Nghiên cứu Hán Nôm >> Chủ đề >> Văn tự
Ngô Thế Lân
46. Thêm một tư liệu về Phan Bội Châu viết bằng chữ Nôm

Cập nhật lúc 16h06, ngày 07/02/2009

THÊM MỘT TƯ LIỆU VỀ PHAN BỘI CHÂU

VIẾT BẰNG CHỮ NÔM

NGÔ THẾ LÂN

Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Vừa qua chúng tôi có sưu tầm được một bản sách chữ Nôm in ván khắc nhan đề là Tiểu sử Phan Bội Châu, do nhà in Liễu Văn đường khắc vào năm Bảo Đại thứ nhất (1926). Sách khổ 13x19cm gồm 58 trang, in ván trên chất liệu giấy dó. Bìa sách ghi: Phan Bội Châu tiểu sử (潘佩珠小史), ngoài mép sách ghi tiểu sử (小史).

Sách ghi lại tiểu sử, thân thế và cuộc đời của nhà cách mạng lão thành, nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu từ năm (1901) đến năm (1925).

Để góp phần tìm hiểu thêm về nhà yêu nước Phan Bội Châu, chúng tôi giới thiệu và xin trích phiên âm một đoạn trong bản sách đó cùng một số trang ảnh bản gốc.

Phần phiên âm: [tr.1] Phan Bội Châu tiểu sử

Ông quê ở làng Đan Nhiệm, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, sinh năm một nghìn tám trăm sáu mươi sáu. Năm nay năm mươi chín tuổi (1925). Thân phụ là cụ Phan Văn Phổ, thân mẫu là cụ Phan Thị Xuân. Đỗ thủ khoa trường Nghệ năm Canh Tý, văn bốn kỳ cùng ưu, kỳ đệ nhất viết kiêm trị, sỹ phu đều phục là người hay chữ. Ông từ khi nhỏ có chí cải cách.

Năm Tân Sửu (1901) ông chiêu tập bạn đồng chí mưu đồ cuộc phản đối chính trị, làm quyển Lưu cầu huyết lệ thư gửi cho các triều thần cùng các danh sĩ để cổ động lòng ái [tr.2a] quốc của nhân dân. Sau ra Bắc kỳ giao du với các danh nhân ngoài Bắc như: cụ Đốc Định Trạch, ông Tú Xương, rồi lên với Đề Thám, nhưng bất đắc chí.

Năm Thành Thái thứ mười 16 về Trung Kỳ cùng với các bạn là: Nam Thịnh, Sơn Đẩu, Tú Định, Đặng Thái Tần, Đặng Tử Kinh, Tăng Bạt Hổ, Ấm Hàm v.v... cùng ông cụ Đạo tổ chức Đảng cách mệnh. Tháng một năm Giáp Thìn đi ngoại quốc, sang Triều Châu (Quảng Đông) ở với Lưu Vĩnh Phúc, rủ người Việt Nam ở bên Tầu làm một đảng, được ít lâu lại sang Nhật Bản kết giao với Lương Khải Siêu (hiệu Ẩm Thủy) cùng các người Tầu người Nhật. Năm một [tr.2b] nghìn chín trăm linh sáu, trở về Tầu đón ông Cường Để sang Nhật lập hội Duy Tân, cổ động quyên tiền trong Nam mà khuyên nhủ bạn thiếu niên đi du học.

Năm một nghìn chín trăm chín bị người Nhật khu trục phải về Tầu, cùng người Tầu tổ chức hội Việt Nam Quang phục.

Năm một nghìn chín trăm mười một sang Xiêm La, rồi lại sang Đức, sang Nga.

Năm một nghìn chín trăm mười ba vì có những người bạo động xưng cho, bị tòa án kết tội xử tử vắng mặt.

Tháng bẩy năm một nghìn chín trăm hai năm bị bắt ở Tầu. Ngày hai mươi ba tháng một Tây, Hội đồng Đề hình kết án khổ sai chung thân. Ngày hai [tr.3a] mươi bốn tháng chạp dương lịch, được quan Toàn quyền ra lệnh ân xá. Trong khi ở ngoại quốc có viết báo và làm sách, những sách ấy có quyển Dư cửu niên sở được chi chủ nghĩa khuyên đồng bào nên bỏ hẳn lối vũ lực, theo gương Á Lập Bá và Phi Luật Tân cố sức học hành để lên đường văn minh thì người Pháp sẽ cho tự trị. Quyển Sáng tạo thiếu niên Nam Việt chi phương pháp có nói những điều tiến bộ mà chính phủ Pháp đã gây cho nước Nam. Lại có viết quyển Pháp - Việt đề huề chính kiến thư, ký tên là Độc Tỉnh Tử và nhiều sách khác nữa.

Sau khi hội đồng Đề hình xử tội [tr.3b] ông khổ sai chung thân, Quốc dân cố sức vận động cho ông được tha. Ngày hai mươi chín tháng một tây, ông Hội trưởng Hội Trung Kỳ Tương tế có gửi cho quan Toàn quyền một bức điện tín xin ngài hạ cố đến ông Phan là người Trung Kỳ đang phải nạn. Đến ngày ba mươi tháng một Tây, Hội mới tiếp được điện tín quan Toàn quyền giả nhời như sau này, quan Toàn quyền đông Pháp đáp lại ông Hoàng Tiến Giảng Hội trưởng Hội Trung Kỳ Tương tế: "Bản chức thông báo cho hai trạng sư biện hộ về việc Phan Bội Châu biết rằng, ý bản chức định khi nào ra Hà Nội sẽ bắt đầu xét lại hồ sơ tư [tr.4a] đình. Bản chức cũng mong rằng việc này sau khi xét lại sẽ làm cho bản chức có thể lấy cái chế độ khoan hồng mà đáp lại tấm lòng tin cậy của dân chúng Việt Nam đối với bản chức, từ khi bản chức mới đến xứ này".

Hôm mùng năm tháng chạp dương lịch, quan Toàn quyền tới Hà Nội, khi đến đầu phố Gia Long thì có một bọn sinh viên các Trường cao đẳng, đông đến bốn mươi người, đồng thanh chúc mừng quan Toàn quyền và nâng cao một bức trướng vải trắng viết thật to những chữ này, viết bằng chữ tây, nhưng để thích là quốc ngữ như sau này. Ông Va-Ren (Varenne) người Đảng Xã hội Trưởng [tr.4b] thọ xin cứu nhờ cho ông Phan Bội Châu, bỏ cái chính sách thuộc địa ức chế đi. Đi một quãng nữa đến đầu phố Tràng Tiền lại có một bọn sinh viên đến hơn sáu mươi người cũng tung lên một bức trướng vải trắng viết những lời chúc tụng quan Toàn quyền, và xin ngài thẩm lại cái án ông Phan mà cho ông được trắng án. Còn nhiều nơi như thế nữa, đều là sinh viên Trường Cao đẳng chia nhau ra để thỉnh cầu mấy điều đích đáng đó. Quan Toàn quyền đi qua những nơi sinh viên đứng, nghe tiếng tung hô thì ngài đều cất mũ chào và giơ tay sẽ vẫy như ý bảo là ngài đã hiểu thấu cho rồi. Trong [tr.5a] khi các viên học sinh chúc tụng vui vẻ thì ông chủ báo Minh Kê có chụp được mấy cái ảnh, ông lại đến bắt tay mấy ông học sinh mà tỏ lời khen ngợi. Công việc của các ông làm rồi cũng có thành hiệu. Khi xe quan Toàn quyền đến đầu phố mới, lại có bọn độ chừng trăm bà quỳ ở giữa đường để dâng một bức thư, xin tha tội cho ông Phan. Đứng đầu có một bà cụ đã sáu bảy mươi tuổi, đầu tóc bạc phơ. Bức thư của các bà dâng lên quan Toàn quyền, lời lẽ rất là cảm động. Tại Hà Nội, hôm nữ học sinh Trường Cao đẳng Sư phạm lên yết kiến bà Toàn quyền, [tr.5b] có xin ân xá cho ông Phan. Tại kinh đô Huế, trường nữ sinh Đồng Khánh. Các cô giáo cùng nữ sinh đồng lòng gửi điện tín ra phủ Toàn quyền, xin ân xá cho ông Phan, nhưng sở điện báo giữ lại không gửi đi. Sau quan hỏi xem ai đề xướng ra việc ấy, thì chỉ trừ bà Đốc ra, còn từ cô giáo đến học trò đều nhận cả. Đến những cô mới chín mười tuổi cũng giơ tay nhận là có dự vào việc ấy. Quốc dân đối với ông Phan thì như thế, mà lại có kẻ nhẫn tâm làm điều đê tiện như trong một bài của ông Đoạn Tràng đăng trong báo Minh Kê thích như sau này. "Ngày [tr.6a] xưa hễ ai phản vua, tức thì phải tru di tam tộc". Song nhờ từ ngày quan Tây sang bảo hộ đến giờ, thì cho sự làm tuyệt tự người ta như thế là quá và bất nhân, để không thể bỏ cái là tục, tức là trái với điều ước. Độc giả còn nhớ lời quan Sa Lộ Ba Một, bởi quan Toàn quyền trước nói bảo công chúng rằng: "Nhà nước bảo hộ cần nhất không phạm đến phong tục lệ luật của dân bản xứ ấy đấy". Nên các nhà cai trị cứ thế mà thừa hành lệnh trên. Nay tôi xin kể để độc giả biết cái chính sách bảo tồn ấy đã khéo thi hành ra thế nào ? Bắt ông Phan Bội Châu [tr.6b] được mười ngày thì viên tri huyện Nam Đàn, là huyện sở tại ông Phan, khúm núm đến tâu quan sứ rằng: nay lão Phan Bội Châu đã bị bắt, xin quan lớn cho bắt cả mấy người con của hắn đi. Ai cũng biết quan sứ là người công minh, tri thức, nên trước ngài chẳng coi lời nói vô lý của kẻ tôi tớ ngài là đâu. Song mãi sau viên tri huyện chắc rằng mình sẽ có công to, thấy quan thày lưỡng lự thì gãi đầu gãi tai nỉ non nữa rằng: "Bẩm lạy ông lớn không cho bắt chúng nó thì chúng con e sau này ông lớn nghĩ lại thì đã quá rồi, cha chúng nó đang mắc lưới trời [tr.7a] biết đâu sau này chúng nó chả đón ra ngoại quốc tung hoành mà kế nghiệp cha, trăm nghìn lạy quan lớn, xin ngài lưu tâm". Thật là có lợi hại cho nhà nước đại Pháp nhiều lắm, bẩm ông lớn: bên Pháp cũng như bên dân An Nam chúng con có câu rằng: "Rau nào sâu ấy, cha nào con ấy". xin ông lớn đèn trời chiếu y lời chúng con, gấp bây giờ mà trừ tiệt lũ nghịch đi. Nói mãi quan sứ phải chuyển lòng. Độc giả xét xem con người ấy thấy nói liệu đã có hiệu quả thì hoa tay nở mũi mà cười sằng sặc miệng ngoác đến mang tai. Chắc rằng tết tây đến, để ít ra cũng được đeo nặng [tr.7b] bắc đẩu bội tinh. Lập tức có trát về làng sức chánh tổng, lý trưởng, kỳ hào đến bắt hai cậu con trai ông Phan đem lên huyện. Chẳng hỏi chẳng tra cứ tống giam mấy đêm rồi giải tỉnh. Sau thấy các cậu hiền lành biết thân phận không chống trả gì, lại nhân trong tỉnh thiếu kẻ hầu hạ thì viên Tổng đốc xin dùng cậu anh làm phu quét nhà thương, còn cậu em thì bắt đi phụ tải xe ô tô, rồi bây giờ thì bắt làm thày tớ cho mấy chú bồi hàng cơm Tây. Dân An Nam thấy sự tàn nhẫn như thế, ai không đau lòng buốt ruột, chúng tôi báo rõ cho công chúng biết. Ví thử hỏi con cái [tr.8a] ông Phan Bội Châu có tội tình gì mà phải mang khổ nhục như thế ? Vậy thì không phải ông Phan trước khi xuất ngoại đã dũ vợ từ con rồi à, ức hiếp đôi trẻ vắng cha mà vô tội như thế, thật là hèn quá, thật là đê mạt quá. Nhà nước còn sợ gì lũ trẻ ấy, sớm đã lìa cha ở nhà với mẹ bấy nay, thì còn tiêm nhiễm sao gặp cái chủ nghĩa của cha mà biết đường cách mệnh. Việc viên Tri huyện hoảng hốt bắt hai con ông Phan như thế, người Việt Nam ai có tâm huyết hẳn phải cho viên ấy không phải là người Việt Nam nữa. Dân chúng tôi ao ước rằng bài này sẽ thấu [tr.8b] đến quan Toàn quyền. Ngài ra ơn cứu vớt cho hai con ông Phan thoát vòng nô lệ. Kính trình quan toàn quyền thấu cho.

Thông báo Hán Nôm học 2006 (tr.452-460)

In
Lượt truy cập: