Nghiên cứu Hán Nôm >> Chủ đề >> Thư tịch
Trần Thị Kim Anh
2. Kim Vân Kiều lục - Truyện Kiều văn xuôi chữ Hán của Việt Nam

Cập nhật lúc 16h24, ngày 11/08/2009

KIM VÂN KIỀU LỤC - TRUYỆN KIỀU VĂN XUÔI CHỮ HÁN CỦA VIỆT NAM

TRẦN THỊ KIM ANH

Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Kim Vân Kiều lục(KVKL) là tác phẩm Truyện Kiều viết bằng văn xuôi chữ Hán ở Việt Nam. Tác phẩm được khắc in vào niên hiệu Đồng Khánh thứ 3 (1887), song do sức ảnh hưởng của Đoạn trường tân thanh (Truyện Kiều) của Nguyễn Du quá lớn trong độc giả nên tác phẩm này hầu như không được chú ý đến, và cho đến nay vẫn rất ít người được biết.

Có thể thấy sau khi Truyện Kiều của Nguyễn Du ra đời, kể từ bài thơ đề vịnh của Phạm Quý Thích về sau, kéo cho đến hết thế kỷ XIX sang đầu thế kỷ XX, Truyện Kiều đã luôn là đề tài được chú ý của văn nhân tài tử Việt Nam. Sức ảnh hưởng của nó vào xã hội rộng lớn đến mức khắp bắc trung nam, từ trí thức đến bình dân hầu như ai ai cũng đọc, nhà nhà đều biết. Thậm chí người ta không chỉ thưởng thức Truyện Kiều mà còn đua nhau đề Kiều, vịnh Kiều, hát Kiều, đố Kiều, bói Kiều, lẩy Kiều, tập Kiều không những vậy, Truyện Kiều còn được dịch từ thơ Nôm của Nguyễn Du ra thơ chữ Hán theo các thể lục bát, song thất lục bát, thất ngôn bát cú, rồi được viết thành phú, diễn ca, được viết tiếp thành Tục Đoạn trường tân thanh v.v… Trong đó có phần tham gia của không ít tác gia khá nổi tiếng như Phạm Quý Thích, Vũ Trinh, Hà Tông Quyền, Nguyễn Lượng, Kiều Oánh Mậu, Chu Mạnh Trinh, Đào Nguyên Phổ v.v… Riêng Hà Tông Quyền có tới 30 bài thơ ứng chế đề Kiều bằng chữ Hán thể thất ngôn bát cú. Kim Vân Kiều lục có lẽ được ra đời chính bởi sự tác động từ không khí sôi nổi của trào lưu này.

Trần Văn Giáp trong Tìm hiểu kho sách Hán Nôm Việt Nam, đã xếp tác phẩm này chung vào mục 343 - Kim Vân Kiều truyện - Phần 6. Các bản Truyện Kiều viết bằng văn xuôi chữ Hán (T2, trang 146), ở đây ông giới thiệu về 3 văn bản tác phẩm này (gồm các ký hiệu AC.561, VHv.1898, AC.521) và theo ông: “Bản truyện chữ Hán này, mỗi giai đoạn có điểm xuyết thêm lời thơ ngâm vịnh, không phải bản Thanh Tâm Tài Nhân của Trung Quốc. Có lẽ đó là bản lược thuật lại truyện ở bản Trung Quốc, thêm thơ văn và là bản riêng của Việt Nam”. Về tình hình văn bản của tác phẩm này ông cho biết:

“Bản AC.561: Kim Vân Kiều lục, 1 cuốn, 32 tờ, giấy bản thường khổ 24 x 14,5cm, khắc ván rõ ràng nhưng chữ xấu, trang mặt sách, ở giữa là dòng tên sách chữ to Kim Vân Kiều lục, bên phải là “’Đồng Khánh tam niên trọng xuân san khắc (1887)” bên trái là “Chiêu Văn đường tàng bản”, sách không ghi tên tác giả, đầu sách in bài thơ đề Truyện Kiều của Phạm Lập Trai, rồi đến Truyện Kiều viết bằng văn xuôi chữ Hán, từ lúc sinh Kiều đến khi Kim Trọng và gia đình gặp lại Kiều trong chùa và cùng đưa nhau về nhà.

Bản VHv.1898, cũng 32 tờ, không có niên hiệu và nhà khắc ván in, giống hệt bản AC.561, không sai một chữ.

Bản AC.521 chép tay chữ thảo tốt, 98 trang, cuối truyện, từ trang 64 trở xuống là một số thơ vịnh Kiều vừa chữ Hán vừa chữ Nôm. Bài đầu bằng Hán văn: Nghĩ Kim Trọng tái phỏng Thúy Kiều bất ngộ và 10 bài chữ Nôm:

1.Than Kiều bạc mệnh

2.Kiều than ký Kim.

3.Kim than Kiều

4.Kim than Kiều cựu cảnh

5.Kiều than Đạm Tiên mộ

6.Vân than Kiều

7.Đạm Tiên hiện tạ Kiều

8.Kiều than Vân

9.Kiều tạ Giác Duyên

10.Vân Kiều thi mười bài (mười bài này cứ một bài thơ chữ Hán lại có bài dịch ra Nôm).

Sau cùng có bài kết và mấy bài khác nữa”.

Hiện ba văn bản được Trần Văn Giáp đề cập vừa nói trên đều được lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, tình hình văn bản đều đúng với những điều Trần Văn Giáp đã khảo tả.

Sách Di sản Hán Nôm Việt Nam - Thư mục đề yếu cho sách này là do Phạm Quý Thích soạn, song đây là một sự nhầm lẫn, thực ra Phạm Quý Thích chỉ soạn bài thơ ở đầu sách mà thôi, còn tác giả thực sự thì không được ghi rõ.

Về nội dung, theo Trần Văn Giáp thì đây “có lẽ là bản lược thuật lại truyện ở bản Trung Quốc (tức Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân) rồi thêm thơ văn vào”. Thư mục đề yếu cũng cùng quan điểm như vậy khi đem nhập Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân và sách này vào chung một mục.

Theo chúng tôi KVKL đúng là tác phẩm riêng của Việt Nam như Trần Văn Giáp nhận xét, song là tác phẩm được tái sáng tác chứ không phải bản lược thuật Kim Vân Kiều truyện (KVKT). Vấn đề đặt ra ở đây là tác phẩm được tái sáng tác trên cơ sở Đoạn trường tân thanh (ĐTTT) của Nguyễn Du hay KVKT của Thanh Tâm Tài Nhân?

Để trả lời câu hỏi này chúng tôi đã tiến hành đối chiếu ba văn bản với nhau và đã phát hiện nhiều chi tiết cho thấy KVKL được dựa vào ĐTTT. Dưới đây là một vài ví dụ:

 

Xuất xứ

Kim Vân Kiều lục

Đoạn trường tân thanh (Truyện Kiều)

Kim Vân Kiều truyện

Kiều viếng mộ Đạm Tiên trong tiết Thanh minh

“Hốt ư kiều bàng kiến nhất mộ, thảo mộc thanh hoàng tự hữu thê lương chi sắc” (Bỗng thấy một ngôi mộ bên cầu, cỏ cây héo úa đượm vẻ thê lương)

(Câu 55 - 56) Sè sè nấm đất bên đường / Rầu rầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh

 

“Hốt hành đáo khê biên, khan kiến nhất tòa cô chủng”.

(Bỗng đi đến bên khe, thấy một ngôi mộ cô quạnh)

Khách phương xa đến tìm Đạm Tiên thì nàng đã chết

“Chỉ kiến lý tích tam tứ ảm đạm đài phong”(Chỉ thấy ba bốn dấu giày rêu phong ảm đạm)

(Câu 71- 72) Phòng không lặng ngắt như tờ / Dấu xe ngựa đã rêu lờ mờ phong

Không có

 

Sau khi gặp gỡ Kim Trọng trong tiết Thanh minh, Kiều về đến nhà

“Vương Quan Nhị Kiều đồng quy chí vu gia xứ tắc thỏ dĩ thăng đằng, đình tàng trúc ảnh

(Câu 173 - 174.) Gương nga chênh chếch dòm song / Vàng gieo ngấn nước cây lồng bóng sân

Không có

 

Kiều mộng thấy Đạm Tiên

 

“Hốt chi phong đả sơ liêm thanh văn động đãng, Kiều bột nhiên nhi khởi, thủy giác mộng trung…” (Bỗng nghe động tiếng gió đập vào bức mành thưa, Kiều giật mình tỉnh giấc mới biết là trong mộng)

(Câu 213-214) “Gió đâu sịch bức mành mành / Tỉnh ra mới biết rằng mình chiêm bao”

 

“Hốt bị phong xao thiết mã tranh đích nhất thanh, tỉnh khước thị nhất mộng” (Bỗng tỉnh giấc vì cơn gió lay động thiết mã trước thềm, mới biết là một giấc mộng)

Kim Trọng bắt được cành thoa của Kiều

“Kinh nhất dạ gian hương vị như cố”(Qua một đêm vẫn còn nguyên mùi thơm)

(Câu 300.) Vẫn còn thoang thoảng hương trầm chưa phai

Không có

 

Còn có thể dẫn ra rất nhiều những chứng cứ như vậy.

Như vậy qua so sánh bước đầu có thể nhận thấy KVKL được tái sáng tác từ Truyện Kiều của Nguyễn Du. Ngoài ra về phần thơ trong tác phẩm, ở Truyện Kiều của Nguyễn Du, các chi tiết đề thơ đều được ông nhắc đến đầy đủ nhưng phần thơ bị tước bỏ. Chẳng hạn khi Kiều đề thơ ở mộ Đạm Tiên, tác giả viết: “Rút trâm sẵn giắt mái đầu / Vạch da cây vịnh bốn câu ba vần”, sau đó chuyển ý khác mà không dẫn thơ. Ở những đoạn này tác giả KVKL đã đưa các sáng tác thơ của mình vào, chính vì vậy ở KVKL, từ bài thơ Kiều đề mộ Đạm Tiên cho đến mười bài trong tập đoạn trường rồi nhiều đoạn đề thơ khác của Kiều đều hoàn toàn khác với KVKT. Chẳng hạn bài thơ Kiều đề mộ Đạm Tiên, ở KVKL đúng là một bài thơ “bốn câu ba vần”:

"Tuyền hạ giai nhân tri giã vô

Hồng nhan thùy thị cánh vô phu

Lạc nhạn trầm ngư mê khách tứ

Thê phong lương nguyệt xúc nhân sầu".

Thì ở KVKT là:

"Sắc hương hà xứ dã

Bằng điếu thống tâm tai

Minh nguyệt lãnh uyên bị

Ám trần đối kính đài

Ngọc tuy hoàng thổ yểm

Danh vị bạch vân mai

Thượng hữu như quy tửu

Vô nhân điện nhất bôi".

(Chính vì vậy mà Trần Văn Giáp cho rằng đây là bản lược thuật KVKT rồi thêm thắt thơ văn vào).

Khảo sát nội dung KVKL có thể nhận thấy câu chuyện về Kim-Vân-Kiều diễn biến tuần tự theo đúng cốt chuyện của Truyện Kiều:

Mở đầu giới thiệu về gia đình Vương Viên ngoại. Vương Quan - Thúy Kiều - Thúy Vân vào tiết Thanh minh viếng mộ Đạm Tiên. Kiều đề thơ bên mộ Đạm Tiên. Kim Trọng gặp Thúy Kiều. Kiều mộng gặp Đạm Tiên và đề thơ đoạn trường. Kim Kiều gặp nhau và đính ước. Kiều bán mình chuộc cha, rơi vào tay Mã giám sinh và Tú Bà. Bị Sở Khanh lừa. Lấy Thúc Sinh. Bị Hoạn Thư hờn ghen trả thù. Gặp Giác Duyên. Rơi vào tay Bạc Bà Bạc Hạnh. Lấy Từ Hải. Bị Hồ Tôn Hiến lừa. Từ Hải chết. Kiều tự vẫn ở sông Tiền Đường được Giác Duyên cứu. Đoàn viên.

Đại để kết cấu tác phẩm đều theo đúng cốt truyện của Truyện Kiều nhưng nhiều chi tiết bị lược gọn khiến câu truyện trở nên đơn giản, chiều sâu tư tưởng và tính triết lý vốn được thể hiện rất thành công dưới ngòi bút của Nguyễn Du thì ở Kim Vân Kiều lục đều bị tước bỏ. Đồng thời khác với Truyện Kiều, KVKL không dừng lại đi sâu đặc tả tâm trạng nhân vật, triết lý về nhân sinh mà mang đậm tính tự sự, kể lướt theo các tình tiết, có xu hướng bình dân hóa. Mặc dù có ý thêm thắt vào các chi tiết cho thêm phần hấp dẫn, nhưng điều đó lại khiến tác phẩm trở nên đơn giản, bình dân hơn. Chẳng hạn truyện kể thêm chi tiết Vương bà cầu mộng ở Hành Sơn, mộng thấy ba bông hoa mà sinh ra ba người con; rồi đoạn viết về Kiều khi nhẩy xuống sông tự vẫn: “Đạm Tiên tối tú tối linh, âm phù Kiều nương ư giang trung. Tuy lãng đả ba xao nhi hoa nhan bất biến, từ từ lưu chí Giác Duyên trú sở” đều là lối kể chuyện rất dân gian thường thấy trong các truyện kể về thần tích. Còn những cảnh như Kim Trọng đi tìm nhà Kiều “Kiến nhất lão nhân bão đồng tử dĩ du, vấn lão nhân viết: Vương quan chi gia an tại? Lão nhân viết: Tử dục kiến Vương Quan da, kiến Nhị Kiều da?” hay cảnh Kim Trọng đi tìm nơi ở trọ: “Hữu nhất gia môn lư cao hác, sơn thủy hữu tình, hữu nhất lão ẩu phanh trà độc tọa” thì đều là miêu tả cung cách cảnh tượng quen thuộc của làng quê Việt. Ngoài ra văn chương trong KVKL thiếu sự chắt lọc nên không khắc họa được nhân vật một cách sinh động như ở Truyện Kiều, lại dùng nhiều sáo ngữ kiểu như “Kiều Vân thập hữu nhị tuế, hữu trầm ngư lạc nhạn chi dung, hữu bế nguyệt tu hoa chi mạo”, “Tây thiên hữu nhất tiểu khê hình tự long bàn thủy phô cẩm sắc”, hay “dĩ kiến Kim Trọng lập tại thụ hạ, hoa lạc mãn đầu sương phi bạch phát” v.v… cũng là một yếu tố khiến cho tác phẩm kém sức biểu cảm. Nhìn chung so với Truyện Kiều của Nguyễn Du thì KVKL chỉ là một tác phẩm mô phỏng hết sức mờ nhạt, kém sức cuốn hút.

Tóm lại, Kim Vân Kiều lục là tác phẩm được tái sáng tác trên cơ sở Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du nhưng cách kể đơn giản và bình dân hơn. Có thể thấy đây là một diễn biến khá lý thú của Kim Vân Kiều truyện, là minh chứng cho sự trường tồn và sức lan tỏa không biên giới của văn hóa. Chúng ta từng biết truyện về Thúy Kiều được các tác gia Trung Quốc dựa vào một vài sự kiện lịch sử xảy ra vào thời Minh để viết thành, sau đó thi hào Nguyễn Du dùng thể thơ Nôm lục bát tái sáng tác thành Đoạn trường tân thanh trên cơ sở Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài nhân, rồi từ Đoạn trường tân thanh lại trở thành truyện dân gian Kim Trọng A Kiều của người Kinh ở Trung Quốc. Nay chúng ta lại biết thêm một tác phẩm văn xuôi chữ Hán của người Việt viết về Kim Vân Kiều. Và biết đâu Kim Vân Kiều lục với nội dung giản dị hơn và phần nào bình dân hóa lại chính là cầu nối giữa Truyện Kiều của Nguyễn Du với truyện dân gian Kim Trọng A Kiều của dân tộc Kinh ở Trung Quốc. Vấn đề này nếu tiến hành so sánh đối chiếu kỹ lưỡng các tác phẩm với nhau chắc chắn sẽ phát hiện được nhiều điều lý thú./.

In
Lượt truy cập: