Tạp chí Hán Nôm >> TCHN từ 2006 về sau >> Số >> 88(2008)
Phạm Văn Thắm
Giới thiệu văn bản An Nam tức sự (Tạp chí Hán Nôm, Số 3(88) 2008; Tr.60-64)

Cập nhật lúc 23h31, ngày 26/01/2010

GIỚI THIỆU VĂN BẢN AN NAM TỨC SỰ

TS. PHẠM VĂN THẮM

TS.Viện Nghiên cứu Hán Nôm

An Nam tức sự (trước cảnh vật của An Nam) là một tác phẩm trong sách Giao châu tập của một sứ thần đời Nguyên. Tác phẩm này hiện được chép trong tập Bắc thư tải nam sự gồm 9 trang, trang 9 dòng, mỗi dòng chính văn 22 chữ, phần chú giải gồm 2 dòng chữ nhỏ sau chính văn, mỗi dòng 31 chữ. Sách ký hiệu A.177 hiện đang được lưu giữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

Dưới dòng chữ 交州集Giao Châu tập, tên của tập sách ghi ở dòng đầu tiên của tác phẩm có dòng chữ nhỏ 陳剛 "Nguyên Trần Cương Trung", cho biết Trần Cương Trung người đời Nguyên là tác giả của tác phẩm này. Khảo cứu tiếp đến dòng cuối của An Nam tức sự, tác giả viết: , "mộc huân trần thử kế, Lễ bộ tiểu thần Phu" (Đội ơn trình bầy suy nghĩ này, tiểu thần Phu [tôi người] bộ Lễ) cho thấy Trần Cương Trung còn có tên là Phu.

Theo sách An Nam chí lược của Lê Trắc thì năm Chí Nguyên thứ 30 (1293), nhà Nguyên sai Binh bộ Thượng thư Lương Tăng, Thị lang Trần Phu dẫn sứ thần Nguyễn Đại Phạp(1) trở về dụ Thế tử vào chầu. Theo Việt sử cương mục tiết yếu của Đặng Xuân Bảng thì năm Quý Tỵ niên hiệu Trùng Hưng thứ 9 (1293), sứ nhà Nguyên là Lương Hội và Trần Phu sang nước ta(2).

Từ những điều nêu trên cho thấy Trần Cương Trung tức Trần Phu được cử đi sứ An Nam năm 1293.

Về thời điểm ra đời của An Nam tức sự, chúng ta có thể nhận thấy trong An Nam tức sự, có đoạn tác giả ghi chú về nhà Trần , "kim Nhật Hoán đại lĩnh kỳ chúng, hữu quốc lục thập hữu cửu niên hĩ" (Nay Nhật Hoán thay quyền coi quản dân chúng, [Nhà Trần] có nước được 69 năm vậy).

Chúng ta biết rằng nhà Trần thay nhà Lý lên nắm quyền năm 1225. Căn cứ vào lời chú giải nêu trên cho thấy nhà Trần đã nắm quyền coi quản đất nước được 69 năm, tức là năm 1293. Đây là năm Trần Cương Trung đi sứ An Nam, ông đã ghi lại nhiều cảnh vật của An Nam, như vậy thời điểm ra đời của An Nam tức sự là vào khoảng thời gian này.

Trần Cương Trung là một nhà thơ. Theo mục lục Toàn Việt thi lục của Phan Phu Tiên (A.1925), phần Bắc nhân Nam sứ (người Bắc đi sứ nước Nam) thì Trần Phu có 2 bài thơ. Hai bài thơ này đã được Lê Trắc ghi lại trong An Nam chí lược(3).

An Nam tức sự là một tác phẩm thơ viết theo thể ngũ ngôn gồm 60 vần và các lời chú giải. Theo thống kê đã có tới 36 chú giải. Phần chú giải trình bầy rõ thêm những điều kiến văn của tác giả.

Mở đầu tác phẩm, tác giả giới thiệu khái quát lịch sử hình thành nước Việt cho đến thời Trần.

Về nhà Trần, tác giả trước hết trình bầy ngắn gọn về nguồn gốc “Trần bản Mân nhân, hữu Trần Kinh giả, nguỵ thuỵ Văn V­ương tư vu Lý, trực Long Hàn hôn mao, bất tuất quốc chính, Kinh dữ đệ Bản nguỵ thuỵ Khang v­ương đạo quốc bính, Hạo Sảm ấu xung, tử Thừa soán lập, tiếm hiệu Thái th­ượng hoàng. Tử, tử Quang Bính tự, tại Tống danh Uy, Quang thư­ợng biểu nội phụ. Quốc triều phong vi An Nam vư­ơng. Tử, tử Nhật Huyên lập, tại Tống danh Nhật Chiêu. Tốt, kim Nhật Hoán đại lĩnh kỳ chúng, hữu quốc lục thập hữu cửu niên hĩ”. Nghĩa là: Họ Trần vốn ngư­ời đất Mân, có ngư­ời là Trần Kinh vờ thụy là Văn Vương, làm quan giúp nhà Lý. Gặp khi Long Hàn mê muội, không lo việc chính sự, Kinh cùng với em là Bản vờ thụy là Khang Vư­ơng, lấy trộm quyền bính trong nư­ớc. Hạo Sảm thơ ấu, con là Thừa soán ngôi, ngầm lấy hiệu là Thái thượng hoàng. [Thừa] mất, con là Quang Bính kế ngôi. Tại đất Tống [Quang] được gọi là Uy. Quang dâng biểu xin nội phụ, triều đình phong cho Quang làm An Nam v­ương. Quang mất, con là Nhật Huyễn kế ngôi, tại Tống gọi là Nhật Chiêu. [Nhật Chiêu] mất, nay Nhật Hoán thay quyền coi quản dân chúng. [Nhà Trần] ở ngôi đến nay là 69 năm rồi.

Từ lời chú giải của Trần Phu, chúng ta biết thêm tên của các vua Trần trên đất Tống và Quang Bính là một cách gọi khác của vua Trần Thái Tông.

Về tổ chức bộ máy hành chính thời Trần, tác giả cho biết dưới vua là quan. Hệ thống quan lại nhà Trần gồm có 2 cấp: Cấp trung ương: có quan điều hành việc nước gồm 2 người, đó là Thái sư Quang Khải, và Thái úy Trần Việp. Mọi việc to nhỏ trong nước đều do 2 ông cắt đặt. Thừa hành công vụ có quan Kiểm pháp và Minh tự. Nắm việc pháp lệnh và hình ngục có quan Duyệt điều. Cấp địa phương thì ở châu có quan Phủ và Thông phán, ở huyện có chức Đại liêu và Tướng toát. Chức quan Đại liêu có nhiệm vụ thu thuế. Chức Tướng toát trông coi việc tuần phòng. Khi có báo động thì binh lính phải đem theo khí giới để tự vệ, người không có cung nỏ thì dùng gậy gộc.

Hình luật của nhà Trần rất nghiêm khắc: Người nào vi phạm pháp luật như trộm cắp hay đào tẩu, nếu những kẻ này bị bắt thì bị xử chặt ngón chân, ngón tay hoặc bị đưa đi cho voi dầy. Người nào cất giấu vàng bạc không nộp quan [việc bị phát giác] sẽ bị xử tội chết. Triều đình nhà Trần còn cho dựng một lầu chuông lớn, ai có việc tố cáo thì đến gõ chuông.

Về kinh tế, chúng ta biết rằng nhà Trần sau khi đánh đuổi quân Nguyên ra khỏi bờ cõi (1288) đã thực hiện nhiều chính sách để khôi phục, phát triển nền kinh tế. Dưới con mắt của sứ thần người nước ngoài, nền kinh tế của nhà Trần là nền kinh tế tự cấp tự túc “nhà nước không có kho đựng muối, việc chuyên chở thì dùng thuyền. Lúa thì chín quanh năm, tuy là tháng mùa đông mà mạ vẫn xanh mơn mởn”. Nước Việt có nhiều đặc sản như chuối, mít, nhãn, vải. Nhãn vải là hai loại kỳ quả (quả ngon đặc biệt). Về giao thông, Trần Phu đã quan sát thấy nước Việt ta có một hệ thống sông ngòi chằng chịt, việc đi lại trên bộ có hệ thống cầu như ở châu Hoa Phúc có bốn chiếc cầu được bắc ở Mạc Kiều, Tây Dương, Ma Tha, Lão Biên để tiện việc đi lại. Việc đi lại trên sông nước thì dùng thuyền. Kiểu dáng thuyền thời Trần được Trần Phu miêu tả: "Chu khinh nhi trường, bản bác, vĩ như­ uyên ư­ơng chi kiều. Thao giả tam thập nhân, đa giả chí bách dư­ nhân. Kỳ tật như­ phi" (Thuyền nhẹ và dài, ván mỏng, đuôi thuyền nh­ư cánh uyên ư­ơng, ngư­ời chèo thuyền có khoảng 30 ng­ười, có khi nhiều đến hơn trăm ng­ười, thuyền đi nhanh như­ bay).

Thời Trần đã xuất hiện mầm mống của một nền kinh tế hàng hóa, Trần Phu đã ghi lại quang cảnh buôn bán trên sông ở phủ Lý Hoa “Lý Hoa phủ tức Đường Hoan châu, khử Giao châu thành nhị bách dư lý. Hải ngoại chư phiên chu phàm tấu tập" (Phủ Lý Hoa tức châu Hoan đời Đường cách thành châu Giao hơn 200 dặm, thuyền bè của các phiên thuộc ra vào buôn bán tấp nập). Việc giao lưu hàng hóa cũng được thực hiện ở các làng xóm. Trần Phu đã ghi chép về chợ làng. Chợ làng cứ 5 dặm lại dựng một ngôi nhà 3 gian, bốn mặt đều đặt sạp. Chợ làng 2 tháng họp một phiên, hàng trăm sản vật đổ về bầy bán ở đây.

Về phong tục tập quán của người Việt. Đây là chủ đề gây nhiều cảm hứng cho tác giả. Dưới con mắt của một sứ thần, người Việt chất phác mộc mạc. Việc ăn mặc, đi lại thì "tôn ty song tiển túc, lão ấu nhất đoàn lô" (trên dưới đi chân đất, già trẻ đầu vấn khăn). Ông cũng cho biết thêm “cũng có người đi giầy, nhưng khi đến cung điện thì lại bỏ giầy ra”. Về trang phục, Trần Phu miêu tả rất kỹ nhất là tục vấn khăn của người Việt thời Trần: "Cân sắc thâm thanh, hưu tằng vi chi, quán ngạch dĩ thiết tuyền, tiền cao nhất xích nhi khuất chi cập cảnh, dĩ thúc đái, phản kết kỳ hậu. Đỉnh hữu thiết câu, hữu chức ch­ưởng tắc gia đới vu câu. Gia cư­ Tù thủ kiến khách nãi cân, viễn hành tắc nhất nhân bổng cân dĩ tòng. Duy quốc v­ương khốc dĩ tạo la bao thúc, viễn vọng như­ đạo gia luận cân nhi ích quảng xuất. Kỳ bàng phát giai lộ thùy. Quốc giai y tạo hắc san. Tứ cứ­ bàn lĩnh, dĩ la vi chi. Phụ nhân diệc hắc y, đán tự lý quảng xuất tựu dĩ duyên kỳ lĩnh. Bác tứ thốn, dĩ thử vi dị. Thanh, hồng, hoàng, tử chư­ sắc tuyệt vô." (Khăn [của họ] mầu xanh thẫm, làm bằng tơ nhuộm, quấn quanh trán rồi khâu bằng sợi cứng, [khăn để] phía tr­ước một thước rồi gập lại đến cổ, lấy bao lư­ng buộc thắt lại phía sau. Trên đỉnh đầu, cài một chiếc móc câu sắt. Ngư­ời có chức quyền thì thêm một cái móc câu ở đai lư­ng. Khi ở nhà Tù thủ (tức Tù trư­ởng) thấy có khách đến thì đội khăn. Đi xa thì có một ngư­ời bư­ng khăn đi theo. Duy nhà vua khi búi tóc thì lấy khăn lụa đen bao cuốn lại, từ xa trông tựa như­ khăn vấn đầu của đạo gia như­ng to hơn, để lộ mái tóc mai rủ xuống. Trong n­ước [mọi người] đều mặc áo mầu đen, bốn vạt cuốn quanh đều làm bằng lụa là. Ngư­ời phụ nữ cũng mặc áo mầu đen, như­ng bên trong mở rộng ra đến viền cổ rộng 4 tấc, vì thế mà trông rất lạ. Các mầu áo xanh, đỏ, vàng, tím đều không có).

Về nơi ở, Trần Phu đã ghi lại hình dáng của một ngôi nhà lợp ngói. Mái ngói thì: Ngõa hình như­ bản, th­ượng chính phư­ơng nhi nhuệ. Kỳ hạ chi bán, nh­ư thập(4) thổ hoành dĩ vi sạn, dĩ trúc đính, đính kỳ ngõa chi sạn, tự thiềm dĩ thứ tư­ơng áp, uyển nh­ư ngư­ lân. (Viên ngói có hình dáng to như­ tấm ván, phía trên thì vuông và sắc cạnh, nửa phía dưới nh­ư lấy tre xếp ngang đính làm rui, rồi đính hàng ngói đó lại. Từ hàng thứ hai trở đi, lớp ngói xếp chồng lên nhau, uốn lư­ợn nh­ư vẩy cá). Nhà cửa ở kinh thành thì: Cầu An Hóa rực rỡ, gác Minh Linh nguy nga. Về đời sống tinh thần thì tiếng ca, tiếng hát vang khắp kinh thành. Khúc hát có Giáng hoàng long nhập Dao trì (Rồng vàng đậu Hoàng đô), Yến Dao trì (ăn yến ở vườn Dao), Nhất phong thanh (một luồng gió mát). Theo Trần Phu âm điệu các bài hát này gần với cổ thể, nhưng gấp và nhanh hơn.

Về ngôn ngữ giao tiếp, người Việt: "Nói cư­ời nh­ư chim hót, âm điệu có bổng trầm".

Điều đáng chú ý là Trần Phu đã ghi lại một số âm đọc và chữ Nôm thời Trần: gọi thiên () là bột mạt (勃末), địa () là đắc , nhật () là phù bột mạt (扶勃末), nguyệt () là bột lăng (勃菱), phong () là giáo (), vân () là mai (), sơn () là can ổi (干猥), thủy () là l­ược (), nhãn () là mạt (), khẩu () là mính (), phụ () là tra (), mẫu () là mi (), nam tử (男子) là tử đa (子多), nữ () là tử cái (子丐), phu () là trùng (), phụ () là đà bị (陀被), hảo () là phả (), bất hảo (不好) là tr­ương phả (张頗), đại loại là như­ vậy. Từ sự ghi chép của Trần Phu, chúng ta biết được chữ Nôm của người Việt thời Trần đã được sử dụng trong giao tiếp hàng ngày.

Sứ thần của nhà Nguyên sang An Nam đã được vua tôi nhà Trần đón tiếp và dẫn đi thăm viếng nhiều nơi. Trần Phu cũng đã ghi chép về nơi nghỉ của sứ thần, các danh lam thắng cảnh, hình thế núi sông từ bắc đến nam của đất Việt, về những tập tục như tục kiêng viết húy chữ (Lý) viết thành (Nguyễn), các tục uống rượu bằng mũi, tục ăn thịt trăn. Trong ghi chép của Trần Phu, chúng ta nhận thấy có những quan niệm, cách nhìn nhận của tác giả chưa chuẩn xác như đoạn ghi về Hai Bà Trưng. Nhưng viên sứ thần này cũng không thể bỏ qua một thực tế lịch sử đó là những đoạn ghi về sự tổn thất của đội quân viễn chinh do Mã Viện chỉ huy đến đàn áp cuộc khởi nghĩa của Hai bà. Những chiến thuyền đinh của Mã Viện bị đánh chìm, thời gian trôi đi đã hơn nghìn năm mà khi nước sông trong vẫn còn thấy thấp thoáng.

Trong phần cuối của An Nam tức sự, Trần Phu cũng nói lên một điều, trời đã diệt lũ ác, cuộc sống thanh bình đã trở về với người dân đất Việt.

An Nam tức sự, một tác phẩm của Trần Phu, sứ thần nhà Nguyên đã ghi lại nhiều cảnh vật, và sự việc của Việt Nam thời Trần mà sử sách Việt Nam chưa chép. Đây là tài liệu thực sự có giá trị cho việc nghiên cứu một giai đoạn của thời Trần.

 

Chú thích:

(1) Bản An Nam chí lược. A.16, Q.3, tờ 5 có dòng chữ = đại Nguyễn chi.

(2) Đặng Xuân Bảng: Việt sử cương mục tiết yếu, Nxb. KHXH, H. 2000.

(3) Bài 1:

 

Phiên âm:

Lão mẫu việt Nam thùy bạch phát

Bệnh thê yên Bắc thị hoàng hôn

Man nhân chướng vũ Giao châu khách

Tam xứ tương tư nhất mộng hồn.

 

Dịch nghĩa:

Khi qua Nam, mẹ già đầu tóc bạc

Vợ yếu quê nhà ngóng tận chiều

Lam chướng mây mù đất Giao Chỉ

Đêm nằm suy ngẫm thân chia ba.

Bài 2:

使

 

Phiên âm:

Li Giao Châu dữ Đinh Thiếu Bảo

Nhất lượng tùy xa chướng hải nhân

Đại bằng hà chỉ thủy tam thiên

Nam lai vị liễu duy ma bệnh

Bắc độ không tư Đạt ma thiền

Sứ tiết tầm thường đồng trụ ngoại

Thiên uy chỉ xích ngọc bệ tiền

Lâm kỳ ốc thủ vô tha chúc

Lưu thủ đan tâm chiếu vạn niên.

 

Dịch nghĩa:

Từ biệt Giao châu gửi thư cho Đinh Thiếu Bảo

Một lần theo xe, khói sương lam chướng

Cánh bằng há chỉ đậu nơi non nước dặm ba ngàn

Qua sứ Nam vẫn chưa dứt lòng Phật

Về Bắc chỉ nghĩ Đạt ma thiền

Sứ tiết bình thường ngoài đồng cột

Thiên uy gang tấc trước bệ rồng

Xa nhau tay nắm không lời dặn

Giữ tấm lòng son rạng muôn đời.

4- Nguyên bản mất một chữ.

Tài liệu tham khảo

1- Đại Việt sử ký toàn thư. Nxb. KHXH. H. 1998.

2- Đặng Xuân Bảng: Việt sử cương mục tiết yếu, Nxb. KHXH. H. 2000.

3- Di sản Hán Nôm Việt Nam - Thư mục đề yếu. Nxb. KHXH, H. 1993.

4- An Nam chí lược. Nxb. Thuận Hóa. Trung tâm văn hóa Đông Tây, 2002./.

(Tạp chí Hán Nôm, Số 3(88) 2008; Tr.60-64)

In
Lượt truy cập: