Nghiên cứu Hán Nôm >> Năm 2006
Hoàng Thị Ngọ
54. Phạm Văn Thụ - Một tác gia Hán Nôm cuối TK XIX- đầu TK XX.

Cập nhật lúc 23h13, ngày 06/02/2009

PHẠM VĂN THỤ MỘT TÁC GIA HÁN NÔM MỘT DANH NHÂN

CUỐI THẾ KỶ XIX ĐẦU THẾ KỶ XX

HOÀNG THỊ NGỌ

Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Phạm Văn Thụ là một nhà khoa bảng, một vị quan Thượng thư triều Nguyễn giàu lòng yêu nước, thương dân. Cuộc đời và sự nghiệp của cụ gắn liền với những thăng trầm lịch sử đầy đau thương, anh dũng của một vùng quê và với triều đình nhà Nguyễn trong giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Phạm Văn Thụ cũng là một tác gia Hán Nôm còn để lại nhiều tác phẩm có giá trị.

Phạm Văn Thụ tự Đàn Viên, hiệu Đông Bạch Phái, sinh năm Tự Đức thứ 19 (1866) và mất năm Bảo Đại thứ 6 (1930) người xã Bạch Sam, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Thiếu thời, cụ sống trong một gia đình nhà nho nghèo có truyền thống học hành, thân phụ cụ là Phạm Xuân Đồng thông minh học giỏi, thi trúng nhị trường, được dân trong vùng xếp vào một trong "Đường Hào tứ kiệt". Thuở nhỏ, cụ thông minh tính lại cần kiệm, chủ yếu là học cha, anh ở nhà, khi lớn mới theo học cậu ruột và cùng các anh tập dượt văn bài bên ngoài. Năm Bính Tuất (1886) thi Ân khoa, cụ đỗ Tú tài, năm Tân Mão (1891) thi Hương, cụ đỗ Cử nhân; liền năm sau Nhâm Thìn (1892) thi Hội, cụ đỗ Phó bảng. Cuộc đời quan nghiệp của cụ bắt đầu từ Hậu bổ Thái Bình năm 1892 tiếp đến làm Tri huyện ở các huyện Thư Trì, Thần Khê, Duyên Hà; làm Tri phủ các phủ: Thái Ninh, Kiến Xương, Tiên Hưng; năm 1904 làm Án sát tỉnh Thái Bình; đến năm 1908 làm Liêm phóng sứ Hà Nội; làm Tuần phủ Phúc Yên, Thái Bình; cho đến năm 1920 làm Tổng đốc Bắc Ninh, 1921 làm Tổng đốc Nam Định. Đến năm Khải Định thứ 8 (1923) cụ vào Huế thụ chức Hộ bộ Thượng thư Cơ mật viện đại thần, sau đó năm 1925 lại kiêm Binh bộ Thượng thư và về trí sĩ năm 1926. Con đường hoạn lộ của cụ trải qua các chức như Hàn lâm kiểm thảo, Hàn lâm thị độc, Hồng lô tự thiếu khanh, Quang lộc tự thiếu khanh, Hồng lô tự khanh,... được triều đình sắc phong hàm Thái tử Thiếu bảo, Đông các đại học sĩ và tước Tứ Mỹ nam. Cụ mất ngày 12 tháng 6 năm Bảo Đại thứ 6 (1930).

Sinh thời, cụ Phó bảng Phạm Văn Thụ tham gia nhiều hoạt động văn hóa như sáng tác thơ văn, câu đối, tuồng, biên soạn sách, viết bài tựa, hiệu duyệt, dịch thuật... các sách Hán Nôm của người đương thời như:

- Hiệu duyệt cuốn Hương Sơn Quan Thế Âm chân kinh tân dịch, ký hiệu AB.271. Cuốn này do Kiều Oánh Mậu dịch ra chữ Nôm và viết lời tựa năm Duy Tân Kỷ Dậu (1909), Trần Xuân Thiều chú thích, Vương Đan Quế bình luận.

- Hiệu đính và viết lời bạt cho cuốn Quốc triều luật học giản yếu. Cuốn sách này do Trương Du và Đỗ Quang Đình biên tập, Đỗ Văn Tầm duyệt chính và viết tựa, in năm Duy Tân thứ 4 (1910), hiện còn 4 bản in tại thư viện Hán Nôm và một bản microfilm tại Paris (Pháp).

- Viết lời giới thiệu cho cuốn Hương Sơn hành trình tạp vịnh của Giá Sơn Kiều Oánh Mậu, biên soạn năm Duy Tân thứ 4 (1910)

- Hiệu duyệt và cùng Đoàn Triển, Cao Xuân Dục đề tựa cho cuốn Trung học Việt sử toát yếu của Ngô Giáp Đậu. Sách in tại 22 Hàng Bè năm 1911. Trong Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm hiện còn 22 bản in, 5 bản chép tay và 1 bản microfilm tại Paris (Pháp).

- Viết bình luận cuốn Việt sử kính của Hoàng Cao Khải. Cuốn Việt sử kính của Hoàng Cao Khải in bằng chữ La tinh được Trần Tán Bình dịch ra chữ Hán và Phạm Văn Thụ viết lời bình luận, in năm Duy Tân thứ 3 (1909). Hiện trong Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm còn 3 bản in, 1 bản viết tay.

- Viết đề từ (Tân nữ huấn đề từ) bằng chữ Nôm cho cuốn Huấn nữ truyện (訓女傳) của Trịnh Huy Giản. Sách có ký hiệu AB.423.

- Cùng Nguyễn Doãn Thạc dịch ra Hán văn cuốn An Nam sơ học sử lược (安南初學史略). Cuốn sách này do Giáo sư Mêbông (EFEO) và Ruxiê (Pháp), Giám đốc Học chính Nam kỳ biên soạn, Cao Xuân Dục hiệu đính, nhà in Viễn Đông Hà Nội in năm Duy Tân thứ 3 (1909) và năm Duy Tân thứ 5 (1911). Hiện trong Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm còn 7 bản in và 1 bản chép tay.

Ngoài số bị thất lạc, những trước tác chính của Phạm Văn Thụ còn lại như sau:

Tân niên thuyết (新年說)

Thái Bình thông chí (太平通志)

Việt sử tam tự tân ước toàn biên (越史三字新約全編)

Đàn viên ký ức lục (檀園記憶錄)

Nội dung chính của các cuốn sách trên như sau:

1. Tân niên thuyết (新年說)

Tân niên thuyết (新年說) được Phó bảng Phạm Văn Thụ soạn năm Duy Tân thứ 3 (1909) khi đang làm Liêm phóng sứ ở Hà Nội. Cuốn sách này gồm các bài:

- Hoa bình ký (花萍記)

- Xã hội cải lương tục lục (社會改良續錄)

- Tảo hôn nghi giới (早婚宜戒)

- Hảo tụng cảnh lục (好訟竟錄)

Nội dung của Tân niên thuyết (新年說) là nhân dịp năm mới tác giả nói về một số vấn đề như: đặc tính và lợi ích của giống bèo hoa dâu, khuyên mọi người nên chăm nuôi để làm phân bón; khuyên nên bỏ những hủ tục và phải đổi mới sinh hoạt xã hội, ghi nhận những làng xã đã có bước tiến bộ trong việc bỏ hủ tục, đổi mới sinh hoạt xã hội...; giải thích tại sao không nên lấy vợ lấy chồng sớm, khuyên nên tránh việc tảo hôn; khuyên mọi người nên sống hòa thuận, nhường nhịn lẫn nhau không nên tranh giành hơn thua theo kiện tụng.

Cuốn sách thể hiện sự thay đổi về cách nghĩ và những tư tưởng tiến bộ của tác giả do tiếp xúc với nhiều nhà yêu nước, cải cách dân chủ, cách mạng và các loại sách báo tiến bộ, các học thuyết kể cả học thuyết Mác-xít... Đọc bài bút ký của Phạm Văn Nam, con trai thứ ba của cụ Phạm Văn Thụ càng thấy rõ hơn tại sao cụ lại viết Tân niên thuyết (新年說): "Tuy thuộc phái cổ nhưng thân phụ ta đã rộng đọc các sách Tân thư do các bạn Đông du gửi về. Ta còn nhớ ngay từ hồi thân phụ ta còn ở Hà Nội (1908) đã thấy trong nhà có bộ Nhật - Nga chiến kỷ gồm 4 quyển. Trong có rất nhiều tranh ảnh, viết bằng chữ Hán, Nhật, Anh. Bộ đó phải dấu kỹ, không dám cho người ngoài xem. Trong khi đàm luận với các bạn thân, ta thấy thân phụ ta nói tới thuyết Đại đồng, thuyết Mác-xít. Thì ra các thuyết đó các cụ đã biết từ lâu" (Phụ lục 1 của Đàn Viên ký ức lục).

2. Thái Bình tỉnh thông chí (太平省通志)

Sách được Phó bảng Phạm Văn Thụ soạn năm Thành Thái thứ 12 (1900), hiện trong Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm còn 2 bản viết tay: A.82 gồm 112 trang ; bản thứ 2 ghi tên sách là Thái Bình thông chí (太平通志) ký hiệu A.1754 gồm 106 trang. Hai bản này đều có bản microfilm ở Paris (Pháp).

Nội dung sách ghi chép về lịch sử, địa lý, nhân vật lịch sử, phong tục tập quán của tỉnh Thái Bình, gồm các mục: 1.Địa danh; 2. Phong tục; 3. Nhân vật; 4. Cổ tích di văn; 5. Chinh chiến (về một số cuộc khởi nghĩa chống triều Nguyễn và thực dân Pháp); 6. Sông ngòi, đường sá; 7. Cầu cống; 8. Chợ búa; 9. Kỹ nghệ thổ sản; 10. Phần tổng luận. Đây là một cuốn sách có giá trị giúp cho việc tìm hiểu về nhiều lĩnh vực khoa học xã hội ở một tỉnh đồng bằng Bắc bộ.

3. Việt sử tam tự tân ước toàn biên (越史三字新約全編)

Sách do Phạm Văn Thụ biên soạn và viết tựa năm Duy Tân Kỷ Dậu (1909), bên trong còn có bài tựa thứ 2 do Nguyễn Tuấn viết, nhà in Áng Hiên, 24 Hàng Đào Hà Nội in năm Duy Tân Kỷ Dậu (1909). Hiện Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm có 3 bản in ký hiệu: VHv.1697, VHv.235, VHv.1820

Nội dung: Lịch sử Việt Nam từ thời Hồng Bàng đến Tây Sơn được soạn theo thể văn vần mỗi câu 3 chữ.

4. Đàn Viên ký ức lục (檀園記憶錄)

Đây là cuốn hồi ký bằng Nôm được Phạm Văn Thụ viết sau khi về trí sĩ năm 1926 và đã được con rể là Cử nhân Bùi Lương phụng chuyển phiên âm ra quốc ngữ và hoàn thành vào mùa thu năm Mậu Thìn (1928).

Đàn Viên ký ức lục (檀 園 記 憶) là cuốn sách có giá trị sử liệu, cung cấp nhiều thông tin quý để nghiên cứu về nhiều lĩnh vực kinh tế, lịch sử, khoa cử, các cuộc khởi nghĩa yêu nước chống Pháp và hoạt động của các phong trào cách mạng dân chủ ở nước ta giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Cuốn hồi ký đã cung cấp nhưng tư liệu quý để có thể rõ thêm về tình hình thi cử ở nước ta những năm cuối thế kỷ XX, quy mô cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy của Nguyễn Thiện Thuật, hoạt động của nghĩa quân Đề Thám và nhiều tư liệu xung quanh hoạt động của các nhà hoạt động cách mạng như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Nguyễn Thị Thanh (Chị ruột của Chủ tịch Hồ Chí Minh)... Phần cuối cuốn hồi ký tác giả đã cung cấp những tư liệu hết sức cụ thể, sinh động về triều đình Huế khoảng những năm 1923 -1926 dưới chính quyền Bảo hộ và nước "Quốc mẫu". Rất nhiều sự kiện lịch sử được tác giả ghi lại một cách chi tiết, sinh động, trung thực. Ví dụ như đoạn viết về sự việc ngăn đốt đền Sóc Sơn:

Nhà nước quy cữu tại Sóc Sơn hiểm trở vì có đền đức Đổng Thiên Vương, vậy Đề Thám tự về đấy tế cờ, điện giao quan sứ, quan tỉnh phải đốt đền. Cụ Đoàn Chiển cố can không được. Quan năm đã sai chứa rơm vẩy dầu vào rồi, chỉ còn đợi người phóng hỏa nhưng chưa ai dám hạ thủ. Cụ Đoàn kíp cho con là cậu Phán Kỳ về báo ta. Ta cố nài ông Bou-da dẫn vào can quan Thống. Khi ấy quan Thống Morel đã phải về Pháp đình chất vấn, quan De Miribel quyền thay đương dịp đóng cửa làm giấy điện về Pháp hỏi cách xử trí ông Va-doanh (bị quân Đề Thám bắt cóc)... Ta mới kíp cho ông Phán Trinh dịch ngay chữ Pháp. Đại ý nói:

"Đền Sóc Sơn thờ đức Đổng Thiên Vương, có công đánh Tàu, bảo tồn quốc chủng, cả nước kính mến. Nay vì đánh Đề Thám mà di nộ đến thần. Nếu đốt đền này một là làm cho Đề Thám khinh thường, hai là làm cho dân tâm phẫn kích, cách dẹp loạn không trông ở Đề Thám, chỉ cần trông ở quốc dân".

Quan Thống sứ vừa tiếp giấy, kíp sai quan Tissot mở cửa dẫn ta vào, trước còn thuyết nạn chưa chịu nghe. Ta cực trần:

"Làm một việc vô ích mà có hai điều dở: thứ nhất là hễ phạm dân nộ thì núi cũng phải đổ, rừng cũng phải tan, không thể nào thu thập được nữa".

Quan De Miribel bảo quan Tissot lục bộ Nam sử dịch Pháp tự sẵn đem xem rõ lịch tích rồi mới chịu điện đình đốt.

Quan Bô-da than thở, nói:

"Không biết còn hay họ nhỡ đốt đi mất rồi”.

Những cuốn sách mà Phạm Văn Thụ để lại đều là những cuốn sách có giá trị về sử liệu, địa lý lịch sử, văn học, giáo dục...thể hiện tri thức uyên bác và tấm lòng của một nhà Nho, nhà khoa bảng giầu lòng yêu nước, thương dân cho dù ở bất cứ cương vị nào. Cụ Phó bảng Phạm Văn Thụ luôn có ý thức muốn bảo vệ, duy trì những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Không chỉ góp công trong việc giữ lại được đền Sóc Sơn khỏi bị đốt vì là nơi tế cờ của nghĩa quân Đề Thám mà cụ còn có công giữ lại khu Văn miếu Quốc tử giám khỏi bị biến thành nhà thương sau khi dùng làm nơi chữa bệnh dịch hạch năm 1902.

Với Phó bảng Phạm Văn Thụ: làm quan không phải để vinh thân mà phải vì dân. Suốt cuộc đời làm quan cụ chịu ảnh hưởng sâu sắc quan điểm của Tán Thuật (Nguyễn Thiện Thuật) tức là làm quan: phải biết khoan cho dân, làm những việc có ích cho dân. Ở cương vị nào cụ cũng luôn khiêm tốn, trung thực, trăn trở vì dân. Cụ đã làm được nhiều điều có lợi cho dân như: mở trường dạy học, phát triển dân trí, làm đường, mở chợ, khai sông, xây cống, đào sông, đắp đê chống lụt, khai khẩn đất hoang, nghĩ cách xin giảm thuế cho dân... Ở thế quan Án sát, Liêm phóng sứ, Tri phủ, Tuần phủ, Tổng đốc... cụ luôn xét đoán công minh, lấy nhân đức khuyên bảo người lầm lỗi, lại dùng những lời lẽ khéo léo thuyết phục quan trên và nhà cầm quyền nên đã cứu được nhiều người thoát khỏi hình tội.

Cụ luôn có ý thức giúp đỡ, che chở cho những người tham gia các phong trào yêu nước, cách mạng và chống thực dân Pháp, vụ điển hình nhất là cụ tìm cách xóa án, trả tự do cho nhà cách mạng Chu Dưỡng Bình. Những việc mà Phó bảng Phạm Văn Thụ đã làm vì dân vì nước thật khó kể xiết. Một số nhà văn, nhà nghiên cứu lịch sử và con, cháu các nhà yêu nước, cách mạng đã kể và viết những lời chứng thực đầy tri ân để con cháu cụ biết mà thêm tự hào về cha, ông mình.

Do được nhân dân trong vùng yêu quý biết ơn, chính quyền bảo hộ nể và triều đình tin tưởng, sau khi cụ mất triều đình đã cho xây khu lăng mộ tại quê nhà xã Bạch Sam (Hưng Yên) trên diện tích hơn 400 mét vuông. Để tôn vinh cụ, tháng 10 năm 2006, UBND tỉnh Hưng Yên đã có quyết định công nhận khu lăng mộ của Phó bảng Phạm Văn Thụ là di tích lịch sử - văn hóa của tỉnh./.

Thông báo Hán Nôm học 2006 (tr.513-520)

In
Lượt truy cập: