Nghiên cứu Hán Nôm >> Năm 2001
30. Bản thần tích về Đạo giáo đáng chú ý ở xã Phù Vân (TBHNH 2001)

Cập nhật lúc 23h33, ngày 22/03/2007

BẢN THẦN TÍCH VỀ ĐẠO GIÁO ĐÁNG CHÚ Ý Ở XÃ PHÙ VÂN

MAI KHÁNH

Bảo tàng Hà Nam

Xã Phù Vân, thời Nguyễn là xã Phù Đạm, tổng Phù Đạm, huyện Kim Bảng, nay thuộc thị xã Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Phù Vân thuộc loại “nhất xã, nhất thôn”. Từ sau hoà bình lập lại để tiện cho công việc quản lý hành chính mới chia thành 6 thôn, xếp thứ tự từ thôn 1 đến thôn 6.

Đất đai Phù Vân chủ yếu nằm ở tả ngạn sông Đáy, nơi hợp lưu của 3 con sông: sông Đáy – sông Cầu – sông Nhuệ. Đây là vùng đất cổ, đặc biệt sông Đáy, sông Châu có vị trí rất quan trọng trong việc nghiên cứu lịch sử văn hoá Hà Nam. Nơi đây còn lưu giữ nhiều dấu ấn lịch sử, nhiều di tích từ thời sơ sử đến thời Nguyễn, trong đó chúng tôi đã sưu tầm được một bản thần tích đáng chú ý ở xã này. Sau đây là bản dịch:

THẦN TÍCH VỀ THÁI THƯỢNG LÃO QUÂN

1. Thần tích được bảo quản ở miếu thôn 3, xã Phù Vân. Ngôi miếu nằm trên một gò cao, cây cối mọc um tùm cạnh đường liên thôn.

Thần tích cho biết: “Thái Thượng Lão Quân: Ngài tên hiệu là Lý Bá Hoành, tên tự là Lão Đam, tên huý là Thái Ông. Ngài sinh khoảng đồng thời với đức Khổng Tử trước Thiên Chúa (tức trước Công nguyên – MK). Ngài giáng sinh đầu thai ở thôn Kim Chân, xã Thúc Lực (chưa rõ ở đâu – MK). Thân phụ là Sích, thân mẫu là Diệu Đạo. Ngày 15 tháng 2 năm Giáp Thân, thân mẫu Ngài nằm mộng thấy mặt trời rơi vào miệng, từ đó mang thai 8 năm. Đến giờ Tý ngày 01 tháng Giêng năm Giáp Tý mới sinh Ngài. Khi mới sinh, râu tóc Ngài đã bạc trắng như bông, hai tay đều có chữ “Cửu Long”, hai chân đều có chữ “Tứ tung ngũ hoành”. Ngài vốn tính thông minh, thông hiểu thiên văn địa lý. Ngài đem đạo phù thuỷ truyền bá cho dân. Một hôm Ngài đến xã Phù Khê (tức xã Phù Đạm), thấy nhân dân trong xã bị dịch chết quá nửa, Ngài bèn đóng giả một cụ già viết một đạo bùa thổi vào trong làng, bao nhiêu người trong làng bị bệnh đều khỏi. Dân làng nhớ ơn dựng miếu gọi là miếu Thái Thượng Lão Quân. Sau này khi nhân dân gặp bệnh tật gì đến miếu Ngài cầu cúng thì đều qua khỏi.

Đến đời vua Đinh Tiên Hoàng khởi nghĩa ở động Hoa Lư đánh dẹp thập nhị sứ quân, có khi quan Thái Thú Nguyễn Bặc đem quân đi đánh giặc, qua đền vào làm lễ, khi lễ xong, tự nhiên trời nổi cơn giông tố sấm sét dữ dội, quân sĩ lạy tạ. Trận ấy quân Nguyễn Bặc toàn thắng. Vua Đinh phong Ngài là “Thượng đẳng phúc thần”. Đến đời vua Trần Thái Tông, Trần Hưng Đạo cầm quân dẹp giặc có đến đền Thái Thượng Lão Quân cầu khẩn cũng được thắng trận.

Trải các đời vua ban tặng Ngài 4 sắc phong là “Thượng đẳng phúc thần”:

- Ngày 26 tháng 7 Cảnh Hưng thứ 44 (1783)

- Ngày 18 tháng 11 Thành Thái nguyên niên (1889)

- Ngày 18 tháng 3 Khải Định thứ 2 (1917)

- Ngày 25 tháng 7, Khải Định thứ 2 (1917)

Dân làng thờ Ngài bằng ngai có mũ trong một ngôi đền.

Hàng năm vào ngày 1 tháng giêng là ngày sinh và ngày 15 tháng 2 là ngày thụ thai, dân làng lấy tiền công quỹ mua sắm thủ lợn hoặc xôi gà, oản để tế ngài. Khi tế xong những người dự lễ thụ lộc ngay ở miếu.

2. Nhận xét về bản thần tích

a. Theo các cụ già ở thôn cho biết, bản thần tích này được sao lại từ một bản cũ tồn tại từ lâu. Khoảng những năm 1925 - 1926, Lý trưởng xã Phù Đạm đã căn cứ vào bản này để kê khai với Viễn Đông Bác Cổ. Thường thì các bản thần tích ở Hà Nam ghi tên người phụng soạn là Hàn lâm viện Đông Các Đại học sĩ Nguyễn Bính vào niên hiệu Hồng Phúc nguyên niên (1572) và Quản giám Bách thần Nguyễn Hiền sao lại vào niên hiệu Vĩnh Hựu (1735 - 1749). Nhưng cũng có nhiều bản không có những dòng lạc khoản này. Vì thế bản thần tích về Thái Thượng Lão Quân trên đây không phải là trường hợp cá biệt, vẫn đảm bảo độ tin cậy.

b. Quan trọng hơn là bản thần tích cung cấp một thông tin lần đầu tiên được phát hiện ở Hà Nam về Đạo giáo và sự hỗn dung của nó với tín ngưỡng bản địa.

Đạo giáo đã trở thành tôn giáo (cùng với Nho giáo, Phật giáo) du nhập vào Việt Nam từ rất sớm và trở nên phổ biến ăn sâu vào đời sống tâm linh người Việt. Tuy nhiên các quán đạo hoàn chỉnh còn lại rất ít. Ở đây chúng tôi không đi sâu vào lịch sử tồn tại của Đạo giáo ở Hà Nam mà có nhận xét chung rằng giống như ở nhiều nơi khác, các tôn thần Đạo giáo (không phải tất cả) đã được tích hợp, thờ chung trong ngôi chùa của Phật giáo. Chúng tôi vẫn hy vọng đi tìm một cơ sở thờ tự riêng biệt của Đạo giáo và miếu thôn 3 xã Phù Vân đã chứng minh điều này.

Như chúng ta đã biết trong hệ thống điện thờ của Đạo giáo thì ba pho Tam Thanh (giống như Tam thế của ngôi chùa Phật) là quan trọng nhất. Đó là ba vị tôn thần tối thượng mà trung tâm là Ngọc Thanh đại đế hay Nguyên Thuỷ Thiên Tôn, bên trái là Thượng Thanh Đại đế hay Linh Bảo Thiên tôn và bên phải là Đạo Đức Thiên tôn hay Thái Thượng Lão Quân.

Thái Thượng Lão Quân thường được xem là hoá thân thành Lão Tử (Lão Đam), ông tổ sáng lập ra Đạo giáo. Đáng chú ý là ở miếu thôn 3, vị tôn thần này đã được tách ra khỏi bộ Tam Thanh và được thờ riêng ở một ngôi miếu độc lập. Chúng tôi chưa biết hai vị còn lại có được thờ riêng ở nơi nào không. Nhưng rõ ràng dân gian đã chú trọng hơn (theo quan niệm của họ) đến Thái Thượng Lão Quân là nhân vật gần gũi với sở nguyện của họ.

Nét đáng chú ý nữa là vị tôn thần Đạo giáo này về lai lịch, sự tích, nhất là sự sinh hoá đã được sáng tạo theo con đường như các vị thành hoàng - một vị thần của tín ngưỡng bản điạ - vị thần bảo trợ làng xã. Hơn nữa nơi thờ tự ngài lại là ngôi miếu giành cho các vị thần của tín ngưỡng. Điều đó cho thấy một nét hỗn dung giữa Đạo giáo và tín ngưỡng bản địa ở đất Phù Vân xưa.

Thông báo Hán Nôm học 2001, tr.255-258

In
Lượt truy cập: