Nghiên cứu Hán Nôm >> Năm 2000
46. Một số phát hiện mới qua khảo sát trực tiếp bút tích Hán Nôm hiện còn trong các hang, động, vách núi ở Thanh Hóa (TBHNH 2000)

Cập nhật lúc 13h03, ngày 07/04/2007

MỘT SỐ PHÁT HIỆN MỚI QUA KHẢO SÁT TRỰC TIẾP BÚT TÍCH HÁN NÔM HIỆN CÒN TRONG CÁC HANG, ĐỘNG, VÁCH NÚI Ở THANH HOÁ

HỒNG PHI – HƯƠNG NAO

Thanh Hoá

Mấy năm qua, một nhóm cán bộ đã nghỉ hưu và còn tại chức ở Hồng Phi – Hương Nao, Thanh Hoá, nguyên là giảng viên Hán – Nôm kì cựu ở trường Đại học, hoặc là dịch giả có uy tín một số tác phẩm văn học xưa của nước ta và Trung Quốc…, đã tự nguyện tập hợp nhau lại, thành “Ban phiên dịch Hán Nôm”, để tiến hành sưu tầm, phát hiện và dịch những thư tịch cổ, còn lưu giữ được ở tỉnh Thanh, như: sách vở, gia phả, thần phả, sắc phong, văn bia…

Riêng đối với các bút tích Hán Nôm hiện còn, trong mấy chục hang động, vách núi, nằm rải rác từ miền xuôi đến miền núi ở xứ Thanh, đã chứa đựng một số thông tin khá lý thú và bổ ích. Xin được giới thiệu tóm tắt vài kết quả như sau:

1. XÁC ĐỊNH ĐƯỢC TÁC GIẢ Ở NƯỚC TA CÓ BÚT DANH LÀ “NHẬT NAM NGUYÊN CHỦ”

Vào năm 1996, trong chuyến đi thực địa tới xã Cẩm Vân, huyện miền núi Cẩm Thuỷ, chúng tôi phát hiện một cái động, mà nhân dân địa phương gọi là hang Màu, có một số bút tích chữ Hán khắc trên vách đá. Đáng chú ý là mấy chữ Hán cỡ lớn (đại tự): “Cẩm Vân” và “Trí Diệu”, nét chữ còn khá rõ và một bài thơ, làm theo thể Đường luật. Dưới bài thơ thấy ghi: “Nhật Nam nguyên chủ đề”, “Canh Dần trọng đông”, “Thần Cao Bắc phụng tả”.

Trong các tác phẩm: “Hoàng Việt địa dư chí”, “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú (1782-1840)(1), “Thanh Hoá kỉ thắng của Hoàng Mậu và Lê Bá Đằng(2), “Trịnh gia chính phả” của Trịnh Như Tấu(3), đều thấy chép bài thơ này và cho biết tác giả là chúa Tĩnh vương Trịnh Sâm (1737-1782), đề ở động Diệu Sơn, huyện Cẩm Thuỷ, Thanh Hoá.

Sách: “Đại Nam nhất thống chí” của triều Nguyễn ở thế kỉ XIX, đã cho biết thêm, núi Diệu Sơn, thuộc xã Quan Bằng, huyện Cẩm Thuỷ, có động, trong động khắc 2 chữ lớn: “Cẩm Vân” và ở cửa động 2 chữ: “Trí Diệu”(4).

Nhờ vậy, nên đã xác định được hang Màu là động Diệu Sơn và tác giả bài thơ chữ Hán có bút danh là: “Nhật Nam nguyên chủ” chính là chúa Trịnh Sâm, một vị chúa Việt Nam hay chữ, có nhiều thơ đề trên đá (Thạch thi)(5).

Tham khảo sách: “Đại Việt sử ký tục biên (1676-1789), thấy chép: “Năm Canh Dần, chúa Trịnh Sâm vào phía Tây, tuần hành xứ Thanh Hoá, sửa lăng miếu, xem núi sông, coi trấn ở, xét quan lại, thăm hỏi ẩn tình của dân, khen thưởng các quân, đến tháng 2 về kinh…”(6). Vậy bài thơ đề ở động Diệu Sơn nói trên, được chúa Trịnh Sâm sáng tác vào tháng 11 (Trọng đông), năm Canh Dần, tức tháng 12 năm 1770, trong dịp chúa tuần xứ Thanh Hoa.

So sánh nội dung bài thơ khắc trên đá với bài chép trong các sách, chúng tôi thấy có mấy chỗ khác nhau như sau: ở câu 1, trên đá thấy khắc chữ “Tạc”, trong sách ghi chữ “Thạch”. Câu 2, trên đá khắc chữ “Thử”, trong sách ghi là “Thế”. Còn ở câu cuối, trên đá khắc chữ “Thu quát”, thì trong sách chép là “Thu thập”. Vậy xin ghi lại để tham khảo.

2. XÁC ĐỊNH ĐƯỢC TÁC GIẢ 4 ĐẠI TỰ “THANH KÌ KHẢ ÁI” Ở ĐỘNG HỒ CÔNG

Động Hồ Công nằm trên ngọn núi Xuân Đài, thuộc xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Lộc là một thắng cảnh nổi tiếng, được nhiều sách vở xưa ghi chép, ca ngợi là: “Động đệp nhất trong 36 động ở phương Nam” (Đại Nam nhất thống chí).

Hiện nay, trên vách động còn thấy có đến 20 bút tích của vua, chúa, danh nho của nước ta, từ thế kỷ XV đến đầu thế kỷ XX. Đặc biệt, trên đường đi tới động, có 4 chữ Hán: “Thanh kì khả ái”, khắc trên một tảng đá tự nhiên, mỗi chữ rộng chừng 0,15m. Từ trước đến nay, nhân dân địa phương vẫn cho rằng đây là bút tích của vua Lê Thánh Tông (1442-1497). Mới dây vô tuyến truyền hình Việt Nam cũng đã nhất trí với ý kiến trên, khi giới thiệu về 4 đại tự đó: Còn bản dịch tác phẩm: “Hoàng Việt thi văn tuyển”, do nhà xuất bản Văn Hoá Hà Nội ấn hành năm 1958, thì lại chú thích rằng, đấy là bút tích của chúa Trịnh Tùng (1548-1623) và dịch nghĩa 4 chữ “Thanh kì khả ái” là : “Xanh lạ đáng yêu”!

Vào năm 1998, trong dịp đến tìm hiểu các bút tích Hán Nôm ở động Hồ Công, chúng tôi thấy ở trước cửa động, phía trên cao, có khắc nhiều chữ Hán, nhưng đã bị rêu phong che phủ. Sau khi bắc thang trèo lên tận nơi, cọ rửa hết lớp rêu phủ ngoài, thì thấy một số chữ Hán, có nội dung sau:

Phiên âm: “Ngã Ái Châu hưng vượng chi địa, sơn xuyên kì ái. Tạc nhân bái yết Sơn lăng, viên phỏng tiên nham nhận cổ xát, vân bình phiêu diêu (?) chân thị Hồ Thiên nhất đại thắng, khái hứng thành thất ngôn chấp luật nhất thủ tịnh (?). Đặc thư “Ngọc Hồ” nhị tự, “Thanh kì khả ái” tứ tự mệnh khắc vu thạch vân”.

Dịch nghĩa: “Châu Ái ta đất hưng vượng, núi sông nhiều nơi kì lạ đáng yêu. Hôm qua, ta nhân đi bái yết Sơn lăng, đến thăm núi Tiên, nhận ra ngôi chùa cổ. Bức bình phong mây lung linh, quả là một “Bầu trời” vô cùng đẹp, bỗng cao hứng viết một bài thất ngôn Đường luật. Đặc biệt viết 2 chữ “Ngọc Hồ” và 4 chữ “Thanh kì khả ái”, sai người khắc vào đá”.

Phía dưới phần đề từ trên, là một bài thơ thất ngôn bát cú. Nhưng trong kháng chiến lần thứ nhất, máy bay Pháp ném bom trước cửa động, làm mất 16 chữ, nay không thể đọc được. Dưới bài thơ thấy ghi: “Nhật Nam nguyên chủ đề. Canh Dần, tiểu xuân”, “Thần Cao Bác phụng tả”.

Qua nội dung bút tích trên ở động Hồ Công, chúng ta đã xác định được chúa Trịnh Sâm là tác giả 4 đại tự “Thành kì khả ái” (ở trên đường đi tới động” và 2 đại tự “Ngọc Hồ” (ở trong động, hiện vẫn còn). Các đại tự trên được khắc vào năm 1770 và nghĩa các chữ “Thanh kì khả ái” vừa có nghĩa là (“Thanh kì khả ái”, vừa có nghĩa là “Xứ Thanh kì lạ đángyêu” thì mới đúng với chủ ý của tác giả trong phần đề từ(7).

Như trên đã trình bày, bài thơ của chúa Trịnh Sâm nói trên đã bị mất 16 chữ. Nhưng may mắn gần đây tình cờ chúng tôi sưu tầm được cuốn “Thanh Hoá kỉ thắng” của Hoàng Mậu và Lê Bá Đằng, thì thấy chép trọn vẹn nội dung bài thơ. Nhận thấy tác phẩm này của chúa Trịnh Sâm chưa được công bố, nên xin dịch, để giới thiệu cùng đọc giả:

Phiên âm:

“Tằng tằng nham kính chuyển bàn vu

Cao xứ hàm nha Ngọc nhất hồ

Thạch hoá cựu thiềm châu ảnh tán

Đan dư chân tượng tuyết nhan cù

Vân tung phiêu hốt hành tiên tích (tung)

Nhật khuất an bài dại tạo lô

Phúc địa cổ lai đa thắng tích

Hà lao điểm xuyết “Võng Xuyên đồ”!

Nhật Nam nguyên chủ đề. Canh Dần Tiểu xuân, Thần Cao Bác phụng tả.

Dịch thơ:

Trập trùng nẻo đá lượn quanh co

Đỉnh núi cao nhô một “Ngọc Hồ”

Đá hoá cóc già châu toả sáng

Son phai tượng cũ tuyết loang mờ

Bóng mây chấp chới hình tiên bước

Hang nắng lung linh dáng hoả lò

Đất phúc xưa nay bao thắng tích

Nhọc chi tô điểm “Võng Xuyên đồ!(8)

Nhật Nam nguyên chủ sáng tác tháng 10, năm Canh Dần - Thần: Cao Bác vâng chép (Hồng Phi phiên âm và dịch thơ).

3. PHÁT HIỆN TÁC GIẢ CHỮ “THẦN” Ở NÚI THẦN PHÙ

Thần Phù là một địa danh lịch sử nổi tiếng, thuở xưa là con đường thuỷ huyết mạch Bắc Nam của nước ta. Nhiều danh nhân như Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Thân Nhân Trung, Nguyễn Trực, Lê Hiến Tông, Ngô Thì Sĩ, Lê Quý Đôn… đã từng qua nơi này và cảm hứng sáng tác thơ, văn ca ngợi, đến nay còn thấy bút tích trên các hang động, vách núi ở đây. Đặc biệt, trên ngọn núi có tên là núi Bia Thần, còn thấy khắc một chữ “Thần”, bằng Hán ngữ rất lớn, mỗi chiều rộng khoảng 1,5m. Sách Đại Nam nhất thống chí có chép chữ “Thần” này và ghi “Tương truyền là bút tích của vua Lê Thánh Tông”(9). Còn dân gian thì vẫn truyền tụng rằng chữ “Thần” này xuất hiện từ thời nhà Lý:

Tháng 3 năm 2000 vừa qua, nhờ sự giúp đỡ của địa phương, cho thuyền trở, thang trèo…, nên chúng tôi đã tiếp cận để tìm hiểu chữ “Thần” này (Ở vách núi Tiên Sơn, thuộc xã Đông Hưng, huyện Đông Sơn, Thanh Hoá cũng có một chữ “Thần” như ở núi Thần Phù, nhưng còn chưa rõ xuất xứ).

Do trực tiếp quan sát kỹ, mới hay dọc hai bên chữ “Thần” này còn có một số chữ Hán nhỏ. Về phía phải, từ trên xuống, có 6 chữ, song đã bị kẻ nào đó đục phá, dường như cố tình không cho người khác đọc. Tuy nhiên, nhờ đã quen mặt chữ, nên chúng tôi nhận dạng được 6 chữ đó là: “Nhật Nam nguyên chủ đặc sai”, nghĩa là: “Nhật Nam nguyên chủ đặc biệt sai khắc chữ “Thần” này”. Về phía trái, cũng có một số chữ Hán nhỏ, nhưng mấy chữ ở trên đã bị mất hẳn, chỉ còn lại 5 chữ dưới là: “…Đức công phụng giám khắc”, nghĩa là người vâng lệnh xem xét khắc chữ “Thần” có tên (hoặc hiệu) là “Đức”(10).

Vậy tác giả chữ “Thần” ở núi Thần Phù là Nhật Nam nguyên chủ, tức chúa Trịnh Sâm. Căn cứ vào sử sách, cũng như thời gian sang tác một số bài thơ của nhà chúa, hiện còn trên dãy Thần Phù, chúng tôi có thể đoán định chữ “Thần” ở núi Bia Thần, được khắc vào tháng 2 năm Tân Mão, tức tháng 3 năm 1771, trong dịp chúa Trịnh Sâm trở về Kinh bằng đường thuỷ, sau nửa năm kinh lý xứ Thanh Hoa.

4. KHẢO SÁT VỀ MỘT SỐ BÀI THƠ CHỮ HÁN CỦA CÁC DANH NHO VIỆT NAM, CHƯA THẤY CÔNG BỐ.

a. Bài thơ của Hoàng giáp Ngô Thì Sĩ (1726-1780) ở động Lục Vân.

Động Lục Vân nằm trên dãy núi Thần Phù, thuộc địa phận xã Nga Điền, huyện Nga Sơn, Thanh Hoá, là một thắng cảnh, được nhiều sách vở xưa ghi chép. Hiện nay do nạn nổ mìn bừa bãi khiến nhiều cảnh quan và bút tích người xưa ở động này đã bị huỷ hoại. Nay chỉ còn thấy 5, 6 bài thơ của một số vua triều Lê Sơ và danh nho nước ta ở thế kỉ XVIII, trong đó có một bài của hoàng giáp Ngô Thì Sĩ, chưa thấy công bố. Chúng tôi xin giới thiệu để độc giả cùng tham khảo.

Phiên âm:

Ngẫu phỏng ngư đồn mục ổ trung

Lục vu thâm xứ kiến thần công

Thiên tương chướng hải khu quần thạch

Địa vị hô triều nạp bát phong

Phúc hốt hà tằng tử hỗn độn

Khê sơn chỉ tự lão anh hùng

Hiếu kì tự phủ thành kham tiếu

Mạn thưởng huyền tân vị ngộ không”.

Kỉ Sửu thu Thanh Hoa phó khuyết chu thứ phỏng du động trung, kiến thạch (?) cao xứ lưu khoáng vô hữ phụng phạt, đãi chí kinh tức trước nhân tái vãng bình thạch công thuyên Di Đà tượng nghinh nhập phụng chi. Hoàng triều Cảnh Hưng tam thập nhất niên, Canh Dần cốc vũ hậu. Đặc chuẩn tiến triều tứ Bính Tuất khoa đệ nhị giáp tiến sĩ Hiển cung đại phu Đông các học sĩ, Nghệ An xứ, thự Tham chính Thanh Oai Tả Thanh Oai, Ngô Thì sĩ Thế Lộc phủ đề”.

Dịch thơ:

Xóm cá hỏi thăm lũ mục đồng

Mới hay tiên động thực thần công

Trời ngăn biển xuống xua bầy đá

Đất gọi triều lên gió tám phương

Phút chốc mất sao thời hỗn độn

Núi khe chỉ bạc tóc anh hùng

Hiếu kỳ tự ý buồn cười nhỉ?

Trần ngập sông mê chửa tỉnh không!”.

Mùa thu năm Kỉ Sửu (1769), được nhà vua giao cho đi liêm án Thanh Hoa, lần thứ 2 đi thuyền vào thăm động (Lục Vân – ND), thấy ở đó có tảng đá đặt chỗ cao khoáng đãng, không thờ Phật. Mãi đến khi về tới kinh đô, mới sai người trở lại nhà thợ đá tạc tượng Di Đà, rước vào đây để thờ. Sau ngày cốc vũ, năm Canh Dần, triều vua Cảnh Hưng (1770). Được nhà vua cho đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ khoa Bính Tuất (1766), thăng Hiển cung đại phu, Đông các học sĩ, Nghệ An xứ thự Tham chính Thanh Oai Tả Thanh Oai Ngô Thì Sĩ hiện là Thế Lộc phủ kính đề.

(Hồng Phi phiên âm, dịch thơ)

b. Bài thơ của Nhật Nam nguyên chủ đề ở động Từ Thức.

Động Từ Thức, hay còn gọi là động Bích Đào, thuộc địa phận xã Nga Thiện, huyện Nga Sơn, Thanh Hoá, cũng là một cảnh đẹp nổi tiếng của nước ta. Danh thắng này có liên quan đến câu chuỵen cổ tích “Từ Thức gặp tiên”, chép trong tác phẩm “Truyền kì mạn lục” của Nguyễn Dữ ở thế kỷ XVI, nên đã hấp dẫn các danh nho Việt Nam đến vãn cảnh, đề thơ. Hiện nay chỉ thấy có hai bài thơ chữ Hán khắc trên vách động. Một bài của bảng nhãn Lê Quí Đôn (1726-1784), được người sau cho khắc trên phiến đá vào năm Ất Tỵ, triều Thành Thái (1905), dựng trong cửa động. Bài này đã được nhiều người dịch và giới thiệu trên các sách báo.

Riêng bài thứ hai, khắc trên đá trước cửa động, chữ còn khá rõ, song chưa thấy đâu công bố? Khách đến tham quan thường nghe giới thiệu một cách úp mở rằng bút tích này là của vua Lê Thánh Tông:

Gần đây, khi đến khảo sát trực tiếp, chúng tôi mới hay bài thơ này chữ còn khá rõ. Phía trên ghi: “Ngự chế đề Từ Thức động”. Phía dưới ghi tác giả là “Nhật Nam nguyên chủ”, khắc vào năm Tân Mão, tháng trọng xuân. Vậy ra, bài thơ “Vua đề động Từ Thức” này là của chúa Trịnh Sâm, được sáng tác vào tháng 2 năm Tân Mão, tức là tháng 3 năm 1771.

Chúng tôi đoán rằng, có lẽ trước đây vì thấy bài thơ này ghi là: “Ngự chế” tức do vua sáng tác, với bút danh “Nhật Nam nguyên chủ”, song bút danh của vua Lê Thánh Tông lại là: “Thiên Nam động chủ”, nên nhiều người còn hồ nghi, chưa xác định được tác giả là vị vua nào, bởi thế còn dè dặt, chưa công bố chăng? Đây là một bài thơ hay, xin được giới thiệu, để góp phần làm cho cảnh Từ Thức thêm vẻ đẹp.

Phiên âm:

Ngự chế đề Từ Thức động

Chu trình thửa hứng phóng Từ Lang

Động khẩu y nhiên toả tịch dương

Bích quải nghê thường quang ỷ tú

Thạch xao phong vũ hưởng cung thương

Tiên duyên tự tích tam sinh khế

Triền hải kinh kim kỷ độ dương

Mạc thuyết Dao Trì thừa tuấn nhật

Tư du hà dị lãng Bồng hương?

Nhật Nam nguyên chủ đề - Tân Mão, trọng xuân

Thần: Cao Bác phụng tả.

Dịch thơ:

Thơ vua (chúa) đề động Từ Thức.

Rời thuyền thừa hứng viếng Từ Công

Cửa động y nguyên khoá ánh hồng

Xiêm nắng biếc treo rờn gấm vóc

Gió mưa đá gõ vọng cung thương

Duyên tiên từ thuở ba sinh hẹn

Dâu bể nay đà mấy độ dâng

Chớ bảo Dao Trì ngày thấm thoắt

Chơi đây nào khác dạo Bồng hang?”

Nhật Nam nguyên chủ sáng tác

Tháng 2 năm Tân Mão (3-1771)

Thần Cao Bác vâng lệnh viết

(Hồng Phi dịch)(11).

Chú giải:

(1) Phan Huy Chú – Hoàng Việt địa dư chí – (Phần chữ Hán), Nxb Thuận Hoá 1997. Phan Huy Chú - Lịch triều hiến chương loại chí, Nxb Sư học – Hà Nội 1960.

(2) Hoàng Mậu, Lê Bá Đằng – Thanh Hoá kỉ thắng, bản chữ Hán chép tay năm 1903.

(3) Trịnh Như Tấu - Trịnh gia chính phả - Nxb Ngô Tử Hạ, Hà Nội 1932.

(4) Quốc sử quán triều Nguyễn - Đại Nam nhất thống chí - Tập 2, Nxb Thuận Hoá - Huế 1992.

(5) Quốc Chấn - Nhữngvua, chúa Việt Nam hay chữ - Nxb Giáo Dục Hà Nội 1996.

(6) Viện KHXH Việt Nam, Viện Hán Nôm - Đại Việt sử kí tục biên (1676-1789) Nxb KHXH Hà Nội 1991.

(7) Bùi Huy Bích – Hoàng Việt thi văn tuyển - Bản dịch tập 3 – Nxb Văn Hoá Hà Nội 1958.

(8) Xem chú thích ở Tạp chí Hán Nôm số 2 (43) – 2000.

(9) Quốc sử quán triều Nguyễn - Đại Nam nhất thống chí - Tập 2, Nxb Thuận Hoá - Huế 1992 – Trang 249.

(10) Chúng tôi đoán “Đức công” có thể là “Hiếu Đức”, hiệu của Phạm Nguyễn Du người Nghệ An, đỗ hoàng giáp năm Cảnh Hưng thứ 40 (1779), thuở thiếu thời nổi tiếng giỏi chữ nghĩa, nên được chúa Trịnh Sâm cho đi theo trong chuyến tuần du Thanh Hoá, vào năm Canh Dần (1770), giống trường hợp Ninh Tốn, người Ninh Bình.

(11) Tạo chí Hán Nôm số 2 (43) – 2000, trang 87-88.

(12) Những chữ có dấu (?) là chưa thật rõ nghĩa, vì bản khắc trên đá nét chữ bị mòn.

Thông báo Hán Nôm học 2000, tr.363-374

In
Lượt truy cập: