Nghiên cứu Hán Nôm >> Tác giả >> V >> Nguyễn Công Việt
81.Vài nét về tư liệu ấn triện trong giai đoạn đầu phong trào Tây Sơn (TBHNH 2001)

Cập nhật lúc 23h12, ngày 20/03/2007

VÀI NÉT VỀ TƯ LIỆU ẤN TRIỆN
TRONG GIAI ĐOẠN ĐẦU PHONG TRÀO TÂY SƠN

NGUYỄN CÔNG VIỆT

Tiến sĩ. Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Vào đầu thập niên thứ 7 của thế kỷ XVIII, xã hội Đàng Trong của chúa Nguyễn Phúc cực kỳ rối ren, quyền thần Trương Phúc Loan nắm quyền vô đạo, kinh tế suy sụp và lòng dân ly tán. Năm Quý Tỵ (1773) ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ (1) và Nguyễn Huệ cùng với Nguyễn Thung và Huyền Khê (2) từ ấp Tây Sơn dấy quân chiếm cứ hai huyện Phù Ly và Bồng Sơn (3), kí một giao ước với nữ chúa Chiêm Thành (4) chống lại chính quyền Đàng Trong mở đầu cho một giai đoạn lịch sử mới - giai đoạn Tây Sơn.

Tuy ngắn ngủi nhưng giai đoạn Tây Sơn đã để lại nhiều sự kiện lịch sử trọng đại mà những hiện vật ấn chương và hình dấu ấn trên văn bản Hán Nôm còn lưu lại đến ngày nay là những minh chứng rõ nét và sống động.

Ngay từ thời kỳ đầu khởi nghĩa những người lãnh đạo Tây Sơn đã nêu cao khẩu hiệu "Phụng thiên phạt bạo Nguyễn Phúc" quyết tâm lật đổ chính quyền chúa Nguyễn Phúc Thuần. Để thể hiện rõ tinh thần của khẩu hiệu trên, họ đã cho làm một quả ấn gỗ khắc 6 chữ Hán "Phụng thiên phạt bạo Nguyễn Phúc" () dùng đóng trên các bản hiệu triệu, cáo thư, từ gửi đi và đóng trên các tờ quân lệnh. Con dấu này đã được dùng khá lâu, cả trong thời gian quân Tây Sơn đánh miền Bắc tiêu diệt quân Trịnh, Nguyễn Huệ đã dùng đóng trên các bản công văn quân lệnh. Tư liệu này đã được Bùi Dương Lịch ghi lại trong "Nghệ An ký": "... Duy quân lệnh của Tây Sơn thì dùng riêng dấu "Phụng thiên phạt bạo Nguyễn Phúc..." (5). Đây được coi là ấn dấu đầu tiên thời Tây Sơn. Đáng tiếc vì chiến tranh binh hoả, thiên tai đã chôn vùi tất cả ấn dấu thời Tây Sơn, trong đó có ấn dấu này.

Mùa xuân năm Bính Thân 1776, Nguyễn Nhạc chuyển quân đóng bản doanh ở chùa Thập Tháp phía bắc thành Đô Bàn (6) rồi cho đắp lại thành này và xưng là Thiên Vương rồi phong Nguyễn Lữ làm Thiếu phó và Nguyễn Huệ làm Phụ chính (7). Tại đây Nguyễn Nhạc đã cho đúc ấn vàng lớn, nhưng cứ đúc là bị sứt phải ba lần mới hoàn thành.

Cũng như các vua chúa phong kiến Việt Nam trước Tây Sơn, khi lên ngôi, đặt hoặc đổi niên hiệu, họ thường cho đúc những quả ấn lớn bằng vàng sử dụng với ý nghĩa quốc gia trọng đại, dùng đóng trên các bản lệnh chỉ, chiếu dụ, chế cáo, sắc phong. Ở đây khi xưng vương Nguyễn Nhạc cũng cho đúc ấn vàng lớn đã nói ở trên để chuẩn bị cho việc lên ngôi Hoàng đế và đặt niên hiệu sau đó. Nghiên cứu ấn chương thời Tây Sơn với những quả ấn lớn dùng có ý nghĩa quốc gia trọng đại còn chứng tích tới ngày nay như ấn "Quảng Vận chi bảo" dùng đóng trên các đạo chiếu dụ,..., "Sắc mệnh chi bảo" và "Tiên nhu chi bảo" dùng đóng trên các đạo sắc phong và "Triều đường chi ấn" đóng trên tờ truyền. Chúng tôi thấy các ấn dấu "Sắc mệnh chi bảo", "Tiên nhu chi bảo" và "Triều đường chi ấn" đều có niên đại sau thời Thái Đức. Vả lại khá nhiều văn bản chữ Hán ghi rõ Nguyễn Huệ khi còn là Chính Bình Vương dùng niên hiệu Thái Đức đều được đóng dấu "Quảng Vận chi bảo"... Do đó việc khẳng định ấn dấu "Quảng Vận chi bảo" được làm ra từ năm 1776 là có cơ sở. Quả ấn này buổi đầu làm ra khi vương triều Tây Sơn còn quá non trẻ và quá ít ấn dấu, nên với tác dụng đa năng "Quảng Vận chi bảo" còn được đóng trên nhiều loại hình văn bản khác nhau, trong đó có cả những bức thư quan trọng mà Nguyễn Huệ gửi cho các nhân vật tên tuổi như La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp v.v...

Sử cũ ghi "Năm 1778 Nguyễn Nhạc tự lập làm Minh Đức Hoàng đế, đặt ngụy hiệu là Thái Đức nguyên niên, cho đổi thành Đồ Bàn làm thành Hoàng đế, lấy Lữ làm Tiết Chế và Huệ làm Long Nhương tướng quân, lại sai bọn Tổng đốc Chu, Tư khấu Uy, Hộ giá Phạm Ngạn đem thuỷ quân lấn cướp vùng ven biển Trấn biên..." (8). Chính thức từ đây lịch sử phong kiến Việt Nam thêm một vương triều mới, Nguyễn Nhạc xưng đế, đặt niên hiệu phong chức cho các quan tướng... bắt đầu hình thành một chính quyền mới. Bất kỳ một triều đại nào khi mới thành lập song song với việc đặt quan phong tướng là việc ban cấp ấn tín. Triều đại Tây Sơn chắc chắn cũng thực hiện như vậy, song thực trạng ấn chương giai đoạn này còn lại rất ít, nên chúng tôi chỉ có thể giới thiệu một cách khái quát sơ bộ và đôi khi chỉ là những tư liệu dẫn mà thôi.

Năm 1786 được Nguyễn Hữu Chỉnh hiến kế, Nguyễn Nhạc phong Nguyễn Huệ làm Tiết Chế các quân thuỷ bộ, Nguyễn Hữu Chỉnh (9) làm Hữu quân Đô Đốc, Vũ Văn Nhậm (10) làm Tả quân Đô Đốc tiến đánh Phú Xuân. Dùng kế ly gián Nguyễn Huệ mật sai Hữu Chỉnh đem bức thư bọc sáp, tức là dùng sáp đốt cháy niêm phong bức thư, khi sáp còn nóng thì đóng dấu niêm đè lên trên. Nội dung thư hẹn Trần Đình Thể làm nội ứng, nhưng Nguyễn Hữu Chỉnh lại cố ý đưa nhầm cho Phạm Ngộ Cầu (11). Ngộ Cầu xem thư thấy có dấu niêm phong nghiêm chỉnh, tin bức thư là thực, mang lòng nghi Trần Đình Thể. Kết cục kế ly gián thành công, Nguyễn Huệ chiếm được Phú Xuân còn Ngộ Cầu và Đình Thể đều bị giết. Như chúng tôi đã trình bày ở khái luận về ấn chương thì một trong chức năng của con dấu là khẳng định tính chân thực (Au thenti fie). Ở trường hợp này Nguyễn Huệ và Nguyễn Hữu Chỉnh đã lợi dụng khai thác chức năng tín thực của con dấu trong công tác tình báo phản gián quân sự, lấy cái thực (con dấu thực) để làm việc giả (thư giả) đánh lừa được tướng địch để giành được thắng lợi. Bức thư có đóng dấu niêm phong trên sáp ngày nay chắc chắn không còn, nhưng sự việc này là chi tiết khá lý thú về ấn chương ở giai đoạn đầu thời Tây Sơn cũng đã được Đại Nam chính biên liệt truyện ghi lại (12).

 

Chú thích:

1. Tiên tổ ba anh em Nguyễn Nhạc, vốn quê ở huyện Hưng Nguyên Nghệ An, khoảng năm 1653 - 1657 ông tổ tứ đại bị quân chúa Nguyễn bắt về ở ấp Tây Sơn huyện Quy Ninh (nay là Hoài Nhơn), đến đời Nguyễn Phúc thì chuyển đến ở ấp Kiên Thành huyện Tuy Viễn và sinh ra Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ.

2. Nguyễn Thung và Huyền Khê không rõ người ở đâu - Huyền Khê sau chết trận, còn Nguyễn Thung năm 1786 bị Nguyễn Nhạc giết.

3. Phù Ly, Bồng Sơn và Tuy Viên đều thuộc phủ Quy Nhơn - Phù Ly nay đổi là Phù Cát đều thuộc tỉnh Bình Định.

4. Nữ chúa Chiêm Thành tên chữ Hán chép là Thị Hoả, sau bị quân của Tống Phúc Hiệp giết.

5. Nghệ An ký - Nhà xuất bản KHXH - Hà Nội 1993 - tr.322.

6. Thành Đồ Bàn còn có tên là Thành Lỗi hay thành Sà Bàn nằm ở địa phận ba thôn An Nam, Bắc Thuận và Ba Canh thuộc huyện Tuy Viễn tỉnh Bình Định, xưa kia là kinh đô của nước Chiêm Thành.

7. Xem Đại Nam chính biên liệt truyện - Sơ tập. Thư viện Hán Nôm. KH. D.995 và "Nguyễn Thị Tây Sơn ký" - Thư viện Hán Nôm - KH: 00344.

8. Xem Đại nam chính biên liệt truyện tr.10 và "Nguyễn Thị Tây Sơn ký" tr.14 - Sách đã dẫn.

9. Nguyễn Hữu Chỉnh người làng Đông Hải - Nghệ An, trước là thuộc hạ của cha con Hoàng Ngũ Phúc, sau theo về Tây Sơn. Trong đợt đánh Phú Xuân này Nguyễn Hữu Chỉnh đóng vai trò quan trọng, vừa là người hiến kế vừa đóng vai trò người tình báo. Vì có Phu Như là thuộc hạ của Phạm Ngộ Cầu lại là người quen của Nguyễn Hữu Chỉnh nên đã lừa được Ngộ Cầu. Năm 1787 Chỉnh bị Võ Văn Nhậm giết.

10. Vũ Văn Sĩ - Chính tên là Vũ Văn Nhậm, vì kiêng huý tên Tự Đức nên các sử gia nhà Nguyễn sau này đều ghi là Vũ Văn Sĩ. Nhậm là con rể của Nguyễn Nhạc, năm 1787 bị Nguyễn Huệ giết.

11. Phạm Ngộ Cầu một tướng của chúa Trịnh giữ chức Trấn thủ Thuận Hoá năm 1786. Hoàng Đình Thể phó tướng cùng Ngộ Cầu Trấn thủ Thuận Hoá năm 1786.

12. Đại Nam chính biên liệt truyện. Sách đã dẫn - tr.18.

Thông báo Hán Nôm học 2001, tr.714-718

In
Lượt truy cập: