Tạp chí Hán Nôm >> TCHN từ 2006 về sau >> Năm 2007 >> Số 2
Vương Kiệt - Trương Hữu Nghị (Trung Quốc) - Vũ Huy Vĩ dịch
Quá trình phát triển của Tân Nho học hiện đại và tính phiến diện của nó (Tạp chí Hán Nôm, Số 2 (81) 2007; Tr. 53-55)

Cập nhật lúc 15h27, ngày 09/05/2009

QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN CỦA TÂN NHO HỌC HIỆN ĐẠI VÀ TÍNH PHIẾN DIỆN CỦA NÓ

VƯƠNG KIỆT - TRƯƠNG HỮU NGHỊ

Trung Quốc

Trong lịch sử phát triển tư tưởng Trung Quốc hiện đại, luận thuyết “phục hưng Nho học” từng gây xôn xao một thời. Thời điểm ra đời của luận thuyết này có thể truy ngược lên từ cuộc luận chiến văn hóa Đông Tây thời kì Ngũ Tứ. Cuộc vận động văn hóa mới của phong trào Ngũ Tứ đã hô hào khẩu hiệu “Lật đổ điếm Khổng Tử”. Tư tưởng Nho học chiếm vai trò chính thống trong xã hội phong kiến mấy ngàn năm nay, đã chịu sự công kích, phê phán chưa từng có. Lúc đó, trong con mắt của rất nhiều nhân sĩ tiến bộ, Nho học là căn nguyên cản trở sự tiến bộ và phát triển của xã hội, gây ra sự yếu kém, nghèo nàn của xã hội Trung Quốc, vì thế mà họ có phản cảm lớn đối với Nho học. Thế nhưng, cũng chính trong bối cảnh đó lại nảy sinh luận thuyết “phục hưng Nho học”. Sự ra đời của học thuyết này có liên quan chặt chẽ đến sự phát triển của Tân nho học hiện đại. Cho đến nay, sự phát triển của Tân nho học hiện đại đã trải qua bốn giai đoạn:

- Giai đoạn thứ nhất từ cuộc vận động Tân văn hóa của phong trào Ngũ Tứ cho đến đầu thập kỉ 30 của thế kỉ XX, đây là thời kì khai sáng của Tân nho học hiện đại. Đại biểu chủ yếu của thời kì này gồm Lương Thấu Minh, Trương Quân Mại, Hùng Thập Lực,… Lương Thấu Minh là người Trung Quốc hiện đại đầu tiên chủ trương học thuyết “phục hưng Nho học”. Ông cho rằng, văn hóa tương lai của thế giới chính là sự phục hưng của văn hóa Trung Quốc, đặc biệt là sự phục hưng nho học mà Khổng Tử sáng lập. Trương Quân Mại nối theo, ra sức ca ngợi lí học Tống Minh, đưa lí học Tống Minh lên một vị trí rất cao. Lương Thấu Minh và Trương Quân Mại tuy đề cao giá trị của nho học trong xã hội hiện đại, nhưng trên tổng thể vẫn dừng ở chỗ phán đoán mang tính nguyên lí, chưa xây dựng được hệ thống thật hoàn chỉnh. Mãi đến năm 1932, với tác phẩm Tân duy thức luận của Hùng Thập Lực mới thực sự xây dựng được hệ thống tư tưởng triết học của Tân nho học hiện đại.

- Giai đoạn thứ hai từ đầu thập kỉ 30 đến cuối thập kỉ 40, đây là thời kì phát triển của Tân nho học hiện đại. Nhân vật đại biểu chủ yếu gồm có Phùng Hữu Lan, Hạ Lân,… Sự biến 19 tháng 8 năm 1931 và cuộc kháng chiến chống Nhật bùng nổ năm 1937, đã khiến vấn đề cứu vong dân tộc trở thành vấn đề quan trọng hàng đầu của nhân dân Trung Quốc. Tinh thần tự tôn dân tộc và lòng yêu nước của nhân dân Trung Quốc được phát huy cao độ. Bối cảnh lịch sử xã hội đó đã tạo cơ hội cho Tân nho học thời kì này phát triển. Phùng Hữu Lan và Hạ Lân đã đề xướng “tân lí học” và “tân tâm học”; họ đã từ nhiều góc độ khác nhau trình bày quan niệm văn hóa Nho học và hệ thống tư tưởng nho học.

- Giai đoạn thứ ba là từ đầu những năm 50 đến cuối những năm 70 của thế kỉ XX. Đây là thời kì trưởng thành của Tân nho học hiện đại. Những nhân vật đại biểu chủ yếu gồm có Đường Quân Nghị, Mâu Tông Tam, Từ Phục Quan,… Trên phương diện văn hóa, những nhà nho mới này đã nhắc lại vấn đề “Mối quan hệ giữa văn hóa Trung Quốc với dân chủ, khoa học” mà thời kì Ngũ Tứ từng thảo luận. Họ cho rằng, người Trung Quốc có thể cũng cần học tập và tiếp thu khoa học, dân chủ phương Tây, nhưng không phải đánh đổi bằng cách hạ thấp văn hóa truyền thống Trung Quốc, mà nên và cần từ bản thân văn hóa Trung Quốc, từ tầng sâu tư tưởng nho gia mà tìm nhân tố sinh trưởng cho khoa học và dân chủ. Chỉ có như vậy mới có thể hấp thụ thành quả văn hóa phương Tây và tinh thần nội tại.

- Giai đoạn thứ tư là đầu những năm 80 cho đến nay. Đây là thời kì phục hưng của Tân nho học hiện đại. Đại biểu chủ yếu của thời kì này gồm Đỗ Duy Minh, Thành Trung Anh, Lưu Thuật Tiên,… Từ thập niên 70 đến thập niên 80 của thế kỉ XX là thời kì trỗi dậy của văn minh Đông Á, bốn con rồng châu Á đã thực hiện bước nhảy vọt về kinh tế. Các quốc gia và khu vực Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông bắt đầu thực hiện hiện đại hóa, đã tạo điều kiện cho sự phục hưng Nho học. Lúc này, có người nêu ra khái niệm “nền văn minh công nghiệp thứ ba”. Người ta bắt đầu thảo luận vấn đề quan hệ giữa “văn minh công nghiệp thứ ba” và truyền thống Nho gia. Các nhà Nho mới thời kì này đã có nhiều kiến giải mới trong việc suy xét lại vấn đề văn hóa. Họ phản đối quan điểm chủ nghĩa trung tâm châu Âu, phản đối quan điểm lấy phương Tây làm mẫu hình duy nhất để hiện đại hóa, phản đối quan điểm đối lập văn hóa Nho gia với hiện đại hóa, phản đối thuyết “Tây hóa toàn diện”. Họ đặt sự phát triển của văn hóa Trung Quốc trong bối cảnh thời đại “ý thức toàn cầu” và “ý thức tìm về cội nguồn” để khảo sát, lấy lí luận “nhận đồng”, “thích ứng” để khảo quá trình phát triển và số phận của Nho học trong tương lai; nghiên cứu nó trong sự liên quan đến bối cảnh văn hóa, động lực văn hóa của văn minh công nghiệp Đông Á.

Với tư cách là một trào lưu tư tưởng văn hóa, luận thuyết “phục hưng Nho học” của Tân nho gia hiện đại tuy đã đưa ra được một số kiến giải của mình về vấn đề tương lai của tư tưởng Nho học Trung Quốc, song điều không dễ phủ nhận là quan điểm mà họ nêu ra vẫn còn mang tính chất hạn chế phiến diện .

Thứ nhất, Tân nho gia hiện đại đứng trên lập trường chủ nghĩa bảo thủ văn hóa mà bàn về “phục hưng Nho học”. Trên thực tế, tư tưởng của họ vẫn chưa thoát ra khỏi ảnh hưởng của luận thuyết “Trung thể Tây dụng”.

Thứ hai, Tân nho gia hiện đại xuất phát từ lập trường của chủ nghĩa duy tâm, xem nghĩa lí cơ bản của Nho học là thứ siêu thời gian, không gian, thoát li bối cảnh văn hóa xã hội cụ thể, thể hiện cái “lẽ thường” của thiên đạo và nhân tính vĩnh hằng. Họ cho tinh thần luân lí của Nho gia là sức mạnh căn bản thúc đẩy sự phát triển của lịch sử xã hội, biến nó thành một thực thể vật chất siêu việt, tất cả mọi thứ trong xã hội đều là sự tự phát triển, tự thực hiện của thực thể tinh thần này. Trên thực tế, đây là quan điểm duy tâm, hoàn toàn không phù hợp với quan điểm duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác-Lênin.

Tiếp nữa, luận điểm “phục hưng Nho học” mà Tân nho gia hiện đại đề xướng là sự phủ định tinh thần phong trào Ngũ Tứ, sự đánh giá đối với cuộc vận động văn hóa mới Ngũ Tứ là không chính xác. Thái độ của họ hoàn toàn là thái độ của chủ nghĩa bảo thủ văn hóa.

Mặc dù luận thuyết “phục hưng Nho học” của Tân nho gia hiện đại còn nhiều hạn chế, nhưng trong đó vẫn có một số nhân tố tích cực đáng quan tâm, như:

Thứ nhất, trong hoàn cảnh văn hóa Trung Quốc đang đứng trước sự khủng hoảng chưa từng có, Tân nho gia hiện đại đã nêu ra học thuyết “phục hưng Nho học”. Họ phản đối chủ nghĩa hư vô dân tộc của thuyết “Tây hóa toàn diện”, nhấn mạnh tính chủ thể của văn hóa dân tộc Trung Hoa và tính liên tục tự thân phát triển của văn hóa dân tộc Trung Hoa. Việc làm này có ý nghĩa tích cực đối với việc cải chính những hiểu lầm, những thiên kiến của các học giả phương Tây đối với văn hóa truyền thống Trung Quốc, tăng cường sự hiểu biết chung giữa các khu vực Hồng Kông, Áo Môn, Đài Loan và Hoa kiều ở hải ngoại về văn hóa truyền thống Trung Quốc.

Thứ hai, những người chủ trương “phục hưng Nho học” đã có những tìm tòi tích cực, hữu ích, đã đưa ra được một số quan điểm có giá trị đối với các vấn đề làm thế nào để kế thừa và chuyển hóa một cách sáng tạo truyền thống Nho học, tiếp thu như thế nào tư tưởng dân chủ, khoa học của phương Tây cận hiện đại. Chẳng hạn, ý kiến về việc phát huy giá trị nhân văn và văn minh đạo đức truyền thống Trung Quốc, nhận thức về việc khắc phục sự thiếu hụt ý nghĩa nhân văn do chủ nghĩa duy khoa học phương Tây cận hiện đại tạo ra mà họ đưa ra đều có giá trị tham khảo.

Thứ ba, trong lĩnh vực triết học, đối với các vấn đề bản sắc và ý nghĩa hiện đại của triết học Trung Quốc, họ đã có những tìm tòi nghiên cứu, trong đó có không ít tư tưởng hợp lí. Đối với việc nghiên cứu triết học Trung Quốc, họ đã tìm hiểu tương đối kĩ, khiến cho việc nghiên cứu triết học Trung Quốc phù hợp hơn với quy luật và đặc điểm phát triển của triết học Trung Quốc.

VŨ HUY VĨ dịch (Dịch từ Tạp chí Khoa học xã hội - Trung Quốc)

(Tạp chí Hán Nôm, Số 2 (81) 2007; Tr. 53-55)

In
Lượt truy cập: