Nghiên cứu Hán Nôm >> Tác giả >> N >> Lê Viết Nga
44. Tư liệu Hán Nôm về 10 Tiến sĩ họ Nguyễn Vĩnh Kiều huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (TBHNH 2001)

Cập nhật lúc 23h00, ngày 22/03/2007

TƯ LIỆU HÁN NÔM VỀ 10 TIẾN SĨ HỌ NGUYỄN VĨNH KIỀU HUYỆN TỪ SƠN, TỈNH BẮC NINH

LÊ VIẾT NGA

Bảo tàng Bắc Ninh

Vĩnh Kiều vào thời Nguyễn, là một trong 8 xã thuộc tổng Tam Sơn, huyện Đông Ngàn, tỉnh Bắc Ninh, xứ Kinh Bắc. Vùngg quê nơi đây có truyền thống khoa bảng vẻ vang, tiêu biểu của xứ Kinh Bắc: huyện Đông Ngàn có tới hơn 130 vị đỗ đại khoa, riêng xã Tam Sơn có 16 vị tiến sĩ, họ Nguyễn Vĩnh Kiều có 10 vị.

Gia phả của họ Nguyễn Vĩnh Kiều ghi: "Họ Nguyễn tức họ Lý Vĩnh Kiều vốn là một dòng họ trâm anh thế phiệt nổi tiếng ở đất Đông Ngàn thuộc trấn Kinh Bắc xưa, là một trong những gia tộc thuộc hàng "Tứ gia vọng tộc" ở trấn này, đã đóng góp cho quốc gia 10 vị tiến sĩ và 2 võ quan, 30 vị cử nhân tú tài.

Đền thờ các nhà khoa bảng họ Nguyễn Vĩnh Kiều được khởi dựng từ thời Lê - đến nay đã qua mấy lần tu bổ, tôn tạo nhưng vẫn giữ được giá trị bảo tồn bảo tàng với nhiều tư liệu hiện vật có giá trị lịch sử và nghệ thuật như: gia phả, câu đối, hoành phi, các đồ thờ, tế khí, đặc biệt là các đạo sắc phong(1) của các triều đại phong kiến ban tặng cho các nhà khoa bảng Nguyễn tộc.

Với những giá trị to lớn đó, đền thờ các nhà khoa bảng họ Nguyễn Vĩnh Kiều đã được Bộ Văn hoá Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử theo Quyết định số 295/VH-QĐ, ngày 12 tháng 2 năm 1994.

Các tư liệu của gia tộc nêu trên cùng với tư liệu Hán Nôm, bia Văn miếu hàng tỉnh, hàng huyện... đã phản ánh về các nhà khoa bảng họ Nguyễn Vĩnh Kiều như sau:

1. Thám hoa Nguyễn Văn Huy:

Tên tuổi khoa danh của ông được ghi khắc ở Văn miếu Bắc Ninh. Bia Kim bảng lưu phương ghi về tiến sĩ Nguyễn Văn Huy như sau:

"Khoa Kỷ Sửu niên hiệu Minh Đức (1529): có Nguyễn Văn Huy, quê huyện Đông Ngàn, xã Vĩnh Kiều, giữ chức Thượng thư, sau về trí sĩ".

Theo gia phả: Nguyễn Văn Huy, tự là Cúc Đàm, sinh năm Bính Ngọ (1466), người xã Vĩnh Kiều, huyện Đông Ngàn (nay là thôn Vĩnh Kiều, xã Đồng Nguyên, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) thuở thiếu thời làm con nuôi Phạm Đôn Tích ở xã Yên Lạc, huyện Thanh Lâm, sau đó ông lại trở về nguyên quán. Năm 44 tuổi, ông đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ, đệ tam danh khoa Kỷ Sửu, niên hiệu Minh Đức thứ 3 đời Mạc Đăng Dung (1529). Ông làm quan đến chức Thượng thư bộ Lễ, kiêm Đông các đại học sĩ, Chính tự khanh, Thượng chế. Ông từng đi sứ phương Bắc, năm 67 tuổi, ông về trí sĩ.

Nguyễn Văn Huy có 3 người con đều đỗ tiến sĩ: Nguyễn Trọng Quýnh, Nguyễn Đạt Thiện, Nguyễn Hiển Tích và một cháu nội là Nguyễn Giáo Phường cũng đỗ đại khoa.

2. Tiến sĩ Nguyễn Trọng Quýnh:

Gia phả dòng họ ghi: Nguyễn Trọng Quýnh, tự Trạch Thiên, hiệu Dương Sơn, ông sinh năm Đinh Hợi (1527) người xã Đồng Nguyên, huyện Đông Ngàn (nay là thôn Vĩnh Kiều, xã Đồng Nguyên, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Năm 21 tuổi đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân.

Nguyễn Trọng Quýnh làm quan đến chức Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, chức Thượng thư bộ Lễ, Tri Chiêu văn quán, kiêm Tú lâm cục, Chính tự khanh thượng chế, đi sứ phương Bắc. Ông mất ngày 19 tháng 4 năm Đinh Dậu (1597), thọ 71 tuổi.

Tiến sĩ Nguyễn Trọng Quýnh được ghi khắc tên tuổi và khoa danh ở Văn miếu Bắc Ninh. Bia Kim bảng lưu phương ghi các tiến sĩ đỗ từ khoa Kỷ Sửu (1529) đến khoa Canh Tuất (1550) trong đó: "Nguyễn Trọng Quýnh: quê huyện Đông Ngàn, xã Vĩnh Kiều, làm quan đến Thượng Thư".

3. Hoàng giáp Nguyễn Đạt Thiện:

Ông đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân đệ nhất danh, khoa Kỷ Mùi, niên hiệu Quang Bảo thứ 6 đời Mạc Mậu Hợp (1559). Nguyễn Đạt Thiện thi ứng chế đỗ thứ nhất. Ông làm quan đến chức Binh khoa đô cấp sự trung.

Bia Kim bảng lưu phương ở Văn miếu Bắc Ninh khắc thời Thành Thái, năm Kỷ Sửu tháng 10. Bia này ghi lại các tiến sĩ đỗ từ khoa thi năm Quý Sửu thời Mạc Cảnh Lịch (1553) đến khoa Kỷ Mùi niên hiệu Quang Bảo (1559) trong đó viết về Hoàng giáp Nguyễn Đạt Thiện như sau: "Nguyễn Đạt Thiện, quê ở huyện Đông Ngàn, xã Vĩnh Kiều, giữ chức Đô cấp sự trung".

4. Tiến sĩ Nguyễn Hiển Tích:

Gia phả dòng họ cho biết: Ông sinh năm Giáp Thân (1524), xuất thân Thị hầu. Ông đỗ Hương cống sớm, nhưng vì loạn lạc nên đỗ tiến sĩ muộn. Năm 48 tuổi ông đỗ Đệ tam giáp tiến sĩ xuất thân khoa Ất Sửu niên hiệu Thuần Phúc thứ 4, đời Mạc Mậu Hợp (1565). Ông làm quan đến chức Tả thị lang bộ Binh, tước Nghi Khê bá.

Ông làm quan nhà Mạc 28 năm. Khi nhà Mạc thất thủ, Mạc Kính Chỉ cát cứ huyện Thanh Lâm (nay là huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương), ông đi theo, sau bị thất bại, ông chạy lên chùa Âm Sơn (nay thuộc huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh), bị quân nhà Lê bắt được. Ngày 27 tháng Giêng năm Quý Tị, niên hiệu Quang Hưng thứ 16, đời Lê Thế Tông (1593), ông cùng quần thần nhà Mạc bị Trịnh Tùng đưa hành quyết ở bãi Thảo Tân, trên sông Nhị Hà khi đó ông 69 tuổi.

Nguyễn Hiển Tích là con thứ ba của tiến sĩ Nguyễn Văn Huy, là em tiến sĩ Nguyễn Trọng Quýnh, Nguyễn Đạt Thiện, là chú của tiến sĩ Nguyễn Giáo Phường.

Bia Kim bảng lưu phương ở Văn miếu Bắc Ninh khắc vào tháng 10 năm Kỷ Sửu đời Thành Thái (bia các tiến sĩ đỗ từ khoa Quý Sửu thời Mạc Cảnh Lịch (1553) đến khoa Nhâm Thìn niên hiệu Hồng Ninh (1592) ghi: "Nguyễn Hiển Tích quê huyện Đông Ngàn, xã Vĩnh Kiều, làm quan đến Thị lang".

5. Thám hoa Nguyễn Giáo Phường:

Theo tư liệu của gia tộc: Ông có tên tự là Hoa Nghĩa, sinh năm Kỷ Dậu (1549), xuất thân Nho sinh trúng thức. Năm 38 tuổi ông đỗ Hội nguyên, kỳ thi Đình ông đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ, đệ tam danh khoa Bính Tuất niên hiệu Đoan Thái thứ nhất, đời Mạc Mậu Hợp (1586). Gia phả dòng họ còn ghi rằng: Giáo Phường thông minh hiếu học. Trong kỳ thi Đình khi đọc bài phú của ông, nhà vua phê rằng: "Văn của Giáo Phường như sông Giang, sông Hán càng chảy càng lạ". Kỳ thi ứng chế ông lại đỗ đầu. Nguyễn Giáo Phường làm quan nhà Mạc hơn 6 năm, khi nhà Mạc thất thế, ông theo Mạc kính Cung lên giữ đất Thái Nguyên, Cao Bằng.

Khi Tô quận công Phạm Sảo, Mĩ quận công Bùi Văn Khuê mưu phản, Nguyễn Hoàng về giữ Thuận Quảng, ông bèn thu tàn binh nhà Mạc về giữ vùng Vũ Ninh, Thị Cầu sau đó tiến đánh kinh đô Thăng Long. Bị bại, ông về tử thủ ở Thái Nguyên, rồi bị làm phản, ông mất năm Nhâm Dần (1592), khi mới 44 tuổi.

Tư liệu văn bia Kim bảng lưu phương ở Văn miếu Bắc Ninh khắc năm Kỷ Sửu đời Thành Thái, ghi các vị đỗ tiến sĩ từ khoa Quý Sửu - thời Mạc Cảnh Lịch (1553) đến khoa Nhâm Thìn, Hồng Ninh (1592), ghi về Nguyễn Giáo Phường như sau: "Khoa Bính Tuất niên hiệu Đoan Thái (1586): Đệ nhất giáp Thám hoa - Nguyễn Giáo Phường: người huyện Đông Ngàn, xã Vĩnh Kiều; đỗ giải nguyên kỳ thi Hương, Hội, Đình, làm quan đến chức Thượng thư".

6. Tiến sĩ Nguyễn Danh Nho:

Ông hiệu là Chung Vực, sinh năm Tân Tị (1641), năm 24 tuổi, ông đỗ kì thi Hội, năm 30 tuổi thi Đình, đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân. Gia phả dòng họ cũng ghi ông đỗ năm 24 tuổi, đỗ thứ 2. Ông làm quan đến chức Tham chính, Công bộ cấp sự trung, Tổng đốc Sơn Tây, Tham chính Nghệ An.

Cũng theo gia phả dòng họ: ông Nguyễn Danh Nho mất ngày 5 tháng 6 năm Canh Ngọ, thọ 44 tuổi, ông là cháu 7 đời của tiến sĩ Nguyễn Văn Huy, cháu 6 đời của Nguyễn Trọng Quýnh, cháu 5 đời của Nguyễn Đạt Thiện, Nguyễn Hiển Tích, cháu 4 đời của Nguyễn Giáo Phường, Nguyễn Đức Vọng; là ông họ của Nguyễn Ông Viên, Nguyễn Trọng Đôn và Nguyễn Quốc Ích...

Theo văn bia Kim bảng lưu phương ở Văn miếu Bắc Ninh ghi: "Nguyễn Danh Nho, người huyện Đông Ngàn, xã Vĩnh Kiều, làm quan đến chức Tham chính".

7. Tiến sĩ Nguyễn Công Vọng:

Văn bia Kim bảng lưu phương ghi Nguyễn Công Vọng khoa Quý Sửu thời Lê Dương Đức (1673), đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ; ông người xã Vĩnh Kiều, huyện Đông Ngàn tái trúng Hội nguyên; được cử đi sứ, về giữ chức Đô ngự sử, lúc mất được phong tặng Thượng thư.

Gia phả chép là: Nguyễn Đức Vọng, ông còn có tên là Thạch, tự là Đoan Túc, hiệu là Minh Mẫn, ông sinh năm Giáp Thân (1644), xuất thân Sĩ vọng. Năm 30 tuổi ông đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Quý Sửu, niên hiệu Dương Đức thứ 2, đời Lê Gia Tông (1673) thi ứng chế hợp cách, năm Bính Thìn niên hiệu Vĩnh Trị thứ nhất, đời Lê Hi Tông (1676), trúng thứ 3 khoa Đông các.

Ông đi sứ hai lần: Lần thứ nhất vào năm Khang Hi thứ 14 (1676), lần thứ hai vào năm Khang Hi thứ 17 (1679).

Ông làm quan đến chức Đô ngự sử, khi mất được tặng Thượng thư bộ Hộ.

Tác phẩm của ông có: Hoa thông biên (3 tập); viết khi đi sứ và 4 bài thơ trong Toàn Việt thi lục.

Nguyễn Công Vọng là hậu duệ của Nguyễn Văn Huy, Nguyễn Trọng Quýnh. Hiện nay tại dòng họ còn lưu giữ 8 đạo sắc phong của ông, do các triều đại phong kiến ban tặng.

8. Tiến sĩ Nguyễn Công Viên:

Ông sinh năm Tân Mùi (1691), xuất thân Nho sinh trúng thức, năm 28 tuổi đỗ thứ 5 kỳ thi Hội, khi vào thi Đình đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, đó là vào khoa Mậu Tuất, niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 14, đời Lê Dụ Tông (1718). Ông làm quan đến chức Đông các hiệu thư, Đốc đồng Cao Bằng. Theo gia phả, ông mất ngày 30 tháng 8, được phong sắc Đại nguyên soái, Thống quốc chính, giám sát Ngự sử. Ông là em Nguyễn Quốc Ích, Nguyễn Đức Đôn, là hậu duệ Nguyễn Văn Huy, Nguyễn Trọng Quýnh, Nguyễn Hiển Tích, Nguyễn Giáo Phường.

Sắc phong do triều đình ban tặng cho Nguyễn Công Viên, gồm có ba đạo.

9. Tiến sỹ Nguyễn Đức Đôn:

Theo gia phả dòng họ: thuở nhỏ ông tên là Ý, hiệu là Trang Giản, sinh năm Kỷ Tỵ (1689), xuất thân Nho sinh.

Năm 33 tuổi, ông đỗ thứ hai kỳ thi Hội, vào thi Đình, ông đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, đó là khoa Tân Sửu, niên hiệu Bảo Thái thứ 2, đời Lê Dụ Tông (1721). Ông làm quan đến chức Tả thị lang bộ Lễ, tước Ngạn Xuyên bá, làm quan đến chức Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, Lễ bộ hữu thị lang, Chính tự khanh thượng chế, Hành Lạng Sơn xứ, Tán trị thừa chính sứ. Ông đã trải qua các chức: Lại khoa đô cấp sự trung, thăng Ngự sử đạo Thanh Hoa, rồi nhận chức Hàn lâm thị chế, Tổng đốc Tuyên Quang, Đông các hiệu thư, Đông các đại học sĩ, Tổng đốc Hải Dương, Quán lộc thị khanh, Lễ bộ hữu thị lang.

Nguyễn Đức Đôn mất ngày 27 tháng 6 năm Nhâm Thân, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 13 (1752) thọ 64 tuổi. Ông là anh tiến sĩ Nguyễn Công Viên, là em tiến sĩ Nguyễn Quốc Ích. Ba anh em ông được ghi khắc trong một bia Kim bảng lưu phương ở Văn miếu Bắc Ninh.

10. Tiến sĩ Nguyễn Quốc Ích:

Tư liệu gia phả dòng họ cho biết ông có tên là Trọng Tạo, tự là Trung Ích, sinh năm Bính Dần (1686). Năm 42 tuổi ông đỗ thứ 3 kỳ thi Hội, vào thi Đình, đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Đinh Mùi, niên hiệu Bảo Thái thứ 8 đời Lê Dụ Tông (1727). Ông làm quan đến chức Đông các hiệu thư, Đốc trấn Cao Bằng, Mậu lâm lang. Ông mất ngày 4 tháng 11 năm Kỉ Mùi (1739) thọ 53 tuổi. Nguyễn Quốc Ích là anh tiến sĩ Nguyễn Trọng Đôn, Nguyễn Công Viên.

Trên đây là một số tư liệu Hán Nôm, do chúng tôi trích giới thiệu từ gia phả dòng họ, văn bia Văn miếu Bắc Ninh nằm góp phần vào việc nghiên cứu các nhà khoa bảng trên vùng đất Kinh Bắc xưa.

Chú thích:

1. Nội dung các đạo sắc căn cứ theo tư liệu của gia tộc.

Thông báo Hán Nôm học 2001, tr.367-375

In
Lượt truy cập: