Nghiên cứu Hán Nôm >> Năm 2001
40. Về cuốn gia phả dòng họ Khương Công Phụ (TBHNH 2001)

Cập nhật lúc 23h15, ngày 22/03/2007

VỀ CUỐN GIA PHẢ DÒNG HỌ KHƯƠNG CÔNG PHỤ

NGUYỄN THỊ MĂNG

Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Nói tới văn hoá Đại Việt mà một trong những khởi đầu là văn học thời Lý - Trần, với những tác phẩm có giá trị, ngay từ khi đất nước vừa mới giành được độc lập, tự chủ, đó là những tác giả và tác phẩm thời Bắc thuộc. Các tác phẩm và tác giả quá ít ỏi so với những thời kỳ sau đó, nhưng nó mang một dấu ấu riêng biệt, mở đầu cho nhiều thể loại văn học sau này. Một trong những số tác giả đó phải nhắc tới Khương Công Phụ. Khi nước Nam Việt ta còn bị nhà Đường ở phương Bắc đô hộ, đã có một người Việt Nam đỗ thủ khoa trong kỳ thi Hán học của nhà Đường, đó là Khương Công Phụ. Ông sinh năm 793 ở làng Sơn Ổi, xã Cổ Hiển, tổng Cốt Hải, huyện Yên Định (nay là làng Tường Vân, xã Định Thành, huyện Thiệu Yên, tỉnh Thanh Hoá). Ông là một trong 8 vị cống sĩ xứ Giao Châu trúng tuyển, được cử đi thi Hội ở Tràng An (Trung Quốc), sau đó nhà Đường lại mở thêm Chế khoa, ông đỗ xuất sắc với bài "Đối trực ngôn cực gián" cùng với người em là Khương Công Phục mà đương thời cũng rất nổi tiếng, đã đem lại danh dự và uy tín cho người Việt ở phương Nam. Con người và tác phẩm của anh em họ Khương cũng đã được giới thiệu trong nhiều sách vở của Trung Quốc cũng như Việt Nam như: Từ điển văn hóa Việt Nam (phần Nhân vật chí) Nxb Văn hoá Thông tin, 1993; hay trong Việt Nam cổ văn học sử của Nguyễn Đổng Chi, hay trong Toàn Đường văn, q.446.

Song về cội nguồn, dòng họ thế thứ, nhất là hậu duệ của hai cụ thì chưa có sách vở nào đề cập đến. Thật may, trong một chuyến đi điền dã về Yên thôn, huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây chúng tôi được tiếp xúc với cuốn Gia phả của dòng họ Khương Công Phụ, do anh trưởng tộc dòng họ Khương cung cấp. Trước hết, chúng tôi xin điểm qua tình hình văn bản:

Hiện tại, gia phả họ Khương không có một cuốn nào được lưu giữ ở Viện Hán Nôm, như chúng tôi được biết đây là cuốn phả có quy mô nhất, dầy dặn nhất. Trong dân gian cũng có một vài cuốn, nhưng chúng tôi thấy chúng về nội dung đều chép một phần từ cuốn phả này.

Đây là cuốn gia phả viết bằng chữ Hán xen Nôm. Chữ viết rất đẹp to, rõ ràng trên giấy dó khổ 17 x 25cm, dày 70 trang, mỗi trang khoảng 150 chữ.

Về nội dung:

Vì đây là cuốn gia phả rất dày nên chúng tôi chỉ xin điểm qua phần ghi thế thứ.

- Cụ thể đời thứ 1: Khương quý công, tự là Chính Tâm, hiệu là Phúc Tùng; cùng cụ bà.

- Cụ tổ đời thứ 2: Thượng tướng quân kiêm Tri thuỷ bộ, được tặng phong Quốc tổng quốc chính Đại tướng quân, Thiếu bảo Quận công, Khương tướng công, tự Vũ Nghị, thụy Khánh Nham; cùng cụ bà.

- Cụ tổ đời thứ 3: Khương quý công, tự là Phúc Cương; cùng cụ bà.

- Cụ tổ đời thứ 4: Trước là Quan viên tôn, Hiệu sinh bản phủ Khương quý công tự là Đức Vĩnh, hiệu là Huyền Chân; cùng cụ bà.

- Cụ tổ đời thứ 5: Khương quý công, tự là Đức Thịnh, hiệu Phúc Tiên, trước làm Thập lý hầu, cùng cụ bà.

- Cụ tổ đời thứ 6: Khương quý công, tự là Đức Quý, hiệu là Phúc Hảo, trước làm Thập lý hầu, cùng cụ bà.

- Cụ tổ đời thứ 7 Khương quý công, tự là Đắc Danh, hiệu là Phúc Đạt; cùng cụ bà.

- Cụ tổ đời thứ 8 Khương quý công tự Như Nhạc, hiệu là Phúc Thọ; cùng cụ bà.

- Cụ tổ đời thứ 10 Khương quý công tự là Đức Thiện, hiệu là Phúc Thái; cùng cụ bà.

- Cụ tổ đời thứ 11 Khương quý công tự là Thanh Lãng, hiệu là Đôn Lương; cùng cụ bà.

- Cụ tổ đời thứ 12 Khương quý công tự là Thanh Thứ, hiệu là Bái Từ; cùng cụ bà.

- Cụ tổ đời thứ 13 Khương Thế Lợi, hiệu là Phúc Cần; cùng cụ bà.

- Cụ tổ đời thứ 14 Khương Văn Chế; cùng cụ bà…

Và tiếp sau đó cuốn phả ghi tên tuổi, ngày giỗ, cùng phần mộ của 140 cụ ông, cụ bà.

Gia phả ghi tiếp 1 chi tại thôn Chàng bắt đầu từ cụ Nguyễn quý công tự là Đức An, hiệu là Phúc Hưng, là con thứ của cụ Phúc Quảng (cụ này phân chi từ cụ con thứ hai của cụ Phúc Quảng, lấy bà họ Nguyễn, rồi đổi theo họ vợ), chi này ghi tiếp tên tuổi, ngày giỗ, phần mộ của 60 cụ ông cụ bà họ Nguyễn, hiện nay con cháu vẫn còn sống tại Yên thôn, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, con cháu nay mang họ kép là Nguyễn Khương.

Mở đầu là lời tựa của gia phả ghi ngày tốt tháng 3 năm nhuận niên hiệu Thành Thái thứ 10 (1899), khẳng định: Muôn vật đều có gốc và giới thiệu nguồn gốc dòng họ Khương từ cụ Khương Văn Đĩnh làm Huyện thừa Tiến sĩ, cụ sinh ra Khương Công Phụ - Trạng nguyên và Khương Công Phục - Tiến sĩ.

Và bài thơ Tam giáp đồng Tiến sĩ Tổng đốc biện tá Thái học sĩ, chí sĩ Nguyễn Văn Bân người xã Hữu Bằng bái vịnh và khảo cứu về truyện Khương Công Phụ.

Nam hiền Bắc dụng khải tiền đồ

Yên Định giang sơn xuất tướng nho

Bá trọng cao khoa tiên nhị Tống

Văn chương đại nhã tự tam Tô

Khương gia chi phái truyền tư ấp

Đường tể huân danh diệu bỉ đô

Trung hiếu thần tiên thiên cổ tại

Dục tương tân bút hoạ thành đồ.

Chúng tôi tạm dịch:

Người tài ở phương Nam được phương Bắc tin dùng

Nơi đất Yên Định, sông núi xuất hiện tướng nho.

Anh em đỗ đạt cao trước cả hai ông họ Tống,

Văn chương nho nhã tựa ba ông họ Tô.

Chi phái họ Khương nay vẫn truyền lại ở ấp ấy,

Tể tướng nhà Đường công danh sáng rực cả kinh đô [nhà Đường].

Trung hiếu thần tiên ngàn năm vẫn còn đó,

Muốn đem ngọn bút mới tả lại công nghiệp tổ tiên.

Sau đó, phả ghi toàn văn bài "Bạch vân chiếu xuân hải phú", của Khương Công Phụ. Đây là bài phú được giới nghiên cứu văn học sử, có người đánh giá là một tác phẩm mở đầu của nền văn học chữ Hán Việt Nam, và là bài sớm nhất trong các bài phú hiện còn của nước ta. Bài phú hiện còn 318 chữ, lấy các từ "không", "bích", "tiên", "kính", "hải", "xuân" làm vần. Bài phú đã ca ngợi sự kết hợp giữa mây và biển với vai trò chủ thể của con người, mây trắng tượng trưng cho sự trong sạch thanh cao của trời đất, biển xanh tượng trưng cho vẻ đẹp thiên nhiên một cách sống động hùng vĩ, như bài phú đã diễn tả:

"… Chim liệng rộn ràng,

Cá bơi đủng đỉnh,

Vật nào cũng vậy: Hởi dạ hởi lòng.

Thoả tình thoả thích".

Trong cuốn gia phả có câu nói "An Nam duy nhất Khương thị" (nước Nam chỉ có một họ Khương) cho nên 18 chi phái họ Khương phân bố cả nước trong thời bấy giờ đều được ghi rõ ràng ra sau đây:

Cụ thuỷ tổ Tiến sĩ Khương Công Đĩnh - người xã Sơn Ổi - Cửu Chân, huyện Yên Định, con trưởng là Khương Công Phụ, con thứ là Khương Công Phục, người xã Cẩm Cừu, tổng Hải Cốt.

* Một chi ở xã Cẩm Dung, tổng Bút Sơn, huyện Hoằng Hoá.

* Một chi ở thôn Yên, xã Quan Yên, huyện Yên Định.

* Một chi ở xã Doanh Xá, tổng Đại Bối, huyện Đông Sơn, phân chi ở xã Cẩm Dung.

* Một chi ở xã Phù Dực, tổng Bút Sơn, huyện Hoằng Hoá. Có nhà từ đường của cụ Khương Công Phụ.

* Một chi ở huyện Dương Lôi, có Khương Bá Đĩnh trước làm Huấn đạo ở huyện Bất Bạt.

* Một chi ở thôn Yên, xã Thạch Xá; tổng Thạch Xá; huyện Thạch Thất, phủ Quốc Oai tỉnh Sơn Tây.

* Một chi ở Chàng thôn, thuộc bản xã, phân chi này là con trai thứ 2 của cụ Phúc Quảng, theo họ vợ nên đổi thành họ Nguyễn.

* Một chi ở xã Hải Lãng, huyện Đại Yên; phủ Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định là chi của cụ Phụ quốc Đại tướng quân Khương Văn Tĩnh, triều Lê.

* Một chi ở xã Đôn Thư, tổng Kim Chu, huyện Thanh Oai, phủ Ứng Hoà, tỉnh Hà Nội.

* Một chi ở thôn Tuấn Dị, huyện Gia Lâm; phủ Thuận Thiên, tỉnh Bắc Ninh [Hưng Yên].

* Một chi ở thôn Tam Dị, huyện Gia Lâm; phủ Thuận Thành; tỉnh Bắc Ninh.

* Một chi ở thôn Thượng Tân; tổng Xuân Cầu; tỉnh Hưng Yên là chi của Cử nhân Khương Văn Định - triều Nguyễn niên hiệu Đồng Khánh.

* Một chi tại xã Văn Ấp tỉnh Thái Bình.

* Một chi tại thôn Sơn Quyết Hạ, tổng… huyện Chương Mỹ.

* Một chi tại xã Tòng Lệnh, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây.

* Một chi tại xã Tứ Kỳ; huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương: Hoàng giáp Khương Thế Hiền triều Lê.

* Một chi tại xã Trang Lật; phủ Nghĩa Hưng [tỉnh Thái Bình].

Do vậy, các chi họ Khương ở rải rác khắp nơi, có thể căn cứ vào đây để có thể tìm về cội nguồn. Đọc đến đây! Trong phần này sau phần mộ của một số cụ có những bài thơ viết cách đặt mồ mả, nơi an táng bằng chữ Hán và chữ Nôm có quan hệ đến địa lý phong thuỷ và tôn giáo, phản ánh quan niệm của người xưa, có những bài thơ phản ánh ước mơ, ca ngợi tuổi thọ và cuộc sống hạnh phúc ở nông thôn xưa.

Chúng tôi chỉ đơn cử đôi ba bài. Cụ tổ đời thứ nhất Khương quý công hiệu Phúc Tùng mất, hợp táng với cụ bà, có bài thơ chữ Hán.

Thượng tổ quân gia phách biến thần

Sơn căn tư tưởng mộ song phần

Kim lôi pháp tống dư binh tặc

Vạn sự bình ninh vượng vật nhân

Hương hoả thiên thu tồn chính cựu

Bản căn vạn cổ lẫm như tân

Nhất phiên uông khởi danh lưu hậu

Khuyến quân tu yếu hựu niên xuân.

Tạm dịch:

"Đức Thượng có nhà ông hồn phách đã hoá thần,

Nơi chân núi suy ngẫm về hai ngôi mộ bên nhau.

Phép kim lôi đã quét sạch binh giặc,

Muôn việc bình yên, người và vật đều thịnh vượng.

Hương lửa nghìn năm vẫn tồn tại chính khí,

Gốc rễ muôn đời lẫm liệt như mới.

Một lần để tiếng tăm lại mai sau,

Khuyên ong hãy giữ lại mùa xuân mãi mãi.

Lại có bài thơ Nôm Đường luật của một vị trong họ là Khương Miên làm lễ phổ độ cho tổ chi vào năm Đinh Mão:

"Căn bản nhà ta vốn hãy còn

Còn trời còn nước, phải còn non

Cũng nên mở mặt cùng vua chúa

Không lẽ ôm trăng mấy bố con

Vui mấy câu non ai khéo đắp

Chơi cùng nước biết cảnh không mòn,

Gặp buổi hội này còn thực hỏi,

Trăng còn chưa tỏ truyền cùng con".

Hoặc bài thơ Lục bát ca ngợi cảnh vui thú của nhà nho.

"… Bút mây ghi lại Nho hào,

Vi tiên tổ mộ mà ngao hỡi tình.

Biết bao lá rụng chiết chi là cành,

Bây giờ mới tỏ tâm tình thực hư,

Cũng là địa vận thiên cơ,

Lòng tràn đến nỗi chân ngư đó mà.

Xét trong thử mộ nhà ta".

Đặc biệt trong cuốn phả này có nhiều đoạn thơ giáng bút, ca ngợi họ Khương có nhiều người tài giỏi phù giúp vua Đường, mang lại vẻ vang cho họ Khương và dân tộc. Như trong phả có chép; Khương tướng công làm Hữu giám đàn có nói: "Ta ở đây đã 3, 4 năm muốn có người biết chữ để cùng chuyện thơ văn, hận là không có lấy một người để trò chuyện. Nay có quan Tổng đốc người Hữu Bằng có thể thuật rõ họ tên, công nghiệp của ta. Nay ta hoạ một bài thơ để đáp lại tấm thịnh tình của ông ta, giao cho môn sinh là Minh Tĩnh, theo ý nguyện của ta mà sửa chữa".

Thơ rằng:

Thuỳ nhân vi ngã thức Khương danh

Hạnh hữu minh công phát thử bằng

Phủ bỉ hy triều quân thịnh hội

Tướng tiền Bắc quốc ngã thời Đinh

Đường Ngu phục kiến quang thiên nhật

Chu tử văn nhân mãn ngọc đình

Ba cổn thử nhân đồng nhất dạng

Duy quân dữ ngã hữu tư thành.

Tạm dịch:

"Ai là người vì ta mà biết được tiếng tăm họ Khương

May minh công là người có tấm lòng ấy.

Phò giúp cho đời thịnh trị nhà Đường, có vua giỏi

Là người nước ta làm tướng phương Bắc

Lại thấy ánh sáng ban ngày rạng rỡ đời Nghiêu Thuấn.

Từng nghe người mặc áo đỏ, áo tía ở đầy trong hiên

Tôi cùng ông đều mặc áo đội mũ làm quan

Chỉ có tôi và ông là cùng một tấm lòng".

Ở nước ta có những dòng họ rất lớn, gọi là vong tộc với nhiều danh nhân như họ Nguyễn, họ Lê, họ Trần… Sách vở đã đề cập nhiều, nhưng còn họ Khương ở nước ta, sách vở đề cập đến còn quá ít, nên ít người biết tới. Chúng tôi giới thiệu cuốn gia phả này hy vọng có thể góp phần nhỏ bù vào những chỗ trống hãy còn ít bàn đến, để làm tài liệu cho giới nghiên cứu tham khảo. Tìm hiểu gia phả họ Khương, một dòng họ nhỏ và đã sản sinh ra danh nhân Khương Công Phụ, một tác gia Hán học ít ỏi thời Bắc thuộc mà cuốn Gia phả họ Khương này đã cung cấp tư liệu từ thời Bắc thuộc, xưa hơn thời Lý, Trần, Lê. Hẳn đó là một cuốn gia phả đáng được chúng ta lưu ý.

Thông báo Hán Nôm học 2001, tr.333-343

In
Lượt truy cập: