Nghiên cứu Hán Nôm >> Chủ đề >> Thư tịch
Phạm Văn Thắm
81. Văn bản Thư kinh diễn nghĩa (TBHN 2008)

Cập nhật lúc 23h51, ngày 23/11/2010


VĂN BẢN THƯ KINH DIỄN NGHĨA

PHẠM VĂN THẮM

Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Thư kinh diễn nghĩalà một tác phẩm do Lê Quí Đôn soạn năm Lê Cảnh Hưng thứ 33 (1772). Hiện nay Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm còn lưu giữ một văn bản mang ký hiệu A.1251, 287 trang, khổ 27 x 16cm. Chữ khắc mộc bản, văn bản có một bài tựa của tác giả nhưng thiếu trang đầu, một bài bạt của Lý Trần Quán. Thư kinh diễn nghĩa cũng đã được ông Ngô Thế Long và Trần Văn Quyền dịch ra tiếng Việt, Nxb. Tp. Hồ Chí minh xuất bản năm 1993. Bài viết xin được trình bầy thêm một số suy nghĩ về văn bản này.

1- Thư kinh là một thuật ngữ do các nhà Nho đặt tên cho một bộ sách nguyên có tên là Thư, hoặc Thượng Thư. Thư mang nét nghĩa ban đầu chỉ động tác cầm bút ghi chép. Sau này những điều ghi chép ra cũng được gọi là thư. Thời Tây Chu, chức năng ghi chép giành cho sử quan. Sử quan ghi chép những công việc lớn của triều đình và những lời nói, cử chỉ của vua chúa đối với quần thần. Do đó Thư vốn là tên sách và là nguồn sử liệu rất có giá trị. Sách mang tên Thượng Thư xuất hiện thời Hán. Sử sách ghi rằng thời Tần, Tần Thủy hoàng ra lệnh đốt sách, có ông Phục Sinh người Tế Nam, tên là Thắng, tự Tử Tiện, là bác sĩ thời Tần đã đem sách Thượng Thư dấu vào trong vách tường. Sau khi vương triều nhà Hán được thành lập, ông đi tìm, chỉ thu thập được 29 thiên và đem truyền giảng vùng Tề, Lỗ. Đời truyền rằng đó là Kim văn thương thư.

Về mặt văn bản, hiện có Kim văn thương thưCổ văn thượng thư. Kim văn thượng thư là nói sách Thượng thư được viết bằng loại văn tự lưu hành thông dụng thời Hán. Cổ văn thượng thư là sách Thượng Thư được viết bằng loại văn tự thông dụng thời Tiên Tần. Do sách được viết bằng 2 loại văn tự không giống nhau, sự thuyết trình của thầy cũng không giống nhau, từ đó hình thành nên 2 loại văn bản không giống nhau. Theo lời tựa trong sách Thượng Thư hiện đang lưu truyền thì sách Thượng Thư có 100 thiên, nay chỉ còn 58 thiên viết theo 6 thể: điển, mô, huấn, cáo, mệnh, thệ. Cụ thể như sau:

- Ngu thư: Nghiêu điển, Thuấn điển, Cao Dao mô, Ích Tắc

- Hạ thư: Vũ Cống, Cam thệ

- Thương thư: Thang thệ, Bàn Canh thượng, Bàn Canh trung, Bàn Canh hạ,

- Chu thư: Mục thệ, Hồng Phạm, Kim đằng, Đại cáo, Khang cáo, Tửu cáo, Tử tài, Triệu cáo, Lạc cáo, Đa sĩ, Vô dật, Đa phương, Lập chính, Cố mệnh, Khang vương chi cáo, Lã hình, Văn hầu chi mệnh, Phí thệ, Tần thệ.

Kinh Thư đã được nhiều nhà khảo chứng Trung Quốc tiến hành khảo cứu như: về mặt văn bản có các ông Ngô Vực, Mai Thốc, Diêm Nhược Cư Hiệu Đống, về nội dung có nhiều nhà nghiên cứu đi sâu vào công việc khảo chứng như Thương thư chính nghĩa của Khổng An Quốc đời Hán, Thượng thư giảng nghĩa của Sử Hạo đời Tống, Thư kinh tập truyện của Thái Trầm đời Tống, Thư kinh trung luận của Trương Anh đời Thanh.

2- Diễn nghĩa () là một từ mang nét nghĩa ban đầu là làm rõ nghĩa lý trong sách kinh điển. Từ này đã xuất hiện trong các tên sách Tứ thư Ngũ kinh ở Việt Nam như Ngũ kinh tiết yếu diễn nghĩa AB. 539/1-12; Dịch kinh chính văn diễn nghĩa VHv.114; Dịch kinh đại toàn tiết yếu diễn nghĩa VHv.108/1-4; Lễ ký đại toàn diễn nghĩa VNv.112/1-2; Thi kinh diễn nghĩa VNv.107; VNv.1161; VNv.162; VNv.1163; AB.168/1-2; Xuân thu diễn nghĩaVNv.115/1-3... Căn cứ vào nội dung các sách này, khái niệm diễn nghĩa được các nhà Nho Việt Nam sử dụng đã mang các nét nghĩa:

- Dịch các sách kinh điển. Phần dịch ra Việt văn được ghi bằng chữ Nôm.

- Diễn nghĩa các sách kinh điển. Phần diễn nghĩa được ghi bằng chữ Hán và chữ Nôm.

- Đi sâu khảo cứu một bộ sách kinh điển

3- Văn bản Thư kinh diễn nghĩa của Lê Quí Đôn. Lê Quí Đôn viết sách bàn về Kinh Thư và đặt tên cho tác phẩm của mình là Thư kinh diễn nghĩa. Về khái niệm diễn nghĩa mà Lê Quí Đôn đã sử dụng, các nhà nghiên cứu đi trước đã có những ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng sách Thư kinh diễn nghĩa của Lê Quí Đôn đã nêu ra được những nghĩa mới, nói ra được những điều mà bách gia chưa nói, phát hiện được điều mà thiên cổ chưa phát hiện...lại có sự hiệu thù, khảo dị cẩn thận...(1).

Cũng có ý kiến cho rằng Thư kinh diễn nghĩa dẫn giải và chú thích từng thiên, từng đoạn, từng câu văn sách Kinh Thư của Trung Quốc(2). Cũng có ý kiến cho rằng Lê Quí Đôn soạn sách Kinh Thư không đi vào giải nghĩa câu mà thực tế đã bình giải tác phẩm(3).

Căn cứ vào văn bản Thư kinh diễn nghĩa bản mang ký hiệu A.1251 cách trình bầy của tác giả như sau:

 

Thượng thư

(nguyên văn)

Thư kinh diễn nghĩa. A.1251

堯,曰安,允恭克

Phiên âm:

Nghiêu điển

Viết nhược kê cổ đế Nghiêu, viết Phóng Huân khâm minh văn tứ an an, doãn cung khắc nhượng, quang bị tứ biểu, cách vu thượng hạ.

 

,已。中,不,辨,剖恭皆

...

Phiên âm: Nghiêu điển

Sử thần xưng Nghiêu chi đức, khâm minh văn cung nhượng dĩ cực kỳ thịnh, trung gian hạ nhất tư tự, bất khả lược khán, biện bạch tình ngụy, phẫu phán sự lý, thôn thiên hạ chi chí, thành thiên hạ chi vụ, toàn tại ư thị, vu Phóng Tề Hoan Đâu, phí tứ nhạc, thí Ngu Thuấn, phi ý tư thâm viễn, hà dĩ năng thử. Cố truyện xưng kỳ trí như thần. Cao Dao mô viết: tư vĩnh. Hồng Phạm tư viết duệ, duệ tác thánh. Khâm cung giai tòng tư trung xuất. Tiên minh kỳ đức, thứ nhi thân thân, thứ nhi trị quốc, bình thiên hạ, hậu phương cập ư lịch tượng thụ thời chi sự, vi trị hữu thứ tự như thử...

Dịch nghĩa: Nghiêu điển

Người chép sử khen đức của vua Nghiêu khâm, minh, văn, cung, nhượng là cực kỳ thịnh, trong đó [ họ] hạ một chữ là không thể xem thường, sự biện bạch thật giả, mổ xẻ, phê phán sự tình, thấu hiểu chí hướng của thiên hạ, trở thành công việc của thiên hạ, đều cả ở đây.

[Nhà vua] than phiền về Phóng Tề, Hoan Đâu, bỏ qua [lời tâu của quan] Tứ Nhạc, dùng thử Ngu Thuấn, nếu không phải là người có ý suy nghĩ sâu xa, thì làm sao làm được như vậy. Cho nên truyện khen cái trí của vua Nghiêu như thần. Cao Dao mô khen: nghĩ xa, thiên Hồng Phạm nói suy nghĩ thấu nhẽ, thấu nhẽ thì trở thành thánh. Vậy khâmcung đều xuất phát từ chữ mà ra cả.

Trước hết phải làm sáng tỏ cái đức tính trong sáng của mình, sau là yêu mến người thân thích của mình, sau đó mới là trị nước, rồi làm sáng tỏ đức tính trong sáng trong thiên hạ. Sau cùng là công việc làm lịch tượng [ để cho dân] biết thời vụ. Công việc trị vì phải có thứ tự như thế.

 

Qua đối chiếu đoạn văn nêu trên, chúng tôi nhận thấy cùng lấy tên Nghiêu điển, nhưng phần Nghiêu điển trong Thư kinh diễn nghĩa, Lê Quí Đôn không đi bình giải câu, chữ trong Kinh Thư mà ông đề cập đến chữ. Ông cho rằng gốc rễ của mọi vấn đề đều bắt đầu từ chữ tư. Chữ mang nét nghĩa suy nghĩ. Khái niệm diễn nghĩa mà tác giả sử dụng, chính là ông viết ra những điều ông suy nghĩ về sự điều hành chính sự của các bậc đế vương thời xưa. Thư kinh diễn nghĩa do Lê Quí Đôn biên soạn, ông đã dựa vào 58 thiên trong sách Kinh Thư, viết ra 342 đoạn liên quan đến việc thực thi chính sự của vua và quan thời Trung Quốc cổ xưa. Đây chính là sự vận dụng và truyền thụ các kiến thức mà Lê Quí Đôn đã học vào trong việc làm quan trị đời của ông.

Chú thích

(1) Lời bạt Thư kinh diễn nghĩa. Lý Trần Quán, A.1251.

(2) Di sản Hán Nôm Hán Nôm Việt Nam - Thư mục đề yếu. Nxb. KHXH, H. 1993,

(3) Kinh thư diễn nghĩa. Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, 1993, tr.12./.

Thông báo Hán Nôm học 2008; tr.921-925

In
Lượt truy cập: