Nghiên cứu Hán Nôm >> Năm 2007
Thế Anh
3. Nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh của nhà biên khảo Bùi Kỷ (1887 - 2007)

Cập nhật lúc 16h23, ngày 11/08/2009

NHÂN KỶ NIỆM 120 NĂM NGÀY SINH BÙI KỶ (1887 - 2007)

THẾ ANH

Quận Đống Đa, Hà Nội

Bùi Kỷ là nhà biên khảo văn học, sử học, tự là Ưu Thiên, hiệu Tử Chương quê làng Châu Cầu, huyện Thanh Liêm, Hà Nam. Ông là con cả TS. Bùi Thức thuộc dòng dõi khoa bảng có nhiều vị đại khoa tên tuổi như Bùi Văn Dị, Bùi Văn Quế… Bùi Kỷ đỗ Cử nhân năm 1908, đến năm 1910 thi Hội và thi Đình đậu Phó bảng được bổ làm quan nhưng ông từ chối. Đến năm 1912 ông được chọn sang Paris học trường thuộc địa (Ecole Coloniale) và đỗ bằng Thành Chung (Brevet). Trong thời gian ở Pháp ông đã có dịp kết giao với nhà chí sĩ Phan Chu Trinh và một số nhân vật yêu nước khác. Về nước ông không nhận làm công chức cho Pháp mà lại tổ chức kinh doanh nhưng bị thất bại. Sau đó ông chuyển hẳn sang làm công tác giáo dục và nghiên cứu văn học. Từ năm 1917 ông chuyên dạy Việt văn và Hán văn ở các trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, Cao đẳng pháp chính, Tư thục Thăng Long và Văn Lang. Lớp học sinh cũ hồi đó của ông như GS. Nguyễn Lân, Cố Thứ trưởng Bộ Giáo dục Võ Thuần Nho… đều nhắc đến thầy học cũ của mình với một lòng kính trọng và biết ơn sâu sắc. Có thời gian Bùi Kỷ còn làm cộng tác viên cho các báo và tạp chí như Trung Bắc tân văn, Khai trí tiến đức

Về mặt văn học Bùi Kỷ không để lại những công trình biên khảo đồ sộ, mà phần lớn là những tác phẩm phục vụ cho chương trình giảng dạy trong nhà trường lúc bấy giờ như Việt Nam văn phạm bậc trung học (Soạn chung với Trần Trọng Kim và Nguyễn Quang Oánh 1945), Hán văn trích thái diễn giảng khóa bản (Soạn chung với Trần Văn Giáp 1942). Đặc biệt là cuốn Quốc văn cụ thể (Tân Việt thư xã, Hà Nội 1932) gồm 4 thiên (thiên thứ nhất và thiên thứ hai nói về Việt văn và Hán văn, thiên thứ ba nói về Hán Việt hợp dụng thể và thiên cuối cùng dành cho Văn pháp). Trong cuốn sách này tác giả giới thiệu về niêm, luật, đối… và cách thức làm một bài thơ luật. Nhà nghiên cứu văn học Vũ Ngọc Phan trong cuốn Nhà văn hiện đại đã đánh giá đây là một cuốn sách “vừa gọn gàng, vừa đầy đủ lại vừa sáng sủa”. Ngoài ra nhà giáo dục Bùi Kỷ cũng còn dành nhiều thời gian để đính chính và chú thích một số truyện thơ Nôm khuyết danh như Trê cóc, Trinh thử, Lục súc tranh công, Hoa điểu tranh năng. Đáng kể nhất trong công trình biên khảo của Bùi Kỷ là ông đã cùng học giả Trần Trọng Kim khảo đính Truyện Kiều và cho in lần đầu vào năm 1925. Đầu bìa cuốn sách hồi đó có nhan đề: Nguyễn Du - Truyện Thúy Kiều (Đoạn trường tân thanh) - Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim hiệu khảo, Việt văn thư xã - Vĩnh Hưng Long thư quán Hà Nội in lần thứ nhất (1925). Sau đó được in lại vào năm 1927 và Nhà xuất bản Tân Việt Sài Gòn đã in lại đến 8 lần. Đến nay bản Truyện Kiều này đã được các nhà xuất bản in đi in lại đến hàng chục lần. Trên cơ sở bản Truyện Kiều này Bùi Kỷ đã chú thích và hiệu đính lại và Nxb. Phổ thông đã cho in vào năm 1958 và tái bản đến 5 lần.

Vấn đề nghiên cứu Truyện Kiều từ những năm cuối cùng của thế kỷ trước đến nay đã có nhiều thành tích đáng kể nhờ có phương pháp mới và nhiều văn bản được bổ sung nhưng Truyện Kiều do Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim hiệu khảo vẫn để lại một dấu ấn quan trọng và có một vị trí nhất định trong vấn đề nghiên cứu Truyện Kiều vì nó đã được phổ biến sâu rộng trong nhân dân cũng như trong trường học suốt nhiều thập kỷ của thế kỷ vừa qua.

Trong dịp kỷ niệm Nguyễn Du do Hội Khai trí Tiến đức tổ chức lần thứ ba vào năm 1929 Bùi Kỷ đã viết một bài ký tiếng Việt ca ngợi Nguyễn Du, bài này được khắc vào bia đá hiện còn ở trụ sở Hội bên Hồ Hoàn Kiếm (số nhà 16 phố Lê Thái Tổ nay là trụ sở Cục Văn hóa Thông tin).

Nhân ngày giỗ Nguyễn Du 10 tháng 8 năm Đinh Mão (1927) do Hội Khai trí Tiến đức tổ chức Bùi Kỷ có làm bài thơ truy điệu theo thể song thất lục bát và được đọc trong buổi lễ. Bài này đã đăng trên Tạp chí Nam phong (số 120 năm 1927). Trong bài thơ này tác giả đã viết những câu thật tâm huyết nói lên tâm trạng của thi hào Nguyễn Du:

"Xuất với xử bên nào cũng khó

Nhục hay vinh ở đó mà ra

Cát lầm ngọc trắng cũng là

Càng kiên trinh lắm càng ma chiết nhiều

Song chẳng lẽ cũng liều nhắm mắt

Cũng dày mày dạn mặt cho xong

Cầm bằng như kiếp má hồng

Hơn nhau chỉ một tấm lòng chính chuyên

Dạ trinh bạch đã nguyền sắt đá

Giả hình hài tiếu mạ mà chi?

Dở dang thay cái tu mi

Cực trăm ngàn nỗi trong khi tòng quyền".

Về mặt dịch thuật Bùi Kỷ đã có nhiều đóng góp đáng kể. Có thể liệt kê những tác phẩm dịch của ông như:

- Bài ký Lầu Nhạc Dương của Phạm Trọng Yêm

- Trần tình văn của Cao Bá Nhạ

- Thơ chữ Hán Nguyễn Du (dịch chung với Phan Võ và Nguyễn Khắc Hanh) do Nhà xuất bản Văn hóa in lần đầu vào năm 1957.

- Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi.

Văn dịch của Bùi Kỷ bóng bẩy, có thần, bài dịch Trần tình văn của ông rất thành công, qua bản dịch người đọc không biết chữ Hán vẫn cảm nhận được văn tài của Cao Bá Nhạ và cảm thông với hoàn cảnh của gia đình họ Cao.

Bản dịch Bình Ngô đại cáo thanh thoát mà vẫn giữ được phong cách cổ kính sát với lời văn hào hùng trong nguyên bản. Bản dịch này đã được sử dụng rộng rãi trong nhiều cuốn giáo trình trước đây và đến nay một số người còn nhớ những câu dịch hay của Bùi Kỷ:

"Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn,

Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ".

(Hân thương sinh ư ngược diệm,

Hãm xích tử ư họa khanh).

Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân mà thay cường bạo. Trận Bồ Đằng sấm vang sét dậy, miền Trà Lân trúc phá tro bay.

(Tốt năng dĩ đại nghĩa nhi thắng hung tàn, dĩ chí nhân nhi dịch cường bạo. Bồ Đằng chi dình khu điện xiết, Trà Lân chi trúc phá hôi phi)

Mã Kỳ, Phương Chính cấp cho 500 chiếc thuyền, ra đến bể chưa thôi trống ngực. Vương Thông, Mã Anh phát cho vài nghìn cỗ ngựa, về đến Tàu còn đổ mồ hôi.

(Tham Tướng Phương Chính, nội quan Mã Kỳ, tiên cấp hãm ngũ bách dư sưu, ký độ hải nhi do thả hồn phi phách táng. Tổng binh Vương Thông, Tham Chính Mã Anh, hữu cấp mã sổ thiên dư thất, dĩ hoàn quốc nhi ích tự cổ lật tâm kinh).

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huyền thì Bùi Kỷ còn dịch Truyện Kiều ra thơ chữ Hán, nhưng đáng tiếc là tác phẩm này đã bị thất lạc.

Bùi Kỷ đã viết lời giới thiệu và đánh giá cao tác phẩm Truyền kỳ mạn lục và bản dịch của Trúc Khê Ngô Văn Triện, giới thiệu bộ tiểu thuyết Hồng Lâu Mộng và tham gia hiệu đính một số hồi đầu của cuốn sách… Bùi Kỷ còn viết bài truy điệu Phan Chu Trinh với nội dung thống thiết và tôn vinh nhà chí sĩ đọc trong buổi lễ kỷ niệm tại đền thờ Hai Bà Trưng vào ngày 4/4/1926.

Ngoài phần biên khảo và dịch thuật Bùi Kỷ còn sáng tác nhiều thơ văn bằng chữ Hán và tiếng Việt.

Cách mạng tháng 8 thành công nhà biên khảo Bùi Kỷ đã tích cực tham gia và có nhiều đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân và chính sách đoàn kết dân tộc. Ông đã được bầu vào Chủ tịch đoàn Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được cử làm Hội trưởng Hội Việt - Trung hữu nghị, Ủy viên Ủy ban Hòa bình thế giới của Việt Nam và Phó ban lãnh đạo thanh toán nạn mù chữ.

Là một nhà nho yêu nước am trường Tây học, Bùi Kỷ đã khước từ không chịu ra làm quan với chế độ cũ mà chỉ chăm lo việc trồng người và sáng tác văn học. Khi Cách mạng thành công mặc dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn hăng hái tham gia không ngại khó khăn gian khổ.

Điều đáng quý ở nhà biên khảo lão thành Bùi Kỷ là ông đã từng phát biểu: Tôi đã thấy rõ công cuộc kiến thiết hùng mạnh của chúng ta và tương lai xán lạn của đất nước(1). Trước lúc mất ông còn sáng tác một bài song thất lục bát gồm 400 câu để chào mừng kỷ niệm 15 năm ngày thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hoà và 4 câu thơ chữ Hán mừng thọ Chủ tịch Hồ Chí Minh 70 tuổi (17/5/1960).

Ông mất ngày 19/5/1960 và lễ tang được tổ chức long trọng tại Hà Nội.

Chú thích:

(1) Theo BS. Lê Đình Thám./.

In
Lượt truy cập: