Tạp chí Hán Nôm >> TCHN từ 2006 về sau >> Tổng mục lục tiếng Việt
Nguyễn Thanh Tùng
Một tư liệu độc đáo về quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản giữa thế kỷ XVIII (Tạp chí Hán Nôm; Số 6 (85) 2007; Tr. 22 - 27)

Cập nhật lúc 18h16, ngày 19/05/2009

MỘT TƯ LIỆU ĐỘC ĐÁO VỀ QUAN HỆ NGOẠI GIAO

VIỆT NAM - NHẬT BẢN GIỮA THẾ KỈ XVIII

Th.S. NGUYỄN THANH TÙNG

ThS. Khoa Ngữ văn, ĐHSP Hà Nội.

Quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản đã có từ lâu đời. Tuy nhiên, tư liệu ghi chép về quan hệ đó không nhiều, nhất là những tư liệu đáng tin cậy. Vừa qua, nhân tìm hiểu về sự nghiệp thơ văn của Thám hoa Nguyễn Huy Oánh (1713 - 1789), chúng tôi gặp một tư liệu rất có giá trị. Đó là một bài thơ viết về cuộc tiếp xúc giữa sứ thần Việt Nam và sứ thần Nhật Bản trên đất Trung Quốc vào giữa thế kỉ XVIII. Bài thơ không chỉ có ý nghĩa về mặt nội dung mà còn độc đáo về mặt hình thức. Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu chi tiết về bài thơ này.

Bài thơ mang tên Tiễn Nhật Bản sứ hồi trình 餞日本使回程 (Tiễn sứ giả Nhật Bản về nước) nằm ở phần “Hoàng hoa tặng đáp phụ lục” trong cuốn Thạc Đình di cảo 碩亭遺稿(1). Phần này được Nguyễn Huy Oánh sáng tác trong chuyến đi sứ Trung Quốc năm 1765 - 1766 với vai trò Chánh sứ. Bài thơ đó nguyên văn như sau:

西

Phiên âm:

Hủ cương hư lộ các thiên nha,

Đa sĩ hân phùng đại mễ gia.

Nhật tống phù nê ninh hoạt kế,

Thủ châm tiên tố cộng kim la.

Kiệt nô dương mại tây tôn bộ,

Thái lạc minh đông a tướng toa.

Hoa cái lực ca phi cảm nghĩ,

Mạn tương phấn địa ngụ tình đa.

Bài thơ viết bằng chữ Hán. Nhưng, đọc bài thơ này, có lẽ một người dù khá thông thạo chữ Hán cũng phải lúng túng trong việc nắm bắt nội dung của tác phẩm (nhất là những chữ chúng tôi cho in nghiêng). Nhưng rất may, trong văn bản có những cước chú cần thiết chỉ dẫn cho chúng ta cách hiểu bài thơ này. Dưới dòng ghi tên tác phẩm có cước chú: “Dụng y quốc chi ngữ” (Dùng tiếng nói của nước ấy)(2). “Tiếng nói của nước ấy” ở đây là cái gì ? Các cước chú trong văn bản cho biết đó là những từ song tiết được chú thích về nghĩa. Tổng cộng có 15 từ. Sau đây bảng thống là các từ song tiết được cước chú trong văn bản:


Từ song tiết

Cước chú

Tự dạng

Âm Hán Việt

Tự dạng

Âm Hán Việt

Nghĩa

Hủ cương

Vân

Mây

Hư lộ

Nhật

Mặt trời

Tiên tố

Trà

Nước trà

Đại mễ

Quan

Quan nhân

Phù nê

Thuyền

Thuyền

Kim la

Tiêm

Nghỉ ngơi

Kiệt nô

Tạc nhật

Ngày hôm qua

Dương mại

Sơn

Núi

西

Tây tôn

Du

Đi chơi

Thái lạc

Dạ

Đêm

Minh đông

Thủy

Nước, sông

A tướng

Tọa

Ngồi

Hoa cái

Thiếu niên

Tuổi trẻ

Lực ca

Thông minh

Sáng suốt

Phấn địa

Bút

Cây bút

 

Theo chỉ dẫn của phần cước chú, chúng ta tạm xác lập một văn bản như sau: “,., .,., ”? (Vân nhật các thiên nhai, đa sĩ hân phùng quan gia. Nhật tống thuyền ninh hoạt kế, thủ châm trà cộng tiêm. Tạc nhật sơn du thiệp, dạ thủy tọa toa. Thiếu niên thông minh phi cảm nghĩ, Mạn tương bút ngụ tình đa?). Tạm dịch nghĩa là: “Giữa buổi nhiều mây [che] mặt trời mỗi bên (đi về) một góc trời, trông đợi đã nhiều, vừa rồi hân hạnh gặp được quan gia. Ngày tiễn thuyền [sứ thần] đi, nên tính toán linh hoạt, tay rót chén trà, cùng nhau nghỉ ngơi. Hôm qua còn đi chơi bộ trên núi, đêm nay đã (như) thoi ngồi trên dòng nước. (Ngài) tuổi trẻ tài cao, đâu dám nối gót, mạn phép đem bút ra gửi gắm tình cảm dạt dào”. Tạm dịch thơ như sau:

Trời mây chia ngả một bên trời,

Chờ đợi từ lâu mới gặp thôi.

Ngày tiễn thuyền đi đành tính tạm,

Tay đưa chén ngỏ một đôi lời.

Hôm qua hưởng thú trên non dạo,

Đêm tới ngồi thuyền dưới bến xuôi.

Tuổi trẻ tài cao ngài hẳn trội,

Mạn nhờ ngọn bút giãi tình hoài.

Đọc bài thơ, ta thấy ngay đây là một tư liệu quý về mối quan hệ bang giao giữa Việt Nam và Nhật Bản trong quá khứ. Trước đó, những tư liệu cùng loại như thế này không nhiều. Chúng ta chỉ mới thấy một bài thơ Phùng Khắc Khoan tặng sứ thần nước Lưu Cầu (Di Lưu Cầu quốc sứ 使(Toàn Việt thi lục)(3). Chúng ta cũng thấy những ghi chép về sự gặp gỡ giữa sứ giả Việt Nam với các lưu học sinh nước Lưu Cầu (một phần Nhật Bản ngày nay -NTT) (Kiến văn tiểu lục, Bắc sứ thông lục)(4). Chúng ta cũng được thấy những bức thư trao đổi giữa quốc vương nước Lưu Cầu với Đại Việt (Reikidai Hôan - Lịch đại bảo án ), giữa chính quyền Mạc Phủ Đức Xuyên với các chúa Trịnh, chúa Nguyễn (Gaiban Tsuusho - Ngoại phiên thông thư )(5) v.v… Bài thơ này góp thêm vào số tư liệu ít ỏi đó, và làm dày thêm tư liệu về quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản trong quá khứ. Đó là điểm độc đáo thứ nhất của tác phẩm.

Trở lại với câu hỏi “tiếng nói của nước ấy” là tiếng nói nước nào? Các từ viết bằng chữ Hán được cước chú nêu trên không thể tìm thấy trong kho từ vựng tiếng Hán. Chúng có xuất xứ từ đâu? Chúng tôi nghĩ ngay đến tiếng Nhật, bởi một lẽ đơn giản, tác giả viết tặng sứ giả Nhật Bản, và có lẽ đây là tiếng Nhật được ghi âm bằng chữ Hán, và được dùng trong một bài thơ Đường luật Hán. Và thật may mắn, chúng tôi đã tìm được tư liệu chứng thực suy luận này. Đó là các cuốn: Hoàng Minh ngự Nụy lục của Vương Sĩ Kì (đời Minh)(6), Nụy tình khảo lược của Quách Quang Phục (đời Minh); Trù hải trùng biên của Đặng Chung (đời Minh)(7), v.v…. Các sách này đều có một phần ghi chép về từ vựng tiếng Nhật đương thời, được phiên âm bằng tiếng Hán (có chú thích nghĩa bằng chữ Hán) và được sắp xếp thành các môn loại như: Thiên văn loại, Địa lí loại, Nhân vật loại, Nhân sự loại, Cầm thú loại, Hoa mộc loại,v.v… Thể lệ và cách thức ghi chép của các sách này tương tự sách An Nam dịch ngữ (8) mà chúng ta đã rất quen thuộc. Hẳn đây là các bản từ vựng được rút từ bộ Hoa Di dịch ngữ(1387 - 1566) của bộ Lễ (Hội Thông quán, Tứ Di quán, Tứ Dịch quán,…) nhà Minh. Trong bộ Hoa Di dịch ngữ có cuốn Nhật Bản dịch ngữ hoàn thành năm 1549 đời Gia Tĩnh. Các bản từ vựng tiếng Nhật nói trên có lẽ đều lấy từ nguồn này. Một số từ trong các bản từ vựng được ghi trong các tư liệu nêu trên vẫn còn tồn tại trong kho từ vựng tiếng Nhật hiện đại, chẳng hạn như: “Da mại” 耶賣(âm bạch thoại hiện đại - BT: yēmài) = yama (núi); “Phù nê” 浮泥(BT: fú ní) = fune (thuyền); “Kiệt nô” (BT: jié nú) = kinou (ngày hôm qua); “Phấn địa” 粉地(BT: fĕn dì) = fude (bút); “Hoa cái” 華蓋 (BT: huā gài) = wakai (trẻ, thiếu niên); “Thái lạc” 採落 (BT: cài luò) = yoru (đêm), Minh đông明東(BT: míng dōng) = mizu (sông, nước)(9) v.v… So sánh 15 từ được cước chú trong bài thơ của Nguyễn Huy Oánh với các bản từ vựng Nhật - Hán trong các tư liệu trên, ta thấy có sự trùng khít hầu như hoàn toàn, chỉ có một số dị biệt nhỏ. Có thể phân ra làm 3 trường hợp dị biệt sau: 1) Có thay đổi một chữ như, dương mại (so với da mại - 耶賣); 2) Cắt bớt một số chữ, chỉ còn lại hai chữ (đầu hoặc cuối) như đại mễ (so với đại mễ ô dã kê - 大米烏野), a tướng (so với di lộ a tướng ). Vừa thay đổi chữ, vừa cắt bớt chữ như tây tôn (so với tứ tôn bộ 四孫). Trường hợp dị biệt (1) và (3) (thay đổi chữ), có thể chỉ do vấn đề dị bản, vấn đề cách ghi âm ở các tư liệu khác nhau có sự bất đồng. Trường hợp dị biệt (2) và (3), có lẽ là do khuôn khổ của bài thơ Đường luật quy định mà tác giả phải sử dụng từ một cách linh hoạt?

Như vậy, có thể kết luận rằng Nguyễn Huy Oánh đã sử dụng những từ có trong các bản từ vựng Nhật - Hán nêu trên để sáng tác bài thơ tặng sứ giả Nhật Bản. Như ta biết, các bản từ vựng nêu trên (bao gồm cả An Nam dịch ngữ) ra đời chủ yếu nhằm phục vụ công tác ngoại giao giữa Trung Hoa và các nước xung quanh, trong đó có Nhật Bản. Việc Nguyễn Huy Oánh chủ động sử dụng chúng cho công việc ngoại giao với sứ thần Nhật Bản thể hiện sự “chuyên nghiệp” trong hoạt động ngoại giao của bản thân ông. Nói theo cách hiện nay, ông đã có ý thức học và sử dụng ngoại ngữ(10) để giao tiếp (mặc dù có lẽ chỉ là “bút đàm”) với sứ thần nước ngoài (không thuộc ngôn ngữ Hán). Trong lịch sử, không phải sứ thần nào cũng có ý thức và nhãn quan nhìn xa trông rộng như vậy. Nhìn lại quá khứ, theo tư liệu hiện còn, ta cũng chỉ thấy có một vài tấm gương hiếm hoi, như Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật chẳng hạn. Việc làm trên của Nguyễn Huy Oánh đồng thời có ý nghĩa nâng cao uy tín quốc gia, nâng cao vị thế dân tộc trong con mắt của sứ thần Nhật Bản nói riêng và sứ thần nước ngoài nói chung. Đó là điểm độc đáo thứ hai của tác phẩm.

Điểm độc đáo thứ ba của tác phẩm là sự hòa trộn ngôn ngữ, và qua đó là văn hóa, Nhật -Hán trong một bài thơ chữ Hán của người Việt. Bài thơ viết bằng chữ Hán, theo thể Đường luật Hán, ngữ pháp Hán, nhưng có sự kết hợp giữa từ vựng Hán và từ vựng Nhật (được phiên âm bằng tiếng Hán). Cách dùng các từ Nhật phiên âm trong các cặp câu đối cũng khá đăng đối, tề chỉnh. Bài thơ đọc lên có âm hưởng hài hòa, cân đối, chặt chẽ của thơ chữ Hán (nhưng dĩ nhiên, đối với đối tượng được tặng, bài thơ này có thể không dùng để “ngâm độc” mà chỉ dùng để “khán độc”), nhưng cần được hiểu một phần theo ngôn ngữ Nhật, tư duy Nhật ở mảng từ vựng. Sự kết hợp này không phải là phổ biến và ngay cả sứ thần Nhật Bản, nếu không am hiểu cả chữ Hán lẫn từ vựng Nhật được phiên âm bằng chữ Hán (thời Minh) thì chưa chắc đã hiểu được bài thơ. Ta biết rằng, tiếng Nhật là ngôn ngữ chắp dính nên họ không thể sáng tác thơ Đường bằng tiếng Nhật thuần túy (giống như hiện tượng thơ Nôm Đường luật ở Việt Nam)(11). Họ chỉ có thể sáng tác thơ Đường luật Hán thuần túy hoặc chỉ có thể đưa từ vựng Nhật vào bài thơ Đường luật Hán như cách Nguyễn Huy Oánh đã làm. Hiện tượng này cũng có phần tương tự như việc các tác giả Việt Nam sáng tác thơ Đường luật Hán, trong đó có dùng một số từ Hán do người Việt Nam sáng tạo, đặc biệt là những từ phiên âm từ tiếng Việt. Hiện chúng tôi chưa rõ trong văn học Nhật có những tác phẩm được sáng tác theo cách Nguyễn Huy Oánh đã làm hay không. Nếu có thì điều đó cho thấy Nguyễn Huy Oánh khá am hiểu văn hóa, văn học Nhật, hay ít ra là đã có sự “gặp gỡ ngẫu nhiên của các thiên tài”. Cũng không rõ các tác giả Trung Quốc có thực hiện điều này không. Nếu có thì đây là một hiện tượng có tính “quốc tế”, thể hiện ý thức “bất tốn ư Hoa Hạ” trong tâm lí dân tộc thông qua trường hợp Nguyễn Huy Oánh. Nếu không thì bài thơ của Nguyễn Huy Oánh quả là một hiện tượng độc đáo. Điều này cần phải tiếp tục được nghiên cứu làm rõ trong tương lai.

Để kết thúc bài viết này, chúng tôi thấy có một vấn đề thú vị được đặt ra là: vậy, Nguyễn Huy Oánh có ý thức và đã bắt tay “nghiên cứu” tiếng Nhật từ bao giờ? Có thể phỏng đoán rằng, ông đã chuẩn bị từ trước khi lên đường đi sứ, cũng có thể ông đã làm việc đó trong thời gian và trên đường đi sứ. Nhưng nguyên nhân nào thúc đẩy ông làm việc đó? Phải chăng đó là linh cảm ngoại giao thiên tài hay còn có nhân tố nào khác? Đây một vấn đề lí thú nhưng không kém phần khó khăn trong điều kiện tư liệu hiện nay, đòi hỏi việc nghiên cứu tiểu sử, sự nghiệp Nguyễn Huy Oánh một cách kĩ lưỡng, toàn diện hơn nữa. Tuy nhiên, có một chi tiết đáng chú ý trong tiểu sử Nguyễn Huy Oánh là: trong gia phả dòng họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu có chép về một người phụ nữ Nhật Bản. Bà này được cụ Nguyễn Công Ban, ông tổ dòng họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu, cứu được trong một vụ đắm thuyền ngoài biển Nghệ An - Hà Tĩnh. Sau đó, ông Ban đem bà về chăm sóc và nhận làm con nuôi. Bà này sau trở thành kế thất của ông Nguyễn Như Thạch, con ông Nguyễn Công Ban, tổ bốn đời của Nguyễn Huy Oánh. Bà được coi là một trong những người có công lớn trong việc tạo lập và duy trì gia phong dòng họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu. Khi bà mất, người trong họ có lập đền thờ bà, tục gọi là Đền Ả Mệ Bà, đến nay vẫn còn di tích ở làng Trường Lưu. Rất có thể, bà chính là một “đầu mối” giúp ta lí giải việc Nguyễn Huy Oánh lưu tâm đến tiếng Nhật, để rồi trong chuyến đi sứ Trung Hoa năm 1765 - 1766, sự lưu tâm đó đã được phát huy trong việc ngoại giao với sứ thần Nhật Bản(12) mà bài thơ trên chính là một dấu tích quý báu có một không hai còn lại đến ngày hôm nay.

Chú thích:

(1) Nguyễn Huy Oánh: Thạc Đình di cảo, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, A.373.

(2) Nguyên bản chép “dụng y chu chi ngữ” (用伊周之語), có thể dịch là “dùng lời nói của Y Doãn, Chu Công”, nhưng nghĩa không rõ lắm. Theo chúng tôi, chữ “chu” có lẽ là do chữ “quốc” nhầm sang vì hai chữ tự dạng hơi giống nhau.

(3) Toàn Việt thi lục, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm A.132, Quyển XX. Theo truyền thuyết thì có sự tiếp xúc giữa Mạc Đĩnh Chi với người Nhật trên đất Trung Hoa (thế kỉ XIV). Tuy nhiên, truyền thuyết đó chưa được kiểm chứng và chưa đủ sức thuyết phục.

(4) Xem Bắc sứ thông lục, bản dịch của Trịnh Ngữ (Ngô Thế Long hiệu đính), tài liệu viết tay, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu Bt.19 và Bt.85 và Lê Quý Đôn toàn tập, Phạm Trọng Điềm dịch, tập 2, Nxb. KHXH, H. 1977.

(5) Lê Văn Hảo: Giao lưu văn hóa Việt Nhật và sự quan tâm của người Nhật đến văn hóa Việt Nam, bài đăng trên website, địa chỉ: http://chimviet.free.fr/dantochoc

(6) Vương Sĩ Kì: Kí ngữ lược, trong Hoàng Minh ngự nụy lục, tài liệu đăng trên trang web: www.let.osaka-u.ac.jp/~okajima/ china/n_kigo.txt

(7) Tưởng Thùy Đông (Jiăng Shuí Dōng) - Transliteration of Japanese Words in the Woqingkaolue and the Chouhaichongbian (tiếng Anh, Nhật), 41 trang, tài liệu đăng trên trang web: www.bunkyo.ac.jp/faculty/ lib/klib/kiyo/lit/l1601/l160102.pdf.

(8) An Nam dịch ngữ, Vương Lộc giới thiệu và chú giải, Nxb Đà Nẵng - Trung tâm từ điển học, Hà Nội - Đà Nẵng, 1997.

(9) Vương Ngọc: Từ điển Nhật - Việt, Nxb. Văn hóa thông tin, H, 2004.

(10) Trong Thạc Đình di cảo cũng có chép một bài thơ thất tuyệt Đường luật được Nguyễn Huy Oánh viết theo kiểu chữ Mãn Châu là bài Đăng Yến Tử ki đạo viện ngâm. Điều đó cũng thể hiện ý thức học “ngoại ngữ” của Nguyễn Huy Oánh.

(11) Lã Nhâm Thìn: Thơ Nôm Đường luật, Nxb. Giáo dục, H. 1998, tr.25.

(12) Chúng tôi xin gửi lời cảm ơn đến PGS.TS. Lại Văn Hùng đã cung cấp cho chúng tôi chi tiết thú vị này! Sau đó, trong chuyến đi điền dã vào làng Trường Lưu nhân Hội thảo Nguyễn Huy Oánh - danh nhân văn hóa (ngày 26 tháng 10 năm 2007), chúng tôi cũng đã được con cháu dòng họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu cung cấp thêm thông tin về chi tiết này. Nhân đây, chúng tôi xin gửi lời tri ân./.

(Tạp chí Hán Nôm, Số 6 (85) 2007; Tr.22-27)

In
Lượt truy cập: