Nghiên cứu Hán Nôm >> Chủ đề >> Câu đối
20. Ý nghĩa câu đối ở một số dòng họ Tiên Công huyện Yên Hương tỉnh Quảng Ninh (TBHNH 2001)

Cập nhật lúc 11h25, ngày 23/03/2007

Ý NGHĨA CÂU ĐỐI Ở MỘT SỐ DÒNG HỌ TIÊN CÔNG

HUYỆN YÊN HƯƠNG TỈNH QUẢNG NINH

HOÀNG GIÁP

Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Câu đối thường gặp ở các di tích văn hoá tôn giáo trong cả nước, và còn tồn tại trong các đình và nhà thờ của dòng họ. Câu đối ở chùa thường nói về giáo lý Phật giáo, câu đối ở đình đền thì ca công tụng đức của các vị thần được tôn thờ, câu đối ở gia đình và các dòng họ thì thường là những lời hay ý đẹp khuyên con cháu hiếu, đễ, trung tín, nhớ ơn ông bà tổ tiên.

Câu đối ở một số dòng họ Tiên công của huyện Yên Hưng ngoài cái chung ra còn có đặc điểm riêng như:

1. Nói rõ công cuộc việc khai hoang lấn biến và sự đoàn kết thuỷ chung của các dòng họ Tiên Công

Tiên Công là tên gọi chung cho các cụ tổ các dòng họ khai hoang lấn biển ở vùng đất Hà Nam, Yên Hưng; Miếu Tiên Công thờ chung 17 cụ tổ các dòng họ ấy, tại đây có câu đối:

Năng lực kiên cường phụ đê ngự thuỷ khẩn hoang dương danh kim cổ

Kỳ công vĩ đại tang hải thành điền canh tác kiến nghiệp tử tôn

Tạm dịch:

Năng lực kiên cường đắp đê ngăn nước khai hoang mở đất nổi danh kim cổ

Kỳ công vĩ đại thay chua rửa mặn canh tác cấy trồng khởi nghiệp cháu con

Nhà thờ họ Vũ thôn Cung Đường xã Phong Cốc có câu đối:

Trúc hải thành điền thần đệ nhất

Cơ cầu khắc thiệu chỉ qua từ

Tạm dịch:

Ngăn biển thành ruộng đồng tổ thần là số một

Noi theo nghiệp ông cha từ đường họ Vũ này

Nhà thờ họ Nguyễn xóm Cung Đường xã Phong Cốc có câu đối:

Khai canh miếu liệt tam công tổ

Dực bảo triều phong tứ xã thần

Tạm dịch:

Công sức khai canh miếu thờ ba vị tổ

Dực bảo trung hưng phong làm bốn xã thần

Nhà thờ họ Đào xã Lưu Khê có câu đối:

Khai canh công thần lưu hậu thế

Từ đường Đào tộc sáng tiền nhân

Tạm dịch:

Mở đất khai hoang công lao tổ thần lưu hậu thế

Nhà thờ họ Đào khai sáng xây dựng tự người xưa

2. Nhớ về cội nguồn nơi phát tích:

Nhà thờ họ Nguyễn xóm Cung Đường xã Phong Cốc có câu đối:

Long Thành mộng ứng quang tiên thế

Oa tỉnh thanh văn khải hậu nhân

Tạm dịch:

Long Thành ứng mộng vẻ vang tiên tổ

Giếng Ếch âm vang khởi nghiệp đời sau.

Truyền thuyết nói rằng thời Lê Thánh Tông một số dòng họ Vũ, Nguyễn, Hoàng, Đào... từ Thăng Long nghe chỉ dụ khuyến nông của Lê Thánh Tông, họ đã từ Thăng Long (Ba Đình, Kim Liên, Giáp Nhất, Giáp Nhị...) đi đến vùng biển Yên Hưng quai đê ngăn mặn để trồng cấy và đánh cá. Khi họ đặt chân đến đây không hề có nước ngọt. Ban đêm đang lúc đói khát họ nghe thấy tiếng ếch kêu bèn đoán biết nơi ấy có nước ngọt. Họ lần mò đến nơi, quả nơi ấy có cái giếng khá rộng, chứa nhiều nước ngọt. Nhờ nước ngọt của giếng mà các cụ Tiên Công đã sống và trụ lại trên đất này để khai canh mở đất. Giếng ấy sau gọi là Oa Tỉnh, hiện nay vẫn còn.

Nhà thờ họ Vũ thôn Cung Đường xã Phong Cốc cũng có câu đối:

Long Thành cựu chỉ tam huynh đệ

Đông Hải khai canh nhị ngạc hoa

Tạm dịch:

Thăng Long quê cũ tam huynh đệ

Đông Hải khai canh chú với anh

Các cụ dòng họ Vũ ở đây vẫn còn gia phả. Trong đó nói việc ba anh em từ Thăng Long xuống lấn biển khai canh ở vùng đất Hà Nam huyện Yên Hưng. Sau khi đã gây dựng được cơ nghiệp, cuộc sống ổn định thì người anh lại phải trở về quê cũ là làng Kim Liên của Thăng Long để chăm lo thờ cúng tổ tiên, gìn giữ mảnh đất của ông cha để lại.

Kết luận: Qua câu đối, gia phả, văn bia và truyền thuyết ta thấy người dân Thăng Long từ rất xa xưa đã hưởng ứng những cuộc vận động khai hoang lập ấp, quai đê lấn biển của triều đình. Đặc biệt là thời Lê Thánh Tông cùng với việc mở mang bờ cõi vị vua anh minh sáng suốt này đã có chính sách khai hoang di dân rất tài tình. Điều này thấy rõ ở việc quai đê lấn biến ở huyện Yên Khánh và Yên Mô tỉnh Ninh Bình. Con đê to lớn này chạy từ biển vòng qua hai huyện đến tận dẫy núi Tam Điệp. Hiện nay vẫn gọi con đê này là đê Hồng Đức. Điều này còn chứng tỏ qua gia phả dòng họ Nguyễn ở Quảng Bình nói về việc các quan đã vâng theo chỉ dụ của Lê Thánh Tông đưa con cháu dòng họ của mình vào khai phá vùng đất mới ở đây. Điều này chứng tỏ ở việc các dòng họ Vũ, Nguyễn, Hoàng, Đào, Đàm... ở Thăng Long, Bắc Ninh, Hà Nam đã nghe theo chỉ dụ của Lê Thánh Tông để đi đến vùng biển xa xôi ở Yên Quảng, không có nước ngọt để khai hoang lấn biển lập nên các làng xóm trù phú hôm nay.

Thông báo Hán Nôm học 2001, tr.169-173

In
Lượt truy cập: