Nghiên cứu Hán Nôm >> Chủ đề >> Câu đối
14. Câu đối Nôm viếng Phan Chu Trinh (TBHNH 2001)

Cập nhật lúc 11h39, ngày 23/03/2007

CÂU ĐỐI NÔM VIẾNG PHAN CHU TRINH

PHẠM ĐỨC DUẬT

Hội Văn nghệ Thái Bình

Sách Hán Nôm được lưu giữ trong gia đình con cháu các nhà nho cũ trên mọi miền đất nước ta hiện nay, có lẽ vẫn còn một số lượng đáng kể. Mới đây, trong một chuyến về Thái Bình, chúng tôi đã tìm được một cuốn Tạp văn ghi chép khá nhiều thơ, phú, câu đối Nôm những năm đầu thế kỷ XX. Trong đó có hàng loạt câu đối Nôm viếng cụ Phan Chu Trinh được ghi chép lại.

Đây không chỉ là vẻ đẹp văn chương của một thời viết bằng văn tự dân tộc, mà còn chứng tỏ một trong những chứng tích về tinh thần yêu nước, chống thực dân Pháp đô hộ của nhân dân ta ở đầu thế kỷ trước. Khi chế độ thống trị tàn bạo của Pháp đã áp đặt lên toàn bộ đất nước ta thì, các phong trào yêu nước chống Pháp theo các xu hướng bạo động cách mạng, cải cách duy tân, do các cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh khởi xướng diễn ra sôi nổi khắp ba miền Trung Nam Bắc. Sau khi trường Đông kinh nghĩa thục ở Hà Nội bị đóng cửa tháng 11 - 1907, tiếng đến vụ "Hà thành đầu độc" tháng 6 - 1908, nhiều sĩ phu yêu nước đã bị Pháp bắt bớ giam cầm, hoặc đầy đi Côn Đảo, trong số đó có cụ Phan Chu Trinh. Sau khi được tha, cụ Phan sang Pháp tìm đường hoạt động. Đại chiến thế giới thứ nhất (1914 - 1918), Phan Chu Trinh bị Pháp tình nghi có quan hệ với nước Đức, cụ bị Pháp bắt giam một tháng. Năm 1922, Khải Định vua bù nhìn của Việt Nam sang Pháp, Phan Chu Trinh viết thư kể tội y. Năm 1925, cụ về nước tiếp tục hoạt động. Năm sau cụ bị bệnh mất tại Sài Gòn. Mấy năm này, cả nước sôi sục phong trào đòi Pháp trả lại tự do cho cụ Phan Bội Châu và làm lễ truy điệu, để tang cụ Phan Chu Trinh. Cuộc bãi khoá truy điệu cụ của học sinh trường thành chung Nam Định đã ảnh hưởng trực tiếp sang thị xã Thái Bình. Nhiều thanh niên học sinh đã tự động họp lại bàn tổ chức Lễ tưởng niệm cụ Phan Chu Trinh. Đáng chú ý là nhiều ông cử, ông tú và những thanh niên học sinh Hán học, bất mãn việc Pháp bãi bỏ thi Hán học, càng nhiệt tình hưởng ứng nhân ngày "xá tội vong nhân", 15 - 7 năm Bính Dần (8 - 1926), họ đã tổ chức hợp pháp Lễ tưởng niệm cụ Phan dưới hình thức làm chay ngay tại chùa Tiền, thị xã. Chân dung nhà chí sĩ được đặt trang trọng trên bàn thờ. Các nhà sư ngồi tụng niệm, đông đảo bà con ở thị xã, một số bà con các huyện trong tỉnh lên, cùng người ở ngoài tỉnh đến sự suốt trong hai ngày. Nhiều bài thơ, câu đối viếng cụ Phan được truyền tụng tại Lễ tưởng niệm.

Câu đối nôm viếng cụ Phan trong Lễ tưởng niệm ngày ấy tại chùa Tiền ghi rõ "Đồng bào dân chúng đòng bái vọng" cũng được ghi chép trong cuốn Tạp văn này như sau:

"Ngán nỗi trời đất chẳng thương người chí sĩ, hết lòng bênh vực quyền dân, cho non nước mở mang mày mặt;

Than ôi giang sơn còn thiếu mặt anh hùng, lấy ai lo toan việc nước, để đàn con luống những đau lòng".

Trong công cuộc đổi mới phát huy nên kinh tế nhiều thành phần của nhân dân ta ngày nay, chúng ta không khỏi xúc động đọc lại câu đối chữ Nôm viếng cụ Phan của nhà doanh nghiệp nổi tiếng Bạch Thái Bưởi:

"Bốn nghìn năm nước cũ, đương cuộc đổi thay, cờ thực nghiệp, trống tân dân, may mắn sao, một gánh giang sơn, rết có nhiều chân mừng cũng đã;

Sáu mươi tuổi thân già, bao phen hiểm trở, chí Ngu Công, hồn Tinh Vệ, đau đớn nhẽ, nửa đêm mưa gió, tằm tuy hết ruột hãy còn vương".

Những năm ấy, nằm trong phong trào đấu tranh chung của nhân dân ta, tinh thần nồng nhiệt, dũng cảm của thanh niên học sinh trong các trường trung học ở khắp ba miền đất nước càng có nhiều nét tiêu biểu. Nam học sinh trường Thuận Hoá khái quát cuộc đời đấu tranh của cụ cho tự do hạnh phúc của nhân dân bằng hai vế câu đối viếng, như tiếng trống thôi thúc cổ vũ nhiệt tình yêu nước của tầng lớp trẻ:

"Sấm sét khéo vô tình, trời đâu nỡ giết ta chăng, mấy mươi năm hồn nước lại hồn nhà, chuông gióng trống rung, những ước tự do là hạnh phúc;

Non sông chung gánh nặng, ai thảy cũng như ông cả, ngoài mười dặm tiếng ca liền tiếng khóc, mưa hoà gió thuận, còn mong bất tử ấy tinh thần".

Nam học sinh trường Quảng Nam, đau xót khóc thương cụ càng đậm đà tình cảm quê hương, nhắc đến mốc thời gian cụ về nước, thời gian cụ lâm bệnh rồi mất, mà ngời ngời tinh thần vì nghĩa cả của nhân dân ta suốt từ Nam ra Bắc:

"Tinh thần chết đặng hay không, tháng 5 Ất Sửu (1925), sao ngờ lại tháng 2 Bính Dần (1926), ngán thay sông đà còn sóng, núi đà còn mây, ông nỡ đi đâu, ơn nước vẫn còn lòng sắt đá;

Tâm huyết sống ai cũng thế, người chốn Nam Kỳ chắc nghĩ lại người kinh thành Huế, chung cả trời Việt là cha, đất Việt là mẹ, hồn vừa về đó, thương con khôn dặm dọi sơn hà".

Đến câu đối của nữ sinh tỉnh Quảng Nam, tiếc thương buồn tủi mà bâng khuâng tha thiết, đại diện cho một tầng lớp chị em non trẻ viếng cụ, ngậm ngùi như kể lể với hồn cha hồn mẹ:

"Mơ màng giấc mộng tủi non sông, chị em tôi đã biết chi đâu, nào chủ, nào dân, nào quyền nước, nào quyền người nhờ có tiên sinh tài thao lược;

Trằn trọc tấm thân vì xã hội, thần thánh trước mai sau còn nỡ, có đất, có trời, có hồn cha, có hồn mẹ, nặng chia hận tử dạ bâng khuâng".

Một đôi câu đối đề của học sinh trường Kỹ nghệ Hà Nội, nội dung nhớ tiếc cụ, nhưng vẫn đặt niềm hy vọng vào tương lai hưng vận của nước nhà:

"Thánh thần dao động, trải nghìn năm mới có bây giờ, ngẩn ngơ gió táp mưa sa, khép bức tiên tri trời nỡ thế;

Quốc gia hưng vận, dẫu một người cũng không tránh khỏi, ngao ngán nước sầu cát bụi, đau lòng hậu bối biển còn chờ".

Câu đối viếng cụ của Nhà thương Huế đại diện cho đủ mọi loại bệnh nhân già trẻ, còn nhắc đến cả khối đồng bào hai nhăm triệu, của một đất nước bốn nghìn năm gây dựng, càng thấm đậm tinh thần dân tộc:

"Hai nhăm triệu đồng bào, người già, người trẻ, người chân chậm mắt loà mang thuốc đi đâu, thưa cụ, cụ xiết đau ruột lắm;

Bốn nghìn năm Tổ quốc, này núi, này sông, này tiền rừng bạc bể, hú hồn về chửa, hỏi trời, trời có ngoảnh đầu chăng".

Trong những câu đối viếng cụ Phan chép trong cuốn Tạp văn này có một câu đề của ký lục Võ Liêm Sơn, có lẽ sau này là cụ Võ Liêm Sơn, một nhân sĩ có tham gia mấy năm đầu cuộc kháng chiến chống Pháp chín năm. Câu đối dạt dào tình cảm thương tiếc cụ Phan và ca ngợi tinh thần khảng khái, tấm lòng sắt đá thuỷ chung của cụ đối với non sông đất nước:

"Mười lăm năm trước thấy cụ ở đây, kiếm dã man ba thước kề đầu, khảng khái mấy lời, trời đất chứng minh lòng thiết thạch;

Mấy triệu đồng bào trông cụ về nước, đài văn hoá nửa chừng xoay xở, gió mưa một trận, nước non chan chứa giọt tang thương".

Tình cảm đậm đà sắc thái dân tộc, vì nước vì dân của cụ, thể hiện trong hai vế đối của nữ sĩ Đạm Phương, còn nói lên tấm lòng yêu nước nồng nàn của cụ. Trước khi nhắm mắt, cụ đã bàn giao sự nghiệp giành tự do hạnh phúc nhân dân cho các lớp con Lạc cháu Hồng hậu thế:

"Mấy mươi năm góc bể bên trời, vằng vặc tấm cô trung, trên vì nước, dưới vì dân, tinh thần vẫn lắng lo non núi Việt;

Đã nhiều thuở khua chuông gióng trống, sục sôi hồn cố quốc, trước hợp lòng, sau hợp sức, sự nghiệp đành phó thác cháu con Hồng".

Ngoài tình cảm đau đớn tiếc thương một bậc chí sĩ giàu tài đức hi sinh cả cuộc đời cho cuộc đấu tranh chung của nhân dân. Tổ quốc, những câu đối viếng cụ Phan còn nổi bật tính nghệ thuật sắc sảo, đa dạng. Tại rạp hát tuồng ở thành phố Nam Định, trong dịp đồng bào cả nước làm lễ tưởng niệm cụ Phan đã xuất hiện đôi câu đối phú viết bằng chữ Nôm rất chân phương. Trong ngôn từ có cả:

"trống", "chuông", "cờ", "quạt", "phông", màn, "múa rối", có cả

"thay tuồng", "đổi cảnh", câu đối nội dung như thế không thể treo dán ở đâu khác ngoài cửa một rạp hát tuồng. Hai vế đối đó như sau:

"Mấy mươi năm gióng trống, khua chuông, mặc danh, mặc lợi, mặc thân gia, gánh giang sơn vai những nặng nề, há phải như ai toan múa rối;

Trải bao độ thay tuồng, đổi cảnh, làm quan, làm dân, làm chí sĩ, cờ xã hội tay giương phấp phới, nào ngờ một phút đã buông phông".

Ở vào thời kỳ đất nước bị bọn thực dân đô hộ, thơ ca dân tộc và những câu đối Nôm có nội dung yêu nước, chống thực dân đã thực sự trở thành vũ khí tuyên truyền có hiệu quả, cổ vũ khích lệ tinh thần đấu tranh của nhân dân. Trước Cách mạng tháng Tám, thơ văn của hai cụ Phan cùng những câu đối viếng cụ Phan Chu Trinh được dẫn ra như trên đã thực sự đi vào lòng người, góp phần làm phong phú tâm hồn yêu văn chương cách mạng cho nhiều đồng chí đồng bào ta. Chúng tôi xem những sách vở ghi chép lại văn chương một thời như thế là di sản rất đáng trân trọng.

Thông báo Hán Nôm học 2001, tr.101-108

In
Lượt truy cập: