Nghiên cứu Hán Nôm >> Tác giả >> T >> Nguyễn Đức Toàn
Nguyễn Đức Toàn
90. Tư liệu về Phúc Vương Tranh qua biển gỗ đền Lê Đại Vương xã Tây Mỗ, huyện Từ Liêm (TBHN 2008)

Cập nhật lúc 19h25, ngày 23/11/2010


TƯ LIỆU VỀ PHÚC VƯƠNG TRANH QUA BIỂN GỖ ĐỀN LÊ ĐẠI VƯƠNG XÃ TÂY MỖ HUYỆN TỪ LIÊM

NGUYỄN ĐỨC TOÀN

Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Phúc Vương Lê Tranh (1467 - 1500), con trai thứ 6 của Lê Thánh Tông, nổi tiếng về thơ văn, yêu thích sách vở, lại thông hiểu Kinh Dịch, được vua Lê Thánh Tông và Lê Hiến Tông hết mực khen ngợi và ban thơ cho. Lâu nay chúng ta chỉ mới biết đến Lê Tranh qua 5 bài thơ Phụng họa Thánh Tông và Hiến Tông còn ghi lại trong Toàn Việt thi lục là: “Tòng hạnh Tây kinh phụng họa Ngự chế Thiên Thịnh giang hiểu phát, Chí Lam giang phụng họa Ngự chế Truy hoài Thánh Tổ huân liệt, Phụng họa ngự chế Quang Đức điện thượng cảm thành, Phụng họa Ngự chế Hạnh Kiến Thụy đường, Phụng họa Ngự chế trú Thúy Ái châu”(1).

Trên Tạp chí Hán Nôm số 6/2003, TS. Vũ Duy Mền dựa trên tư liệu gia phả của dòng họ Nguyễn Đình ở Tây Mỗ, đã giới thiệu về tấm bia đá trên mộ Phúc Vương với tiêu đề Phúc Vương Tranh và tấm bia ở Hạnh Hoa Khê(2). Nhưng bài viết có nói, tấm bia “Do đứng dưới trời mưa nắng nhiều năm nên bia đã mờ hết chữ, nay không đọc được”, tên bia Hạnh Hoa Khê do tác giả bài viết đặt(3). Văn bia được chép lại trong gia phả họ Nguyễn Đình, dòng họ của thân mẫu Phúc Vương Tranh cũng không còn nguyên bản chữ Hán, ghi chú của bản dịch viết: “bài văn bia sau đây có tên ông thủy tổ ở đấy, vì đời vua Tây Sơn đốt cháy cả gia phả”. Bản được giới thiệu là “bản dịch chữ quốc ngữ do Nguyễn Đình Duật cháu 17 đời phụng dịch”, “Dịch ngày 27 tháng 11 năm Canh Thìn (1940). Viết lại ngày 12 tháng 12 năm Đinh Dậu (tức ngày 1 tháng 1 năm 1958)”(4).

Gần đây, trong quá trình điều tra sưu tầm, chúng tôi phát hiện tấm biển gỗ tại đền Lê Đại Vương từ 黎大王祠 thuộc xã Tây Mỗ, huyện Từ Liêm, nơi phụng thờ Phúc Vương Lê Tranh của triều Lê, một tấm biển gỗ có niên đại thời Nguyễn, năm Bảo Đại thứ 14 (1939). Tuy là biển gỗ, nhưng đầu đề văn bản ghi là: / Lê triều tông phiên kế mỹ bi văn”. Biển quét sơn then đen bóng, chữ khắc chìm, các chữ “Thánh ”, “Hoàng ” được viết theo lối “đài” lên trên sang hàng khác, các chữ “Tranh”, “Phúc ” được viết theo lối “du cách” bỏ trống 1 khoảng, đều tô sơn đỏ, để tỏ ý tôn kính. Toàn văn 62 dòng, gồm 1109 chữ. Văn bản tuy không đề người soạn, nhưng theo dòng lạc khoản còn ghi thì đây là một bản do Hội Tập thiện của bản xã chép lại và cho khắc lên gỗ. Đây chính là bản chép lại nguyên văn từ văn bia trên mộ Phúc Vương.

Văn bản cung cấp cho chúng ta thông tin về Phúc vương Lê Tranh, sinh ngày 27/3/1467, mất ngày 6/8/1500 khi mới 34 tuổi, được an táng tại Hạnh Hoa Khê, thuộc xã Tây Mỗ, huyện Từ Liêm. Bổ sung tên và nguyên văn chữ Hán cho tấm bia mà Vũ Duy Mền đã giới thiệu.

Sách Toàn Việt thi lục. Quyển đệ thập nhất có ghi: “Phúc Vương Tranh, con thứ 6 của vua Thánh Tông và Nguyễn tài nhân. Năm Hồng Đức thứ 2 (1471) phong vương, mất năm Cảnh Thống thứ 2 (1499), là người kiệm ước, ôn nhã, yêu sách vở, rất thích Kinh Dịch, thông hiểu được ý chỉ (của Kinh), giỏi viết chữ Thảo, tính năng thơ. Thường theo xa giá về Tây kinh có thơ xướng họa. Hoàng thượng rất khen ngợi cách điệu trong trẻo mạnh mẽ, ban thưởng cho lụa Hạ bố của xứ Cao Li. Được vua Hiến Tông mời vào cung ban thơ cho, sai họa lại, thưởng cho rất trọng hậu. Coi trọng như Đông Bình vương, Hà Gian vương (nhà Hán) vậy. Có 5 bài thơ Cận thể”(5).

Đối chiếu, chúng tôi chỉ thấy việc ghi năm mất của Phúc vương giữa Toàn Việt thi lục và Biển gỗ nêu trên có lệch nhau 1 năm. Toàn Việt thi lục ghi ông mất năm Cảnh Thống thứ 2 (1499), Biển gỗ ghi ông mất năm Cảnh Thống thứ 3 (1500).

Dưới đây chúng tôi xin giới thiệu nguyên văn và dịch nghĩa tấm biển nói trên, góp phần tìm hiểu về một Thi gia dưới triều Lê, đồng thời bổ sung, đính chính một số chi tiết cho bản dịch của dòng họ Nguyễn Đình.

Nguyên văn:

綿綿

生。

也。協。笄,次歲,少提,翠也。

治。

使

嘆。

是月厚,矣。西源,康。殿。聖東平賢,

Dịch nghĩa:

Từng nghe, nhà Chu lập nước tất đôn phong hoá theo bài Lân chỉ(6), nhà Hán mở nền ắt làm mạnh cái thế đan xen như răng chó(7). Đại khái là gốc rễ có sâu thì cành lá mới tốt tươi, nguồn cội có xa thì dòng mạch mới chảy dài, nguyên nhân vốn xưa đã có từ lâu.

Kính nghĩ

Hoàng triều ta đôn đốc phúc lành xa trước của nhà Chu, theo vết cũ lập tông chi làm phiên phụ giúp của nhà Hán, vận nước được dài con cháu hưng vượng mệnh trời ban mãi.

Nay Thánh thượng hoàng đế lấy việc đề cao đức hiếu trị thiên hạ, giỏi kế nối nghiệp thiện của đời trước, ngôi mệnh to lớn, mở mang hoằng dương tạo dựng lòng nhân yêu khắp, ban phúc ấm cho tông thất hoàng gia. Lộ điềm dây dưa mọc lan dài, cành hoa lệ sáng rạng như trong Kinh Thi ca tụng(8), còn có thể khen thêm làm sao được nữa.

Kính cẩn án rằng:

Phúc Vương nước Hoàng Việt, tên huý là Tranh, là con trai thứ 6 của Thánh Tông Thuần Hoàng đế(9), là em trai của Thánh Thượng Hoàng đế(10). Mẹ là Tài nhân Nguyễn Thị Thái, con gái của quan Trung đại phu Thượng bảo tự khanh, quyền Thị lang bộ Hộ Nguyễn Đình Hi.

Vương sinh vào khắc Nhâm Thìn ngày 27 tháng 3 năm Đinh Hợi niên hiệu Quang Thuận năm thứ 8 (1467), vẻ đẹp huy hoàng như ngọc quỳnh, sắc nhuận tươi như ánh sáng dòng ngân, vẻ cao quý như thế có thể thấy được.

Ngày Tân Hợi mùng 10 tháng 7 năm Tân Mão niên hiệu Hồng Đức thứ 2 (1471)(11) đặc khiển Tuyên lực công thần, đặc tiến Phiêu kỵ đại tướng quân Đại tư mã Đông quân Đô đốc phủ hữu đô đốc chưởng phủ sự Thượng trụ quốc Lê Hy Cát, vâng mang kim sách bảo chương tới phong làm Phúc Vương, được đội mũ miện có ngọc khuê, ơn sâu tắm gội, thực là thấy được vẻ vinh dự. Ban cho lập phủ riêng ở phường Đông Tác huyện Thọ Xương trong kinh thành(12).

Ngày Kỷ Tỵ mùng 10 tháng 12 năm Bính Ngọ niên hiệu Hồng Đức thứ 17 (1486) sính lễ lấy con gái quan Thượng thư bộ Lễ Trịnh Văn Lượng là Thục Tuân làm phi. Mới được 9 kì (9 năm), Trịnh phi mất sớm.

Ngày Đinh Tỵ 27 tháng 12 năm Ất Mão niên hiệu Hồng Đức thứ 26 (1495), lại lấy con gái quan Triều liệt đại phu Mậu Ân hầu Lưu Cảnh Đức là Châu Linh(13) làm phi. Duyên cầm sắt hòa hợp lại tấu lên, điềm lành hùng bi đã tỏ, mộng triệu xà hủy(14) cũng hiệp theo. Sinh được một con trai, hãy còn bé, được ba con gái, lớn là Dự tuổi vừa đến cập kê, con thứ là Dưỡng mới 6 tuổi, con gái út tuổi hãy còn nhỏ, cảnh trúc biếc dâu xanh đùa chơi vui vẻ chốn hộ đình. Chương bạc ấn xanh, sự vẻ vang đẹp đẽ, cũng tính được có thể làm rạng rỡ cho đời trước, trấn hưng cho đời sau.

Than ôi! Điềm phúc thiện hư ứng dựa dẫm vào nhau không thường. Phúc khánh cứ tích vun vào nhà khá giả mà lo buồn cũng theo vào tận gối. Ngày Canh Ngọ 13 tháng 6 năm Giáp Ngọ niên hiệu Cảnh Thống thứ 3 (1500), Vương bị mắc cảm.

Ngày Quý Mão, tức ngày 21 tháng ấy, Hoàng đế đặc khiến quan Phụng ngự thừa chế cung môn Phạm Thế Tứ cùng với quan Biện nghiệm ở Thái y viện Nguyễn Sĩ đến thăm bệnh.

Ngày Nhâm Thân 13 tháng 7 lại sai quan khám chẩn bệnh ở Tế Sinh đường(15) Nguyễn Duy Hàn đến liệu trị.

Ngày Bính Tuất mùng 4 tháng 8, bệnh lại gấp(16), vua lại sai quan Phụng ngự thừa chế trong cung là Lê Biểu và quan Đại lại ở Thái y viện là Lý Thủ Nhượng đến xem bệnh, mới biết là không thể nào được nữa, mệnh lớn đã chuyển mất rồi. Lúc lâm chung, vương mệnh không được động loạn ầm ỹ, ngồi ngay ngắn gọi hết liêu thuộc trong phủ, dặn dò việc tang nên tiết kiệm, không nên làm đàn chay theo nhà Phật mà nhất nhất tuân theo lễ xưa.

Giờ Mùi ngày Mậu Tuất mùng 6 tháng ấy Vương mất tại chính tẩm trong phủ, xuân thu mới được 34 tuổi.

Ô hô ! Tuổi còn thanh xuân mà vội sớm ra đi, hạt móc sầu ca, vườn xuân uyển gió động cành hoa, ánh trăng soi giọt lệ; sương sầu ướt đẫm nhánh hoa lê, không thể nào không dấy động lòng buồn than khi ngắm dòng nước xuôi mênh mang(17).

Thánh thượng hoàng đế cho nghỉ thiết triều ba hôm. Phàm những lễ tiệc yến ẩm cung chúc cũng đều bãi miễn cả, sắc cho các vương, công chúa đều mặc tang phục theo thứ bậc.

Ngày Canh Dần mùng 8 tháng ấy, đặc chỉ sai Hữu điểm tướng tác giám thừa là Đào Thế Cảnh đôn đốc việc công thợ, ban tiền hai mươi tám vạn hai nghìn đồng(18) để vỗ về an ủi.

Ngày Quý Sửu mùng 2 tháng 9, đặc khiến Tiến phụ quốc Thượng tướng quân, Bắc quân Đô đốc phủ tước Hoàn Lâm bá Trịnh Quý Cầu đến dụ tế(19).

Ngày Kỷ Mùi mùng 8 tháng ấy, chuyển linh cữu, thân mệnh cho Phụ quốc thượng tướng quân Nam quân Đô đốc phủ, phụ mã Đô úy tước Chiêu Hoài bá là Lê Đạt Chiêu(20) đến dụ tế. Việc tứ tang hậu trọng, điển lễ văn tình đầy đủ như thế. Ngày 10 tháng ấy làm lễ phát dẫn đưa linh cữu ra ngoài, ngày 22 an táng tại Hạnh Hoa Khê xã Tây Mỗ huyện Từ Liêm(21), theo quê mẹ, ban tên thuỵ là Ý Khang(22). Vương thường những lúc nhàn đàm, tính tình ôn nhã đốc thực, kiệm ước, nói cười luôn theo lễ tắc, hiếu học, chăm đọc sách, giỏi về thơ phú, hiểu lẽ Kinh Dịch(23). Ngay từ lúc nhỏ, thường được hỗ tụng theo xa giá về Lam Kinh bái yết(24), từng được mệnh làm bài ứng chế. Thánh Tông Thuần hoàng đế đặc gia ban khen thưởng lụa Hạ bố của Cao Li, lại cho phép được vào nội điện để thị yến, ban cho thơ và mệnh làm bài họa lại.

Thánh Thượng hoàng đế mới lên, ban dụ khen thưởng lụa Tú Thái Lăng bố, dụ lấy việc đọc sách làm vui, ý coi trọng tỏ rõ như thế. Chiếu rằng người hiền ở Đông Bình(25), kẻ nhã ở Hà Gian(26) may ra mới sánh bằng sự vẻ vang đó, đáng được hưởng phúc muôn năm. Chẳng ngờ gặp ách tật, phải về trời, thật đáng buồn.

Kính cẩn ghi bài minh rằng:

Đạo trị sâu thay,

Từ việc trong nhà.

Thói theo Lân chỉ,

Thế vững đan xen.

Vận đồ Đại Việt,

Hoằng khôi rõ ràng.

Phúc tộ cháu con,

Ơn lành dài mãi.

Lớn thay Thánh thượng,

Vun đắp di luân.

Trước lập nhân ái,

Đạo giữ hoà thân.

Vui thay Phúc vương,

Liệt hàng phiên vương.

Tính rất ôn lương,

Trong lòng hiếu kính.

Chăm chỉ đọc sách,

Rộng rãi trọng người.

Thân người hiền lương,

Bản tính vui thiện.

Đáng được muôn năm,

Mà đời tai ngược.

Thiên tâm khó dò,

Tuổi hơn ba mươi.

Gặp phải tật ách,

Thác tuổi còn xuân.

Đan dược khôn bình,

Đàn con mất hưởng.

Lệ gạt bi thương,

Buồn bã ca vãn.

Khách thuật thê lương,

Tinh phách yên ổn.

Huyền đường rộng rãi,

Thương xót ơn vua.

Thêm vun ân ốc,

Bia đá dựng lập.

Vạn cổ đất trời.

Ngày 1 tháng 2 năm Bảo Đại thứ 14 (1939)

Hội Lạc Thiện của bản ấp thừa chép lại, và khắc biển.

Chú thích:

(1) A.1262/1 tờ 1a-3b. Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

(2) Vũ Duy Mền. Phúc Vương Tranh và tấm bia ở Hạnh Hoa Khê. Tạp chí Hán Nôm, số 6/2003.

(3) Vũ Duy Mền: Tạp chí Hán Nôm, số 6/2003. Sđd

(4) Vũ Duy Mền: Tạp chí Hán Nôm, số 6/2003. Sđd

(5) A.1262/1 tờ 1a-3b. Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

(6) Lân chỉ麟指: tức móng con Lân, là tên bài thơ trong Kinh Thi. Lân là loài thú không ăn sinh vật, không dẫm lên cỏ xanh, người xưa cho là loài nhân thú, tượng trưng cho đức tính nhân hậu, chỉ con cháu có tài đức. Kinh Thi có thơ: "Lân chỉ" khen ngợi những người con hay cháu tốt, có tài có đức.

(7) Nguyên văn犬牙之勢 Khuyển nha chi thế: Đời Hán phong cho con cháu làm vương, chư hầu ở các nơi địa thế đan xen tiếp giáp liền nhau như răng chó, để làm cái thế vững như bàn đá có thể tương tiếp hỗ trợ nhau những lúc khó khăn, biến cố. Còn gọi là Khuyển nha tương chế 犬牙相 .

(8) Trong Kinh Thi có câu瓜瓞綿綿; 棣花韡韡- Qua điệt miên miên; Lệ hoa vĩ vĩ” ý chỉ là dòng dõi phát đạt sinh sôi đông đúc như dây dưa mọc lan, như hoa Lệ sáng rực rỡ.

(9) Thánh Tông Thuần hoàng đế: tức vua Lê Thánh Tông, vị vua anh minh lỗi lạc bậc nhất của triều Lê. Vua có 14 người con, Phúc vương là con thứ 6.

(10) Thánh thượng hoàng đế: tức Lê Hiến Tông, con trưởng của Lê Thánh Tông.

(11) Đại Việt sử ký toàn thư chỉ ghi: “Ngày mồng 10, sai Thái bảo hộ Bộ Thượng thư kiêm Thái tử Thái bảo Lê Cảnh Huy mang kim sách lp Hoàng t th 5 là Tân làm Kiến Vương”Chắc Phúc Vương Tranh cũng được sách phong trong dp này. Bn dch trong Gia ph h Nguyn chép nhầm là “ngày 7 tháng 10”.

(12) Nay tức làng Đông Tác, thuộc phường Trung Tự, quận Đống Đa, Hà Nội.

(13) Bản dịch trong Gia phả họ Nguyễn Đình chép là Châu Cáp. Vì chữ Linh và chữ Cáp có tự dạng giống nhau

(14) Điềm Hùng Bi (gấu), xà hủy (rắn), tức mộng thấy con gấu, là điềm sinh con trai; mộng thấy con rắn là điềm sinh con gái

(15) Tế sinh đường: Cơ quan thuộc về Y tế dưới triều Lê.

(16) Nguyên văn là Tật cách 疾革, nghĩa cổ của chữ Cách là Cấp , tức là gấp gáp lắm. (Theo Lễ ký - Đàn cung thượng: “Bệnh của Phu tử đã gấp, không thay đổi được nữa” 夫子蒺革不可變也).

(17) Nguyên văn dịch Duyệt xuyên là danh từ. Chúng tôi tra không có điển nay. Nên dịch lại là động từ, nghĩa là ngắm dòng nước trôi. (Lấy ý trong Luận ngữ: “phu tử ngắm dòng nước mà than: Trôi mãi như thế không kể ngày đêm”逝者如斯夫不計晝夜).

(18) Bản dịch trong Gia phả họ Nguyễn Đình ghi là ban “282 quan để chi tiêu tang sự”.

(19) Bản dịch trong Gia phả họ Nguyễn Đình không có chi tiết này.

(20) Bản dịch trong Gia phả họ Nguyễn Đình ghi là Lê Đạt.

(21) Nay đền vẫn còn tại xã Tây Mỗ huyện Từ Liêm, Hà Nội.

(22) Bản dịch trong Gia phả họ Nguyễn Đình chỉ ghi là “Vương có tên thụy là Khang”. Nhưng thực tế tên thụy chỉ được đặt sau khi mất. Nguyên văn biển gỗ đề là

(23) Bản dịch trong Gia phả họ Nguyễn Đình ghi là “lại dịch sách tài”, nhưng ý của nguyên văn và trong Toàn Việt thi lục không phải vậy, mà nói Vương là người thông hiểu Kinh Dịch, nắm được đại lược của kinh. (Sđd)

(24) Lam kinh: tức Lam Sơn, thuộc huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa, quê hương của nhà Lê, hàng năm các vua thường về làm lễ bái yết sơn lăng ở đây.

(25) Người hiền ở Đông Bình: Điển tích đời Hán, Lưu Vũ được phong là Tư vương ở đất Đông Bình, luôn có lòng nhớ về kinh sư. Người đời sau dùng điển Đông Bình東平 để nói lòng mong nhớ khôn nguôi. Đây dùng ý này để ví Phúc Vương là người hiền như Tư Vương.

(26) Hà Gian: Điển tích đời Hán, Lưu Đức được phong là Hiến vương ở đất Hà Gian, là người quân tử nho nhã, thích văn học, yêu sách cổ. Cũng là để ví với Phúc Vương. Bản dịch trong Gia phả họ Nguyễn Đình ghi là “Hà Đan” là nhầm, không có điển này.

Tài liệu tham khảo:

1.Vũ Duy Mền: Phúc Vương Tranh và tấm bia ở Hạnh Hoa Khê, Tạp chí Hán Nôm, số 6/2003.

2.全 越 詩 錄 A.1262/1 tờ 1a-3b. Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

10. Đại Việt sử ký toàn thư (Bản dịch). Nxb. KHXH, H. 2000./.

Thông báo Hán Nôm học 2008; tr.1008-1015

In
Lượt truy cập: