Nghiên cứu Hán Nôm >> Năm 2006
Phan Văn Các
8. Bài văn sách đình đối của Thám hoa Mai Anh Tuấn (TBHNH 2006)

Cập nhật lúc 23h20, ngày 19/02/2009

BÀI VĂN SÁCH ĐÌNH ĐỐI CỦA THÁM HOA MAI ANH TUẤN

PHAN VĂN CÁC

Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Mai Anh Tuấn còn gọi là Mai Thế Tuấn, tên tự là Lương Phu, người làng Thạch Giản, tổng Thạch Giản, huyện Nga Sơn, phủ Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa, nay là làng Thạch Giản, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Ông sinh năm Ất Hợi (1815), mất năm Ất Mão (1855).

Năm Đinh Dậu (1837), trong kỳ thi Hương, ông được gia ân chọn đậu dự khuyết, đến năm Quý Mão (1843), ông thi đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ tam danh (Thám hoa), và là vị Nhất giáp Tiến sĩ đầu tiên của triều Nguyễn. Sau khi đỗ, ông được nhà vua đặc biệt ban cho tên là Mai Anh Tuấn và được sơ thụ Hàn lâm viện trước tác, sung Nội các Hành tẩu. Sau được thăng hàm Thị độc, rồi Thị độc Học sĩ, sung biện Nội các sự vụ. Đầu thời Tự Đức, vì có việc ông can gián làm trái ý vua, bị vua trách cứ đưa xuống đình nghị, kết quả chỉ bị phạt nhẹ, đưa ra làm Án sát Lạng Sơn.

Năm Ất Mão niên hiệu Tự Đức thứ 8 (1855), ông cùng Chưởng vệ Nguyễn Đặc tấn công bọn phỉ Lộc Binh, đuổi giặc đến Yên Bái, khi tấn công giặc vào sâu trong núi, thất cơ nên bị giặc hại. Vua rất xót thương, truy tặng cho ông hàm Hàn lâm viện Trực học sĩ.

Theo thống kê từ các tài liệu đăng khoa lục chính thức thì qua 183 khoa thi Tiến sĩ và tương đương từ khoa đầu tiên năm Ất Mão niên hiệu Thái Ninh thứ 4 (1075) đến khoa cuối cùng năm Kỉ Mùi niên hiệu Khải Định thứ 4 (1919), nền giáo dục khoa cử Việt Nam đã đào tạo được 2898 Tiến sĩ. Trong số đó có 75 người có học vị Thám hoa ngang với Mai Anh Tuấn. Có 47 Trạng nguyên và 48 Bảng nhãn là những học vị cao hơn. Xét thuần túy về mặt học vị, thì Mai Anh Tuấn đứng trong đội ngũ 75 người cùng xếp thứ 96 trong ngót ba ngàn nhà khoa bảng, vốn được coi là tinh hoa của giới trí thức Nho học Việt Nam.

Các nhà khoa bảng thường cũng là tác gia để lại cho đời các trước tác văn học và khoa học của mình. Rất tiếc là cho đến nay chưa phát hiện được trước tác nào của Mai Anh Tuấn. Những gì còn giữ lại được chỉ là bản sao các bài văn thi Hương và thi Đình của ông.

Lệ thi văn sách có từ đời Trần, vào năm Quang Thái thứ 9 (1936) triều vua Thuận Tông có ban chiếu định cách thức thi cử nhân. Cứ năm trước thi Hương thì năm sau thi Hội, ai đỗ Hội thì nhà vua ra một đề văn sách để định thứ tự. Buổi đầu đời Trần, thi Thái học sinh chia ra Thượng trại Hạ trại và thi Đình chia ra kinh và trại, lấy đỗ có tam khôi, nhưng văn thể không nhất định. Đến đây theo phép thi của nhà Nguyễn, dùng văn thể bốn trường, bỏ bài ám tả cổ văn. Trường nhất thi một bài kinh nghĩa, có những đoạn phá, tiếp ngữ, tiểu giảng, nguyên đề, đại giảng, kết thúc, bài làm hạn 500 chữ trở lên; trường nhì thi một bài thơ dùng Đường luật, một bài phú dùng cổ thể, hoặc thể ly tao, hoặc thể văn tuyển, cũng hạn 500 chữ trở lên; trường ba thi một bài chiếu dùng thể đời Hán, chế biểu mỗi thứ một bài, dùng thể tứ lục đời Đường; trường tư thi văn sách một bài, ra đề về kinh sử, thời vụ, 1000 chữ trở lên.

Văn sách thực chất là một bài văn nghị luận trình bày kiến giải riêng của thí sinh về vấn đề được nêu ra hỏi trong đầu bài. Sách ở đây nghĩa là kế sách, mưu hoạch; phần câu hỏi của đề bài được gọi là sách vấn; phần trả lời của sĩ tử được gọi là đối sách; Cũng như kinh nghĩa, văn sách có thể được viết bằng văn xuôi hay biền ngẫu, nhưng phải tuân theo những công thức nhất định. Mở đầu phải có ba chữ Đối sĩ văn (xin thưa kẻ sĩ này nghe) nếu là ở khoa thi Hương; Đối sinh văn (xin thưa kẻ nho sinh này nghe) nếu là ở khoa thi Hội; Thần đối thần văn (thần xin thưa thần nghe) nếu là ở khoa thi Đình. Thân bài phải bắt đầu bằng câu Tư thừa sách vấn nhi nhược trần chi (nay vâng lời sách hỏi mà bày tỏ qua như sau). Mở đầu một câu trả lời lại có mấy chữ Thiết vị (trộm nghĩ rằng) tỏ ý khiêm tốn. Kết thúc bao giờ cũng có một câu: Sĩ giả hạnh phùng thịnh thế, tòng sự văn trường, quản kiến như tư, vị tri khả phủ, nguyện chấp sự kì trạch nhi tiên chi, sĩ cẩn đối (Kẻ sĩ này may gặp đời thịnh, theo việc văn trường, kiến giải hẹp hòi như vậy, chưa biết có được hay không, xin quan trường chọn lựa mà cân nhắc cho. Kẻ sĩ này kính cẩn thưa). Nếu đề do vua ra (ngự đề, chế sách) thì bài làm phải kết thúc bằng câu Thần cẩn đối, [cẩn luận] (kẻ hạ thần kính cẩn thưa, hoặc kính cẩn bàn).

Nội dung bài văn sách thường gồm hai phần: phần đầu lấy kinh điển để trả lời câu hỏi, và phần sau nêu kiến giải của mình về vấn đề mà đề bài nêu ra, đồng thời phải vận dụng tình hình thực tế.

Kế thừa chế độ thời Trần, ở các khoa thi Hương và thi Hội thời Lê, văn sách vẫn được xếp ở trường thứ tư; đến thi Đình thì chỉ thi một bài văn sách, gọi là văn sách đình đối.

Văn sách trong thi Hương và thi Hội giống nhau về bố cục, chỉ khác nhau về độ dài quy định của bài thi và độ khó của câu hỏi. Thời Lê sơ, văn sách thi Hương dài nhất là 1.000 chữ, văn sách thi Hội khoảng 2.000 chữ. Văn sách thi Hương và thi Hội đều được chú ý cả ở nội dung lẫn nghệ thuật, thường thì nghệ thuật được chú ý hơn, nên nói chung văn sách mang nặng tính từ chương. Văn sách trong kì thi Đình chỉ dùng để xếp hạng Tiến sĩ, nên phần nội dung được coi trọng hơn hẳn, vì đây là lúc và là chỗ để các cống sĩ hiến kế sách với vua và triều đình. Văn sách thi Đình là loại bài nghị luận ít bị gò bó về các quy cách đối ngẫu và tu từ, ít nhiều được tương đối tự do về tư tưởng.

Nói như vậy là để thấy rõ sự hạn chế của việc nghiên cứu tư tưởng, nhất là tư tưởng chính trị của một nhà khoa bảng chỉ qua một bài văn sách của ông ta.

Tuy nhiên, “văn tức là người”, ta vẫn có thể thấy được một vài khía cạnh nào đó của Mai Anh Tuấn qua bài văn sách của ông, nhất là trong điều kiện không có trước tác nào khác của ông như hiện trạng tư liệu về ông được biết.

Phiên âm:

Thần đối văn: Lý quốc chi yếu, tại văn dữ võ. Hà vị văn ? Tu sức trị đạo chi vị dã! Hà vị võ ? Kham định quyết công chi vị dã! Kì dụng tuy thù, kì đạo tắc nhất. Thị dĩ nhân quân vi trị, tất kiêm cử nhi tịnh hành, nãi khả sử uy đức chi chiêu trứ. Khải khả dĩ thiên phóng tai! Tự cổ đế vương lập trị, mạc bất kiêm hồ nhị giả chi thi. Bàng kê tải tịch sở xưng, giai sở dĩ minh hồ nhị giả chi dụng. Giáng cập hậu thế, hoặc thiên ư văn, hoặc thiên ư võ, sở dĩ trị suất bất phục cổ, lương hữu dĩ dã. Cầu kì chước vi trị chi nghi, kiến cửu trường chi kế, dĩ vãn cổ giả chi trị, lậu cận đại nhi bất vi, cái hữu đãi hi triều giả hĩ.

Khâm duy: Hoàng đế bệ hạ, thiên thông thời hiến, thánh học nhật tân, tinh nhất chấp trung, khế nhị điển tam mô chi áo chỉ; đãng bình kiến phạm, tập bách vương thiên cổ chi đại thành, lương dĩ trị đắc kì đạo, sự để vu thành giả hĩ. Nãi thánh tâm xung ấp, phong phỉ mị di, thể chí thiện chi vô cùng, duy nhĩ ngôn chi tất sát, ư vạn cơ chi hạ, tiến thần đẳng ư đình, nhi sách dĩ văn võ chi đạo dữ cổ sở hành chi tích, đương kim trí trị chi phương, Dĩ thần thiển lậu, hạt túc dĩ thượng quỳ uyên trung, cảm bất phủ lịch sở văn, dĩ hiệu sô nghiêu chi nhất thoại hồ!

Thần phục độc chế sách viết: Văn võ chi đạo, đại tai ! Vương ngôn: Thành thâm tri vi trị chi yếu đạo giả hĩ. Thần thiết duy văn võ chi đạo, khải khả bội tai! Cái văn dĩ sức trị, võ dĩ uy địch, khuyết nhất bất khả, tất kiêm lưỡng đồ nhi tịnh dụng, sử dân tri ái tri uý, tắc uy đức kí thành chi dư tự khả hạ dân chi thân phục. Nhược kỳ hữu thiên, hề kì khả tai ! Tự cổ đế vương, vị hữu bất kiêm tư nhị giả dĩ vị trị dã hĩ. Kê chư tải tịch, Ngu thư viết nãi văn nãi võ, kiến ư Bá Ích chi sở tán mĩ Nghiêu giả nhiên dã, phù dĩ đế đức chi quảng trứ nhi vi khả uý chi uy, khả tượng chi nghi. Nghiêu chi đức kì vô năng danh hĩ, nhi ngưỡng kì công chi quang bị giả, đái chi như nhật nguyệt, thân chi như phụ mẫu, mạc bất phu vọng vân tựu nhật chi tình. Đương thử chi thời, lê dân tổng Nghiêu nhi xưng thánh nhân giả, kì đức diệc khải hữu sở thiên tai ! Viết văn minh, viết văn mệnh, viết thánh võ, viết ngã võ, giai cử kì đức chi tối trứ nhi xưng chi nhĩ. Nhi văn đức tố phu nhi Hữu Miêu diệc hữu tồ chinh chi lữ, văn mệnh tứ hất nhi Vũ Cống tất tường phấn võ chi quy. Thuấn Vũ phi bất túc ư võ dã. Thánh võ bố chiêu nhi cách Hạ tất tiên đại ngược chi nhân. Ngã võ duy dương, nhi võ thành tất hữu tu văn chi điển. Thang Võ phi bất túc ư văn dã. Phù duy đức chi vô thiên, dữ Nghiêu nhi bất dị, tức dĩ thị nhi quảng đế công chiêu vương hoá, toại khả dĩ thường kiến phù chất trị chi long. Cứu kì tích giả Đế Thuấn dĩ Hữu Miêu phất suất nhi duyệt nguyệt chi sư dĩ mệnh Bá Vũ. Hạ Khải dĩ Hữu Hỗ chi bất thần nhi vu Cam chi chiến tất triệu lục khanh Thị khải xuất ư khinh cử tai ? Phù dĩ duyệt nguyệt vị chinh chi thủy, Thuấn chi đức dĩ tố phu hĩ, nhi Miêu chi chướng tế thâm, tức mệnh Vũ tồ chinh, bất đắc bất dĩ thử nhi khai kì tế. Vu Cam vị chiến chi tiên, Khải chi đức dĩ tố trứ hĩ, nhi Hồ chi thị cường vị phục, tức thệ sư trí thảo, bất đắc bất dĩ thử nhi trí kì uy. Thị tắc Miêu bất khả dĩ bất chinh, Hỗ bất khả dĩ bất phạt, bất đắc dĩ nhi kiến ư binh cách chi gian. Nhị thánh nhân tự hữu định toán hĩ, quyết hậu vũ can nhi Miêu khả dĩ thất tuần lai, tu đức nhi Hồ khả dĩ bất chiến phục, giai thích đáng kì thời nhĩ, bất khả dĩ thử nhi toại nghi đương sơ chi khinh cử dã. Tự Hán quan chi, khai học hiệu dĩ xiển hồng du, Văn Đế nhất dĩ văn nhi vi trị dã. Tuy quảng võ đồn binh, Thượng Lâm tập xạ, võ diệc vị thường vô, nhiên thần võ nhi nhất quy ư nhân hậu, kiến trầm tiềm chi chuyên ư văn, khôi cương vũ nhi kháng võ công. Võ Đế nhất dĩ võ nhi vi trị dã. Tuy hiệu lệnh khả quan, văn chương khả thuật, văn diệc năng dĩ địch, nhiên hiệu lệnh nhi tất thuộc hồ bạo uy, kiến hùng lược chuyên ư võ, kì chuyên dĩ văn võ xưng nghi hĩ. Đường chi văn đức võ công tồn hồ nhạc vũ, tại Trinh Quán tắc thiện hĩ. Nhiên dĩ văn thủ nhi võ bất nghiêm ư di địch chi phòng, năng bảo kì vô di địch chi hoạn hồ? Tống chi văn xiển võ túc, kiến ư quốc sơ, giai Thái Tổ hữu dĩ khải chi. Nhiên văn khai đoan nhi võ bất tịnh kiến ư trảo nha chi dụng, kì hà dĩ chấn uỷ mị chi thế hồ? Nghiệm Đường Tống chi sở dĩ trí tệ, kiến lí quốc chi quan hồ văn võ hĩ.

Hựu tự Hán Chu chi thời quan chi, Lũng Thục vị bình chi nhật, chính đương dĩ võ nhi kham định hĩ, nhiên học hiệu vi giáo hóa chi nguyên tắc tuy diện mã bình khấu chi thu, diệc bất đắc bất dĩ kiến học vi hạ xa chi thủy. Thành Khang chất trị chi thời, chính đương dĩ văn nhi phấn sức hĩ, nhiên Ân ngoan hữu khuy du chi chúng, tắc tuy phượng minh tại giao chi hội, diệc bất đắc bất dĩ khiết binh vi bảo trị chi đồ. Quang Võ chi sở hành, Chu Công chi sở huấn, khải phi đắc dĩ văn dĩ võ chi nghi hồ ?

Đại tai, Khổng Tử kì tướng Lỗ dã, binh Lai Di nhi Tề hầu cụ, khước Phí nhân nhi Phí toại bắc. Quan thử nhị sự khả kiến thánh nhân phi chuyên ư văn hĩ. Linh Công vấn trận nhi bất đối, tắc khủng kì khai chiến phạt chi tâm dã. Tử Lộ vấn cường nhi ức chi, tắc dục kì vi nghĩa lí chi dũng dã. Thánh nhân ư thử khải vô ý hồ? Thả phù tứ thời chi giáo, tiên vương sở dĩ giáo thế tử dã. Dĩ Tụng, dĩ Đàn, dĩ Lễ, dĩ Thư, kì nghĩa tắc hữu thủ ư phát tán thu liễm. Tứ thời chi điền, tiên vương sở dĩ giảng quân chính dã. Dĩ Sưu, dĩ Miêu, dĩ Tiễn, dĩ Thú, kì nghĩa tắc hữu thủ hồ tứ thời chi sinh trưởng toại thành Tham chi tiên nho kinh huấn chi ngôn, kì nghĩa hữu khả thủ hĩ.

Ức hựu văn chi vi thất giả tất lưỡng kì doanh nhi hậu lập; vi xa giả tất lưỡng kì luân nhi hậu hành, tín hữu như Lục Giả chi sở vân giả hĩ.

Chế sách hựu dĩ ngã quốc gia trừ duy dĩ tâm pháp vi tâm, trị pháp vi trị, nhi nhân cập phù trị nội trị ngoại chi đạo. Thần ư thử hữu dĩ ngưỡng kiến ngã hoàng thượng cầu trị chi tâm, đồ trị chi ý, vô bất trí kì chu, cô dĩ thị nhi thí thần đẳng nhĩ. Hồng duy ngã quốc gia Nam phục triệu cơ, điện sơn hà vu thiên cổ. Hoàng thiên đốc quyến, thân cảnh phúc ư Bàng Hồng, phụng tự Thái tổ Gia dụ Hoàng đế dĩ lai, thần truyền thánh kế, nhị bách dư niên, văn mô võ liệt chi chiêu chương, côn hoàng vu sử sách, thành hữu vĩnh thuỳ ư lai hử tại hĩ. Ngã Thế tổ Cao hoàng đế dĩ võ công định loạn nhi bách vi chấn chỉnh, tất tường tu sức chi quy. Tứ vu thời hạ chi văn, vưu hữu dĩ phổ quần phương, nhi thiếp hiệp. Ngã Thánh tổ Nhân hoàng đế, dĩ văn giáo trí bình nhi tứ phạt duy dương, tất truyền kinh luân chi hiệu, phấn vu tứ chinh chi võ, vưu hữu dĩ nhiếp khuy vực nhi lâu hàng. Duy thời vũ nội thanh ninh, tái vãn trinh nguyên chi vận, thù phương nhiếp phục, tăng quang vương hội chi đồ.

Khâm duy Hoàng đế bệ hạ thao điển lễ mệnh thảo chi quyền nhi phi li cảnh mệnh, thừa kiến đốc cơ cần chi nghiệp nhi kì trứ tiền du. Phụng kiến lâm ngự chi sơ, dụ thần chi dĩ vô cải cựu chương, sắc hữu ti dĩ lịch tra điển lệ. Trừ duy dĩ dưỡng dân đương tại hồ thời, tắc nghịch bô hoãn khiếm Ngưỡng hoàng ân chi hậu, thiên hạ hàm viết: Thông minh chi đức sở quảng vận dã, Thư Duyệt mệnh viết: Duy dân tòng nghĩa, ư kim tưởng dĩ trưng kì hiệu hĩ. Dĩ dịch tục, đương tiên mĩ hoá tắc biểu hiếu - ngưỡng thánh hóa chi long. Thiên hạ hàm viết: đãng bình chi phạm sở mậu kiến dã. Thi Đại nhã viết: Dụ dân khổng dị, ư kim tưởng dĩ kiến kì mĩ tục hĩ. Ngưỡng kì hoá giả quần, nhiên diên phi ngư dược chi cơ, tắc tạo tựu tác thành, tưởng dĩ hữu dự hao chi tụng. Khoa mục chi tân hưng, châu huyện chi tích cử, cầu hiền chi lộ quảng hĩ. Dự kì tuyển giả hấp nhiên hữu vựng bạt mao chinh chi khánh, tắc thạc đại hoằng bác chi sĩ, tưởng diệc vô tại dã chi di. Kì thận ư tuyển tướng dã, nhân dụng cựu nhân, nhi tinh biểu chiến công, tưởng bạt xuất sắc, tất dĩ thử nhi khích kì tâm. Ngưỡng triều đình khích lệ chi hữu phương, tức bỉnh mao trượng tiết chi thần, thuỳ bất phấn nhi vi tráng du chi tướng. Điển quân lữ giả, tưởng diệc đắc kì nhân hĩ. Kì tường ư trị binh dã, nhất tuân định ngạch, nhi huấn luyện hữu tố, giản duyệt dĩ thời, tất dĩ thử nhi thân kì lệ chế. Ngưỡng triều đình chế binh chi hữu pháp tức ý thiết chấp kim chi sĩ, thuỳ bất cổ nhi vi vô địch chi binh, lệ quân ngũ giả, tưởng diệc giai hữu chế hĩ.

Chí như tây thùy ngụy dũng, nhất thâu sinh chi khấu nhĩ. Phụng Hoàng thượng nhất uỷ biên trù ư nhung tướng nhi Hà âm chư đạo thủ tứ tấu công, dĩ lũ kiến hồng kì chi báo, tam tiễn nhi khả định Thiên San chi hiểm, tắc tiễu bình phương lược tưởng dĩ đắc kì hoàn toán hĩ. Xuẩn nhi Lạp man thượng vị quy ư bản tịch, diệc chung vi tỉnh trung chi hổ. Kim đãn đương cố ngã cương ngự dĩ sĩ bỉ chi bì khốn, tắc bất phiền binh nhi phục hĩ, tự bất lao Hán lữ chi trùng lâm Sơn Tây bô cừ nhất Hoàn phù chi đạo nhĩ. Phụng Hoàng thượng nhất long khổn kí ư năng thần, nhi phỉ thạch chi đồ bán tuỳ thụ thú dĩ mẫn kiến tuần nguyệt chi gian, đan xa nhi khả tiêu Bột Hải chi binh, tắc tiễu bổ cơ nghi, tưởng phi nan tàng sự hĩ. Nhất nhị dật phạm do bôn thoán ư cùng lâm, diệc chung quy phủ để chi ngư. Kim đãn đương sức lệnh thú đinh, sử chi tự tương cầm trảm, tắc nhân tranh tự phấn hiến công hĩ, tự khả biến Hoàng trì chi vĩnh thiếp. Kim dục kì đạo lượng dĩ tại thánh tâm chi động cứu nhi khải quản khuy khuy chi sở cảm tục trần tai ! ức văn.

Thần vưu phục nguyện: Bệ hạ vận bất dĩ chi thành, an ích cầu an, trị ích cầu trị, trường tê thế đạo vu xương hi, vĩnh nhạ thiên hưu vu cửu viễn. Ngã quốc gia ức vạn niên vô cương chi nghiệp cơ ư thử hĩ.

Thần cẩn đối !

Dịch nghĩa:

Thần xin thưa, thần nghe:

Điều cốt yếu của việc trị nước là văn và võ: Văn là gì? là nói về tu đức trị đạo vậy. Võ là gì ? là nói về công đánh dẹp vậy. Tác dụng tuy khác nhau nhưng đạo thì là một. Vì thế đấng làm vua trị nước ắt phải dùng cả hai mới có thể khiến cho uy đức được tỏ rõ, há có thể bỏ một bên hay sao? Từ xưa đế vương dựng nền trị, không ai không dùng cả hai điều đó. Xét rộng những ghi chép trong sử sách đều là để làm sáng tỏ tác dụng của hai điều đó. Xuống đến đời sau, hoặc thiên về văn, hoặc thiên về võ, vì thế trị không phục cổ, vốn có nguyên do vậy. Cầu những nguyên tắc lớn của việc trị, dựng kế yên trị lâu dài để vãn hồi thịnh trị của đời xưa, coi thường đời sau không theo, thực đợi ở thánh triều ta vậy.

Kính nghĩ: Hoàng đế Bệ hạ, thông minh theo phép trời(1), thánh học ngày một mới. Tinh nhất chấp trung(2), hợp với lý huyền vi của hai Điển ba Mô(3) Đãng bình dựng chuẩn(4), tập đại thành của bách vương thiên cổ. Trị đã hợp đạo, việc đã thành công. Nhưng thánh tâm khiêm nhường không bỏ rau phỉ rau phong(5), thể chí thiện vô cùng. Lời nói tầm thường cũng xét(6). Nhân lúc nhàn rỗi trong muôn việc bận rộn(7) cho chúng thần vào chốn điện đình, ban sách vấn hỏi về đạo văn võ cùng với những việc thời cổ đã làm cùng cách thức đạt đến trị đời nay. Xét thần nông cạn, đâu đủ để dò xét thánh tâm, dám chẳng kính cẩn dốc hết kiến văn để gắng một lời của kẻ hái cỏ kiếm củi(8).

Thần cúi đọc Chế sách nói rằng: Văn võ song hành, đức uy mới thành. Nên được đức uy thì dân sẽ thán và phục... Lớn thay lời nói của nhà vua ! Thật là hiểu sâu đạo trọng yếu của việc trị nước vậy.

Thần trộm nghĩ: Đạo văn võ há có thể trái hay sao? Bởi văn để phấn sức trị binh, võ để ra uy với địch, thiếu một là không thể được. Dùng cả hai đường ấy, khiến dân biết yêu, biết sợ thì sau khi uy đức đã nên, tự dân sẽ thân và phục. Nếu như thiên lệch thì sao có thể được? Từ xưa đế vương không ai không kiêm cả hai điều đó để trị thiên hạ. Xét trong điển tịch, Ngu thư có câu rằng: “có văn có võ” là lời Bá Ích ca tụng Đế Nghiêu(9). Với đức rộng lớn của Đế Nghiêu(10), thể hiện mà nên uy nghiêm đáng sợ, khuôn phép đáng theo. Đức của Nghiêu không thể xưng tụng hết được(11), mà kính thấy công nghiệp rực rỡ bao trùm(12), đội ơn như nhật nguyệt, thân yêu như cha mẹ, không ai không có tình “trông xa như mây, trông gần như mặt trời”(13). Thời bấy giờ lê dân đều ca ngợi. Đế Nghiêu là thánh nhân, đức há có thiên lệch hay sao? Rằng Văn minh, rằng Văn mệnh, rằng Thánh vũ, rằng Ngã vũ đều là khen ngợi đức tỏ rạng nhất mà thôi. Nhưng văn đức vốn đã rộng ban mà với Hữu Miêu vẫn có quân chinh phạt(14). Văn mệnh đã lan ra bốn biển mà thiên Vũ cống phải rõ quy mô việc võ(15), Thuấn Vũ không phải là không đủ vũ đức vậy. Thánh vũ tỏ rộng mà thay nhà Hạ trước tiên phải có lòng nhân thay bạo ngược(16). Võ công của ta hiển hách mà thiên Võ thành phải có điển chế sửa sang văn trị(17), Thang Vũ không phải là không đủ văn đức vậy. Đức không có thiên lệch, không khác gì Đế Nghiêu. Lấy đấy để mở rộng võ công, tỏ rạng vương hóa nên có thể luôn thấy nền cực trị.

Xưa kia Đế Thuấn vì Hữu Miêu không thần phục nên mệnh cho Bá Vũ đem quân đi đánh dẹp một tháng(18). Hạ Khải vì Hữu Hỗ không thần phục mà phải triệu sáu khanh chiến tranh ở đất Cam(19). Việc ấy há phải là hành động khinh suất hay sao? Trước khi chinh phạt một tháng, đức Đế Thuấn vốn đã tín thành, nhưng Hữu Miêu bị ngu tối lấp quá sâu. Nên sai Bá Vũ đánh dẹp, không thể không dùng việc đó để dỡ bỏ sự che lấp. Trước khi chiến tranh ở đất Cam, đức của Khải vốn đã sáng tỏ, nhưng Hữu Hỗ cậy mạnh không phục nên phải thệ sư thảo phạt, không thể không lấy việc ấy mà tỏ uy. Thế thì Miêu không thể không chinh phạt, Hỗ không thể không đánh dẹp, bất đắc dĩ mà phải dùng vũ khí, hai bậc thánh nhân vốn đã có sẵn kế sách vậy. Sau này múa can mà Miêu bảy tuần sau đến chầu, sửa đức mà Hỗ có thể không đánh mà tự phục, đều là thích hợp với thời mà thôi, không thể vì thế mà nghi ngờ trước đây làm việc khinh suất.

Xem nhà Hán, mở trường học để phát huy đạo lớn, Văn Đế chuyên dùng văn mà trị. Tuy Quảng võ đồn binh, Thượng lâm tập bắn, việc võ cũng chưa từng không có; nhưng thần vũ đều quy về nhân hậu, thấy rằng thâm trầm chuyên ở văn. Mở rộng lãnh thổ mà chấn khỏi võ công, Vũ Đế chuyên dùng võ mà trị. Tuy hiệu lệnh đáng xem, văn chương đáng thuật, văn cũng có thành tựu; nhưng hiệu lệnh đều thuộc về bạo uy, thấy rằng hùng lược chuyên ở võ. Nói rằng chuyên ở văn hay võ là đúng vậy.

Văn đức võ công nhà Đường còn thấy ở nhạc và múa, ở vào thời Trinh Quán thì khá tốt(20) Nhưng dùng văn giữ cơ nghiệp mà võ không nghiêm trong việc đề phòng Di Địch, có thể đảm bảo không có mối lo Di Địch hay không? Nhà Tống văn rộng mở võ uy nghiêm, thấy ở buổi ban đầu lập quốc, đều là Thái Tổ mở ra(21). Nhưng văn mở rộng mà võ lại không cường thịnh trong việc dùng quân nanh vuốt, vậy lấy gì để chấn khởi cái thế uỷ mị? Nghiệm đời Đường, đời Tống sở dĩ đến hỏng thì thấy việc trị có quan hệ đến văn võ vậy.

Lại xem hai thời Hán Chu, khi Lũng Thục chưa bình, chính là lúc nên dùng võ mà dẹp yên. Nhưng trường học là gốc của giáo hoá, thì ngay khi trên ngựa dẹp giặc cũng không thể không lấy việc dựng trường học làm việc mở đầu khi mới xuống xe(22). Thời Thành Khang cực trị chính là lúc dùng văn mà phấn sức. Nhưng vẫn còn bọn ngoan dân nhà Ân nhòm ngó thì tuy là khi phượng hoàng kêu nơi đồng nội(23) cũng không thể không lấy việc chăm quân làm kế giữ nước(24). Việc làm của Quang Vũ (25) lời dạy của Chu Công(26) há chẳng phải là đã phù hợp với việc dùng văn dùng võ hay sao?

Vĩ đại thay Khổng Tử ! Khi ngài làm tướng nước Lỗ, đánh Lai Di mà Tề hầu sợ hãi, đẹp người Phí mà Phí phải thua chạy. Xem hai việc ấy có thể thấy thánh nhân không chỉ chuyên ở văn. Linh Công hỏi chiến trận mà không trả lời, là sợ gợi lòng ham đánh dẹp. Tử Lộ hỏi sức mạnh mà liền ức chế, là muốn cho có cái dũng hợp nghĩa Thánh nhân xử sự như vậy há phải là vô tình.

Còn như bốn mùa dạy học là tiên vương dùng để dạy thế tử. Dùng Tụng, dùng Đàn, dùng Lễ, dùng Thư, về ý nghĩa có lẽ lấy từ chỗ phát tán thu tàng(27). Bốn mùa đi săn là tiên vương dùng để phòng bị việc quân, dùng Sưu, dùng Miêu, dùng Tiển, dùng Thú, về ý nghĩa có lẽ lấy từ chỗ sinh trưởng toại thành(28). Tham khảo lời chú kinh điển của tiên nho, ý nghĩa có thể xét được.

Lại nghe: Làm nhà ắt phải có hai cột rồi sau nhà mới dựng, làm xe ắt phải có hai bánh rồi sau xe mới đi, thực đúng như lời nói của Lục Giả(29).

Chế sách lại nói: Nhà nước ta dựng nghiệp cõi Nam, hoàng thiên yêu mến, Thần truyền thánh nối, hơn hai trăm năm. Văn mô vũ liệt rỡ ràng, mãi truyền hậu thế.

Đức Thế Tổ Cao Hoàng đế ta, võ công dẹp loạn mà trăm việc chấn chỉnh, văn đức lan khắp muôn phương.

Đức Thánh Tổ Nhân Hoàng đế ta, văn đức đưa đến trị bình mà mở rộng đánh dẹp bốn phương, võ công chấn động đến cả cõi xa. Lúc bấy giờ thiên hạ thái bình, phương xa sợ phục. Thịnh trị vòi vọi rực rỡ, vượt cả đời xưa.

Trẫm cả nhận mệnh trời, kính theo đạo trước; luôn nghĩ lấy tâm pháp làm tâm, trị pháp làm trị, nhân đó đề cập đến đạo trị trong trị ngoài. Thần qua đây có thể kính thấy tấm lòng cầu trị và ý mưu trị của Hoàng thượng không gì không cực kỳ chu đáo, chỉ đem những việc ấy ra thi bọn thần mà thôi.

Kính nghĩ: Quốc gia ta, cõi Nam dựng nghiệp, non sông nghìn đời bền vững. Hoàng thiên yêu mến, phúc lớn ban xuống vô cùng. Từ đời đức Thái Tổ Gia Dụ Hoàng đế(30) đến nay, thần truyền thánh nối, hơn hai trăm năm. Văn mô vũ liệt rỡ ràng, sáng ngời trong sử sách. Thực đã truyền lại vĩnh viễn cho đời sau.

Đức Thế Tổ Cao Hoàng đế(31) ta, dùng võ công định loạn mà trăm việc chấn chỉnh, kỹ càng quy mô phấn sức sửa sang, cho nên văn Hoa Hạ đã tràn khắp muôn phương.

Đức Thánh Tổ Nhân Hoàng(32) đế ta, dùng văn giáo đưa đến trị bình, nhưng chinh phạt bốn phương, mở rộng hiệu quả trị lý. Vũ công đánh dẹp bốn phương khiến cho các phương xa xôi phải vào triều cống, vì thế thiên hạ thái bình, văn hồi được vận trinh nguyên(33). Phương xa nép phục, sáng đẹp thêm bức tranh vương hội(34).

Kính nghĩ: Hoàng đế Bệ hạ, nắm quyền điển, lễ, mệnh, thảo(35) mà cả nhận mệnh trời; kế nghiệp kiến, đốc, cơ, cần(36) mà kính noi đạo trước. Vâng thấy từ buổi đầu ngự trị đã dụ cho bầy tôi không được thay đổi phép cũ, sắc cho Hữu ti phải tra xét điển lệ. Nghĩ đến nuôi dân là ở chỗ theo thời cho nên tha trốn hoãn thiếu. Ngửa trông ơn vua to lớn, thiên hạ đều nói: Đó là đức thông minh vận hành rộng lớn. Thiên Duyệt mệnh trong Kinh Thư có câu: Dân theo trị, ngày nay thiết tưởng đã thấy hiệu quả rồi. Cho rằng thay đổi phong tục trước hết giáo hoá phải tốt đẹp, cho nên khen người hiếu hạnh, thưởng người tiết nghĩa. Ngửa trông thánh hoá thịnh vượng, thiên hạ đều nói: Đó là khuôn phép phẳng bằng rộng lớn dựng nên(37). Đại Nhã trong Kinh Thi có câu: Dạy dân rất dễ, ngày nay thiết tưởng đã thấy mỹ tục rồi. Ngửa trông ơn giáo hoá, thỏa thích diều bay cá nhảy(38), tạo tựu tác thành, tưởng đã có tiếng khen người hiền tài đều được nổi danh(39). Khoa mục chọn người, châu huyện tiến cử, đường cầu hiền đã rộng vậy. Người được dự tuyển, vui vẻ kéo nhau như nhổ cỏ mao được cả đám(40), kẻ sĩ đại tài tưởng đã không còn sót nơi đồng nội(41). Thận trọng việc tuyển tướng, nghĩ dùng người kỳ cựu, biểu dương, khen thưởng chiến công, cất nhắc người xuất sắc, lấy đấy mà khích lệ lòng họ. Đội ơn triều đình khuyến khích có cách thì bầy tôi nắm cờ tiết cờ mao, ai không phấn chấn mà làm tướng cơ mưu. Nắm quân đội, tưởng cũng được người xứng đáng rồi vậy. Kỹ càng trong việc trị quân thì tuân theo định ngạch mà huấn luyện có phép, tra xét theo thời, lấy đó mà định chế độ. Ngửa trông triều đình chế binh có phép thì kẻ sĩ mặc giáp cầm binh há ai không phấn chấn mà làm quân vô địch. Người trong quân ngũ, thần nghĩ rằng cũng đều có tiết chế vậy.

Còn như bọn giặc ở biên giới phía Tây chỉ là một bọn cướp sống thừa mà thôi. Vâng Hoàng thượng ủy nhiệm việc trù hoạch biên cương cho võ tướng mà các đạo Hà Âm(42) lần lượt tấu công, đã nhiều lần thấy cờ hồng báo tiệp(43). Ba mũi tên mà định được vùng Thiên Sơn hiểm trở(44), vậy thì phương lược tiễu bình tưởng đã có kế sách vẹn toàn rồi. Bọn Lạp man xuẩn động còn chưa quy về địa đồ, rút cục chỉ là hổ trong cạm bẫy mà thôi. Nay chỉ nên giữ vững biên cương của ta để đợi chúng mệt mỏi, vậy thì quân không phiền mà chúng tự phục, không mệt mỏi quân nhà vua phải đến lần thứ hai. Bọn Tây Sơn lẩn trốn(45) chỉ là bọn trộm nấp nơi lau lách mà thôi. Vâng Hoàng thượng giao chức trách đổng nhung cho bầy tôi tài lược mà bọn nghịch phỉ quá nửa đã phải nộp đầu, đã mau thấy trong thời gian tuần tháng. Chỉ một xe mà có thể trừ quân Bột Hải (46), vậy thì có tiễu phạt truy bắt, tưởng cũng không khó xong việc vậy. Một hai tên tội phạm còn lẩn trốn ở rừng cùng rút cục cũng chỉ là cá nằm đáy nồi mà thôi. Nay chỉ cần sức lệnh cho bọn đầu thú khiến chúng tự bắt chém nhau thì người ta sẽ tự phấn chấn tranh nhau dâng công, có thể thấy nơi Hoàng Trì(47) tĩnh lặng. Nay muốn văn giáo rộng ban, võ công chấn động, gần mến mà xa phục, trong trị mà ngoài yên, để tỏ sáng mà rạng công xưa, kéo dài phúc yên trị lâu dài, cách thức thực ở thánh tâm đã xét rõ, há kẻ kiến thức hẹp hòi này dám trình bày nhàm hay sao?

Thần rất mong: Bệ hạ vận lòng thành không ngừng nghỉ(48), an càng cầu an, trị càng mong trị, mãi đưa đạo đời đến thịnh sáng, mãi nhận phúc trời đến vô cùng. Cơ nghiệp vô cùng ngàn muôn năm của quốc gia ta, thực nền ở đó vậy.

Thần kính cẩn thưa.

Chú thích:

1. Thông minh theo phép trời: Nguyên văn là “Thiên thông thời hiến”. Thiên Duyệt mệnh trung - Kinh Thư có câu: “Duy thiên thông minh, duy thánh thời hiến, duy thần khâm nhược, duy dân tòng nghệ” (Chỉ trời thông minh, chỉ thánh theo phép trời, bề tôi kính thuận, dân chúng theo trị).

2. Tinh nhất chấp trung: Thiên Đại Vũ mô - Kinh Thư có câu: “Nhân tâm duy nguy, đạo tâm duy vi, duy tinh duy nhất, doãn chấp quyết trung” (Nhân tâm là nguy, đạo tâm là vi, phải tinh phải nhất, giữ lấy trung đạo). Mười sáu chữ này được tiên nho xem là Tâm pháp truyền đạo thống của các thánh nhân.

3. Hai Điển ba Mô: Tức các thiên Nghiêu điển, Thuấn điển, Đại Vũ mô, Cao Dao mô, Ích Tắc trong Kinh Thư.

4. Đãng bình dựng chuẩn: Nguyên văn là “Đãng bình kiến phạm”. Thiên Hồng Phạm - Kinh Thư có chín trù, tức là chín phép lớn trị thiên hạ, trong đó trù thứ năm là Hoàng cực, là chuẩn mực khuôn phép của vua dựng lên cho thiên hạ theo, trong đó có câu: “vô thiên vô đảng, vương đạo đãng đãng; vô đảng vô thiên, vương đạo bình bình” (không thiên lệch, không bè đảng, đạo vua rộng lớn; không bè đảng không thiên lệch, đạo vua bằng phẳng).

5. Không bỏ rau phỉ rau phong: nguyên văn là “phong phỉ mị di”. Thơ Cốc phong phần Bội phong - Kinh Thi có câu: “Thái phong thái phỉ, vô dĩ hạ thể” (Hái rau phong, hái rau phỉ, đừng có bỏ gốc). Rau phong rau phỉ lá và thân đều ăn dược nhưng gốc đắng thường bị bỏ. Câu này ý nói dùng người không cầu toàn, lựa mặt tốt mà dùng, dù có chỗ kém cỏi cũng không bỏ.

6. Lời nói tầm thường cũng xét: nguyên văn là “Duy nhĩ ngôn chi tất sát”. Sách Trung dung có câu: “Thuấn hiếu vấn nhi hiếu sát nhĩ ngôn” ( Thuấn ham hỏi và ham xét cả những lời tầm thường).

7. Nhàn rỗi trong muôn việc bận: Nguyên văn là “Vạn cơ chi hạ”. Thiên Cao Dao mô - Kinh Thư có câu: “Nhất nhật nhị nhật vạn cơ” (Một ngày hai ngày sinh muôn việc). Người làm vua ngày bận rộn muôn việc.

8. Hái cỏ kiếm củi: Nguyên văn là “Sô nghiêu”. Thơ Bản - Kinh Thi có câu: “Tuân vu sô nghiêu” (Hỏi đến kẻ hái cỏ kiếm củi) ý nói nhà vua hỏi rộng, dù là kẻ quê mùa ty tiện cũng có thể có bổ ích, khả thủ, đáng để hỏi.

9. Bá Ích ca tụng Đế Nghiêu: Bá Ích là bề tôi đời Nghiêu Thuấn làm chức Ngu nhân, cai quản rừng núi. Thiên Đại Vũ mô - Kinh Thư có ghi lời Bá Ích tán dương Đế Nghiêu “Đế đức quảng vận, nãi thánh nãi thần, nãi võ nãi văn” (Đức của Đế Nghiêu rộng lớn, là thánh là thần, có võ có văn).

10. Đức rộng lớn của Đế Nghiêu: Nguyên văn là “Đế đức chi quảng” xem chú thích 9.

11. Đức của Đế Nghiêu không thể xưng tụng hết được: Nguyên văn là “Nghiêu chi đức kỳ vô năng danh hỹ”. Thiên Thái Bá sách Luận ngữ có câu: “Đại tai Nghiêu chi vi quân dã! nguy nguy hồ duy thiên vi đại, duy Nghiêu tắc chi, đãng đãng hồ nhi vô năng danh yên, nguy nguy hồ kỳ hữu thành công dã, hoán hồ kỳ hữu văn chương” (lớn thay đế Nghiêu làm vua, vòi vọi thay chỉ có trời là lớn và chỉ có Đế Nghiêu là theo được trời, lồng lộng thay, dân không thể xưng tụng được, có thành công vòi vọi thay, có văn chương rực rỡ thay!).

12. Công nghiệp rực rỡ bao trùm: Nguyên văn là “Kỳ công chi quảng bị” (Thiên Nghiêu điển - Kinh Thư có câu: “Quang bị tứ biểu” (Đức sáng trùm bốn cõi).

13. Trông xa như mây, trông gần như mặt trời: Nguyên văn là “Vọng vân tựu nhật” Thiên Ngũ đế bản kỷ sách Sử ký viết về Đế Nghiêu: “Kỳ nhân như thiên, kỳ trí như thần, tựu chi như nhật, vọng chi như vân” (Nhân của ngài như trời, trí của ngài như thần, trông gần như mặt trời, trông xa như mây).

14. Hữu Miêu vẫn có quân chinh phạt: Nguyên văn là “Hữu Miêu diệc hữu tồ chinh chi lữ”. Thiên Đại Vũ mô - Kinh Thư có câu: “Đế viết: Tư Vũ, duy thời Hữu Miêu phất suất, nhữ tồ chinh” (Hỡi Vũ, có Hữu Miêu không chịu thần phục, ngươi đi chinh phạt). Hữu Miêu là chư hầu. Thuấn sai Đại Vũ mang quân chinh phạt trong một tháng, Miêu không thần phục. Sau Bá ích nói với Đại Vũ rằng: Chỉ có đức mới có thể cảm động được. Vũ nghe theo rút quân về. Đế Thuấn rộng ban văn đức, múa can vũ ở hai bên thềm, sau bảy tuần, Hữu Miêu đến thần phục.

15. Thiên Vũ cống rõ quy mô việc võ: Thiên Vũ Cống - Kinh Thư có câu: “Ngũ bách lý tuy phục, tam bách lý quỹ văn giáo, nhị bách lý phấn võ vệ” (Tuy phục 500 dặm, 300 dặm ban văn giáo, 200 dặm phấn dương võ vệ).

16. Nguyên văn là: “Thánh vũ bố chiêu nhi cách Hạ tất tiên đại ngược chi nhân”. Thiên Y huấn - Kinh Thư có câu: Duy ngã Thương vương bố chiêu thánh vũ đại ngược dĩ khoan (Vua nhà Thương ta tỏ rộng thánh vũ, lấy khoan hoà thay bạo ngược).

17. Thiên Vu thành có điển chế sửa sang văn trị: Vu thành là tên một thiên trong Chu như - Kinh Thư, là lời Vũ Vương tuyên cáo việc diệt Thương da thành công. Trong đó có nói về điển chế văn trị như phong tước, chia đất, dùng người của triều đại mới.

18. Hữu Miêu không thần phục. Xem chú thích 14.

19. Hữu Hỗ không thần phục: Sau khi Đại Vũ mất, truyền ngôi cho con là Khải Hữu Hỗ là một chư hầu nhà Hạ, không chịu thần phục Khải, Khải bèn triệu lục khanh đánh ở đất Cam. Sau Khải tu đức mà Hữu Hỗ chịu phục.

20. Trinh Quán: Niên hiệu của Đường Thái Tông.

21. Thái tổ: Tống Thái tổ.

22. Vừa xuống xe: ý nói vừa xong việc võ công.

23. Ngoan dân nhà Ân: Di dân cũ chịu ơn huệ của nhà Ân, nay vẫn thầm không phục triều đại Chu mới, nhà Chu gọi là “Ngoan dân” (Dân ngang ngạnh ương bướng).

Phượng hoàng kêu nơi đồng nội: Chỉ cảnh thái hòa cực trị. Thơ Quyển a - Kinh Thi có câu: “Phượng hoàng minh hỹ, vu bỉ cao cương” (Phượng hoàng hót ở trên gò cao). Thiên Lễ vận sách Lễ ký có câu: “Phượng hoàng kỳ lân gia tại giao tu” (Phượng hoàng kỳ lân đều ở đồng nội).

24. Chăm quân là kế giữ nước: Nguyên văn là “Cật binh vi bảo trị chi du”. Thiên Lập chính - Kinh Thư có câu: “Khắc cật nhĩ nhung binh” (phải chăm lo quân đội của ngươi). Thiên Chu quan - Kinh Thư có câu: “Chế trị vu vị loạn, bảo bang vu vị nguy”. Chế trị lúc chưa loạn, giữ nước lúc chưa nguy).

25. Quang Vũ Đế nhà Hán trung hưng cơ nghiệp, ngay khi chiến tranh chưa chấm dứt, đất Thục chưa bình định xong, nhà vua đã cho dựng nhà Thái học, đào tạo nhân tài.

26. Thành Khang: Tức Thành Vương, Khang Vương nhà Chu, thời này được khen là cực trị. Thiên Lập chính - Kinh Thư có lời Chu Công răn Thành Vương.

27-28. Phát tán thu tàng, sinh trưởng toại thành: Chỉ quy luật vận hành của bốn mùa. Xuân phát, sinh; Hạ tán, trưởng; Thu, thu - toại; Đông, tàng thành.

29. Lục Giả: Người đất Sở, là khách khanh, theo Hán Cao Tổ định thiên hạ. Ông có tài ăn nói, từng đi sứ Nam Việt chiêu dụ Triệu Đà, làm quan đến Thái trung đại phu. Tác phẩm hiện còn có bộ Tân ngữ.

30. Thái tổ Gia Dụ Hoàng đế: Tức chúa Nguyễn Hoàng, chúa mở nghiệp họ Nguyễn sau Gia Long truy tôn là Thái tổ Gia Dụ Hoàng đế.

31. Thế tổ Cao Hoàng đế: Vua Gia Long

32. Thánh tổ Nhân Hoàng đế: Vua Minh Mệnh.

33. Trinh nguyên: Chỉ thuần nhất, tuý mỹ. Lấy chữ từ “Nguyên hanh lợi trinh” quẻ Càn - Kinh Dịch.

34. Đồ vương hội: Bức vẽ các chư hầu vào triều bái thiên tử.

35. Điển, lễ, mệnh, thảo: Chỉ nắm quyền thay trời hành đạo: Thiên Cao Dao mô - Kinh Thư có câu: “Thiên tự hữu điển, sắc ngã Ngũ điển ngũ đôn tai ! Thiên trật hữu lễ, tự ngã Ngũ Lễ hữu dung tai! Thiên mệnh hữu đức, Ngũ phục ngã chương tai ! Thiên thảo hữu tội. Ngũ hình ngũ dụng tai!” (Trời đặt ra có điển, lệnh cho ta phải tôn sùng Năm điển. Trời đặt ra thứ bậc có lễ, ta phải thực hiện Năm lễ. Trời mệnh cho người có đức, năm bậc lễ phục phải tỏ rõ. Trời trừng phạt kẻ có tội, phải thi hành Năm bậc hình phạt).

36. Kiến, đốc, cơ, cần: Chỉ cơ nghiệp do tiên đế gian nay gây dựng, vun đắp Thiên Vũ thành - Kinh Thư có câu: “Tiên vương kiến bang khải thổ, Công Lưu khắc đốc tiền liệt. Chí vu Thái vương triệu cơ vương tích, Vương Quý kỳ cần vương gia” (Tiên vương dựng nước mở đất, Công Lưu dốc sức thực hành tiếp những công nghiệp đời trước, cho đến Thái Vương gây nên vương nghiệp, Vương Quý chăm chỉ nghiệp vương).

37. Khuôn phép phẳng bằng rộng lớn: Nguyên văn là “Đãng bình chi phạm”. Xem chú thích 4.

38. Diều bay cá nhảy: Nguyên văn là “Diên phi ngư dược” Thơ Hạn lộc - Kinh Thi có câu: “Diên phi lệ thiên, ngư dược vu uyên, khải đễ quân tử, hà bất tác nhân” (Diều bay sát trời, cá nhảy dưới vực, đấng quân tử vui vẻ dễ dàng, sao không tác thành cho người). Bài thơ này ca ngợi công giáo hoá của Chu thiên tử. Diều bay cá nhảy là hình tượng chỉ kẻ sĩ được thỏa thích trong sự giáo hoá tác thành của nhà vua.

39. Người hiền tài đều được nổi danh: Nguyên văn là “Dự mao”. Thơ Tư trai - Kinh Thi có câu: “Dự mao tư sĩ” (các kẻ sĩ tài tuấn đều được nổi danh).

40. Nhổ cỏ mao được cả đám: Nguyên văn là “Vựng bạt mao chinh”. Hào từ hào Sơ cửu quẻ Thái - Kinh Dịch có câu: “Bạt mao nhự, dĩ kỳ vựng, chinh cát” (Nhổ cỏ mao được cả đám, tiến thì tốt). Chỉ việc tiến dùng được nhiều hiền tài.

41. Bỏ sót nơi đồng nội: Nguyên văn là “Tại dã chi di” Thiên Đại Vũ mô - Kinh Thư có câu: “Gia ngôn võng du phục, dã vô di hiền, vạn bang hàm ninh” (Lời nói hay không để bị che lấp, nơi đồng nội không bỏ sót người hiền, muôn nước đều yên).

42. Hà Âm: Đất thuộc Hà Tiên. Thời Thiệu Trị, quân phản loạn tụ tập ở đây, Tuần phủ Hà Tiên Lê Quang Huyên và Tổng đốc Long Tường Dương Văn Phong đem quân đến đây, phá tan được sào huyệt của giặc.

43. Cờ hồng báo tiệp: Thời cổ khi truyền tin thắng trận thì các tướng cho đem cờ hồng về báo với triều đình.

44. Ba mũi tên mà định được vùng hiểm Thiên Sơn: Nguyên văn là “Tam tiễn nhì khả định Thiên Sơn chi hiểm”. Theo Tân Đường thư - Tất Nhân Quý truyện Chiếu cho Trịnh Nhan Thái làm Thiết Lặc đạo Hành quân Tổng quản, lúc bấy giờ quân cao tinh có hơn mười vạn, sai mấy chục kiêu ky đến khiêu chiến. Nhân Quý bắn ba mũi tên giết luôn ba đứa, quân giặc sợ, mất khí thế, đầu hàng cả. Trong quân có lời ca rằng Tướng quân tam tiễn định Thiên San, tráng sĩ trường ca nhập Hán quan” (Tướng quân bắn ba mũi tên bình định Thiên San, tráng sĩ hát vang vào ải Hán). Về sau dùng điển này chỉ đại tướng võ nghệ cao cường, oai thanh chấn động làm giặc phải hàng phục.

45. Sơn Tây: Có lẽ chỉ bọn loạn quân ở Trấn Tây thành thời Thiệu Trị.

46. Bột Hải: Vùng biển ở Trung Quốc, ở vào khoảng từ bên nam bán đảo Liêu Đông đến bờ Bắc bán đảo Sơn Đông. Theo Hán Thư - Tuân lại truyện - Cung toại thì quận Bột Hải mất mùa, trộm cướp nổi lên nhiều, Hán Tuyên Đế sai Cung Toại làm Bột Hải Thái thú để vỗ yên. Toại đi một xe (Đơn xa) đến phủ trị, khuyên bảo làm ăn, lệnh cho các quận huyện không truy bắt trộm cướp. Bọn chúng mừng rỡ đeo kiếm ra đón Toại, Toại khuyên bảo nên bán dao kiếm để mua nghé, mua trâu, mua nông cụ mà cày cấy, quận Bột Hải được yên.

47. Hoàng Trì: Vùng nước, chỉ vùng Bột Hải. Lấy từ điển “Hoàng Trì lộng bình”. Hán thứ Tuần lại truyện - Cung Toại có viết: “ở nơi xa xôi ngoài góc biển (vùng Bột Hải) không nhuần thánh hoá, dân khốn khổ đói rét mà quan lại không thương, cho nên khiến con đỏ của Bệ hạ trộm đùa quân của Bệ hạ ở Hoàng Trì”. Về sau dùng điển “Hoàng Trì lộng binh” chỉ phản loạn.

48. Lòng thành không ngừng nghỉ: Nguyên văn là “ Bất dĩ chi thành”. Sách Trung dung có câu: “Chí thành vô tức” (Chí thành không ngừng nghỉ). Lại có câu: “Văn vương chi sở dĩ vi văn dã, thuần diệc bất dĩ” (Văn Vương sở dĩ Văn Vương là vĩ có thuần đúc và không ngừng nghỉ).

Bài văn sách chẳng những cho thấy văn tài lỗi lạc của Mai Anh Tuấn thuộc lầu kinh sử Trung Hoa theo khuôn phép đào tạo của Nho gia mà còn thể hiện sự am hiểu tình hình thời sự của đất nước, cùng lý tưởng chính trị của tác giả với hoài bão giúp nước giúp đời. Có thể thấy rõ tính nhất quán của hoài bão và lý tưởng ấy trong lòng nhiệt thành can gián vua Tự Đức, khuyên nhà vua bãi bỏ việc tiễn đưa viên quan nhà Thanh gặp nạn là Ngô Hội Lân một cách quá long trọng và tốn kém (đem theo thuyền các thứ yến sào, tôm he, gạo tốt, gỗ lim, tất cả đến bốn mươi vạn cân, lại đem theo hai vạn lạng bạc nén....) đồng thời đề nghị đem số tiền bạc của cải ấy dùng vào việc treo giải thưởng chiêu mộ chiến sĩ, xây dựng lực lượng giúp triều đình quét sạch lũ giặc cướp, bảo vệ bờ cõi.

Những lời ngay thẳng và hợp lý như vậy đã không được vua Tự Đức tiếp thu, trái lại bị ghép tội nói năng bất kính, miệt thị triều đình, cậy tài coi thường phép nước.

Lý tưởng hoài bão giúp nước giúp dân của Mai Anh Tuấn càng tỏ rõ trong việc ông hăng hái và dũng cảm cùng Chưởng vệ Nguyễn Đạc tấn công bọn phỉ Lộc Bình, đuổi giặc đến Yên Bái, tấn công giặc vào sâu trong núi, thất cơ nên bị giặc sát hại.

Đó chính là dũng khí của môn đồ đạo Khổng “kiến nguy thụ mệnh” (Luận ngữ - Hiến vấn). Khi quốc gia gặp nguy thì người quân tử phải dũng cảm đứng ra, bất chấp cả sự hi sinh tính mạng mình.

Đó cũng chính là tinh thần trách nhiệm cao cả mà đạo Nho truyền thụ trong tinh thần “quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”, tinh thần tự ngã hy sinh mà Khổng Tử trước sau nhất quán đề xướng, cho rằng nhân nghĩa, đạo nghĩa cao hơn tính mạng “chí sĩ nhân nhân, vô cầu sinh dĩ hại nhân, hữu sát thân dĩ thành nhân” (Bậc chí sĩ nhân nhân không vì ham sống mà làm hại điều nhân, trái lại có thể bỏ mình để làm trọn điều nhân - Luận ngữ - Vệ Linh Công) và cũng chính là tinh thần “xả thân thủ nghĩa” (bỏ mình để giữ lấy điều nghĩa - Mạnh Tử - Cáo Tử thượng).

Tóm lại, Mai Anh Tuấn đã sống đầy trách nhiệm, chết thật vẻ vang, xứng đáng được kính trọng và tôn vinh./.

Thông báo Hán Nôm học 2006 (tr.92-114)

In
Lượt truy cập: