Tạp chí Hán Nôm >> TCHN từ 2006 về sau >> Tác giả >> M >> Trịnh Khắc Mạnh
Trịnh Khắc Mạnh
Tìm hiểu về truyện Nôm ngụ ngôn Việt Nam (Tạp chí Hán Nôm; Số 6(79); Tr.26-32)

Cập nhật lúc 22h12, ngày 17/02/2008

TÌM HIỂU VỀ TRUYỆN THƠ NÔM NGỤ NGÔN VIỆT NAM

PGS.TS. TRỊNH KHẮC MẠNH

Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Kho tàng ngụ ngôn của người Việt Nam nói riêng và của các nước trên thế giới nói chung hết sức phong phú về nội dung và đa dạng về hình thức. Ngụ ngôn ra đời và phát triển luôn gắn liền với đời sống thực tiễn xã hội, nhân vật trong ngụ ngôn có thể là con người, là loài vật, thậm chí là đồ vật; nhưng bao giờ cũng đem đến cho mọi người những tiếng cười ẩn ý trong đời sống, hay bài học về đạo đức trong sinh hoạt xã hội, hoặc một triết lý cuộc sống được thực tế kiểm nghiệm. Ngụ ngôn có nhiều hình thức biểu hiện, có loại truyền miệng trong kho tàng văn học dân gian, như: ca dao, tục ngữ, thành ngữ, truyện kể dân gian; và có loại là truyện văn xuôi, là truyện thơ trong kho tàng văn học thành văn được viết bằng chữ Hán và chữ Nôm của người Việt Nam. Ngụ ngôn Việt Nam ra đời từ bao giờ ? Hiện nay vẫn chưa có nhà nghiên cứu nào xác định được thời điểm chính xác, chỉ biết là có từ rất sớm. Một điều chắc chắn rằng, cũng như các loại hình văn học khác, ngụ ngôn bắt nguồn từ đời sống lao động của nhân dân.

Trong văn học dân gian, ngay trong ca dao, tục ngữ; nhiều câu cũng ẩn chứa ý nghĩa ngụ ngôn, ở đây người ta đã tìm thấy chân lý của cuộc sống. Từ thuở còn thơ, chúng ta thường được nghe những câu ca dao ngụ ngôn hát ru nghe gây cười, tuy chưa hiểu rõ nhưng lờ mờ hiểu ra cái ẩn ý muôn đời mà ca dao gợi mở:

“Con cò mày mổ cái tôm

Cái tôm quặp lại, lại ôm con cò

Con cò mày mổ cái trai

Cái trai quặp lại, lại nhai con cò”(1)

Sau này, theo dòng thời gian, những câu ca dao mang yếu tố ngụ ngôn lại gieo vào lòng mỗi người một ngụ ý triết lý nhân sinh:

“ Trăm năm như cõi trời chung

Trăm nghề cũng phải có công mới thành

Cứ trong gia nghiệp nhà mình

Ngày đêm xem sóc giữ gìn làm ăn

Chữ rằng: tiểu phú do cần

Còn như đại phú là phần do thiên

Đừng trễ nãi chớ ghét ghen

Còn như lộc nước có phen dồi dào”(2).

Truyện kể dân gian ở Việt Nam cũng có khá nhiều truyện ngụ ngôn hoặc có yếu tố ngụ ngôn và đã được nhiều nhà nghiên cứu sưu tầm giới thiệu, như: Kho tàng cổ tích Việt Nam của Nguyễn Đổng Chi(3), Tuyển tập truyện Việt Nam - Thế kỷ X - XIX của Hoàng Hữu Yên(4) và nhiều tập truyện khác, với những truyện ngụ ngôn dân gian nổi tiếng: Ếch ngồi đáy giếng, Thả mồi bắt bóng, Thày bói xem voi, Đẽo cày giữa đường, Trí khôn, Truyện hai ông Phật cãi nhau, v.v…

Truyện văn xuôi ngụ ngôn viết bằng chữ Hán ở Việt Nam xuất hiện khi nền văn học thành văn phát triển, với hàng loạt các tác phẩm văn xuôi chữ Hán rất giá trị, trong các tập truyện, như: Việt điện u linh tập của Lý Tế Xuyên (thế kỷ XIV), Lĩnh Nam chích quái tương truyền của Trần Thế Pháp (thế kỷ XIV) và sau này có sự gia công của Vũ Quỳnh (1453-1516) cùng Kiều Phú (1446-?), Thánh Tông di thảo tương truyền là của Lê Thánh Tông (1442-1497), Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ (thế kỷ XVI), Truyền kỳ tân phả của Đoàn Thị Điểm (1705-1748), Thượng kinh ký sự của Lê Hữu Trác (1724-1791), Công dư tiệp ký của Vũ Phương Đề (1698-?), v.v. đều có những truyện mang yếu tố của ngụ ngôn.

Gần đây, các nhà xuất bản cũng giới thiệu nhiều tập truyện ngụ ngôn có giá trị như: Truyện ngụ ngôn Việt Nam do Minh Hạnh và Phạm Hồng Sơn tuyển chọn (Nxb. Văn học, 1986); Truyện ngụ ngôn Trung Quốc (tập 1) do Nguyễn Đình Bưu tuyển dịch (Nxb. Văn hóa dân tộc, 1990) và Truyện ngụ ngôn Trung Quốc (tập 2) do Nguyễn Minh Đăng tuyển dịch (Nxb. Văn hóa dân tộc, 1991).

Rõ ràng là thể loại ngụ ngôn luôn được các thế hệ người Việt Nam quan tâm, từ câu ca dao, tục ngữ trong lao động, đến truyện kể dân gian và rồi được thể hiện trong nền văn học thành văn viết bằng chữ Hán. Ngay từ thế kỷ XV, ông cha ta đã nhận thức rõ ý nghĩa, tác dụng của truyện ngụ ngôn trong đời sống xã hội và có ý thức gìn giữ; Vũ Quỳnh và Kiều Phú khi viết bài tựa trong sách Lĩnh Nam chích quái đã đặt vấn đề phải sưu tầm truyện kể dân gian (trong đó có những truyện nội dung có yếu tố ngụ ngôn), hai ông viết” “Ôi ! Việc lạ ở nước Nam nhiều lắm. Các câu chuyện xảy ra không chờ khắc vào đá, in vào sách mà đã gắn ghi vào lòng dân, lưu truyền nơi bia miệng, từ em bé đầu xanh đến cụ già tóc bạc đều ca tụng, hoặc mến mộ hoặc lấy đó làm răn. Thế thì chúng cũng liên quan tới cương thường, mở mang phong hóa đâu phải là ít”.(5)

Trong kho tàng văn học chữ Nôm nước nhà, khi đánh giá về đặc điểm thể loại văn học chữ Nôm, PGS. Bùi Duy Tân nhận xét “Sáng tạo về mặt thể loại chỉ có thể tìm thấy ở văn học chữ Nôm, cả quá trình Việt hoá và quá trình dân tộc hoá”(6). Nền văn học chữ Nôm được thể hiện qua các thể loại: phú Nôm, thơ Nôm, văn Nôm và đặc biệt là truyện thơ Nôm thì đạt đến đỉnh cao của sáng tạo nghệ thuật. Truyện thơ Nôm thường hay được sáng tác theo 2 thể là lục bát và song thất lục bát. Có thể nêu ra một số tác phẩm nổi tiếng như: Lâm tuyền vãn của Phùng Khắc Khoan (1528-1613), Ngoạ Long cương vãnTư Dung vãn của Đào Duy Từ (1572-1634), Sứ trình tân truyện của Nguyễn Tông Khuê (1693-1767), Truyện Hoa tiên của Nguyễn Huy Tự (1743-1790), Sơ kính tân trang của Phạm Thái (1777-1813), Chinh phụ ngâm khúc bản dịch của Đoàn Thị Điểm (1705-1748) và của Phan Huy Ích (1750-1822), Tỳ bà hành của Phan Huy Thực (1778-1844), Ai tư vãn của Lê Ngọc Hân (thế kỷ XVIII), Chức cẩm hồi văn của Hoàng Quang (?-1801), Truyện Kiều của Nguyễn Du (1765-1820), Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), Tự tình khúc của Cao Bá Nhạ (thế kỷ XIX), v.v.. Ngoài ra còn hàng loạt các tác phẩm thơ Nôm khuyết danh, như: Nhị độ mai, Phạm Tải Ngọc Hoa, Tống Trân Cúc Hoa, Phương Hoa, Lý Công Hoàng Trừu, Phan Trần, v.v… Trong số các truyện thơ Nôm khuyết danh này, có một số truyện thuộc thể loại truyện thơ Nôm ngụ ngôn.

Để góp thêm ý kiến trong việc tìm hiểu thể loại ngụ ngôn, trong bài viết này chúng tôi xin bàn thêm đôi điều về đặc điểm thể loại truyện thơ ngụ ngôn viết bằng chữ Nôm.

1. Theo ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu, hiện chúng ta mới biết được có 5 truyện thơ Nôm ngụ ngôn, trong đó có 4 truyện hiện còn lưu giữ được bản chữ Nôm ở Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm và 1 truyện hiện chỉ thấy bản phiên âm (hy vọng sau này sẽ tìm được bản chữ Nôm), cụ thể là:

- Bướm hoa tân truyện , ký hiệu AB.73, sách dày 18 trang, in năm Nguyễn Thành Thái thứ 8 (1896), gồm 410 câu thơ lục bát (7).

- Hoa điểu tranh năng 花鳥爭能, gồm 242 câu thơ lục bát. Hiện chúng tôi chưa tìm ra nguyên bản chữ Nôm, mà căn cứ vào bản phiên âm(8).

- Lục súc tranh công truyện 六畜爭, gồm 570 câu thơ theo thể song thất lục bát được chép trong Ca văn thi phú thư truyện tạp biên 歌文詩賦書傳, ký hiệu VNv. 520, sách chép tay, dày 124 trang(9).

- Trinh thử truyện貞鼠傳, ký hiệu VNb.79, sách dày 38 trang, in năm Quý Dậu triều vua Nguyễn Tự Đức (1873), gồm 850 câu thơ lục bát (10).

- Trê cóc tân truyện , ký hiệu VNb.78, sách dày 25 tranh, in năm Nguyễn Phúc Kiến thứ 1 (1883), gồm 389 câu thơ lục bát (11).

Nhìn vào tiêu đề của 5 truyện Nôm ngụ ngôn, chúng ta thấy tên truyện đặt là các loài vật, loài hoa, không thấy sự xuất hiện của con người. Nhưng khi tìm hiểu từng truyện, chúng ta thấy rõ quan niệm sáng tác của các tác giả, đó là: mượn loài vật, loài hoa để nói chuyện con người trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, những chuyện luôn luôn diễn ra quanh chúng ta, mà con người cần phải có một thái độ nhân văn để hướng tới chân, thiện, mỹ.

2. Về quan niệm sáng tác của các tác giả truyện Nôm ngụ ngôn, trước hết được thể hiện rất rõ nét bằng sự mở đầu và kết thúc truyện, đó là những câu thơ mang nhiều tính triết lý xã hội, với nhãn quan cuộc sống rất thâm thúy, tế nhị, ẩn ý và mang ý nghĩa giá trị cuộc sống.

Có truyện mở đầu bằng cách mượn loài vật để nói chuyện xưa nay của con người. Tác giả đặt vấn đề, thật là kỳ, “tuồng loài vật” có biết gì đâu mà cũng còn sự lý tranh thi, huống hồ con người lắm mưu nhiều mẹo:

“Truyện đời có cổ có kim

Ngẫm trong vật lý mà xem cũng kỳ

Những tuồng loài vật biết chi

Cũng còn sự lý tranh thi khéo là”

(Trê cóc tân truyện)

Có truyện, tác giả mở đầu bằng những câu phê phán thói xấu, ích kỷ của những kẻ tham lam, lòng dạ gian tà; vì tiền bạc mà làm hư hoại nhân cách, quên hết cả lễ nghĩa trong cuộc sống:

“Ngụ ngôn lắm truyện nực cười

Thiên tiên mà lại dặm mùi phiền hoa

Huống chi lòng thế gian tà

Tham vàng bỏ ngãi cũng là thói quen”

(Truyện Hoa Điểu tranh năng)

Cũng có truyện, tác giả mở đầu bằng những câu thơ thể hiện quan niệm về cuộc sống, khuyên người đời phải biết mình biết ta, giàu sang ăn chơi cũng phải biết nhìn trước tính sau, chớ cậy giàu mà kinh kẻ khó:

“Dám khuyên khách ở trên đời

Ăn chơi cho phải biết nhời trước sau

Đừng khinh khó, chớ cậy giàu

Cổ sơ nhời ví về sau sờ sờ

Ai giàu ba họ bao giờ

Không ai khó đến ba đời mà lo”

(Bướm hoa tân truyện )

Cách mở đầu truyện như vậy, chúng ta cũng thường thấy trong các truyện Nôm, ví như Nguyễn Du đã từng nêu một triết lí nhân sinh trong tác phẩm Đoạn trường tân thanh của mình:

“Trăm năm trong cõi người ta

Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau

Trải qua một cuộc bể dâu

Những điều trông thấy đã đau đớn lòng”(12)

Quan niệm sáng tác của các tác giả truyện Nôm ngụ ngôn còn thể hiện trong cả phần kết thúc truyện. Các tác giả thường khiêm nhường nói rằng, truyện viết chỉ là để chơi, “chấp chảnh vài lời cho vui” với đời và để xem nhân khi nhàn rỗi. Nhưng sự thật, mỗi truyện đều chứa đựng những ngụ ý, thể hiện quan niệm sáng tác của các tác giả là muốn nhắn nhủ người đời:

“Thanh nhàn xem tích truyện kì

Đặt làm quốc ngữ xem khi ngày dài

Nôm na xin bạn đừng cười

Gọi là chấp chảnh vài lời cho vui”

(Hoa điểu tranh năng)

Hay là:

“Tài nông khe vẽ ý cao

Gọi là chép truyện dám nào khoe thơ

Lỗi nhầm xin cũng bỏ ngơ

Cho người chép sách sớm khuya bằng lòng”

(Bướm hoa tân truyện)

Hoặc là:

“Ngẫm xem thế sự nực cười

Cũng là giở cái trò chơi đấy mà

Vẽ vời mấy tiếng ngân nga

Tỏ tường sự lý để ra với đời”

(Trê cóc tân truyện)

Ở các truyện Nôm khác, chúng ta cũng thường gặp cách kết thúc truyện như vậy:

“Lời quê chấp chảnh nên câu

Chép làm một truyện để sau mua cười”(13)

(Phù dung tân truyện)

Hay là:

“Thiện căn ở tại lòng ta

Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài

Lời quê nhặt gói dông dài

Mua vui cũng được một vài trống canh”

(Đoạn trường tân thanh)

Đoạn mở đầu và đoạn kết trong các truyện thơ Nôm ngụ ngôn nói riêng và truyện thơ Nôm nói chung, theo chúng tôi đã luôn mang đến cho người đọc những suy tư, hướng người đọc đến chân lý cuộc trong một xã hội đầy rẫy những phức tạp, những cam go và đan xen giữa cái xấu với cái tốt, cái thiện với cái ác, mà con người hướng thiện phải biết vượt qua. Chúng tôi coi đây có thể là đặc điểm và là một mô tuýt của thể loại văn học này.

3. Xét nội dung từng truyện, cho chúng ta thấy, các tác giả đã lấy truyện của loài vật để ám chỉ truyện của loài người. Chân lý cuộc sống được chiếu sáng từ cốt truyện và thông qua những hình tượng nhân vật trong truyện. Trong phần viết này, chúng tôi chưa có điều kiện trình bày những kiến giải của mình về việc đi sâu phân tích nhân vật và cốt truyện, mà xin tóm lược nội dung của từng truyện để bạn đọc tham khảo:

- Bướm hoa tân truyện, nội dung kể về câu chuyện giữa bướm (chỉ người con trai) và hoa (chỉ người con gái), hai bên tình tự đối đáp lẫn nhau về quan niệm cuộc sống, về cách ăn ở sao cho có trước có sau, có tình có nghĩa; chớ vì đồng tiền mà coi thường phép tắc của xã hội, luân thường đạo lý của con người.

- Hoa điểu tranh năng, truyện kể rằng: nhân ngày Tây Vương mẫu mở tiệc mừng thọ, Cầm vương Phượng hoàng và Hoa vương Mẫu đơn đều đem lễ vật đến mừng. Giữa đường, hai bên gặp nhau và bên nào cũng đòi đi trước. Bên chim khoe Cầm vương là đạo đức nhất. Bên hoa khoe Hoa vương là bậc phú quí nhất. Không bên nào chịu bên nào, rồi hai bên kể xấu nhau. Tây Vương mẫu phải sai người phán xử, cho bên Hoa vương đi trước, lấy lý là cõi đời thường trọng người phú quí hơn người đạo đức. Người đời ngậm ngùi than thở và cho rằng đời đã đến lúc suy rồi. Ở đây, tác giả truyện, đã thông qua loài hoa và loài chim để phê phán chân lý cuộc đời, phê phán xã hội mà đạo đức bị suy đồi và cho phú quí, đồng tiền là có quyền lực nhất.

- Lục súc tranh công truyện, tác giả truyện đã mượn nhân vật là 6 loài vật (trâu, ngựa, chó, dê, gà, lợn). Chúng tranh nhau kể công và ra sức nói xấu nhau, chẳng ai chịu ai. Nhiều người khi đọc tác phẩm này đều cho rằng, tác giả đã ám chỉ 6 bộ của triều đình phong kiến thời bấy giờ, để nêu lên những mâu thuẫn lục đục trong nội bộ các quan lại giữ trọng trách của bộ máy thống trị.

- Trinh thử truyện, truyện kể rằng: chuột trắng góa chồng đi kiếm ăn đêm, nghe tiếng chó sủa hoảng loạn đâm vào hang một chuột đực. Vợ của chuột đực vắng nhà, chuột đực liền gạ gẫm chuột trắng. Chuột trắng giữ lòng kiên trinh liền chạy ra khỏi hang. Đúng lúc đó chuột cái (vợ chuột đực) về bắt gặp và máu ghen nổi lên. Chuột cái đã chửi mắng chuột trắng. Nào ngờ mèo ở đâu chợt đến, chuột cái sa xuống ao. May có Hồ Sinh đuổi mèo đi và cứu chuột cái. Sau đó minh oan cho chuột trắng. Tác giả truyện đã mượn loài vật để nói về xã hội loài người, nhằm lên án sự đồi bại, tham lam của đàn ông và phê phán cả thói ghen tuông phi lí.

- Trê cóc tân truyện, kể về vụ án trê và cóc như sau: cóc đẻ con ở dưới ao rồi bỏ về nhà. Trê thấy đàn con của cóc giống mình liền đem về nuôi. Khi cóc ra thăm con liền bị trê quát mắng. Cóc về phát đơn kiện và trê bị tống giam. Vợ trê chạy vạy đưa lễ lên quan, quan tha trê và giam cóc lại. Vợ cóc được nhái bén khuyên can là, cứ để cóc con lớn lên thì rụng đuôi, chúng sẽ về với bố mẹ. Sự việc đã diễn ra như nhái bén nói. Khi cóc con lớn, vợ cóc dẫn đàn con lên kiện quan, quan vỡ lẽ tha cho cóc. Gia đình cóc đoàn tụ. Tác giả truyện đã khéo vận dụng vụ án trê và cóc, để tố cáo tội tham nhũng của bọn quan lại bất lương, gây ra đau khổ cho người dân và bất công trong xã hội.

Qua nội dung của 5 truyện trên, chúng ta thấy truyện Nôm ngụ ngôn trong quá trình phát triển, đã bám sát đời sống xã hội, phản ánh giá trị đạo đức nhằm giáo dục mọi người xây dựng một nhân cách sống, một lối sống tốt đẹp nhất.

Theo chúng tôi, hiện nay, truyện Nôm ngụ ngôn vẫn còn nguyên giá trị trong đời sống văn hóa xã hội của chúng ta. Những tiếng cười ẩn ý được thể hiện trong kết cấu và nội dung truyện, đều mang ý nghĩa giáo dục đích thực, để mỗi con người cần phải gạt bỏ những cái xấu và vươn tới lối sống đạo đức cách mạng với những ước mơ, hoài bão cao cả trong xã hội văn minh, hiện đại. Vừa qua, Hội nghị lần thứ ba Ban chấp hành Trung ương khóa X vừa ra Nghị quyết “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”, chúng tôi bàn về truyện Nôm ngụ ngôn cũng là góp phần đem chuyện của người xưa để nói chuyện đời nay. Cũng làm rõ hơn ý nghĩa của Nghị quyết đã ghi: “Tiến hành cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” về cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, tạo nên phong trào tự tu dưỡng, rèn luyện, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và tệ tham nhũng, lãng phí.”(14).

Chú thích:

(1) Nam giao cổ kim lý hạng ca dao tập chú. AB.194.

(2) Việt Chương: Từ điển thành ngữ tục ngữ - ca dao. Nxb. Đồng Nai, 1966.

(3) Nguyễn Đổng Chi: Kho tàng cổ tích Việt Nam (5 tập), tái bản, Nxb. Văn nghệ, Tp. Hồ Chí Minh, 1999.

(4) Hoàng Hữu Yên (tuyển chọn, chú thích). Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, H.1986.

(5) Tổng tập tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam (Trần Nghĩa chủ biên). Nxb. Thế giới, H. 1997.

(6) Bùi Duy Tân: Văn học chữ Nôm: tinh hoa - sáng tạo của văn học cổ điển Việt Nam thời trung đại trong Tạp chí Văn học, số 8, 1998.Học giảH

(7) Bản Kim Khuê. H. 1929.

(8) Bản Ưu Thiên Bùi Kỷ hiệu đính. Nxb. Tân Việt, S. 1937.

(9) Bản in của Thư xã Alexandre Derhodes, H. 1944.

(10) Bản Ưu Thiên Bùi Kỷ hiệu đính. Nxb. Tân Việt, S. 1937.

(11) Bản phiên của Nxb. Ngày Mai, H. 1954.

(12) Bản Truyện Kiều - Bản Nôm cổ nhất 1866. Nguyễn Quảng Tuân phiên âm, khảo dị, chú giải. Nxb. Văn học, Trung tâm Quốc học, 2006.

(13) Phù dung tân truyện. Lại Ngọc Cang - Minh Tân - Phan Trọng Điềm phiên âm, chú thích, giới thiệu, Nxb. Văn học, H. 1964.

(14) Văn kiện Hội nghị lần thứ ba Ban chấp hành Trung ương khóa X, Nxb. Chính trị Quốc gia, H. 2006.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Di sản Hán Nôm - Thư mục đề yếu, Nxb. KHXH. H. 1993

2. Đinh Gia Khánh - Bùi Duy Tân - Võ Quang Nhơn - Mai Cao Chương và nhiều tác giả khác: Văn học Việt Nam từ thế kỷ X đến năm 1945 (ba tập), Nxb. Giáo dục, H.2000-2002 (tái bản).

3. Phạm Minh Hạnh: Truyện ngụ ngôn Việt Nam và thế giới. Nxb. KHXH, H. 1993.

4. Trịnh Khắc Mạnh: Chữ Nôm và nền văn học, Tạp chí Hán Nôm, số 6/2004./.

(Tạp chí Hán Nôm, Số 6 (79) 2006; Tr.26-32)

In
Lượt truy cập: