Nghiên cứu Hán Nôm >> Năm 2007
Nguyễn Thanh Hà
24. Thêm một bài văn chữ Hán của Bùi Huy Bích mới được phát hiện

Cập nhật lúc 15h49, ngày 11/08/2009

THÊM MỘT BÀI VĂN CHỮ HÁN

CỦA BÙI HUY BÍCH MỚI ĐƯỢC PHÁT HIỆN

 

NGUYỄN THANH HÀ

Học viện Khoa học - Quân sự

 

Đó là bài “Tựa” viết cho gia phả họ Đặng ở thôn Bùi Đông xã Thịnh Liệt huyện Thanh Trì phủ Thường Tín xứ Sơn Nam (nay là phường Thịnh Liệt quận Hoàng Mai, Hà Nội). Năm 1989, khi về làm dâu con của họ Đặng ở Giáp Nhị, làng Sét (lúc đó là xã Thịnh Liệt huyện Thanh Trì, Hà Nội), tôi có được bố chồng tôi là cụ Đặng Văn Khiêm (đã mất năm 2003) đưa cho đọc cuốn Gia phả họ Đặng. Đây là một cuốn gia phả hết sức bình thường như gia phả của các dòng họ khác trên khắp các làng quê Việt Nam, thế nhưng, có một điều đáng chú ý là, bài “Tựa” của gia phả lại do chính cụ Bùi Huy Bích - một danh sĩ của nước ta thời Lê mạt viết.

Bùi Huy Bích (1774-1818), còn có tên là Bùi Bích, tự Hi Chương, Ảm Chương, hiệu Tồn Am, Tồn Am Bệnh Tẩu, Tồn Ông. Quê ở làng Định Công, sang cư ngụ ở làng Thịnh Liệt huyện Thanh Trì tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội ). Dòng dõi Quảng Quốc công Bùi Xương Trạch và Tiên Quận công Bùi Bình Uyên. Nội tổ là Bùi Xương Tự, thân phụ là Bùi Dụng Tân đều là nhân vật có tiếng trong lịch sử và văn học nước nhà. Bùi Huy Bích đỗ Hương cống năm Nhâm Ngọ đời Lê Hiến Tông (1762), đến năm Cảnh Hưng thứ 30 (1769) đỗ Tiến sĩ, lúc 25 tuổi. Được bổ làm Hiệu lí Viện Hàn lâm, rồi làm Đãi chế, sau đó được thụ chức Thiêm sai Tri Hộ phiên, kiêm chức Đông các Hiệu thư. Năm 1777, ông làm Đốc đồng Nghệ An, rồi lên làm Hiệp trấn. Về sau, kiêm chức Tả Thị lang Bộ Lại, Nhập thị Tham tụng, tước Kế Liệt hầu. Ít lâu sau, ông cáo bệnh về ở ẩn tại làng Dị Nậu, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây gần 6 năm, rồi đổi sang tỉnh Hải Dương 5 năm nữa mới trở về quê nhà. Vua Gia Long có vời ông ra làm quan, nhưng ông từ chối.

Bùi Huy Bích là một nhân vật nổi tiếng, có nhiều cống hiến cho lịch sử và văn học Việt Nam. Ông đã để lại cho đời các tác phẩm như: Bích câu tiền hậu tập (thơ); Nghệ An thọ tập; Thái liên (3 tập, 681 bài thơ); Tồn Am văn cảo; Lữ trung tạp thuyết (2 quyển) ; Hoàng Việt thi tuyển (6 quyển); Hoàng Việt văn tuyển (8 quyển); Quốc triều chính điển lục (7 quyển); Lịch triều thi sao (6 quyển); Tứ thư quan hành.(1)

Bùi Huy Bích không những giỏi thơ văn, trước thuật, mà còn là một vị quan thanh liêm, chính trực, được người đời kính trọng.

Qua tìm hiểu, được biết, Bùi Huy Bích viết “Bài tựa gia phả họ Đặng thông Bùi Đông” vào năm Mậu Ngọ (1798), lúc đó, ông sống ở làng Thịnh Liệt. Theo lời các cụ trong họ Đặng kể lại, họ Đặng là họ ngoại của Bùi Huy Bích. Nội dung của bài tựa không dài, chỉ gồm có 7 trang chữ Hán. Phần đầu có ghi rõ: “Bùi Đông thôn Đặng thị gia phả tự”; phần cuối có ghi: “Mậu Ngọ đông, Tồn Am lão nhân thư vu Tịnh Ký Hiên”. Trong bài tựa, Bùi Huy Bích cũng đã nói rõ lý do vì sao ông viết bài tựa này. Để tiện cho các nhà nghiên cứu và những người quan tâm, sau đây, chúng tôi xin cung cấp phần dịch nghĩa của bài tựa:

 

Bài tựa gia phả họ Đặng thôn Bùi Đông

Phả là để làm sáng tỏ các đời tổ tiên mà khuyến khích con cháu. Dòng họ là sự tồn tại tự nhiên. Nhưng một thế hệ soạn ra gia phả là để sắp xếp thứ tự các đời; việc đó trong các gia đình sĩ phu là chuyện bình thường. Còn như một gia đình quanh quẩn việc ruộng đồng mà có lúc nào đấy đứng ra tụ tập dòng họ, bàn tính, ghi chép được 8-9 đời, gồm hàng 200-300 năm, chép được các vị tiên tổ không có chức tước, khảo sát thành gia phả, khiến cho mọi chi phái quy về một gốc, thì sự coi trọng tổ tiên, đoàn kết dòng họ lại còn đáng quý hơn biết bao nhiêu. Người mà nhiệt tình với việc coi trọng tổ tiên, đoàn kết dòng họ là người có tấm lòng hiếu thuận. Người biết dạy dỗ sự gần gũi trong dòng họ, tôn trọng tổ tiên, coi trọng lễ nghĩa, chuộng việc khiêm nhường, áp dụng việc đó trong gia đình là người tài giỏi. Dòng họ là việc lớn nên phải coi trọng. Gia phả họ Đặng thôn ta cũng mong làm được điều đó. Mùa xuân năm nay, họ Đặng sưu tầm trong các gia đình, biên tập, ghi chép tên hiệu, húy, kỵ cùng nơi mai táng từ cụ thủy tổ tới các cụ tổ các đời, cùng là đời nào sinh, ai trưởng, ai thứ, có bao nhiêu chi, người nào thuộc chi nào, sắp xếp cho thứ tự hệ thống. Rồi dòng họ mang sách đó tới tôi, nhờ tôi biên tập thành gia phả và lại nói :

“Hàng năm, dòng họ tập hợp làm giỗ thủy tổ. Xin làm giúp bài văn tế .”

Và xin làm giúp bài tựa cho gia phả. Tôi từ khi còn nhỏ nghe nói các vị làm quan đời trước trong thôn ta có cụ An Thắng hầu, là thủy tổ họ Đặng. Nay xem các cụ tổ trong họ, thấy dòng họ có cụ làm quan Tổng binh sứ, có cụ làm Đô Tổng binh Thiêm sự. Nên không rõ cụ nào được phong tước An Thắng hầu. Ấy là bởi các ghi chép xưa đã mất lâu lắm rồi. Tôi lại nghe nói: Cụ An Thắng hầu làm quan đời Mạc. Mà sau khi giặc Minh rút về nước, họ ta đã đến ở nơi này. Lúc đó trong thôn đã có dòng họ Cao của cụ Vệ quan. Nay, họ Đặng cùng họ Cao và hai họ Lê, Trịnh trong bãi an táng thôn ta đều có khu mộ riêng của từng họ. Như vậy, họ Đặng tới thôn này từ lâu rồi, chỉ có tới đời cụ Thắng Quốc hầu mới nổi danh. Từ cụ trở về trước, các đời nối tiếp nhau mà vẫn giữ dòng họ, ấy là ơn đức tổ tiên không hề bị mất. Các cụ tổ họ ta chất phác, chuộng làm điều thiện, tu dưỡng tích lũy đức dày, nên mới có con cháu như ngày nay, mà dòng họ nối tiếp được lâu dài. Họp dòng họ để thờ tổ tiên, thâu tóm lại mà thành các thế hệ, điều đó càng đủ thấy đạo cổ vẫn còn. Từ khi vua Thuần Hoàng đế ta, nhân cái tệ của Trần Túc (?) mới truy khảo lại cái quy định dù trăm năm cũng không được lấy người cùng họ của nhà Chu, để coi trọng sự phân biệt các dòng họ mà luân thường được giữ nghiêm, phong tục được thuần hậu, nhân dân tới nay vẫn còn được hưởng ơn đức ấy. Do vậy, họ Đặng ta há lại không thuận theo sự giáo hóa văn minh để hợp với ý nguyện của tổ tiên sao? Họ Đặng vốn trước chưa có phả, nay mới bắt đầu có. Trong trời đất, vận hội mở ra có lúc. Chưa bàn đến việc lớn như vũ trụ, mà phàm một thôn, một ngõ, cho đến một nhà, nói chung khi vận hội đến, thì cái hay cái đẹp của con người sẽ bắt đầu. Thần thánh chắc cũng soi xét đức độ của tổ tiên họ Đặng ngầm giúp cho dòng họ đẹp đẽ từ đây, sự thịnh vượng cũng bắt đầu từ đây chăng? Họ Đặng làm cho ta ở nơi đất khách lại chạnh nhớ quê nhà. Ở quê nhà, khi nghe thấy nói một người làng làm được một điều thiện hay làm được một việc hợp với nghĩa lý thì ta luôn trầm trồ khen ngợi mà vui thích. Vì cái tình cùng chung một đạo làm người của mọi làng mọi xóm, tôi thực không thể từ chối được. Vậy nên tôi nhận lời mà làm bài tựa này. Tin rằng dòng họ Đặng ngày một phát đạt, để con cháu đời sau đúng như điều tôi viết.

Mùa đông năm Mậu Ngọ. Tồn Am lão nhân viết tại Tĩnh Ký Hiên.”(2).

Chỉ là bài tựa cho cuốn gia phả của một dòng họ hết sức bình thường ở một làng quê Việt Nam, nhưng qua nội dung bài viết, có lẽ chúng ta không khó khăn gì để có thể nhận thấy sự uyên bác, lòng yêu nước, thương nòi và tình cảm của Bùi Huy Bích - nhà thơ, nhà văn, nhà bác học nổi tiếng của nước ta ở cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỷ XIX. Bài viết của ông cũng đã nêu bật được sự cần thiết và tác dụng của việc lập gia phả đối với cuộc sống của người Việt Nam chúng ta, điều đó không chỉ có ý nghĩa trong đời sống xã hội “xưa” mà còn rất có ý nghĩa trong đời sống xã hội “nay”. Hy vọng là qua bài viết thông báo này, cùng với việc cung cấp toàn văn chữ Hán và phần dịch nghĩa của bài văn, chúng tôi có thể góp thêm một tư liệu bổ sung cho việc nghiên cứu của các nhà văn hóa khoa học xã hội hiện nay.

Chú thích:

(1) Theo Nguyễn Quang Thắng: Từ điển tác gia Việt Nam, Nxb. Văn hóa - Thông tin, 1999.

(2) Tham khảo bản dịch: Gia phả họ Đặng do Nguyễn Hoàng Quý Viện Nghiên cứu Hán Nôm dịch./.

In
Lượt truy cập: