Văn khắc >> Bia Văn miếu Hà Nội
Bia số 37
37- VĂN BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ KHOA BÍNH TUẤT IÊN HIỆU PHÚC THÁI NĂM THỨ 4 (1646)

Cập nhật lúc 11h56, ngày 22/01/2009

VĂN BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ KHOA BÍNH TUẤT IÊN HIỆU PHÚC THÁI NĂM THỨ 4 (1646)

 

 

Trời sinh bậc thánh minh, sao Khuê mở nền văn trị. Hoàng thượng bệ hạ thánh học cao minh, đạo đức ngời sáng. Cơ nghiệp lớn lao truyền nối lâu dài, việc làm đợi ngày thành tựu. Thực nhờ [Đại nguyên súy Thống quốc chính Thượng chủ Sư phụ Công cao Thông đoán Nhân thánh Thanh vương] theo nề nếp của Thế Tổ Minh Khang đại vương, nối nghiệp lớn của Thành Tổ Triết vương, chỉnh đốn kỷ cương, giữ yên xã tắc. Đặt kế sách dựng nước lâu dài, truyền quy mô rộng xa cho con cháu. Chuyên uỷ cho [Nguyên súy Chưởng quốc chính Tây Định vương] thống suất trăm quan, xét đoán mọi việc, đặt khoa thi kén sĩ tử chẳng phải một lần. Khoa Bính Tuất này, Hoàng thượng đã truyền ngôi cho Chân Tông Thuần hoàng đế, đặc sai Đề điệu là Quốc lão Thái phó Kiên Quận công Trịnh Quân chức Lễ bộ Thượng thư Tri Kinh diên sự, Tri Cống cử là Thiếu bảo Dương Quận công Nguyễn Nghi, Thượng thư Bộ Hình kiêm Hàn lâm viện Thị giảng Chưởng Hàn lâm viện sự Dương Trí Trạch; các viên Giám thí là Lễ bộ Tả Thị lang Thọ Xuyên hầu Trần Nghi, Ngự sử đài Phó Đô Ngự sử Khánh Yên bá Phạm Công Trứ, Thiêm Đô Ngự sử Diễn Thọ bá Lê Kính thi Hội các sĩ tử, chọn được hạng xuất sắc 17 người.

Hôm sau vào Điện thí, Hoàng thượng ngự lãm, định thứ tự cao thấp. Ban cho Nguyễn Đăng Hiểu 1 người đỗ Tiến sĩ cập đệ, Nguyễn Viết Cử 1 người đỗ Tiến sĩ xuất thân, bọn Phạm Văn Đạt 15 người đỗ đồng Tiến sĩ xuất thân. Thứ lớp ban ơn đều theo lệ cũ, riêng việc khắc bia thì chưa kịp làm. Ngày nay chính là lúc phải cử hành việc ấy.

Hiện nay nước nhà nhàn rỗi, biết rằng Tiến sĩ cần phải ngợi ca. Bèn sai quan Bộ Công khắc đá đặt tại trường Quốc học để biểu dương sự kiện trọng đại của Nho khoa, làm tráng quan cho đương đại. Lại sai từ thần soạn bài ký.

Thần kính cẩn cúi đầu rập đầu mà dâng lời rằng:

Đặt khoa thi Tiến sĩ là quy chế lựa chọn nhân tài, dựng đá đề danh rộng rãi khuyến khích kẻ sĩ, nêu rõ nguồn gốc để chấn hưng dân trí chăng?

Kímh nghĩ: Thánh triều ta khoa thi Tiến sĩ bắt đầu từ niên hiệu Đại Bảo, tiếp tục ở niên hiệu Thái Hòa, mà thịnh nhất là vào đời Hồng Đức, thời gian thi hành rất lâu, mà chọn được nhân tài cũng nhiều. Không những chỉ đầu thời khai quốc, mà đến thời Trung hưng còn có phép thi Chế khoa bắt đầu từ niên hiệu Thuận Bình, tiếp tục về đời Chính Trị, cũng thi hành cả ở đời Gia Thái. Đến niên hiệu Quang Hưng khôi phục điển cũ của tổ tông, lại đặt khoa thi Tiến sĩ, từ đó bèn thành ra định chế. Đó là nguyên do việc đặt khoa thi. Còn chế độ khắc đá đề danh thì bắt đầu từ đời Hồng Đức, từ đời Cảnh Thống về sau vẫn tuân hành. Chỉ từ khi khôi phục tới nay công việc bộn bề, chưa kịp cử hành, có lẽ phải đợi tới lúc có điều kiện mới làm được chăng?

Ngày nay Thánh thượng chú ý công cuộc thái bình, lưu tâm Nho thuật, dựng nhà học để dưỡng dục nhân tài, đặt khoa thi để kén chọn kẻ sĩ; đối đãi nghiêm trang, lễ nghi long trọng, tin yêu rất ân cần, chế độ hết sức đầy đủ. Bia cao sừng sững, chữ lớn khắc sâu, treo cao trước cửa trường Giám, truyền mãi không mòn, vừa là để chấn hưng tư văn, vừa là để cho hàng Nho sĩ trông vào. Thực tốt đẹp lắm thay!

Thánh thượng tôn sùng văn trị, vun trồng nhân tài, lo toan cho đạo Nho, suy nghĩ cho nền giáo dục thật là thâm hậu.

Vả trong khoa này, hào kiệt rủ nhau đến dự thi, các bậc chân Nho nối nhau xuất hiện. Những người đỗ đạt ra làm quan đắc dụng ở thời sáng thịnh, cả văn chương và chính sự đều rất tốt đẹp, công bình liêm chính đáng khen. Nay đã đăng tên vào tấm đá này, ắt phải nói bàn sắt đá, danh tiết ngọc vàng; chính học phải theo Qui Sơn, tà học phải lánh xa An Thạch; lấy đạo đức phò giúp bậc chân chúa, lấy văn học làm đẹp mưu lược của đế vương, xã tắc nhờ đó được lâu dài, cơ đồ nhờ đó thêm vững chãi; làm bậc nguyên lão như cỏ thi mai rùa của triều đình, làm vị tể tướng như trụ đá của lang miếu; công danh rực rỡ như Y Doãn, Chu Công; sự nghiệp chói lọi như ông Dao, ông Quỳ, người đời sau ắt sẽ chỉ vào tên mà bảo: người nọ văn chương như ông họ Phạm, người kia học thuật chẳng kém ông họ Đinh1; người nọ có tài tể tướng, người kia là bậc tuấn kiệt, người nọ hiểu việc trị nước giúp dân, người kia giàu lòng trung vua yêu nước. Được như thế ngõ hầu trên không phụ lòng triều đình cất cử, dưới không phụ chí hoài bão bình sinh, tiếng tốt lưu truyền đến vô cùng, danh thơm mãi còn không nát. Còn như trước sau sai lệch, ngoài ngọc trong đá, việc làm không đúng như lời nói, việc làm trái với sở học, ắt người ta sẽ chỉ tên mà nói: người nọ chia bè lập đảng, người kia xu phụ quyền quý; người nọ hành trạng gian tà, người kia là hạng tham lam bỉ ổi, chỉ làm ô danh khoa mục, làm vết xấu trên bia đá này mà thôi.

Thế thì bia đá này dựng lên chính là cây trụ đá của nền danh giáo, người được đăng tên vào đó khá lấy làm răn, gắng sức giúp đỡ nền tảng thái bình muôn vạn năm của hoàng gia vương thất, khiến cho nước nhà vững chắc như tảng đá Thái Sơn vậy. Thần đâu dám viện cớ ngu vụng mà chối từ.

Bọn thần kính cẩn làm bài ký.

Dực vận Tán trị công thần Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Thượng thư Bộ Lê kiêm Hàn lâm viện Thị giảng Tham Chưởng Hàn lâm viện sự Bạt Quận công Thượng trụ quốc Dương Trí Trạch vâng sắc nhuận.

Hàn lâm viện Đãi chế Tham tụng2 vâng sắc soạn.

Bia dựng ngày 16 tháng 11 niên hiệu Thịnh Đức năm thứ 1 (1653) Hoàng Việt.

Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ đệ tam danh, 1 người:

NGUYỄN ĐĂNG CẢO 阮登鎬3 người xã Hoài Bão huyện Tiên Du.

Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, 1 người:

NGUYỄN VIẾT CỬ 阮曰舉4 người xã Bình Ngô huyện Gia Định.

Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, 15 người:

PHẠM VĂN ĐẠT 范文達5 người xã Phi Bình huyện Đông Yên.

NGUYỄN TÁ TƯƠNG 阮佐相6 ngườixã Bình Lãng huyện Tứ Kỳ.

LÊ KHẮC KỶ 黎克紀7 người xã Phù Minh huyện Hoằng Hóa.

NGUYỄN ĐĂNG MINH 阮登明8 người xã Hoài Bão huyện Tiên Du.

PHẠM HIỂN DANH 范顯名9 người xã Đông Ngạc huyện Từ Liêm.

NGUYỄN VĨNH 10 người xã Lam Cầu huyện Hoằng Hóa.

NGÔ SĨ VINH 吳仕榮11 người xã Lý Trai huyện Đông Thành.

ĐINH TẤT HƯNG 丁必興12 người xã Ngọ Cầu huyện Gia Lâm.

ĐỒNG TỒN TRẠCH 同存澤13 người xã Triền Dương huyện Chí Linh.

NGUYỄN MẬU TÀI 阮茂才14 người xã Kim Sơn huyện Gia Lâm.

NGUYỄN ĐẮC VINH 阮得榮15 người phường Công Bộ huyện Quảng Đức.

LÊ ĐÌNH LẠI 黎廷賴16 người xã Nhân Mục Cựu huyện Thanh Trì.

CAO CỬ 高舉17 người xã Ngọc Đôi huyện Đông Sơn.

VŨ KIÊM 武兼18 người xã Đông Sơn huyện Đông Sơn.

PHẠM VĂN TUẤN 范文俊19 người xã Nhân Lý huyện Thanh Lâm.

Trung thư giám Hoa văn học sinh Đỗ Viết Đạt quê xã Thái Lạc huyện Văn Giang vâng mệnh viết chữ.

Xá nhân ty Chỉ huy sứ Sính Uyên bá Nguyễn Chiêu quê ở xã Phú Lâm huyện Đông Sơn vâng mệnh trông coi đôn đốc việc khắc bia các khoa.

Chú thích:

1. Ông họ Phạm và ông họ Đinh: ở đây tác giả chọn họ của hai Tiến sĩ mới đỗ khoa này để làm ví dụ khích lệ, không phải điển cố như Y Doãn Chu Công đã nêu trên.

2. Tham tụng: Xem chú thích 4, Bài số 18.

3. Nguyễn Đăng Cảo: Xem chú thích 3, Bài số 15.

4. Nguyễn Viết Cử (1616-?) người xã Bình Ngô huyện Gia Định (nay thuộc xã An Bình huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh), trú quán xã Trạm Lộ (nay thuộc xã Trạm Lộ cùng huyện). Ông làm quan Đông các Đại học sĩ, tước Lộ Xuyên nam.

5. Phạm Văn Đạt (1610-?) người xã Phi Bình huyện Đông Yên (nay thuộc xã Tân Dân huyện Khoái Châu tỉnh Hưng Yên). Ông làm quan Tả Thị lang Bộ Hộ, tước tử. Bia Văn miếu Hưng Yên ghi ông là Phạm Lập Lễ.

6. Nguyễn Tá Tương (1617-?) người xã Bình Lãng huyện Tứ Kỳ (nay là xã Bình Lăng huyện Tứ Kỳ tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Giám sát Ngự sử.

7. Lê Khắc Kỷ (1610-?) người xã Phù Minh huyện Hoằng Hóa (nay thuộc xã Hoằng Quang huyện Hoằng Hóa tỉnh Thanh Hóa). Ông là ông nội của Lê Khắc Huân, làm quan Giám sát Ngự sử.

8. Nguyễn Đăng Minh (1623-1696) người xã Hoài Bão huyện Tiên Du (nay thuộc xã Liên Bão huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh). Ông là em của Nguyễn Đăng Cảo, cha Nguyễn Đăng Tuân và Nguyễn Đăng Đạo. Ông làm quan Quốc tử giám Tế tửu, tước Diễn Lộc nam.

9. Phạm Hiển Danh (1616-?) người xã Đông Ngạc huyện Từ Liêm (nay là xã Đông Ngạc huyện Từ Liêm Tp. Hà Nội). Ông làm quan Giám sát Ngự sử, tước nam. Có tài liệu ghi ông tước Xuân Lĩnh bá.

10. Nguyễn Vĩnh (1616-?) người xã Lam Cầu huyện Hoằng Hóa (nay thuộc xã Quảng Văn huyện Quảng Xương tỉnh Thanh Hóa). Ông làm quan Tham chính, tước nam.

11. Ngô Sĩ Vinh (1596-?) người xã Lý Trai huyện Đông Thành (nay thuộc xã Diễn Kỷ huyện Diễn Châu tỉnh Nghệ An). Ông làm quan Tự khanh, phong Đôn hậu tán trị công thần. Sau khi mất, ông được tặng Tả Thị lang, tước hầu.

12. Đinh Tất Hưng (1617-?) người xã Ngọ Cầu huyện Gia Lâm (nay thuộc xã Như Quỳnh huyện Văn Lâm tỉnh Hưng Yên). Ông làm quan Giám sát Ngự sử.

13. Đồng Tồn Trạch (1617-1692) người xã Triền Dương huyện Chí Linh (nay thuộc xã Nhân Huệ huyện Chí Linh tỉnh Hải Dương). Ông là cha của Đồng Bỉnh Do. Ông làm quan Tham tụng, Thượng thư Bộ Hộ, tước Hầu, hàm Thiếu bảo và từng được cử đi sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc). Sau khi mất, ông được tặng chức Thượng thư Bộ Lại, tước Nghĩa Quận công.

14. Nguyễn Mậu Tài (1616-1688) người xã Kim Sơn huyện Gia Lâm (nay thuộc xã Kim Sơn huyện Gia Lâm Tp. Hà Nội). Ông là anh của Nguyễn Mậu Dị, cha Nguyễn Duy Viên và là ông nội Nguyễn Mậu Thịnh. Ông giữ các chức quan, như Tham tụng, Thượng thư Bộ Công, tước An Lĩnh bá và từng được cử đi sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc). Sau khi mất, ông được tặng chức Thượng thư Bộ Lễ, hàm Thiếu bảo.

15. Nguyễn Đắc Vinh (1617-?) người phường Công Bộ huyện Quảng Đức (nay thuộc quận Ba Đình Tp. Hà Nội). Ông làm quan Giám sát Ngự sử.

16. Lê Đình Lại (1626-?) người xã Nhân Mục Cựu huyện Thanh Trì (nay thuộc phường Khương Đình quận Thanh Xuân Tp. Hà Nội). Ông là con của Ngô Đình Dự, làm quan Tham chính, tước nam.

17. Cao Cử (1610-?) người xã Ngọc Đôi huyện Đông Sơn (nay thuộc xã Đồng Thanh huyện Đông Sơn tỉnh Thanh Hóa). Ông làm quan Giám sát Ngự sử.

18. Vũ Kiêm (1615-?) người xã Phủ Lý huyện Đông Sơn (nay thuộc Thiệu Trung huyện Đông Sơn tỉnh Thanh Hóa). Ông làm quan Tham chính Sơn Tây, sau bị giáng xuống làm Cấp sự trung.

19. Phạm Văn Tuấn (1598-?) người xã Nhân Lý huyện Thanh Lâm (nay thuộc thị trấn Nam Sách huyện Nam Sách tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Giám sát.

In
Lượt truy cập: