Nghiên cứu Hán Nôm >> Năm 2006
Bùi Xuân Đính
16. Văn chỉ làng Liên Bạt Trù và truyền thống hiếu học, khoa bảng làng Bặt

Cập nhật lúc 14h48, ngày 19/02/2009

VĂN CHỈ LÀNG LIÊN BẠT TRÙ VÀ TRUYỀN THỐNG HIẾU HỌC, KHOA BẢNG LÀNG BẶT

BÙI XUÂN ĐÍNH

Viện Dân tộc học

Làng Liên Bạt tên Nôm là làng Bặt, xa xưa gồm ba cụm dân cư gốc, sau phát triển thành ba làng độc lập, gọi chung là ba làng Bặt: Trù, Ngõ, Trung. Trên các văn bản Hán Nôm hay giấy tờ hành chính, các làng này gọi là “thôn” và đều gắn với yếu tố “Liên Bạt” ở đầu (Liên Bạt Trù thôn, Liên Bạt Ngọ thôn, liên Bạt Trung thôn). Cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn, xã Liên Bạt thuộc tổng Xà Cầu, huyện Sơn Minh, phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam Thượng (từ 1831, là tỉnh Hà Nội).

Vào khoảng niên hiệu Duy Tân (1907 - 1915), các thôn: Trù (Chùa), Ngõ và Trung của làng Liên Bạt gốc tách ra thành các xã độc lập (có bộ máy chức dịch với lý trưởng riêng). Ngày nay, xã Liên Bạt gồm các thôn: Vũ Nội, Vũ Ngoại, Lưu Khê, Lương Xá, Đình Tràng, Hoàng Xát, Trù, Đống, Trung, thuộc huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây.

I. TRUYỀN THỐNG HỌC HÀNH, KHOA BẢNG LÀNG BẶT

Nói đến Liên Bạt, phải nói đến truyền thống học hành, khoa bảng, đất “địa linh nhân kiệt”, sản sinh ra nhiều danh nhân được ghi trong sử sách thời cận đại và hiện đại. Theo văn bia ở Văn chỉ làng Liên Bạt Chùa thì vào thời Nguyễn, chỉ riêng làng này đã có 2 Hoàng giáp, 2 Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, 5 Cử nhân và 7 Tú tài. Ngoài ra, còn có 9 vị là giám sinh các thời.

Những người đỗ đạt của làng Liên Bạt Chùa tập trung vào 2 dòng họ Nguyễn và Bùi.

Về dòng họ Nguyễn (Nguyễn Đại tôn): theo bản gia phả mới được ông Nguyễn Thượng Hùng (sinh năm 1937) - cháu đời thứ 14 lập lại từ bản gốc thì Thủy tổ dòng họ là Nguyễn Bá Đạt, hiệu là An Nhân, vốn gốc thôn Trù làng Bặt. Người cháu nội của cụ là Phúc Hải khi mất được táng tại Gò Sách. Gò này có hình con chim phượng ngậm cuốn sách, chỗ đặt mộ có hình ống quyển, vì thế nên con cháu sau này phát đạt nhờ đèn sách. Tuy nhiên, phải đến đời thứ bảy, dòng họ này mới có Nguyễn Năng Kính (chi Giáp), Nguyễn Lệ Dĩnh, Nguyễn Thạc (chi Ất) đỗ Hương cống. Đến đời thứ 11 của chi Ất có Nguyễn Phiên (hay Nguyễn Thượng Phiên, 1828 - 1908) đỗ đại khoa. Ông tự là Bàng Linh, hiệu là Ngũ Sơn và Nhị Nam; là con trai thứ hai của Tú tài Nguyễn Tụng. Lên 9 tuổi, Nguyễn Phiên được cha trực tiếp dạy chữ. Năm Đinh Mùi niên hiệu Thiệu Trị (1847), ông đỗ kỳ thi Hương tại Hà Nội, hạng thứ sáu. Năm sau (Mậu Thân - 1848), được vào học ở Quốc tử giám; sau đó trải nhiều chức quan khác nhau. Năm Ất Sửu, đời Vua Tự Đức (1865), ông dự kỳ thi Nhã sĩ. Đây là khoa thi đặc biệt để lựa chọn người có tài, người dự thi không cứ đã đỗ Cử nhân, miễn là học rộng, tao nhã, có kiến thức. Khoa thi Nhã sĩ duy nhất này có 16 người dự, chỉ có 5 người được lấy đỗ, trong đó Nguyễn Phiên đỗ thứ hai (tương đương với Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, tức Hoàng giáp). Vì đỗ cao, lại là người dạy vua nên Nguyễn Phiên được vua Thành Thái ban thêm chữ “Thượng” (có nghĩa là cao, chuộng) làm tên lót nên từ đời con ông, họ Nguyễn này có thêm chữ lót “Thượng”. Sau khi thi đỗ, Nguyễn Phiên đảm nhiệm nhiều chức quan khác nhau, chức cao nhất là Thượng thư bộ Hình rồi về trí sĩ (năm Mậu Tuất, 1898).

Nguyễn Thượng Phiên để lại một vài tác phẩm như Nhĩ Nam thi tập, Đinh Dậu quy điền thi tập, Vãng sứ Thiên Tân tập, lời đề tựa cho hai bộ sách Gia Viễn thi văn toàn tập Kim Giang thi tập. Các tác phẩm này chưa được dịch nên ít người biết đến.

Nguyễn Thượng Hiền (1868 - 1925): tự là Đỉnh Nam, Đỉnh Thần, hiệu là Mai Sơn, là con của Hoàng giáp Nguyễn Thượng Phiên. Khoa thi Hương năm Giáp Thân niên hiệu Kiến Phúc (1884), Nguyễn Thượng Hiền đỗ Cử nhân, hàng thứ 39 tại trường thi Hà Nội - Nam Định. Năm sau, Ất Dậu (1885), Nguyễn Thượng Hiền dự kỳ thi Hội, trúng cách (đủ điểm đỗ). Vào thi Đình, ông đứng đầu về văn lý, nhưng chưa kịp truyền lô thì Kinh thành Huế có biến, nên kết quả thi bị hủy bỏ. Khoa Nhâm Thìn, niên hiệu Thành Thái (1892), ông lại dự thi, đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) nhưng không ra làm quan. Mãi đến năm Ất Mùi (1895), ông buộc phải ra làm quan, giữ chức Quốc sử quán Toản tu. Được 3 năm, đến năm Mậu Tuất (1898), mặc cho cha can ngăn, ông lại xin từ quan, lấy cớ là “về tĩnh dưỡng nơi rừng xanh, gió ngàn”, nhưng thực chất là tìm cơ hội liên lạc với các chí sĩ yêu nước như Tôn Thất Thuyết, Sư Thiệu tức Tăng Bạt Hổ. Về sau, ông hoạt động tích cực trong các phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX. Đặc biệt, với cương vị Đốc học, ông đã tích cực tham gia vào việc “chấn hưng dân khí, mở mang dân trí”, khêu gợi lòng yêu nước cho thanh niên, cổ động họ sang Nhật du học. Năm 1908, ông tìm đường sang Quảng Châu (Trung Quốc) bắt liên lạc với Phan Bội Châu, Tăng Bạt Hổ. Đến khi các hoạt động cuối cùng của Việt Nam Quang phục hội thất bại (tháng 5 - 1916), trong tâm trạng bi quan, buồn chán, Nguyễn Thượng Hiền vào tu ở chùa Thương Tịch Quang, tỉnh Chiết Giang rồi mất tại đây vào ngày 13 tháng giêng năm Ất Sửu (28/12/1925).

Nguyễn Thượng Hiền để lại các tác phẩm chính Nam chi tập (3 tập): Hạc thự ngâm biện, Mai Sơn ngâm thảo, Nam hương tập, gần 500 bài thơ, trong đó nhiều bài tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước cách mạng, là bản cáo trạng hùng hồn chính sách áp bức, bóc lột tàn bạo của thực dân Pháp.

Về họ Bùi: theo Gia phả do các ông Bùi Bằng Phấn, Bùi Bằng Thuận và Bùi Bằng Đoàn lập lại vào năm Giáp Thân đời Bảo Đại (1944) thì họ này vốn gốc họ Nguyễn, đến đời cụ Thanh Hòa đổi thành họ Bùi (không rõ nguyên do), sống vào khoảng niên hiệu Long Khánh đời Trần Dụ Tông (1373 - 1377).

Họ Bùi gốc Nguyễn làng Bặt đến đời thứ bảy, bắt đầu phát khoa với Bùi Châm (1675 - 1734), hiệu là Đoan Lương, đỗ Sinh đồ khoa Ất Dậu niên hiệu Vĩnh Thịnh (năm 1705). Hai đời tiếp theo (8, 9) đều có người đỗ Sinh đồ là Bùi Bỉnh Di (con Bùi Châm, đỗ khoa Quý Hợi niên hiệu Cảnh Hưng, 1743) và Bùi Thuyên (không rõ khoa đỗ). Đến đời thứ 11 mạch học lại được kế tiếp với Bùi Trí Trung ( Tú tài khoa Tân Mão đời Minh Mạng, 1831) và lại kế tiếp ở hai đời sau (12, 13): Bùi Huy Cán (cháu gọi Bùi Chí Trung là chú ruột, Tú tài khoa Tân Sửu, đời Thiệu Trị (năm 1841) và Bùi Huy Toán (1835 - 1880, con Bùi Huy Cán), đỗ cùng khoa với cha.

Dòng họ Bùi làng Bặt đến đời Bùi Châm bắt đầu phân chi, chi thứ của Bỉnh Hành gọi là tiểu tông, có nhà thờ Dụ Đức đường. Đến đời thứ 10, chi Tiểu tôn này lại phân ngành, ngành trưởng vẫn giữ nhà thờ Dụ Đức đường; còn ngành thứ là Bùi Tới (hay Bùi Đình Nhuận, 1882 - 1951) có nhà thờ Thế Đức đường. Ngành này phát khoa rực rỡ với 2 Tiến sĩ và 2 Cử nhân, 2 Tú tài mà người mở đầu là Bùi Tuấn (đời thứ 11).

Bùi Tuấn (1808 - 1872), tự là Trạch Phủ, hiệu là Khắc Trai, là người đỗ đại khoa của họ Bùi, cũng là của cả làng Bặt. Khoa Ất Dậu đời Vua Minh Mạng (năm 1825), ông đỗ Sinh đồ khi mới 18 tuổi; sau đó lại đỗ Tú tài tại 3 khoa : Mậu Tý (1828), Tân Mão (1831) và Đinh Dậu (1837). Đến khoa Canh Tý (1840), ông đỗ Giải nguyên khoa thi Hương tại trường thi Hà Nội. Năm sau (Tân Sửu, đời Vua Thiệu Trị - 1841), ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Trong 31 năm, ông trải nhiều chức quan khác nhau, cao nhất là Quyền Tổng đốc Ninh - Thái, khi mất được tặng hàm Thái tử, Thiếu bảo.

Bùi Tuấn có 6 người con trai, trong đó chỉ có người con thứ sáu là Bùi Vi (1869 - 1919) là đỗ đạt. Khi Bùi Tuấn mất thì Bùi Vi mới 3 tuổi, nhưng lớn lên vẫn gắng học tập và đỗ Cử nhân hạng thứ 17/ 42 khoa Canh Tý niên hiệu Thành Thái (năm 1900) tại trường Thừa Thiên, làm Giáo thụ phủ Bình Giang (tỉnh Hải Dương). Những người còn lại đều không đỗ đạt, song người con cả là Bùi Kiệm (1836 - 1873), sinh được 2 con trai, con trai cả là Bùi Hữu Nghiêm (1863 - 1925), 2 lần đỗ Tú tài dưới thời Thành Thái (1894, 1897). Người con thứ hai là Bùi Tập (1849 - 1895), được tập ấm, làm quan đến Tuần phủ tỉnh Hưng Hóa, hàm Thị lang, sinh được 3 người con trai làm rạng danh họ Bùi:

Con cả là Bùi Bằng Phấn (1882 - 1949): là cháu nội Bùi Tuấn. Thuở nhỏ, ông cùng các em sống với bố ở Nam Định. Nhưng rồi, lần lượt bố và mẹ mất trong hai năm liền (1894 - 1895). Ông cùng 5 em đều ở tuổi thơ ấu (14, 13, 11, 7, 5, 3 tuổi) phải trở về quê, ăn học dưới mái nhà thờ Thiệu Đức đường, với sự giúp đỡ của người chú dượng là Thiếu bảo Dương Lâm - người làng Vân Đình cùng các chú bác trong gia tộc. Đến năm Bính Ngọ đời Thành Thái, cả ba anh em cùng đi thi thì Bùi Bằng Phấn đỗ Tú tài, còn hai em là Bằng Thuận và Bằng Đoàn đều đỗ Cử nhân. Ba anh em đỗ cùng khoa là hiện tượng ít thấy khi đó. Về sau, Bùi Bằng Phấn nghĩ mình là con trưởng, phải có trách nhiệm trông nom nhà thờ, phần mộ tổ tiên nên ông ở nhà không đi thi tiếp.

Con thứ là Bùi Bằng Thuận (1883 - 1947): tự là Dực Khanh, hiệu là Liên Đường, là em Bùi Phấn, cháu ruột Cử nhân Bùi Vi. Ông dự thi hai khoa chỉ đỗ thấp hoặc không đỗ. Đến khoa Bính Ngọ (1906) mới đỗ Cử nhân hạng thứ 7/ 50 khoa tại trường thi Hà Nam (khoa này, anh ông là Bằng Phấn đỗ Tú tài, em là Bằng Đoàn đỗ Cử nhân). Vào thi Đình không đạt. Tháng Ba năm Bính Thìn đời vua Khải Định (năm 1916), dự kỳ thi Hội và đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, rồi làm quan đến Tuần phủ tỉnh Bắc Giang, Tham tri. Đầu năm 1939, về trí sĩ.

Con thứ ba là Bùi Bằng Đoàn (1889 - 1955): hiệu là Phù Khanh, đỗ Cử nhân hạng 47/ 50 cùng khoa với Tiến sĩ Bùi Bằng Thuận, làm quan đến Thượng thư bộ Hình. Sau khi Nhật đảo chính Pháp, Bùi Bằng Đoàn về quê ở Bặt Chùa ẩn dật. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, ông tham gia vào các hoạt động của tổ chức yêu nước ở Hà Nội rồi lên chiến khu Việt Bắc tham gia các hoạt động kháng chiến, rồi làm Trưởng ban Thường vụ Quốc hội.

Sách Quốc triều hương khoa lục cũng như bia Văn chỉ còn chép làng Liên Bạt có Bùi Tấn Niên (1899 - ?) : đỗ Cử nhân hạng 31 / 40 khoa Ất Mão đời Vua Duy Tân (năm 1915) tại trường thi Hà Nam khi còn rất trẻ (17 tuổi). Đây là khoa thi Hương cuối cùng của các tỉnh vùng Bắc Bộ. Chưa rõ ông thuộc dòng họ Bùi nào.

II. VĂN CHỈ THÔN TRÙ

Trước đây, cả ba làng Bặt đều có Văn chỉ để thờ Khổng Tử, các vị Tiên hiền, những người đỗ đạt trong dịp Xuân - Thu tế hàng năm. Đến nay chỉ còn Văn chỉ thôn Chùa, đặt ở cuối ngõ Khăm, kề cận cánh đồng về phía Đông, trên một khu đất rộng chừng 240 mét vuông. Văn chỉ nhìn hướng Nam, phía đầu gồm 3 bệ thờ Đức Khổng Tử, bệ bên trái thờ thần linh thổ công, bệ bên phải thờ các vị tiên hiền qua các thời. Ở cửa ra vào có hai tấm bia:

- Bia Văn chỉ bi ký (ở bên phải theo hướng của Văn chỉ): là một bia khổ lớn, được lập vào mùa thu năm Quý Sửu đời Tự Đức (1853), người viết chữ là Tú tài Bùi Chí Trung, ghi tên các vị Giám sinh của thôn qua các đời, các vị “Hoàng triều quan viên phụ” (cha của các vị đỗ đạt, giám sinh trong làng dưới triều Nguyễn), các vị Tổng giáo trong làng... Mặt sau của bia mang tên Liên Bạt Trù thôn khoa trường bi ký, do Hội Tư văn của thôn lập ngày tốt tháng giêng năm Mậu Dần đời Bảo Đại (1938), ghi tên các vị đỗ Đại khoa, Trung khoa và Tiểu khoa dưới triều Nguyễn.

- Bia Trù thôn Văn từ bi ký: là tấm bia trụ 4 mặt, lập ngày Tốt, tháng Năm, năm Mậu Dần, đời Vua Bảo Đại (1938). Ba mặt nói về sự thành đạt về mặt học hành khoa cử của người làng Bặt Chùa, mặt còn lại ghi tên 52 người đóng góp 3 mẫu 6 sào 31 khẩu(1) ruộng làm ruộng tế lễ của Hội Tư văn, trong đó Hoàng giáp Nguyễn Phiên góp 5 sào, Cử nhân Nguyễn Bùi Nhưng góp 3 sào.

Chú thích:

(1) Mỗi khẩu (hay miếng) bằng 36 mét vuông, 10 khẩu là 1 sào. 31 khẩu ruộng này bằng 1850 mét vuông, tức 5 sào, 2 thước. Như vậy, tổng số ruộng do các hội viên Hội Tư văn đóng góp là 4 mẫu 1 sào 2 thước.

Thông báo Hán Nôm học 2006 (tr.177-183)

In
Lượt truy cập: