Văn khắc >> Bia Văn miếu Hà Nội
Bia số 28
28- VĂN BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ KHOA QUÝ SỬU NIÊN HIỆU HOẰNG ĐỊNH NĂM THỨ 14 (1613)

Cập nhật lúc 22h47, ngày 22/01/2009

VĂN BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ KHOA QUÝ SỬU NIÊN HIỆU HOẰNG ĐỊNH NĂM THỨ 14 (1613)

 

 

Nước nhà vận mở lớn lao, thánh đế thánh vương truyền nối.

Kính Tông Huệ hoàng đế đảm đương mệnh lớn, nối giữ cơ đồ kế thừa chính thống, rộng mở nhân văn. Thực nhờ Thành Tổ Triết vương một lòng phò tá, chỉnh đốn kỷ cương, muốn được nhân tài chọn đúng thực chất. Bèn vào năm Quí Sửu mở khoa thi Hội, đặc sai Đề điệu là Thái bảo Đông Quận công Lê Ngạnh, Tri Cống cử là Lại bộ Tả Thị lang Phú Xuân hầu Ngô Trí Hòa, Giám thí là Lễ bộ Tả Thị lang Phương Lan hầu Nguyễn Thực, Ngự sử đài Thiêm Đô Ngự sử Phương Tuyền tử Nguyễn Duy Thì cùng chấp sự các ti chia giữ các việc.

Bấy giờ sĩ tử trong nước tấp nập đến kinh sư như mây hợp, nghe tuyên chiếu thư bèn đăng tên dự thi, đông đến hơn 1.000 người, chọn hạng xuất sắc được 7 người.

Vâng chỉ Thánh thượng truyền vào Điện thí, đặc ban cho từ Nguyễn Tuấn đến Nguyễn Thì Mẫn 7 người đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Lại ban cho đai tê1, áo mũ, dự yến vườn Quỳnh, rồi cho được vinh quy về quê nhà. Khen thưởng ưu hậu, trang sức vẻ vang, sự đãi ngộ thật rất mực long trọng. Cho nên những người đỗ khoa này đều là bậc có đức giúp đời nuôi dân, người có tài cán ngang trời dọc đất. Có người làm tham mưu quân vụ giúp dẹp trừ dư đảng ngụy Mạc, có người vâng mệnh đi sứ thì làm mạnh thế nước, người làm chính sự thì trong cõi trị yên. Cơ đồ nhờ đó mà được củng cố, xã tắc nhờ đó mà được trường tồn. Cho nên cần phải khắc đá đề danh, coi là quy chế lưu truyền mãi mãi. Nhưng đối với khoa này lúc đó chưa kịp dựng bia. Nêu việc để thi hành tất phải đợi đến ngày nay vậy.

Kính nghĩ: Hoàng thượng bệ hạ đích thân nắm giữ muôn cơ, tự mình xem xét mọi việc. Thực nhờ [Đại nguyên súy Thống quốc chính Sư phụ Thanh vương] trên phò tá thiên tử điều tiết âm dương, hòa hiệp bốn mùa. Chuyên uỷ cho [Nguyên súy Chưởng quốc chính Tây Định vương] phò quân vương trị nước, giúp thánh chúa cầu hiền. Đặc sai quan hữu ty soát hết các bia Tiến sĩ các triều, khoa nào chưa có bia thì dựng thêm cho đủ. Lại sai từ thần soạn các bài ký khắc bia, là cốt để làm cho đủ những việc mà đời trước chưa kịp làm, hoàn thành ý định mà người trước chưa kịp hoàn thành. Đây quả thật là việc rất lớn lao vậy.

Bọn thần thẹn vâng mệnh sáng, vì để chúc mừng cho nền tư văn, kính cẩn cúi đầu rập đầu dâng lời rằng:

Nền trí trị ắt sinh ra những người toàn tài, mà những bậc toàn tài đủ để làm cho nền trí trị được lâu dài bền vững. Nhưng nhân tài tất phải do khoa mục mà ra. Từ đời nhà Ngu đã có lệ mời đón người có tài, gọi là "lai tuấn" (người tài được mời đến), cho nên gọi nhân tài là tuấn, là ngải, mà nhân tài cũng theo lệ mời đón đó mà ra. Nhà Chu đãi người hiền như tân khách, gọi là " tân hiền", cho nên những kẻ sĩ hiền năng đều do cách đó mà được tiến dâng. Đông đảo hiền năng hòa hợp ở triều cho nên có thể giúp nên thiên hạ trị bình. Châm chước lệ xưa mà làm chuẩn mực cho đời nay, chính là lúc này vậy.

Hiện nay khí vận phong hóa phồn thuần, trị giáo tốt đẹp, [đế vương] thuận trời đất lên ngôi, sánh Ngu Chu hưng thịnh. Nhân tài xuất hiện càng nhiều, so xưa có khác, được người đông đảo, gấp bội thời xưa, giáo hóa thành tựu có thể nghiệm thấy, đó là điềm lành tốt đẹp của nước nhà. Vậy kẻ sĩ muốn tự trọng thân danh của mình phải lo đền báo thế nào cho xứng đáng?

Hãy điểm những người thi đỗ khoa này, thì thấy đó là những người lấy chính trực mà đứng trong triều, lấy tiết liêm bắt mình giữ phép, lau quang chùi bóng bụi nhơ, một chí dồi mài đức hạnh, vớt đuối cứu cháy, xót thương khốn cùng, yêu nước trung vua, không lúc ngưng nghỉ, dốc lòng giúp sáng vương độ, vững chắc làm trụ đá hoàng gia, đặt thiên hạ vào chốn vững yên như Thái Sơn bàn thạch. Thế thì bia đá này, những tên tuổi này khác nào muôn cân nặng trĩu, càng lâu mà chẳng mòn vậy. Đủ biết Hoàng triều lấy việc ban tước lộc và dựng bia đá làm phương pháp dưỡng dục hiền tài, dụng công vun trồng thật là sâu sắc. Vậy thì bài ký khắc bia là kế sách lâu dài để xây dựng nước nhà mà khiến cho nghiệp trung hưng càng thêm lớn lao. Nay nghiệp trung hưng đã thành, đời đời được yên bình, dẫu là thơ khắc Trống đá2 hay là bia khe Ngô Khê3 làm sao đủ để hình dung trong muôn một ?

Bọn thần kính cẩn làm bài ký.

Dực vận Tán trị công thần Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Thượng thư Bộ Lễ kiêm Hàn lâm viện Thị giảng Tham Chưởng Hàn lâm viện sự Bạt Quận công Thượng trụ quốc Dương Trí Trạch vâng sắc nhuận.

Mậu lâm lang Hàn lâm viện Hiệu thảo Nguyễn Đăng Minh4 vâng sắc soạn.

Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Trung thư giám Điển thư Văn Duệ tử, người xã La Chàng huyện Thiên Thi phủ Khoái Châu là Trần Hào vâng sắc viết chữ (chân).

Quang tiến Thận lộc đại phu Kim quang môn Đãi chiếu kiêm Triện thích thừa Quế Lan nam Nguyễn Quang Độ vâng sắc viết chữ triện.

Bia dựng ngày 16 tháng 11 niên hiệu Thịnh Đức năm thứ 1 (1653) Hoàng Việt.

Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, 7 người:

NGUYỄN TUẤN 阮俊5người xã Nhân Mục Môn huyện Thanh Trì.

BÙI TẤT THẮNG 裴必勝6người xã Phương Lai huyện Vũ Tiên.

NGUYỄN KINH TẾ 阮經濟7 người xã An Khải huyện Đường Hào.

NGUYỄN THÔNG 阮通8 người xã Văn Xá huyện Thanh Lâm.

NGUYỄN BÁ TẤN 阮伯晉  9 người xã Đông Phan huyện Thanh Hà.

HOÀNG KIỂU CƯỜNG 黃矯強10 người xã An Trang huyện Lương Tài.

ĐẶNG THÌ MẪN 鄧時敏11 người xã An Lạc huyện Thanh Lâm.

Chú thích:

1. Nguyên văn: tê đái, tức vòng đai có nạm sừng tê giác.

2. Nguyên văn: Thạch cổ.

3. Ngô Khê: Tên dòng khe có cảnh đẹp ở huyện Kỳ Dương tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc), có khu biệt thự của nhà thơ Nguyên Kết đời Đường. Câu này nói ý sự nghiệp trung hưng lớn lao, dẫu là thơ văn hay đến đâu cũng không diễn tả hết được.

4. Nguyễn Đăng Minh: Xem chú thích 1, Bia số 26.

5. Nguyễn Tuấn (1562-?) người xã Nhân Mục huyện Thanh Trì (nay thuộc phường Nhân Chính quận Thanh Xuân Tp. Hà Nội). Ông là con của Nguyễn Trung. Ông giữ các chức quan, như Tá lý công thần, Hữu Thị lang Bộ Lại, tước Lại Phong hầu và từng được cử đi sứ sang nhà Minh (Trung Quốc). Khi mất, ông được tặng chức Tả Thị lang Bộ Binh, tước Quận công.

6. Bùi Tất Thắng (1572-?) người xã Phương Lai huyện Vũ Tiên (nay thuộc huyện Vũ Thư tỉnh Thái Bình). Ông làm quan Tự khanh và từng được cử đi sứ sang nhà Minh (Trung Quốc), bị mất trên đường đi và được tặng Tả Thị lang, tước hầu.

7. Nguyễn Kinh Tế (1588-?) người xã An Khải huyện Đường Hào (nay thuộc xã Bắc Sơn huyện Ân Thi tỉnh Hưng Yên). Ông là anh của Nguyễn Kinh Học. Ông làm quan Hữu Thị lang Bộ Binh, tước hầu và được cử đi sứ sang nhà Minh.

8. Nguyễn Thông (1568-?) người xã Văn Xá huyện Thanh Lâm (nay thuộc xã Ái Quốc huyện Nam Sách tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Tham chính. Có tài liệu ghi sau ông đổi tên là Nguyễn Kỳ.

9. Nguyễn Bá Tấn (1563-?) người xã Đông Phan huyện Thanh Hà (nay thuộc xã Tân An huyện Thanh Hà tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Hiến sát sứ.

10. Hoàng Kiểu Cường (1554-?) người xã An Trang huyện Lương Tài (nay thuộc huyện Lương Tài tỉnh Bắc Ninh). Ông là cháu của Hoàng Kiểu Vinh, làm quan Hiến sát sứ.

11. Đặng Thì Mẫn (1549-?) người xã An Lạc huyện Thanh Lâm (nay thuộc xã Đồng Lạc huyện Nam Sách tỉnh Hải Dương). Ông là con của Đặng Thì Thố. Ông làm quan Hiến sát sứ.

In
Lượt truy cập: