BIA VĂN CHỈ VÀ TRUYỀN THỐNG HIẾU HỌC Ở THÁI NGUYÊN NGUYỄN VÂN YÊN Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên Ngày 28/3/2011, tại khu vực Trường Trung học cơ sở xã Nam Tiến (Phổ Yên, Thái Nguyên) trong quá trình đào móng nhà thư viện của trường đã phát hiện 1 tấm bia đá cổ. Sau đó, các cơ quan chức năng thuộc ngành Văn hóa - Thông tin đã có mặt tại hiện trường khảo sát, thu thập thông tin sưu tầm di vật nói trên. Tiếp cận với lãnh đạo chính quyền và hiệu trưởng nhà trường xã Nam Tiến, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Phổ Yên, cơ quan chức năng đã được biết ở độ sâu 1,6m do đồng chí Nguyễn Tuấn Anh - cán bộ văn phòng nhà trường đã phát hiện ra tấm bia. Tấm bia đá là một phiến đá nguyên khối, màu đen, có kích thước dài 60x37cm, trên trán có khắc hình mặt trời, hai bên tượng trưng 2 con rồng, dưới có 3 chữ Hán: Phối hưởng bi, diềm bia trang trí dây leo điểm xuyết hoa cúc. Lòng bia trình bày có 9 dòng chữ Hán, dòng nhiều nhất có 21 chữ, ít nhất có 5 chữ, tổng cộng có gần 200 chữ Hán. Nét khắc chữ trên văn bia sâu, thể hiện sự tinh xảo, khoảng cách chữ rõ ràng, bút pháp khoáng đạt. Cuối văn bia ghi niên đại: dựng bia vào ngày 29 tháng 11 năm Thành Thái thứ 3 Tân Mão (1891). Ở giữa bia có 1 vết xước do máy xúc khi múc đất đào móng đụng vào. Tuy nhiên cũng không làm giảm đi giá trị nội dung lịch sử, văn hóa của tấm bia bởi dòng địa danh, sự kiện và niên đại tấm bia rất rõ. Qua sơ bộ nghiên cứu bước đầu cho biết nội dung tấm bia nói về việc ghi nhớ công đức của tập thể là môn sinh đã góp công vào xây dựng nhà trường, thờ phụng các thầy giáo là Tiên sinh ở địa phương. Đây là lần đầu tiên phát hiện bia nói về Văn chỉ ở tỉnh Thái Nguyên, tấm bia ghi nhận ít nhất cách đây 120 năm ở xã Hoàng Đàm, nay là xã Nam Tiến, huyện Phổ Yên đã có cơ sở trường học, điều này khớp với sách Đồng Khánh dư địa chí (1888) chép trong mục huyện Phổ Yên thời phong kiến là: “Tổng Hoàng Đàm ở hạ du là có học hành đỗ đạt”. Tấm bia đã được bảo tàng Thái Nguyên làm các thủ tục theo quy định của Luật di sản văn hóa đưa về bảo tàng lưu giữ, nghiên cứu khoa học. Phiên âm phần chữ Hán bia như sau: Phối hưởng bi Phú Bình phủ, Phả (Phổ) An (Yên) huyện, Hoàng Đàm (Đầm) tổng, Hoàng Đàm xã môn tràng giám cập chư sinh đẳng yểu niệm hằng tâm, hằng sản nhân sở duy dã! Nhất thi nhất báo lý sở nghi nhiên môn sinh tự tuyết lập trình môn xu bồi ráng trướng nhi. Tiên sinh tuẫn (?) thiện luận bất quyện hối nhân thế (bị xóa mất 5 chữ) bất hủ tư nhân bản xã văn hội tu tập Văn chỉ nhu… pha… môn (mất 7 chữ) Tiên sinh vi đồ tự. Tiên thánh Xuân Thu phối hưởng kỳ tính danh liệt kê vu. Nhất đồ tự phối hưởng Hoàng Tiên sinh tự Phúc Long Thành Thái tam niên tuế thứ Tân Mão thập nhất nguyệt nhị thập cửu nhật lập bi. Dịch nghĩa: Bia phối hưởng (bia thờ cùng hưởng) Xã Hoàng Đàm, huyện Phổ Yên, phủ Phú Bình, nhà trường cùng các học sinh nghĩ điều sâu xa công đức của người thầy đã khuất nên đã góp tiền, góp của, quyên góp bạn bè tiếp sức lập ngôi nhà thờ phụng người thầy đã mất. Người thầy là người có tấm lòng lương thiện không lời nào thể nói hết, tiếng thơm bất hủ. Lại thêm nữa bản xã, văn hội tu sửa Văn chỉ của làng, nhà trường và các học sinh vẫn nhất nhất thuận tình tôn thầy giáo đã mất là Tiên sinh, lập bia ghi công đức để thờ phụng. Cùng thờ Tiên Thánh, Xuân - Thu nhị kỳ phối hưởng, kê ra như sau: Người thầy giáo họ Hoàng tên tự Phúc Long. Ngày 29 tháng 11 năm Thành Thái thứ 3 Tân Mão (1891) lập bia. Kết quả khảo sát di tích lịch sử văn hóa gần đây cho thấy, tại thành phố Thái Nguyên và một số huyện như Phú Bình và Phổ Yên, chúng tôi đã tìm thấy dấu vết của di tích Văn Thánh, Văn chỉ. Sách Đại Nam nhất thống chí, tập IV, do Nxb. KHXH, H. 1971, gần đây có tái bản, tại trang 167, mục: Đền Miếu có ghi: “Văn Miếu, đền Khải Thánh Thái Nguyên: đều ở địa phận xã Đồng Lẫm (Bẩm) về phía bắc tỉnh thành, trước ở địa phận xã Cốt Ngạnh, huyện Phổ Yên, dựng năm Minh Mệnh thứ 13 (1832), năm Thiệu Trị thứ 4 (1850) dời đến chỗ hiện nay”. Lần theo ghi chép này, chúng tôi đã tìm đến xóm Văn Thánh, xã Đồng Bẩm (tên từ xa truyền lại), nay thuộc địa bàn thành phố Thái nguyên, chúng tôi khai thác lời kể của các cụ cao tuổi, khảo sát địa điểm tại một gia đình nằm ngay sát bờ sông Cầu xóm Văn Thánh phát hiện gia đình lưu giữ được một tấm bia đá “Hạ Mã”. Tấm bia có chiều cao gần 1m, bằng đá thanh được đẽo gọt trau chuốt, tuy do quá trình thời gian tấm bia chỉ còn lại một nửa, hình dáng giống như cột cây số, trên bia được khuôn ô lồng hình chữ nhật, có gờ nổi, trong còn 1 chữ Hán lớn là chữ “Hạ”. Theo các cụ ở địa phương cho biết đây chính là tấm bia “Hạ Mã” của di tích đền Khải Thánh nằm trên địa bàn xóm Văn Thánh, xã Đồng Bẩm ngày nay. Đem so sánh với lời văn ghi trong sách Đại Nam nhất thống chí là sự trùng khớp và phù hợp. Bởi theo di ngôn của các cụ thuộc lớp người trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đều còn nhớ rõ: Văn Miếu của tỉnh Thái Nguyên xưa được xây dựng trên đồi cao cạnh sân Vận động thể thao Thái Nguyên, nay chỉ còn địa điểm, còn đền Khải Thánh ở xã Đồng Bẩm nay chỉ còn địa điểm và một phần tấm bia Hạ Mã này mà thôi! Theo sách Đại Nam nhất thống chí thì Văn miếu Thái Nguyên và đền Khải Thánh đều được hình thành đầu thời nhà Nguyễn, cụ thể là năm 1832, nghĩa là giai đoạn vua Minh Mệnh lên ngôi được 13 năm trong bước đường nhà nước quân chủ tiếp tục củng cố, mở mang, phát triển giáo dục, nhiều chiếu chỉ của vua được ban hành, trong đó có chính sách giáo dục: “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” bằng các việc thi cử chọn người tài ra giúp vua trị nước bằng các khoa thi Tiến sỹ. Trong văn hóa, giáo dục, nhà vua rất chú trọng đến việc phát hiện người hiền tài, vùng đất Thái Nguyên tuy thuộc miền núi khó khăn nhưng cũng được áp dụng các chính sách tôn vinh giáo dục như: cho phép dựng lại Văn Miếu (trước ở xã Cốt Ngạnh, thị trấn Ba Hàng, huyện Phổ Yên ngày nay), sau di chuyển về trung tâm tỉnh lỵ Thái Nguyên, lại cho dựng đền Khải Thánh là nơi thờ Khổng Tử và các vị tiên hiền để cho dân chúng chăm lo đến sự học, tôn vinh truyền thống “tôn sư trọng đạo”. Thời đó, ai được đi học hành là một sự không đơn giản, đặc biệt tính đến đầu thời Nguyễn cả tỉnh có một trường học gọi là: “Trường học phủ Phú Bình là lớn hơn cả ở địa phận xã Phù Liễn huyện Đồng Hỷ, ngoài cửa tây tỉnh thành lập từ năm Minh Mệnh thứ 16 (1835) nhưng bỏ chức đốc học, bổ chức Giáo thụ” (theo sách Đại Nam nhất thống chí), dân số lúc đó cả tỉnh có 9.461 người, trong đó có 6.700 xuất đinh. Từ xa xưa đến thời Lê sơ, Thái Nguyên mới có người đỗ Tiến sỹ, tổng cộng có 11 vị (hiện 02 vị thuộc về huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) chỉ còn có 9 vị, trong đó có những vị có đạo cao, đức trọng làm rạng danh tên tuổi cho tỉnh nhà như: Đỗ Cận, Nguyễn Cấu, Đồng Doãn Giai, riêng huyện Đồng Hỷ đã có tới 2 vị Tiến sỹ là Phạm Nhĩ (xã Đồng Bẩm) và Dương Ức (xã Hóa Trung). Đỗ Cận từng được cử làm Phó sứ cầu tiến nhà Minh, Nguyễn Cấu có công giúp vua Lê đi lánh nạn tránh nhà Mạc truy kích. Ngoài thành phố Thái Nguyên có Văn miếu, ở huyện Phú Bình và Phổ Yên có Văn chỉ. Đó là Văn chỉ 2 làng Nga My và An Châu, huyện Phú Bình và văn chỉ làng Thù Lâm, xã Tiên Phong nhưng cho tới nay mới phát hiện có bia văn chỉ ở làng Hoàng Đàm, xóm Nam Tiến (Phổ Yên). Rải rác trong quần thể các di tích lớn ở huyện Phú Bình cũng còn dấu vết nhiều Văn chỉ - nơi thờ các bậc tiên hiền của địa phương, một nét khái quát rộng hơn đó là nơi nhân dân ta xây dựng nên để tôn vinh truyền thống hiếu học của quê hương. Đặc điểm Văn chỉ nói chung còn lại ở địa bàn Thái Nguyên còn lại không nhiều, phân bố chủ yếu ở 2 huyện nói trên và nó thường được xây dựng cùng với quần thể đình, chùa, đền, miếu, nghè của làng. Quy mô to, nhỏ từng nơi có khác nhau nhưng nói chung đơn giản, kiến trúc bình đồ hình vuông, không có mái che, có khi chỉ là một vài cái bệ như bàn thờ đắp bằng vôi vữa, trên đặt bát hương, không có tượng, các văn chỉ không hoặc đã mất văn bia ký như một số văn chỉ ở vùng đồng bằng, hai bên có nhà sao xá để mỗi năm xuân thu nhị kỳ làng tổ chức cúng lễ hoặc có người đỗ đạt thì đến đây tuyên dương. Trong số các văn chỉ còn lại văn chỉ ở làng An Châu, Nga My, xã Nga My huyện Phú Bình lớn hơn cả. Vừa qua, khu đình, chùa An Châu đã được UBND tỉnh quyết định xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh càng được nhân dân địa phương quản lý, bảo vệ và phát huy tốt hơn để ghi nhận một trong những nơi tôn vinh truyền thống hiếu học của nhân dân Thái Nguyên./.
|