Nghiên cứu Hán Nôm >> Năm 2006
Nguyễn Quang Hà
20. Nhân vật Trần Lựu và những đóng góp về mặt quân sự trong cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược (TK XV).

Cập nhật lúc 21h55, ngày 17/02/2009

NHÂN VẬT TRẦN LỰU VÀ NHỮNG ĐÓNG GÓP VỀ MẶT QUÂN SỰ TRONG CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG QUÂN MINH XÂM LƯỢC (TK XV)

NGUYỄN QUANG HÀ

Sở Văn hóa - Thông tin Lào Cai

1. Tướng Trần Lựu trong bản thần phả

Bản thần phả ghi về sự tích tướng Trần Lựu được khắc vào bia đá hiện vẫn lưu giữ tại đền Thanh Hà, số 10 Ngõ Gạch - Hà Nội mang tên Thanh Hà ngọc phả bi ký (Thác bản văn bia tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm N016996). Mở đầu ghi: “Thượng thư Lễ bộ triều Lê, kiêm cai quản đền bách thần phụng sao. Đại vương được phong: Thiên xương đô đại Thành hoàng, Túc thanh linh ứng Đại vương”. Như vậy đọc đoạn đầu ta đã biết được đối tượng được thờ làm thành hoàng làng giữ việc quân đội của triều đình (Thiên Xương quân). Tiếp theo là những dòng ca ngợi tư chất, tài năng của thần như: “Đại vương: Thiên tư thông tuệ khác thường, khí độ hơn người, văn võ thánh thần thông minh sáng suốt, tài giỏi mưu cao, đánh dẹp giặc cướp, giúp vua công to, thành tích lẫy lừng, vận nước dài lâu. Nghìn năm lưu danh trong sử sách, muôn thủa vang tiếng anh linh. Sử sách địa phương ghi chép rõ ràng”...

Những đoạn văn như trên ta thường thấy ở trong nhiều bản thần tích kể về những nhân vật có thật và cả những nhân vật phiếm chỉ. Nhưng đáng chú ý hơn là những câu thơ ca ngợi vì một con người với họ tên cụ thể với địa danh có thật và những chiến công trong một thời gian xác định. Đoạn thơ như sau:

“Thần linh khí lẫm hóa công đoan.

Xuất tán Trần triều thị tối nan

Tuấn mã trường khu thanh hách hách.

Kinh qua chân chỉ thế hoàn hoàn

Bắc nhân khiếp đảm hàn tâm vọng,

Nam quốc phong cương diện thạch bàn.

Vạn cổ anh linh thùy sử ký

Uy hùng danh trấn mãn giang san”.

Dịch nghĩa:

Khí thiêng bẩm thụ ơn tự hóa công.

Ra giúp triều trần, đang lúc gian khổ

Ngựa khỏe ruổi xa, tiếng kêu vang động.

Dáo vàng chỉ thẳng, khí thế bừng bừng.

Giặc Bắc khiếp đảm, lòng tham dập tắt

Nước Nam bờ cõi vững vàng như bàn đá.

Muôn thủa anh linh ghi trong sử sách.

Non sông trấn giữ, oai hùng dậy vang”.

Bài văn bia viết tiếp với nội dung đại ý như sau:

Đại vương họ Trần, tên Lựu, sống dưới triều Trần, vào lúc giặc phương Bắc tới xâm lược nước Nam, ông theo ứng chỉ của nhà vua, lãnh ba vạn quân tinh nhuệ đến trấn Vũ Ninh, tính mưu kế tài tình, dừng quân đóng trại. Hiệu lệnh oai nghiêm, binh sĩ chỉnh tề. Quân phương Bắc nghe thấy tiếng vang khắp trấn, đánh đông dẹp tây, bao vây bọn giặc. Giặc không địch nổi, thua chạy tơi bời. Sau khi thắng giặc trở về, Đại vương đến thăm làng Thanh Hà, tổng Đồng Xuân, thành Thăng Long, mở tiệc khao quân và mời các cụ phụ lão tới dự, ông thấy địa phương thế đất đẹp lạ kỳ, biết nơi đây ngày sau sẽ sinh ra nhiều bậc tài tử văn nhân, giàu sang anh kiệt. Vào lúc tối trời mây kéo mù mịt, chớp lóe sấm vang, rồi đại vương hóa. Thôn xóm lập đền thờ phụng, linh ứng vô cùng. Sắc phong là: Đương cảnh Thành hoàng Đại vương, Thánh quảng nghiêm, Oai linh phù quốc, Anh thanh hiển ứng, Hùng trấn oai linh, Tề thánh quảng uyên, Trang túc tình nan, Tán trị đạt văn, Dương võ hộ quốc, Văn võ thánh thần, Công bình chính trực, Hiền minh thánh mô, Diên trường quốc tộ, Diệu mưu kỳ kế, Vỹ tích hồng huân, Tế thế an dân, Dực bảo trung hưng chi thần. Thông minh phổ trạch, Dương dương tại thượng, Trạc trạc quyết linh, Hách thanh vĩ liệt, Tuấn kiệt gia du, sắc phong làm Thượng đẳng thần.

- Cấm các chữ: Xương, Lựu.

- Ngày Đại vương sinh: 4-4.

- Ngày Đại vương hóa: 15-9.

Phần lạc khoản ghi: Ngày 6 tháng 3 niên hiệu Thuận Thiên thứ 3 (1430)

Nguyễn Hiền, Lễ bộ Thượng thư kính cẩn (sao).

Nếu căn cứ vào dòng lạc khoản ghi trên bia thì bản thần phả này được viết vào đầu vương triều Lê sơ (thế kỷ XV). Nhưng quan sát hoa văn trên trán bia thì rõ ràng là hoa văn của triều Nguyễn. Có thể nghĩ rằng nội dung của bản thần phả này được viết vào giấy từ trước nhưng mãi về sau mới khắc bia. Nhưng với con người, địa danh và thời gian cụ thể như đã nêu ở trên liệu có đúng không?. Trong lịch sử đã từng có một vị tướng tên là Trần Lựu đánh giặc Nguyên Mông ở vùng Vũ Ninh không ?

Trong lời giới thiệu Tuyển tập văn bia Hà Nội có đoạn viết: “Trong tuyển tập văn bia này, nếu tính thời điểm bài văn đã được viết thì xưa nhất là bản ngọc phả tướng Trần Lựu khắc trên bia đình Thanh Hà (1430) (...) Bia đình Thanh Hà không ghi năm dựng, nhưng theo dáng dấp và nét chữ thì không sớm hơn thời kỳ cuối triều Nguyễn, khoảng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX(1). Trong một đoạn khác, cuốn sách trên đã khẳng định: “ở đình Thanh Hà, phố Ngõ Gạch, khắc toàn bộ thần phả vị Thành hoàng cho ta biết sự tích của tướng Trần Lựu, từng làm quan chống lại quân Nguyên ở vùng Vũ Ninh”(2). Các soạn giả dường như còn băn khoăn giống một lời ngỏ: “Ngoài ra có một số bia, dựa vào những tài liệu sẵn có, đã khắc lại sự tích những nhân vật được thờ như: Trần Lựu, tướng nhà Trần ở đình Thanh Hà, song những người dựng bia hẳn cũng cảm thấy mối đe dọa đối với những tài liệu văn tự trên giấy dễ dàng bị tiêu hủy, do chính sách cai trị của bọn thực dân. Vì vậy những tấm bia đó đã có một giá trị nhất định. Riêng về văn bia Thanh Hà ghi sự tích tướng Trần Lựu, cho đến nay chúng tôi chưa thấy một văn bản nào khác nói về nhân vật này”(3).

Gần đây, GS. Nguyễn Duy Hinh trong một thông báo khoa học đã khẳng định và chấp nhận niên đại của bản thần phả này, tác giả viết “Nhưng có thể Nguyễn Hiền đã phụng sao mà không sao nguyên văn một văn bản cổ. Văn bản này không giống một văn bản thần tích của Nguyễn Bính soạn. Dù vậy vẫn có thể có thần tích năm 1433. Mặc dù hiện nay, chỉ biết thần tích xã Nội Xá, tỉnh Hà Đông do Lê Tung soạn năm Hồng Đức nguyên niên (1470) và các thần tích do Nguyễn Bính soạn năm Hồng Phúc nguyên niên (1572). Nhưng do Lĩnh Nam chích quáiViệt điện u linh đều đã có thành hoàng và có sắc phong những năm 1285, 1288, 1312, 1313. Cho nên năm 1433, có thành hoàng là không lạ và có thần tích cũng chỉ sớm hơn Lê Tung 37 năm. Cho nên có thể chấp nhận niên đại 1433 như niên đại của bản thần phả gốc”(4) nếu như GS. Nguyễn Duy Hinh muốn dựa vào tấm bia để từ đó khẳng định việc phong thành hoàng Hà Nội thì GS. Trần Quốc Vượng và Tống Trung Tín lại muốn khẳng định nội dung tấm bia với nhân vật là người Hà Nội có thật chống giặc Mông Nguyên thời Trần.

Trong một Thông báo khảo cổ học về tấm bia Thanh Hà GS. Trần Quốc Vượng và PGS.TS. Tống Trung Tín cho rằng: “Như vậy là nội dung quan trọng của bia cung cấp một chi tiết trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên thời Trần có một người dân Thăng Long đã hưởng ứng lời hiệu triệu của vua Trần tham gia đánh giặc góp phần vào truyền thống vẻ vang của thủ đô Thăng Long”(5).v.v...

Khác với các tác giả trên, tôi thử đi tìm mối liên hệ sâu chuỗi giữa các sự kiện, nhân vật, thời gian, địa điểm mà tấm bia đã nêu để góp phần tìm hiểu một nhân vật Trần Lựu, có phải là người đã từng được nhiều nhà nghiên cứu coi là một vị tướng cầm quân tham gia đánh giặc Nguyên Mông ở địa bàn Vũ Ninh vào vương triều Trần hay vào một vương triều khác?

Khảo kỹ sách “Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII”(6) của GS. Hà Văn Tấn - Phạm Thị Tâm và những tư liệu liên quan như Đại Việt sử kí toàn thư không hề thấy một vị tướng nào của nhà Trần có tên là Trần Lựu (hay Lê Lựu) đánh trận Vũ Ninh.

Năm 2004, tôi đã trở lại thị xã Bắc Ninh. (Địa bàn này là một phần của Vũ Ninh ngày xưa)(7) được biết ở đền thờ Đức Mẹ Thánh Gióng phường Thị Cầu, còn giữ 1 tấm bia vuông 4 mặt, cao 67cm, mỗi mặt rộng 60cm, mặt chính viết bằng tiếng Pháp, 3 mặt còn lại viết bằng chữ Hán ghi tên những người công đức. Niên đại bia đề, tháng 6 năm Nhâm Ngọ, niên hiệu Bảo Đại thứ 17 (1942).

Theo các cụ già kể lại, thì tấm bia này trước đây không để ở đền thờ Đức Mẹ Thánh Gióng như ngày nay mà được dựng ở đền thờ Trần Lựu (Trần Lựu là người có công chống quân Minh xâm lược đầu thế kỷ XV). Đền thờ được dựng lưng trừng núi Thiềm (Thiềm Sơn) còn có tên khác là Chu Sơn (thời Pháp thuộc lại có tên khác là núi Ông Tư - vì có quan Tư đóng ở đó). Trước đây đền thờ Trần Lựu có hai con voi bằng đá, nhân dân còn kể lại rằng: Một hôm con trai của tên quan Tư Lariviere(người Pháp) trèo lên lưng voi, sau bị ốm, có người nói rằng đứa bé đã bị thần phạt. Nên vị quan Tư đã đề nghị nhân dân ở núi Thiềm thành lập một Hội đồng trùng tu đền để tạ lễ(8).

Dưới thời Pháp thuộc, đền thờ Trần Lựu bị chiếm đóng để xây bốt, di tích bị san bằng, tấm bia này bị ủi đi cùng với 8 pho tượng đá. Năm 1991, mới chuyển tấm đá 4 mặt này về để ở bên trái của đền thờ Đức Mẹ Thánh Gióng như ngày nay(9).

Những tư liệu trên đây đã giúp ta tin rằng có một nhân vật - vị tướng cầm quân tên là Trần Lựu tham gia đánh giặc ở vùng Vũ Ninh mà tấm bia Thanh Hà ngọc phả bi ký đã đề cập(10). Nhưng chỉ có điều, một đằng là Trần Lựu tham gia đánh giặc Nguyên Mông thời Trần, còn một đằng là Trần Lựu đánh quân Minh triều Lê. Đọc kỹ sách Đại Việt sử ký toàn thư, Kỷ nhà Trần, không hề thấy vị tướng nào đánh giặc Nguyên Mông tên là Trần Lựu (hay Lê Lựu) nhưng ở phần Kỷ nhà Lê thì chúng ta thấy rõ là Trần Lựu (có chỗ viết là Lê Lựu - vì được ban họ vua) - một vị tướng từng tham gia chống quân Minh thế kỷ XV(11). Như vậy không còn nghi ngờ gì nữa, nhân vật Trần Lựu được viết trong bia Thanh Hà chính là nhân vật Trần Lựu đã từng được lập đền thờ ở núi Thiềm, thị xã Bắc Ninh (khi xưa) và nay vẫn còn chứng tích của tấm bia như trên đã nêu. Trần Lựu chính là nhân vật tham gia chống quân xâm lược Minh đầu thế kỷ XV, dưới triều Lê sơ chứ không phải chống giặc Nguyên Mông dưới triều Trần. Sau đây tôi xin trình bày về những hoạt động của Trần Lựu trong và sau cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Minh.

2. Trần Lựu trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Minh

Hiện nay chúng ta chưa biết Trần Lựu sinh và mất năm nào. Theo một số tư liệu cho biết ông là con của nghĩa sĩ Trần Lượng, đời Hậu Trần, quê ở xã Lỗ Tự, huyện Thượng Nguyên (nay là huyện Thiệu Hóa - tỉnh Thanh Hóa). Trần Lựu được theo họ của vua Lê nên cũng gọi là Lê Lựu. Cha ông giúp vua Trần Trùng Quang chống giặc Minh và hy sinh(12). Không biết ông theo Lê Lợi khởi nghĩa chống lại ách đô hộ của quân Minh từ năm nào. Căn cứ vào Đại Việt sử ký toàn thư thì đến năm 1426 - khi cuộc kháng chiến bước vào giai đoạn tổng phản công mới thấy chép đến những hoạt động của ông trong trận đánh thành Khâu Ôn (Lạng Sơn): “Tháng 12 năm Bính Ngọ (1426) vua sai các tướng chia quân đi đánh các thành: Quốc Hưng đánh hai thành Điêu Diêu và Thị Cầu, Lê Khả và Lê Khuyển đánh thành Tam Giang, Lê Sát, Lê Thụ, Lê Lý, Lê Lãnh và Lê Triện đánh thành Xương Giang, Lê Lựu, Lê Bôi đánh thành Khâu Ôn (thuộc tỉnh Lạng Sơn - TG)(13).

Mặc dù trong chính sử đề cập đến việc Lê Lựu (tức Trần Lựu) tham gia đánh các trận lớn chống quân xâm lược Minh khá muộn, nhưng có lẽ ông phải là người tham gia vào nghĩa quân Lam Sơn từ khá sớm. Là người tài ba lão luyện trong việc cầm quân, nên Lê Lợi mới giao cho ông cùng Lê Bôi đánh đồn Khâu Ôn (Lạng Sơn) - một thành có vị trí quan trọng trong việc trung chuyển tiếp quân lương từ Trung Quốc sang. Không chỉ có vậy, đến năm 1427 Lê Lựu được giao một trọng trách rất lớn là trông coi việc quân đội ở toàn bộ phía biên giới Đong bắc của tổ quốc từ Lạng Sơn đến An Bang (tức Quảng Ninh ngày nay). Đại Việt sử ký toàn thư cho biết rõ: “Tháng riêng, mùa xuân, năm Đinh Mùi (1427): “hạ lệnh cho viên tổng tri coi việc quân dân Lạng Sơn và An Bang là Nhập nội Thiếu bảo Lê Lựu đem quân đi đánh giặc, cho quyền tiền trảm hậu tấu”(14). Mục đích của quân ta vào những ngày cuối năm 1426 - 1427 là tiêu diệt các thành Tam Giang, Điêu Diêu, Thị Cầu, Xương Giang, Khâu Ôn. Lê Lợi đã phái các tướng giỏi tiến công các thành này. Thành Tam Giang (vùng Việt Trì - Phú Thọ) do Trịnh Khả và Lê Khuyển phụ trách, thành Khâu Ôn (thuộc Lạng Sơn) do Lê Bôi và Trần Lựu chỉ huy, thành Xương Giang do Lê Sát và Lê Thụ chỉ huy, thành Thị Cầu (Bắc Ninh) do Nguyễn Chích chỉ huy: Tất cả những thành này vào năm cuối 1426 đã bị quân ta xiết chặt vùng vây. Tháng 3 năm 1427 quân địch ở thành Thị Cầu do Đường Bảo Trinh cầm đầu đã xin đầu hàng.

Riêng với thành Khâu Ôn vào cuối năm 1426, đầu 1427 do tướng Trần Lựu và Lê Bôi chỉ huy đã kiên trì vây hãm lâu ngày, lương thực cạn nên quân địch hoang mang, đa số bỏ trốn. Việc đánh thành Khâu Ôn có vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn ứng viện của địch từ phía Quảng Tây sang. Nhận thức được vai trò của vị trí này nên tướng địch là Từ Lân và Thái Ngung phải tử thủ thành này. Kết quả là ngày 13, tháng giêng, năm 1427, Lê Lợi, Lê Bôi sau bao ngày đêm đánh thành, quân Minh chống đỡ không nổi đang đêm phải chạy trốn(15).

Nhằm cứu vãn tình thế, vào ngày 10 tháng 6 năm 1427, Cố Hưng Tổ nhà Minh đem theo 5 vạn quân cùng 5 ngàn cỗ ngựa từ Quảng Tây sang cứu viện các thành. Đến cửa ải Pha Lũy (tức cửa Nam Quan hay còn gọi là Hữu Nghị Quan), đã bị tướng Trần Lựu, Lê Bôi đón ngay tại cửa ải, phá tan quân giặc, chém trên 3000 thủ cấp, bắt được hơn 500 ngựa, Hưng Tổ thua to phải chạy về nước(16).

Trần Lựu, Lê Bôi và nghĩa quân không chỉ có công đánh bại đoàn quân tiếp viện của Cố Hưng Tổ với những chiến công lẫy lừng ngay khi chúng mới bước chân vào bờ cõi nước ta mà vị tướng lão luyện này đã thể hiện một nghệ thuật nhử địch vào trận địa của ta với cách đánh chủ động, bất ngờ và mưu trí: Tại Ải Lưu: một cửa ải từ Khâu Ôn đến Chi Lăng vùng giáp hai xã Nhân Lý và Sao Mai (huyện Chi Lăng ngày nay) do tướng Trần Lựu chỉ huy.Vào ngày 8 tháng 10 năm 1427 (tức ngày 18 tháng 9 năm Đinh Mùi) đại quân của Liễu Thăng tiến vào cửa ải Pha Lũy, thấy giặc đến cửa ải Pha Lũy, Trần Lựu bỏ ải Pha Lũy lui vào đóng ở Chi Lăng. Giặc lại tiến quân uy hiếp Chi Lăng. Trần Lựu giả vờ thua chạy. Giặc tỏ ra kiêu ngạo vui mừng, cùng đoàn quân ồ ạt tiến thẳng vào ải Chi Lăng. Chúng thật không ngờ rằng chúng đã lọt vào trận địa mai phục của ta. Liễu Thăng cùng hơn 100 kỵ binh hung hăng tiến lên đuổi theo Trần Lựu. Ngày 20 tháng 10 số kiếp của đội quân hiếu chiến đã được định đoạt. Lúc này, đội quân mai phục của Lê Sát, Lưu Nhân Chú tung hết ra, bốn mặt đều nổi dậy xông vào đánh giặc. Quân giặc thua to. Chém được Liễu Thăng ở núi Mã Yên và hơn một vạn thủ cấp quân giặc. Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi đã mô tả về chiến thắng này như sau:

“Tháng 10 cùng năm ấy, Mộc Thạch cũng chia đường từ Vân Nam kéo đến.

Ta trước đó chẹn hiểm bẻ mũi tiên phong. Rồi sau lại chặn đường cắt nguồn lương giặc.

Ngày 18 tháng ấy, Liễu Thăng bị quân ta tấn công, rừng Chi Lăng mưu đồ đổ sập.

Ngày 20, Liễu Thăng bị quân ta đánh bại, núi Mã Yên tử trận phơi thây(17).

Chỉ trong thời gian chưa đầy 1 tháng, với số quân đông (chưa đầy 4 vạn) dưới sự lãnh đạo tài tình như Trần Lựu, Lê Bôi, Nguyễn Chích, Lưu Nhân Chú, chiến cục Chi Lăng, Xương Giang đã nhanh chóng đẩy quân địch vào thế bị động, lúng túng và thất bại. Ngược lại nghĩa quân của ta ngày càng giành thế chủ động, gây cho địch bất ngờ không kịp trở tay. Nhận định về chiến thuật của Trần Lựu, các tác giả sách Khởi nghĩa Lam Sơn có nhận xét rất chính xác. “Về những nhận xét của Trần Lựu, sử cũ ghi chép rất sơ lược. Nhưng rõ ràng Trần Lựu đã nhử địch rất tài tình, Liễu Thăng thực sự đã “thua kế” quân ta. Với số quân rất ít, Trần Lựu vừa chống đỡ, vừa “thua chạy” liên tiếp rút lui. Các trận đánh nhử địch của Trần Lựu diễn ra từ Pha Lũy đến ải Chi Lăng, trên quãng đường độc đạo hiểm trở dài trên 60km, hai bên là núi đá dựng đứng. Liễu Thăng cứ thúc quân ào ạt đuổi theo, những trận rút lui tài tình của Trần Lựu thật sự đã mở đường cho đại thắng Chi Lăng ngay sau đó”(18).

Có thể nói rằng, với nghệ thuật nhử địch tài tình của Trần Lựu ở cửa ải Pha Lũy, Chi Lăng trong cuộc kháng chiến chống quân Minh thế kỷ XV, giúp ta liên tưởng đến chiến thuật nhử địch vào bãi cọc của Ngô Quyền trong trận Bạch Đằng ở thế kỷ thứ X. Những chiến công trên của tướng quân Trần Lựu đã minh chứng cho tài thao lược dũng cảm, đóng góp đáng kể vào kho tàng nghệ thuật quân sự nước ta.

3. Những đóng góp của Trần Lựu về mặt quốc phòng sau cuộc kháng chiến chống quân Minh toàn thắng

Cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược sau 10 năm bền bỉ, kiên trì, gian khổ “nếm mật nằm gai” đã toàn thắng, đất nước sạch bóng quân thù. Nói như Nguyễn Trãi trong Bình Ngô đại cáo...

"Để mở nền thái bình muôn thuở

Để rửa mối sỉ nhục ngàn thu (...)

Một gươm đại định, nên công oanh liệt vô song

Bốn biển thanh bình, ban chiếu lệnh duy tân khắp nước."

Các vị tướng có công trong cuộc kháng chiến đều được trọng thưởng. Sử chép ngày 3 tháng 5 năm Kỷ Dậu (1429) ban biên ngạch cho 93 công thần nhưng không thấy có tên Trần Lựu (nay Lê Lựu), chỉ biết rằng ông được ban quốc tính (họ vua)(19). Sau chiến thắng ấy, những nhân vật làm nên lịch sử được thưởng công với các phẩm trật khác nhau, nhưng cũng sau đó không lâu, nhiều người bị sát hại, hoặc bỏ tù như Phạm Văn Xảo, Trần Nguyên Hãn, Nguyễn Trãi... Còn Trần Lựu, trong một thời gian dài kể từ năm 1427 đến năm 1436 (10 năm) không thấy chính sử chép đến những hoạt động của ông. Đại Việt sử ký toàn thư có 5 lần nhắc đến các hoạt động, những công việc của Trần Lựu vào các năm sau cuộc kháng chiến: 1436, 1456 (2 lần), 1459, 1460. Có thể nhận thấy rằng những thông tin về ông tuy ít ỏi, rời rạc, thời gian gián đoạn nên chúng ta không thể biết được nhiều hơn. Nhưng qua những dòng sử này, cho ta thấy Trần Lựu vẫn là một “người lính”, một “lưu quan” trên mặt trận quân sự bảo vệ tổ quốc ở trấn Tuyên Quang và Thanh Hóa xa xôi. Sử chép: “năm Bính Thìn [Thuận Bình] năm thứ 3 (1436), mùa thu, tháng 7 (...) lấy Tuyên phủ đại sứ Thái Nguyên hạ bạn là Lê Lôi làm Xã kỵ đồng Tổng quản kiêm Đô tổng quản phủ lộ Thanh Hóa, Tuyên úy đại sứ trấn Tuyên Quang là Trần Lựu làm Kim ngô vệ đồng Tổng quản kiêm Đô tổng quản lộ Thanh Hóa”(20).

Không biết ông đảm nhận chức này trong thời gian bao lâu, chỉ biết rằng 20 năm sau (1456) Trần Lựu giữ chức quan trông coi việc an ninh trong kinh thành. Quốc sử còn ghi: tháng 2 năm Bính Tý (1456): “Ra lệnh cho bọn Nhập nội Tư đồ Bình chương sự Lê Hiệu, Nhập nội Đô đốc Bình chương s Lê Lựu trông coi việc giữ thành trì, ngày đêm nghiêm ngặt tuần phòng trong ngoài theo đúng phép”(21). Nhưng sau đó, một tháng sau không biết vì lý do gì ông phải tiếp tục đi làm lưu quan ở Tây Đạo (gồm vùng Tam Giang, Hưng Hóa, Tuyên Quang và Gia Hưng). Qua lời tâu từ chối nhận bổng lộc của ông, cho thấy ông là một người khí khái, bộc trực và lúc này có lẽ ông đã già, chán ghét bọn hoạn quan chuyên quyền, bọn xiểm nịnh được tin dùng, kẻ đao bút được tiến cử: ngày 23 tháng 3 năm Bính Tý (1456) Diên Ninh thứ 3: cấp tiền lương bổng hàng năm cho các thân vương, công chúa đại thần và các quan võ theo thứ bậc khác nhau, Tây đạo Đô đốc Lê Lựu tâu rằng: “Thần đã thấy dân chúng khốn khổ quẫn bách, dẫu một đồng nhỏ nhoi cũng coi bằng 10 đồng. Do vậy, thần xin không nhận tiền lương hàng năm. Bệ hạ không coi thần có tội, ban riêng cho thêm 50 hộ, lại thêm tiền lương bổng 1 năm, thì thu nhập tất lại tăng rất nhiều. Nay đương cấp tiền lương hàng năm cho các quan, thần xin được từ chối không nhận”(22). Và sự kiện cuối cùng viết về ông trong Đại Việt sử kí toàn thư là việc ông đi đánh giặc ở Bồn Man vùng Tây Bắc: “Tháng 12 năm 1460, sai Thái phó Lê Lựu, Thái bảo Lê Lăng dẫn các quân chia đường đi đánh họ Cầm (Tức họ Lai Cầm, tù trưởng Bồn Man)(23).

Có thể nói rằng, Trần Lựu là một người từng trải, cả cuộc đời ông gắn với binh nghiệp. Ông đã có công lao ln, một vị tướng có tài trong cuộc kháng chiến chống quân Minh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc những năm hòa bình độc lập. Cuộc đời của ông trải qua những năm tháng kháng chiến chống quân xâm lược Minh gian khổ và tiếp đó ít nhất là bốn đời vua: Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông, Lê Thánh Tông với những đóng góp nổi bật. Ta có thể tạm chia làm hai giai đoạn: giai đoạn trai trẻ trước cuộc kháng chiến chống Minh ông luôn gắn bó với miền Đông Bắc từ Tuyên Quang đến Quảng Yên (Quảng Ninh) và giai đoạn còn lại của cuộc đời (sau cuộc kháng chiến toàn thắng), ông lại gắn bó nhiều năm với vùng Tây Đạo - phía tây bắc - nơi biên giới xa xôi của Tổ quốc.

Từ những vấn đề trình bày ở trên chúng tôi cho rằng, văn bản thần tích về Trần Lựu đã được người đời sau biên soạn thêm vào những chi tiết không đúng với sự thật lịch sử. Và Trần Lựu được thờ làm thành hoàng ở đình Thanh Hà, phố Ngõ Gạch (Hà Nội) là một nhân vật có thật - một vị tướng tài ba có đóng góp quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược đầu thế kỷ XV. Hơn nữa, qua những tư liệu viết về Trần Lựu, cho chúng ta biết ông còn một vị tướng - một nhà quân sự suốt đời gắn bó với mảnh đất vùng Đông Bắc và Tây Bắc của Tổ quốc trong suốt cuộc kháng chiến và những thập kỷ đầu của vương triều Lê sơ (nửa đầu thế kỷ XV).

Chú thích:

1, 2, 3. Tuyển tập văn bia Hà Nội, Tập I, Nxb. KHXH, H. 1978, tr.10, 11, 17, 24.

4. Nguyễn Duy Hinh, Nguyễn Thị Hòa: Bia trong hậu cung đình Thanh Hà, Ngõ Gạch - Hà Nội, in trong Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2001, tr.648-688. Cũng xin phải nói thêm rằng, những bản thần phả do Lê Tung sao năm Hồng Đức nguyên niên (1470) là những văn bản đáng nghi vấn có nhiều mâu thuẫn, bởi đến năm 1484 Lê Tung mới đỗ Tiến sĩ.

(Xin xem thêm Nguyễn Quang Trung, Lê Kim Thuyên/ Nhà sử học Lê Tung và lạc khoản trong một số bản thần phả hiện có. Thông báo Hán Nôm học, 1997, tr.664-670).

5. Trần Quốc Vượng - Tống Trung Tín: Bia Thanh Hà ngọc phả bi ký (Hà Nội), Những phát hiện mới về khảo cổ học 2002, tr.667”.

6. Hà Văn Tấn, Phạm Thị Tâm Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông, thế kỷ XIII, Nxb. QĐND, 2003.

7. Vũ Ninh (thời Lê) bao gồm đất của huyện Võ Giàng (nay là Quế Võ) và một phần thị xã Bắc Ninh (ngày nay).

8. Nội dung bia còn cho biết những người đứng ra trùng tu gồm:

Ông M.Herisson Administratem (phó sứ Bắc Ninh)

Ông Zolillon (Chánh Sở Đáp Cầu, Ủy viên bảo vệ)

Ông Đặng Trần Cung (Tri huyện huyện Võ Giàng)

Ông Trần Đức Bích (Thư ký đại biểu nhân dân)

Ông Larivère (Chánh sứ tỉnh Bắc Ninh)

Ông Masset (Kỹ sư trưởng Sở công chính Bắc Ninh)

Ông Toillon (Cảnh sát trưởng Đáp Cầu)

Và ông Đặng Kỳ Xương trong hàng Tư pháp trong ban kiến thiết đền thờ.

9. Chúng tôi đã được cụ Nguyễn Hữu Trác (72 tuổi), số nhà 40, xóm Trại, khu 1, phường Thị Cầu, thành phố Bắc Ninh (kể lại).

10. Gần đền thờ Trần Lựu xưa, chúng tôi còn biết tại Viện 110 thị xã Bắc Ninh còn một đoạn dấu vết thành của tướng quân Nguyễn Chích (một trong những vị tướng giỏi của Lê Lợi) chống giặc Minh TK XV.

11. Đại Việt sử ký toàn thư, Quyển nội các quan bản, Bản Chính Hòa 1697, Bản kỷ (BK) quyển X, bản dịch, tập II, Nxb. KHXH, H. 1998.

12. Nguyễn Q. Thắng, Nguyễn Bá Thế: Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam (In lần thứ 5 có sửa chữa và bổ sung), Nxb. Văn hóa, tr.874, 875.

13. Các tác giả Nguyễn Q. Thắng, Nguyễn Bá Thế, Sđd, tr.874, 875. Không biết dựa vào tư liệu nào, cho rằng Trần Lựu tham gia khởi nghĩa Lam Sơn ngay từ buổi đầu ở hội thề Lũng Nhai (Sđd, tr.686-687).

14. Đại Việt sử ký toàn thư, BK, QX, tờ 27a, bản tiếng Việt, tập III, tr.263.

15. Đại Việt sử ký toàn thư, BK, QX, tờ 27a, bản tiếng Việt, Sđd, tr.264.

16. Đại Việt sử ký toàn thư, BK, QX, tờ 27a, bản tiếng Việt, Sđd, tr.272.

17. Đại Việt sử ký toàn thư, BK, QX, tờ 40a, 40b, 50b, sách tiếng Việt, Sđd, tr. 276, 286.

18. Phan Huy Lê - Phan Đại Doãn: Khởi nghĩa Lam Sơn và phong trào giải phóng dân tộc đầu thế kỷ XV, Nxb. KHXH, H. 1969, tr.316, 317.

19. Đại Việt sử ký toàn thư, BK, QX, tờ 66b, 67a, bản tiếng Việt, Sđd, tr.300, 301.

20, 21, 22, 23. Đại Việt sử ký toàn thư, BK, QXI, tờ 43b, 90b, 94b, 97b; QXII, tờ 6b. Bản dịch, tập II, Sđd các trang 341, 380, 382, 383, 392./.

Thông báo Hán Nôm học 2006 (tr.209-223)

In
Lượt truy cập: