Nghiên cứu Hán Nôm >> Năm 2008
Thích Hoằng Trí
96. Giới thiệu bài văn bia trên lăng mộ Nguyễn Hữu Hào (TBHN 2008)

Cập nhật lúc 18h59, ngày 23/11/2010


GIỚI THIỆU BÀI VĂN BIA

TRÊN LĂNG MỘ NGUYỄN HỮU HÀO

THÍCH HOẰNG TRÍ

GV.Trường Trung cấp Phật học Lâm Đồng

Sưu tầm, nghiên cứu, khai thác, dịch thuật và giới thiệu những vấn đề có liên quan đến Hán Nôm học tại vùng đất mới như địa bàn Cao nguyên nói chung và Đà Lạt nói riêng là công việc đáng được trân trọng và khích lệ. Bởi lẽ, đây là giá trị văn hóa truyền thống mà cha ông ta đã dày công tạo dựng, chúng ta là hậu duệ cần phải có trách nhiệm "kế vãng khai lai" những giá trị truyền thống của tiền nhân để lại. Đó là một việc làm hết sức thiết thực và hữu ích trong công cuộc xây dựng và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong thời đại hội nhập hôm nay.

Ngày nay, khi du khách lên tham quan thành phố Đà Lạt, nhất là người dân Nam bộ không ai lại không ghé thăm lăng mộ của cụ Nguyễn Hữu Hào, vị đại điền chủ của vùng Nam bộ ở thập niên 20, 30 của thế kỷ XX. Không những Nguyễn Hữu Hào nổi danh giàu có, ruộng đất thẳng cánh cò bay, đồn điền vô số mà ông còn có hai cô con gái, một người là vợ của Bá tước Didelot, một người là Hoàng hậu của vua Bảo Đại - vị vua cuối cùng của triều đại quân chủ phong kiến Việt Nam. Chính vì vậy mà sau khi ông bà Nguyễn Hữu Hào mất, Hoàng hậu Nam Phương và phu nhân Bá tước Didelot là Agnès Nguyễn Hữu Hào xây dựng một ngôi lăng mộ tráng lệ trên ngọn đồi gần suối thác Cam Ly. Đây là một di tích lịch sử văn hóa có mặt tương đối sớm tại thành phố Đà Lạt. Trong khu lăng mộ có hai tấm bia đá được khắc bằng chữ Hán mang nội dung giống nhau, cho đến nay văn khắc vẫn còn nguyên vẹn. Nhưng rất tiếc, gần đây (tháng 12 năm 2008) Ủy ban Nhân dân Thành phố Đà Lạt xuất bản cuốn sách với hình thức Đặc san có tựa đề Kỷ niệm Đà Lạt 115 năm (1893-2008) có đăng bài viết Bài văn bia trên Lăng mộ Nguyễn Hữu Hào của hai tác giả Huy Khuyến-Kim Anh, nhưng bài viết này khảo sát sơ sài, chế bản chữ Hán, phiên âm còn mắc nhiều nhầm lẫn do không nhận ra mặt chữ Hán, nên dẫn đến vấn đề phiên âm, dịch nghĩa cũng mắc nhiều sai sót (chúng tôi đã có một bài viết nhận định riêng về vấn đề này).

Sau đây, chúng tôi xin Khảo sát, ghi lại chữ Hán, phiên âm và dịch nghĩa bài văn bia viết về cụ Nguyễn Hữu Hào. Đây là bản dịch với sự nỗ lực và cố gắng hết sức của mình, xin quý độc giả lấy đó làm tài liệu tham khảo thêm.

Văn bia là một loại "ký" hoặc "chí" dùng để ghi lại sự kiện đáng nhớ. Hầu hết văn bia ở Việt Nam có nội dung phong phú, hình thức đa dạng, như văn bia thời kỳ đầu do ảnh hưởng của minh văn nên được viết bằng văn vần, ngắn, đơn giản và cổ kính; văn bia thời Lý có đường kích cao và rộng; văn bia đời Trần có kích thước rất đa dạng, bia to có chiều cao đến 215cm, rộng 145cm, bia nhỏ nhất có chiều cao 60cm và chiều rộng 40cm; văn bia thời Lê sơ rất đa dạng về hình thức, to có, trung bình có, họa tiết hoa văn đẹp; văn bia thời Nguyễn với số lượng được tạo dựng nhiều(1), phân bố khắp ba miều Bắc, Trung và Nam. Bia trên lăng mộ cụ Nguyễn Hữu Hào cũng là một trong những văn bia xuất hiện vào những năm cuối triều đại nhà Nguyễn nên kích thước, họa tiết hoa văn không khác nhiều so với các văn bia được dựng ở các lăng tẩm trên địa bàn thành phố Huế.

Trên lăng mộ của cụ Nguyễn Hữu Hào hiện còn hai văn bia do hai người con gái của cụ là phu nhân của Bá tước Didelot và Nguyễn Hữu Thị Lan tạo dựng, nhằm truy niệm công đức sinh thành của thân sinh. Hai văn bia này bằng đá xanh đen, có kích thước khá lớn, chữ khắc tốt, họa tiết trang trí đẹp. Đặc biệt, hai văn bia có nội dung giống nhau nhưng khác nhau về hình thức, kích thước và được khắc với hai thể chữ cũng khác nhau.

Bia thứ nhất được thiết trí phía sau lăng, nằm cách xa lăng khoảng 4 mét, đặt trong nhà bia hình tháp có bốn mái trông rất hài hòa, uy nghiêm và cổ kính. Trên văn bia có tất cả 215 chữ, 15 hàng, hàng ngắn nhất có 4 chữ, dài nhất có 22 chữ, được khắc với lối chữ Lệ theo hàng dọc từ phải sang trái. Bia có trán bia, thân bia và đế bia. Bia có chiều cao 245cm, chiều rộng 143cm, trán bia dày 26cm, thân bia dày 20cm. Trán bia cao lượn hình bán nguyệt, rộng hơn thân bia và ngang với đế bia, được họa tiết bởi những hoa văn hình hoa lá cách điệu. Ngăn cách giữa trán bia và thân bia là họa tiết hoa sen nhiều cánh. Đế bia cũng được khắc hình hoa văn chữ "T" dọc theo một dãy dài trông hài hòa và đẹp mắt. Viền quanh bia trang trí hoa cúc dây lượn, toát lên vẻ cân đối uyển chuyển giữa hoa và lá. Trên mặt bia có năm từ khắc đài là "Hiền khảo", "Tiên nghiêm", "Thiên tử", "Thiên chúa" và "Bảo Đại", nhưng hai chữ "Thiên tử" được khắc đài cao hơn các chữ khác. Cuối văn bia có ghi ngày tháng năm và người lập bia, nhưng rất tiếc cả hai văn bia này không ghi tên người khắc.

Bia thứ hai cũng mang nội dung như văn bia thứ nhất nhưng khắc theo thể chữ Khải, có một vài chữ theo thể chữ Lệ, được dựng ở trước sân của Lăng mộ. Văn bia này cũng có 215 chữ, khắc theo hàng dọc từ phải sang trái nhưng được phân thành 16 hàng, khắc đài bốn chữ "Hiền khảo", "Thiên tử", "Bảo Đại", "Thiên chúa". Tấm bia này có kích thước nhỏ hơn tấm bia thứ nhất, cũng có đế bia và trán bia nhưng hoa văn họa tiết trên trán bia và viền hai bên bia không tinh xảo và chữ khắc không sâu bằng bia thứ nhất. Có lẽ do đặt ngoài trời quá lâu, không có nhà bia bảo vệ nên màu đá bia này bị biến sắc và chữ khắc cũng mờ hơn tấm bia thứ nhất. Bia có chiều cao 200cm; trán bia rộng 100cm, dày 26cm; thân bia rộng 80cm; dày 20cm; đế bia rộng 98cm, dày 38cm.

Nội dung của hai văn bia này chia làm bốn phần: Phần đầu nói về nơi phát tích của dòng họ ông bà Nguyễn Hữu Hào; Phần thứ hai ghi về phẩm chất đạo đức của ông Nguyễn Hữu Hào và sự vinh hiển vẻ vang của dòng họ Nguyễn; Phần thứ ba nói về sự kiện vua Bảo Đại ban cho Nguyễn Hữu Hào "Công tước", ca ngợi vẻ đẹp núi non - nơi xây dựng lăng mộ, ca ngợi nước Chúa là nơi tìm về của trăm đời con cháu họ Nguyễn và tấm lòng ngậm ngùi tiếc thương của con cháu đối với người quá vãng. Phần cuối của hai văn bia đều có ghi rõ ngày, tháng, năm Âm lịch và năm Dương lịch lấy từ năm Thiên Chúa giáng sinh; người lập bia là hai cô con gái của cụ Nguyễn Hữu Hào.

* Chữ Hán

顯考隆美郡公阮公碑銘

鹿野之靈前江之英鍾之於人賢哲篤生

恭惟

先嚴天賦真性秉心慈祥持已端正會際文明見遠識宏胸富道德人仰儀型家傳義教德人生成庭階蔭滿門戶光生

天子推恩晉錫公爵帶礪河山券書申約七旬厭世天上神歸令名不朽萬世有辭岵山仰望白雲悠悠岡阡興感松風颼颼追惟先德不泯精靈懇祈天主保佑以寧人境生寄常恒別離天堂福界百世同歸岡極深恩曷勝哀慕壽以豐碑長此終古 .

保大十四年八月初一日

天生降生一千九百三十九月十三日

大南國南芳皇后

親女 奉立

的提盧男爵夫人 .

Phiên âm:

Hiển khảo Long Mỹ Quận công, Nguyễn công bi minh

Lộc Dã chi linh, Tiền Giang chi anh, chung chi ư nhân, Hiền triết đốc sinh.

Cung duy:

Tiên nghiêm, Thiên phú chân tính, bỉnh tâm từ tường, trì kỷ đoan chính, hội tế văn minh, kiến viễn thức hoằng, hung phú đạo đức, nhân ngưỡng nghi hình, gia truyền nghĩa giáo, đức đại sinh thành, đình giai ấm mãn, môn hộ quang sinh.

Thiên tử suy ân, tấn tích Công tước, đái lệ hà sơn, khoán thư thân ước. Thất tuần yếm thế, Thiên thượng thần quy, lịnh danh bất hủ, vạn thế hữu từ. Hỗ sơn ngưỡng vọng, bạch vân du du, cương thiên hưng cảm, tùng phong sưu sưu. Truy duy Tiên đức, bất mẫn tinh linh. Khẩn kỳ Thiên chúa bảo hựu dĩ ninh. Nhân cảnh sinh ký, thường hằng biệt ly, Thiên đường phúc giới, bách thế đồng quy. Võng cực thâm ân, hạt thắng ai mộ! Thọ dĩ phong bi, trường thử chung cổ.

Bảo Đại thập tứ niên bát nguyệt sơ nhất nhật

Thiên Chúa giáng sinh nhất thiên cửu bách tam thập cửu niên cửu nguyệt thập tam nhật.

- Đại Nam quốc Nam Phương hoàng hậu Thân nữ: phụng lập

- Đích-đề-lô(5) Nam tước phu nhân

Dịch nghĩa:

Văn bia của Hiển khảo Long Mỹ quận công, ông họ Nguyễn

Đồng Naianh linh, Tiền Giang vượng khí, hun đúc nơi người, sinh đấng anh minh.

Kính nghĩ:

Tiên nghiêm(6). Trời ban chân tính, lòng dạ hiền từ, giữ thân đoan chính, giao tế văn minh, nhìn xa hiểu rộng, lòng giàu đạo đức, người mến dung nghi, gia truyền nghĩa giáo, đức lớn sinh thành, sân thềm đầy phúc, cửa ngõ quang huy.

Thiên tử nhớ ơn, ban cho công tước, vững bền sông núi(7), sổ sách còn ghi(8), bảy mươi mãn đời, hồn về Thiên giới, danh cao bất hủ, truyền mãi muôn đời, trông lên núi rậm, mây trắng còn bay, non tràn cảm hứng, thông gió vi vu, cảm niệm đức xưa, tinh linh không mất. Khẩn cầu Thiên Chúa, che chở bình yên. Cảnh người sống gửi, thường hằng biệt ly, Thiên đường cõi phúc, trăm đời cùng về, ơn sâu vô tận(9), thương nhớ nào hơn! Mượn tấm bia này, nguyện cùng thiên cổ.

Ngày mùng 1 tháng 8 năm Bảo Đại thứ 14.

Ngày 13 tháng 9 Thiên Chúa giáng sinh năm 1937.

- Hoàng hậu Nam Phương nước Đại Nam

Con gái Cung kính tạo dựng

- Phu nhân Nam tước Didelot.

Chú thích:

(1) Long Mỹ là một quận của tỉnh Rạch Giá, sau này sáp nhập vào tỉnh Cần Thơ. Tại đây, ông Nguyễn Hữu Hào sở hữu hơn 1.000 mẫu ruộng. Ngày 30 tháng 8 năm 1937, Hoàng đế Bảo Đại sắc phong cho Nguyễn Hữu Hào là Long Mỹ quận công, tức lấy địa danh làm tước hiệu.

(2) Tự điển chữ Nôm, Nguyễn Quang Hồng chủ biên, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Nxb. Giáo dục, H. 2006.

(3) Thơ văn Lý Trần, Tập 1, Nxb. KHXH, H. 1977, tr.355.

(4) Theo Trịnh Khắc Mạnh: Một số nhận xét về đặc điểm, hình thức bia Việt Nam, Tạp chí Hán Nôm, số 1/2008.

(5) Đích-đề-lô: là tên phiên âm từ tiếng Pháp "Didelot" - một dòng họ sang trọng của nước Pháp, tức tên người chồng của con gái đầu cụ Nguyễn Hữu Hào.

(6) Tiên nghiêm先嚴: chữ trang trọng dành cho người cha đã mất.

(7) Nguyên tác ghi: "Đái lệ sơn hà帶礪山河, "Đái lệ 帶礪" có nghĩa là đai áo và đá mài Sử ký, thiên Cao Tổ công thần hầu giả niên biểu ghi "Phong tước chi thệ viết: 'Sử Hoàng hà như đái, Thái sơn nhược lệ. Quốc dĩ vĩnh ninh, viên cập miêu duệ封爵之誓曰: 使黃河如帶, 泰山若属, 國以永寧 , 爰及苗裔’... Khi được phong tuớc thề rằng: 'khiến sông Hoàng Hà như dây đai, núi Thái Sơn như đá, đất nước an định mãi mãi cho đến con cháu đời sau". Đời sau, người ta coi Đái lệ là sùng của nhà vua ban cho.

(8) Nguyên tác ghi "Khoán thư thân ước券書申約", "Khoán thư 券書" có nghĩa là sổ sách; "Thân ước 申約, có nghĩa là ước định rõ ràng. Tổng sử, thiên Hàn Kỳ truyện ghi: "Hựu di hịch thân ước, cẩu vi tiết độ, tuy hữu công, diệc trản又移檄申約 , 茍違節度 , 雖有功 , 亦斬. Lại nữa, bài hịch truyền đi có ước định rõ ràng, nếu làm trái phép tắc, mặc dù người ấy có công, cũng bị chém.

(9) Trong Kinh Thi, thiên Lục Nga có câu: "Phụ hề sinh ngã, Mẫu hề cúc ngã... dục báo chi đức, Hạo thiên võng cực 父兮生我 , 母兮鞠我 ... 欲報之德昊天罔極" có nghĩa Cha truyền hơi khí cho ta, Mẹ mang nặng đẻ ta... Muốn lấy đức báo đền lại, thì ân nghĩa cha mẹ to lớn như trời rộng vô cùng.

Tài liệu tham khảo chính:

1. Thơ văn Lý Trần, Viện Khoa học xã hội, Nxb. Văn học, H. 1977.

2. Trung văn Đại từ điển, Lâm Duẫn, Cao Minh chủ biên, Trung Quốc văn hóa nghiên cứu sở ấn hành, Trung Hoa dân quốc năm 57.

3. Thiều Chửu: Hán Việt tự điển, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, 1993.

4. Kinh Thi, Tạ Quang Phát dịch, Nxb. Văn học, 2004.

5. Tự điển chữ Nôm, Nguyễn Quang Hồng chủ biên, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Nxb. Giáo dục, H. 2006.

6. Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên, Nxb, Đà Nẵng, 1995.

7. Khang Hy tự điển, Trương Ngọc Thư chủ biên, Trung Hoa thư cục xuất bản phát hành, tái bản năm 2007.

8. Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Lạt, kỷ niệm Đà Lạt 115 năm (1893-2008), năm 2008./.

Thông báo Hán Nôm học 2008; tr.10731080

In
Lượt truy cập: