Nghiên cứu Hán Nôm >> Tổng mục lục
Lê Đình Hùng
34. Tiếp cận hai chữ “Việt cố” trên bia mộ thời chúa Nguyễn (Dẫn liệu từ vùng Trị-Thiên)

Cập nhật lúc 12h13, ngày 11/08/2009

TIẾP CẬN HAI CHỮ “VIỆT - CỐ” TRÊN BIA MỘ THỜI CHÚA NGUYỄN

(Dẫn liệu từ vùng Trị - Thiên)

LÊ ĐÌNH HÙNG

Phân viện Nghiên cứu Văn hóa Thông tin tại Huế

 

1. Dẫn nhập

Từ một số phát hiện, kiến giải, nhận định của các nhà nghiên cứu

- Chuyên khảo Lăng mộ của người An - Nam trong phụ cận Huế, xuất bản năm 1928, của L. Cadière, qua 317 ngôi mộ được ông khảo sát, trong đó có 5 bia mộ xuất hiện hai chữ “Việt cố”. Hai chữ này được lý giải: “Việt cố, (vương quốc) Việt ngày xa xưa. Chữ ‘cố’ được dùng khi cần chỉ người quá cố”;“Cổ Việt” từ ngữ thường kể lại cho chúng ta biết hoặc là vào thời Gia Long, hoặc là những triều vua chúa trước đó” (L. Cadière, 2004: 61, 81). Hai chữ này được dịch: “nước Việt xưa”; “nước Cổ Việt”; “Nước Việt cổ”; “nước Việt ngày cũ” bởi dịch giả Hà Xuân Liêm (L. Cadière, 2004: 60, 61, 93, 95). Nhận định của L. Cadière đã ảnh hưởng lớn đến những người quan tâm sau này.

- Ở một bài nghiên cứu khác, tác giả Lê Anh Tuấn, viết: “...nội dung văn khắc (Việt cố, địa danh, chức tước) v.v... có tính phổ biến trong giai đoạn này”, kèm theo chú thích “... chữ Việt cố (cố: xưa cũ, gốc) xuất hiện rất phổ biến trong hầu hết văn bia, bài vị thời tiền Nguyễn (bia Thiên Mụ, Chiêu Nghi, Trần Quý Công, Trần Thị phu nhân, Nguyễn phu quân(1) v.v...; bài vị bà Thừa Thiên, Chiêu Nghi v.v...). Tuy nhiên, sự xuất hiện chữ ‘Việt cố’ trên bia không do một quy tắc nào, mà tự cá nhân người lập bia khắc vào, mang hàm ý chỉ gốc tích của người quá cố: Người Việt (nên không phải bia thời chúa nào cũng có). Hơn nữa, vào giai đoạn lịch sử phức tạp này, không cho phép các chúa, quan lại ghi niên hiệu riêng mà vẫn sử dụng niên hiệu của vua Lê, vì thế đến đời Gia Long mới xuất hiện Hoàng Việt hay Hoàng Triều. Trong rất nhiều giả thiết, phải chăng “Việt cố” chính là những lưu dân người Việt đầu tiên có mặt ở Đàng Trong, có thể sớm hơn thời Chúa Nguyễn (?)” (Lê Anh Tuấn, 2004: 133-134).

- Ấn phẩm Văn hóa xứ Quảng một góc nhìn, cũng có đề cập: “Ở Đà Nẵng hiện còn nhiều bia mộ cổ, như bia mộ hai ông bà người họ Lê ở phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, bia được lập vào các năm 1638, 1645, bia mộ bà Phan Thị Hy cũng ở phường Hòa Hải, được lập vào năm 1792, bia mộ ông Lê Thống Chế ở xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang được lập vào năm 1829 (?) và còn rất nhiều bia khác mà trên trán bia thường ghi hai chữ “Việt cố”, còn nhiều ở các địa phương như phường Nại Hiên Đông, Phước Mỹ (Sơn Trà), xã Hoà Phong, Hoà Khương (Hòa Vang), phường Hòa Quý (Ngũ Hành Sơn)... Với hai chữ “Việt cố” dường như để nhớ về quê hương đất Việt, quê cha đất tổ ở Đàng Ngoài (Võ Văn Hòe, Hồ Tấn Tuấn, Lưu Anh Rô, 2007: 39-40).

- Trên một số phương tiện thông tin khác còn cho biết có những phát hiện về bia mộ, bài vị có hai chữ “Việt cố” ở một số địa bàn như: Quảng Trị, Thừa Thiên, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Đồng Nai. Căn cứ vào hai chữ “Việt cố” đã giúp ích cho những người nghiên cứu, khảo sát, đưa tin, xác định niên đại của các di vật, di tích lăng mộ nhưng không có giải thích gì thêm về hai từ này.

- Câu hỏi đặt ra

Qua những thông tin mà các nhà nghiên cứu trước cung cấp, đã cho chúng tôi có một cái nhìn cơ bản về vấn đề đang quan tâm, đặc biệt khá chính xác về giai đoạn lịch sử xuất hiện loại bia mộ có hai chữ “Việt cố”, cũng như địa bàn phân bố chúng. Tuy đã có những lời giải thích, kiến giải rất thuyết phục, nhưng các tác giả chưa lý giải một cách rõ ràng. Hẳn nhiên, đây không phải là nội dung chính mà các tác giả giải quyết trong những bài nghiên cứu của mình.

“Việt cố” có thể hiểu là “nước Việt xưa” không? Hay nên hiểu, hai chữ này “hàm ý nghĩa chỉ gốc tích của người quá cố: Người Việt”; “dường như để nhớ về quê hương đất Việt”? Nếu hiểu như vậy đáng lẽ phải là: “Cựu Việt”, “Cố Việt”, hay “Nguyên Việt”, “Bản Việt”, “Hoài Việt”... mới đúng ý nghĩa cũng như trật tự từ(2).

Nếu xác định, từ “Việt” là một danh từ chỉ quốc gia, quốc hiệu (Đại Việt), thì ở trường hợp này, từ “cố” đứng sau một danh từ, nó phải mang chức năng ngữ pháp như một động từ, có nghĩa là ‘chết’. Như thế “Việt cố” phải hiểu là: Nước Việt đã chết/mất. Điều này không thể chấp nhận. Hơn nữa, vào những thời điểm tạo lập các bia mộ, quốc hiệu của nước ta, chung cho cả Bắc Hà và Nam Hà vẫn là Đại Việt, cho nên hai từ “Việt cố” không thể hiểu là nước Việt xưa, một đất nước trong dĩ vãng.

Vậy, hai chữ “Việt cố” nên hiểu như thế nào? Chúng biểu thị điều gì? Tại sao xuất hiện trong bối cảnh lịch sử xã hội ở Đàng Trong? Những câu hỏi đó chưa thể trả lời một cách xác quyết được. Trong bài viết này, chúng tôi tìm kiếm câu trả lời, dưới vài góc độ tiếp cận.

- Địa bàn khảo sát:

Quảng Trị - Thừa Thiên, vùng đất có nhiều biến động về lịch sử xã hội, do vậy, địa danh và cương vực địa lý cũng được thay đổi nhiều lần. Dù, nơi đây được xem là chốn “ác địa”, “tử địa”, nơi “biên viễn”, vùng “phiên trấn”..., nhưng, nó có một vị thế quan trọng trong chiến lược “mở cõi”, đối với các triều đại phong kiến Việt Nam.

Vị thế chiến lược đó, dưới thời các chúa Nguyễn, được phát huy tích cực, mạnh mẽ. Điều này không chỉ làm thay đổi diện mạo của một vùng đất, mà còn tạo nên một thế đứng vững chắc cho cuộc “Nam tiến” của người Việt trên toàn cõi Đàng Trong, và hội đủ những điều kiện để phân định sơn hà(3). Địa bàn Quảng Trị - Thừa Thiên, vốn xứ Thuận Hóa(4), là nơi được các chúa Nguyễn chọn để xây dựng dinh, phủ, đô thành, rồi sau đó trở thành kinh sư dưới vương triều Nguyễn(5). Chính từ vị trí chiến lược quân sự, vai trò chính trị, nên Trị - Thiên là nơi tập trung khá nhiều nét tiêu biểu không chỉ là lịch sử - văn hoá có tính chất địa phương, mà còn phản chiếu bối cảnh lịch sử xã hội của xứ Đàng Trong. Đồng thời, trên vùng đất này cũng là nơi tập trung nhiều người thuộc giới quý tộc, đội ngũ quan chức của chính quyền dưới thời các chúa Nguyễn. Hẳn nhiên, khi khảo sát về bia mộ trong giai đoạn lịch sử này sẽ cho chúng tôi một số lượng khả quan cũng như các dạng thức điển hình của một giai đoạn lịch sử xã hội.

2. Tiếp cận hai chữ Việt - cố (越 故)

2.1. Chương pháp bia mộ, vị trí của hai chữ “Việt cố”

Hầu hết bia mộ có hình chữ nhật đứng, dạng thức này còn được gọi là: điều phúc, lập phúc, trực phúc, thụ phúc, trung đường. Vì vậy, chương pháp(6) trên bia mộ phải tuân thủ một số quy tắc nhất định. Thông thường những chữ viết trên bia được chia làm hai phần: chính văn và lạc khoản.

Phần chính văn được viết ở chính giữa lòng bia. Kích thước chữ của dòng chính văn bao giờ cũng lớn hơn nhiều so với phần lạc khoản. Nếu bia được viết nhiều chữ, thì các chữ có xu hướng hạn chế dần về chiều cao và khoảng cách giữa các chữ cũng được thu hẹp để cân đối với bố cục và chỉ được thể hiện trên một dòng. Đây là dòng chữ thể hiện: chức, tước, thuỵ, hiệu, tính... của người quá cố, và kết thúc bằng chữ “chi mộ” (之 墓)(7).

Phần lạc khoản, không phải bất kỳ tấm bia mộ nào cũng phải có. Nếu có, lạc khoản được viết hai bên sao cho tương xứng với phần chính văn trong một chỉnh thể hài hòa. Phần bên phải thường ghi niên hiệu, tuế thứ, nguyệt, nhật; còn phần bên trái ghi người tạo lập bia mộ. Quy cách viết lạc khoản trên một tấm bia mộ, bao giờ bên phải cũng cao hơn so với bên trái(8).

Riêng hai chữ “Việt cố”, có hai cách viết phổ biến: (1) đối xứng với dòng chính văn (chữ “Việt” ở bên phải, chữ “cố” ở bên trái); (2) cùng một dòng với dòng chính văn (chữ “Việt” trên và chữ “cố” dưới). Nhưng bao giờ chữ “Việt” cũng luôn được viết “đài”, ở vị trí cao nhất so với những chữ khác trên bia mộ.

Như chúng ta đã biết, trong một văn bản chữ Hán, theo cách viết truyền thống, những chữ viết “đài”, bao giờ cũng thể hiện sự tôn kính đối với đối tượng mà chữ đó biểu đạt. Những chữ được viết đài thường là danh từ tôn xưng như: Thần, Thánh, Phật, Hoàng Đế, Tổ, Cao... hay những từ biểu đạt quốc hiệu, triều đại... Ở đây hai chữ “Việt” được viết trên bia mộ, theo chúng tôi, cũng là một cách biểu thị sự tôn kính, trang trọng đó, đồng thời đó là một quy cách viết thể hiện tính tôn ty của văn tự Hán.

2.2. Trên phương diện ngữ nghĩa

- Việt (): vượt qua, phát dương, nước Việt.

- Cố (): việc, cớ (nguyên nhân), cũ, chết.

Nếu như ghép hai từ này lại với nhau, theo thứ tự được khắc trên bia đá sẽ có nhiều nghĩa, hợp lý cũng như bất hợp lý. Ở đây chúng tôi không làm điều này, để sau đó làm phép biện giải, loại suy những cách hiểu bất hợp lý. Kế thừa cách hiểu của các nhà nghiên cứu trước, trong trường hợp này, chúng tôi hoàn toàn đồng ý với họ, trong cách hiểu từng từ riêng lẻ, “Việt”: nước Việt; “cố”: chỉ người đã quá cố (chết). Ngoài ra, từ “cố” còn là một từ tình thái, biểu thị sự tôn kính, trang trọng đối với người đã qua đời.

Tuy nhiên, chúng tôi không đồng tình với cách ghép lại từ này để dịch giải như các nhà nghiên cứu trước đó. Ở đây, chúng tôi tạm tách chúng ra để xem xét, dịch giải. Từ “Việt”, trong trường hợp chúng tôi đang đề cập, về mặt từ loại, nó là một danh từ, dùng để chỉ quốc gia và là một thành tố biểu thị quốc hiệu, dân tộc(9). Còn từ “cố” là một hình dung từ, đứng trước một cụm danh từ, trực tiếp bổ nghĩa cho cụm danh từ đó. Cụ thể, “cố” là từ bổ nghĩa cho chức tước, tính danh của người được khắc trên bia mộ, chứ không phải trực tiếp bổ nghĩa cho từ “Việt”.

Ví dụ: Việt cố Chánh Đội trưởng Võ quý công chi mộ.

- Cách hiểu của L. Cadière: “Mộ của quý công họ Võ, chức chánh đội trưởng, của nước Việt xưa” (Cadière, 2004: 60).

- Chúng tôi tạm dịch: Việt - Mộ của Cố Chánh Đội Trưởng, Võ quý công(10).

Có thể dựa trên việc quan sát những bia mộ có cách viết ngang hai từ “Việt cố”, mà các nhà nghiên cứu trước không tách chúng ra để dịch giải. Do vậy, có những cách hiểu khác nhau về hai từ này. Theo chúng tôi, cách hiểu về hai từ “Việt - cố” trên bia mộ dưới thời các chúa Nguyễn, không nên ghép hai từ này với nhau để dịch giải. Bởi vì, trên thực tế có hai hình thức trình bày hai chữ “Việt cố”, chứ không chỉ một cách viết ngang, đối xứng với dòng chính văn(11). Điều này cho thấy, không nhất thiết nhận định đây là một kết cấu có tính chất cố định về ngữ nghĩa. Cho dù, cách thể hiện hai chữ “Việt - cố” trên bia mộ đối xứng với dòng chính văn. Đây là một hình thức chương pháp thể hiện sự cân đối, đẹp mắt, đồng thời giảm sức ép số lượng chữ, khi phải thể hiện chính văn trên một dòng(12). Hình thức đó không phải là sự quy định về liên kết ngữ nghĩa chặt chẽ giữa hai từ này.

2.3. Trên phương diện lịch sử - văn hóa

Trong những bối cảnh lịch sử xã hội cụ thể bao giờ cũng có những tác động đến mọi mặt của cuộc sống và để lại những dấu ấn nhất định.

Quá trình điền dã, tìm kiếm những di tích, di vật dưới thời các chúa Nguyễn, trong những năm vừa qua, trên địa bàn Trị - Thiên, chúng tôi nhận thấy, phần lớn những ngôi mộ được tạo lập vào giai đoạn này không có bia mộ. Nếu có thì chúng được tạo lập rất muộn sau này(13). Bia mộ dưới thời các chúa Nguyễn, còn tồn tại đến ngày nay, có một số lượng rất khiêm tốn. Qua những thông tin đọc được trên bia mộ cho thấy, chủ nhân của những bia mộ đó chủ yếu tập trung vào tầng lớp quan lại và giới quý tộc của xã hội Đàng Trong. Có thể trong quá khứ, bia mộ của những người từng là quan chức dưới thời các chúa Nguyễn đã bị phá hủy một phần trước sự thay đổi của các vương triều. Nếu chủ nhân của các bia mộ là những người từng là thù địch của triều đại trước(14).

Mặc dù số lượng bia mộ được tạo lập dưới thời các chúa Nguyễn, còn lại đến ngày nay không nhiều, nhưng cũng đủ cho chúng ta nhận thấy một đặc điểm chung nhất, tiêu biểu nhất, đó là trên bia có khắc hai chữ “Việt - cố”(15). Rõ ràng, đây không phải là điều ngẫu nhiên hay sự tùy tiện của người lập bia mộ, mà có sự tương quan nhất định với bối cảnh lịch sử xã hội, văn hoá ở Đàng Trong.

Trong tang lễ truyền thống của người Việt, có ba loại văn bản tóm tắt, mang tính cá thể, về người quá cố, đó là minh tinh, bài vị, bia mộ(16). Truyền thống đó vẫn còn được bảo lưu cho đến ngày nay.

Ba loại văn bản này, cách thức thể hiện nội dung có những nét tương đồng nhất định. Có khi chúng là bản sao nội dung của nhau. Tuy nhiên, công dụng, mục đích và thời gian sử dụng chúng thì hoàn toàn khác nhau. Điểm khác biệt giữa ba loại văn bản này, có thể dễ dàng nhận ra ở các chữ viết kết thúc của từng loại văn bản. Cụ thể các chữ cuối đứng sau chữ “chi” như: (minh tinh) chi linh cữu, (bài vị) chi vị, (bia mộ) chi mộ. Do công dụng, thời gian sử dụng khác nhau nên chất liệu để thể hiện chúng cũng chọn lựa cho phù hợp(17).

Ngày nay, khảo cứu nội dung bia mộ dưới thời các chúa Nguyễn, có thể giúp chúng ta hình dung được cách thể hiện nội dung của minh tinh, bài vị. Ngược lại, khi xem xét bài vị hay minh tinh, chúng ta cũng có thể nhận thấy một sự tương đồng nhất định với bia mộ. Chẳng hạn, qua một số bài vị được tạo lập vào thời các chúa Nguyễn, còn lại đến ngày nay, trên một số bài vị cũng có hai chữ “Việt - cố”(18) tương tự như bia mộ. Đối với minh tinh, không thể tìm được một di vật đồng đại trong việc đối sánh với bia mộ. Tuy nhiên, nhìn nhận qua cách thiết lập minh tinh vẫn còn được gìn giữ và truyền thừa đến ngày nay có thể nhận ra một số nét tương đồng. Đó là việc thể hiện quốc hiệu, địa danh, sau đó là từ “cố”... trên những minh tinh(19).

Danh từ “Việt”, một tên gọi mang ý nghĩa là quốc hiệu, để xác nhận, khẳng định chủ quyền, sự bình đẳng và để phân biệt với các quốc gia khác. Nhưng đối với người chết, khi viết / khắc chữ này trên bia mộ, bài vị, minh tinh nó mang ý nghĩa biểu thị quốc tịch của người đó. Đây như một nguyên tắc mặc định, mang tính phổ quát, xuyên suốt các giai đoạn lịch sử. Chữ “Việt” trên bia mộ thời chúa Nguyễn cũng được hiểu trên tinh thần như vậy. Đó là một ánh xạ của bối cảnh lịch sử xã hội, còn lưu lại trên bia mộ còn tồn tại đến ngày nay.

Trong giai đoạn phân liệt, Đàng Ngoài, chúa Trịnh chuyên quyền, thế lực có thể lật đổ vua Lê; Đàng Trong, chúa Nguyễn hùng cứ, thế lực hoàn bị, phân đôi Sơn Hà. Thế nhưng, về hình thức các chúa Nguyễn chỉ được triều Lê - Trịnh ban phong, thừa nhận tước vị là quận công, quốc công, chính danh được phép cai quản vùng đất ở phương Nam. Khi “đã có một nửa non sông”(20), hội đủ thế và lực, các chúa Nguyễn có thể lập nên một vương triều, xác lập quốc hiệu, ban bố niên hiệu trên lãnh thổ mà mình cai quản, nhưng chưa có vị chúa nào thực thi điều này(21). Nếu thực thi, theo quan điểm của Nho giáo để nhìn nhận, đó là sự bất chính, phản thần, soán nghịch... Đây là điều hoàn toàn bất lợi cho chiến lược nhân tâm của các chúa Nguyễn, khi họ chưa đủ sức để nhất thống sơn hà. Do vậy, sau này khi Nguyễn Phúc Chu tự tôn xưng mình làm Quốc Chúa, hay Nguyễn Phúc Khoát tự lập vương hiệu Đại Việt Quốc Vương, nhưng vẫn không xác lập riêng một quốc hiệu, mà vẫn dùng quốc hiệu Đại Việt, hay còn xưng gọi “Việt quốc”(22), và vẫn sử dụng niên hiệu của vua Lê(23). Sự xuất hiện chữ “Việt” và các niên hiệu của vua Lê trên bia mộ là một hệ quả trực tiếp của bối cảnh lịch sử xã hội Đàng Trong. Đó là một dấu ấn của một giai đoạn lịch sử - văn hóa, thời Tiền Nguyễn.

Từ niên điểm 1804 trở về sau, theo chúng tôi, hai chữ “Việt - Cố” trên bia mộ không còn xuất hiện phổ biến, mà được thay thế bằng hai chữ khác là “Hoàng Việt”. Nhưng hai chữ “Hoàng Việt” không phải được dùng cho tất cả các bia mộ mà chỉ tập trung vào các đối tượng là quan chức và và các vị phu nhân, dưới triều Gia Long. Sau khi Minh Mạng kế vị quốc hiệu nước ta lại được thay đổi(24), tương ứng điều này bia mộ lại xuất hiện hai chữ “Đại Nam”. Từ đó về sau còn xuất hiện thêm các chữ như: "Hoàng Triều", "Đại Nam Hoàng Triều"... trên bia mộ của quan chức dưới triều Nguyễn(25). Đặt các chữ đó trong mối liên hệ với hai chữ “ Việt - cố” chúng ta sẽ thấy được một sự tiếp biến về cách thức thể hiện trên bia mộ. Nhưng, trên phương diện hình thức và ngữ nghĩa, rõ ràng đã có một sự thay đổi rõ nét, cho tương ứng và phù hợp với bối cảnh lịch sử xã hội đương thời.

Cùng với sự thay đổi quốc hiệu, chữ “cố” trên bia mộ được dùng phổ biến dưới thời chúa Nguyễn, ít xuất hiện trở lại trên các bia mộ sau này. Thay thế cho chữ “cố” là chữ “hiển” ()(26). Chữ “hiển” xuất hiện ngày càng nhiều và trở thành mẫu thức chung cho hầu hết các bia mộ đời sau, kể cả bia mộ được viết bằng ký tự latinh.

Tuy vậy, cách dùng chữ “cố” không phải hoàn toàn bị lãng quên mà nó vẫn luôn được sử dụng để viết minh tinh, và trong cả cách nói viết của người Việt còn lưu truyền đến ngày nay. Trong tiếng Việt đương đại, chúng ta vẫn thường sử dụng từ “cố” để xưng hô tôn kính với những người đã qua đời. Đó là cách con cháu xưng gọi tiền nhân, và mọi người gọi các chức vị, danh vị, nghề nghiệp…, của những người đã qua đời(27).

Từ năm 1945 đến nay, quốc hiệu nước ta được dùng lại là Việt Nam, thì trên các minh tinh chữ “Việt” được dùng trở lại và sau đó là từ “cố” qua gián cách một số từ chỉ địa danh. Nhưng, trên các bia mộ ít / không thấy xuất hiện liền kề hai chữ “Việt - cố”.

Từ những thay đổi của lịch sử xã hội mà cách dùng một số từ cũng cố sự thay đổi tương ứng. Một số từ ít được sử dụng và có thể dần bị lãng quên. Hai chữ “Việt - cố” trên bia mộ thời chúa Nguyễn, là một cách sử dụng khá phổ biến, điều này vô hình trung đã tạo nên một nét riêng của bia mộ trong một giai đoạn lịch sử thời Tiền Nguyễn ở Đàng Trong.

3. Thay lời kết

Từ những cách tiếp cận hai chữ “ Việt - cố”, trên bia mộ thời chúa Nguyễn, qua khảo sát trên địa bàn Quảng Trị - Thừa Thiên, chúng tôi nhận thấy, có những điểm đáng chú ý sau:

- Đối với chữ “Việt”, một danh từ, biểu thị quốc tịch của người quá cố. Đây là một hệ quả của bối cảnh lịch sử xã hội được phản chiếu trên bia mộ.

- Đối với chữ “cố”, một hình dung từ, dùng để bổ nghĩa trực tiếp cho những danh từ chỉ chức, tước, tộc, danh... của người đã quá cố khắc trên bia mộ.

- Nhìn nhận hai chữ “Việt - cố”, trên phương diện hình thức, đó là nét đặc trưng nhất của bia mộ giai đoạn lịch sử thời Tiền Nguyễn. Đây là một trong những đặc điểm quan trọng để nhận diện và đoán định niên đại tạo lập của loại hình bia mộ này và những di tích lăng mộ liên quan.

Mỗi một giai đoạn lịch sử đã qua, đều để lại một số dấu ấn nhất định trên các lĩnh vực của đời sống văn hoá. Chữ “Việt” trên bia mộ thời chúa Nguyễn không phải là một sự xuất hiện mang tính ngẫu nhiên, hay một sự tùy tiện. Mà đó là dấu ấn của một giai đoạn lịch sử xã hội Đàng Trong. Mỗi một tấm bia mộ, nó không chỉ thể hiện một dấu ấn cá nhân của một con người, mà nó còn để lại dấu ấn của thời đại mà con người đó đã từng sinh sống.

Con người được sinh ra và sống trong mỗi thời đại, dù ít hay nhiều, họ cũng có những cống hiến nhất định cho xã hội; hoặc có khi họ được xem là phản nghịch, dưới cái nhìn của những người đối kháng, thù địch. Nhưng chữ “Việt” trên bia mộ của họ cũng toát lên một tinh thần dân tộc. Từ quốc hiệu của đất nước mà họ từng sinh sống, để rồi trở thành quốc tịch của mình được khắc trên bia mộ lưu truyền hậu thế.

Chú thích:

(1) Trong bài viết này, những tấm bia mộ mà chúng tôi dẫn liệu được gọi tên theo địa điểm phát hiện (xã, huyện, tỉnh).

(2) Theo ngữ pháp Hán ngữ, hình dung từ thường đứng trước danh từ để trực tiếp bổ nghĩa cho danh từ đó. Chẳng hạn như: cố quốc, cố quận, cố hương, cố đô, cố nhân...

(3) “... Nhà nước ta, phát tích Ô châu, vâng mệnh dựng nước. Hoàng tổ một phương hùng cứ, đã có một nửa non sông; Thần Tông bảy huyện mở mang, sắp thu cả đất đai gấm vóc. Nghiệp bá đường kinh doanh lớn; ơn trời giúp mở rộng thêm. Minh miếu vũ uy, dẹp yên giặc Đông Phố, Hoàng khảo văn trị trau chuốt lòng dân miền Nam...” (QSQ triều Nguyễn, 2002: 150-151).

(4) Về diên cách, vùng Thuận Hóa xưa, và Trị Thiên nay, không hoàn toàn giống nhau do có sự thay đổi về mặt địa lý hành chính.

(5) Bản triều Thái Tổ Gia Dụ hoàng đế, chịu mệnh trời cho, gây dựng cơ nghiệp ở miền Nam, bắt đầu đóng dinh ở Ái Tử, sau dời đến Trà Bát; Hi Tông Hiếu Văn hoàng đế lại từ Dinh Cát dời đến Phúc Yên; Thần Tông Hiếu Chiêu hoàng đế nhận thấy Kim Long là nơi hình thế đẹp, lại dời dinh đến đấy; Anh Tông Hiếu Nghĩa hoàng đế lại đời dinh đến Phú Xuân, gọi là Chính dinh; Thế Tông Hiếu Vũ hoàng đế mới gọi là đô thành. Những địa điểm đóng dinh đều là đất Thuận Hóa... các chúa thánh thần nối tiếp nhau hơn hai trăm năm. Khoảng năm Giáp Ngọ, Duệ Tông Hiếu Định hoàng đế, quân Trịnh lấn chiếm, sau lại bị Tây Sơn chiếm cứ 30 năm. Thế tổ Cao hoàng đế ta nổi dậy, mệnh trời đánh dẹp... mùa hè năm Nhâm Tuất (1802)... đóng đô ở Phú Xuân, mới gọi là Kinh Sư. (QSQ triều Nguyễn, 1997: 15 - 16).

(6) Chương pháp còn được gọi là phân gian bố bạch hay bố cục. Khi thể hiện một bức chữ Hán người viết / khắc phải có cách phân bố chữ với chữ, hàng với hàng và các hàng với toàn bộ bố cục sao cho chỉnh tề, đẹp mắt.

(7) Trong những bia mộ mà chúng tôi đã khảo sát, có một trường hợp biệt lệ. Nội dung dòng chính văn mang đặc tính chung của một bia mộ thông thường, nhưng không được viết dọc ở lòng bia như tất cả các bia khác mà nó được viết ngang ở cổ bia: “”, (Việt - cố Quý Tần tặng Chiêu Nghi, Từ Mẫn, Trần - Liệt phu nhân chi mộ). Còn toàn bộ phần lòng bia là một bài bi ký. Đây là một hình thức kết hợp bia mộ và bia ký hiếm thấy trên địa bàn Trị Thiên và miền Trung.

Trong bài viết này, chúng tôi không xét đến các bài bi ký, bi minh, dù nó tồn tại độc lập và có vị trí tọa lạc tại các khu lăng mộ. Đối với mộ tháp của các thiền sư được tạo lập vào thời các chúa Nguyễn nhưng trên bia không có hai chữ “Việt - cố” và các chữ kết thúc ở dòng chính văn là “”(chi tháp) chứ không phải là “”(chi mộ), nên chúng tôi không khảo cứu ở bài viết này.

(8) Trong những tấm bia mộ mà chúng tôi đã tiếp cận có 1 trường hợp lạc khoản hai bên được viết bằng nhau. Đó là tấm bia phát hiện ở xã Hải Quy, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Lạc khoản ghi: “”; “ ” - [Vận thuộc tuế thứ Tân Mão, quý đông, cát đán (bên phải); Nam Thanh Long đốn thủ phục bách bái lập thạch (bên trái)].

Phần lạc khoản bên trái thường ghi tên người tạo lập bia mộ. Những người này là hậu duệ hay người thân thuộc của người quá cố, vì thế khi viết tên mình trên bia phải viết thấp và kèm theo những từ biểu thị sự tôn kính, theo truyền thống văn hoá của các nước ảnh hưởng văn tự Hán. Tuy không có một điển chế nào bắt buộc, nhưng có những cách thức thể hiện trên các dạng thức của bức chữ được các thư pháp gia xác lập, người đời sau xem đó như quy phạm để noi theo.

(9) Quốc hiệu của nước ta, tự tôn xưng, là Đại Cồ Việt (, ), từ thời nhà Đinh năm 968 và tồn tại đến đời vua Lý Thánh Tông năm 1054. Đến năm 1054, khi vua Lý Thánh Tông lên ngôi, quốc hiệu của nước ta được đổi thành Đại Việt () và các triều đại kế tục vẫn dùng quốc hiệu này cho đến năm 1804. Tuy nhiên, sự tồn tại quốc hiệu này không liên tục, bởi, vào năm 1400, khi Hồ Quý Ly lên nắm quyền, quốc hiệu được đổi thành Đại Ngu (), và dưới thời Tây Sơn (1788 - 1802), quốc hiệu nước ta được gọi là An Nam (). Sau đó, vào năm 1884, quốc hiệu được đổi thành Việt Nam.

Xưa nay, các triều đại của nước ta vẫn nhìn nhận, Việt là từ chỉ tộc người Việt Thường Thị. Do vậy, suốt các thời kỳ độc lập từ Việt luôn được lấy để làm quốc hiệu của nước ta.

(10) Trong cách dịch này, từ “Việt” được hiểu là từ chỉ nước Việt, tức nước Đại Việt. Chữ “cố” bổ nghĩa cho chức tước của người quá cố. Từ “cố” là một từ tình thái, biểu thị sự tôn kính, trang trọng đối với người đã qua đời.

Trong cách xưng hô của người Việt, thời phong kiến, nhiều trường hợp người ta thường tránh gọi đích danh. Đối với những người có chức tước, địa vị trong xã hội, những người khác thường gọi theo họ bằng các chức tước của người đó. Sau khi họ qua đời, người ta thêm vào trước các chức tước từ “cố”. Cách xưng hô này vẫn còn được sử dụng trong thời hiện đại.

(11) Cách viết ngang phổ biến trong thể hiện chính văn của hoành phi ().

(12) Hầu hết, không chỉ có bia mộ mà minh tinh, bài vị cũng chỉ viết trên một dòng khi thể hiện bằng Hán tự.

(13) Đối với tầng lớp bình dân, những ngôi mộ của họ chủ yếu là mộ đất và không có bia. Bằng việc quan sát trên thực địa không thể nào cho chúng ta biết được niên đại của các ngôi mộ được đắp bằng đất đó. Nhưng đối với các mộ xây, trên địa bàn Trị Thiên, vẫn còn lại một số lượng tương đối. Loại hình mộ xây, nấm mộ thường có hình trứng, hình rùa, hay hình trái (lê, đào, lựu)... Chúng được xây bằng một loại hợp chất (vôi hàu trộn với một số vật liệu khác, có thể là mật mía, bả thực vật, cát, đá, đất ...) có độ bền vững rất cao. Về loại hợp chất này, Cadière gọi là “vôi hồ An Nam”, “thứ vôi hồ không thể hư hoại”, mà hiện nay (1914) “người ta đã quên mất công thức chế tạo”. Dựa trên chất liệu và loại hình mộ này, cùng với việc đối sánh với các ngôi mộ có bia khác cho biết niên đại tạo lập, các nhà nghiên cứu đều cho rằng, chúng được xây dựng vào thời các chúa Nguyễn. Loại mộ vôi hợp chất này được người dân sở tại gọi bằng các tên như: mộ vôi, mộ rùa, mộ trứng, mộ Tàu, mộ Mọi, mộ hoang... vì không có hậu duệ chăm sóc hay không có một thông tin nào từ bia mộ.

(14) Có một số bia không bị phá hủy hoàn toàn hoặc bị đục xóa một vài chữ, hay bị đập vỡ một phần trán bia. Đây là điều chúng tôi chưa thể khẳng định lý do đích xác. Đối với lăng mộ của các chúa Nguyễn, điều này đã xảy ra một cách nặng nề hơn, khi nhà Tây Sơn lên nắm quyền. Ngược lại, sau khi nhà Nguyễn lấy lại quyền lực cũng làm tương tự với triều Tây Sơn. Xem thêm: (Nguyễn Hữu Thông, Nguyễn Phước Bảo Đàn, Tôn Nữ Kháng Trang, Lê Anh Tuấn, Lê Chí Xuân Minh, Huỳnh Đình Quốc Thiện, 2001: 5).

(15) Qua nhiều đợt điền dã của Phân viện Nghiên cứu Văn hóa - Thông tin tại Huế, trong những năm vừa qua, trên địa bàn hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, căn cứ trên những phát hiện cho đến thời điểm hiện nay, chúng tôi nhận thấy có hai tấm bia mộ đáng được chú ý quan tâm. Đó là tấm bia có niên đại sớm, được tạo lập dưới thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên, và tấm bia muộn được tạo lập dưới thời Gia Long.

1/ Tấm bia mộ thứ nhất, có niên đại sớm, được phát hiện tại xã Hải Tân huyện Hải Lăng tỉnh Quảng trị và được công bố vào năm 2001, do nhóm nghiên cứu thuộc Phân Viện nghiên cứu Văn hóa - Thông tin tại Huế.

Bia hình chữ nhật đứng; kích thước 87 x 54 x 10cm; chất liệu sa thạch; hai góc trên đã bị vỡ. Bia được trang trí trên bốn mặt xung quanh. Ở trên cùng là hình mặt nguyệt và hai áng mây đối xứng hai bên. Bên dưới là hình một bông sen nở. Hai mặt hai bên có bốn hình dây lá hóa rồng. Nét chạm sâu, khỏe, dù không quá chú trọng đến từng chi tiết nhưng nhìn chung phần điêu khắc vẫn thể hiện được sự sinh động, uyển chuyển. Lòng bia có kích thước 57 x 27 cm, được khoét lõm, theo kiểu dật cấp ba lần. Hai góc trên cùng của lòng bia có hai điểm nhún tương ứng với hai hai góc trên của bia. Toàn bộ văn khắc trong lòng bia đều là chữ Hán theo lối chữ chân. Nội dung:

- Chính văn: . (Việt - cố Hiển khảo Quảng Nam Tướng thần lại ty Cai hợp, Trần quý công chi mộ), [Việt - mộ của người cha đã qua đời của tôi, cố Quảng Nam Tướng thần lại ty Cai hợp, Trần quý công].

Ở đây nếu dịch ra Việt văn sẽ phá vỡ trật tự mang tính tôn ty mà người xưa đã xác lập. Để dịch ra Việt văn có thể tạm bổ sung một vài từ cho dễ hiểu. Tạm dịch: (1) Nước Đại Việt - mộ của người cha đã qua đời của tôi là quý ông họ Trần, (chức) Cai hợp (thuộc) ty Tướng thần lại Quảng Nam; hay (2) Mộ của người cha đã qua đời của tôi là quý ông họ Trần, Cố (chức) Cai hợp (thuộc) ty Tướng thần lại (dinh) Quảng Nam (nước) Việt. Nếu dịch như vậy, người dịch đã bỏ qua từ “cố” mang chức năng là từ tình thái trong câu. Do vậy, đối với dòng chính văn của bia mộ nên hiểu thì hơn, chứ không nên dịch. Dịch tức là diệt, vì, khó có thể dịch chính xác, đầy đủ, chuyển tải hết nội dung, nên, chúng tôi không dịch những tấm bia khác được sử dụng làm dẫn liệu trong bài viết này.

- Lạc khoản:

[...] (Long phi, Ất Hợi, lương nguyệt, cát đán [mất một chữ]).

(Hiếu tử [Nam nhị; Nữ tứ] đồng lập thạch).

Một cách xác định niên đại cho tấm bia này. Trước hết, căn cứ vào hai chữ “Việt cố”, điểm đặc trưng nhất của bia mộ được tạo lập dưới thời các chúa Nguyễn (1558 - 1802) sẽ cho chúng ta một giới hạn ban đầu về thời kỳ tạo lập. Dòng lạc khoản bên phải có ghi năm can chi “Ất Hợi”, tức năm Ất Hợi đó sẽ là một trong những năm Tây lịch sau: 1575, 1635, 1695, 1755. Theo như nội dung khắc trên bia mộ sẽ cho chúng ta biết, đây là một chức quan dưới thời các thời chúa Nguyễn - Chức Cai hợp thuộc ty Tướng thần lại. Chức quan này được đặt ra vào năm 1614 dưới thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1614 - 1635). Điều này, được chính sử triều Nguyễn ghi nhận: “Giáp Dần... [1614]... Bắt đầu đặt tam ty... ty Xá sai..., ty Tướng thần lại, coi việc trưng thu tiền thóc, phát lương cho quân các đạo,... ty Lệnh sử... Những thuộc viên thì mỗi ty có 3 câu kê, 7 cai hợp, 10 thủ hợp, 40 ty lại” (QSQ triều Nguyễn, 2002: 38-39). Đến năm Giáp Tý, 1744, dưới thời Võ Vương - Nguyễn Phúc Khoát (1739 - 1765), Tam ty được đổi thành Lục bộ: “đổi ký lục là Lại bộ. Nha úy làm Lễ bộ, Đô tri làm Hình bộ, đặt thên hai Bộ Binh và Công để chia chức chưởng. Đổi văn chức làm Hàn lâm viện” (QSQ triều Nguyễn, 2002: 135). Rõ ràng chức quan của người được ghi trên bia mộ chỉ tồn tại trong thời gian từ năm 1614 đến 1744. Do vậy, năm Ất Hợi (1575) sẽ được loại trừ. Tuy nhiên, khi người đã qua đời, việc lập bia mộ có thể sau một thời gian dài. Những người lập bia mộ là con (hiếu tử) của người quá cố, điều này cho thấy khoảng cách thời gian giữa hai thế hệ là không lớn, cũng có thể là một vòng hoa giáp. Còn lại ba năm Ất Hợi là: 1635, 1695, 1755, cần xác định một năm. Dựa vào hai chữ “Long phi”ở phần lạc khoản, đem đối chiếu với niên biểu lịch sử sẽ cho chúng ta xác định được niên đại tuyệt đối của tấm bia mộ. Hai chữ này có gốc từ Dịch Kinh, quẻ Thuần Càn, hào Cửu ngũ: “Phi long tại thiên, lợi kiến đại nhân”. Hào Cửu ngũ được giảng: “Hào 5 là dương ở vị (ngôi) dương cao nhất trong quẻ lại đắc trung (ở giữa ngoại quái), như vậy là có đủ những điều tốt, vừa cao quý vừa chính trung. Nó lại được hào hai ở dưới ứng với nó, mà hào 2 cũng cương kiện, đắc trung như nó. Nó là hào tốt nhất trong quẻ, cho nên nó ví với con rồng bay lên trời, và ngôi của nó là ngôi chí tôn (ngôi vua) (Nguyễn Hiến Lê, 1992: 119). Điều này, cho thấy dù không ghi trực tiếp một niên hiệu nào nhưng hai chữ “Long phi” đã gián tiếp chỉ việc khởi đầu cho một niên hiệu nguyên niên của một vị vua Lê nào đó. Qua niên biểu lịch sử, các nguồn sử liệu chúng ta dễ dàng xác định được một niên đại tuyệt đối. Đại Nam thực lục có viết: “Ất Hợi, năm thứ 22 [1635] (Lê - Dương Hòa thứ 1, Minh - Sùng Trinh thứ 8), mùa đông, tháng 10, vua Lê đổi niên hiệu là Dương Hòa” (QSQ triều Nguyễn, 2002: 51). Hai năm Ất Hợi còn lại là 1695 và 1755, không phải là năm khởi đầu một niên hiệu nào cả, do vậy cũng được loại trừ. Như vậy, chỉ còn lại một năm Ất Hợi, 1635.

Dịch nguyên dòng lạc khoản bên phải trên bia: Long phi, Ất Hợi (1635), tháng 10, ngày tốt... Đây là một sự trùng hợp chính xác với chính sử ghi nhận. Do đó, chúng ta có thể xác định được niên đại tuyệt đối của tấm bia là năm 1635, không cần nghi ngại.

2/ Tấm thứ hai có niên đại muộn, được phát hiện tại xã Thủy Biều huyện Hương Thủy tỉnh Thừa Thiên - Huế vào năm 2007. Bia được làm bằng đá Thanh. Nhìn một cách tổng thể, bia có ba phần rõ rệt: đầu, cổ và thân. Phần đầu, nhìn chung, nó có dạng gần giống hình lá sen úp. Nếu quan sát kỹ, riêng phần đỉnh có hình gần giống với một búp sen. Chạm khắc ở phần đầu bia chỉ tập trung thể hiện về mặt hình khối chứ không có các hoa văn trang trí. Kích thước của phần đầu: cao 45cm, rộng 74cm. Liền với phần đầu bia là cổ bia, một dải hình chữ nhật (68,5 x 2,5cm) trang trí nhiều hình lá đề liền khít nhau. Thân bia hình chữ nhật đứng (84,5 x 61,5cm), được trang trí một số mẫu thức hoa văn xung quanh. Diềm trên, chính giữa là hình mặt nguyệt có 6 áng mây đối xứng hai bên, tiếp đó là hai hình lá hóa rồng. Hợp thể những hoa văn trang trí này, có mẫu thức “lưỡng long triều nguyệt”. Diềm dưới, hình trang trí giống một bông hoa sen nở, cánh trải rộng về hai bên. Những cánh hoa sen này cũng rất gần giống với mẫu thức trang trí “thủy ba”. Hai diềm trang trí hai bên, có 4 tổ hợp hình diệp dao (dao lá). Lòng bia, được khoét lõm, dật cấp hai lần, kích thước (70 x 48cm). Bia mộ được viết bằng chữ Hán, theo lối chữ chân, nét khắc sâu, rõ. Nội dung:

- Chính văn:

(Việt - cố Chưởng Trung dinh, tặng Khai Phủ Thượng Trụ Quốc - Thiếu bảo, Tống - Quận công chi mộ).

- Lạc khoản :

(Tuế thứ, Nhâm Tuất niên, quý đông, cốc nhật), [Ngày tốt, tháng 12, năm Nhâm Tuất (1802)].

, (Hiếu tử thiết phụng tự).

Đối với tấm bia này việc xác định niên đại tuyệt đối không khó lắm. Bởi vì, người có chức, tước, tộc được khắc trên bia cũng được chính sử triều Nguyễn chép khá đầy đủ về công lao cũng như hành trạng. Bên cạnh đó, những tư liệu khác có thể bổ sung như sắc phong, tộc phả của họ Tống ở phường Phường Đúc - Tp. Huế. Những tài liệu trên, có thể minh chứng cho việc xác nhận một niên đại tuyệt đối của tấm bia mộ. (Có thể xem thêm: (1). QSQ triều Nguyễn (1997), Đại Nam chính biên liệt truyện, [tập II], Huế: Nxb. Thuận Hóa; (2). QSQ triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, [tập I], Nxb. Giáo dục). H. 2002

Trong trường hợp tấm bia mộ có hai chữ “Việt - cố” được phát hiện tại xã Thủy Biều thành phố Huế tỉnh Thừa Thiên - Huế, có niên nguyệt tạo lập vào tháng 12 năm Nhâm Tuất (1802). Rõ ràng, vào thời điểm tạo lập bia mộ, nước ta thống nhất, niên hiệu đã được thiết lập, nhưng quốc hiệu vẫn chưa được thay đổi, cho nên loại hình bia mộ có hai chữ “Việt - cố” vẫn còn xuất hiện. Chính sử triều Nguyễn ghi nhận: “Nhâm Tuất, Gia Long thứ 1 (1802), mùa hạ, tháng năm, ngày mồng 1 Canh Ngọ, lập đàn ở đồng An Ninh hợp tế trời đất cáo về việc đặt niên hiệu... Đặt niên hiệu là Gia Long, đại xá cho cả nước” (QSQ triều Nguyễn, 2002: 491). Điều này chứng tỏ có một sự tiếp nối về quy cách viết bia mộ có hai chữ “Việt - cố” của thời các chúa Nguyễn. Cách viết này, theo chúng tôi, có thể kết thúc vào thời điểm Gia Long xác lập quốc hiệu (1804), “Đặt quốc hiệu là Việt Nam. Ngày Đinh Sửu, đem việc cáo thế miếu. Lễ xong vua ngự ở điện nhận lễ chầu mừng. Xuống chiếu bố cáo trong ngoài” (QSQ triều Nguyễn, 2002: 588).

Sau thời điểm này, trên các bia mộ xuất hiện hai chữ “Hoàng Việt” thay thế cho hai chữ “Việt - cố”. Nếu còn xuất hiện hai chữ “Việt - cố” trên bia mộ sau niên điểm 1804, cần được xem xét một cách cụ thể, như các trường hợp biệt lệ. Bởi vì, các sự kiện của lịch sử quan trọng bao giờ cũng được ghi chép những thời điểm rất cụ thể. Nhưng, một số lĩnh vực, chúng không thể rạch ròi như một lát cắt của lịch sử tại các thời điểm chuyển giao, mà trên thực tế vẫn xẩy ra sự giao thoa trong các lĩnh vực trong thời gian chuyển đổi các triều đại.

Trong giới hạn mà chúng tôi khảo sát, bia mộ dưới thời các chúa Nguyễn, còn thấy xuất hiện thêm loại hình bia mộ có hai chữ “Nam - cố” ():

- Theo tài liệu của L. Cadière, tại làng Phú Xuân, thôn Bình An, có văn khắc trên hai bia mộ như sau: “Nam cố Hiển khảo Lương quý công chi mộ”; “Nam cố Hiển tỉ y phu lương môn Trần thị quý nương chi mộ”. Tương tự như hai chữ “Việt cố”, “Nam cố” cũng được hiểu là nước Nam cũ, và L. Cadière không cho biết niên đại tạo lập hai tấm bia này. Xem: (L. Cadière, 2004: 61).

- Một tấm bia (Lập mộ chí bi - ), chúng tôi phát hiện tại vườn nhà anh Phạm Quang Toan, thôn Tân Trại Thượng, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, có xuất hiện hai chữ “Nam - cố”. Tấm bia ghi rõ niên đại tạo lập vào “”- Cảnh Thịnh nhị niên, tuế thứ Giáp Dần mạnh xuân nguyệt cốc nhật) Năm Giáp Dần [1794], niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 2, tháng giêng, ngày tốt. Qua tấm bia có niên đại tuyệt đối này, chúng ta có thể hình dung, hai chữ “Nam cố” trên bia mộ xuất hiện dưới thời Tây Sơn (1788 - 1802). Điều này tương ứng với quốc hiệu nước ta, lúc bấy giờ là An Nam. Dưới triều Tây Sơn, nhà Thanh chỉ thừa nhận Quang Trung, Quang Toản là An Nam Quốc Vương (vua nước An Nam). Đây cũng là một vấn đề thú vị, nhưng chúng tôi, tạm không bàn luận ở bài viết này.

(16)Ở đây, phải nói đến, gia/ chi/ phái/ tộc phổ cũng là một loại văn bản đặc thù, ghi tóm tắt về những người quá cố. Tuy nhiên, loại văn bản này không còn mang tính cá nhân mà nó là tập hợp nhiều cá nhân cùng chung huyết thống, hay có mối quan hệ hôn nhân.

Có khi những dòng chữ vắn tắt về người quá cố lại thường xuất hiện trong văn cúng (tế văn) nhưng nó được đốt trước khi lễ cúng hoàn tất. Vấn đề này, chúng tôi không bàn ở đây, sẽ có dịp đề cập vào những bài viết khác.

(17)Thứ nhất, “Minh tinh làm bằng vải đỏ, dài 7 thước ta, trên viết chữ trắng, cán bằng cành tre dựng bên phía đông linh sàng” (Toan Ánh, 1970: 305). Nó chỉ được sử dụng trong thời gian tiến hành tang lễ và sau đó được chôn cùng với quan tài.

Thứ hai, thần chủ/bài vị/mộc chủ được viết/khắc trên gỗ để thờ tự trong nhà và được chôn sau năm đời được thờ phụng: “Ngũ đại mai thần chủ”. Đến đời thứ năm, người được ghi trên bài vị, hậu duệ của họ tôn xưng thành “Cao” và chuyển lên thờ phụng ở cấp độ cao hơn là từ đường của chi/ phái/ tộc. Nếu bài vị vẫn còn sử dụng để thờ phụng, phải được viết lại cho phù hợp với việc tôn xưng thế thứ của dòng tộc. Do vậy, những bài vị được tạo lập dưới thời các chúa còn lại nguyên trạng đến ngày nay rất hiếm thấy.

Thứ ba, bia mộ, trong điều kiện cho phép của người xưa, đá là chất liệu tối ưu bền vững được lựa chọn để thể hiện, với mục đích lưu lại dấu tích muôn đời về người quá cố, đồng thời giúp cho con cháu đời sau dễ dàng phân biệt với các ngôi mộ khác. Do vậy, nội dung của bia mộ là một hình thức cá thể hóa chủ nhân của ngôi mộ một cách ngắn gọn nhưng đầy đủ về một con người cụ thể. “Bia mộ là một thành tố trong các thành tố quan trọng nhất của lăng mộ, vì chính bia đã cá nhân hoá ngôi lăng mộ, và cho ngôi mộ tình trạng hộ tịch của nó” (Cadière, 2004: 19).

(18)Bài vị của bà Thừa Thiên, Chiêu Nghi [xem: (Lê Anh Tuấn, 2004: 133)]; Bài vị song thân của tướng quân Lê Văn Duyệt [xem: (http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?)].

(19)Trong dân gian vùng Trị - Thiên, cách thể hiện một tấm minh tinh (lá triệu) vẫn còn giữ lại tương đối đầy đủ điều này. Thông thường một tấm minh tinh được thể hiện theo thứ tự: quốc, tỉnh, huyện, xã, thôn, có khi chỉ viết một đơn vị hành chính một chữ. Tiếp sau đó là từ “Cố phụ/ mẫu... chi linh cữu”. Tổng các chữ viết trên minh tinh phải đúng vào chữ “linh” đối với nam, và chữ “thính” đối với nữ, theo cách đếm quỷ - khốc - linh - thính. Do vậy khi viết minh tinh có thể thêm bớt một vài chữ sao cho nội dung không thay đổi mà vẫn đúng với cách tính linh, thính [xem thêm: (Toan Ánh, 1970: 306)]. Tổng số chữ trên minh tinh phải là: 7, 11, 15, 19, 23, 27... đối với nam; và: 8, 12, 16, 20, 24, 28... đối với nữ.

(20)(QSQ triều Nguyễn, 2002: 151).

(21)Dưới thời chúa Nguyên Phúc Châu, sứ thần của chính thể Đàng Trong đã sang nhà Thanh cầu phong nhưng không được chấp nhận.

(22)Nguyễn Phúc Chu thừa nhận “Việt quốc chi nam - ” (phía/ phương/ cõi nam của nước Việt), trong Ngự kiến Thiên Mụ tự khắc năm 1715. (Bài văn bia này, đến nay vẫn còn tại chùa Thiên Mụ).

Trong lịch sử của dân tộc, các triều đại phong kiến nước ta, vì tinh thần dân tộc nên tự tôn xưng là “Đại Việt” vào các thời kỳ độc lập để đối sánh bình đẳng với các triều đại phong kiến Trung Quốc (Đại Tống, Đại Minh, Đại Thanh). Nhưng điều này không được chấp nhận từ phía Trung Quốc, mà họ vẫn gọi nước ta là “An Nam”. Do vậy khi ban sắc cho vua nước ta họ chỉ thừa nhận là: “An Nam quốc vương”.

(23)Dù đã tự xưng là Quốc vương, đúc Đại Việt Quốc vương chi ấn nhưng “... phàm văn thư vẫn dùng niên hiệu vua Lê, nhưng đối với các thuộc quốc thì xưng là thiên vương” [QSQ triều Nguyễn, 2002 : 151]. Cho đến năm 1802, niên hiệu của vua Lê vẫn còn được sử dụng. Chẳng hạn: “Cảnh Hưng, lục thập tam niên...” trong sắc phong cho Tống Viết Phước [xem: (Nhóm Nghiên cứu khoa học trẻ, 2007: 22)].

(24)Năm 1820, vua Minh Mạng lên ngôi xin nhà Thanh cho phép đổi quốc hiệu Việt Nam thành ĐạiNam (大南), ngụ ý một nước Nam rộng lớn. Tuy nhiên nhà Thanh đã không chính thức chấp thuận. Khi nhà Thanh bắt đầu suy yếu, vua Minh Mạng đã chính thức đơn phương công bố quốc hiệu mới Đại Nam vào ngày 15 tháng 2 năm 1839. Quốc hiệu này tồn tại đến năm 1945” (http://vi.wikipedia.org/wiki).

(25) Chúng tôi không đi sâu, dẫn giải vấn đề này, vì vượt ra khỏi nội dung của bài viết.

(26) Trên các bia mộ thời chúa Nguyễn, nhiều tấm bia mộ đồng thời xuất hiện một lúc cả hai chữ “Cố” và “Hiển” về mặt ngữ nghĩa chúng có sự tương đồng nhưng vẫn được dùng cả hai. Thông thường các trường hợp này đều do thân tử lập bia cho phụ mẫu. Tuy có sự đồng nghĩa, nhưng vẫn được sử dụng vì từ “ hiển” luôn được gắn kết với một từ sau nó là “khảo” hoặc “tỷ”. “Hiển khảo”, “Hiển tỷ” có nghĩa người cha/ mẹ đã qua đời của tôi. Cách ghép này rất thịnh hành về sau.

(27) Chẳng hạn: cha/mẹ khi đã qua đời được xưng gọi là “Cố phụ/ mẫu”. Còn đối với những người có chức vị, hay nghề nghiệp nổi tiếng trong xã hội, khi họ qua đời cũng được xưng gọi theo chức vị, nghề nghiệp và thêm vào trước chức vị đó từ “cố” như: Cố Tổng Bí thư; Cố Tổng thống; Cố Chủ Tịch; Cố Bộ trưởng; Cố nhạc sỹ; Cố họa sỹ; Cố nghệ sỹ nhân dân...

Tài liệu tham khảo

1. Đào Duy Anh: Việt Nam Văn hóa sử cương, Nxb. Đồng Tháp, Đồng Tháp 1998.

2. Giới Hương (phỏng dịch): Văn bia chùa Huế [tài liệu lưu hành nội bộ]. 1994

3. Keith W. Taylor: “Nguyễn Hoàng và sự khởi đầu việc mở rộng về phương Nam của Việt Nam”, Thế Đức dịch, trong Thông tin Khoa học và Công nghệ, Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường Thừa Thiên - Huế, số 1 (31), tr.94-107, Huế 2001.

4. L. Cadière: “Lăng mộ của người An Nam trong phụ cận Huế”, trong Những người bạn Cố đô Huế (B.A.V.H tập XV, 1928), Nxb. Thuận Hóa, Huế 2004.

5. Lê Anh Tuấn: “Hệ thống bia: Dấu tích mỹ thuật thời chúa Nguyễn vùng Trị Thiên”, trong Thông tin khoa học, Phân viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật tại thành phố Huế, số tháng 9, tr.115-149, Huế 2004.

6. Lê Đình Hùng: Dấu ấn của nữ thần trên bước đường Nam tiến của chúa Tiên - Nguyễn Hoàng, trong Thông tin khoa học, Phân viện Nghiên cứu VHTT tại Huế, số tháng 9, Huế 2005.

7. Tuyển dịch văn bia chùa Huế, Lê Nguyễn Lưu sưu tầm, dịch giải và chú thích in trong tạp chí Nghiên cứu phát triển, số 1-2 (49-50), Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên - Huế, Huế 2005.

8. Lê Quý Đôn toàn tập, tập I, Phủ biên tạp lục, Nxb. KHXH. H. 1977.

9. Lê Quý Đôn: Phủ biên tạp lục, Lê Xuân Giáo dịch, Tủ sách cổ văn - Ủy ban dịch thuật, Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa xuất bản, 1972.

10. Li Tana: Xứ Đàng Trong, lịch sử kinh tế - xã hội Việt Nam thế kỷ XVII - XVIII, Nxb. Trẻ, Tp.HCM, 1999.

11. Nguyễn Hiền Đức: Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, Tp. HCM, 1995.

12. Nguyễn Hữu Thông, Nguyễn Phước Bảo Đàn, Tôn Nữ Khánh Trang, Lê Anh Tuấn, Lê Chí Xuân Minh, Huỳnh Đình Quốc Thiện, “Về nhóm lăng mộ thời chúa Nguyễn mới phát hiện ở Quảng Trị”, trong Thông tin khoa học, Phân viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật tại thành phố Huế, số tháng 9, tr5-18, Huế 2001

13. Nguyễn Khoa Chiêm: Nam triều công nghiệp diễn chí, Ngô Đức Thọ dịch, tập I, Sở VHTT Thừa Thiên - Huế, Huế 1986.

14. Nhóm Nghiên cứu Khoa học Trẻ (Phân viện NCVHTT tại Huế): “Ghi chép điền dã từ một ngôi mộ cổ ở phía tây nam thành phố Huế”, trong Thông tin khoa học, Huế: Viện VHTT - Phân viện Nghiên cứu Văn hóa - Thông tin tại Huế, số tháng 3, tr.5-17, 2007.

15. Toan Ánh: Nếp cũ con người Việt Nam, Sài gòn: Nhà sách Khai Trí xuất bản, 1970.

16. Trần Đình Hằng: “Phật giáo trong vai trò xác lập hệ tư tưởng chính thống ở Đàng Trong”, trong Thông tin khoa học, Phân viện Nghiên cứu VHTT tại Huế, số tháng 9, 2004.

17. Trần Đình Hằng (2006), “Vị thế của nhà nước Kim Long - Phú Xuân thời các chúa Nguyễn”, trong Hội khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế, 700 năm Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế [Kỷ yếu HTKH], Huế. 2006.

18. Trần Đức Sáng, Hoàng Thị Ái Hoa, Hoàng Minh Tuân: “Khảo sát một số lăng mộ thời chúa Nguyễn ở khu vực Trị Thiên”, trong Thông tin khoa học, Phân viện Nghiên cứu Văn hóa - Nghệ thuật tại thành phố Huế, số tháng 9, tr.79-114, Huế 2004.

19. Trần Trọng Kim: Việt Nam sử lược, Nxb. VHTT, H. 1999.

20. Trần Văn Chánh: Ngữ pháp Hán văn, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, Tp. Hồ Chí Minh, 1991.

21. Phan Khoang: Việt sử xứ Đàng Trong, Nxb. Văn học, H. 2001.

22. QSQ triều Nguyễn: Đại Nam chính biên liệt truyện, tập II, Nxb. Thuận Hóa, Huế 1997.

23. QSQ triều Nguyễn: Đại Nam nhất thống chí, tập I, Nxb. Thuận Hóa, Huế 1997.

24. QSQ triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, tập I, Nxb. Giáo dục, H. 2002.

26. Thích Đại Sán: Hải ngoại kỷ sự, Nguyễn Phương, Hải Tiên Nguyễn Duy Bột dịch, Viện Đại học Huế - Ủy ban phiên dịch sử liệu Việt Nam, Huế 1963.

27. Võ Văn Hòe, Hồ Tấn Tuấn, Lưu Anh Rô, Văn hóa xứ Quảng một góc nhìn, Nxb. Đà Nẵng, Đà nẵng 2007.

http://vi.wikipedia.org/wiki

http://vietsciences.free.fr/lichsu/quochieuvietnam

http://vnexpress.net/Vietnam/Khoahoc

http://www.baobinhdinh.com.vn/datnuoc-connguoi

http://www.cinet.gov.vn/vanhoa/mythuat

http://www.dongnai.gov.vn/thongtin

http://www.dost-dongnai.gov.vn/chuyenmuc.asp

http://www.dulich.danang.gov.vn/dulich/default.php

http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index

PHỤ LỤC:

A. CHÍNH VĂN

THÁC BẢN BIA MỘ THỜI CHÚA NGUYỄN

TRÊN ĐỊA BÀN QUẢNG TRỊ - THỪA THIÊN HUẾ

Tư liệu của Phân viện Nghiên cứu VHTT tại Huế

(Được trưng bày trong triển lãm: Festival, Huế 2007)

1. 越故 顯 考 光 進 保 忠 將 軍 該 府 副 將 黎 貴 公 府 君 之 墓.

(Việt - cố Hiển khảo Quang tấn bảo trung tướng quân, Cai phủ, Phó tướng, Lê quý công phủ quân chi mộ).

Địa điểm phát hiện: Hải Quy - Hải Lăng - Quảng Trị.

2. 越故 顯 妣 命 婦 依 夫 黎 門 光 進 保 忠 將 軍 該 府 豪 良 子 正 室 阮 貴 娘 孺 人 之 墓.

(Việt - cố Hiển tỷ mệnh phụ y phu Lê môn, Quang tấn bảo trung tướng quân, Cai phủ, Hào Lương tử chánh thất Nguyễn quý nương nhụ nhân chi mộ).

Địa điểm phát hiện: Hải Quy - Hải Lăng - Quảng Trị.

3. 越故 顯 考 廣 南 將 臣 吏 司 該 合 陳 貴 公 之 墓.

(Việt - cố Hiển khảo Quảng Nam Tướng thần lại ty, Cai hợp, Trần quý công chi mộ).

Địa điểm phát hiện: Hải Tân - Hải Lăng - Quảng Trị.

4. 越 故 顯 考 該 隊 蔡 侯 之 墓.

(Việt - cố Hiển khảo Cai đội, Thái hầu chi mộ).

Địa điểm phát hiện: Vĩnh Nam - Vĩnh Linh - Quảng Trị.

5. 越故 顯 妣 依 夫 該 隊 蔡 侯 黎 徽 人 之 墓.

(Việt - cố Hiển tỷ y phu Cai đội Thái hầu, Lê Huy Nhân chi mộ.

Địa điểm phát hiện: Vĩnh Nam - Vĩnh Linh - Quảng Trị).

6. 越 故 隊 長 仍 阮 侯 之 墓.

(Việt - cố Đội trưởng, nhưng Nguyễn hầu chi mộ).

Địa điểm phát hiện: Hải Sơn - Hải Lăng - Quảng Trị.

7. 越故 文 職 院 該 徵 潘 伯 之 墓.

(Việt - cố Văn Chức viện, Cai trưng, Phan Bá chi mộ).

Địa điểm phát hiện: Quảng Vinh - Quảng Điền - Thừa Thiên Huế.

8. 越 故 掌 中 營 贈 開 府 上 柱 國 少 保 宋 郡 公 之 墓.

(Việt - cố Chưởng Trung Dinh, tặng Khai Phủ Thượng trụ quốc, Thiếu bảo, Tống Quận công chi mộ).

Địa điểm phát hiện: Thủy Biều - Hương Thuỷ - Thừa Thiên Huế.

9. 越 故 訓 導 言 謹 ... 阮 府 君 之 墓.

(Việt - cố Huấn đạo ngôn cẩn ... Nguyễn phủ quân chi mộ).

Địa điểm phát hiện: Hương Hồ - Hương Trà - Thừa Thiên Huế.

10. 越 故 太 醫 該 簿 艚 潘 侯 之 墓.

(Việt - cố Thái y kiêm Cai bạ, Tào phan hầu chi mộ).

Địa điểm phát hiện: Quảng Vinh - Quảng Điền - Thừa Thiên Huế.

11. 越 故 命 婦 醫 夫 太 醫 兼 該 簿 艚 潘 侯 正 厔 胡 淑 人 之 墓.

(Việt - cố mệnh phụ y phu, Thái y kiêm Cai bạ, Tào phan hầu, chánh thất Hồ thục nhân chi mộ).

Địa điểm phát hiện: Quảng Vinh - Quảng Điền - Thừa Thiên Huế.

12. 越 故 刑 部 信 任 侯 贈 敬 慎 功 臣 特 進 柱 國 正 治 上 卿事諡 宣 慈 胡 貴 公 之 墓.

(Việt - cố Hình Bộ, Tín Nhậm hầu, tặng Kính Thận công thần, đặc tấn Trụ quốc chánh trị thượng khanh thiêm sự, thụy Tuyên Từ, Hồ quý công chi mộ).

Địa điểm phát hiện: Hương Hồ - Hương Trà - Thừa Thiên Huế.

13. 越 故 命 婦 依 夫 胡 刑 部 官 雅 夫 人 黎 貴 娘 之 墓.

(Việt - cố Mệnh phụ y phu hồ Hình Bộ quan, Nhã phu nhân, Lê quý nương chi mộ).

Địa điểm phát hiện: Hương Hồ - Hương Trà - Thừa Thiên Huế.

14.越 故 顯 妣 依 夫...

(Việt - cố Hiển tỷ y phu ...).

Địa điểm phát hiện: Hương Hồ - Hương Trà - Thừa Thiên Huế.

15. 越 故 顯 妣 阮 ... 正 厔 陳 氏 夫 人 之 墓.

(Việt - cố Hiển tỷ Nguyễn… chánh thất Trần thị phu nhân chi mộ.

Địa điểm phát hiện: Thủy Bằng - Hương Thủy - Thừa Thiên Huế).

16. 越 故 貴 嬪 贈 昭 儀 慈愍 陳 烈 夫 人 之 墓.

(Việt - cố Quý Tần tặng Chiêu Nghi, Từ Mẫn Trần liệt phu nhân chi mộ.

Địa điểm phát hiện: Thủy Xuân - Hương Thủy - Thừa Thiên Huế.

B. CHÍNH VĂN

BIA MỘ THỜI CHÚA NGUYỄN TRONG VÙNG PHỤ CẬN HUẾ

Tư liệu của L. Cadière

(Trong Những người bạn cố đô [B.A.V.H tập XV], Nxb. Thuận Hóa, 2004)

1. Việt cố Chánh Đội trưởng Võ quý công chi mộ.

Địa điểm phát hiện: Làng Phú Xuân - Thôn Xuân Sơn.

2. Việt cố Chánh Đội trưởng Võ quý công chánh thất Bùi Thị Trinh Thục Trực Nhơn chi mộ.

Địa điểm phát hiện: Làng Phú Xuân - Thôn Xuân Sơn.

3. Việt cố Hiển tỉ Thống(1) Nhất Nương, thuỵ Trang Thuận, Trinh Nhơn chi mộ.

Địa điểm phát hiện: Làng Phú Xuân - Thôn Trường Cưỡi.

4. Việt cố Văn Xương Lâm môn chánh thất tặng Tiết Lê nhụ nhơn chi mộ.

Địa điểm phát hiện: Làng An Cựu, thôn Tứ Tây, phường Thâm Khê Nội.

5. Việt cố Nguyễn quý công chi mộ.

Địa điểm phát hiện: Làng An Cựu, thôn Tứ Tây, phường Thâm Khê Nội.

(1) Đối chiếu với với hình vẽ trong phần phụ lục [L. Cadière, 2004: 148], chữ này là chữ được viết “” (Tống) ./.

In
Lượt truy cập: