Nghiên cứu Hán Nôm >> Tác giả >> L >> Đặng Văn Lộc
Đặng Văn Lộc
55. Di sản Hán Nôm về dòng họ Đặng ở An Để, Hiệp Hòa, Vũ Thư, Thái Binh (TBHNH 2009)

Cập nhật lúc 08h10, ngày 04/11/2011

DI SẢN HÁN NÔM VỀ DÒNG HỌ ĐẶNG

Ở AN ĐÊ, HIỆP HÒA, VŨ THƯ, THÁI BÌNH

ĐẶNG VĂN LỘC

Sở VH-TT &DL Hải Dương

Quê hương An Để, xã Hiệp Hòa, huyện Vũ Thư tỉnh Thái Bình có cụ Đặng Nghiêm, đỗ đại khoa triều Lý, năm 1185. Cháu cụ Đặng Nghiêm là Đặng Diễn, đỗ đại khoa đời Trần, năm 1232. Hai ông cháu đỗ đại khoa, đều đỗ ở hàng cao, thứ 2 khoa chọn thi thư, thứ nhất Đệ nhị giáp khoa Thái học sinh; người đứng thứ 5, người đứng thứ 14 trong sách lịch sử khoa bảng.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi, Đặng Nghiêm đỗ thứ 2 (sau Bùi Quốc Khái), khoa thi chọn người giỏi thi thư năm Ất Tỵ, niên hiệu Trinh Phù thứ 10 (1185) đời Lý Cao Tông. Sách Các nhà khoa bảng Việt Nam 1075 - 1919, do Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 2006 ghi, Đặng Diễn, cháu cụ Đặng Nghiêm đỗ thứ nhất Đệ nhị giáp khoa Thái học sinh năm Nhâm Thìn, niên hiệu Kiến Trung thứ 8 (1232) đời Trần Thái Tông. Cụ Đặng Nghiêm là người khai khoa của trấn Sơn Nam Thượng, nay thuộc các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hà Nam và 1 phần đất Hưng Yên, Ninh Bình, Hà Tây cũ.

Di sản Hán Nôm ghi chép về dòng họ Đặng ở An Để, có ghi về Đặng Diễn ở sách Đặng tộc đại tông phả (in cả phần dịch nghĩa và phần chữ Hán Nôm), Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin ấn hành năm 2002. Cụ Đặng Diễn sinh năm Tân Mùi (1211) thời Lý Huệ Tông, niên hiệu Kiến Gia. Đỗ Thái học sinh khoa Nhâm Thìn (1232), làm quan tới Thừa hiến, thăng Lại bộ Tả Thị lang cáo thụ Giản nghị đại phu. Sách này ghi tới 2 cụ Đặng Tảo. Cụ Đặng Tảo là tỵ tổ, đời thứ nhất, là anh cụ Đặng Diễn. Cụ Tảo sinh ngày 10 tháng 5 năm Trinh Phù thứ 20 (?), đời vua Lý Cao Tông, đỗ Thái học sinh, làm quan tới Thừa hiến, thăng Phó đô đốc, Nhập thị nội các Tu soạn kinh diên kiêm Đông các Đại học sỹ cáo thụ Vân ý Vinh lộc đại phu phong tặng Cao Nghĩa thần. Đời thứ 3, lại có cụ Đặng Tảo là cháu ruột Thám hoa Đặng Ma La, cụ Tảo (cũng) đỗ Thái học sinh đời Trần, làm quan, chức Thừa hiến nhập thị nội các Đại học sỹ cáo thụ Vân ý vinh lộc đại phu. Trong sách còn ghi thông tin, cụ Đặng Tảo (tỵ tổ) và cụ Đặng Diễn, Đặng Ma La là 3 anh em ruột. Từ những cứ liệu lịch sử này ta biết được cụ Đặng Nghiêm có 3 người cháu, 1 chắt đỗ đại khoa. Sách Đặng tộc đại tông phả bổ sung được ngày sinh, chức quan của cụ Tảo, cụ Diễn, cụ Tảo (cháu), nhưng có 3 chi tiết không đúng là ghi niên hiệu “năm Trinh Phù thứ 20” và ghi tên (tính danh) và chức quan của cụ Đặng Tảo (tỵ tổ). Trong lịch sử, chỉ có năm Trinh Phù thứ 11. Đối chiếu với phần chữ Hán in nửa sau sách Đặng tộc đại tông phả thấy cụ Đặng Tảo (tỵ tổ) là Đặng Tảo Sinh, chức quan của cụ là “Thừa hiển”, không phải “Thừa hiến”. Theo thiển ý của chúng tôi, 3 chi tiết không chính xác này, bản dịch đã làm mất độ chân thật của thông tin.

Về thăm quê Hiền sỹ Đặng Nghiêm và Thái học sinh Đặng Diễn hôm 16/10/2008, chúng tôi được hậu duệ của 2 nhà khoa bảng, ông trưởng tộc Đặng Đình Dung cho xem 3 quyển gia phả viết chữ Hán Nôm.

Sau khi xem khái lược, chúng tôi chụp ảnh từng trang ở 3 quyển gia phả tại nhà ông Dung bằng máy ảnh Canon A 650 IS, 12 chấm, đặt chế độ L, chế độ cho ảnh độ nét cao nhất.

Cùng cổng, cùng sân với nhà ông Dung có ngôi nhà thờ họ Đặng 3 gian cổ kính. Hiên nhà giật tam cấp, cửa bức bàn, mái lợp ngói vảy cá, bờ nóc đắp gờ trơn, đầu hồi bít đốc tay ngai. Khung nhà, cửa nhà gỗ lim chắc chắn. Tường xây gạch, lòng nhà hẹp. Gian giữa xây ban thờ kiểu cung cấm, trong cung đặt ngai thờ, bát hương, đỉnh đồng, cây nến, ống hương. Cửa võng chạm khắc lưỡng long chầu nhật, treo trước cửa cung thờ. Trên cửa võng treo bức đại tự viết chữ Hán Nôm “Đặng ấp từ” 邑祠, (Nhà thờ họ Đặng). Đồ thờ có niên đại triều Lê, Nguyễn.

Khảo sát văn bản học 3 cuốn gia phả.

Giấy viết 3 cuốn gia phả là loại giấy dó, dùng chỉ bằng giấy bản se lại để đóng sách, bìa và gáy sách phết cậy. Chữ Hán Nôm viết lối thảo bằng bút lông, mực tầu. Cuốn ghi niên đại “Bảo Đại thập ngũ niên và cuốn ghi Tự Đức ngũ niên...” có phong cách chữ viết gần nhau. Cuốn ghi niên đại “Bảo Đại thập niên”, nét chữ cứng cỏi, không mềm mại.

Chúng tôi gọi bản ghi năm “Tự Đức ngũ niên...” là bản A, bản ghi năm “Bảo Đại thập ngũ niên” là bản B, bản ghi năm “Bảo Đại thập niên” là bản C. Bản A, bản B ghi về dòng họ Đặng ở An Để đều ghi cụ thủy tổ, tên tự là Cương Nghị, tên hiệu là Phúc Mãn. Cụ bà, họ Đỗ, tên hiệu là Trinh Thuận. Dòng họ Đặng ở đây gọi theo tên hiệu, cụ Phúc Mãn. Ngày giỗ cụ, mồng 9 tháng 9, mộ ở xã Đức Hiệp, thuộc bản tổng. Bản C ghi về dòng họ Đặng ở Vân Giang 雲江, cụ triệu tổ tên tự là Giang Biểu, tên hiệu là Phúc Tâm, cụ bà, họ Nguyễn, tên hiệu là Trinh Thiện.

Bản A, khổ 15,5 x 25,5cm, 71 trang. Viết từ 8 đến 15 dòng mỗi trang theo lối từ phải sang trái, từ trên xuống dưới. Cách viết dòng chữ to xen dòng chữ nhỏ. Dòng chữ to ghi tên người (tên tự, tên hiệu). Dòng chữ nhỏ ghi ngày giỗ, nơi an táng, thể thức an táng, thuộc em hoặc con của ai, thi đỗ cấp học nào, đã có công lao, công trạng gì, số tài sản về ao ruộng, v.v... Bản A còn dùng mực son “gạch đáy” ở cạnh tên niên hiệu triều vua, tên họ tộc, tên can chi; khuyên vòng tròn nhỏ ở tên người, dấu chấm ở dấu chấm câu; đánh số bằng chữ cái mẫu tự La tinh và chữ số Ả Rập, từ A1 đến A71.

Về niên đại của văn bản, ngay trang A1 ghi, văn bản được hoàn thành vào các năm Tự Đức ngũ niên (1852), Tự Đức tam thập ngũ niên (1882), Thành Thái nguyên niên (1889), Duy Tân nguyên niên (1907). Xin được phiên âm, chép chữ Hán Nôm, dịch nghĩa đoạn văn ghi về niên đại này. Phiên âm: Tự Đức ngũ niên bát nguyệt, bát nhật dĩ tam thập ngũ niên chính nguyệt cát nhật cẩn trứ. Thành Thái nguyên niên chính nguyệt sơ lục nhật phụng thuật. Hoàng triều Duy Tân nguyên niên tại Đinh Mùi cửu nguyệt cát nhật tuân trứ. Chép chữ Hán Nôm: 嗣德五年八月捌日以三十五年正月吉日謹著. 成泰元年正月初六日奉述 . 皇朝維新元年在丁未九月吉日遵著. (Ngày 8, tháng 8, năm Tự Đức thứ 5; ngày tốt tháng Giêng năm Tự Đức thứ 35 kính cẩn biên soạn. Ngày 6 tháng Giêng năm Thành Thái nguyên niên vâng mệnh soạn thuật. Ngày tốt tháng 9, năm Duy Tân nguyên niên (năm Đinh Mùi), tuân theo (bản trước) biên soạn.

Trang A1 ghi tên cụ tổ Đặng Phúc Mãn, Đỗ Trinh Thuận. Dòng chữ nhỏ ghi, “tục truyền cụ sinh 5 chi”.

Trang A2 ghi các cụ Đặng Phúc Lộc, cụ Đặng Phúc Đường, cụ Đặng Kỳ Lục. Ngoài những thông tin về ngày giỗ, nơi để mộ, dòng chữ nhỏ ghi cụ Phúc Lộc sinh ra ông Dung, ông Nghĩa, ông Đôn Khâm cúng. Ghi về cụ Đặng Phúc Đường và cụ bà (họ Đỗ hiệu Từ Đản), 2 cụ có tên thường gọi là ông Hoa, bà Hoa. Cụ Đặng Kỳ Lục, có tên thường gọi là ông Hoa (Hoa Sinh), vợ cụ Lục (họ Đỗ, húy Bảo, hiệu Từ Tuyên. Cụ có đất tư do Đặng Đôn Ngật, Đặng Đôn Cửu, Đặng Đôn Vãn bán được tiền cổ (mua tặng).

Trang A3 ghi về cụ Đặng Nhân Kính (húy Cánh, hiệu Phổ Để). Cụ Kính là em cụ Kỳ Lục. Cụ Kính học trường Giám, làm quan, chức Thừa chính nhiếp biện, về chí sỹ tu sửa đình, trùng tu tòa long khải, được dân thờ làm Hậu thần. Con trưởng cụ Kính là Đặng Đôn Hậu. Giỗ cụ ông, cụ bà do Đặng Môn, Đặng Lừng, Đặng Tiết cúng.

Trang A 4 ghi về cụ Đặng Đôn Thực, đỗ Cử nhân triều Lê, làm quan Cẩn sự tá lang, tuy phụ ôn châu chi châu. Cụ trùng tu tòa nhà long khải, năm 1705. Cụ Thực là em cụ Đặng Nhân Kính. Cụ Nhân Kính còn có các em, Đặng Hương Sơn, Đặng Tảo Sinh, Đặng Tảo Minh.

Những trang sau, ghi họ tên các cụ đời sau, ghi chú thích là con, em cụ nào, ghi học vị (đỗ Cử nhân, Tú tài, đỗ Trường 1, Trường 2, Trường 3, Trường 4), ghi ngày giỗ, nơi an táng.

Như vậy, bản A được biên soạn qua nhiều lần. Các chữ “cẩn trứ, phụng, tuân” thể hiện ý nghĩa người biên soạn gia phả làm việc nghiêm túc, tôn trọng sự thật. Từ cụ Đặng Phúc Đường, gia phả ghi liền sau là cụ Kỳ Lục, ghi tên thường gọi là ông Hoa. Theo tập quán gọi tên cha mẹ bằng tên con trưởng nên mặc dù gia phả không ghi con cụ, nhưng ta có thể đoán, cụ Đặng Kỳ Lục là con trai cụ Đặng Phúc Đường. Những trang còn lại của gia phả ghi tên nhiều cụ họ Đặng và những thông tin liên quan đến các cụ nhưng niên đại thuộc về triều Lê Trung hưng, triều Nguyễn. Câu hỏi về cụ Đặng Phúc Mãn có phải là thủy tổ của dòng họ Đặng ở An Để mà 2 vị Đặng Nghiêm, Đặng Diễn là hậu duệ, còn chưa được kết luận.

Bản B, khổ 16,5 x 25,5cm, 22 trang, mỗi trang từ 7 đến 8 dòng chữ thảo, theo lối từ phải sang trái, từ trên xuống dưới. Cách dùng mực son “gạch đáy”, khuyên tròn, chấm câu giống như bản A. Dùng ký hiệu chữ B và chữ số La Mã đánh số trang. Có 3 trang để trắng, đó là trang 12, 17, 18.

Từ trang B1 đến trang B4 ghi, ngày 25 tháng 8 năm Bảo Đại thập ngũ niên (1938) sao chép gia phả. Ghi tên, ngày giỗ, nơi an táng các cụ tổ (cụ ông và cụ bà), Đặng Phúc Mãn, Đặng Phúc Lộc, Đặng Phúc Đường, Đặng Kỳ Lục, Đặng Nhân Kính, Đặng Đôn Thực. Tên gọi, nơi an táng, ngày giỗ giống như bản A.

Cuối trang B 4 ghi họ tên, nơi cúng giỗ 2 cụ đỗ đại khoa của họ Đặng ở An Để. Phiên âm: Kính dĩ, Lý triều Đặng tướng công tự Nghiêm Trần triều Đặng tướng công Đặng Diễn kí ngũ chi tiên tổ khảo tỷ đồng cách hưởng. 敬以李朝鄧相公字儼陳朝鄧相公鄧演暨五枝先祖考妣同格享(dịch nghĩa: Cung kính (ghi), chi 5 cúng (cụ) Đặng tướng công, triều Lý, tên chữ là Nghiễm, (cụ) Đặng tướng công, triều Trần, tên chữ là Diễn cùng các bậc tiên tổ khảo, tổ tỷ theo nghi thức). Tên Đặng Nghiễm còn được ghi ở bài vị nơi đặt tượng Đặng Nghiêm ở thành phố Thái Bình, pho tượng do Hội khoa học lịch sử Việt Nam tặng.

Từ trang B5 đến trang B12 ghi các bài văn cúng ngày giỗ cụ tổ, các ngày cúng trong năm: Ngày 30 tháng 12 (tháng Chạp), ngày mồng 3 (tết), ngày tiết Thanh minh, ngày mồng 5 tháng 5, ngày 15 tháng 8, ngày thường tân (xôi mới), ngày cúng chùm hậu (?), ngày 23 tháng Chạp. Vật lễ trong các bài văn cúng gồm oản quả, trần rượu, phẩm vật. Người được cúng là cụ Đặng Phúc Mãn, cụ Đỗ Trinh Thuận, các cụ tổ chi 5.

Từ trang B 13 đến trang B 22, ghi họ tên các trưởng chi, ghi kết quả học tập, chức quan. Những thông tin ở các trang này liên quan đến thời Lê Trung hưng, thời Nguyễn.

Chính sử, sách lịch sử khoa bảng ghi tên Đặng Nghiêm, gia phả của dòng họ ghi tên Đặng Nghiễm. Điều này chưa có lời lý giải.

Bản C, khổ 26 x 13 cm. Bản này dùng ký hiệu chữ C và chữ số La Mã để đánh số trang. Sách có 16 trang.

Trang đầu (C1) ghi Bảo Đại thập niên Ất Hợi chi tuế (năm Bảo Đại thứ 10, (1934) Ất Hợi) và đôi câu đối: "Nguyệt trực nhất dương nhật phùng chấp nhất tộc phả trùng tu; Vĩnh lưu miêu duệ xuân tự thu thường quang thừa tộc phả. - (Trăng sắng vằng vặc, ngày 21 làm lại (trùng tu) tộc phả/Lưu lại mãi mãi cho con cháu, tế tự mùa xuân mùa thu, kế tục phát huy công đức của tổ tiên". Từ trang C2 đến trang C9 (có trang 5, trang 9 để trắng), trang C2 ghi ở dòng đầu: Biên chép tên tự, tên hiệu tiên tổ họ Đặng ở Vân Giang. (Phiên âm: Vân Giang Đặng tộc tiên tổ tự hiệu phụng biên - Chữ Hán: 雲江鄧族先祖字號奉編). Dòng thứ 2 trang C2 ghi, cụ triệu tổ là Đặng Giang Biểu, hiệu Phúc Tâm. Các đời sau (tổ khảo) có các cụ Đặng Định Tính, hiệu Phúc Tùng, Đặng Thiện Khánh, Đặng Phúc Năng, Đặng Duy Ninh, hiệu Chân Tính, Đặng Duy Canh, hiệu Phúc Ứng, Cống Viên, Đặng Duy Trinh, Tham nghị đại phu, Đặng Nại, tự Duy Tinh. Từ trang C10 đến trang C16 ghi 2 bài văn tế. Trong bài văn tế có câu “Họ Đặng 8 xã, thân hào, tổng lý, hương hậu, binh đinh, đồng tộc thực hiện nghi lễ”. (Phiêm âm: Đặng tộc bát xã, thân hào tổng lý hương hậu binh đinh đồng tộc đẳng cẩn dĩ - Chữ Hán: 鄧族八社紳豪總里鄉後兵丁仝族謹以). Một câu khác, thể hiện ý, “Từ đời Trần còn lưu hương thơm, được ban áo gấm, đeo thẻ ngà, (họ Đặng) đến đây lập ấp (nhận đất triều đình phong tặng), nay thành nhiều chi phái” (Phiên âm: Đông A tự tích lưu phương hoa hốt lục bào đăng ấp chí kim diễn phái - Chữ Hán: 東阿自昔流芳花笏綠袍登邑至今演派).

Qua 3 cuốn gia phả, ta biết được cụ thủy tổ của dòng họ Đặng ở An Để, Hiệp Hòa, Vũ Thư, Thái Bình là Đặng Cương Nghị, hiệu Phúc Mãn, (dòng họ vẫn gọi theo tên hiệu, cụ Phúc Mãn), dòng họ này có cụ Đặng Nghiêm (dòng họ gọi Đặng Nghiễm), đỗ đại khoa đời Lý, cụ Đặng Diễn, đỗ đại khoa đời Trần do chi 5 thờ cúng. Truyền thống trọng thi, thư, có người đỗ học vị Cử nhân, nhiều người đỗ Sinh đồ (Tú tài), làm quan, làm thuốc, tu tạo nhà thờ họ, công trình lịch sử văn hóa ở địa phương, được bầu làm Hậu thần, nhưng những tên người đó đều thuộc về đời Lê Trung hưng, đời Nguyễn.

Về địa danh Vân Giang, tra trong sách Tên làng xã và địa dư các tỉnh Bắc kỳ của tác giả Ngô Vi Liễn thì chỉ có địa danh Vân Giang thuộc tổng Đồng Phú, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên (nay thuộc tỉnh Vĩnh Phúc). Trong văn tế ghi, họ Đặng về đây do cụ tổ được đất phong từ đời Trần, nay phát triển thành nhiều chi phái. Hai chi tiết về địa danh, thời điểm lịch sử và cuốn gia phả Vân Giang Đặng tộc do ông trưởng họ Đặng ở An Để lưu giữ, cho ta suy luận, có sự liên quan giữa họ Đặng ở An Để với họ Đặng ở Vân Giang mà cụ tổ đến “lập ấp từ đời Trần”. Địa danh Vân Giang có tồn tại ở tỉnh Thái Bình, gần quê An Để, Hiệp Hòa, Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, đến nay chưa có lời giải, mong nhận được kết quả nghiên cứu của những chuyên gia về địa danh học, của những người quan tâm đến địa danh Vân Giang./.

(Thông báo Hán Nôm học 2009, tr.630-637)

In
Lượt truy cập: