Nghiên cứu Hán Nôm >> Tác giả >> A >> Phạm Văn Ánh
Phạm Văn Ánh
6. Về bài từ điệu Nguyễn lang quy của Khuông Việt đại sư (TBHNH 2006)

Cập nhật lúc 11h38, ngày 20/02/2009

MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ BÀI TỪ ĐIỆU

NGUYỄN LANG QUY CỦA KHUÔNG VIỆT ĐẠI SƯ

PHẠM VĂN ÁNH

Viện Nghiên cứu Văn học

Từ là một thể loại văn học có vị trí đặc biệt trong lịch sử văn học Trung Quốc, nhất là vào thời Tống. Nhắc đến thành tựu nổi bật của văn học Trung Quốc qua các thời kì, người ta quen nói “Hán phú, Đường thi, Tống từ, Nguyên khúc, Minh - Thanh tiểu tiểu thuyết”. Trên thực tế, mỗi thể loại văn học trong quá trình phát triển của mình từ lúc manh nha đến khi đạt đến thành tựu đỉnh cao thường phải trải qua một quá trình vận động và phát triển lâu dài, thể loại từ cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Thời Tống, từ đạt thành tựu rực rỡ song chí ít trước đó, nó đã phải trải qua các giai đoạn từ sáng tác dân gian và của các văn nhân thời Đường (như các tác phẩm từ trong Vân dao tập, từ của Lý Bạch, Bạch Cư Dị...), qua Hoa gian phái (Hoa gian tập: Ôn Đình Quân, Hoàng Phủ Tung, Vi Trang, Tôn Quang Hiến...), và từ thời Nam Đường (với các tác giả như: Phùng Diên Tị, Lý Cảnh, Lý Dực...). Sau thời Tống, từ tiếp tục được sáng tác rộng rãi. Số lượng tác phẩm, tác giả từ thống kê sơ bộ qua các bộ toàn tập cho thấy điều đó. Sáng tác từ thời Tống trong Toàn Tống từ thu thập được khoảng gần 1 vạn bài của 1330 tác giả. Các giai đoạn sau được coi là thời kì suy thoái của thể loại từ song số lượng tác phẩm cũng như tác giả vẫn rất lớn, thống kê qua Toàn Kim - Nguyên từ có hơn 7290 bài của 288 tác giả, trong Toàn Minh từ có tới khoảng 18 nghìn bài của 1300 tác giả, và đến Toàn Thanh từ mặc dù chỉ tập hợp được một phần sáng tác từ của các tác giả giai đoạn này song con số thu thập được đã lên tới 5 vạn bài của trên 2 nghìn tác giả(1).

Do ảnh hưởng của văn học, văn hóa Trung Hoa, các nước trong khu vực như Việt Nam và Nhật Bản đều có tiếp thu thể loại từ. Ở Việt Nam, thể loại này truyền vào và được vận dụng trong sáng tác từ khá sớm, bắt đầu bằng bài từ điệu Nguyễn lang quy của Khuông Việt đại sư. Tác phẩm Nguyễn lang quy chẳng những là bài từ đầu tiên đánh dấu sự tiếp nhận thể loại từ trong văn học Việt Nam mà cùng các bài như Nam quốc sơn hà, Quốc tộ,... trở thành một trong những tác phẩm khởi đầu cho nền văn học chính thống của dân tộc.

Sau bài Nguyễn lang quy của Khuông Việt đại sư, thể loại từ vắng bóng trong giai đoạn Lý - Trần mặc dù trong ghi chép về âm nhạc của thời này một số điệu từ vẫn được nhắc tên như: Ngọc lâu xuân, Đạp thanh du, Mộng du tiên(2). Tư liệu hiện còn cho thấy sau bài từ điệu Nguyễn lang quy trên rất lâu thể từ mới dần dần xuất hiện trở lại. Thời Lê, những nguồn tư liệu có thể xác định về niên đại cho thấy thể loại từ thời này chưa nhiều, chưa có từ tập nào(3); sáng tác từ nằm rải rác trong các thi tập, xen với thơ, hoặc xen trong các truyện. Và, khá hơn một chút, thì được sáng tác thành chùm bài, hay được nhóm vào một mục riêng, đặt theo một tên gọi khác của từ là “thi dư”. Tên gọi “thi dư” vừa cho thấy từ là bộ phận khác thơ, khái niệm thơ không bao quát trọn nó vào trong, nhưng đồng thời, cơ hồ cũng là gửi gắm trong đó một quan niệm coi từ là bộ phận có phần thấp kém hơn thơ(4). Thực tế các sáng tác từ thời Lê cho phép khẳng định rằng thời này chưa có tác giả nào thực sự dành nhiều tâm huyết để “điền từ”, “tác từ”, và cũng không có tác giả nào khả dĩ có thể coi là “từ nhân” thực thụ.

Sang thời Nguyễn, sáng tác từ nhiều hơn hẳn tất cả các tác phẩm từ của các giai đoạn trước. Không tính sách Cổ điệu ngâm từ - một từ tập không có tên tác giả, không tựa, bạt, niên đại, ngờ rằng không phải từ tập của Việt Nam - chí ít hiện còn hai từ tập, mỗi tập đều có số lượng khá lớn, đó là: Mộng Mai từ lục của Đào Tấn (60 bài)(5) Cổ duệ từ của Miên Thẩm (104 bài)(6). Cả hai tác giả không chỉ chuyên viết từ, song với các từ tập dày dặn còn lại, chứng tỏ với thể loại từ họ có nhiều hứng thú và dụng công, có tư cách là các từ nhân thực thụ.

Kết quả khảo sát của chúng tôi cho đến thời điểm này, trừ hàng trăm bài từ của Trung Quốc lẫn trong các sáng từ của Việt Nam có thể nhận dạng được(7), số lượng tác phẩm từ trong văn học Việt Nam có khoảng trên 230 bài; so với các sáng tác thơ ca, đây là con số hết sức khiêm nhường. Và, nếu so với thể loại từ ở Trung Quốc, đây là một trong những sự “so lệch” thường gặp(8). Tuy nhiên ở Việt Nam, thể loại từ truyền nhập vào và được vận dụng trong sáng tác cũng có nhiều điểm không hoàn toàn giống với Trung Quốc. Vấn đề này sẽ được bàn đến trong những bài viết khác. Trong bài chúng tôi chỉ tạm xét một số khía cạnh liên quan đến bài từ điệu Nguyễn lang quy của Khuông Việt đại sư.

Bài Nguyễn lang quy là một trong những tác phẩm đầu tiên trong lịch sử văn học nên được nhiều nhà nghiên cứu chú ý khai thác. Tuy nhiên đến nay còn nhiều ý kiến chưa hoàn toàn thống nhất. Tranh luận phần nhiều xoay quanh các vấn đề như lập trường tư tưởng, ý nghĩa ngoại giao, đặc biệt là vấn đề văn bản tác phẩm(9).

Tác phẩm Nguyễn lang quy của sư Khuông Việt hiện được chép trong các sách như: Thiền uyển tập anh ngữ lục (TUTANL), Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT), Lịch triều hiến chương loại chí, Việt sử tiêu án, Quốc sử toản yếu... Ngoài ra, còn được nhắc đến trong một số sách khác, chẳng hạn trong phần “Lệ ngôn” của Toàn Việt thi lục. Nổi bật về mặt văn bản là hai nhóm TUTANLĐVSKTT.

Xét hai nhóm văn bản này, sự ghi chép không thống nhất, thể hiện ở các phương diện: 1. Niên đại, 2. Thể loại, 3. Tên tác phẩm, 4. Số chữ.

1. Về niên đại

Ghi chép trong ĐVSKTT cho biết Khuông Việt sáng tác bài này nhân dịp tiễn sứ nhà Tống là Lý Giác trở về Trung Quốc vào năm Thiên Phúc thứ 7 (987). Sách TUTANL cũng chép sự kiện này song ghi là năm Thiên Phúc thứ 6 (986). Như vậy hai sách chép lệch nhau một năm. Các học giả khi đề cập đến bài này thường theo niên đại của chính sử, tức ĐVSKTT. Gần đây Nguyễn Đình Phức đã khảo sát vấn đề này và có đối chiếu với ghi chép trong các sử liệu Trung Quốc, từ đó khẳng định ghi chép niên đại sự kiện như trong ĐVSKTT là xác đáng(10).

2. Về thể loại

Có ý kiến đặt vấn đề rằng tác phẩm trên của sư Khuông Việt là từ hay khúc. Sách ĐVSKTT khi viết đến đoạn nói việc sư Khuông Việt viết tác phẩm để tiễn Lý Giác chép là “chế khúc”, TUTANL chép là “tác từ”. Từ và khúc là hai thể loại rất gần gũi với nhau, sự phân biệt đôi khi không thực rạch ròi, đặc biệt là cách gọi tên. Từ và khúc trước hết có điệu, sau đó theo tiết phách mà phối hợp với lời ca để ca hát. Chúng đều là những hình thức thơ ca đặc biệt có quan hệ mật thiết với âm nhạc, đều phát triển theo con đường “do nhạc định từ”. Chính vì thế mà đôi khi người ta đánh đồng từ với khúc. Tống Tường Phượng (1776-1860) trong Nhạc phủ dư luận viết: “Thời Tống - Nguyên từ và khúc là một vậy. Dùng văn để viết nên thì gọi là từ, dùng nhạc phối vào thì gọi là khúc”(11). Gọi từ là khúc hiện tượng thường gặp. Sách Trung Hoa văn học thông sử cũng viết: “Từ vừa là dạng ca xướng phối hợp với âm nhạc vừa là một thể thơ đặc biệt giàu giá trị văn học. Thể thơ mới có xen lẫn các câu dài ngắn này vốn được gọi là “khúc”, “khúc tử”, “khúc tử từ”, các cách gọi ấy cho thấy rõ mối quan hệ mật thiết của nó với âm nhạc”(12).

Như vậy, chữ “khúc” như trong ghi chép của ĐVSKTT chỉ là “bài hát” (khúc tử) hay “lời bài hát” (khúc tử từ). Vào thời điểm này từ còn gắn chặt với âm nhạc, người viết từ dựa vào bản nhạc sẵn có điền lời vào để hát. Việc vua sai Khuông Việt “chế khúc dĩ tiễn” chẳng qua là sai viết bài hát để đưa tiễn, bài hát đó về thể loại là bài từ, từ điệu Nguyễn lang quy; khi đó bài này rất có thể được nhạc công tấu nhạc để hát lên tiễn sứ trở về. Do được hát nên gọi là khúc, vì thế chữ “khúc” ở đây không nên hiểu là thể khúc. Khảo sát trường hợp sáng tác từ của Phùng Khắc Khoan cho thấy, khi sáng tác từ, Phùng Khắc Khoan ghi rõ tên điệu từ, gọi đích danh tác phẩm của mình là từ, nhưng cũng gọi là khúc (bài hát). Chẳng hạn lời dẫn bài từ Tiễn Đàm công chi Nghệ An Hiến (Tiễn Đàm công đi làm Hiến sát ở Nghệ An), điệu Tấm viên xuân có viết nhân khi tiễn biệt lại “hát khúc Tấm viên xuân” (Xướng Tấm viên xuân chi khúc 唱沁園春之曲)(13). Rõ ràng chữ “khúc” ở đây chỉ có nghĩa là bài, bài hát, không thể hiểu “khúc” với nghĩa là thể loại khúc được.

Cái mà nay ta quen gọi là khúc chính là Bắc khúc. Thể loại này cuối thời Tống, khi từ đã phát triển qua giai đoạn hoàng kim nhất, mới truyền nhập vào Trung nguyên. Gốc gác của nó, nói như Từ Vị trong Nam từ tự lục “đại để là thứ âm thanh sát phạt của người Liêu, người Kim ở phương bắc, rất mực hào tráng, là lời ca của kẻ võ phu trên lưng ngựa, truyền vào Trung nguyên”, rồi “dần dà được dân gian yêu chuộng”, phát triển mạnh mẽ và thay thế địa vị của từ. Khúc đạt đỉnh cao vào thời Nguyên, đạt đến tầm là “văn học thời đại” (Nhất đại chi văn học), được xưng tụng ngang hàng cùng Đường thi, Tống từ. Nguyên Khúc so với Tống từ đã là loại hậu sinh, huống chi khi Khuông Việt sáng tác bài từ điệu Nguyễn lang quy trên đây, ngay người Trung nguyên còn chưa biết nó là thứ gì thì nỗi băn khoăn rằng tác phẩm của Khuông Việt là từ hay khúc có phần không cần thiết.

Lê Quý Đôn trong phần “Lệ ngôn” sách Toàn Việt thi lục cũng viết: “Nước Việt từ khi bắt đầu khai mở nền văn trị, không hề sút kém so với Trung quốc; bài từ Lê tiên hoàng tiễn sứ Tống là Lý Giác uyển chuyển hoa mĩ, có thể vốc được” (越 邦 肇 啟 文 明, 無 遜 中 國; 黎 先 皇 送 宋 使 一 詞, 婉 麗 可 掬 - Việt bang triệu khải văn minh, vô tốn Trung quốc; Lê tiên hoàng tống Tống sứ nhất từ, uyển lệ khả cúc)(14). Thiết tưởng tác phẩm nói trên của Khuông Việt đại sư thuộc thể từ là điều rõ ràng, không có gì đáng phải nghi ngờ.

3. Về tên gọi của tác phẩm

Đến thời điểm hiện nay ta vẫn quen gọi sáng tác trên của Khuông Việt là Vương lang quy. Cách gọi này có thực chuẩn xác hay không?

Trong các văn bản hiện còn, trừ TUTANL, các văn bản khác không ghi tên bài. Các nhóm văn bản TUTANL khác nhau ghi tên bài không giống nhau. Văn bản TUTANL thời Lê ghi tên bài từ là Ngọc lang quy, bản thời Nguyễn ghi là Vương lang quy. Như vậy tên gọi Ngọc lang quy thuộc văn bản có niên đại sớm hơn tên gọi Vương lang quy.

Cùng là một tác phẩm tại sao lại có hai cách gọi khác nhau? Giải thích điều này, xét về hình thể văn tự, chữ “ngọc” và chữ “vương” chỉ khác nhau một dấu chấm, trong quá trình truyền bản sách TUTANL từ Lê đến Nguyễn, dấu chấm “rụng đi” thì “ngọc” biến thành “vương”(15). Do đó, trong hai cách gọi Ngọc lang quyVương lang quy, cách gọi Ngọc lang quy có phần thuyết phục hơn.

Cách gọi Ngọc lang quy là dựa vào một văn bản cổ hơn. Tuy nhiên để tìm hiểu rõ hơn vấn đề này thiết tưởng nếu chỉ dựa vào văn bản thôi chưa đủ, nên chăng cần xét các đặc trưng của từ và đặt tác phẩm cần khảo sát trong sự vận động, phát triển của thể loại.

Xét từ góc độ này có một khả năng chúng ta nên lưu ý, đó là mối liên hệ giữa từ điệu và từ đề. Thể loại từ thoạt tiên là căn cứ và bản nhạc để viết lời. Do đó từ điệu bắt nguồn từ khúc điệu. Khúc điệu là hình thức âm nhạc của một bài hát, còn từ điệu chính là hình thức ca từ tương ứng với những khung nhạc nhất định. “Từ lấy hợp nhạc làm đầu” (Trương Viêm - Từ nguyên), đối với các bài từ, từ điệu là quan trọng. Từ điệu là “phần cứng” của một bài từ, phàm đã là tác phẩm từ thì mỗi bài đều viết theo một điệu từ nhất định, đi với từ điệu là cách luật của nó, không thể tùy tiện thay đổi; từ đề là “phần mềm”, có thể có nhưng cũng có thể không, được định danh tùy thuộc vào nội dung và ý đồ nghệ thuật của tác giả. Với một từ điệu người ta có thể viết vô số các bài từ với những tên gọi khác nhau. Từ điệu không chỉ cho biết cách luật của bài từ, mà hơn thế, ở những giai đoạn đầu, thông thường nó đồng thời đóng vai trò là từ đề, bản thân nó cũng nói lên phần nào nội dung của tác phẩm. Chẳng hạn bài từ viết theo điệu Lâm giang tiên thì ắt nói việc thần tiên, viết theo điệu Hà độc thần thì ắt nói đến đền miếu(16)... “Ở giai đoạn đầu, từ điệu và nội dung luôn thống nhất với nhau, do đấy tên điệu cũng chính là tên bài, cũng chính là đề mục. Như Ôn Đình Quân có 4 bài viết theo điệu Canh lậu tử, hai chữ ‘canh lậu’ chỉ ban đêm, Canh lậu tử là tên từ điệu, còn nội dung của bốn bài trên không bài nào không vịnh cảnh khuê tình ban đêm”(17). Dần dần từ điệu và từ đề có sự phân công chức năng, từ điệu nói lên cách luật của bài từ, từ đề nói lên nội dung của bài từ. Tuy nhiên sự phân công đó cũng không nhất thiết phải có. Trước thời Tống, các bài từ về cơ bản chỉ có từ điệu, không có từ đề. Thống kê trong số 78 bài từ của Phùng Diên Tị (903-960), 34 bài của Lý Dực (937-978, thời Nam Đường) không bài nào có từ đề. Đầu thời Tống từ đề cũng chỉ được sử dụng ở một mức độ rất khiêm tốn. Thống kê các sáng tác từ của các tác gia thời Tống như Liễu Vĩnh (khoảng 987-1053), các bài có từ đề chỉ chiếm tỷ lệ 3/206; với Yến Thù (991-1055) tỷ lệ đó là 3/131, với Yến Cơ Đạo (1030-1106) tỷ lệ đó là 0/255. Muộn hơn nữa như nữ từ gia nổi tiếng Lý Thanh Chiếu (1084-1155 ?) thì tỷ lệ các bài từ có từ đề là 10/46(18). Thời Tống về sau, từ đề được sử dụng rộng rãi hơn, có tác giả thậm chí còn viết những đoạn lời dẫn khá dài để trình bày nguyên do tại sao mình lại sáng tác tác phẩm. Thế nhưng, trên thực tế, cho đến các tác phẩm từ ở Trung Quốc thời Thanh hay các bài từ thời sáng tác ở Việt Nam vào thời Nguyễn, không phải bài nào cũng có từ đề.

Bài từ điệu Nguyễn lang quy của Khuông Việt đại sư sáng tác đầu thời Tống, xu hướng chung của các tác phẩm từ thời ấy trở về trước luôn luôn có từ điệu nhưng hầu như không dùng từ đề. Các văn bản hiện có chép tác phẩm trên đây của sư Khuông Việt hoặc ghi là Ngọc lang quy, hoặc ghi Vương lang quy; theo từ phổ, trong các điệu từ, không có điệu từ nào tên gọi như vậy. Nếu sự ghi chép trong các sách này là chuẩn xác thì các tên gọi đó hẳn là từ đề. Không chép từ điệu, chỉ ghi từ đề, trong khi các tác phẩm cùng thời hoàn toàn làm ngược lại, đó là điều không bình thường.

Xét hoàn cảnh ra đời và nội dung tác phẩm, bài từ của Khuông Việt được làm ra để tiễn sứ trở về, nguyên từ điệu Nguyễn lang quy đã có thể kiêm chức năng của từ đề. Theo xu hướng chung của thể từ thời này, bài từ ấy chỉ cần có từ điệu mà không cần thiết phải có từ đề.

Thêm nữa sách TUTANL định bản khoảng đầu thế kỉ XIII, từ khi Khuông Việt sáng tác tác phẩm đến khi đó cũng trải một khoảng thời gian hơn 300 năm. Nếu tính đến bản TUTANL thời Vĩnh Thịnh (1715) thì tác phẩm đã trải qua thời gian hơn 700 năm. Từ bản in TUTANL thời Vĩnh Thịnh đến văn bản TUTANL thời Tự Đức (1848 - 1883), mặc dù đã được lưu truyền bằng văn bản in, vậy mà chỉ qua hơn 100 năm đã khiến Ngọc lang quy biến thành Vương lang quy. Như vậy, không loại trừ khả năng ban đầu bài từ trên của Khuông Việt đại sư cũng chỉ có tên từ điệu là Nguyễn lang quy mà không hề có từ đề, qua thời gian hơn 700 năm, qua chiến tranh loạn lạc, qua các khâu truyền bản phức tạp nào đó khiến cho Nguyễn lang quy biến thành Ngọc lang quy, rồi Vương lang quy như cách thường gọi hiện nay.

4. Về số chữ

Có thể khảo sát sự sai lệch về số chữ qua hai văn bản tiêu biểu là TUTANLĐVSKTT.

Sách TUTANL hiện có hai truyền bản chính, đó là truyền bản thời Lê và truyền bản thời Nguyễn.

Còn toàn văn bài từ theo TUTANL thời Lê là:

祥 光 風 好 錦 帆 張,

神 先 復 帝 鄉.

千 重 萬 里 涉 滄 浪,

九 天 歸 路 長.

情 慘 切,

對 離 觴,

攀 戀 星 星 郎.

願 將 深 意 為 南 疆,

分 明 報 我 皇.

Bản TUTANL thời Nguyễn có sai khác nhất định nhưng tổng số chữ không thay đổi.

Còn ĐVSKTT lại chép:

祥 光 風 好 錦 帆 張,

遙 望 神 先 復 帝 鄉.

萬 重 山 水 涉 滄 浪,

九 天 歸 路 長.

情 慘 切,

對 離 觴,

攀 戀 使 星 郎.

願 將 深 意 為 邊 疆,

分 明 奏 我 皇.

So sánh hai văn bản ĐVSKTTTUTANL ta dễ dàng nhận thấy hai bản này tuy có một số chữ sai dị song chỉ chênh lệch nhau chủ yếu ở 3 chữ, đó là hai chữ 遙 望 (Dao vọng) ở câu thứ 2 (văn bản ĐVSKTT) và chữ (nhân) ở câu thứ 5 (văn bản TUTANL) .

Theo từ phổ, chính thể điệu từ Nguyễn lang quy gồm hai đoạn (gọi là phiến): đoạn trước bốn câu, bốn vần bằng, 24 chữ; đoạn sau năm câu, bốn vần bằng, 23 chữ. Toàn bài có 47 chữ.

Mô hình cách luật như sau:

b

b

b

t

t

b

b,

角 聲 吹 斷 隴 梅 ,

b

b

b

t

b.

 

 

孤 窗 月 影 .

b

b

b

t

t

b

b,

塞 鴻 無 限 欲 驚 ,

t

b

b

t

b.

 

 

城 烏 休 夜 .

 

 

 

 

 

 

 

 

b

t

t,

 

 

 

 

尋 斷 夢,

t

b

b,

 

 

 

 

掩 深 ,

b

b

b

t

b.

 

 

行 人 去 路 .

b

b

b

t

t

b

b,

門 前 楊 柳 綠 陰 ,

t

b

b

t

b.

 

 

何 時 聞 馬 .

[馮 延 巳 - 阮 郎 歸](19)

(Gạch chân: có thể thanh bằng hoặc trắc, in đậm: gieo vần)

Bài từ điệu Nguyễn lang quy của sư Khuông Việt trong các văn bản hiện còn không văn bản nào hoàn toàn khớp với từ phổ. Do tính chất phức tạp của các văn bản, đã có ý kiến cho rằng về mặt nguyên tắc, cần tôn trọng hiện trạng văn bản và tìm cách cắt nghĩa. Một khi chưa có điều kiện khảo cứu kĩ lưỡng thì không thể tùy tiện cắt bỏ, chỉnh sửa. Thêm nữa, mỗi bài từ có một điệu xác định. Nhưng mỗi điệu có khi ngoài chính thể còn có biến thể. Nếu một bài từ nào đó không hoàn toàn giống với các bài viết theo chính thể thì cần khảo sát các biến thể của nó.

Trên thực tế, các biến thể của điệu từ này không nhiều. Khảo sát qua một số lượng lớn các bài cùng điệu thuộc Toàn Tống từ, chỉ có 2 biến thể. Đó là các bài cùng điệu của Du Tử Chi và Xuân Nương(20).

Khi nghiên cứu vấn đề văn bản của bài từ, Alaxandre Lê tìm trong Từ luật từ điển (Phan Thận chủ biên, 1991) được hai biến thể khác, đó là các bài từ cùng điệu của Mã Ngọc (1123-1183), và Ngô Tử Hiếu (1495-1563)(21).

Nhưng liệu có thể căn cứ vào các biến thể này để kết luận rằng bài từ của sư Khuông Việt cũng là biến thể? Khảo sát các biến thể của từ điệu Nguyễn lang quy trong trường hợp cụ thể này là cần thiết, nhưng muốn khảo sát được một cách tương đối chuẩn xác thì việc tìm các biến thể chỉ là một thao tác, điều quan trọng hơn cần nắm được từ sử, cần đặt tác phẩm cần khảo sát trong các tương quan nhất định với sự phát triển của thể loại từ ở Trung Quốc.

Cách nói: Đường thi, Tống từ, Nguyên khúc..., đôi khi khiến người ta hiểu không đúng về sự phát triển của thể loại từ thời Tống. Đành rằng thể loại từ đạt thành tựu đỉnh cao vào thời Tống, song không phải bước vào thời Tống nó đã đạt được thành tựu đó. Đầu thời Tống, thể loại từ mặc dù được kế thừa thành tựu của các giai đoạn trước song chưa phải tất cả các điệu từ đã hoàn toàn hoàn thiện về thể thức và cũng chưa đạt thành tựu đáng kể. Chỉ xét riêng về các điệu từ dài (mạn từ), ở các giai đoạn trước, một số điệu từ đã định thể song các sáng tác từ trước thời Tống chủ yếu là các bài từ ngắn (tiểu lệnh). “Suốt thời Đường, Ngũ đại, thể từ chủ yếu là các điệu từ ngắn, tổng số các bài từ dài không vượt qua con số hơn chục bài. Tới thời Tống, sở trường và thói quen của các nhà viết từ (từ nhân) vẫn là loại tiểu lệnh”(22). Đến Liễu Vĩnh các bài mạn từ mới được sử dụng phổ biến, dung lượng phản ánh của từ tăng lên, có bài dài đến 212 chữ. Bằng thao tác “tự độ khúc” (tự viết bản nhạc mới rồi viết lời - điền từ - cho bản nhạc đó), Liễu Vĩnh đã tạo tác nhiều điệu từ mới, và việc này tiếp tục diễn ra vào các giai đoạn sau đó.

Kết quả nghiên cứu của các nhà nghiên cứu Trung Quốc chỉ ra rằng: “Nửa thế kỷ thuộc những năm đầu khi nhà Tống mới lập quốc, thể loại từ không hề hưng thịnh cùng sự hưng thịnh của triều đại mới được kiến lập, về cơ bản vẫn nằm trong trạng thái đình trệ. Vương Chước thời Nam Tống từng không nguôi cảm khái rằng: ‘Buổi đầu bình định thiên hạ, pháp độ lễ nhạc đều dần dần toàn thịnh, nhưng nhạc chương (chỉ thể từ) của sĩ đại phu lại suy vi hơn cả thời trước’ (Bích kê mạn chí - Quyển II). Trong bốn năm chục năm trời, tác giả từ không quá chục người, tác phẩm từ chỉ còn 33 bài(23).

Trước thời Tống, thể loại từ đã đạt được những thành tựu đáng kể, một số điệu từ đã hoàn bị về thể thức. Vào đầu thời Tống, tức là vào chính thời điểm Khuông Việt viết bài từ điệu Nguyễn lang quy, thể loại từ lại đang trong tình trạng “đình trệ”, không có thành tựu gì đáng kể. Sang thế kỉ XI, các từ gia như Yến Thù, Liễu Vĩnh... bước lên từ đàn, thể loại từ thời Tống mới thực sự bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ. Chính vì thế Phùng Hú (1843-1927) trong sách Cảo Am luận coi Yến Thù là “Bắc Tống ỷ thanh gia sơ tổ” (Thủy tổ của các nhà điền từ thời Bắc Tống)(24). Rõ ràng không phải cứ nói Tống từ là mặc nhiên cho rằng bất cứ giai đoạn nào thời Tống thể loại từ đều phát triển thịnh vượng. Nhận thức sai lầm về sự phát triển của thể loại từ giai đoạn đầu thời Tống dễ dẫn đến những suy diễn thiếu khoa học về nhiều phương diện có liên quan đến bài từ điệu Nguyễn lang quy của Khuông Việt đại sư.

Trên đại quan, thời Tống là thời kì hoàn bị và toàn thịnh của thể loại từ, nhưng trước đó nhiều điệu từ đã định thể, đã hoàn thiện về mặt thể thức cách luật. Bài từ điệu Nguyễn lang quy do Khuông Việt sáng tác rơi vào trường hợp ấy. Điệu từ này đã định thể từ thời Nam Đường (937 - 975), với các sáng tác của bậc nguyên lão Phùng Diên Tị và Nam Đường hậu chủ Lý Dực. Nếu đặt vấn đề chính thể hay biến thể phải khảo sát các tác phẩm viết theo điệu này từ khi điệu từ được định thể đến khi Khuông Việt sáng tác. Vào thời điểm Khuông Việt sáng tác bài từ điệu Nguyễn lang quy ngay cả vị “sơ tổ” của các nhà viết từ thời Bắc Tống cũng chưa ra đời, vì thế, các biến thể cùng điệu như của Du Tử Chi, Xuân Nương, Mã Ngọc, Ngô Tử Hiếu chỉ là các trường hợp “hậu sinh”, “hậu lệ”, lại ra đời khi từ đã có xu hướng thoát ly khỏi sự bó buộc của âm nhạc nên không đủ để xét đến.

Theo hướng đã đề cập ở trên, khảo sát sơ bộ cho thấy trong khoảng thời gian từ thời Nam Đường đến khoảng năm 987, các bài từ viết theo điệu Nguyễn lang quy rất hiếm, hiện còn 2 bài của Phùng Diên Tị và một bài của Lý Dực(25). Hai bài của Phùng Diên Tị hiện chép trong Dương xuân tập, bài của Lý Dực chép trong Nam Đường hậu chủ từ. Vào thời điểm Khuông Việt sáng tác, điệu từ Nguyễn lang quy so với hàng loạt các điệu từ khác như Bồ tát man, Lâm giang tiên, Lãng đài sa, Sinh tra tử... rõ ràng không có gì đáng gọi là “nổi tiếng” như nhiều người vẫn tưởng. Các bài từ cùng điệu nói trên không rõ năm sáng tác. Riêng bài từ của Lý Dực, căn cứ vào hành trạng của ông và nội dung tác phẩm hiện còn, bài này không có giọng điệu sầu hận của vị vua mất nước kiểu “Chẳng đành ngoảnh nhìn cố quốc trong ánh trăng sáng (Cố quốc bất kham hồi thủ minh nguyệt trung) như bài từ điệu Ngu mĩ nhân, nhưng cũng tỏ ra nuối tiếc cho khuôn mặt trẻ trung (tích chu nhan) nay đã không còn. Có thể Lý Dực sáng tác bài này trước khi triều Nam Đường bị nhà Tống tiêu diệt, tác giả bị bắt làm tù binh giải về Biện Kinh (nay là Khai Phong, Hà Bắc) năm Khai Bảo thứ 8 (975), nhưng hẳn khi đó ông cũng đã khá già, và triều Nam Đường cũng chẳng còn tồn tại được bao lâu nữa. Năm 978, khi Lý Dực bị ép phải uống thuốc độc chết ông mới 42 tuổi. Năm 987, Khuông Việt sáng tác bài từ điệu Nguyễn lang quy. Như vậy về mặt thời gian cũng chỉ cách Lý Dực hai ba chục năm. Nếu các bài từ điệu Nguyễn lang quy của Phùng Diên Tị ra đời trước bài từ điệu Nguyễn lang quy của Lý Dực, có thể phải lùi về trước thêm vài chục năm, nhưng khó có thể lui về trước thời Nam Đường lập quốc (937). Vào thời điểm này từ có quan hệ mật thiết với âm nhạc, thậm chí lệ thuộc vào âm nhạc. Viết từ là điền lời theo khung nhạc có sẵn để hát, việc này đòi hỏi “tiếng tiếng phù hợp giọng loan”, “chữ chữ hài hòa luật phượng” (Hoa gian tập - Tự). Bởi thế ta không lấy gì làm lạ khi các bài từ cùng điệu của Phùng Diên Tị và Lý Dực hoàn toàn trùng khớp với những quy định khắt khe của từ phổ. Khi sáng tác bài từ điệu Nguyễn lang quy, Khuông Việt nếu không dựa vào điệu nhạc thì ắt phải học hỏi các bài từ cùng điệu của Phùng Diên Tị và Lý Dực. Lạ thay bài từ của Khuông Việt đại sư hiện còn, không bản nào hoàn toàn trùng khớp với các bài tiền lệ. Không lẽ khi sáng tác Khuông Việt không tuân thủ các tiền lệ ấy mà cố ý tạo ra biến thể? Giả sử Khuông Việt viết bài từ này không chuẩn theo chính điệu, nhưng biến thể do ông tạo ra vẫn nằm trong phạm vi xê dịch nào đó vốn dĩ từ luật cho phép, nếu vậy, với các văn bản hiện còn ta phải giải quyết ra sao? Ta sẽ phải theo biến thể trong TUTANL hay theo biến thể trong ĐVSKTT ? Theo văn bản nào thì cũng có nghĩa là ngoài biến thể trong văn bản được ta chấp nhận còn một biến thể khác. Theo cả hai nghĩa là đồng thời cũng chấp nhận hai biến thể. Và đương nhiên các hướng giải quyết này không chấp nhận được, đơn giản vì Khuông Việt chắc chắn không cùng một lúc mà tạo ra các biến thể ấy.

Nếu nhất thiết phải tôn trọng hiện trạng của một văn bản cụ thể, hoặc TUATNL hoặc ĐVSKTT điều ấy cũng có nghĩa là ta chấp nhận một văn bản và phủ nhận văn bản còn lại. Như vậy cái gọi là nguyên tắc tôn trọng văn bản nào đó mà ta đưa ra đã không thể đứng vững được nữa.

Dựa vào các văn bản hiện còn, sự sai lệch giữa các bản so với từ phổ và sự sai lệch giữa các bản với nhau nếu chỉ xét về tổng số chữ thì sự sai lệch ấy rơi vào các câu 2 và 5. Nếu câu thứ 2 trong văn bản ĐVSKTT chép 7 chữ là: 遙望神仙復帝鄉 (Dao vọng thần tiên phục đế hương, nhiều hơn từ phổ 2 chữ) thì ở văn bản TUTANL chỉ ghi 5 chữ: 神仙復帝鄉(Thần tiên phục đế hương, hoàn toàn trùng khớp với từ phổ cả về số chữ là thanh điệu). Ở câu thứ 5 nếu sách TUTANL chép là: 人 情 慘 切(Nhân tình thảm thiết, nhiều hơn từ phổ 1 chữ) thì văn bản ĐVSKTT và các bản khác chỉ ghi ba chữ: 情慘切(Tình thảm thiết, hoàn toàn khớp với từ phổ). Riêng câu thứ 7, TUTANL chép là “Phan luyến tinh tinh lang” (攀戀星星郎), VSKTT chép là Phan luyến sứ tinh lang (攀戀使星郎), đều không chuẩn xác (vì theo từ phổ, câu này 5 chữ, thanh điệu các chữ trong là b b b t b). Điều này không thấy các nhà nghiên cứu trước đây đặt ra. Rốt cục về lí thuyết thì bản TUTANL có biểu hiện là bản đáng tin, nhưng để dễ “thông” về nghĩa, để có một văn bản dễ dùng, thì trong điều kiện “khó khăn” như hiện tại, chọn dùng theo văn bản ĐVSKTT lại là phương án có phần khả thủ.

Nếu căn cứ vào từ sử và thực trạng các văn bản hiện còn, có thể sơ bộ khẳng định bài từ điệu Nguyễn lang quy của nhà sư Khuông Việt hoàn toàn đúng chính thể, song do sơ suất nào đó trong quá trình lưu truyền nên tạo ra biến dị. Tức là sự sai dị giữa các bản hiện còn do khâu truyền bản gây nên chứ không phải từ khâu sáng tác. Kết hợp khảo sát văn bản TUTANLĐVSKTT và một số văn bản khác có thể tạm thời mường tượng được phần nào nguyên dạng sáng tác của Khuông Việt. Trong các văn bản hiện còn, văn bản TUTANL cổ nhất và cũng là bản gần nguyên tác nhất.

Tác phẩm Nguyễn lang quy của Khuông Việt đại sư viết về đề tài li biệt, một đề tài thường gặp trong thơ từ thời cổ. Các tác phẩm từ giai đoạn Hoa gian và Nam Đường rất nhiều bài viết về đề tài này, song thông thường là các cuộc chia li mang màu sắc ái tình. Hoa gian phái có tới 4/5 nói chuyện nam nữ, “nếu không phải niềm vui hội hợp thì cũng là nỗi sầu chia phôi”(26). Nhưng niềm vui hội hợp thì ít mà nỗi sầu chia phôi thường nhiều, bởi vậy giọng buồn thương ai oán bàng bạc trong các tác phẩm từ giai đoạn này. Sáng tác từ thời Nam Đường hiện còn 217 bài, chiếu theo thất tình (bảy trạng thái tình cảm: hỉ - vui sướng, nộ - tức giận, ai - đau buồn, cụ - sợ hãi, ái - yêu thương, ố - căm ghét, dục - ham muốn), thì các bài mang tâm trạng đau buồn chiếm 204 bài (khoảng 90%), các bài mang tâm trạng vui sướng chiếm 13 bài (khoảng 10%)(27). Có thể thấy cảm hứng buồn là cảm hứng chủ đạo trong các sáng từ thời này, nó trở thành một trong những đặc trưng thẩm mĩ của thể loại, quen gọi là “dĩ bi vi mĩ”(lấy buồn là đẹp) và “dĩ tình động nhân”(dùng tình để làm rung động lòng người)(28). Như là một sự mặc định, thơ ca cổ kim khi viết về đề tài chia li thường nhuốm buồn, sự lựa chọn về đề tài ít nhiều đã quy định nội dung tác phẩm và tâm trạng nhân vật trữ tình.

Thơ thiên về ngôn chí, từ thiên về tả tình. Giữa hai thể loại đôi khi có phân chia chức năng. Tô Thức đem các thủ pháp nghệ thuật của thơ để tác từ điền từ, bị coi là “dĩ thi vi từ”, làm mất đi cái “bản sắc” của thể loại(29). Từ coi trọng trữ tình, tả tình. Cái duy tình của thể loại từ gắn với cái duy mĩ, thể hiện ra ở truy cầu sự đẽo gọt về ngôn từ, sao cho ngôn từ thật hoa mĩ, kiểu “chuốt ngọc chạm châu, phỏng hóa công mà vượt khéo; vun hoa tỉa lá, đoạt xuân sắc mà khoe tươi” (Hoa gian tập - Tự), để diễn đạt cái diễm tình, gọi chung là “lấy diễm ngữ để tả diễm tình” (dĩ diễm ngữ tả diễm tình); để thực hiện điều này các từ gia thời Đường - Tống đã huy động một khối lượng hàng ngàn từ khá khuôn sáo (thiên về xa hoa, thướt tha, oai oán...) vào vốn từ “thường dùng” trong việc điền từ(30).

Khuông Việt đại sư khi tiếp thu thể loại từ và vận dụng nó trong sáng tác điều ấy có nghĩa là ông đồng thời tiếp thu những đặc trưng thẩm mĩ của thể loại đó. Cho nên, nói cảnh thiên nhiên thì “tường quang, phong hảo” (điềm lành, gió mát), nói thuyền thì dùng hình tượng “cẩm phàm” (buồm gấm), nói người về thì gọi là “thần tiên”, nơi về là “đế hương”, nói đường xa thì “thiên trùng vạn thủy thiệp thương lang” (muôn trùng non nước vượt làn sóng xanh) hay “cửu thiên quy lộ trường” (đường về xa chín tầng trời), nói về tình cảm thì phải là “tình thảm thiết”, là “phan luyến sứ tinh lang” (vin xe sứ vấn vương)...

Thêm nữa trong khi cắt nghĩa bài từ của Khuông Việt đại sư cần chú ý rằng thời này, từ được sáng tác ra không phải để đọc, mà là để phối hợp với âm nhạc, với hát xướng, nó là sản phẩm “trước chén”, “trong hoa”, cho cuộc sống đô thị và cung đình. Hiệu quả thẩm mĩ của một bài từ ít nhất gồm ba yếu tố căn bản: thanh, sắc, và lời. Các thao tác cần có để thưởng thức một bài từ theo đúng nghĩa của nó là: tay cầm chén rượu, tai nghe tiếng nhạc, giọng ca, mắt nhìn nữ sắc, đồng thời thưởng thức cái hay cái đẹp của ca từ. Tác giả, từ nhân, chủ thể sáng tác sau khi hoàn thành phần lời của tác phẩm lại cần phải thông qua ca nhân (chủ yếu là ca nữ) để hát lên, hòa cùng tiếng nhạc, thông qua lời ca tiếng nhạc truyền tới người nghe, theo các bước: Chủ thể tác giả --- ca nữ --- người tiếp nhận. Tác phẩm khi đến ca nữ thể hiện, đối với tác giả đã có khoảng cách nhất định, ca nữ đã mang dáng vẻ của chủ thể sáng tạo thứ hai, cơ hồ khi đó, ca nữ đang hát tác phẩm của chính mình. Các từ nhân khi sáng tác rất lưu ý đến yếu tố này, vì vậy thủ pháp “đại ngôn” (nói thay) là một trong những thủ pháp được sử dụng rộng rãi trong từ, biểu hiện dưới hai khía cạnh: thứ nhất, từ nhân nhập thân vào đời sống, tâm trạng ca kĩ, thay ca kĩ viết lên nỗi niềm của mình; thứ hai, ca kĩ “nói thay” cho từ nhân. Từ đặc điểm này, sẽ sai lầm nếu coi những câu kiểu “tình thảm thiết”, “vin xe sứ vấn vương”... trong bài từ Nguyễn lang quy của Khuông Việt là những lời lẽ ngoại giao do vị đại sư này phát ngôn một cách hoàn toàn trực tiếp với Lý Giác.

Như đã nói ở phần trên, đầu thời Tống, “trong bốn năm chục năm trời, tác giả từ không quá chục người, tác phẩm từ chỉ còn 33 bài”, trong số các tác giả từ đó không có mặt Lý Giác. Thêm nữa, do làm từ khó hơn làm thơ nhiều lần nên không phải ai biết làm thơ đều có thể làm từ. Nếu “Giác rất thích nói chuyện văn thơ”(31), có thể làm thơ, có thể “chế” bài thơ Vịnh ngỗng (Vịnh nga) của Lạc Tân Vương để ngâm nga cùng giang lệnh Đỗ Pháp Thuận(32), nhưng điền từ, tác từ lại thuộc một đẳng cấp khác mà ở lĩnh vực này, có thể tầm của Lý Giác chưa đạt đến.

Tận dụng tính ưu việt của thể loại, khoa trương ngôn từ để chứng tỏ sự hàm dưỡng về văn chương, vừa tỏ ra tha thiết với nỗi niềm riêng tư lại thông qua đó để gửi gắm sự vụ quốc gia... tài năng ngoại giao, bản lĩnh văn hóa, sự tinh tế, khéo léo của Khuông việt đại sư cơ hồ là ở đó vậy.

Chú thích:

(1) Xem các mục từ cùng tên trong Trung Quốc từ học đại từ điển, Chiết Giang Giáo dục xuất bản xã, 1996. Xem thêm thống kê của Trần Ngọc Vương - Đinh Thanh Hiếu trong bài: Từ - một chủng loại còn ít biết tới, Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 9 - 2002, tr.35-47.

(2) Lê Tắc: An Nam chí lược (bản dịch), Nxb. Thuận Hóa, Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, H. 2002, tr.72.

(3) Theo ghi chép trong một số tư liệu, chẳng hạn bộ Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, Lương Như Hộc (thế kỉ XV) có sách Cổ kim chế từ tập song sách này nay đã thất truyền, nếu chỉ dựa vào tên sách, nhất là hai chữ “chế từ” chưa đủ cơ sở để có thể dám chắc đây là một từ tập.

(4) Ngô Trượng Thục: Từ học khái thuyết, Trung Hoa thư cục xuất bản 2001, tr.34.

(5) Xem Vũ Ngọc Liễn: Đào Tấn thơ và từ, Nxb. Sân khấu, H. 2003.

(6) Xem thống kê của Trần Nghĩa trong bài “Thể loại từ của Trung Quốc du nhập vào Việt Nam và ảnh hưởng của nó đối với văn học bản địa”, Tạp chí Hán Nôm, số 5 - 2005, tr.14.

(7) Chẳng hạn bản Cưu đài thi tập (A.2132, vốn được coi là của Nguyễn Húc) có 31 bài từ viết theo 25 điệu khác nhau. Khảo cứu văn bản đã phát hiện đây chỉ là bộ sách ngụy tạo (Xem Phạm Văn Ánh: Về Nguyễn Húc và bộ Cưu Đài thi tập hiện còn. Nghiên cứu Văn học số 2 - 2006). Hay như Mộng Mai từ tập của Đào Tấn, sơ bộ khảo cứu văn bản cũng phát hiện trong đó có bài chép lẫn tác phẩm từ của Trung Quốc. Cụ thể là trường hợp bài từ viết theo điệu Nhất lạc sách:

Mi cộng xuân sơn tránh tú,

Khả liên trường sứu.

Mạc tương thanh lệ thấp hoa chi,

Khủng hoa dã như nhân sấu.

Dịch theo nguyên điệu là:

Mày với non xuân tranh đẹp,

Mày luôn cau nét.

Chớ đem dòng lệ ướt nhành hoa,

E hoa như người héo hắt.

(Xuân Diệu dịch)

thực chất chính là chép nguyên vẹn nửa trên (thượng phiến) bài từ cùng điệu của Chu Bang Ngạn đời Tống. Nguyên văn bài từ của Chu Bang Ngạn là: 眉 共 春 山 爭 秀, 可 憐 長 皺. 莫 將 清 淚 濕 花 枝, 恐 花 也 如 人 瘦 . 清潤 玉 簫 閒 久, 知 音 稀 有. 欲 知 日 日 倚 欄 愁 , 但 問 取 亭 前 柳: Mi cộng xuân sơn tranh tú / Khả lân trường sứu / Mạc tương thanh lệ thấp hoa chi / Khủng hoa dã như nhan sấu / Thanh nhuận ngọc tiêu nhàn ỷ / Tri âm hi hữu / Dục tri nhật nguyệt ỷ lan can / Đãn vấn thủ đình tiền liễu. (Xem Tề Dự Sinh, Hạ Vu Toàn (chủ biên): Trung Hoa văn học danh trước bách bộ. Tân Cương Thanh thiếu niên xuất bản xã, tập 20, tr.275).

(8) Chẳng hạn tính riêng số lượng từ của Liễu Vĩnh đã lên tới 213 bài, của Âu Dương Tu là 242 bài...

(9) Xem Phạm Thị Tú: “Về bài Từ đầu tiên và tác giả của nó: Khuông Việt”, Tạp chí Văn học số 6 - 1974; Nguyễn Tài Cẩn: “Vấn đề lập trường đối với nhà Tống trong bài Vương lang quy của Ngô Chân Lưu”, Tạp chí Văn học số 2 - 1981; Hoàng Văn Lâu: Bài Từ ở thế kỉ X (trong sách Một số vấn đề văn bản Hán Nôm học, Nxb. KHXH, H. 1983, tr.191-212); Nguyễn Đăng Na: Về bài Vương lang quy từ - Khảo sát và giải mã văn bản”, Tạp chí Nghiên cứu Văn học số 1-1995; Nguyễn Đình Phức: “Về bài từ Ngọc lang quy của sư Khuông Việt”, Tạp chí Hán Nôm, số 5 - 2005; Alaxandre Lê: “Bài từ Ngọc lang quy và vấn đề văn bản học”, Thời đại số 6 - 2002...

(10) Xem Nguyễn Đình Phức: “Về bài từ Ngọc lang quy của sư Khuông Việt”, Tạp chí Hán Nôm, số 5 - 2005, tr.26.

(11) Dẫn theo Long Du Sinh: Từ học khái thuyết, Bắc Kinh xuất bản xã 2004, tr.3.

(12) Xem Trương Quýnh, Đặng Thiệu Cơ, Phàn Tuấn (chủ biên): Trung Hoa văn học thông sử, Hoa Nghệ xuất bản xã, 1997, Q. 2, tr.367.

(13) Xem Phùng Khắc Khoan: Ngôn chí thi tập (Kí hiệu VHv.1442, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm).

(14) Xem Lê Quý Đôn: Toàn Việt thi lục - “Lệ ngôn” (kí hiệu A. 1262, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm).

(15) Xem Nguyễn Đình Phức, bài đã dẫn, tr.26, 27.

(16) Xem Trung Quốc từ học đại từ điển, Sđd, mục “Từ đề”, tr.9.

(17) Xem Chử Bân Kiệt: Trung Quốc cổ đại văn thể khái luận, Bắc Kinh đại học xuất bản xã, Bắc Kinh, 1990, tr.288.

(18) Thống kê qua Trung Hoa văn học danh trước bách bộ, Sđd, tập 11, 13.

(19) Xem trong Trung Hoa văn học danh trước bách bộ, Sđd, tập 11, tr.121.

(20) Về năm sinh năm mất của Du Tử Chi hiện còn nhiều ý kiến chưa thực thống nhất song các tư liệu hiện còn cho biết ông sống cùng thời Vương An Thạch (1021-1086), được Vương An Thạch coi trọng; mất vào đầu thời Nguyên Hựu (1086 – 1094). Xem Toàn Tống từ, Sđd, tập 1, tr.209 và Trung Quốc từ học đại từ điển, Sđd, mục từ Du Tử Chi, tr.50).

Xuân Nương không rõ năm sinh năm mất song căn cứ vào lời đề tự trước bài từ điệu Nguyễn lang quy của bà hiện ghi trong Toàn Tống từ thì có thể bà sống vào thời kì nhà Tống đã suy loạn, có lẽ chí ít cũng sau niên hiệu Tĩnh Khang (1126-1127). Xem lời tựa trước bài từ điệu Nguyễn lang quy của tác giả này trong Toàn Tống từ, Sđd, tập 5, tr.3856).

Xem khảo sát của Nguyễn Đăng Na trong bài: Về bài “Vương lang quy từ” - Khảo sát và giải mã văn bản, Tạp chí văn học số 1 - 1995. Trong bài này, Xuân Nương in nhầm thành Xuân Hương.

(21) Xem Alaxandre Lê: Bài từ Ngọc lang quy và vấn đề văn bản học, Thời đại số 6, 2002.

(22) Viên Hành Bái (chủ biên): Trung Quốc văn học sử, Cao đẳng Giáo dục xuất bản xã, 2001, Q.3, tr.39.

(23) Trung Quốc văn học sử, Sđd, tr.33.

(24) Dẫn theo Trung Quốc văn học sử, Sđd, tr.35.

(25) Xem các bài này trong Trung Hoa văn học danh trước bách bộ, Sđd, phần Đường Ngũ đại từ, tr.8, 121. Các bài này đều hoàn toàn chuẩn xác theo những yêu cầu khắt khe của từ phổ.

(26) Dư Truyền Bằng: Đường Tống từ lưu phái nghiên cứu, Vũ Hán Đại học xuất bản xã, 2004, tr.29.

(27) Đường Tống từ lưu phái nghiên cứu, Sđd, tr.42.

(28) Dương Hải Minh trong sách Đường - Tống từ mĩ học (Giang Tô Giáo dục xuất bản xã, 1998) đã chỉ ra các đặc trưng mĩ học của thể loại từ giai đoạn này như: “dĩ phú vi mĩ”, “dĩ diễm vi mĩ”, “dĩ nhu vi mĩ”, “dĩ bi vi mĩ”, “dĩ tình động nhân”...

(29) Xem Đường-Tống từ mĩ học, Sđd, chương IV, tr.338-469.

(30) Ôn Quảng Nghĩa tập hợp các từ thường dùng trong các bài từ thời Đường - Tống thành sách công cụ Đường - Tống từ thường dụng từ từ điển, Nội Mông Cổ Nhân dân xuất bản xã, 1988.

(31) Xem Ngô Sĩ Liên: Đại Việt sử kí toàn thư (bản dịch, tập I), Nxb. KHXH, H. 1993, tr.224.

(32) Nguyên văn bài thơ của Lạc Tân Vương là:

Nga, nga, nga;

Khúc hạng hướng thiên ca.

Bạch mao phù lục thủy,

Hồng chưởng bát thanh ba.

(Ngỗng, ngỗng, ngỗng;

Ngẩng cổ hướng lên trời ca hát.

Lông trắng nổi bồng bềnh trên nước biếc,

Chèo hồng rẽ sóng xanh).

Hai câu đầu được Lý Giác “chế” thành:

“Nga nga lưỡng nga nga,

Ngưỡng diện hướng thiên nha”.

(Ngỗng ngỗng, ngỗng một đôi;

Ngửa cổ nhìn chân trời).

Bấy giờ nhà sư Đỗ Pháp Thuận được cử làm giang lệnh đi đón Lý Giác, thấy vậy liền ngâm:

“Bạch mao phô lục thủy,

Hồng trạo bãi thanh ba”.

(Lông trắng trên nước biếc,

Chèo hồng, sóng xanh bơi)

Giác thấy vậy rất lấy làm lạ !

Xem thêm Ngô Sĩ Liên, Sđd, tr.224./.

Thông báo Hán Nôm học 2006 (tr.57-79)

Tải về nội dung chi tiết tại đây:  
In
Lượt truy cập: