Nghiên cứu Hán Nôm >> Năm 2009
Nguyễn Thị Ngọc Yến
100. Tìm hiểu thân thế sự nghiệp Nguyễn Bảo - Người biên tập cuốn Phượng Sơn từ chí lược (TBHNH 2009)

Cập nhật lúc 17h45, ngày 01/11/2011

TÌM HIỂU VỀ THÂN THẾ VÀ SỰ NGHIỆP NGUYỄN BẢO - NGƯỜI BIÊN TẬP CUỐN PHƯỢNG SƠN TỪ CHÍ LƯỢC

NGUYỄN THỊ NGỌC YẾN

Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Phượng Sơn từ chí lược do Nguyễn Bảo biên tập là một tác phẩm ghi chép về Chu Văn An trên nhiều phương diện. Chu Văn An (1292 - 1370), tự là Linh Triệt, người thôn Văn, làng Quang Liệt huyện Thanh Đàm nay thuộc ngoại thành Hà Nội. Ông là một danh Nho, sống và làm quan dưới triều Trần đã có nhiều cống hiến không chỉ trên lĩnh vực giáo dục, tư tưởng mà còn trên lĩnh vực văn học. Nói về tài năng và đức độ của Tiên sinh đã được sách sử và nhà Nho các đời ghi chép lại khá nhiều. Có thể thấy trong các sách như Nam Ông mộng trừng của Lê Trừng, các bộ chính sử như Đại Việt sử ký toàn thư, Việt sử thông giám cương mục, những bộ kinh tịch chí như Lịch triều hiến chương loại chí, những bộ thi tuyển lớn như Việt âm thi tập, Toàn Việt thi lục, Hoàng Việt thi tuyển v.v… Có thể nói tài liệu viết về Chu Văn An khá phong phú song lại vẫn nằm dưới dạng bề bộn, nhiều trùng lặp. Người có công tập hợp lại những ghi chép đó là Nguyễn Bảo. Ông đã thu thập và biên tập lại những gì còn sót lại trong sách sử về hành trạng, thơ văn, luận thuyết, chí tán, thi tán của các vị tiên Nho về Chu Văn An, ghi lại công dịch và bản đồ của ngôi đền cùng điều ước tế tự và lấy nhan đề chung cho tập sách là Phượng Sơn từ chí lược. Đây là tác phẩm chữ Hán có thể nói là đầy đủ nhất khi nghiên cứu về cuộc đời, sự nghiệp của Chu Văn An.

Về tiểu sử của Nguyễn Bảo đã được một số sách viết. Tiêu biểu có Quốc triều hương khoa lục, do Nguyễn Thuý Nga, Nguyễn Thị Lâm dịch, Nxb. Tp. HCM, 1993, có viết Nguyễn Bảo (đổi là Nguyễn Du) (cha con cùng thi đậu), người xã Hương Khê huyện Nông Cống. Cha là Nguyễn Giản. Làm quan tới chức Thị lang, sung đi sứ Trung Quốc (tr.128).

Sách Tên tự tên hiệu các tác gia Hán Nôm Việt Nam. Trịnh Khắc Mạnh, Nxb. KHXH, H. 2002, có ghi Định Phủ là tên tự của Nguyễn Thu (1799 - 1855), hiệu là Tĩnh Sơn tiên sinh và Cửu Chân Tĩnh Sơn, còn có tự là Tỉnh Chất, người xã Hương Khê huyện Nông Cống tỉnh Thanh Hóa, có sách ghi ông tự là Tỉnh Quất, ông còn có tên là Nguyễn Bảo. Nguyễn Thu thi đỗ Cử nhân năm Tân Tỵ, niên hiệu Minh Mệnh 2 (1821) đời vua Nguyễn Thánh Tổ và được bổ làm Tri huyện sau thăng Án sát sứ Hải Dương. Đời vua Thiệu Trị, ông làm Quốc sử quán Biên tu. Đời vua Tự Đức, ông làm Thị lang Bộ Hộ và được cử làm Phó sứ sang nhà Thanh. Tác phẩm gồm có: Thiên Nam tiệp chú ngoại kỷ sử lược, Tinh thiều tuỳ bút. Biên tập sách: Sử cục loại biên. Hiệu đính sách: Phượng Sơn từ chí lược. Có thơ, văn trong các sách: Cao Bằng thành hãm sự ký, Chu tiên sinh hành trạng thảo, Chu Văn An hành trạng, Đại Nam văn tập, Nguyễn tộc gia phả, Thi sao, Việt thi tục biên… (các trang 112, 429, 430).

Trong khi tìm hiểu về cuốn Phượng Sơn từ chí lược, kí hiệu A.195 lưu trữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm chúng tôi bắt gặp những ghi chép về tiểu sử, gia thế của Nguyễn Bảo do cháu ông là Nguyễn Lợi Cấp thuật lại. Nhận thấy đây thực là một tư liệu quí, góp phần bổ sung vào phần còn thiếu trong cách sách khi tìm hiểu về thân thế sự nghiệp của Nguyễn Bảo.

Sách Phượng Sơn từ chí lược gồm 52 tờ, tức 104 trang thì phần tiểu sử và gia thế của Nguyễn Bảo nằm ở phần cuối cùng của sách, bắt đầu từ tờ 50a đến tờ 52a. Sau đây chúng tôi xin giới thiệu và dịch toàn bộ những ghi chép này.

Vương tướng công giữ chức Chế phủ ở Hương Trì làm quan ở Thang Châu đã nhiều năm nay, chính trị thông suốt mà lòng người thì hòa hảo, cảnh yên trị. Tướng công là người ham đọc sách, những lúc rảnh rỗi ông thường gọi học trò đến để giảng giải văn nghĩa, Nguyễn Lợi Cấp tôi cũng dự vào đấy. Nhân việc ông hỏi đến việc ông nội của Cấp có cuốn di thư, Cấp vâng mệnh kiểm hiệu các sách Phượng Sơn từ chí lược, Điển lễ lược, Khảo hình môn chí lược. Tướng công xem mà nói rằng: bậc đại Nho ở nước ta chỉ có mình Chu tiên sinh. Làm ra cuốn Phượng Sơn từ chí lược có quan hệ lớn đến danh giáo, là cái đáng truyền, bèn giao cho Cấp viết ghi chép lý lịch của ông nội vào trong sách, đọc sách mà yêu thêm người. Cấp tôi thiết nghĩ, tấm lòng tướng công đặt ở danh giáo, còn ông nội của Cấp có công ở việc biên tập, gom nhặt những ghi chép của các đời khác nhau, thật là may mắn lắm sao? Tôi bèn kính cẩn vâng mệnh mà viết như sau:

Ông nội của Cấp, húy là Nguyễn Bảo, tên chữ là Định Phủ. Đến thời Thiệu Trị, vì phải kiêng huý nên đổi tên là Nguyễn Thu, tên chữ là Tỉnh Chất, hiệu là Cửu Chân Tĩnh Sơn. Quê ở xã Phương Khê, huyện Nông Cống tỉnh Thanh Hóa. Tằng Tổ húy là Nguyễn Hiệu, đỗ Tiến sĩ khoa Canh Thìn niên hiệu Chính Hòa triều Lê (1700), làm quan tới chức Nông quận công sau được tặng phong Phúc thần, nay được phong là Trung đẳng thần. Tổ phụ húy là Nguyễn Hoàn, đỗ Tiến sĩ khoa Quí Hợi niên hiệu Cảnh Hưng triều Lê (1683), làm tới chức Tham tụng Viện quận công. Thân phụ là Nguyễn Hề được phong là Hoằng Tín đại phu, Thanh Xuyên bá triều Lê. Đến ông nội của Cấp đỗ Cử nhân khoa Tân Tỵ niên hiệu Minh Mệnh thứ 2 (1821), từng giữ chức Lệnh Thủ quận ti, Sử cục, sau làm Án sát sứ Hải Dương, có công xây đền núi Phượng Hoàng, biên tập 3 quyển chí lược. Niên hiệu Tự Đức năm đầu (1848) được ban tước Quang Lộc tự khanh, sung làm phó sứ sang nhà Thanh, khi trở về được sung vào vụ Biện các, giữ chức Thị lang bộ Lại, điều sang bộ Hộ, đổi làm Bố Chánh sứ, từng đi đến các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà. Sinh mất ở phía dưới. Tiên phụ của Cấp húy là Nguyễn Giản, đỗ Cử nhân khoa Nhâm Thân niên hiệu Tự Đức năm đầu (1872), làm Tri huyện huyện Thủy Đường, nay thuộc tỉnh Hải Dương, đến đền núi Phượng Hoàng bái yết có đề thơ rằng:

Phượng Hoàng phù hà như

Cao sơn nhân ngưỡng chỉ

Hương La bát tự bi

U kính hàn khê lý

Trần Lê sự dĩ hôi

Kỷ chức Chu phu tử

Cố trạch hữu sơn thủy

Lưu phong vô cổ kim

Tiên sinh thất trảm sớ

Ngô phụ bách niên tâm

Thử nhận kiến hương từ

Tuế cửu thành trăn mãn

Cổ ức tự du du

Bạch vân cộng cô vãng.

Làm vào niên hiệu Tự Đức thứ 4 (1851), sau làm quan tới chức Án sát sứ Hà Tĩnh, mất tháng 2 năm Thành Thái thứ 9 (1897). Bộ Lễ phê chuẩn, trước đây sinh thời ông có công lập ấp, chuẩn tấu cho 2 ấp Liên Khê và Lạc Khê được lập từ đường thờ phụng ông. Được sắc ban lập đền, treo biển vàng. Nay, Cấp may mắn đỗ Cử nhân và em là Nguyễn Lợi Thiệp may mắn đỗ Tú tài đều là cháu ông. Cháu gọi ông là cụ tên là Nguyễn Trinh Đàn cũng may mắn đỗ Tú tài.

Ngày tốt, thái bình năm Quý Mão tức niên hiệu Thành Thái thứ 15 (1903).

Học trò là Nguyễn Lợi Cấp kính cẩn thuật lại.

(Thông báo Hán Nôm học 2009, tr.1105-1109)

In
Lượt truy cập: