Văn khắc >> Bia Văn miếu Hà Nội
Bia số 32
32- VĂN BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ KHOA MẬU THÌN NIÊN HIỆU VĨNH TỘ 10 (1628)

Cập nhật lúc 22h27, ngày 22/01/2009

VĂN BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ KHOA MẬU THÌN NIÊN HIỆU VĨNH TỘ 10 (1628)

 

 

Hoàng Việt muôn vạn năm, niên hiệu Vĩnh Tộ thứ 10, năm Mậu Thìn, mùa xuân thi Hội các sĩ nhân. Các sĩ đại phu được chọn dự tuyển 18 người, chính là khoa thi thứ nhất1 đời Trung hưng vậy.

Ngày hôm sau, Hoàng thượng lâm ngự Điện thí, hỏi về phép trị đạo xưa nay. Sai Đề điệu là Thái bảo Quỳnh Quận công Trịnh Đệ, Tri Cống cử là Binh bộ Thượng thư Thái uý Đăng Quận công Nguyễn Khải, Hình bộ Thượng thư kiêm Ngự sử đài Đô Ngự sử, Thiếu phó Đường Quận công Nguyễn Danh Thế, Giám thí là Lại bộ Hữu Thị lang Lai Phong bá Nguyễn Tuấn cùng các quan hữu ti chia giữ các việc.

Đến khi dâng quyển đọc, Hoàng thượng sáng suốt ngự lãm, xét định thứ tự cao thấp. Ban cho Giang Văn Minh, 1 người đỗ Tiến sĩ cập đệ, bọn Dương Cảo 3 người đỗ Tiến sĩ xuất thân, bọn Đặng Phi Hiển 14 người đỗ đồng Tiến sĩ xuất thân. Về danh hiệu Cập đệ2 thì từ khi khôi phục mới bắt đầu thấy có ở khoa này. Còn việc ban cấp áo mũ cho dự yến tiệc đều theo lệ cũ, tước trật chức vị nhất nhất đều theo quy chế đã lập thành. Chỉ còn việc dựng bia đề danh hồi đó chưa kịp làm. Cử hành việc ấy chính là ngày hôm nay vậy.

Hoàng thượng buông tay áo ngự ngôi cao trong cõi, sâu nghĩ về đạo trị nước. Thực nhờ [Đại nguyên súy Thống quốc chính Sư phụ Thanh vương] đem vương thất phò tá hoàng gia, trị vì thiên hạ, vì muôn đời mở cuộc thái bình, chuyên uỷ cho [Nguyên súy Chưởng quốc chính Tây Định vương] khôi phục khuếch trương chính sự, chấn chỉnh văn phong, bèn sai từ thần soạn ký văn (để khắc bia khoa này).

Bọn thần may được giữ chức vị nội tướng, viết bài văn ấy tất phải do bậc đại thủ bút, cố nhiên không thể kham đặng, nhưng chức vụ đáng phải làm, cho nên không dám chối từ. Kính cẩn cúi đầu rập dầu chép rằng:

Đạo trời không nói mà vẫn hoàn thành công tích, tất là nhờ vào ngũ hành để tuyên minh khí vận. Thánh nhân có ý muốn chấn hưng mọi việc cho đến mức chí lý tất phải nghe nhiều người bình nghị để mà cất nhắc bổ dụng hiền tài. Xa trông việc cầu hiền của các đế vương xưa: phép xét cử thì phỏng theo đời Nghiêu Thuấn mà những người tài giỏi đều được vào triều. Phép trưng cầu thì thi hành ở đời Thương Chu mà tuấn kiệt đều được bố trí vào các chức vị, cho nên việc trị nước sáng rỡ ngời ngời, thành tựu đạt được thật cao thật lớn, đầy khắp trời đất. Xuống đến các đời Hán, Đường, Tống, các đời vua được gọi là trị không đời nào không lấy cầu tìm hiền tài làm công việc trước nhất. Nhưng thịnh ý biểu dương khích lệ hiền tài chưa có đời nào được như các bậc thánh tổ thần tông đời bản triều: quy mô to lớn, khuôn phép tốt đẹp, rất kỹ càng, rất đầy đủ. Tuy đến giữa chừng quốc bộ gian nan, Nho đạo cơ hồ chỉ còn mỏng manh như sợi chỉ. May mà có minh quân thánh chúa đương thời lo toan khôi phục nên mới chấn hưng lên được: Trang Tông Dụ hoàng đế, Trung Tông Vũ hoàng đế, Anh Tông Tuấn hoàng đế dựng lại càn khôn, tất cả nhờ có Thế Tổ Minh Khang thái vương giúp cầu tìm hiền tài tuấn kiệt, cùng chung lo kỷ cương. Thế Tông Nghị hoàng đế, Kính Tông Huệ hoàng đế làm sáng lại nhật nguyệt, thực nhờ Thành Tổ Triết vương thu phục kinh thành, rộng vời người tài giỏi, khanh sĩ đứng chật sân triều, được người còn thịnh hơn cả nhà Hán. Nhưng việc khắc đá đề danh thì hồi ấy chưa kịp làm.

Đến nay Thánh thượng chạnh nghĩ các khoa thi Chế khoa, thi Tiến sĩ của bản triều được người rất nhiều, nếu không dựng bia đề danh thì làm sao có thể nêu cao thịnh sự của Nho khoa, để người đời nay lớn lao trông vào. Bèn sai Bộ Công khắc đá, theo thứ tự đề họ tên từng người, dựng ở cửa nhà Thái học để tỏ ý ngợi khen khích lệ, giúp cho hậu thế có chỗ chiêm ngưỡng mà thấy được sự vẻ vang, để mà cố rèn mài danh tiết, gắng lên kính giúp hoàng gia, há chỉ để làm hư văn mà thôi đâu!

Ôi! Sự tôn trọng ngợi khen của triều đình thật đã là rất mực, kẻ sĩ sinh ở đời này mới thật vinh hạnh làm sao! Vả lại về khoa này trong số những người được dự đề danh trên bia đá này, đến một nửa đã qua đời. Nhưng con người của họ trung chính hay gian tà, người hiền hay kẻ xấu thì có chỗ không thể che giấu được. Đến nay hiện làm quan tại chức thì quả thật phải giữ một tấm lòng sắt đá trung thành, dâng lời nói thuốc đắng kim châm để giúp vua giữ gìn quy củ; mưu lo ích nước, thi triển yên dân, làm rường cột quốc gia, làm bậc đại thần trụ đá miếu đường, giúp vua được như vua Nghiêu Thuấn, giúp đời được như đời Đường Ngu. Như thế thì người ta sẽ bảo nhau rằng: "Ông mỗ là bậc tể phụ, ông nọ là bậc hiền quan, nổi bật hơn cả trong số mười tám học sĩ", tiếng tốt cũng sẽ theo đó mà được lan truyền ngưỡng mộ. Còn như kẻ bên ngoài ngọt miệng mà trong lòng đao kiếm, bên trong hiểm độc mà bên ngoài giả bộ ngu khờ, chỉ mưu toan cho bản thân, ít màng lo quốc chính, thì người ta sẽ nhìn vào đây mà bảo: "Kẻ ấy gian tà, kẻ ấy xảo trá, không biết từ đâu mà lại lọt được vào trong số mười tám học sĩ ?", kẻ ác cũng phải xem bia này để cảnh tỉnh bản thân. Thế thì bia này dựng lên không chỉ để dồi mài tâm chí kẻ sĩ, mà còn để làm vững chắc mệnh mạch nước nhà, quốc gia của bản triều cùng trời đất bền vững lâu dài. Mệnh mạch tinh thần ấy có lẽ là ở đó.

Thần kính cẩn làm bài ký.

Dực vận Tán trị công thần Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Thượng thư Bộ Lễ kiêm Hàn lâm viện Thị giảng Tham Chưởng Hàn lâm viện Bạt Quận công Thượng trụ quốc Dương Trí Trạch vâng sắc nhuận.

Mậu lâm lang Hàn lâm viện Hiệu thảo Trịnh Cao Đệ3 vâng soạn.

Bia dựng ngày 16 tháng 11 niên hiệu Thịnh Đức thứ 1 (1653) Hoàng Việt.

Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ đệ tam danh, 1 người:

GIANG VĂN MINH 江文明4 người xã Mông Phụ huyện Phúc Lộc.

Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, 3 người:

DƯƠNG CẢO 楊暠5 người xã Hà Lỗ huyện Đông Ngàn.

ĐỒNG NHÂN PHÁI 同仁派6 người xã Thiết ng huyện Đông Ngàn .

NGUYỄN DUY HIỂU 阮惟曉 7 người xã Yên Lãng huyện Yên Lãng.

Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, 14 người:

ĐẶNG PHI HIỂN 鄧丕顯8 người xã Thụy Nhi huyện Giao Thủy.

LÊ KHẢ TRÙ 黎可儔9 người xã Phúc Triền huyện Đông Sơn.

NGUYỄN THẾ TRÂN 阮世珍10 người xã Bách Tính huyện Thượng Nguyên.

NGUYỄN HÒA 阮和11 người xã Hoa Thiều huyện Đông Ngàn.

LÃ THÌ TRUNG 呂時中12 người xã Cam Giá huyện Phúc Lộc.

NGUYỄN KHẮC VĂN阮克文13 người phường Hà Khẩu huyện Thọ Xương.

THÂN KHUÊ 申奎14 người xã Phương Đỗ huyện Yên Dũng.

DƯƠNG THUẦN 楊淳15 người xã Lạc Đạo huyện Gia Lâm.

LÊ KÍNH 黎敬16 người xã Quan Trung huyện Đông Thành.

PHẠM CÔNG TRỨ 范公著17 người xã Liêu Xuyên huyện Đường Hào.

NGUYỄN QUANG MINH 阮光明18 người xã Vãn Hà huyện Thụy Nguyên.

NGUYỄN BÌNH 阮評19 người xã Bồng Lai huyện Quế Dương.

NGUYỄN TÀI TOÀN 阮才全20 người xã Bồng Lai huyện Quế Dương.

NGUYỄN TRẠCH 阮澤21 người xã Nham Lang huyện Ngự Thiên.

Trung thư giám Hoa văn học sinh, quê xã Lam Kiều huyện Hoằng Hóa là Lê Đình Thưởng vâng viết chữ (chân).

Quang tiến Thận lộc đại phu Kim quang môn Đãi chiếu kiêm Triện thích thái thừa Quế Lan nam Nguyễn Quang Độ vâng viết chữ triện.

Chú thích:

1 Câu này có thể chỉ là cách nói nhấn mạnh ý nghĩa, còn thực sự thì tính theo các mốc như từ sau khi Trang Tông trung hưng (1533), hoặc sau khi đánh được nhà Mạc thu phục kinh thành (1599) v.v...thì khoa thi này cũng không phải là khoa thứ nhất (đệ nhất khoa), ngay chỉ riêng ở đời Lê Thần Tông thứ 1 (1619-1628) thì trước khoa này cũng đã có khoa thi năm Vĩnh Tộ 5 (1623) .

2Cập đệ là danh hiệu của hàng Tam khôi (Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa).

3 Trịnh Cao Đệ: Xem chú thích số 2, Bia số 23.

4 Giang Văn Minh (1573-1638) người xã Mông Phụ huyện Thượng Phúc (nay thuộc xã Đường Lâm thị xã Sơn Tây tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Tự khanh và được cử đi sứ (năm 1637) sang nhà Minh (Trung Quốc). Sau khi mất, ông được tặng chức Thị lang, tước Vinh Quận công.

5 Dương Cảo (1586-?) người xã Hà Lỗ huyện Đông Ngàn (nay thuộc xã Liên Hà huyện Đông Anh Tp. Hà Nội). Ông làm quan Quốc tử giám Tế tửu.

6 Đồng Nhân Phái (1581-?) người xã Thiết Úng huyện Đông Ngàn (nay thuộc xã Vân Hà huyện Đông Anh Tp. Hà Nội). Ông làm quan Hữu Thị lang Bộ Công. Sau khi mất, ông được tặng chức Thượng thư.

7 Nguyễn Duy Hiểu (1602-?) người xã Yên Lãng huyện Yên Lãng (nay thuộc xã Phú Xuân huyện Tam Đảo tỉnh Vĩnh Phúc). Ông làm quan Thiêm Đô Ngự sử, từng được cử đi sứ sang nhà Minh (Trung Quốc) và bị mất trên đường đi. Sau khi mất ông được tặng chức Tả Thị lang Bộ Hình, tước hầu.

8 Đặng Phi Hiển (1567-1650) người xã Thụy Trung huyện Giao Thủy (nay thuộc huyện Giao Thủy tỉnh Nam Định). Ông làm quan Đông các Đại học sĩ.

9 Lê Khả Trù (1582-?) người xã Phúc Triền huyện Đông Sơn (nay thuộc huyện Đông Sơn tỉnh Thanh Hóa). Ông làm quan Hộ khoa Đô Cấp sự trung.

10 Nguyễn Thế Trân (1603-?) người xã Bách Tính huyện Thượng Nguyên (nay thuộc xã Nam Hồng huyện Nam Trực tỉnh Nam Định). Ông làm quan Cấp sự trung.

11 Nguyễn Hòa (1578-?) người xã Hoa Thiều huyện Đông Ngàn (nay thuộc xã Hương Mạc huyện Từ Sơn Sơn tỉnh Bắc Ninh). Ông làm quan Giám sát Ngự sử.

12 Lã Thì Trung (1577-?) người xã Cam Giá huyện Phúc Lộc (nay thuộc xã Cam Thượng huyện Ba Vì tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Hữu Thị lang Bộ Hộ. Sau khi mất, ông được tặng Tả Thị lang Bộ Công.

13 Nguyễn Khắc Văn (1567-?) người phường Hà Khẩu huyện Thọ Xương (nay thuộc quận Hoàn Kiếm Tp. Hà Nội), nguyên quán xã Hoàng Liệt huyện Thanh Trì (nay là xã Hoàng Liệt huyện Thanh Trì Tp. Hà Nội).

14 Thân Khuê (1593-?) người xã Phương Đỗ huyện Yên Dũng (nay thuộc xã Hương Mai huyện Việt Yên tỉnh Bắc Giang). Ông làm quan Tham chính, được cử làm Phó sứ (năm 1637) sang nhà Minh (Trung Quốc) và bị mất trên đường đi. Sau khi mất, ông được tặng Hữu Thị lang Bộ Công, tước hầu.

15 Dương Thuần (1587-1667) người xã Lạc Đạo huyện Gia Lâm (nay thuộc xã Lạc Đạo huyện Văn Lâm tỉnh Hưng Yên). Ông giữ các chức quan, như Thừa chính sứ, Hữu Thị lang, tước Nho Lâm bá. Sau khi mất, ông được tặng Thượng thư Bộ Hình, tước hầu.

16 Lê Kính (1587-1699) người xã Quan Trung huyện Đông Thành (nay thuộc xã Sơn Thành huyện Yên Thành Nghệ An). Ông là cha của Lê Hiệu, làm quan Thượng thư Bộ Công, tước hầu. Sau khi mất, ông được tặng hàm Thái bảo, tước Thạc Quận công.

17 Phạm Công Trứ (1602-1675) người xã Liêu Xuyên huyện Đường Hào (nay thuộc xã Nghĩa Hiệp huyện Yên Mỹ tỉnh Hưng Yên). Ông giữ các chức quan, như Tham tụng, Thượng thư Bộ Lại kiêm Đông các Đại học sĩ, Chưởng Lục bộ sự, hàm Thiếu bảo, được ban Quốc lão, tước Yên Quận công, sau thăng Thái tể và thụy là Trung Cần.

18 Nguyễn Quang Minh (1584-?) người xã Văn Hà huyện Thụy Nguyên (nay thuộc xã Thiệu Hưng huyện Thiệu Hóa tỉnh Thanh Hóa). Ông giữ các chức quan, như Đốc thị Thuận Hóa, Tả Thị lang Bộ Lại, tước Mỹ Lộc hầu và từng được cử đi sứ sang nhà Minh (Trung Quốc).

19 Nguyễn Bình (1541-?) người xã Bồng Lai huyện Quế Dương (nay là xã Bồng Lai huyện Quế Võ tỉnh Bắc Ninh). Ông là cha của Nguyễn Tài Toàn, làm quan Thượng thư Bộ Công, tước Cẩm Quận công và được cử đi sứ (năm 1637) sang nhà Minh (Trung Quốc). Sau khi mất, ông được tặng chức Thiếu bảo.

20 Nguyễn Tài Toàn (1598-?) người xã Bồng Lai huyện Quế Dương (nay là xã Bồng Lai huyện Quế Võ tỉnh Bắc Ninh). Ông là con của Nguyễn Bình và làm quan Tả Thị lang Bộ Lại, tước Đạt Lý Hầu.

21 Nguyễn Trạch (1572-?) người xã Nham Lang huyện Ngự Thiên (nay thuộc xã Cấp Tiến huyện Hưng Hà tỉnh Thái Bình). Ông làm quan Tự khanh.

In
Lượt truy cập: