông đã có lần đi sứ Trung Quốc (xem mục Nhà thờ họ Đặng ở phần sau). 5- Dương Nguyên Huống: Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân khoa thi Nhâm Thìn, niên hiệu Cảnh Hưng (1772) lúc 35 tuổi. 6- Dương Đăng Dụng: Phó bảng khoa thi Mậu Tuất đời Minh Mạng (1838), làm Đồng Tri phủ. 7- Dương Công Bình: Phó bảng khoa thi Mậu Tuất đời Minh Mạng (1838), làm Đồng Tri phủ. Ngoài ra, làng có 44 người đỗ Hương cống, Cử nhân; còn Sinh đồ, Tú tài thì rất nhiều. Qua bao thế kỷ, đến nay làng vẫn còn bảo lưu được một hệ thống các di tích với nhiều tư liệu Hán Nôm quý, phản ánh nét văn hiến của làng. Dưới đây xin giới thiệu một số di tích chính. II. BỀ DÀY LỊCH SỬ VÀ VĂN HÓA LÀNG LA CẢ QUA CÁC DI TÍCH VÀ TƯ LIỆU HÁN NÔM 1. Đình làng La Cả: là một đình lớn, gồm 7 gian, 2 dĩ, chu vi cột cái tới 192 cm. Phần bên trái do làng Ỷ La dựng năm Minh Mạng thứ 9 (1828), căn cứ vào các hàng chữ được khắc trên các bảng đình. Trong đình hiện còn 4 hoành phi, 6 đôi câu đối ca ngợi công đức thành hoàng làng. 2. Quán La Cả: Ở xóm Đằng Giếng (làng La Nội), kiến trúc kiểu chữ “Tam” với bộ vì kèo đơn giản. Quán được chữa lại vào năm Ất Hợi đời Bảo Đại (1935). Quán là nơi thờ chính của thành hoàng. Tại đây còn lưu giữ một số tài liệu Hán Nôm sau: 2a - 4 Hoành phi, 10 đôi câu đối ca ngợi công đức thành hoàng. 2b- Thần phả: có 14 tờ (28 trang) bằng giấy dó vàng cứng, song chỉ có 7 tờ (14 trang có chữ). Bốn tờ đầu, mỗi trang có 12 dòng bình quân mỗi dòng có 22 chữ. Ba tờ sau mỗi tờ có 6 dòng x 18 chữ. Chữ chân phương, dễ đọc. Văn bản được sao vào ngày tốt, mùa thu năm Thành Thái thứ 6 (1894), trên cơ sở các bản gốc của Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính và Nguyễn Hiền. Nội dung nói về công tích thành hoàng là Đương Cảnh Công - một bộ tướng của Hùng Duệ Vương có công diệt hổ ác cứu dân. 2c-22 Đạo sắc của các triều vua phong kiến ban cho Đương Cảnh Công. Đạo sớm nhất vào năm Vĩnh Thọ thứ 3 (1660), đạo muộn nhất năm Duy Tân thứ 3 (1909). Đáng lưu ý có đạo sắc năm Quang Trung thứ 5 (1792) và đạo năm Cảnh Thịnh nguyên niên (1793). Các sắc phong đều ghi rõ Đương Cảnh Công là “Đô đốc Linh ứng đại vương”. 2d- La Nội, Ỷ La nhị xã lưu truyền khu hổ lang tích, chữ Nôm, chép năm Long Đức thứ 3 (1734). Nội dung ghi rõ các nghi thức của lễ “đánh biệt” hay lễ vây hổ, diễn lại sự tích dân làng theo thành Đương Cảnh Công diệt trừ hổ ác trong kỳ hội làng hàng năm. Cùng với truyền thuyết, thần phả, các câu đối ở đình và quán, các lễ thức được ghi trong văn bản này góp phần chứng minh hội Giã La là hội vây hổ, không phải là hộ có yếu tố phồn thực như dân gian và cả một số nhà nghiên cứu ngộ nhận(3). 3- Chùa Hoa Nghiêm (hay chùa Cả): là chùa chung của hai làng La Nội và Ỷ La, nằm sát đình. Đây là một chùa cổ, dấu tích Mạc còn rất rõ nét. Trong chùa còn nhiều văn bản Hán Nôm quý: 3a- 8 hoành phi, 9 câu đối ca ngợi cảnh chùa và Phật. 3b- Chuông đồng Hoa Nghiêm tự chung với kích cỡ lớn; đường kính miệng đáy 102 cm, cao 134 cm, nếu tính cả phần quai thì chuông cao tới 180 cm. Chuông được đúc ngày 16 tháng 3 năm Kỷ Hợi đời vua Minh Mạng (1839). Nội dung nói về việc đúc lại chuông. Bài minh do Phó bảng Dương Đăng Dụng, người làng Ỷ La soạn. 3c- 11 tấm bia, trong đó phần lớn là bia hậu, 5 bia bị mờ không đọc được hoặc không rõ niên đại vì bia bị gắn vào tường. Trong số này có 4 tấm bia có niên đại sớm: - Hoa Nghiêm tự bi: Khắc ngày 20 tháng 5 năm Sùng Khang thứ 10 (1575), nội dung nói về việc trùng tu thượng diện chùa. Bia này đã được Đinh Khắc Thuân giới thiệu trong sách Văn bia thời Mạc(4). - Các bia hậu có niên địa Đức Long 9 (1630), Chính Hòa 13 (1692), Cảnh Hưng 7 (1746). Ngoài ra, trong chùa còn có một chiếc khánh niên hiệu Cảnh Thịnh của chùa Bạch Lễ chuyển vào. Khánh này chúng tôi đã giới thiệu trong Những phát hiện mới về khảo cổ học 1994(5). 4- Văn chỉ La Nội: ở cạnh trường Trung học cơ sở, hiện còn 5 bia: 4a- Tiên hiền tọa: Khắc ngày tốt tháng 11 tháng 11 năm Vĩnh Thịnh thứ 6 (1710), ngoài các hàng chữ này không có chữ nào khác. 4b. Bia không có tiêu đề, ở bên phải bia “Tiên hiền tọa”, khắc tên và khoa thi của 3 vị đỗ đại khoa là Nguyễn Tử Mỹ, Bùi Hưng Vận và Đặng Công Mậu. Bia lập năm Quý Mùi niên hiệu Minh Mạng (1823). 4c- Bia không tiêu đề, ở cùng phía với bia 4b, khắc ngày 11 tháng 6 năm Khải Định thứ 3 (Mậu Ngọ 1918), ghi tên Phó bảng Dương Công Bình cùng khoa thi với ông. 4d- Bia không niên đại, ở bên trái “Tiên hiền tọa”, đối diện với bia 4b, đơn vị hành chính ghi trong bia là “Quốc Oai phủ” chứng tỏ bia được dựng trước năm 1831. Nội dung khắc tên những người đỗ tam trường. Bia bị mờ khá nhiều. 4e- Bia đối diện với bia 4d, 4b. Tình trạng bia và niên đại bia cũng như trên. Nội dung khắc tên những người đỗ tứ trường. 5- Văn chỉ Ỷ La Ở cách đình khoảng 300m về phia nam, hiện còn 3 bia: 5a- Bia “Tiên hiền tọa”: khắc ngày tốt tiết mạnh hạ (tháng 4) năm Tân Mão đời Vĩnh Thịnh (1711). 5b- “Lịch đại khoa danh”: ở bên phải bia “Tiên hiền tọa”, lập ngày tốt tháng 9 năm Nhâm Tuất niên hiệu Tự Đức (1862), ghi lên những người đỗ tam trường, bia bị mờ khá nhiều. 5c. “Lịch địa khoa danh”: đối diện với bia 5b, khắc năm Kiến Phúc nguyên niên (1884), ghi tên những người đỗ tam trường. Bia bị mờ khá nhiều. 6- Bia “Khai khoa” Gọi theo cách gọi của dân làng vì bia không có tiêu đề, ở cách đình khoảng 300m. Đây là nơi thờ ông Nguyễn Khoa Đệ, dân làng quen gọi là “Cụ Khai Khoa”. Bia có niên đại ngày 2 tháng 5 năm Cảnh Hưng thứ 45 (1784). Nội dung nói về việc ông Nguyễn Xuân Đệ người làng Ỷ La có công mở lại đường khoa cử cho tổng La Nội. Thời Lê Trung Hưng, tổng La Nội bị cấm thi (?). Một lần, ông Đệ mang the ra phố Hàng Đào bán, đi qua Văn Miếu, thấy học trò đang thi. Ông liền vào xem, thấy quan giám khảo ra đầu bài sai, liền bảo các quan. Các quan bảo ông chữa lại đề. Ông Đệ đã chữa lại và sau đó đã làm bài văn hay theo đầu đề trên. Quan giám khảo thấy vậy hỏi: “Học giỏi thế sao không đi thi?”. Ông Đệ trả lời, tại cả tổng La từ thời Lê Trung Hưng bị cấm thi. Quan bèn tâu việc đó lên vua. Vua ra lệnh bãi bỏ lệnh cấm thi đối với tổng La Nội. Sau đó ngay trong kỳ thi được phép trở lại, tổng La có 17 người đỗ Hương cống. Từ sau đó, dân trong tổng biết ơn ông Nguyễn Xuân Đệ, tôn ông là “Khai Khoa”, lập bia thờ, hàng năm cứ đến ngày Xuân tế, hàng tổng phải đến tế ông tại bia này. 7- Nhà thờ Thánh sư nghề dệt. Ở cạnh chùa Hoa Nghiêm, hiện còn 3 bia: 7a- Bia về việc lập “Lăng La phường” hay “phường Tứ Giáp” - tổ chức nghề nghiệp của những người làm nghề dệt trong làng. Bia không có tiêu đề, không ghi niên đại nhưng có ghi đơn vị hành chính là “Quốc Oai phủ”, chứng tỏ được dựng trước năm 1831. 7b- Bia tổ sư nghề dệt: bia không ghi niên đại nhưng có ghi đơn vị thành chính là “Hà Đông tỉnh” chứng tỏ được lập sau năm 1904. Nội dung nói về lai lịch tổ sư nghề dệt của làng la là ông Lý Khắc Liêm, quê ở xã Tân Hưng, huyện Long Khê, tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc), cuối đời Minh di cư sang nước ta, cùng với anh em ông Lý Ngã Bích, Lý Khắc Quý truyền nghề cho dân vùng Bưởi, Yên Thái và làng La Cả. 7c- Bia “Tạo lệ”, lập ngày tốt tháng giêng năm Bính Thân, niên hiệu Cảnh Hưng (1776), nói về thể lệ cúng tế của phường tứ giáp. 8- Nhà thờ họ Đặng Ở thôn Ỷ La, kiến trúc kiểu chữ “nhị”. Căn cứ vào hàng chữ trên bảng thì nhà thờ được dựng ngày tốt tháng 4 năm Minh Mạng thứ 18 (1837). Họ Đặng này vốn là một nhánh của họ Đặng Lung Xá (Chương Mỹ), gốc xa xưa là họ Trần Tức Mặc (Nam Hà), ngoài ra còn có các chi phái ở Phù Đổng (Gia Lâm, Hà Nội), Thượng Yên Quyết (Từ Liêm, Hà Nội), Chi phái họ Đặng ở La Cả đã sinh ra Đặng Công Mậu. Tại thời hiện còn lưu giữ một số tài liệu Hán Nôm sau: 8a- 4 Hoành phi, 7 câu đối ca ngợi gia thế dòng họ, trong đó có một đôi về nguồn gốc họ Trần của dòng họ này. Lũy thế Đông A truyền cựu đức Danh tồn Nam sử ấp thanh hương (Gốc gác họ Trần truyền đức cũ Danh lưu Nam sử, tỏa hương thơm) 8b- 6 sắc phong của các triều vua cho Đặng Công Mậu vào các năm Bảo Thái (1727), Vĩnh Hựu 6 (1740), Cảnh Hưng 2 (1741), Cảnh Hưng 3 (1742), Cảnh Hưng 15 (1754), Cảnh Hưng 23 (1762). Ngoài ra còn có 2 sắc phong cho thân phụ Đặng Công Mậu vào các năm Cảnh Hưng 8 (1747). Qua các sắc phong này, ta biết được Đặng Công Mậu đã trải qua nhiều chức vụ trong triều: Cẩn sự lang Kinh Bắc đạo, Giám sát Ngự sử, Hàn lâm viện Thừa chỉ, Hiệp đồng Thái Nguyên đạo, Hồng Lô tự khanh Binh bộ, Công bộ, Hộ bộ Hữu thị Lang. Năm Giáp Tuất 175, ông được phong Thương thư. Năm Quý Mùi 1763, được phong tước Hầu, Đặc tiến kim từ vinh lộc đại phu. 8c- 3 sắc phong cho Đặng Liên (con trai Đặng Công Mậu) vào các năm Cảnh Hưng 7 (1746), Cảnh Hưng 16 (1755), Cảnh Hưng 46 (1785). Đặng Liên đỗ Hương cống, làm Tri phủ Hạ Hồng, Hàn lâm viện Thị thư. 8d- Bia không tiêu đề, khắc ngày 16 tháng 3 năm Cảnh Hưng 18 (1757) do chính Đặng Liên soạn, nội dung nói về việc ông hiến cho làng 14 mẫu ruộng. Ngoài ra còn có tấm bia Tả Phổ Quan tự bi khắc ngày tốt tháng quý thu (tháng 9) năm Minh Mạng thứ 5 (1824). Đây là bia của chùa Thổ Quan (chùa Võ) ở ngoài đồng chuyển vào, do các quan viên họ Đặng và 3 họ khác lập ra. Ngoài ra trong nhà thờ còn có quyển gia phả sao lại về chi nhánh họ Đặng ở La Cả. Đáng lưu ý là có 30 bài thơ của Đặng Công Mậu làm trong các thời kỳ ông làm quan ở các nơi, cả khi đi sứ mà chưa được giới nghiên cứu quan tâm đến. 9- Bia về Phó bảng Dương Công Bình Bia hiện ở nền cũ nhà thờ họ Dương xóm Đằng Giếng thôn La Nội. Bia có tiêu đề Từ đường biệt tự bi ký, khắc ngày tốt tháng 2 năm Tự Đức thứu 21 (1868). Điều đáng lưu ý của tấm bia này là bài văn do Phó bảng Thọ Xương Phương Đình Nguyễn Văn Siêu - bạn học của Dương Công Bình soạn. Nội dung nói về cuộc đời của Dương Công Bình (đỗ đạt, con cái) và việc ông dành ra 1 mẫu ruộng để dân làng giỗ ông vào ngày 20 tháng 6. Ngoài ra, tại nhà ông trường họ Dương còn giữ một bản sắc phong đề ngày 12 tháng 5 năm Cảnh Hưng 14 (1753) phong cho Dương Công Hồng là ông nội của Dương Công Bình là Phấn Lực tương quân vì đã có công dẹp yên giặc giã. Nhận xét 1- Tại làng La Cả hiện còn bảo tồn nhiều di tích với nhiều tư liệu Hán Nôm quý giá, phản ánh những nét tiêu biểu của một làng quê có bề dày truyền thống văn hiến. 2- Tuy nhiên, các di tích trên đây đang bị xuống cấp nghiêm trọng, phần lớn các tư liệu Hán Nôm đang trong tình trạng bị bào mòn, nhất là tư liệu bi ký. Đây là điều mà Đảng bộ, chính quyền địa phương và ngành văn hóa huyện Hoài Đức cần có kế hoạch bảo tồn, tu bổ, vừa để giữ gìn cảnh quan làng, vừa làm tài liệu cho các nhà nghiên cứu về làng La Cả. Chú thích: 1. Xem Bùi Xuân Đính: Làng La Cả trong Hà Tây - làng nghề làng văn, tập II, Sở Văn hóa Thông tin Hà Tây xuất bản, 1994. 2. “Tứ danh hương”: bốn nơi là đất khoa bảng của huyện Từ Liêm: “Nhất Mỗ, nhì La thứ ba Canh Cót”. 3. Bùi Xuân Đính: Từ một văn bản cổ, thử minh oan cho hội “Giã đám làng La”. Những phát hiện mới về khảo cổ học (NPHMVKCH) 1993. 4. Đinh Khắc Thuân: Văn bia thời Mạc, Nxb. KHXH, H. 1996, tr.169-170. 5. Nguyễn Phương Lan và Bùi Xuân Đính: Chiếc khánh Cảnh Thịnh ở chùa Hoa Nghiêm xã Dương Nội (Hoài Đức, Hà Tây), NPHMVKCH, 1994, tr.337. Thông báo Hán Nôm học 1996 ( tr.85-94)
|