Tạp chí Hán Nôm >> TCHN từ 2006 về sau >> Tác giả >> D >> Bùi Duy Dương
Bùi Duy Dương
Thành ngữ gốc Hán trong ba kiệt tác thơ Nôm (Tạp chí Hán Nôm, Số 5(96) 2009; Tr. 44-53)

Cập nhật lúc 23h23, ngày 06/12/2010

THÀNH NGỮ GỐC HÁN TRONG BA KIỆT TÁC

THƠ NÔM

BÙI DUY DƯƠNG

Đại học Quốc gia Hà Nội

1/ Đặt vấn đề:

Thành ngữ là những đơn vị mang nhiều sắc thái bình giá, có tính nghệ thuật, biểu trưng cao, đặc biệt là những thành ngữ gốc Hán (TNGH). Chúng xuất hiện dần dà trong kho tàng thành ngữ Việt Nam và chiếm một vị trí nhất định. Theo TS Nguyễn Thị Tân: “hiện có 2714 đơn vị TNGH đang hoạt động trong tiếng Việt. So với các thành ngữ gốc ngoại khác, TNGH chiếm tỉ lệ gần như tuyệt đối (khoảng 98 %)” [13]. Các TNGH du nhập vào tiếng Việt do quá trình tiếp xúc ngôn ngữ - văn hóa lâu dài giữa Việt Nam và Trung Quốc. Người truyền đạt những thành ngữ này chủ yếu là tầng lớp nho sĩ trí thức thời phong kiến, rồi lan dần vào ngôn ngữ toàn dân. Những nhà thơ của văn học trung đại thường là những con người của “cửa Khổng sân Trình”, tinh thông Ngũ Kinh, Tứ Thư, Bắc sử… nên những TNGH luôn nằm trong vốn ngôn ngữ sáng tác của họ. Những tập thơ được viết bằng tiếng Việt - chữ Nôm không phải là ngoại lệ.

Trong nền văn học dân tộc, thơ ca sáng tác bằng chữ Nôm xuất hiện khá sớm. Xem xét thơ Nôm, các nhà nghiên cứu đều nhất trí lấy thời điểm bắt đầu từ tập thơ Quốc âm thi tập (QATT) của Nguyễn Trãi thế kỷ XV, với ba cột mốc tiêu biểu: Quốc âm thi tập (Nguyễn Trãi), Hồng Đức quốc âm thi tập (HĐQÂTT) (Lê Thánh Tông và các triều thần) và Bạch Vân Quốc ngữ thi tập (BVQNTT) (Nguyễn Bỉnh Khiêm). Ba tập thơ, trải dài gần hai thế kỷ, với ngót một nghìn bài thơ, đã tạo nên một diện mạo riêng cho nền văn học dân tộc, nhất là xét về mặt ngôn ngữ sáng tác. Ngôn ngữ dân tộc - chữ Nôm đã khẳng định được vị trí của mình trong ngôn ngữ văn học, có khả năng diễn đạt mọi tâm tư, tình cảm của con người. Trên con đường xây dựng ngôn ngữ văn học của riêng dân tộc mình, các nhà thơ Nôm đã có khuynh hướng Việt hóa từ ngữ, điển cố, hình tượng, văn liệu Hán học, làm giàu cho ngôn ngữ văn học tiếng Việt. Ngoài ra, các tác giả còn sử dụng triệt để những nguồn ngữ liệu trong ngôn ngữ dân tộc như ca dao, thành ngữ, tục ngữ, thậm chí cả những từ ngữ khẩu ngữ, đời thường trong cuộc sống, đưa vào sáng tác thơ ca.

Từ trước cho đến nay, hầu hết các nhà nghiên cứu tập trung vào nghiên cứu ở khuynh hướng thứ hai như Bùi Văn Nguyên, Hoàng Tuệ… một số đã nghiên cứu theo khuynh hướng đầu tiên như Đinh Gia Khánh, Vương Lộc… nhưng chủ yếu ở tập trung ở từ ngữ và điển cố chữ Hán. Trong bài viết này, chúng tôi muốn góp phần hoàn thiện bức tranh sử dụng văn liệu chữ Hán trong các tác phẩm thơ Nôm ở khía cạnh vận dụng những thành ngữ gốc Hán của các nhà thơ.

2/ Cách vận dụng TNGH trong thơ Nôm

Trên bề mặt văn bản của mỗi tác phẩm, kết hợp với việc tra cứu các cuốn từ điển thành ngữ gốc Hán, chúng tôi thống kê các câu thơ có chứa thành TNGH trong QÂTT và HĐQÂTT, BVQNTT, với kết quả như sau:

- Trong toàn bộ 254 bài thơ trong tập QÂTT của Nguyễn Trãi, có tới 100 bài có sử dụng TNGH, chiếm 39,4% tổng số bài thơ. Nhà thơ đã vận dụng khéo léo 97 TNGH trong 141 câu thơ, với tần số xuất hiện từ 1 đến 5 lần.

- HĐQÂTT có 283 bài (bỏ 45 bài truyện Vương Tường vì theo một số nhà nghiên cứu gần đây không cho rằng truyện Vương Tường thuộc HĐQÂTT) thì 70 bài sử dụng TNGH, chiếm 24,7% tổng số bài thơ. Các nhà thơ đã vận dụng 64 TNGH trong 96 câu thơ, với tần số xuất hiện từ 1 đến 5 lần.

- BVQNTT của Nguyễn Bỉnh Khiêm có 50 bài sử dụng TNGH trong tổng số 177 bài thơ, chiếm khoảng 28%. Nhà thơ đã vận dụng 45 TNGH trong 57 câu thơ, với tần số xuất hiện từ 1 đến 5 lần.

Trên cơ sở TNGH gốc (tiêu thể/điển thể) cũng như biến thể TNGH được vận dụng trong từng câu thơ, chúng tôi thấy cách khai thác TNGH của các nhà thơ rất linh hoạt, sáng tạo, có chỗ như “lẩy”, có chỗ như “tập”, có chỗ như “phỏng”. Có 3 cách vận dụng chính: giữ nguyên vẹn TNGH; dùng ý TNGH; cải biến TNGH (thêm hoặc bớt từ so với thành ngữ gốc). Ngoại lệ, một số trường hợp một TNGH được vận dụng theo nhiều cách khác nhau, ví dụ như:

Từ TNGH “Tạc tỉnh nhi ẩm, canh điền nhi thực”, khi thì được tỉnh lược làm câu kết trong QÂTT - bài 140:

Tạc tỉnh canh điền tự tại hèn.

Khi lại được dịch ra hoàn toàn từ nguyên văn thành ngữ gốc:

Nước đào giếng cơm cày ruộng.

(QÂTT - bài 129)

2.1. Giữ nguyên vẹn TNGH: nghĩa là tác giả giữ nguyên hình thái cấu trúc cũng như ngữ nghĩa của câu thành ngữ gốc. TNGH được đưa vào câu thơ dưới dạng nguyên khối, chỉ khác so với thành ngữ gốc ban đầu là đã được chuyển sang âm Hán Việt.

GIỮ NGUYÊN TNGH

Tác phẩm

Số lượng TNGH

Số câu thơ

QÂTT

6

6

HĐQÂTT

10

11

BVQNTT

4

4

Chúng ta có thể thấy số lượng TNGH được sử dụng trong 3 tập thơ Nôm chỉ chiếm một số lượng nhỏ. Vì đây đều là những tập thơ được viết bằng ngôn ngữ dân tộc - chữ Nôm nên các tác giả rất có ý thức trong việc sử dụng càng ít yếu tố Hán càng tốt.

Tuy nhiên, khi cần thể hiện những quan niệm nhân sinh, đạo đức, triết lý mang tính chất bác học, Nguyễn Trãi vẫn phải sử dụng toàn bộ câu TNTN gốc Hán. Như câu:

Tự nhiên đắp đổi đạo trời,

Tiêu trưởng doanh hư một phút dời.

(QÂTT - bài 104)

Nhà thơ dùng nguyên văn thành ngữ “Tiêu trưởng doanh hư”, một thành ngữ đậm chất triết lý, được rút theo ý tưởng của quẻ Phong trong Kinh Dịch và thiên Thu thủy sách Trang Tử. Mọi sự vật hiện tượng cứ lần lượt tiêu hao rồi lại sinh trưởng, như mặt trời đứng bóng, rồi lại xiên lệch, mặt trăng tròn rồi lại khuyết, và cứ thế vạn vật đổi thay, chuyển vần mãi mãi. Để truyền tải một quan niệm vận động của đạo của trời, Nguyễn Trãi đã sử dụng nguyên dạng thành ngữ gốc Hán, mới thể hiện đắc dụng nội dung triết học, sâu sa đó.

Câu thơ sau của Nguyễn Bỉnh Khiêm dùng nguyên vẹn TNGH “Tái ông thất mã”. Đây là một câu thành ngữ bắt nguồn từ tích chuyện xưa ở Trung Quốc để nói lên điều họa phúc ở đời, khó mà lường trước được:

Hàn Tín nên công chớ cả mặt

Tái ông thất mã há chau mày!

(BVQNTT - bài 62)

2.2. Dùng ý TNGH: nghĩa là các tác giả phỏng dịch, diễn đạt lại câu thành ngữ gốc bằng ngôn ngữ tiếng Việt. Qua nội dung câu thơ, người đọc có thể liên tưởng đến câu thành ngữ gốc mà nhà thơ vận dụng.

DÙNG Ý TNGH

Tác phẩm

Số lượng

Số câu thơ

QATT

70

97

HĐQÂTT

32

43

BVQNTT

33

45

Chúng ta dễ dàng nhận thấy, cách dùng ý TNGH trong câu thơ của mình được các nhà thơ vận dụng phổ biến. Nói cách khác, phần lớn các cụm từ cố định gốc Hán này đều được các tác giả dịch nghĩa, lấy ý đưa vào ngôn ngữ văn học dân tộc. Đây cũng là điều dễ hiểu vì các tác giả sáng tác bằng chữ Nôm nên muốn làm cho lời thơ gần gũi với ngôn ngữ toàn dân. Điểm mới trong phong cách sử dụng TNGH của các tác giả là xuất phát từ ý thức làm giàu cho ngôn ngữ văn học tiếng Việt. Các nhà thơ sử dụng hạn chế nguyên văn TNTN gốc Hán, không dùng từ Hán mà dùng ý đã được Việt ngữ hóa. Nhờ đó, những câu TNGH đã được Việt hóa hoàn toàn và đi vào thơ ca hết sức dễ dàng.

Nguyễn Bỉnh Khiêm trước tuổi già của mình, đã tự than rằng:

Tuổi đà ngoại tám mươi già,

Thoắt thoắt xem bằng bóng ngựa qua

(BVQNTT - bài 16)

Nhà thơ đã lấy ý câu TNGH “Bạch câu quá khích” dịch sang tiếng Việt là “bóng ngựa qua”. Tuổi đã ngoài tám mươi rồi, tác giả thấy thời gian trôi đi rất nhanh, thoáng cái đã qua, đã hết, ví như bóng ngựa vút qua khe cửa, lướt nhanh trong khoảnh khắc.

Các nhà thơ không chỉ lấy ý TNGH mà trong quá trình sử dụng còn sáng tạo thêm những nét nghĩa mới. Trường hợp sau là một sáng tạo như thế:

Ngàn vàng phỏng độ khôn phen xứng,

Vật tốt trời hòa vẫn hữu tình.

(HĐQÂTT - Thiên địa môn - bài 50)

Từ câu TNGH “Xuân tiêu nhất khắc trị thiên kim” (một khắc của mùa xuân quý giá bằng ngàn vàng), nhà thơ đã dịch nghĩa, vận dụng vào câu thơ trên. Nhưng không chỉ dịch nghĩa đơn thuần, ở đây nhà thơ đã tạo ra một sự thay đổi độc đáo. Trong thức tháng ba, đương mùa xuân, mọi vật đâm chồi, nảy lộc, tươi đẹp lạ thường. Cảnh xuân thực đẹp, một khắc mùa xuân tuyệt mĩ, hữu tình, giá trị ngàn vàng cũng không thể sánh được. Chỉ một chút thay đổi nhưng đã làm cho câu thơ thêm đẹp, cảnh thơ thêm tình. Nếu như thi nhân Trung Quốc coi một khắc mùa xuân quý giá bằng ngàn vàng, thì thi nhân Việt Nam mến yêu, gần gũi với thiên nhiên cây cỏ, thấy mùa xuân quý giá hơn, ngàn vàng cũng chẳng sánh bằng. Cảm nhận của thi nhân Việt Nam có phần tinh tế và đẹp đẽ, để rồi sáng tạo nên những ý thơ hay hơn bằng cách phỏng dịch ý của câu TNGH.

2.3. Cải biên TNGH: nghĩa là các tác giả vẫn sử dụng những từ Hán Việt trong TNGH nhưng đã có sự biến đổi đôi chút về hình thái cấu trúc. Bằng phương pháp tỉnh lược hoặc chêm xen câu thành ngữ gốc, tác giả đưa chúng vào trong những câu thơ của mình hết sức nhuần nhị.

CẢI BIÊN TNGH

Tác phẩm

Thêm từ

Bớt từ

Số câu thơ

QATT

2

21

36

HĐQÂTT

0

25

42

BVQNTT

0

8

8

Chêm xen hay thêm từ vào câu thành ngữ gốc là biện pháp rất ít được sử dụng. TNGH thường là những cụm từ đã được thiết lập từ lâu, có tính bền vững cao, rất khó có thể biến đổi cấu trúc như việc tách ra để thêm từ vào. Trong QÂTT có xuất hiện 2 lần, còn các tác phẩm còn lại thì không thấy xuất hiện trường hợp nào:

Khóng khảy thái bình đời thịnh trị,

(QÂTT - bài 188)

Mấy kẻ hồng nhan thì bạc mệnh,

(QÂTT - bài 242)

Câu thành ngữ “thái bình thịnh trị” có cấu trúc tính từ - tính từ nên việc thêm danh từ “đời” vào giữa thái bình/ thịnh trị là hoàn toàn hợp lý. Nhà thơ đã tạo ra danh từ mà câu thành ngữ bổ nghĩa. Tương tự, việc chêm từ “thì” vào giữa câu hồng nhan/ bạc mệnh giúp làm tăng thêm quan hệ nhân quả trong câu thành ngữ. Thói đời thật trớ trêu, những người “hồng nhan” (người có sắc đẹp) thì thường “bạc phận” (thân phận bạc bẽo, gian truân).

Trái ngược với biện pháp trên, bớt từ hay tỉnh lược TNGH lại được sử dụng phổ biến. Để đảm bảo số lượng chữ quy định trong câu thơ, các tác giả đã tùy theo từng ngữ cảnh phải lược bớt đi một số chữ trong thành ngữ gốc mà nét nghĩa cơ bản của thành ngữ vẫn không có gì thay đổi.

Nguyễn Bỉnh Khiêm đã tỉnh lược TNGH “hậu sinh khả úy” trong trường hợp sau:

Dù thấy hậu sinh thời chớ dể

Sừng kia chẳng mọc, mọc hơn tai

(BVQNTT - bài 43)

Nhà thơ nhắc nhở mọi người không được coi thường mà phải coi trọng những “kẻ sau” - thế hệ sau. Vì rằng những người sau có tiềm năng, cơ hội để vượt mình, cũng như sừng mọc sau tai nhưng sẽ dài hơn tai. Chỉ với hai từ “hậu sinh” nhưng người đọc dễ dàng nhận ra được TNGH mà tác giả vận dụng. Vì TNGH có tính biểu trưng cao, hàm súc, đã từ lâu đi vào tri thức của các nhà Nho nên việc tỉnh lược đi một vài chữ trong thành ngữ gốc vẫn không làm mất giá trị biểu trưng của chúng, cũng như không hề gây khó dễ người đọc.

Thậm chí, trong cùng một câu thơ, nhà thơ của HĐQÂTT vận dụng tỉnh lược hai TNGH liên tiếp:

Thoáng thấy mặt hoa mày liễu tốt,

Rỡ phong trướng vóc đệm hương êm.

(HĐQÂTT Nhân đạo môn - bài 45)

Cụm từ “mặt hoa mày liễu” được rút ra từ hai câu thành ngữ “mặt hoa da phấn” và “má đào mày liễu”. Cả hai câu đều nói về vẻ xinh đẹp của người phụ nữ xưa kia. Tác giả đã bớt một vế của hai thành ngữ, rồi đem ghép phần còn lại của chúng lại với nhau, tạo thành một cấu trúc mới “mặt hoa mày liễu” miêu tả tận mỹ vẻ đẹp của người phụ nữ. Bằng cảm xúc chân thành và tài năng nghệ thuật, nhà thơ đã gây được ấn tượng sâu sắc khi xây dựng thành công vẻ đẹp “nghiêng nước nghiêng thành” của người phụ nữ.

Như vậy, phương pháp cải biến bớt từ tỏ ra rất hữu dụng cho các tác giả. Các tác giả vừa thể hiện được nội dung mà mình muốn truyền tải, vừa thể hiện được tài năng sáng tạo nghệ thuật trong mỗi lần vận dụng TNGH.

3. Nhận xét:

3.1. Về số lượng các TNGH được vận dụng

Chúng ta thấy từ QÂTT (97 câu) đến HĐQÂTT (64 câu), rồi BVQNTT (45 câu) có sự giảm dần theo thời gian. Số lượng TNTN gốc Hán đã giảm chứng tỏ ý thức làm giàu cho ngôn ngữ văn học dân tộc của các tác giả có tăng tiến theo thời đại.

Trong cùng thế kỷ XV, ảnh hưởng của nền Hán học trong giai đoạn này vẫn còn tồn tại rõ nét. Mặc dù QÂTT và HĐQÂTT đều là các tác phẩm thơ viết bằng ngôn ngữ dân tộc - tiếng Việt nhưng các tác giả vẫn dùng nhiều từ ngữ Hán Việt trong tác phẩm của mình, đặc biệt vận dụng nhiều TNGH. Trong thời kỳ đầu xây dựng ngôn ngữ văn học dân tộc, có sự tranh chấp gay gắt giữa hai khuynh hướng. Một là, vẫn chịu ảnh hưởng sâu sắc từ thi liệu Hán học thể hiện bằng việc dùng nhiều từ ngữ Hán Việt. Hai là, vận dụng tối đa những từ ngữ thuần Việt vào trong thơ ca bác học. Trong giai đoạn đầu này, sự tranh giành đó vẫn còn ngang nhau. Từ ngữ Hán Việt không muốn mất đi vị trí độc tôn của mình trong sáng tác thơ văn cổ điển, còn chữ Nôm - thứ chữ dân tộc đang cố vươn lên để khẳng định mình trước một nền Hán học đã có từ ngàn năm trước.

Tuy nhiên, xét theo tỉ lệ phần trăm so với tổng số câu thơ thì các thi nhân của tập HĐQÂTT 64/2260 câu (chiếm tỉ lệ 2,83%) là ít nhất so với QÂTT 97/1908 câu (chiếm tỉ lệ 5,08%) và BVQNTT 45/1410 câu (chiếm tỉ lệ 3,19%). Từ QÂTT đến HĐQÂTT, hai thời kỳ sáng tác không cách xa nhau: nửa đầu thế kỷ XV và nửa cuối thế kỷ XV, nhưng chúng ta đã thấy tỉ lệ sử dụng TNGH đã giảm đáng kể. Đã có một sự chuyển biến trong ý thức những người làm thơ chữ Nôm. Họ cố gắng sử dụng càng ít các thi liệu Hán học càng tốt. Thực tế này phản ánh quy luật giảm dần thành phần ngôn ngữ ngoại nhập trong sáng tác thơ Nôm Hàn luật thế kỷ XV. Sang đến thế kỷ XVI, BVQNTT lại sử dụng TNGH nhiều hơn một chút. Chẳng nhẽ đó là bước lùi trong quá trình phát triển ngôn ngữ văn học dân tộc hay sao? Không phải như vậy, chúng ta có thể lý giải vấn đề này bằng mấy lý do như sau. Trước hết, Nguyễn Bỉnh Khiêm là Trạng nguyên, giỏi tiên tri. Vì vậy, không lẽ gì ông lại không chịu ảnh hưởng nhiều từ thi liệu Hán học. Mặt khác, ta thấy đề tài trong thơ Nôm của thơ ông thu lại rất hẹp, chủ yếu tập trung vào mục: Ngôn chí. Trong đó ông bày tỏ chí hướng của mình sau khi đã lui về ở ẩn. Đó là tấm lòng đối với vua, với đất nước. Đó là những lời tự vấn về cách xử thế với cuộc đời, với chính bản thân mình. Với chủ đề mang nhiều màu sắc “trung quân ái quốc” và tâm trạng sâu kín như vậy, không gì đắc dụng hơn là vận dụng những TNGH “ý tại ngôn ngoại” đã được đúc kết từ ngàn đời như "Mai nhi bất lận, miết nhi bất truy; Tựu hữu đạo nhi chính yên; tam cương ngũ thường…".

Tuy nhiên, thiết nghĩ, bất kể thành ngữ có nguồn gốc từ đâu, khi đánh giá tài năng sử dụng của tác giả, chúng ta không nên chỉ truy tìm nguồn gốc của chúng mà nên đánh giá nhà thơ đã dùng chúng như thế nào để làm nên những câu thơ đẹp, bởi vì để đưa TNGH vào trong mỗi câu thơ, nhà thơ phải kết hợp tinh tế ý nghĩa cũng như từ ngữ của thành ngữ sao cho hòa nhập với những thành phần còn lại của câu thơ tạo nên sức sống mới cho câu thơ mà không gây khó khăn cho sự cảm thụ của người đọc. Tìm hiểu cách vận dụng khéo léo từng câu TNGH chúng ta mới thấy được tài năng thực sự của các nhà thơ. Đây cũng là trọng tâm đề cập của chúng tôi trong phần dưới đây.

3.2. Tài năng của các tác giả trong việc vận dụng TNGH

Tài năng của các tác giả được thể hiện qua việc sử dụng hết sức linh hoạt những TNGH. Lúc thì dùng nguyên gốc, lúc thì dùng ý, lúc thì cải biến ở thành ngữ gốc, nhưng tất cả các cách dùng ấy đều không làm mất đi nét nghĩa cơ bản của TNGH mà đôi khi còn làm tăng sắc thái biểu cảm của chúng. Ở đây, không chỉ đánh giá tài năng của các tác giả mà qua đó chúng ta còn phần nào thấy được sự phát triển của ngôn ngữ văn học dân tộc.

Thứ nhất, qua cả 3 tập thơ, việc sử dụng nguyên gốc TNGH là một việc làm hiếm hoi, chiếm tỉ lệ thấp. HĐQÂTT là tập thơ vận dụng nguyên gốc TNGH nhiều nhất (15,62%), sau đó là BVQNTT (8,9%) và cuối cùng là QÂTT (6,18%).

HĐQÂTT là tập thơ ra đời trong triều đại Lê Thánh Tông - một triều đại cực thịnh của Nho giáo. Nhà vua chăm lo việc tìm kiếm nhân tài, mở khoa cử để chọn người làm quan. Lê Thánh Tông mở khoa thi đều đặn ba năm một lần. Điều này làm cho văn hóa Nho giáo có ảnh hưởng sâu sắc đến các nhà văn, nhất là nền Hán học. Chính vì vậy, các nhà văn sử dụng nhiều thi liệu Hán học trong thơ văn của mình cũng là điều khó tránh khỏi mặc dù tập thơ được viết bằng tiếng Việt - chữ Nôm. Hơn thế nữa, đây còn là tập thơ ca tụng triều đình, thuyết lý giáo lý nhà Nho, ca ngợi cuộc sống thanh bình, ngâm vịnh thù tạc trước những cảnh cung đình, vườn uyển, non kỳ nước thú, các nhân vật lịch sử. Vì lẽ đó, nhiều bài thơ trong HĐQÂTT mang tính điển mẫu, khuôn sáo, với những ước lệ có sẵn trong thơ ca cổ điển mà phần nhiều ảnh hưởng của Hán học qua TNGH.

QÂTT là tập thơ chữ Nôm quy mô đầu tiên, xứng đáng với tài năng của Nguyễn Trãi. Là một nhà đại thi hào dân tộc, ông luôn có ý thức vận dụng sáng tạo các yếu tố Hán học vào trong thơ Nôm của mình. Ông biết các TNGH chủ yếu được cấu tạo bởi các từ Hán Việt. Bản thân các từ ngữ Hán Việt so với những từ ngữ Việt luôn có một khoảng cách nhất định, chúng đứng thành một lớp từ riêng mang phong vị cổ kính, trang trọng. Với đặc điểm của lớp từ Hán Việt, các TNGH mang trong mình tính nội hàm sâu sắc và ý nghĩa khái quát cao về thế sự, nhân tâm. Nếu xét trên góc độ thi pháp ngôn từ, các ngữ cố định gốc Hán được sử dụng tương đương với các ngữ cố định thuần Việt. Nhưng chỉ khi nào cần đề cập đến triết lý sâu sa (6 lần), Nguyễn Trãi mới đành phải vận dụng nguyên gốc TNGH.

Thứ hai, ở phương pháp dùng ý TNGH, chúng ta mới thấy được rõ dụng công của các tác giả trong quá trình làm giàu ngôn ngữ văn học dân tộc. Các tác giả đều ý thức sử dụng càng ít các từ ngữ Hán Việt càng tốt, đồng thời Việt hóa các ngữ liệu Hán học để làm phong phú thêm ngôn ngữ văn học dân tộc.

Theo số liệu đã thống kê ở phần trên, phỏng dịch các TNGH là cách vận dụng phổ biến, chiếm tỉ lệ lớn trong thơ Nôm. Với QÂTT là 70 câu TNGH, chiếm 67,9% tổng số TNGH. HĐQÂTT là 32 câu, chiếm 50%. Và, BVQNTT là 33 câu, chiếm 73,3%. Như vậy, cùng với dòng chảy thời gian, chúng ta thấy quá trình Việt hóa TNGH ngày càng được đẩy mạnh. Đến thế kỷ XVI, Trạng Trình đã rất quan tâm đến vấn đề này. Phần lớn những TNGH đều được ông Việt hóa với những từ ngữ đơn giản, gần gũi với tâm thức người Việt như "Quải dương đầu, mại cẩu nhục" (dùng là: Lận thế treo dê, bán thịt chó), "Hổ giả hổ uy" (dùng là: Cáo mượn oai hùm mà lỡm chúng)…

Nguyễn Trãi một lần nữa khẳng định được vị trí “trao giải nhất chi nhường cho ai” (Xuân Diệu) với những đóng góp của ông cho ngôn ngữ văn học dân tộc. Tuy là tập thơ Nôm đầu tiên, nhưng việc tìm tòi vận dụng những từ ngữ tiếng Việt dường như nằm trong từng câu chữ của thi nhân. Nguyễn Trãi là một người am hiểu nhiều tri thức ngôn ngữ dân gian, sống gần gũi với người dân nên ông rất hiểu ngôn ngữ dân tộc. Ông vận dụng những TNGH rất khéo léo, tài tình, không cần dùng nguyên mẫu thành ngữ gốc nhưng vẫn diễn đạt được trọn vẹn ý nghĩa của thành ngữ đó qua ngôn ngữ Việt giản dị nhưng không thiếu phần điển nhã.

HĐQÂTT là tập thơ phỏng dịch TNGH ít nhất. Điều này tiếp tục minh chứng cho những nhận xét của những nhà nghiên cứu trước đây. Trần Thị Băng Thanh cho rằng: “Hồng Đức quốc âm thi tập có phần là bước lùi so với Quốc âm thi tập (…) sử dụng nhiều thành ngữ, tục ngữ. Về điểm này Nguyễn Trãi và Nguyễn Bỉnh Khiêm mạnh hơn các tác giả Hồng Đức quốc âm thi tập” [15].

Thứ ba, chúng ta cũng đến với phương pháp cải biến các TNGH. HĐQÂTT có số lượng TNGH được cải biến bớt từ nhiều nhất, 25 câu chiếm 39% tổng số TNGH được vận dụng. Khi đã được lược bớt từ, các TNGH sẽ trở thành từ hay ngữ Hán Việt. Từ ngữ Hán Việt thường có cách diễn đạt hàm súc, lời ít ý nhiều, giúp nâng cao khả năng biểu cảm của ngôn từ cũng như các hình tượng văn học. Thậm chí, các từ Hán Việt còn làm “sáng giá” những câu thơ, khiến chúng thêm gợi cảm, đạt đến giá trị thẩm mỹ cao. Như trường hợp vận dụng TNGH “quốc sắc thiên hương” để miêu tả vẻ đẹp hoa mẫu đơn:

Khắp trong đời khen quốc sắc,

Hơn chưng bạn gửi hoa vương.

(HĐQÂTT - Phẩm vật môn 16)

Vì vậy, từ ngữ Hán Việt rất đắc dụng trong các thể loại vịnh cảnh trí, xướng họa như trong tập thơ HĐQÂTT.

Quá trình sử dụng các từ ngữ Hán Việt theo xu hướng giảm dần. Trong BVQNTT, Nguyễn Bỉnh Khiêm chỉ vận dụng 8 câu TNGH bớt từ, chiếm 17,8%. Sự có mặt có những TNGH đã được cải biên trong những câu thơ Nôm luôn là thử thách đối với tài năng và bản lĩnh của các bậc thầy trong lịch sử văn học Việt Nam. Đến với Trạng Trình, ông dường như đã thành công trong việc kết hợp nhuần nhuyễn những từ ngữ Hán Việt và những từ ngữ thuần Việt. Những từ ngữ Hán Việt như “lẫn” vào giữa những từ thuần Việt, trở nên dễ hiểu mà vẫn giữ được phong vị cổ kính của mình.

Hay khi “ôn sảnh” bề cung dưỡng,

Siêng thuở “thần hôn” việc hỏi han.

(BVQNTT - bài 156)

Hai câu thơ trên tỉnh lược câu TNGH “đông ôn hạ thanh, hôn đỉnh thần tỉnh”. Phàm kẻ làm con theo lễ hiếu, mùa đông phải làm cho cha mẹ ấm, mùa hè làm cho bố mẹ mát, buổi tối thì lo cho cha mẹ chỗ nằm, sáng sớm dậy phải hỏi thăm cha mẹ.

Như vậy, sự tiếp thu một cách chủ động, sáng tạo những TNGH đã cho ta thấy được tài năng của các thi nhân thơ Nôm Việt Nam. Họ đã không chỉ làm giàu thêm vốn từ ngữ văn học tiếng Việt mà còn làm phong phú thêm các cách diễn đạt khác nhau.

4. Kết luận:

Việc nghiên cứu các TNGH trong các tập thơ Nôm không chỉ nhằm thấy được ảnh hưởng của thi liệu Hán học vào ngôn ngữ văn học dân tộc mà qua đó còn chỉ ra quá trình hình thành và phát triển của ngôn ngữ văn học tiếng Việt. Điều này khẳng định, các nhà thơ chữ Nôm rất tâm huyết với quá trình xây dựng ngôn ngữ văn học dân tộc. Với một nguồn thi liệu Hán học, trong đó có TNGH đã tồn tại lâu đời, các thi nhân luôn cố gắng vận dụng một cách linh hoạt như dùng nguyên gốc, dùng ý hay cải biến thành ngữ gốc. Việc sử dụng linh hoạt TNGH trong các tác phẩm thơ Nôm minh chứng một điều không phải thành ngữ là những cấu trúc “nhất thành bất biến” mà rất uyển chuyển và linh hoạt trong khi sử dụng. Bởi vậy, cho nên tính bền vững của thành ngữ trong hệ thống chuẩn và tính uyển chuyển, linh hoạt trong sử dụng là hai mặt không hề mâu thuẫn và loại trừ nhau.

Các TNGH vận dụng trong thơ Nôm thực sự trở thành mục đích, yêu cầu nghệ thuật của tác giả. Cách dùng xen kẽ, điểm xuyết cũng chứng tỏ các tác giả luôn sử dụng đúng lúc những TNGH chứ không coi đó là một cứu cánh nghệ thuật để xây dựng những hình tượng ước lệ tượng trưng. Một số TNGH đã được các tác giả sáng tạo, đặt đúng vào các hoàn cảnh nghệ thuật cụ thể, làm biến đổi chức năng vốn có, đem đến một phong vị dân tộc trong mỗi giá trị biểu đạt, biểu cảm, diễn tả đúng thần thái ý nghĩa của từng TNGH khi nó được kết hợp với những từ ngữ dân tộc của câu thơ, làm tăng tính hàm súc tinh tế cho ngôn ngữ thi ca trong tác phẩm.

Nền thơ ca chữ Nôm đã tồn tại cách đây năm sáu thế kỷ, tạo nên bản sắc dân tộc trong nền thơ ca văn học trung đại Việt Nam. Đồng thời, đó cũng là nguồn tư liệu phong phú về ngôn ngữ dân tộc nói chung và ngôn ngữ văn học nói riêng cho các thế hệ sau nghiên cứu về tiếng Việt.

TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH

1. Vũ Dung - Vũ Thùy Anh - Vũ Quang Hào, Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam (in lần thứ tư), Nxb. Văn hóa, H. 2000.

2. Bùi Duy Dương: Thành ngữ gốc Hán trong thơ Nôm thế kỷ XV (qua Quốc âm thi tập và Hồng Đức quốc âm thi tập), Khóa luận tốt nghiệp, Khoa Ngôn ngữ học - ĐH KHXH & NV, 2005.

3. Phạm Trọng Điềm, Bùi Văn Nguyên, Hồng Đức quốc âm thi tập (in lần thứ hai), Nxb. Văn học, H. 1982.

4. Nguyễn Thiện Giáp: Từ vựng học tiếng Việt (tái bản lần thứ tư), Nxb. Giáo dục, H. 2003.

5. Kể chuyện thành ngữ tục ngữ, Hoàng Văn Hành chủ biên (tái bản lần thứ hai), Nxb. KHXH, H. 2002.

6. Hoàng Văn Hành: Thành ngữ học tiếng Việt, Nxb. KHXH, H. 2004.

7. Nguyễn Bích Hằng - Trần Thanh Liêm: Từ điển thành ngữ tục ngữ Hán Việt, Nxb. Văn hóa, H. 2003.

8. Văn học Việt Nam thế kỷ X đến nửa đầu thế kỷ XVIII, Đinh Gia Khánh chủ biên, (tái bản lần thứ năm), Nxb. Giáo dục, H. 2001.

8. Nguyễn Trãi toàn tập tân biên, Mai Quốc Liên - Kiều Thu Hoạch chủ biên, Trung tâm nghiên cứu quốc học, Nxb. Văn học, H. 2000.

10. Nguyễn Lực: Thành ngữ tiếng Việt, Nxb. Thanh niên, H. 2002.

11. Vương Lực: Một vài nhận xét bước đầu về ngôn ngữ trong Hồng Đức quốc âm thi tập, tr.499-517. In trong Hoàng đế Lê Thánh Tông, nhà chính trị tài năng - nhà văn hóa lỗi lạc - nhà thơ lớn, Nxb. KHXH, H. 1999.

12. Bùi Văn Nguyên: Thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm (Tập một: Bạch Vân quốc ngữ thi tập), Nxb. Giáo dục, H. 1989.

13. Nguyễn Thị Tân: Nhận diện thành ngữ gốc Hán trong tiếng Việt, Tạp chí Ngôn ngữ số 12/2003, tr.16-25.

14. Nguyễn Thị Tân: Đặc điểm của thành ngữ gốc Hán xét từ bình diện hình thái cấu trúc, T/C Ngôn ngữ số 6/2005, tr.1-12.

15. Trần Thị Băng Thanh: Thơ Nôm đến Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Bỉnh Khiêm - Danh nhân văn hóa, tr.167-180.

16. Như Ý - Nguyễn Văn Khang - Phạm Xuân Thành: Từ điển giải thích thành ngữ gốc Hán, Nxb. Văn hóa, H. 1994.

17. Tổng tập văn học Nôm Việt Nam PGS.TS. Nguyễn Tá Nhí chủ biên, Tập 1-2, Nxb. KHXH, H. 2008./.

(Tạp chí Hán Nôm, Số 5(96) 2009; Tr. 44-53)

In
Lượt truy cập: