Nghiên cứu Hán Nôm >> Tác giả >> T >> Nguyễn Đức Toàn
Nguyễn Đức Toàn
77. Lời bàn về Thái hậu Ỷ Lan qua biển gỗ đền Phú Thị

Cập nhật lúc 10h47, ngày 11/08/2009

LỜI BÀN VỀ THÁI HẬU Ỷ LAN QUA BIỂN GỖ ĐỀN PHÚ THỊ

 

NGUYỄN ĐỨC TOÀN

Viện Nghiên cứu Hán Nôm

 

Đền Phú Thị nằm trong một quần thể di tích bao gồm Đình - Đền - Chùa thuộc địa bàn phường Phú Thị, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Đất Phú Thị còn có tên gọi Nôm là làng Sủi, nên đình - đền - chùa cũng còn được gọi gắn với tên địa danh ấy, đền Sủi, chùa Sủi. Tương truyền, chùa Sủi có tên chữ là Đại Dương Thiền tự do Thái hậu Ỷ Lan cho xây dựng từ thời Lý, hiện trên văn bia tại chùa vẫn còn nhắc đến. Theo chính sử ghi, Thái hậu rất sùng đạo Phật, cho xây nhiều chùa chiền, mà cũng tục truyền Thái hậu do ân hận về việc giết hại Dương thái hậu nên cho xây chùa để sám hối:

Quý Sửu, /Thái Ninh/ năm thứ 2 [1073], (Tống Hy Ninh năm thứ 6). Giam Hoàng thái hậu họ Dương, tôn Hoàng thái phi làm Linh [7a] Nhân hoàng thái hậu. Linh nhân có tính ghen, cho mình là mẹ đẻ mà không được dự chính sự, mới kêu với vua rằng: "Mẹ già khó nhọc mới có ngày nay, mà bây giờ phú quý người khác được hưởng thế thì sẽ để mẹ già vào đâu?". Vua bèn sai đem giam Dương thái hậu và 76 người thị nữ vào cung Thượng Dương, rồi bức phải chết chôn theo lăng Thánh Tông.

Ất Mùi, /Hội Tường Đại Khánh/ năm thứ 6 [1115], (Tống Chính Hòa năm thứ 5), … Thái hậu dựng chùa thờ Phật, trước sau hơn trăm chùa. (Tục truyền rằng thái hậu hối về việc Thượng Dương thái hậu và các thị nữ vô tội mà bị chết, làm nhiều chùa Phật để sám hối rửa oan).

   Nhưng nội dung tấm biển gỗ treo tại đền Sủi, có niên đại năm Nhâm Thân niên hiệu Bảo Đại thứ 7 (1932), do Cử nhân Hoàng Thúc Hội soạn, căn cứ đối chiếu với tư liệu thần tích tại đền lúc đó lại có lời bàn tương đối độc lập so với lời “tục truyền” trong chính sử. Chúng tôi xin giới thiệu nguyên văn, phiên âm và thêm tư liệu để hiểu dịch tấm biển này, mong cung cấp thêm nguồn tư liệu tại địa phương về Thái hậu Ỷ Lan, góp phần gợi hé về vụ án cung Thượng Dương cách đây gần 10 thế kỷ.

Nguyên văn chữ Hán:

占監異而

廿

Dịch nghĩa:

Phụng án rằng: Ỷ Lan phu nhân họ Lê(1) phối duyên với vua Lý (Thánh Tông), như ngọc hoàng, ngọc vũ(2) ngưng kết điềm lành, sinh ra vua (Lý) Nhân Tông, quang hoa rực rỡ(3), triệu phát cát tường đã sẵn rõ. Nghe tục truyền rằng, phu nhân là người đẹp, được vẻ nữ trang ngư cốt, duyên gót phượng vào cung(4), không phải qua tuyển chọn khắt khe. Khảo xét trong chính sử thì các việc khi vua Thánh Tông đi chinh phạt Chiêm Thành, bà làm Giám quốc, công lớn khắp triều. (Giúp) chuộc kẻ nghèo hèn, (dựng) vợ cho người cô độc(5), khiến những nhà nghèo khó cũng được vui vẻ làm ăn(6), người dân trong nước ca tụng là Phật Quan âm(7). Trong đám cung phi, hoàng hậu ít người sánh kịp. Duy có một vụ án cung Thượng Dương là gây tiếng lụy lớn(8). Sử sách lại cho rằng Phu nhân về sau hối hận vì cái án ấy mà làm nhiều điều phúc, xây dựng chùa chiền để tự sám hối(9), thành ra cái án sắt như vậy. Nhưng mà, khảo trong Ngự án chính biên(10) thì Dương phi không phải là mẹ đích (của Nhân Tông), lời biện luận thế là đã rõ ràng. Lại tham khảo ở ghi chép trong Thần tích(11), thì thấy (có đoạn):

Phu nhân khi còn nhỏ có nói: “(Ta) ngày sau ắt sẽ đại quý, chỉ hiềm không tránh được ách hạn 18 năm thôi”.

Quả nhiên, nơi ruộng bãi dựa gốc lan, lá dâu vầng mây rủ lọng(12), đúng là duyên trời sắp đặt vậy. Đương lúc ấy, gội ơn vua quế dịch ân nồng, nơi tiêu phòng chuyên lòng sủng ái(13). Lấy tình thường mà luận, họ Dương kia chưa chắc đã không đem lòng đố kỵ. Đến như (lúc ấy) ngôi hoàng thái tử còn đương muộn màng(14), nên lòng vua càng thêm say đắm. Thánh quân (làm lễ) cầu khấn Phật Quan âm ban con cho, mà đây kia lại thêm lấy vẻ tướng hình bên ngoài(15) giả tác là có mang, âm mưu đoạt con, ngấm ngầm sàm tấu để giam cầm người mẹ. Thiết tưởng, ấy là do họ Dương kia làm nên mà bọn cung nhân thì hùa theo bè đảng. Suốt 18 năm trời nơi lãnh cung, đèn côi bóng chiếc, niệm phật tụng kinh, chịu cái khổ như ở cung Trường Môn(16). Huống chi lại còn xét với việc thời bấy giờ của người Tống ghi, từng so ví (việc ấy) với án Lưu - Lý của Bao Công vậy(17). May thay, cung Chấn vầng dương(18) hiện, hạn hán tai ương cũng liên quan đến việc người(19). Phải chăng kẻ làm con thờ cha mẹ mà không đủ hiếu chăng ! Chúa thượng tự lui về chốn ruộng dâu để tự trách(20), mong có cơ mà vãn hồi ý trời. Gặp được cung nhân nhắc lại chuyện cũ, chốn u cung thúc giá tìm đến, mưa ngọt theo xe tưới nhuần, cái cơ cảm ứng thật nhạy bén. Người mẹ gặp được con mà đầu bạc hai búi, bệnh gánh hai vai(21). Vậy nên lòng hận của vua thật là sâu mà dẫn đến việc gia hình quá lạm vậy. Phu nhân lại thuận theo mà khuyên giải khoan dung(22), thật đáng gọi là Phật Quan âm vậy. Nhưng còn chuyện thâm cung giam cấm, bức tuẫn táng chốn sơn lăng, ấy hoặc là do họ Dương kia tự gây nên mầm nghiệt họa chăng! (Chứ) không phải như vậy, thì chỉ lấy việc ghen ghét không được tham dự chính sự, thì người nhân đức, đâu đến nỗi tàn sát, lại liên lụy tai vạ động đến tận 76 cung nhân ư(23) !

Cứ theo lời nói ở đây so với chính sử thì khác xa mà cả tình cả lý lại có vẻ hợp, chứ không thể coi đấy là những điều dư thừa hỗn tạp của văn chương(24) mà bỏ, lược thuật qua loa được. Nhưng những điều ghi chép đây, lại dùng văn Quốc âm, lại không có chép biểu tấu gì, thì căn cứ vào đâu mà nói.

Mùa đông năm Tân Mùi (1931), (ta) ngẫu nhiên đến thăm đền, làm lễ chiêm bái xong, duyệt xem thần tích, liền đề hai bài thơ, ấy cũng là cái thói thường của kẻ văn gia thôi. Vị sư trụ trì chùa nói: thơ này, không luận bàn về cái khéo cái dở, mà là chỗ phá tan được nghi án của muôn đời, khiến đức ngầm mở phát hào quang, có thể là đầy đủ để làm một lời thuyết giải, xin được khắc lại ở đền. Thế nên làm bài dẫn (này).

Bài 1

Duệ triết giúp vua thành bậc chúa sáng,

Nhưng việc nhỏ trong cung lại phải tự bôn ba.

Nhà vua mấy lần đi đánh phương Nam thì không có một họa nhỏ nào,

Việc nội trị trong nước vẫn giữ được như cũ, nghiệm như việc hái dâu.

Mười tám năm(25) trời tiêu tan hết khổ hạn,

Hơn hai mươi nơi chùa viện(26) còn sáng tỏ ánh thần quang.

Chỉ vì tuệ quả được đào luyện với phong trần,

Nên sống mới tu chứng thành được trước phật đường.

(Khoan dung đỡ chúa bậc thánh minh,

Trong cung gây hấn chịu một mình.

Nam chinh mấy độ không tai họa,

Nội trị yên bình nghiệm dâu xanh.

Mười tám năm trời tiêu khổ hạn,

Hai mươi chùa viện rạng quang minh.

Phong trần đào luyện nên tuệ quả,

Phật đường đắc đạo chứng tu thành.)

Bài 2

Chớ vì việc nhỏ mọn mà oán trách bậc quân vương,

Mấy năm trời chịu khổ như cung Trường Môn, đức lại càng tỏ rạng.

Mây che phủ khắp ruộng dâu, thực là duyên do trời tác hợp,

Phúc lành ngưng kết, lại có ngày hiện ánh trùng quang.

Tự nhiên hạn hán báo điềm nhân như việc vua nhà Thương,(27)

Đâu cần đến Bao Công phải giả làm Ngọc hoàng.(28)

Ngày sau hoa sen nở thành Phật quả,

Nước ngọt cam đề một nhành dương vẩy khắp.(29)

(Việc chi nhỏ mọn hận quân vương,

Trường Môn chịu khổ đức càng dương.

Mây lành che phủ duyên trời dựng,

Ngưng kết trùng quang phúc cát tường.

Hạn báo điềm nhân Thương hậu cũ,

Bao công chi bận giả Ngọc hoàng.

Ngày sau sen nở nên quả phật,

Cam đề nước ngọt một nhành dương).

    Cử nhân Hoàng Thúc Hội, hiệu Yên Sơn bái đề.(30)

Mùa thu năm Nhâm Thân, niên hiệu Bảo Đại (1932), trụ trì bản tự là Nguyễn Duy Tiến kính chép và khắc.

 

Chú thích:

(1) Ỷ Lan phu nhân (?-1117), họ Lê, chính sử không ghi rõ tên thực là gì, người làng Thổ Lỗi (nay thuộc xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội).

(2) Hoàng: ngọc hoàng; Vũ: ngọc vũ, là hai loại ngọc quý. Ngưng hi: nói đã kết sẵn điềm lành.

(3) 光華復旦 Quang hoa phúc đán: giáng sáng đẹp rực rỡ, tráng lệ.

(4) Nguyên văn: . Đối chiếu trong các bản thần tích về Ỷ Lan, ta đều thấy có mô-típ giống chuyện Tấm Cám, thực không phải ngẫu nhiên đền thờ bà ở Dương Xá còn gọi là đền bà Tấm. Một đoạn trong thần tích chép: “Ỷ Lan tên tục là nàng Tấm,... nàng Tấm chôn xương cá dưới chân giường, quá 100 ngày đào lên thì được bộ hài và quần áo đẹp, có con chim lạ cắp đôi hài của Tấm bay đến kinh chỗ vua Lý Thánh Tông,... sau nhà vua gặp nàng lúc dựa gốc lan, đưa về kinh thử hài thì vừa in, Tấm cũng nhận ra hài cũ của mình ...”. Đây là cách dùng điển cố của Việt Nam. Ý chỉ vẻ đẹp của người con gái từ bộ nữ trang do thần tiên hóa từ xương cá ra. (Thư mục tham khảo, Sđd).

(5)Lại phát tiền kho nội phủ chuộc những gái nghèo đã bị cầm đợ mà gả cho người không có vợ” (KĐVSTGCM, Chính biên, quyển 3).

(6) Nguyên văn: 白屋chỉ nhà nghèo.

(7) “Kỷ Dậu 11, [Thiên Huống Bảo Tượng] năm thứ 2 [1069], (Từ tháng 7 về sau là niên hiệu Thần Vũ năm thứ 1; Tống Hy Ninh năm thứ 2). Mùa xuân, tháng 2, vua thân đi đánh Chiêm Thành, bắt được vua nước ấy là Chế Củ và dân chúng 5 vạn người. Trận này vua đánh Chiêm Thành mãi không được, đem quân về đến châu Cư Liên, nghe tin Nguyên phi giúp việc nội trị, lòng dân [5a] cảm hoá hoà hợp. Trong cõi vững vàng, tôn sùng Phật giáo, dân gọi là bà Quan Âm, vua nói: "Nguyên phi là đàn bà còn làm được như thế, ta là nam nhi lại chẳng được việc gì hay sao?". Bèn quay lại đánh nữa, thắng được.” (ĐVSKTT-BK-QIII).

(8) “Đường thư: Cung Thượng Dương được xây cất giữa niên hiệu Thượng Nguyên đời vua Đường Túc Tông. Vua Đường Cao Tông ở cung ấy, để dự thính triều chính”. Do đó, triều nhà Lý lấy chữ "Thượng Dương" đặt tên cho cái cung của bà Thái hậu ở, Thái hậu ở trong, buông rèm kín cùng xử lý việc nước, vì Thái hậu ở cung ấy nên gọi là Thái hậu Thượng Dương”(Ngự chế Việt sử tổng vịnh).

(9) “Ất Mùi, /Hội Tường Đại Khánh/ năm thứ 6 [1115], (Tống Chính Hòa năm thứ 5). Mùa xuân, tháng giêng, phong ba hoàng hậu là Lan Anh, Khâm Thiên, Chấn Bảo và 36 cung nhân, Bấy giờ vua không có con trai, cho nên lập nhiều hoàng hậu và cung nhân, làm đàn chạy để cầu tự. Thái hậu dựng chùa thờ Phật, trước sau hơn trăm chùa. (Tục truyền rằng thái hậu hối về việc Thượng Dương thái hậu và các thị nữ vô tội mà bị chết, làm nhiều chùa Phật để sám hối rửa oan) (Sđd).

(10) Ngự án chính biên: chỉ có lời phê trong Ngự chế Việt sử tổng vịnh mới xưng là “Ngự án”như vậy. (?)

(11) Nói Thái hậu họ Dương không phải mẹ đích của Lý Nhân Tông. Thần tích đền Phú Thị, nơi có đền thờ Nguyên phi Ỷ Lan. Chúng tôi không được tiếp xúc với bản thần tích này, tuy vậy chúng tôi đã tham khảo các bản thần tích khác về Thái hậu Ỷ Lan hiện có tại Viện nghiên cứu Hán Nôm với nội dung tương tự. (X. Thư mục tham khảo)

(12) Các bản thần tích đều chép khi Ỷ Lan ở ruộng dâu thì trên đầu như có mây rủ che, là điềm phú quý.

(13) Quế dịch: Từ nguyên không có từ này, chúng tôi tạm hiểu là nói sự ơn mưa móc; Tiêu phòng: , chỉ nơi hoàng hậu ở.

(14) “Quý Mão, [Chương Thánh Gia Khánh] năm thứ 5 [1063], (Tống Gia Hựu năm thứ 8). Bấy giờ vua xuân thu đã nhiều, tuổi 40 mươi mà chưa có con trai nối dõi, sai Chi hậu nội nhân Nguyễn Bông làm lễ cầu tự ở chùa Thánh Chúa, sau đó Ỷ Lan phu nhân có mang, sinh hoàng tử Càn Đức tức Nhân Tông” (Sđd).

(15) Nguyên văn: Bỉ thử ích dĩ tướng hình. Theo mạch văn đối chiếu cùng các bản thần tích thì Dương hậu ngầm mưu giả có thai để tráo đổi, đoạt con của Ỷ Lan. (Thần tích, xem thư mục tham khảo).

(16) Trường Môn: Tên một cung điện dưới thời Hán Vũ Đế, là nơi giam cầm các phi tần bị thất sủng.

(17) : Bao Công Lưu Lý án: tức vụ án thời Tống Nhân Tông, Bao Công xử án vụ Li miêu hoán chúa, Lý phi thông mưu với Quách Hòe tráo đổi con trai của Lưu Chiêu nghi để giành ngôi, sau con trai của Chiêu Nghi lên ngôi, sự việc bị phát giác, Bao Công xử án cho tìm lại họ Lưu để minh oan.

(18) Chấn cung nhật xuất: cung Chấn, trong quẻ Dịch chỉ ngôi của Hoàng Thái tử, đây chỉ Lý Nhân Tông.

(19) Hạn bại: tên vị thần chủ việc nắng hạn, tức chỉ việc hạn hán, tai ương. Ý cả câu nói thuyết “thiên nhân cảm ứng”, do chính sự có điều u ám bất minh dẫn đến thiên tai.

(20) Tang lâm: địa danh, thời vua Thang, 7 năm hạn hán, vua lấy năm việc để tự trách, đến Tang Lâm cầu đảo. Đoạn này nói trời hạn hán, Lý Nhân Tông theo phép cổ tự trách bản thân, tìm lỗi lầm để cầu giải hạn.

(21) Ý nói, lúc 2 mẹ con nhận được nhau thì người mẹ đã già, yếu.

(22) “...Vua và mẹ hận Dương hậu trá mưu, liền giết những cung tần cùng mưu gian 72 người, chôn theo lăng Thánh Tông, Dương thị vì trước hại mẹ mình. Lê thị ngăn can không được liền dựng 72 ngôi chùa lớn để tụng kinh... ” (Thần tích AEa3/17).

(23) Quý Sửu, Thái Ninh năm thứ 2 [1073], (Tống Hy Ninh năm thứ 6). Bấy giờ mưa dầm, rước phật Pháp Vân về kinh để cầu tạnh. Cúng thần núi Tản Viên. Giam Hoàng thái hậu họ Dương, tôn Hoàng thái phi làm Linh [7a] Nhân hoàng thái hậu. Linh nhân có tính ghen, cho mình là mẹ đẻ mà không được dự chính sự, mới kêu với vua rằng: "Mẹ già khó nhọc mới có ngày nay, mà bây giờ phú quý người khác được hưởng thế thì sẽ để mẹ già vào đâu?". Vua bèn sai đem giam Dương thái hậu và 76 người thị nữ vào cung Thượng Dương, rồi bức phải chết chôn theo lăng Thánh Tông.(Sđd); Thần tích chép là 72 người.(Sđd).

(24) Bài: Từ nguyên giải thích: 1. Cỏ tạp; 2. Thông xưng của tiểu thuyết, tạp gia. Đây chỉ các ghi chép bằng Quốc âm trong các bản Thần tích mà Hoàng Thúc Hội đã đối chiếu. Tạm hiểu là: không nên vì coi những điều chép của Thần tích là vụn vặt, tạp nhạp mà lược bỏ đi. Xem xét thấy nó hợp tình hợp lý hơn là những lời luận trong chính sử. Chúng tôi tạm thông dịch là những điều dư thừa hỗn tạp của văn chương.

(25) Mười tám năm: tức là 18 năm Ỷ Lan phu nhân bị Hoàng hậu Thượng Dương sàm tấu, bị giam cầm nơi lãnh cung.

(26)Thái hậu dựng chùa thờ Phật, trước sau hơn trăm chùa” (Sđd). Đây thì cho là hơn hai mươi 廿.

(27) Thương hậu, tức nói vua Thành Thang nhà Thương. Xem chú thích 15.

(28) Bao Công xử án Quách Hòe, hoạn quan chủ mưu tham gia vụ án Lưu - Lý. Quách Hòe thề khi nào chết gặp Diêm vương mới khai sự thật. Bao Công sai mọi người thiết đặt công đường như Âm ti, giả làm Diêm vương phán xét sự dương thế, khiến Quách phải khai. Đây lại ghi là giả Ngọc hoàng, hoặc giả giai thoại trong thần tích có dị bản chăng; Thần tích chữ Nôm chép trong các bản tục lệ AFa5/6, AEa3/17 cũng có mô-típ tương tự: vua Nhân Tông cho thiết đặt cảnh Thiên đường địa ngục để lấy cung khai của các cung nữ đồng mưu với Dương hậu.

(29) Dùng lại điển ví Ỷ Lan phu nhân như Phật Quan âm, dùng nhành dương liễu rẩy nước Cam Lộ khắp nhân gian.

(30) Hoàng Thúc Hội (1870-1938) tự là Gia Phủ, hiệu Cúc Hương, biệt hiệu Yên Sơn, người Hạ Yên Quyết, huyện Từ Liêm. Đỗ Cử nhân năm 1906, không làm quan, ở nhà dạy học. Để lại nhiều tác phẩm, thơ văn đề vịnh./.

In
Lượt truy cập: