Nghiên cứu Hán Nôm >> Năm 2006
Trần Trọng Dương
14. Bài thơ Cung họa Ngự chế Thuận An bát thập vận thi nguyên vận của Trấn Biên Quận công Miên Thanh

Cập nhật lúc 14h59, ngày 19/02/2009

BÀI THƠ CUNG HỌA NGỰ CHẾ THUẬN AN BÁT THẬP VẬN THI NGUYÊN VẬN CỦA TRẦN BIÊN QUẬN CÔNG MIÊN THANH

TRẦN TRỌNG DƯƠNG

Đại học Văn hóa Hà Nội

Trấn Biên quận công Miên Thanh (1830-1877) tự là Giản Trọng, hiệu là Duân Đình, con thứ 51 của Thánh tổ Nhân Hoàng đế Minh Mạng, anh cùng mẹ với Phong quốc công Miên Kiền. Ông có thể chất yếu, nhiều bệnh, mới làm hoàng tử mở phủ học, thông kinh sử, có tiếng thơ hay, biết nghề thuốc. Năm thứ 21 đời Minh Mạng được phong Trấn Biên quận công. Năm Tự Đức thứ 29 (1876), ông theo hầu vua ngự thăm cửa biển Thuận An, vâng sắc kính họa thơ Thuận An ngự chế tám mươi vần (bài này chép trong Đào Trang tập (VHb.15) của Hồng Vịnh, con trai thứ ba của ông.

Hoàn cảnh sáng tác: năm 1875, vua Tự Đức tuần hành Thuận An. Các hoàng thân, các đường quan văn võ đều phải theo hầu giá. Sau chuyển tuần hạnh 6 ngày, vua làm bài Thuận An thập bát vận. Năm sau, nhân xây dựng lại hành cung, mới đem khắc lên bia(1). Bài thơ họa lại của Miên Thanh ra đời trong không khí đó. Bài thơ được viết bởi một thứ ngôn ngữ uyên áo, bác học, cho thấy tác giả là người có trình độ rất cao về thơ.

Năm 2002, Phan Thuận An và Lê Nguyễn Lưu đã đăng tải bài dịch Thuận An thập bát vận trên tạp chí Nghiên cứu và phát triển(2). Bài họa lại của Miên Thanh trước cũng đã từng được dịch trong Đại Nam thực lục. Song nhận thấy bản dịch ấy là bản dịch thô nên chúng tôi mạnh dạn dịch lại theo tinh thần của nguyên tác, có chú thích điển cố văn học. Hy vọng bản dịch sẽ giúp ta nhận chân hơn về trí tuệ đất Thần Kinh.

Phiên âm:

CUNG HỌA NGỰ CHẾ THUẬN AN BÁT THẬP VẬN THI NGUYÊN VẬN

Nguyện tương Nam đức cụ,

Thí giải Bắc minh khoan.

Hành liệu thao phân phái,

Đề sầm đắc ngưỡng quan.

Hoàng đồ khâm đỉnh thịnh,

Thần khí khánh vu an.

Địa lợi xưng tư phiếm,

Sa thôi nghiễm nhược loan.

Thủ bằng thiên hạ cốc.

Hiểm thắng bách trùng than.

Vũ tích tằng chiêm kệ,

Thang minh trọng bái bàn.

Li châu tranh nhật lệ,

Hồng bút huyễn tinh toàn.

Tác trấn Cú Lũ trĩ,

Tiêu kì bí sí bàn.

Đằng quang ma bích hán,

Dật vận kích u thoan.

Bất yếm thiên hồi độc,

Nguy nhiên đệ nhất khan.

Căn thâm tư mạt toại,

Nguyên viễn tự lưu man.

Huân xuy thanh hòa tấu,

Khanh vân lạn tác đoàn.

Thành nhân từ dĩ lập,

Ngôn hữu vật ninh man.

Thử địa quan hành điện,

Thường niên mỗi trú loan.

Tổng duyên sưu phủ thảo,

Cự dục ngoạn tương lan.

Túc túc huy mao lệnh,

Điền điền phạt cổ hoan.

Tinh kì phiêu vũ lí,

Kiếm kích duệ ma san.

Phần thủy lâu thuyền phiếm,

Côn minh tích lũy man.

Đăng lâm cao xưởng ác,

Ngụ mục phủ bằng lan.

Biến quan vi nga trận,

Như phù hí tảo hoan.

Chí tôn thân tự tướng,

Địch khái tận xung quan.

Tọa tác chưng đồ ấp,

Đằng nhương sĩ cao đàn.

Nãi kí thân vũ bị,

Tiên sự át binh đoan.

Tế liễu tương quân bích,

Hoài Âm quốc sĩ đàn.

Thủ cương thù phẫu trúc,

Chế khổn thụ thùy đan.

Đồng trụ nguyên phân giới,

Hàm quan túc nhất hoàn.

Uy linh hàm hạ nhiếp,

Đoài trạch nhĩ hà man.

Trị yếu xa đồng qũy,

Phòng nhưng vi chướng lan.

Hoằng thâm do hạp nạp,

Kiên nhận tạ điêu toàn.

Phương vật tần thâu họa,

Sơ diên hoặc tích bàn.

Trung phu ưng tự cách,

Liệt kĩ tưởng phi nan.

Pháo đạn truân vân cốc,

Chính hậu liệt vụ hoàn.

Chấn kinh lôi bách lí,

Hồng dược nhật tam can.

Chuẩn đích bằng tâm chính,

Căng trì giới thủ đàn.

Trừ giới trù dĩ thục,

Xạ nghĩa giáo tân toan.

Khỉ bất ngu du tức,

Kì như khiết thiện xan.

Đông triều cung đạo giá,

Hạ thanh ổn phô hoàn.

Tiêu nhã tư thanh thính,

Phồn âm khước duệ đàn.

Phiến phong lương phất chẩm,

Điếu nguyệt tĩnh y can.

Hiếu bản đình vi thủy,

Ân thôi thị tụng hoàn.

Phó tuyên triều tích yến,

Khoái đổ tiên bôn đàn.

Tiên lộ vu viên kiểu,

Quỳnh diên xưởng quảng hàn.

Di chu tình biến giáp,

Chủy trứ lạc vô lan.

Thiết hỉ nhân quy dị,

Hoàn khoan lễ thực đoàn.

Hỉ ngư hàm bão ốc,

Trạm lộ vị hi can.

Cái ảnh hồi uyên lộ,

Liên lư tập phượng loan.

Cống trà ban tuyết điểm,

Cung tiệp tỉ lang can.

Đàm bích giai huy chủ,

Dương phong lẫm chấp hoàn.

Cam lương tư khát vẫn,

Phương liệt tấm phiền can.

Cánh hứa canh dương Thuấn,

Đa tàm học bộ Đan.

Thư nghê thiêu chúc kiểm,

Cạnh bệnh mãn sàng nan.

Đốn giác giai tài tận,

Hà nhân đỗ bút can.

Luật trường phân thúc duẩn,

Vận hiểm cự tùng toàn.

Tự cố cấu trung đoán,

Phan viên nguy thượng hoàn.

Vũ môn hâm điểm lí,

Bích huyệt hạch thoan man.

Khắc hộc chung nan tựu,

Điều trùng vị nhẫn phan.

Cổ quăng phương vận hội,

Phế phủ diệc tư đoàn.

Tuế phí trường yêu mễ,

Tân gia xứng thể thiền.

Kiền nguyên hân phổ thí,

Tỉnh dưỡng thất khô oan.

Miễn tiến vi sơn quỹ,

Na ưu lậu hạng đan.

Dung ngu cam định phận,

Trí mao dã tương lan.

Tố lí liên cưu chuyết,

Vi tài sách kiển san.

Ngâm hoài liêu mạn hứng,

Tác cú phả lung oan.

Dược tính thô truyền ý,

Cơ tâm khẳng hiệu ban.

Trần tình nhưng khủng táo,

Động giám khả tri lan.

Bôn tẩu cần khanh tướng,

Nhàn cư quý nhũng quan.

Yên tri lao tụy lực,

Đồ dưỡng thể khu bàn.

Đãn kí thừa phiên bỉnh,

Thăng bình tụng thạch bàn.

Sư tài tham kỉ tử,

Hương án cận chiên đàn.

Tư mã lăng vân tẩu,

Đông phương tử bạch hoan.

Doanh triều nghi nhạc thốc,

Tuyệt tắc thoán lang hoan.

Xu tiến vinh ban tự,

Ủy xà độc vĩnh than.

Giao tôn thưởng mộ liễu,

Thị trận nhã giáng hàn.

Linh lạc đồng bào cảm,

Suy trì chích ảnh đan.

Ngọc thành thùy dữ trác,

Tiễn thốc nhược vi bàn.

Phủ hối duy Trinh Thẩm,

Bằng tòng phục Nguyễn Phan.

Lạc quần tuy khả ủy,

Kính nghiệp thượng do đoàn.

Tao tế quân sư thánh,

Sinh thành giáo dục đan.

Phi long thần biến hóa,

Khuy báo nguyện sa hoàn.

Hội kiến hưng vong trị,

Thuyên phu sách phủ hàn.

Dịch nghĩa:

Thử đem đức nước Nam to lớn,

So với bể Bắc mênh mang.

Lạm dự phân phái đi theo hầu(3)(4),

Hèn kém may được ngửa trông(5).

Cơ đồ hoàng triều ta(6) đương thời thịnh trị(7) (8), .

Ngôi báu(9) mừng vững yên(10).

Cửa biển này nổi tiếng là nơi địa lợi.

Cát chất cao như núi.

Giữ vững cái hang của thiên hạ,

Hiểm trở gấp trăm lần ghềnh thác.

Công vua Vũ từng trị thủy xem núi Kiệt Thạch(11).

Lời minh của vua Thang từng khắc vào chậu tắm(12)(13) ,

Văn hay tranh sáng với mặt trời(14),

Đại bút làm mờ cả sao(5),

Bia đá dựng lên cao tựa bia của vua Vũ trên núi Cú Lũ(16).

Con bí sĩ đội bia trấn giữ chỗ này trở thành cột mốc kì lạ(17),

Ánh sáng vút lên hòa vào trời xanh biếc.

Vần thơ hay khiến dòng nước dưới vực sâu bắn vọt lên cao(18),

Đọc đi đọc lại nghìn lần không chán

Nguy nga rờ rỡ, văn hay nhất trần đời

Gốc sâu ngọn tốt

Nguồn xa nên dòng nước lớn

Gió nam thổi mát mẻ

Mây lành sáng từng đám

Thật là nhân lời nói mà lập ra

Nói ra có căn cứ đâu phải là nói man

Chốn này mở ra hành điện

Hằng năm xe loan vẫn dừng nghỉ lại

Chỉ vì đi săn trên đồng lớn(19)

Há vì muốn xem sóng biển vờn

Cờ lệnh phát nghiêm chỉnh

Tiếng trống đánh ầm ầm

Tinh kì gió bay phấp phới như múa

Gươm giáo va vào nhau loảng xoảng

Sông Ngân Hà dạo thuyền lầu

Côn Minh tập dày trận lũy(20)

Lên cao căng màn che

Dựa lan can nhìn xuống

Thế trận quán khéo biến thành thế trận nga(21)

Tựa như bầy âu, le đang giỡn vui trên mặt nước.

Đấng chí tôn đích thân làm tướng

Hào khí xông dựng dải mũ(22)

Khi đi khi ngồi đều có quân lính hầu bên

Gióng ngựa vọt lên đi trước một mình

Khi ấy đang sắp quân võ bị

Việc quân đầu tiên là ngăn mối binh qua

Như tường thành của Tế Liễu tướng quân(23)

Có đàn của Hoài Âm quốc sĩ(24)

Ban phù tiết cho tướng giữ biên cương(25)

Người làm tướng dây thao đeo ấn rủ màu đỏ

Cột đồng chia biên cương từ xưa(26)

Một hòn đất đủ che cửa ải Hàm Cốc(27)

Uy linh khiến cả nước kính sợ

Ơn trạch tưới khắp gần xa

Chính trị chủ yếu là thống nhất quy củ, chế độ(28)

Đề phòng chỉ qua loa(29)

Biển sâu rộng do thu hút nhiều nguồn nước

Núi bền vững vì không bị đẽo đục

Sản vật địa phương thường đem đến

Khi yến tiệc hoặc khi ban cho cái đai da

Cái đạo trung phu(30) phải nên hiểu cho cặn kẽ(31)

Cất nhắc không khó khăn(32)

Đạn pháo nhiều như mây(33) họp tụ về(34)

Chính lúc sương mù rây trắng xóa(35)

Nghe như sét giật kinh người, như sấm rung vạn dặm

Đạn hồng vọt lên như mặt trời cao bằng ba con sào(36)

Bắn trúng đích ấy là nhờ tấm lòng ngay thẳng

Hãy gắng giữ gìn tay súng

Kế trừ bỏ giặc cướp tính đã kĩ

Luyện bắn cốt phải dậy cho quân lính biết đến gian khổ

Há chẳng thích nghỉ ngơi?

Sao bằng bữa ăn cho sạch

Thân đứng chầu về phía đông, theo hầu xa giá

Trải chiếu quạt sẵn cho mùa hè được mát

Hát thiên tiểu nhã để nghe cho thanh nhã(37)

Tiếng hát náo nức chớ để cho gẫy đàn

Quạt gió mát cả gối nằm

Trăng mảnh và cong như lưỡi câu lặng lẽ kề bên bờ giếng

Đức hiếu vốn khởi nguồn cho nếp nhà(38)

Ơn ban thường đến kẻ theo hầu

Tuyên lệnh buổi sớm ban yến

Mừng thấy ngựa chạy lên phía trước

Lối tiên vòng quanh đỉnh núi tròn

Tiệc quỳnh mở ra dưới ánh trăng

Chén rượu ban khắp cả

Thìa đũa vui vô vàn

Trộm mừng có lòng nhân đem món ăn về(39)

Theo về lấy tay nắm cơm được khoan miễn cho

Cá ngon khiến các vị khách đều ăn uống no say(40)

Lúc ấy trời chưa sáng, sương trong còn chưa khô(41)

Bóng lọng che gọi chim uyên cò vạc bay về

Thuyền chiến nối liền nhau như phượng loan đang tụ tập

Trà dâng lên là loại trà tuyết điểm thơm ngon(42),

Quạt trong cung mát sánh với ngọc lang can

Ngồi nói chuyện phe phẩy cái phất trần

Gió nổi lên vẫn cầm cái ngọc hoàn ngay ngắn

Nước mát ngọt đỡ miệng khát

Nước mát thơm giải buồn phiền

Lại muốn tiếp nối lời ca ngợi vua Nghiêu như ông Ca Dao xưa

Lại thẹn rằng sẽ giống như người xưa học cách đi của người Hàm Đan(43)

Đốt đuốc sáng như cầu vồng

Lại buồn rằng đầy giường còn nhiều vần thơ khó đang làm dở

Chợt biết rằng tài Giang Yêm đã hết(44)

Liệu ai có bút lực bằng Đỗ Phủ?

Thơ luật dài tựa như bó măng(45)

Vần hiểm hóc rất nhiều

Tự xét lại thấy mình ý tứ còn kém cỏi

Làm thơ khác gì định với cờ lông treo cao tít trên đỉnh cột buồm

Chốn Vũ môn, rất hâm mộ khi thấy cá chép đang gắng vượt

Nơi Bính Huyệt(46), cá mè may được ướt vảy

Khắc Hộc(47) rốt cục không làm được

Việc giọt giũa vẫn chưa nỡ bỏ(48)

Các đại thần đang lúc tụ hội(49)

Người thân cận này suy nghĩ còn nông cạn(50)

Hàng năm tốn bao nhiêu lương bổng

Ơn mới ban rất rộng rãi

Đức nguyên của quẻ Kiền mừng rằng tưới khắp(51)

Sự nuôi dưỡng của quẻ Tỉnh khiến không còn người mù, người khát(52)

Khuyên nên gắng như người đắp núi(53)

Lo gì nghèo hèn như Nhan Hồi giỏ cơm bầu nước nơi ngõ hẻm(54)

Ngu si đành yên phận

Tài tuấn chen vai giữ yên bổn phận

Kẻ chân chất này thẹn rằng còn vụng về

Tài hèn, vẫn cố gắng leo lên

Tình thơ cao hứng

Cũng khó mài giũa được thành câu

Tính muốn sửa chữa hơi tỏ được ý

Lòng cơ xảo chẳng học được ai

Muốn trần tình nhưng sợ là vội vàng

Có lượng trên xét thấu sợ là không nói dối được

Chăm bôn tẩu để làm khanh tướng

Sống nhàn rỗi tự thẹn là làm quan ăn hại

Sao biết sức khó nhọc ấy

Chỉ để nuôi mình cho béo thôi

Chỉ mong làm rào giậu tốt

Buổi thái bình ngợi ca vững như núi đá

Tài hèn chen với người tài giỏi(55)

Hương án gần với đàn hương

Vui thú như Tư Mã gẩy khúc Lăng Vân

Mừng như Đông Phương Sóc được ban cho lụa

Nghi vệ trong triều đức tốt như phượng hoàng cả

Cõi xa lũ lang sói trốn hết

Tiến lui nơi ban chầu rất vinh dự

Lúc cụng chén vẫn thường chuộng Liễu Tôn Nguyên

Trường thơ còn kém Hàn Dũ

Cảm thương anh em lưu lạc

Chiếc bóng đơn chiếc buồn rầu

Ngọc thành rồi, biết cùng ai đẽo gọt

Thứ đá nào làm mũi tên

Dạy dỗ vỗ về chỉ có anh Trinh, anh Thẩm(56)

Bạn bè chỉ có họ Nguyễn, họ Phan(*)

Vui bạn bè tuy có thể là niềm an ủi

Kính nghiệp vẫn còn lo

May gặp bậc thánh quân sư

Hết lòng trông nom dậy dỗ

Biến hóa thần diệu như rồng bay

Dẫu chỉ biết được một phần nhỏ(57)

Được thấy vận hội văn chương hưng thịnh

San khắc vào tập văn.

Chú thích:

1. Xin xem bài Tố Am Nguyễn Toại: Huế xưa & nay số 28 (năm 1998. tr.72-77) [chuyển dẫn theo Phan Thuận An, Lê Nguyễn Lưu, chú 2].

2. Phan Thuận An, Lê Nguyễn Lưu: Bài bia Thuận An bát thập vận của vua Tự Đức. T/c Nghiên cứu và Phát triển, 7/2002.

3. Hành lạo: rãnh chứa nước. Kinh Thi phần Thiệu Nam bài Thái Tần có câu: vu dĩ thái tảo, vu bỉ hành lạo (thì để hái rong tảo, ở chỗ nước mưa chẩy cuộn nơi ngòi rãnh kia). Chu Hy chú: nước phía Nam chịu sự giáo hóa của Văn Vương, vợ của quan đại phu năng lo việc cúng tế, người nhà của nàng mới kể lại việc ấy để khen tặng.

4. Phân phái: chia nhánh chảy, tách dòng thành các chi lưu. Sách Lương thư phần Trương Suất truyện bài Vũ mã phú có câu: Tào Y Xuyên nhi phân phái, dẫn kích thủy dĩ hồi trì (đi đường sông Y Xuyên rồi chia ngả, dẫn nước xiết về trong ao). Sau còn gọi là phân phối.

5. Đề sầm: nước trong dấu chân trâu ngựa, ví với sự nhỏ mọn hèn kém. Sách Hoài Nam Tử thiên Phạm luận có câu: phù ngưu si chi sầm, bất năng sinh chiên vị (ôi vũng nước bằng chân trâu, chẳng thể nuôi được cá chiên cá vị). Quách Phác đời Tấn trong bài Du tiên thi có câu: Đông Hải do đề sầm, Côn Lôn nhược nghị đôi (Đông Hải tựa vũng chân trâu. Côn Lôn như tổ kiến).

6. Hoàng đồ: bản đồ các vua thời phong kiến. Ban Mạn Kiên đời Hán trong Đông Đô phú có câu: phi hoàng đồ, kê Đế văn (mở xem hoàng đồ, xét văn chương các Đế).

7. Khâm: kính cẩn, thường dùng làm phó từ trạng ngữ. Kinh Thư thiên Bàn Canh thượng viết: nhữ bất ưu trẫm tâm chi du khốn, nãi hàm đại bất tuyên nãi tâm, khâm niệm dĩ thầm (Thế mà các ngươi không biết lòng ta lo khốn khó, lại không bày tỏ tâm chí của mình, lấy bụng thành kính cảm động với ta). Khâm ở đây dùng làm mĩ từ, kính từ.

8. Đỉnh thịnh: đương thời kì hưng thịnh. Sách Hán thư phần Giả Nghị truyện bài Trần chính sự sớ có câu: thiên tử xuân thu đỉnh thịnh, hành nghi vị qúa, đức trạch hữu gia yên (thiên tử xuân thu đều thịnh trị, hành lễ không sai, đức trạch càng tăng thêm). Lưu Hiệp đời Lương trong Văn tâm điêu long thiên Thì tự viết: kinh điển lễ chương, khoa Chu lịch Hán. Đường Ngu chi văn, kì đỉnh thịnh hồ (kinh điển, lễ pháp đều vượt cả văn hiến các thời Đường Ngu, Chu, Hán. Thực thịnh trị lắm thay!).

9. Thần khí: ngọc tỉ, chỉ ngôi vị đế vương. Vương Bưu trong Vương mệnh luận có câu: bất tri thần khí hữu mệnh, bất khả dĩ trí lực cầu dã (chẳng biết ngôi đế vương có mệnh trời ban xuống vậy, nên chẳng thể chiếm được bằng trí tuệ và sức mọn của con người được).

10. Khánh: chúc mừng. Sách Quốc ngữ phần Chu viết: Tấn kí khắc Sở vu Yên, sử khước Chi cáo khánh vu Chu (Tấn đã đánh bại nước Sở ở đất Yên, bèn sai Khước Chí đến chúc mừng nhà Chu).

11. Kiệt Thạch: tên núi. Kinh Thư thiên Vũ cống viết: “vua Vũ đi coi núi Khiên, núi Kỳ, đến núi Kinh Sơn, khi qua sông Hoàng, vua Vũ lại đi coi núi Hồ Khẩu, núi Lôi Thủ, đến núi Thái Nhạc. Rồi thì núi Để Trụ, núi Tích Thành, đến núi Vương Ốc. Núi Thái Hàng, núi Hằng Sơn, núi Kiệt Thạch. Các dòng nước đều chảy ra bể. Vua Vũ lại đi coi núi Tây Khuynh, núi Chu Ngữ, núi Điều Thử, đến núi Thái Hoa. Rồi núi Hùng Nhĩ, núi Ngoại Phương, núi Đồng Bách đến núi Bồi Vĩ. Đoạn này nói công vua Vũ trị thủy theo mạch nước mà đẵn cây cối, để nước dễ lưu thông.

12. Thang: tức vua Thành Thang, tên là Lý, còn gọi là Thiên Ất, con cháu ông Tiết, ông là vị vua khai sáng nhà Thương. Vua Kiệt nhà Hạ vô đạo, ông đánh đổ, chiếm lấy thiên hạ, lập ra nhà Thương, đóng đô ở đất Hào nay ở huyện Thương Khâu, tỉnh Hà Nam). Truyền được 17 đời. 31 vua, đến vua Trụ thì bị nhà Chu diệt.

13. Minh: làm văn khắc ở trên đồ vật, để tỏ công đức bình sinh, để truyền lại cho đời sau, hoặc dùng để tự khuyên, tự răn dè. Vua Thang thì khắc vào chậu tắm, thời cổ thường là khắc vào chuông đỉnh, từ đời Hán về sau khắc vào bia đá. Kinh Lễ thiên Tế thống viết: phù đỉnh hữu minh, minh giả tự danh dã, tự danh dĩ xưng dương tiên tổ chi mĩ, nhi minh trứ chi hậu thế giả dã (trên đỉnh có bài minh, minh là danh (gọi tên) vậy, tự xưng danh để tán tụng ca ngợi tổ tiên đẹp đẽ, và tỏ rõ điều đó cho hậu thế vậy).

14. Ly châu: châu báu, hạt ly châu ở trong hàm con rồng. Trang Tử thiên Liệt ngự khấu viết: phù thiên kim chi châu, tất tại cửu trùng chi uyên, nhi ly long hàm hạ (viên ngọc đáng giá ngàn vàng tất phải nằm dưới hàm con rồng náu dưới vực sâu cửu trùng). Ý dùng chỉ người hoặc vật rất có giá trị. Tô Đông Pha có câu: thương nhan bạch phát tiện sinh quang, tụ hữu ly châu tam thập tứ (dáng xanh, tóc bạc liền sinh ánh sáng, trong ống tay áo có 34 viên ly châu) ông tự chú rằng: bài thơ mà thần được tặng (kể cả nhan đề bài thơ và tên của thần) tổng cộng có 34 chữ. Đây chỉ văn chương.

15. Hồng bút: tay bút tầm cỡ. Vương Sung đời Hán trong Luận Hoành viết: cổ chi đế vương kiến hồng đức giả, tu hồng bút chi thần bảo tụng kỉ tái, hồng đức nãi chương, vạn thế nãi văn (khi xưa đế vương xây dựng đức lớn, kẻ bề tôi sửa bút lớn ghi lại mà ca tụng, đức lớn mãi rạng rỡ, muôn đời còn nghe tiếng).

16. Cú Lũ: tên một ngọn núi ở phía bắc thành phố Hành Dương tỉnh Hồ Nam, một trong 72 đỉnh núi cao ở Hành Sơn, có khi dùng Cú Lũ thay cho Hành Sơn. Theo truyền thuyết cổ, vua Vũ từng nhận được kim giản ngọc thư ở đây. Bản dịch cũ dịch là “núi trấn cao như núi Cú Lũ”. Chúng tôi cho rằng đây ý nói về bài văn bia trên núi Cú Lũ (Cú Lũ bi) vì đoạn này đang ca ngợi văn chương của đế vương. Cú Lũ bi còn gọi là Vũ bi (bia của vua Vũ), người đời sau cho rằng đây là bia vua Vũ dựng để ghi lại việc trị thủy. Bia này vốn ở đỉnh Vân Mật thuộc huyện Hành Sơn, tỉnh Hồ Nam, nhưng đã mất từ lâu. Tại các bi lâm (rừng bia) ở Tây An, Côn Minh. Thành Đô, Thiệu Hưng đều có bia khắc lại. Bi văn xin xem Kim thạch túy biên. Nên dịch câu này là: “bia đá dựng lên cao tựa bia của vua Vũ trên núi Cú Lũ”.

17. Bí sí: truyền thuyết cho rằng rồng đẻ ra sáu con trong đó có con bí sí, con này hình giống loài rùa, thích mang vật nặng, thường dùng để kê bia đá. Bản dịch Đại Nam liệt truyện dịch là “vẻ lạ như con rùa bò”. Chúng tôi dịch “Con bí sí đội bia trấn giữ chỗ này trở thành cột mốc kì lạ” cho hợp với câu trên.

18. Kích: vọt lên, kích u thoan: khiến cho nước dưới vực sâu vọt lên. Bản dịch trong Đại Nam liệt truyện dịch là: “vần hay soi xuống vực sâu”.

19. Sưu: đi săn mùa xuân gọi là sưu. Tả truyện ẩn: cố xuân sưu, hạ miên, thu di, đông thú (săn mùa xuân là sưu, mùa hè là miêu, mùa thu là di, mùa đông là thú).

20. Côn Minh: ở Trung Quốc có ba nơi có tên Côn Minh, đây không rõ điển.

21. Nga, quán: hai thế bày trận ở dưới nước.

22. Xung quan: khiến dải mũ bay ngược lên. Đào Uyên Minh trong Vịnh Kinh Kha có câu hung phát chỉ nguy quan, mãnh khí xung trường anh (mái tóc như giận dữ làm dựng cả mũ, khí mạnh bốc cả dải mũ dài). Lạc Tân Vương trong bài Dịch thủy tống biệt có câu: thử địa biệt Yên Đan, tráng sĩ phát sung quan (nơi này biệt Yên Đan, tráng sĩ tóc dựng ngược cả mũ).

23. Tế Liễu: tức doanh trại Tế Liễu của tướng Chu Á Phu đời Hán, nay ở phía tây nam thành phố Hàm Dương.

24. Hoài Âm quốc sĩ: tức Hàn Tín đời nhà Hán, đặt đàn cho làm tướng, sau được phong Hoài Âm hầu.

25. Phù: cái phù bằng thẻ tre, khi tướng đi chiến đấu ở bên ngoài vua bẻ làm hai giao cho tướng một nửa để làm tin, nên gọi là phù tiết.

26. Đồng trụ: cột đồng. Hậu Hán thư phần Mã Viện truyện viết: kiểu Nam tất binh (các nước phía Nam đã bình định xong hết). Lý Hiền đời Đường khi chú giải dẫn một câu trong Quảng Châu kí: Viện đáo Giao Chỉ, lập đồng trụ, vi Hán chi cực giới dã (Viện đến đất Giao Chỉ, dựng cột đồng để làm mốc biên giới cho nhà Hán). Bài tựa An Nam chí lược của Long Nhân Phu viết: “Tôi thường xét sự tích của hai ông Phục Ba, mà thấy sự chinh phạt của Bác Đức, mở được các quận Giao Chỉ và Nhật Nam, là công to tát của ngàn xưa để lại, còn cuộc viễn chinh của Văn Uyên, chỉ hạn chế đất đai ở ngoài đồng trụ, không mở rộng thêm nữa”. Bài Tổng tự trong An Nam chí lược của Lê Trắc cũng có đoạn: “Năm Kiến Võ thứ 16 (40), đời vua Hán Quang Vũ, có người đàn bà Giao Chỉ tên là Trưng Trắc làm phản, năm thứ 19, sai Mã Viện qua đánh dẹp yên, rồi dựng trụ đồng để làm giới hạn nhà Hán”. Phần Cổ tích của sách này cũng ghi: “Đời nhà Đường, Mã Tống làm chức An Nam Đô hộ, lại dựng hai cái trụ đồng, vì Tống là con cháu của Mã Phục Ba. Xưa có truyền lại rằng: ở nơi động Cổ Sum, tại Khâm Châu có cột đồng của Mã Viện với lời thề rằng: đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt (hễ cái cột đồng này gẫy, thì Giao Chỉ bị tiêu diệt), vì thế người Giao Chỉ mỗi khi đi ngang qua đều lấy gạch đá ném vào chân cột đồng nên chẳng bao lâu sau đã hóa thành gò. Đỗ Phủ có câu thơ rằng: vũ lai đồng trụ bắc, ý tẩy Phục Ba quân (mưa phía bắc động trụ, muốn rửa quân Phục Ba), ở biên giới Chiêm Thành cũng có một cột đồng. Mạnh Hạo Nhiên có câu thơ: đồng trụ Nhật Nam đoan, nghĩa là cột đồng đứng đầu đất Nhật Nam”. An Nam chí lược cũng ghi: “Hà Lý Quang người Quế Châu, năm Thiên Bửu thứ 10 (751) làm An Nam đô hộ, đem quân đánh Vân Nam, thâu phục thành An Ninh, dựng lại trụ đồng của Mã Viện để định cương giới”.

27. Hàm Cốc: cửa ải biên giới nước Tần thời Xuân thu - Chiến quốc.

28. Xa thư: Xem chú trên.

29. Vĩ chướng lan: không rõ điển. Tạm theo cách dịch của Đại Nam liệt truyện.

30. Trung phu: Tên quẻ. Quẻ số 61 trong Kinh Dịch là quẻ Trung phu, trên là Tốn (gió), dưới là Đoái (chằm). Quẻ này có thoán từ là: đồn ngư cát, lợi thiệp đại xuyên, lợi trinh (trong lòng có đức tin cảm được lợn và cá, tốt như vậy thì lội qua sông lớn được, giữ đạo chính thì lợi). Đại tương truyện giảng: gió ở trên chằm ở dưới, là gió làm động được nước như lòng thành thực cảm động được người. Nên lấy lòng trung thành mà ứng xử việc thiên hạ, như xử tội thì xét đi xét lại, tìm cách cứu tội nhân, tha cho tội chết. Giảng: quẻ này ở giữa có hai hào âm, như trong lòng trống rỗng (hư tâm) không có tư dục, tư ý; còn 4 hào dương nét liền, đặc, thực (trái với hư), mà hào hai và hào năm lại đắc trung (ở giữa nội quái nội quái), vậy là có đức trung thực. Do đó đặt tên quẻ là Trung phu. Theo nghĩa thì trên là Tốn: thuận với người dưới; dưới là Đoái: phục tòng người trên, như vậy là cảm hóa được dân. Lòng chí thành cảm được những vật ngu không biết gì như lợn và cá. Lấy lòng chí thành, hư tâm ấy mà ứng phó nguy hiểm thì vượt được hết, như qua sông lớn mà ngồi chiếc thuyền trống không (hư chu), không chở gì cả, thật an toàn. Phải giữ chính đạo mới tốt.

31. Cách: nghiên cứu kĩ càng, nghĩa giống như trong cụm cách vật trí tri.

32. Loát kĩ: không rõ điển nghĩa, dịch theo bản Đại Nam liệt truyện.

33. Truân vân: tầng mây tích tụ. Sách Liệt Tử thiên Chu Mục Vương viết: xuất vân vũ chi thượng nhi bất trí hạ chi cự, vọng chi nhược truân vân yên (bay vọt lên khỏi tầng mây, không biết nền móng của nhà huyễn thuật đó xây bằng gì, nhìn xa chỉ thấy toàn mây tụ ở đó).

34. Cốc: tụ họp

35. Hoàn: trắng mịn như sợi tơ nhỏ. Bản dịch Đại Nam liệt truyện dịch là đích bản bày ra như sương mù.

36. Nhật tam can: mặt trời mọc bằng ba con sào (vốn từ câu nhật thướng tam can).

37. Tiêu nhã: tức phần Tiểu nhã trong Kinh thi.

38. Đình vi: chỗ ở của người thân. Thúc Quảng Vi đời Tấn trong Bổ vong thi viết: quyến luyến đình vi, tâm bất hoàng an (quyến luyến người thân, tâm chẳng nguôi ngoai).

39. Quy di: chữ quy ở đây thông với chữ qũy , chữ di thông với chữ di . Tuân tử thiên Vương chế viết: thông lưu tài vật túc mễ, vô hữu trệ lưu, sử tương quy di dã (thông thương buôn bán hàng hóa, thóc gạo, chớ có để cái gì bị tồn đọng, phải làm cho hàng hóa lưu thông, phồn thịnh. Đây ý nói phong phú.

40. Gia ngư: cá ngon. Kinh Thi phần Tiểu nhã bài Nam hữu gia ngư, nam hữu gia ngư, chưng nhiên trảo trảo, quân tử hữu tửu, gia tân thức yến dĩ lạc (phương nam có loại cá ngon, lấy nơm mà bắt, chủ nhân quân tử có rượu, thì khách quý hãy ăn uống cho vui).

41. Trạm lộ: tên bài thơ trong Kinh Thi phần Tiểu nhã, viết về việc các vua chư hầu được thiên tử thiết yến. Trong bài có câu: trạm trạm lộ tư, phỉ dương bất hy yêm yêm dạ ẩm, bất quy (sương lộ đầm đìa, nếu không có mặt trời thì không khô được, yến ẩm trong đêm vui với nhau, nếu không say mèm thì không được về). Hai cầu này mượn thi liệu để tả cảnh yến tiệc. Bản Đại Nam liệt truyện dịch là: “như thơ Gia ngư ăn uống no đủ, như thơ Trạm lộ đêm về chưa khô ráo”.

42. Tuyết điểm: so với chữ lang can ở câu dưới, đây là một danh từ riêng, chúng tôi cho là tên một loại trà ngon. Bản Đại Nam liệt truyện dịch là: “chè ngon hương tỏa thơm trong”.

43. Hàm Đan: ngày xưa có người bắt chước học theo cách đi của người Hàm Đan, không những không học được mà lại làm hỏng cả cách đi vốn có của mình.

44. Giang Yêm (444-505): người Khảo Thành tỉnh Tề Dương nước Lương đời Nam Triều. Tự là Văn Thông, xuất thân hàn sĩ, trải làm quan ba đời Tống, Tề, Lương thời Nam Triều Đời Lương làm quan đến chức Kim tử quang lộc đại phu, được phong làm Lễ lăng hầu. Nổi tiếng văn chương ở đời, về già tài năng kém đi nhiều, thơ văn chẳng có câu nào hay người đương thời gọi là Giang lang tài tận (chàng Giang hết tài).

45. Thúc duẩn: Hàn Dũ trong bài Tặng Thôi Lập Chi binh sự có câu: thâm tàng khiếp tư thi nhất phát, tập tập dĩ đa như thúc duẩn (cất kĩ trong hòm khi mang ra, bản thảo chất ngất như những bó măng).

46. Bính Huyệt: địa danh, nay ở phía đông nam huyện Lược Dương, tỉnh Thiểm Tây. Nơi đây nổi tiếng có cá ngon.

47. Khắc Hộc: không rõ điển.

48. Điêu trùng: chỉ việc gọt giũa câu văn lời thơ. Dương Hùng đời Hán trong Pháp ngôn phần Ngô tử: hoặc vấn ngô tử thiểu nhi hiếu phú, viết nhiên, đồng tử điêu trùng triện khắc (có người hỏi ta rằng: ngươi còn nhỏ mà đã thích làm phú rồi ? Ta trả lời rằng: đúng vậy, là do trẻ con khéo gọt giũa câu văn).

49. Cổ quăng: bắp tay bắp chân, thường ví với các đại thần phụ tá, giúp giập cho vua. Kinh Thư thiên Ích Tắc có câu: đế viết: thần tác trẫm cổ quăng nhĩ mục (Đế nói: bề tôi là tay chân tai mắt của vua).

50. Thị phủ: người thân cận của vua.

51. Kiều nguyên: đức nguyên của quẻ Kiền. Kinh Dịch quẻ Kiền có lời thoán rằng: kiền nguyên hanh lợi trinh (kiền có bốn đức: đầu tiên và lớn, hanh thông, thích dáng, chính bền). Kiền tượng trưng cho vua, người quân tử tương ứng với bốn đức: nhân, nghĩa, lễ, trí. Trong đó đức nhân là đức lớn nhất, gốc của lòng người, tức như đức nguyên của trời.

52. Tỉnh dưỡng: Kinh Dịch quẻ Tỉnh có câu tỉnh dưỡng nhi bất cùng dã (giếng nuôi dưỡng con người mà nguồn của nó chẳng bao giờ cạn kiệt). Thường ví với việc chịu ơn huệ của người khác. Đại tượng truyện khuyên người quân tử nên coi trọng cái giếng mà nuôi dân và chỉ cho dân cách giúp đỡ nhau.

53. Tố lý: hành vi thuần phác. Kinh Dịch quẻ hào sơ cửu rằng: tố lý, vãng, võ cữu (giữ bản chất trong trắng mà ra với đời thì không có lỗi). Giảng: hào một này như người mới ra đời, còn giữ được bản chất trong trắng chưa nhiễm thói đời, vì là hào dương, quân tử, có chí nguyện, cứ giữ chí nguyên mình thì không có lỗi.

54. Nhan Hồi: học trò của Khổng Tử, còn gọi là Nhan Uyên.

55. Hủ tài: tài hèn. Tử tân: tay tài giỏi.

56. Vi bàn: câu này không rõ điển nghĩa. Tạm theo cách dịch Đại Nam liệt truyện.

*. Nguyên chú: Thần thường đến nhờ văn thần sửa chữa cho.

57. Khuy báo: tức khuy báo nhất ban 窺 豹 一 班ví với việc chỉ thấy được một phần nhỏ.

Thông báo Hán Nôm học 2006 (tr.150-171)

In
Lượt truy cập: