Nghiên cứu Hán Nôm >> Năm 2009
Nguyễn Hữu Mùi
61. Hoàng Giáp Phùng Khắc Khoan với bài văn bia ở Điện Cổ Pháp Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh (TBHNH 2009)

Cập nhật lúc 22h28, ngày 03/11/2011

HOÀNG GIÁP PHÙNG KHẮC KHOAN VỚI BÀI VĂN BIA Ở ĐIỆN CỔ PHÁP (ĐÌNH BẢNG - TỪ SƠN - BẮC NINH)

NGUYỄN HỮU MÙI

Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Phùng Khắc Khoan (1528 - 1613), tự Hoằng Phu, hiệu Nghị Trai, Mai Nham Tử, là nhà thơ, nhà văn, nhà ngoại giao, nhà chính trị, nhà quân sự lớn của nước ta vào nửa đầu thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII. Ông là người xã Phùng Xá (tục gọi là Kẻ Bùng) huyện Thạch Thất trấn Sơn Tây (nay là thôn Bùng xã Phùng Xá huyện Thạch Thất, Hà Nội). Thời trẻ, ông nổi tiếng là người có tài về văn học, từng theo học Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm nên rất thông thạo thuật số. Năm Đinh Tỵ (1557), ông đỗ Hương cống ở trường thi xứ Thanh Hoa nhưng mãi đến khoa Canh Thìn, niên hiệu Quang Hưng thứ 3 (1580) đời vua Lê Thế Tông mới tham dự thi Hội và đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, tức Hoàng giáp. Ông từng hai lần phụng mệnh đi sứ phương Bắc, được người Minh tôn kính, khen là người tài giỏi. Làm quan đến chức Hộ Bộ Thượng thư kiêm Quốc tử giám Tế tửu, tước Mai Quận công, thọ 86 tuổi. Triều đình truy tặng chức Thái tể, phong Phúc thần, hưởng thờ tại bản xã.

Sinh thời Phùng Khắc Khoan sáng tác và trước thuật rất nhiều, gồm thơ và văn xuôi đã được giới nghiên cứu công bố, xuất bản thành công trình khoa học(1). Tuy nhiên trong văn xuôi của ông, chủ yếu là văn bia lại chưa được dịch công bố rộng rãi đến công chúng. Một trong số đó phải nhắc đến là bài Cổ Pháp điện tạo bi, đặt tại điện Cổ Pháp (còn gọi là Đền Đô), nơi thờ 8 vị vua triều Lý, thuộc xã Đình Bảng huyện Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh.

Bia đá hiện vẫn đặt tại đền nhưng bị sứt mẻ, mất nhiều chữ, may mắn là Trường Viễn đông Bác cổ của Pháp trước đây đã in rập thác bản nên phần chữ bị mất coi như được khôi phục. Thác bản gồm hai mặt, mang ký hiệu N02021-2022, kích cỡ thuộc loại lớn, khổ 97 x 180cm. Mặt trước, trán và diềm thân bia khắc đôi rồng chầu mặt nguyệt, diềm đế bia khắc hoa văn thực vật

Lòng bia khắc 35 dòng chữ Hán, có xen kẽ một số chữ Nôm, tổng cộng chừng 1500 chữ, chữ khắc sâu, chân phương, mềm mại, khoảng cách giữa các dòng thưa, rộng, thoáng đãng. Trong bia có chữ Long (tên vua Lê Thái Tông) được viết húy, bằng cách thêm bốn “dấu nháy” lên đầu và đảo bộ, xuất hiện tại dòng thứ ba và dòng thứ 8.

Mặt sau trang trí hoa văn như mặt trước, chỉ khác diềm thân bia chạm thực vật thay cho đôi rồng chầu mặt nguyệt. Mặt này khắc 30 dòng chữ Hán, ước chừng 1500 chữ.

Bia được dựng vào ngày tốt, tháng 1, năm Giáp Thìn, niên hiệu Hoằng Định năm thứ 5 (1604), tức 9 năm trước khi Phùng Khắc Khoan qua đời.

Theo nội dung văn bia thì điện thờ 8 vị vua triều Lý tạo dựng từ lâu đời, trải đến cuối thời Mạc đã bị hoang phế, bia đá ghi sự tích tiên vương bị thất lạc, đất đai bị cường hào chiếm đoạt, cây cối bị chặt phá. Nhân vì thế Điện chánh Vũ Nghi dâng khải tâu lên triều, chúa Trịnh là Bình An Vương ban Lệnh chỉ cho trùng tu điện, đồng thời thu hồi 284 mẫu ruộng thờ bị xâm lấn giao cho xã Đình Bảng trông coi, thu hoa lợi dùng vào hương đèn như cũ.

Song điều chú ý hơn ở chỗ Phùng Khắc Khoan đã dành thời lượng thích đáng để viết về nhà Lý. Mở đầu bài văn bia, sau khi điểm qua 8 vị vua Lý, từ Thái Tổ đến Huệ Tông (không đề cập đến Chiêu Tông), tác giả ghi nhận những thành tựu của triều vua này trong 216 năm trị vì, như xây thành Thăng Long định làm nơi chính giữa thiên hạ; dựng Văn miếu Quốc tử giám, đắp tượng Văn Tuyên Vương, mở khoa thi Bác học hoành tài, chọn danh khoa Tiến sĩ, tỏ sự chuộng Nho thuật; định bách quan văn võ, đặt Điện tiền thập vệ cấm binh nhằm củng cố bộ máy nhà nước; ngăn ngừa phạm tội, phát tiền trợ cấp dân nghèo, tăng bổng lộc cho quan lại để ổn định đời sống xã hội; phía Bắc đánh quân Tống, phía Nam dẹp Chiêm Thành giữ yên bờ cõi; trong nước có bề tôi giỏi như Đào Cam Mộc, Trịnh Văn Học, Tô Hiến Thành… hết lòng phò tá quốc gia; người đi sứ có tài không hổ danh cho đất nước… Sau đó ông đưa ra nhận xét về triều đại nhà Lý:“ Từ An Nam dựng nước đến nay, thực chưa từng có. Dẫu nhà Hán, Đường, Tống cũng chẳng được như vậy”.

Như vậy, vào đầu thế kỷ XVII, bên cạnh các sử gia như Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên…, chúng ta lại có thêm một nhà văn hóa lớn là Phùng Khắc Khoan nhìn nhận, đánh giá về vai trò của vương triều Lý đối với lịch sử dân tộc. Nhưng khác với tiền bối, Phùng Khắc Khoan nhìn nhận nhà Lý theo đại cục, nêu bật sự đóng góp hết sức to lớn trên các phương diện kinh tế, văn hóa, quốc phòng, ngoại giao… đối với sự phát triển của quốc gia Đại Việt.

Những nhận xét như vậy vẫn còn nguyên giá trị đến hôm nay, nhất là trong bối cảnh đất nước ta đang hướng tới đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, trong đó có vai trò to lớn của vương triều nhà Lý.

Dưới đây chúng tôi công bố nguyên văn bản dịch bài văn bia của Hoàng giáp Phùng Khắc Khoan để cùng tham khảo.

VĂN BIA GHI VIỆC TẠO ĐIỆN CỔ PHÁP

Bia ghi công đức trùng tu miếu thờ liệt thánh Hoàng đế triều Lý

Trời mở nền thái bình cho đời này, dân này. Trời(2) sinh bậc thánh minh, thì ắt đó là người có đức. Bậc Khải thánh(3) dạy rằng: “Sinh vương là do trời, thực cũng là đất”. Ngẫm lại: Địa đồ Cổ Pháp thực là nơi thắng cảnh bậc nhất xứ Kinh Bắc. Mạch đất theo thế “bát long, bát thủ”(4), muôn vật thành hình, quả là nơi chung đúc khí thiêng, cho nên đây là nơi sinh thánh độc đắc.

Xưa kia, Thái Tổ Hoàng đế (tên húy Công Uẩn), ứng lời sấm “thập bát tử thành”(5), có điềm báo năm Tuất sinh Thiên tử(6), thụ mệnh trời lên ngôi, đặt niên hiệu Thuận Thiên, ở ngôi 18 năm, thọ 55 tuổi. Giỗ ngày mồng 3 tháng 3, ruộng phụng thờ 4 mẫu tại xứ Tháp Hộp, sát mốc giới xã Phù Chẩn.

Thái Tông Hoàng đế (tên húy Phật Mã, con trưởng của Thái Tổ), ứng mộng hoài thai trong đêm trăng sáng, hợp điềm trâu thay sừng(7), lên ngôi năm Mậu Thìn, đặt niên hiệu Thiên Thành, ở ngôi 27 năm, thọ 55 tuổi. Giỗ ngày mồng 1 tháng 11, ruộng phụng thờ 4 mẫu tại xứ Tháp Hộp.

Thánh Tông Hoàng đế (tên húy Nhật Tôn, con trưởng của Thái Tông), lên ngôi năm Ất Mùi, đặt niên hiệu Long Thụy, ở ngôi 17 năm, thọ 50 tuổi. Giỗ ngày mồng 8 tháng 8, ruộng phụng thờ 4 mẫu tại xứ Tháp Hộp.

Nhân Tông Hoàng đế (tên húy Càn Đức, con trưởng của Thánh Tông), lên ngôi năm Nhâm Tý, đặt niên hiệu Thái Ninh, ở ngôi 56 năm, thọ 62 tuổi. Giỗ ngày 17 tháng 7, ruộng phụng thờ 4 mẫu tại xứ Nương Quỳ.

Thần Tông Hoàng đế (tên húy là Dương Hoán, cháu nội của Thánh Tông, con của Sùng Hiền hầu), lên ngôi năm Mậu Thân, đặt niên hiệu là Thiên Thuận, ở ngôi 11 năm, thọ 23 tuổi. Giỗ ngày 26 tháng 3, ruộng phụng thờ 4 mẫu tại xứ Bà Luân.

Anh Tông Hoàng đế (tên húy là Thiên Tộ, con trưởng của Thần Tông), lên ngôi năm Mậu Ngọ, đặt niên hiệu là Thiệu Ninh, ở ngôi 37 năm, thọ 40 tuổi. Giỗ ngày mồng 5 tháng 7, ruộng phụng thờ 4 mẫu tại xứ Bà Luân.

Cao Tông Hoàng đế (tên húy là Long Trát, con thứ sáu của Anh Tông), lên ngôi năm Bính Thân, đặt niên hiệu là Trinh Phù, ở ngôi 35 năm, thọ 38 tuổi. Giỗ ngày 28 tháng 10, ruộng thờ 4 mẫu tại xứ Nương Lưới.

Huệ Tông Hoàng đế (tên húy là Sảm, con trưởng của Cao Tông), lên ngôi năm Tân Mùi, đặt niên hiệu là Kiến Gia, ở ngôi 14 năm, thọ 30 tuổi. Giỗ ngày 20 tháng 12, ruộng phụng thờ 4 mẫu tại xứ Hậu Đồng.

Thánh hiền kế tiếp nhau lên ngôi được 8 đời vua, cai trị muôn phương, để lại phúc lành cho con cháu. Đời nọ nối đời kia trải 216 năm, thâu tóm được thiên hạ. Ngoài Ngọa Triều(8) bạo ngược ra, thì cả thiên hạ ngưỡng vọng theo về. Xây thành Thăng Long, định làm nơi chính giữa thiên hạ. Nay xem triều Lý trị quốc, trị gia, lập chính, lập sự: Tiên vương thương dân, thường tự mình cày ruộng khuyến nông, xuống chiếu giảm tô thuế; dựng Văn miếu - Quốc tử giám, đắp tượng Văn Tuyên Vương(9) nhằm trọng đạo thánh hiền; mở khoa Bác học hoành từ, chọn danh khoa Tiến sĩ nhằm chuộng Nho thuật; định bách quan văn võ, ban phẩm tước, giúp các quan chăm lo công việc. Đặt Điện tiền thập vệ Cấm binh để binh mạnh bảo vệ đất nước. Sửa trị theo lễ, khiến phong tục của dân thuần chính; ngăn ngừa phạm tội khiến cho dân quý trọng sinh mạng. Phát tiền cứu giúp kẻ nghèo, ban ân huệ cho rộng khắp; tăng bổng lộc cho quan lại để ngăn chặn tệ gian tham. Nghiêm khắc dạy bảo con, chú trọng đến luân thường, phép nhà được ngay ngắn. Phía bắc đánh quân Tống, phía nam dẹp Chiêm Thành, thế nước thêm vững chãi. Lấy sử để sửa sang chính sự, kỷ cương phép tắc của nước vừa tỏ tường vừa đầy đủ. Lại có các bề tôi như Đào Cam Mộc, Trịnh Văn Học, Lê Phụng Hiểu, Kiểu Bồng, Lý Triệt, Đức Viễn, Đỗ Sấm, Lý Đạo Thành, Nguyễn Thuyên, Lưu Khánh, Bạch Ngọc, Tô Hiến Thành luôn một lòng phò tá. Hoặc dùng võ mà trấn áp quân giặc, mở mang bờ cõi; hoặc dùng văn mà sửa sang pháp lệnh, tô điểm hòa bình; hoặc bộc trực can gián vua; hoặc nhận di chiếu nhiếp chính. Đi sứ có tài, không thẹn danh cho nước; làm quan trị dân, không nghe lời phỉnh nịnh. Nay, điều thiện chính ghi trong quốc sử, ngời ngời còn đó. Sở dĩ lòng dân thường hướng mệnh trời, thường lưu giữ trường tồn trong ký ức, ấy là vì không có họa kẻ dưới giết bề trên. Từ An Nam dựng nước đến nay, thực chưa từng có. Dẫu các nhà Hán, Đường, Tống cũng chẳng được(10) như vậy.

Ôi! Lúc hưng khi phế, từng trải bao phen! Duy trì được công đức chỉ có tám vị Tiên vương triều Lý. Công tại nước Nam, đời mãi hưởng đức. Người nước Nam truy nhớ vì công đức lớn ấy mà lập miếu thờ, để bốn mùa xuân thu, mãi hưởng sự báo đáp trong thiên hạ, vạn đời hương đèn. Trải các đời nối tiếp nhau hưng thịnh, luôn ghi nhớ phụng thờ.

Đến cuối thời Ngụy Mạc(11) miếu thờ bị hoang phế, bia đá vỡ nát, may nhờ vận trời tuần hoàn, các bậc Hoàng đế lại nối nhau kế vị. Phàm các đền thờ chùa quán, cùng các lăng tẩm miếu mạo của các đế vương đời trước, đều lệnh cho tu sửa.

Bấy giờ có quan Điện chánh Điện Cổ Pháp là Vũ Nghi cùng các ông Nguyễn Sĩ Lộc, Ngô Củng, Nguyễn Hữu Niên, Nguyễn Thạch Lâm, Nguyễn Tiến Trật người làng Đình Bảng, tâu lên phủ đường về điện thờ tám vua nhà Lý trước đây có bia đá lưu truyền sự tích Tiên Vương, nhưng trải lâu năm bị thất lạc, cùng là đất cấm chỉ trong lăng bị cường hào canh tác và phá hủy, chiếm đoạt ruộng đất, ao đầm, chặt phá cây cối, nên xin dựng bia khắc lại sự tích. Lại phụng mệnh theo sắc chỉ của Đô Nguyên soái Tổng quốc chính Thượng phụ Bình An vương(12) cho Điện chámh điện Cổ Pháp là Ngũ Nghi nhận lại 284 mẫu 1 sào ruộng đất ao đầm, ở các xứ Cử Đô, Mai Trì thuộc điện Cổ Pháp nguyên là ruộng phụng thờ [Tiên đế triều Lý], giao bản xã thu nguồn lợi của các xã phụ cận lĩnh canh nộp thuế mà dùng vào việc tế tự. Mọi người không được chiếm đoạt canh tác. Còn các xứ Đường Dặm, Sống Trâu, đất sạt lở đoạn trước Đồng Cạnh, Đường Độn, Long Vĩ, Đống Cao, Ngõ Lộ, Long Nhãn, khe nước phía nam điện Cổ Pháp, đường Cây Sung, bến Đường Duyệt thuộc đất cấm của khu nội lăng, mọi người không được tự tiện canh tác, khai khẩn hoặc phá chặt cây cối như trước. Nếu nhà nào đặt mồ mả thì phải chuyển đi nơi khác. Còn các thôn của xã Đình Bảng đã có Lệnh chỉ chuẩn cấp làm dân Thủ lệ(13) cho bản điện để tiện phụng sự việc hương đèn, toàn xã sẽ chiếu theo số ruộng đất ao đầm của bản điện do cha ông phân canh trước đây mà lo giỗ như cũ, để cung phụng tôn thờ. Ở đó thấy nguyên do của sự hưng thịnh, diệt vong, sự đứt nối là ngụ ở chỗ hiệu lệnh phát ra được thi hành. Công tích lớn lao, đức sâu phúc dầy, nhằm biểu dương công đức thịnh trị của đế vương đời trước, mở rộng quy phạm hiến chương để nêu cao pháp độ thiện chính cho đời sau, quân thần cùng giám xét. Cái vĩ đại là thế chăng? Bèn khắc vào đá cứng, phục lại bài ký sự tích của bia cũ triều trước, ca tụng công cao đức cả của Tiên vương. Nay đương buổi công nghiệp trung hưng, ắt làm vẻ vang sự nghiệp cho người đời trước, giành phúc ấm cho người đời sau. Liền phụng mệnh viết bài văn, giao cho thợ khắc vào bia, để nối công đức truyền lại mai sau.

Ngày tốt tháng 1 năm Giáp Thìn niên hiệu Hoàng Định thứ 5 (1604).

Tiến sĩ xuất thân khoa Canh Thìn, Kiệt tiết Tuyên lực công thần, phụng mệnh đi sứ phương Bắc, Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, Hộ bộ Thượng thư, kiêm Quốc tử giám Tế tửu, Mai Lĩnh hầu, Thượng trụ quốc là Phùng Khắc Khoan, tự Hoằng Phu, người xã Phùng Xá huyện Thạch Thất soạn.

Trung thư giám, Hoa văn học sinh, là Đỗ Đề viết chữ(14).

 

Chú thích:

(1) Chẳng hạn như Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan của Giáo sư Bùi Duy Tân và Ngọc Liễn. Ty Văn hóa thông tin Hà Sơn Bình xuất bản năm 1979; Phùng Khắc Khoan cuộc đời và thời đại. Sở Văn hóa thông tin thể thao Hà Tây, Ủy ban nhân dân huyện Thạch Thất ấn hành năm 1993; Phùng Khắc Khoan cuộc đời và sự nghiệp của Trần Lê Sáng, Nxb. Hà Nội, H. 1995…

(2) Trong nguyên bản in rập, dưới chữ “thiên” (trời) thiếu một chữ do bia bị nứt, chúng tôi đoán là chữ “hoàng”, “thiên hoàng” cũng có nghĩa là trời.

(3) Khải thánh: tức Thúc Lương Ngột, cha của Khổng Tử.

(4) Bát long bát thủ: chỉ thế đất theo hình chín đầu rồng.

(5) Tương truyền trước Lý Công Uẩn lên ngôi, ở châu Cổ Pháp có cây gạo bị sét đánh, lộ ra bài thơ, trong đó có câu “thập bát tử thành”. Sư Vạn Hạnh chiết tự là là chữ “Lý”. Ý nói họ Lý sẽ lên ngôi.

(6) Lý Công Uẩn sinh năm Giáp Tuất (974). Trước khi lên ngôi, ở châu Cổ Pháp có con chó đẻ con, sắc lông trắng đốm đen, in hình hai chữ “Thiên tử”, ý nói người tuổi Tuất sẽ lên làm vua.

(7) Khi Lý Phật Mã mới sinh, ở phủ Trường Yên có con trâu tự nhiên thay sừng. Người giỏi chiêm tinh coi đó là điềm lành.

(8) Ngọa Triều: tức Lê Long Đĩnh (986 -1099), ở ngôi 4 năm, thọ 24 tuổi.

(9) Văn Tuyên Vương: chỉ Khổng Tử (551 - 47 TCN), nhà tư tưởng, nhà văn hóa và giáo dục vĩ đại của Trung Hoa thời cổ đại.

(10) Nguyên văn: sau chữ “diệc” thiếu 1 chữ, chúng tôi đoán là chữ “bất”.

(11) Ngụy Mạc: tức chỉ nhà Mạc (1527 - 1595), ở đây Phùng Khắc Khoan cũng như nhiều sử gia khác ở đời Lê coi nhà Mạc là không chính thống vì tiếm ngôi nhà Lê.

(12) Bình An Vương: tức Trịnh Tùng (1550 - ?) con của Trịnh Kiểm.

(13) Dân Thủ lệ: tức dân được miễn phu phen tạp dịch để lo việc phụng thờ thần.

(14) Mặt sau của bia này kê các thửa ruộng ao đầm của điện Cổ Pháp gồm 284 mẫu cùng danh sách dân Thủ lệ của xã Đình Bảng, chúng tôi tạm thời chưa dịch./.

(Thông báo Hán Nôm học 2009, tr.695-703)

In
Lượt truy cập: