Tạp chí Hán Nôm >> TCHN từ 2006 về sau >> Số >> 102(2010)
Ngô Đức Thọ
Tìm hiểu tiểu sử sự nghiệp của Đại tư đồ nguyên Tế tửu, nguyên Tri Quốc tử giám Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm (Tạp chí Hán Nôm, Số 5(102) 2010; Tr.36-48).

Cập nhật lúc 10h33, ngày 02/01/2012

TÌM HIỂU TIỂU SỬ SỰ NGHIỆP CỦA ĐẠI TƯ ĐỒ

NGUYÊN TẾ TỬU, NGUYÊN TRI QUỐC TỬ GIÁM

XUÂN QUẬN CÔNG NGUYỄN NGHIỄM

NGÔ ĐỨC THỌ

PGS.TS. Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

I. GỐC TÍCH HỌ NGUYỄN TIÊN ĐIỀN

Đại tư đồ Xuân Quận công nguyên Tế tửu, Tri Quốc tử giám Nguyễn Nghiễm, quê xã Tiên Điền huyện Nghi Xuân tỉnh Hà Tĩnh. Dòng họ Nguyễn Tiên Điền trước nay được nói đến nhiều, chủ yếu do mối liên hệ nghiên cứu về thi hào Nguyễn Du. Đây có lẽ là lần đầu chúng ta tìm hiểu chính về danh nhân Nguyễn Nghiễm - bậc huân thần danh vọng bậc nhất cuối thời Lê Trung hưng.

Họ Nguyễn Tiên Điền vốn dòng dõi Trạng nguyên Nguyễn Thiến (cũng đọc Thuyến) triều Mạc, quê xã Canh Hoạch tức làng Vác huyện Thanh Oai, trước thuộc Hà Tây, nay thuộc Hà Nội. Vì liên quan triều Mạc là vấn đề khá nhạy cảm cấm kỵ đối với triều Lê Trung hưng, đến khoảng cuối triều Lê vấn đề đã nhạt đi, cho nên người soạn bản phả “tân biên” tuy có chép một đoạn ngắn, nhưng chép xong lại “thu” lại ngay bằng mấy chữ : “Nhưng bản “cựu biên” không chép nên không dám khinh suất chép ra”! Theo đó tra cứu bổ sung, chúng ta có thể biết đại khái giai đoạn “tiền biên” không được chép ra đó của bản Thế phả1 họ Nguyễn Tiên Điền.

Trạng nguyên Nguyễn Thiến (1495-1557) thi đỗ khoa Nhâm Thìn Đại Chính 3 thứ (1532) đời Mạc Đăng Doanh, làm quan nhà Mạc đến chức Thượng thư Bộ Lại, Ngự sử đài Đô Ngự sử, Đông các Đại học sĩ, Nhập thị Kinh diên, tước Thư Quận công, sau về với nhà Lê. Hai con ông trước cũng đã theo cha quy thuận, nhưng sau cái chết oan khốc của cha, Nguyễn Quyện và Nguyễn Miễn lại quay lại với nhà Mạc. Nguyễn Quyện (Thường Quốc công) thua trận bị bắt, Trịnh Tùng khen là người có khí tiết tha cho, nhưng sau bị bắt lại, chết trong ngục (12-1593)2. Con cháu của Nguyễn Quyện, Nguyễn Miễn phần nhiều bị hại, chỉ có mấy người con của Nguyễn Miễn (Phù Hưng hầu) trốn thoát, trong đó có Nam Dương hầu lánh vào Nghệ An, lúc đầu vẫn mưu tính khôi phục nhà Mạc, sau mai danh ẩn tích đến sinh sống lập nghiệp ở giáp Đông thôn Lương Năng xã Tiên Điền huyện Nghi Xuân, trở thành tổ đời thứ nhất của họ Nguyễn Tiên Điền.

Đời thứ nhất: Nam Dương công, Thế phả cả “cựu biên” và “tân biên” đều không ghi tên thật, nhưng soạn giả Cương mục3 cũng đã tìm ra được để ghi tên thật của Nam Dương hầu là Nguyễn Nhậm 阮任, nhưng vì kiêng tên húy vua Tự Đức, bản in Cương mục phải đổi chữ Nhậm bằng từ đồng nghĩa là Dụng mà ghi là Nguyễn Dụng 阮用4. Sở dĩ như vậy vì đến đầu thời Nguyễn người ta còn tìm được những tài liệu liên quan, chẳng hạn Nguyễn Tán thuộc dòng họ này là học trò của Phạm Đình Hổ, sau Nguyễn Tán đỗ Tiến sĩ, thơ mừng của cụ Phạm có câu: “Thanh thủy luân khôi, khoa đồ phát nhẫn ” (Nước xanh đỗ Trạng, khoa đồ vẻ vang). Nguyễn Tán chỉ đỗ Tiến sĩ, nhưng câu này có chữ “luân khôi nghĩa là đỗ Trạng nguyên: chữ Thiến gồm bộ nhân + thanh , cụ Phạm dùng bộ “thủy ” cho chệch đi, nhưng cũng đủ liên hệ với chữ Thiến .

Tiếp đến các đời thứ 2 (Lệnh Thiện công, con thứ 2 của Nam Dương công), đời thứ 3 (Đức Hạnh công, huý Mao ) năm sinh năm mất sự nghiệp đều không rõ. Chỉ từ đời thứ 4 (ông nội của Nguyễn Nghiễm) tiểu sử hơi rõ hơn:

Đời thứ 4: Bảo Lộc công Nguyễn Thể (sinh Phúc Thái 2 [1644], mất Chính Hòa 19 [1698]), có sức vóc võ nghệ, đi lính có công trong các trận chiến khi quân chúa Nguyễn đánh ra nam Nghệ An (1655 - 1660), được sung quân thị vệ, làm Điển binh (Cai đội). Thế phả ghi Nguyễn Thể làm nha tướng trong quân của Bùi Văn Khuê, nhưng lời “Cẩn án” nói Khuê Quận công (Bùi Văn Khuê) mất năm Phúc Thái Giáp Thân (1644) mà năm ấy Bảo Lộc công (Nguyễn Thể) mới sinh, thì việc nói làm nha tướng e là lời truyền không đúng”.

Thực đúng thì Bùi Văn Khuê bị Phan Ngạn bắn chết từ năm 1600 trước nhiều nữa so với lời ghi của Cẩn án (xem Toàn thư; Cương mục 31-1a)

Các chức tước cao của Nguyễn Thể đều là chức tước ấm tặng, tức là ban tặng về sau do có cháu là Trung Cần công (Nguyễn Nghiễm) làm quan to có công với triều đình.

Đời thứ 5: Lĩnh Nam công Nguyễn Quỳnh (1675 - 1735), tự Phụ Dực, hiệu Lĩnh Nam, thông kinh sử, có tài văn chương, nhưng thi hương chỉ trúng Tam trường (Tú tài, 19 tuổi). Trước làm nho sinh ở Tú lâm cục, từ năm Ất Dậu (1705) làm thuộc hiệu trong quân của Diễn Hào hầu đóng ở đồn Hà Trung (Kỳ Anh, Hà Tĩnh), sau được chọn ra Vĩnh dinh (Vinh) làm liêu thuộc cho trấn tướng Nghệ An là Trung Quận công Lê Thì Liêu. Nhiều lần được phái vào bờ nam sông Gianh giao thiệp với bên quân chúa Nguyễn, ông ngang nhiên ứng đáp, được thăng chức Chánh đội trưởng, cai quản Thắng Hữu đội. Sau khi Lê Thì Liêu mất (1723) ông về cư tang mẹ (1726) rồi xin ở nhà. Trấn tướng mới là Trương Nhưng đến tận nhà khuyên mời, ông cảm kích lại ra trấn doanh làm liêu thuộc. Công việc cũng nhàn nhã, ông có dịp đi thăm thú nhiều nơi, lại có thời gian để soạn xong bộ sách dịch lý Quyết nghi gồm 15 quyển. Mất năm Vĩnh Hựu thứ 1 (1735), thọ 61 tuổi.

Các chức tước cao của Nguyễn Thể đều là chức tước ấm tặng, tức là ban tặng về sau do có con là Trung Cần công (Nguyễn Nghiễm) làm quan to, có công với triều đình. Vợ đầu mất sớm, vợ kế là bà họ Phan người làng Uy Viễn. Ông bà sinh hạ 3 con trai là Nguyễn Huệ, Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Trọng, và 2 con gái là Thanh, Bích. Các bà vợ thứ của ông còn sinh được ba trai là Tín, Sĩ, Huyền và 1 gái là Hằng

Đời thứ 6:

- Tuấn Triết công Nguyễn Huệ (1705-1733), tự Hy Hòa, hiệu Giới Hiên. Thi Hương trúng Tứ trường (tức Hương cống, 1729). Năm Long Đức Nhâm Tí (1732) thi đỗ khoa Hoành từ, được tuyển làm Thị nội văn chức, rồi được bổ làm Huyện lệnh (Tri huyện) La Sơn (Đức Thọ, Hà Tĩnh), khoa Quý Sửu (1733) thi Hội trúng cách thứ 6, thi Đình được ban Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Sau ngày vinh quy, không may cảm bệnh, qua đời khi mới 29 tuổi.

- Uyên Mặc công Nguyễn Trọng (1710-1789), em Nguyễn Quỳnh, Nguyễn Nghiễm; tiểu húy Kỳ (cũng đọc là Cơ), tự Thúc Văn, hiệu Nhã Hiên, thi Hương khoa Bính Ngọ chỉ trúng Tam trường, khoa Long Đức Nhâm Tí (1732) mới trúng Tứ trường - anh em cùng đỗ. Vì anh đầu mất sớm, anh hai xa nhà làm quan ở Kinh nên lúc đầu ông không muốn ra làm quan, đến năm Cảnh Hưng Canh Thân (1740) mới nhận chức Tri phủ Trường Khánh (Lạng Sơn), sau thăng Hiến sát Phó sứ xứ Thái Nguyên. Khoa Quý Hợi (1743) có đi thi Hội, nhưng chỉ vào được Tam trường, theo lệ được thăng Thừa chính sứ Lạng Sơn. Năm Đinh Sửu (1757) thăng kiêm chức Tri quang Hiển điện tự sự (điện thờ ba vua Lê Thái Tổ, Thái Tông, Nhân Tông ở xã Phúc Điền 2 huyện Hưng Nguyên). Năm Đinh Sửu (1757) Minh Vương Trịnh Doanh mất, Nguyễn Trọng có công đi chọn đất táng lăng ở Thanh Hóa, được thăng Tả Xuân phường Tả dụ đức, tước Lam Khê hầu. Năm Tân Mão (1771) đổi sang võ chức, được bổ chức Tham đốc, sau xin về nghỉ, dạy học ở quê nhà, học trò nhiều người thành đạt. Khi quân Tây Sơn chiếm Nghệ An, Trấn thủ Nguyễn Văn Duệ sai người đưa lễ vật mời ra tòng chính, nhưng ông giả làm kẻ nặng tai, không ra, mất ngày 3 tháng 6 năm Quang Trung Kỷ Dậu (24-7-1789), thọ 80 tuổi.

Đền thờ của cụ Nguyễn Trọng hiện còn ở xã Tiên Điền (trong khu lưu niệm Nguyễn Du) gọi là sinh từ là do chính cụ cho dựng khi cụ còn sống. Trong đền có nhiều câu đối do các danh nhân đề vịnh.

II. ĐẠI TƯ ĐỒ NGUYÊN TẾ TỬU, TRI QUỐC TỬ GIÁM XUÂN QUÂN CÔNG NGUYỄN NGHIỄM

Nguyễn Nghiễm tự Hy Tư (hy vọng được như Tử Tư), tiểu húy Thiều , hiệu Nghị Hiên , vì nhà phía nam núi Hồng Lĩnh, phía bắc đảo Song Ngư nên lấy biệt hiệu là Hồng Ngư cư sĩ . Ông nội là Nguyễn Thể làm Điển binh, cha là Nguyễn Quỳnh làm Chánh đội trưởng, tức vẫn thuộc tầng lớp dân thường, trong nhà chưa có ai đỗ đạt làm quan tại triều (các chức Thái tể, Thái phó, quận công ghi trong phả chỉ là chức các cụ được tặng sau khi mất, chứ không phải quan tuớc thực). Nhưng đến đời Nguyễn Quỳnh cảnh nhà đã khá giả, ông bà nuôi các con ăn học đầy đủ, mà ba con của Phan thị đều thành đạt có danh vọng. Vì thế trong truyện về cha con cụ Đại Tư đồ, danh sĩ Phạm Đình Hổ viết: “Nguyễn Nghiễm xuất thân bạch đinh, tuổi trẻ đỗ Tiến sĩ, sau ra làm quan các đài bộ, vào tham tụng chốn phủ đường…Khi mất được phong phúc thần, vinh hiển đến thế là cùng”. Nguyễn Nghiễm sinh giờ Tuất ngày 14 tháng Giêng nhuận năm Mậu Tí niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 4, tức là ngày 6 tháng 3 năm 17085. Năm Mậu Tí 2008 đúng là vừa tròn kỷ niệm 300 năm ngày sinh của Đại Tư đồ nguyên Tế tửu, Tri Quốc tử giám.

Tuy không có ảnh cụ, nhưng còn kia tấm hoành phi treo cao trên xà ngang gian chái nam bái đường Văn miếu - nơi chúng ta làm lễ - chính là bút tích của cụ đề bốn chữ lớn: “Cổ kim nhật nguyệt 古今日月”, có đề rõ ngày tháng chức tước của cụ: “Phụng Tri Quốc tử giám Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm bái”; “Cảnh Hưng Mậu Tí thu vọng/ ngày rằm tháng Tám năm Cảnh Hưng Mậu Tí, tức ngày 25-7-1768, tức chưa đầy một năm sau ngày Nguyễn Nghiễm được trao chức Tri Quốc tử giám.

Chữ còn như người còn. Hơn thế còn có các tác phẩm thơ văn của ông, trong đó có cuốn tộc phả Hoan Châu Nghi Tiên Nguyễn gia thế phả6. Cuốn này - như ghi trên sách - là do Trung Cần công (tức Nguyễn Nghiễm) biên soạn, và cháu xa đời (nhĩ tôn) là Y Giác Phủ tục biên. Cuốn phả này có nhiều tư liệu quý để chúng ta nghiên cứu về họ Nguyễn Tiên Điền, trong đó đặc biệt đáng chú ý những tư liệu về tiểu sử Nguyễn Du. Vì sách không có tựa bạt, cho nên người đọc chỉ có thể hiểu đại khái rằng, phả này có một bản soạn từ trước, gọi là bản “Cựu biên”, Nguyễn Nghiễm căn cứ vào đó mà soạn ra bản sau, gọi là bản “Tân biên”, tức phần chính của bản hiện còn, đề là Trung Cần công biên toản. Phần do Nguyễn Nghiễm soạn - theo nội dung - chỉ ứng với các ghi chép về 5 đời đầu, còn đời thứ 6 chép về chính Nguyễn Nghiễm có thể xác định không phải do Nguyễn Nghiễm viết, mà là nội dung của phần Tục biên như đã ghi ở đầu sách. Phần này trên sách ghi là Nhĩ tôn Y Giác phủ tục biên. Hoan Châu Nghi Tiên Nguyễn gia thế phả (A.3075)

Y tức Nguyễn Y con cả của Nguyễn Nhưng (con thứ 11 của Nguyễn Nghiễm), tức cháu gọi Nguyễn Nghiễm bằng ông nội. Giác Phủ là tên tự của Nguyễn Y.

Phần này, theo sự đối chiếu kiểm định của tôi thì có một ít sai lầm gây nghi ngại, nhưng đồng thời cũng nhiều tư liệu chi tiết chính sử không có, cho nên tạm thời cũng phải dựa vào nó - nhất là đối với đời thứ 6 - để tìm hiểu về Trung Cần công tức Đại tư đồ Nguyễn Nghiễm. Chính sử triều Lê ứng với giai đoạn này chúng ta có Đại Việt sử ký tục biên7, chính sử triều Nguyễn có Cương mục, tuy thế hành trạng của cụ Đại Tư đồ cũng vẫn còn một vài mảng chưa rõ ràng lắm. Vì vậy, để dễ theo dõi khỏi sót, tôi lập một bảng niên biểu, từ khi thi đỗ (1731) ra làm quan đến khi hưu trí (11-1772) rồi được khởi phục ( 2-1772) đến lúc mất (1775 ), tất cả 41 năm, mỗi năm một ô, không sót năm nào.

Thuở nhỏ Nguyễn Nghiễm thông minh học giỏi, các lần khảo thí ở huyện ở phủ Nghiễm đều đỗ đầu, các câu Nghiễm đối đáp với các quan huyện quan phủ được người địa phương truyền tụng v.v… Sau khi đỗ thi Hương (1723), theo lệ, Nguyễn Nghiễm được vào học Quốc tử giám (1724). Các bài văn thi tứ trọng của Nguyễn Nghiễm phần nhiều có điểm tối ưu, được yết bảng treo ngoài cửa Thái học, danh tiếng Nguyễn Nghiễm ở chốn kinh đô đã khá vang lừng. Khoa Tân Hợi Vĩnh Thịnh thứ 3 (1731) Nguyễn Nghiễm 24 tuổi, thi Hội xếp thứ 8, thi Đình được ban Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, tức Hoàng giáp, được gọi là “thiếu tuấn” - tức là người trẻ tuổi nhất khoa.

Sau khi thi đỗ, Nguyễn Nghiễm theo lệ ra kinh ứng trực bổ nhiệm, mấy tháng sau được cử làm sứ giả đi truyền chiếu (thại chiếu sứ) ở Nghệ An; cuối năm đi làm 4 Giám khảo trường thi Hương Thanh Hoa (tức Thanh Hóa). Năm 1733 đã có chỉ chuẩn làm Đồng giám khảo thi Hội, nhưng khoa này anh ông là Nguyễn Huệ đăng tên dự thi, nên theo lệ “hồi tị” phải tránh các chức việc ở trường thi nên ông được về quê nghỉ, sau đó bị ốm phải ở quê nhà điều trị hơn 1 năm, mùa thu năm sau (7-1734) mới về triều nhận chức Hàn lâm viện Đãi chế (một chức quan tập sự). Chưa đầy năm thì cha là Lĩnh Nam công Nguyễn Quỳnh mất (6-1735), ông về cư tang, lại tiếp cư tang mẹ (8-1735).

Hơn 2 năm sau Nguyễn Nghiễm trở lại triều (11-1737) được bổ làm Hiến sát sứ Thanh Hoa. Khoảng giai đoạn này, không hiểu căn cứ vào đâu mà Từ điển Bách khoa mục Nguyễn Nghiễm viết: “Từ 1744 đến 1748, làm quan ở Nghệ An, sau ra Thăng Long…”. Phải chăng người soạn mục Nguyễn Nghiễm hiểu “Nghệ An thại chiếu sứ安賚使” nghĩa là đi làm quan ở Nghệ An ? Đến trấn sở ít lâu ông cho sát hạch sĩ nhân trong xứ, chọn những người giỏi bổ làm các chức quan phủ huyện, triều đình coi là việc tốt, sử có ghi. Nhưng chỉ yên vị vài ba tháng, từ giữa niên hiệu Vĩnh Hựu (5-1939) Nguyễn Nghiễm với chức Hiến sát sứ Thanh Hoa đã phải hiệp đồng với Trấn thủ Liễn Quận công Vũ Tá Liễn đi đánh Lê Duy Mật ở đạo Khang Chính miền Tây Thanh Hóa. Đầu năm sau (5-1740) triều đình triệu ông về kinh để hiệp đồng với Trì Trạc hầu đi đánh dẹp ở Cẩm Giàng (Hải Dương), hiệp đồng với Trì Trạch hầu đưa quân đi thu phục trấn sở Kinh Bắc (6-1740). Tháng 6-1740 làm Quyền Tán lý, hiệp đồng với Nghiêm Quận công Trịnh Trạch đi đánh đạo Đông Bắc. Tháng 8-1740 cùng Trương Trang và Đôn Lãng hầu hiệp đồng với Cổn quận công Trương Khuông đi đánh dẹp ở các xã Phạm Lâm, Đoàn Lâm (Thanh Miện, Hải Dương). Cuối 1740 Nguyễn Nghiễm đi tuyển lính mộ ở Nghệ An, rồi ngay đầu năm 1741 với đội quân hầu như chưa được luyện tập đó ông đã phải dàn trận ở bến Kim Luông để đối phó với quân của Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ đang bao vây uy hiếp kinh đô ở bờ bắc sông Nhị Hà. Từ đó liên miên ngót 20 năm đầu đời Cảnh Hưng, Nguyễn Nghiễm phải gian nan với nhiều cuộc hành quân đánh dẹp: nhiều lần đi đánh Lê Duy Mật ở miền Tây Thanh Hoá, lên Sơn Tây đánh phiến quân Nguyễn Danh Phương ở đồn Ngọc Bội, lên Hưng Hóa đánh căn cứ của Hoàng Công Chất, xuống Sơn Nam Hạ đánh phiến quân Ngân Già, lại lên Sơn Tây đánh quân của Đồ Tế chiếm châu Sơn Dương, sang Kinh Bắc dẹp quân của Nho Bồng chiếm huyện Phương Nhãn9 v.v…

Trong 41 năm cuộc đời từ khi thi đỗ cho đến khi qua đời, Nguyễn Nghiễm ở nhà cư tang cha mẹ khoảng 3 năm, làm việc ở Thăng Long 17 năm, còn 21 năm - hơn một nửa đời làm quan - là thời gian phải đi chinh chiến hoặc trấn nhậm ở những vùng có chiến sự; cả khi làm Trấn thủ xứ Thanh Hoa Nguyễn Nghiễm cũng không phải ông quan trấn an nhàn, mà khắp nơi trong xứ hầu như đều có các cuộc nổi dậy hoặc phải kình chống với phiến quân. Suốt mấy chục năm đầu đời Cảnh Hưng liên tiếp mất mùa đói kém, cuộc chiến tranh Trịnh - Nguyễn tích tụ hậu quả kéo dài, kinh tế kiệt quệ, đê điều suốt mấy chục năm không được bồi đắp, khiến luôn năm lũ lụt, đồng ruộng tan hoang, dân đói đầy đường đi tha phương cầu thực, trở thành lực lượng bổ sung cho các nhóm phiến quân. Yêu chuộng tự do và công bằng xã hội, quan điểm của chúng ta là sự đồng tình với những người dân vùng lên chống áp bức bất công, chê trách chính quyền Lê - Trịnh đẩy nhân dân đến bước đường cùng. Quan điểm ngày nay hay trước đây về cơ bản vẫn là như vậy. Có điều trước đây chúng ta thiên về cách quy nạp tính chất giai cấp cho các cuộc nổi dậy, coi đó là những cuộc khởi nghĩa nông dân để giải quyết mâu thuẫn đối kháng trong xã hội. Vấn đề là những cuộc nổi dậy đó ở xã hội nào cũng có thể xẩy ra, và nó vẫn nằm trong khuôn khổ của phạm trù xã hội phong kiến chủ nghĩa. Khoảng giữa thế kỷ XVIII đó chế độ phong kiến không chỉ ở Việt Nam mà còn ngự trị trên toàn thế giới. Phải hơn một năm sau khi Nguyễn Nghiễm qua đời trên thế giới mới có một nước Hoa Kỳ đưa ra một bản Tuyên ngôn độc lập (1776) trong đó không có quyền lực của nhà vua. Lại cũng phải 15 năm nữa mới có cuộc Đại cách mạng Pháp lật đổ chế độ quân chủ (1789) thiết lập chế độ Cộng hòa. Đó là những cột mốc của tiến bộ xã hội mà nước ta phải đến Cách mạng Tháng Tám 1945 mới đạt được. Nguyễn Nghiễm cũng như Hoàng Ngũ Phúc, Hà Tông Huân, Trần Danh Ninh, Phạm Đình Trọng và rất nhiều nhà trí thức khoa bảng khác nữa được học hành đào tạo theo chính giáo thì họ phải khuông phò chính thống, người đời có lẽ cũng nên coi đó là nghĩa vụ bất khả kháng của tiền nhân. Nếu các tướng sĩ chống ngoại xâm được tôn vinh như những anh hùng dân tộc, niềm tự hào của đất nước, thì họ lại hầu như là những người chiến thắng không có hào quang. Chỉ riêng điều đó thôi đã là thiệt thòi lớn đối với họ. Nguyễn Nghiễm là một trong số rất nhiều người như thế. Có lẽ cũng với quan điểm biện chứng lịch sử như vậy, gần đây tôi thấy các nhà nghiên cứu viết về Nguyễn Nghiễm, thay vì né tránh vấn đề, đã điềm tĩnh khách quan ghi lại sự việc, chẳng hạn viết: ông “Tham gia đàn áp cuộc khởi nghĩa Nguyễn Danh Phương, Lê Duy Mật”10,“Nguyễn Nghiễm là một quan văn, nhưng đồng thời cũng là một tướng võ; nhiều lần triều đình cử ông đi trấn áp các cuộc chống đối ở các địa phương.”11 Tôi chia sẻ và tán đồng với suy nghĩ của tác giả mấy dòng viết ngắn gọn đó. Đó là sự thật cần ghi lại trong khi thế hệ chúng ta tôn vinh ghi nhớ cống hiến của tiền nhân cho sự phát triển của văn hoá, giáo dục của đất nước.

III. VÒ CHøC Vô CñA NGUYÔN NGHIÔM ë QuèC Tö GI¸M

Thế phả ghi tháng 4 năm Canh Thân (5-1740) sau khi thu phục trấn sở Kinh Bắc trở về, Nguyễn Nghiễm được thăng chức Quốc tử Tư nghiệp (hàm tòng ngũ phẩm); tháng 3 năm sau (Tân Dậu, 4-1741) đi Đông Bắc về được cải bổ Quốc tử giám Tế tửu (hàm tòng tứ phẩm). Cả hai bộ sử ĐVSKTB Cương mục đều không ghi việc ấy. Nhưng đúng về năm Tân Dậu Cảnh Hưng thứ 2 (1741) cả hai sách ấy đều ghi người giữ chức Tế tửu Quốc tử giám là Trịnh Tuệ (trước đó bị giáng chức, cho phục hồi), như vậy Thế phả ghi năm 1741 Nguyễn Nghiễm làm Tế tửu Quốc tử giám là không đúng. Thế phả chỉ khớp với hai bộ sử nói trên về điều ghi Nguyễn Nghiễm được bổ chức Tri Quốc tử giám vào tháng 9 nhuận năm Cảnh Hưng Đinh Hợi (11-1767)12. Chi tiết này là chính xác nhất vì như lạc khoản ở biển đại tự “Cổ kim nhật nguyệt” đề rằm tháng 8 năm Mậu Tí (1768) “Phụng Tri Quốc tử giám Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm bái ”. Trở lại chức vụ ở Quốc tử giám, ĐVSKTB Cương mục không ghi, nhưng phải chăng Nguyễn Nghiễm không giữ chức Tế tửu Quốc tử giám? Có thể khẳng định cả hai bộ sử đều bỏ sót không thông tin này, vì Bia Tiến sĩ khoa 1760 do Nguyễn Nghiễm soạn, cuối bia ghi rõ:

Hoàng triều Cảnh Hưng nhị thập tứ niên (1763) trọng xuân tiết lập Tứ Tân Hợi khoa chính Tiến sĩ Nhập thị Tham tụng Thiếu bảo Công bộ Thượng thư kiêm Quốc tử giám Tế tửu Nhập thị Kinh diên Xuân Nhạc hầu Nguyễn Nghiễm phụng sắc soạn. Nhưng Nguyễn Nghiễm chỉ giữ chức này trong khoảng vài năm, vì ở một cứ liệu khác - bia Tiến sĩ khoa 1766, cũng do Nguyễn Nghiễm soạn cùng năm 1766 không thấy đề chức Tế tửu Quốc tử giám nữa, mà chỉ đề:

Hoàng triều Cảnh Hưng nhị thập thất niên (1766) gia bình tiết lập.

Tứ Tân Hợi khoa chính Tiến sĩ Nhập thị Tham tụng Công bộ thượng thư Thái tử Thái bảo Xuân Nhạc hầu Nguyễn Nghiễm phụng sắc soạn.

Như vậy, Nguyễn Nghiễm chỉ giữ chức Tế tửu Quốc tử giám khoảng ba năm trước sau 1758 - 1760 đúng như trong Thế phả đã ghi. Đã đúng được điều này, vậy phải lý giải ra sao việc Thế phả nói xanh rờn 17 năm trước Nguyễn Nghiễm đã được thăng chức Tế tửu Quốc tử giám? Lẽ nào Nguyễn Nghiễm đã rời chức vụ ấy, sau cả nửa đời người trở lại Quốc tử giám cũng lại ngồi đúng chiếc ghế của chức vụ ấy? Điều ấy ngay một anh nhân viên hành chính ngày nay có lẽ cũng lấy làm phiền lòng? Vậy thì để lý giải cho cái sai lầm gán ghép này, phải chăng chúng ta có thể nhận ra bàn tay của một người nào - của thời gần đây - vì rất hứng thú với các chức vụ của Nguyễn Nghiễm ở Quốc tử giám mà nghĩ ra rằng, năm 1768 Nguyễn Nghiễm đã giữ chức Tri Quốc tử giám thì trước đó hẳn đã phải giữ những chức thấp hơn ở Quốc tử giám mà thăng dần lên, vậy nên thêm vào vài khung cho hoàn chỉnh: năm 1740 cho” Nguyễn Nghiễm làm “Quốc tử Tư nghiệp (hàm tòng ngũ phẩm)” (sic!), và vì ông rất giỏi giang cho nên ngay năm sau (8-1741) đã cho thăng “Quốc tử giám Tế tửu (hàm tòng tứ phẩm)”! Người thêm thắt ấy có thể nghĩ làm tăng giá trị cho Nguyễn Nghiễm thì không có hại gì, đâu ngờ việc làm như thế khiến cho các sử sự trở nên rối loạn và gây tổn hại cho chính bản Thế phả vốn đã rất có giá trị này. Trong khi nghiên cứu tôi phải tỉnh táo để nhận ra chỗ vàng thau tiếp giáp này, nhờ thế mà tiếp tục phát hiện ra những sử liệu rất quý của Thế phả.

Thế phả chép: “Trong hai năm Mậu Dần - Kỷ Mão (1758-1759) ông vâng mệnh làm Quốc sử Tổng tài kiêm Tế tửu Quốc tử giám”, có dòng nguyên chú: “Sử cũ rườm rà, ông soạn Việt sử bị lãm, nay không còn”.

Ở trên tôi đã trích ảnh “thạch chứng” để khẳng định việc Nguyễn Nghiễm có làm Tế tửu Quốc tử giám, còn 2 ý nói thời gian đó Nguyễn Nghiễm làm Quốc sử Tổng tài và soạn sách Việt sử bị lãm thì thế nào?

Hai việc nói trên về học thuật là khá quan trọng, thế nhưng cả ĐVSKTB Cương mục đều không ghi. Nhưng Việt sử bị lãm là bộ sách quan trọng của Nguyễn Nghiễm đã được ghi trong thư mục của Phan Huy Chú:

Việt sử bị lãm, 7 quyển, Hoàng giáp Thượng thư Nguyễn Nghiễm soạn. Bình luận tinh thiết gọn đúng, đều khen là danh bút”13.

Có điều cần bổ sung cho phần Tục biên của Thế phả: Việt sử bị lãm không phải đã mất hẳn. Cả bộ sách hiện không còn, nhưng nó còn được một phần nhỏ, nhưng khá đáng kể: Đại Việt sử ký tiền biên14 chuyển tải được 26 đoạn bình luận sử học của Nguyễn Nghiễm với tiêu mục: “Sử thần Nguyễn Nghiễm viết”. Danh tính và tác phẩm của các nhà sử học được trang trọng kê rõ ở sau Mục lục ở đầu sách, với tiêu mục: “Lịch đại sử thần tính danh”: Triều Trần 2 người: Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên; triều Lê 4 người: Ngô Sĩ Liên, Lê Tung, Nguyễn Nghiễm và Ngô Thì Sĩ. Dòng Nguyễn Nghiễm ghi đủ quê quán và chức tước: “Nhập thị Tham tụng Hộ bộ Thượng thư, Đại Tư đồ, Xuân Quận công kiêm Quốc sử Tổng tài, tác Việt sử bị lãm”.

Như thế là đã rõ: việc Thế phả ghi Nguyễn Nghiễm từng làm chức Quốc sử Tổng tài và có tác phẩm Việt sử bị lãm tuy bị bỏ sót trong ĐVSKTBCương mục, nhưng đã được Ngô Thì Sĩ xác nhận rất rõ ràng trong Đại Việt sử ký tiền biên như đã dẫn trên.

Nguyễn Nghiễm còn có thơ văn trong các tập Quân trung liên vịnh tập 15 (thơ xướng học với Nhữ Công Chân), Xuân đình tập vịnh, Lạng Sơn Đoàn thành đồ (Tựa năm 1758), Bài Tựa viết cho cuốn Gia phả họ Ngô Trảo Nha 16 (1748). Phú có bài Khổng Tử mộng Chu Công, văn bia có 2 bài ký bia Tiến sĩ khoa Canh Thìn Cảnh Hưng thứ 21 (1760) và khoa Bính Tuất Cảnh Hưng thứ 27 (1766). Ngoài hai bài văn bia (đã dẫn) và 26 lời bình trong Việt sử bị lãm được dẫn lại trong ĐVSKTB của Ngô Thì Sĩ, các tác phẩm khác của Nguyễn Nghiễm đến nay đều chưa được nghiên cứu công bố. Tựa của Nguyễn Hy Tư Phủ tức Nguyễn Nghiễm viết cho cuốn Gia phả họ Ngô Trảo Nha (Cảnh Hưng Mậu Thìn, 1748).

Quá nửa đời người Nguyễn Nghiễm đã phải gian lao đi đánh đông dẹp bắc, sau khi đã về trí sĩ rồi, chỉ mới nghỉ ngơi ở nhà khoảng hai tháng, sau tết Nhâm Thìn (1772) chúa Trịnh đã tâu vua Lê xuống chiếu khởi phục Đại tư đồ Nguyễn Nghiễm ra chấp chính - vẫn giữ chức Tham tụng, chỉ đổi kiêm chức Thượng thư Bộ Hộ. Thời kỳ khởi phục này sử chỉ ghi một việc chính: Nguyễn Nghiễm chủ trì, cùng Hoàng Ngũ Phúc, Lê Quý Đôn thực hiện công việc “cải tu dân bạ” (thống kê dân số), hoàn thành năm 1773. Từ giữa năm Giáp Ngọ (6-1774) sau khi được tin của Trấn tướng Nghệ An Bùi Thế Đạt tâu về việc anh em Nguyễn Nhạc chiếm Quy Nhơn và tình hình bất ổn ở Đàng Trong, triều đình Lê - Trịnh gấp rút chuẩn bị Nam chinh. Hoàng Ngũ Phúc được phong Thượng tướng quân, chỉ huy Tiền quân tiến trước vào Bắc Sông Gianh, tháng 11-1774 Trịnh Sâm đích thân đưa đại quân đi đánh. Nguyễn Nghiễm chỉ huy Trung tiệp cơ đi trước vào trấn doanh Nghệ An, lấy thêm 10 đội thuỷ binh, hội quân với Hoàng Ngũ Phúc vượt Đèo Ngang tiến vào đất Đàng Trong. Quân tiền bộ của Hoàng Đình Thể tiến vào chiếm Thuận Hóa (29-1-1775). Trịnh Sâm ra lệnh tiếp tục tiến vào Quảng Nam truy kích tàn quân của chúa Nguyễn. Để tránh đèo Hải Vân hiểm trở, Hoàng Ngũ Phúc, Nguyễn Nghiễm cho quân vòng lên theo đường thượng đạo tiến đến châu Ổ (Quảng Ngãi). Đến đây cả Hoàng Ngũ Phúc và Nguyễn Nghiễm đều bị ốm, riêng Nguyễn Nghiệp bệnh tình rất nặng, Trịnh Sâm phải cho đem về Tiên Điền điều trị. Hai ba lần chúa sai trung sứ đến ban thuốc thang bồi bổ, nhưng bệnh tình không không thuyên giảm, cụ Đại Tư đồ đã tạ thế ngày 17 tháng 11 năm Ất Mùi - tức ngày 9-12-1775 ở tư dinh tại làng quê Tiên Điền, thọ 68 tuổi.

Tin cáo phó về kinh, triều đình cho rằng về chức tước phẩm hàm, cụ đã tột bậc trong hạng nhân thần, không còn tước nào cao hơn để gia tặng, chỉ tâu vua ban cho cụ tên thụy Trung Cần, phong Trung đẳng phúc thần, tôn hiệu “Huân du độ hiến đại vương”, hàng năm sai quan Bộ Lễ đến làm lễ quốc tế. Trong lễ tang của cụ ngày (25 tháng chạp Ất Mùi 17-1-1776), quan triều đình tuyên đọc văn điếu của vua Lê Hiển Tông, văn tế của Tĩnh Vương Trịnh Sâm. Năm Bính Thân (1776) cho dựng đền thờ ở phía tây thôn Bảo Kệ, năm Quý Mão (1783) gia phong Thượng đẳng phúc thần.

Đền Xuân Quận công dựng năm 1783. Đốc học H. Le Breton chụp năm 1927.

Cụ có 8 bà vợ, sinh được 12 con trai và 9 con gái.

Trong các con trai cụ có:

- Nguyễn Khản (1734-1786) con trưởng, con bà chính thất họ Đặng làng Uy Viễn. Tiến sĩ khoa Canh Thìn (1760), trước làm Tả tư giảng cho Trịnh Tông, sau làm quan đến chức Hữu thị lang Bộ Lại, tước Kiều Nhạc hầu, Nhập thị Bồi tụng, tức là làm phó cho cha đang giữ chức Tham tụng (như Thủ tướng) tại triều.

Nguyễn Điều, tước Điều Nhạc hầu, con bà vợ hai.

- Nguyễn Nễ (tức Nguyễn Đề, 1761-1805) con bà vợ thứ ba Trần Thị Thấn người làng Hoa Thiều huyện Đông Ngàn, Kinh Bắc. Thi hội chỉ trúng Tam trường, được bổ chức Thị nội văn chức, cuối Lê làm Hiệp tán quân cơ Sơn Tây - Hưng Hóa. Triều Tây Sơn bổ chức Hàn lâm viện Thị thư, hai lần được cử sang sứ nhà Thanh (1789, 1795), làm quan đến chức Đông các Đại học sĩ, Thái sử Thư tả nghị lang, tước Nghi Thành hầu, sau thăng Trung thư sảnh Hữu đồng nghị. Đầu đời Gia Long nhận chiếu chỉ, chưa kịp nhận chức không may qua đời.

- Nguyễn Du: (em cùng mẹ với Nguyễn Đề) nhà thơ kiệt xuất, danh nhân văn hóa, tác giả Truyện Kiều nổi tiếng trong văn học Việt Nam và thế giới.

Nghĩ cụ Đại Tư đồ Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm danh cao đức trọng, sĩ nhân trong nước ngưỡng chiêm như sao Đẩu, sao Khuê, vinh hoa phú quý bậc nhất ở đất kinh kỳ. Khi cha làm Tế tửu Quốc tử giám thì con là Nguyễn Khản đỗ Tiến sĩ, khi vua ban yến thì cha tự tay cài bông hoa đỏ cho con. Lại khi cha làm Tham tụng đứng đầu Nội các thì con là Bồi tụng làm phó cho cha. Hổ phụ sinh hổ tử, không chỉ quan chức mà cả về văn học: Tố Như tử Nguyễn Du thơ chữ Hán Bắc hành thi tập đã hay mà Truyện Kiều quốc âm danh lừng thiên cổ, không chỉ đẹp tên Hồng Lam quê tổ mà còn làm đỉnh tháp tiêu biểu nước Nam văn hiến ngàn năm.

Công lao của bậc đại nho nguyên Tế tửu nguyên Tri Quốc tử giám Đại Tư đồ Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm vun trồng bồi đắp cho nền văn hiến ấy tưởng như ngày nay ai nấy còn cảm nhận được.

 

Chú thích:

1. Thế phả, tên chúng tôi gọi tắt bản phả chữ Hán Hoan Châu Nghi Tiên Nguyễn gia thế phả được nói đến ở dưới (xem chú 5).

2. Ngày 4 tháng 11 nhuận Quý Tị (26- 12-1593).

3. Khâm định Việt sử thông giám cương mục viết tắt là Cương mục.

4. Cương mục, Q.31- 5a

5. Trước đây, cụ Trần Văn Giáp đã theo ngày sinh này ghi trong Thế phả để tính ra ngày dương lịch. Hồi ấy Việt Nam chưa có niên lịch tính này, cụ phải căn cứ vào bảng Niên lịch thông thư của P. Choang, nhưng lịch này ghi năm Mậu Tí (1708) nhuận vào tháng 3, ngày can chi không khớp với lịch của P. Choang. Xem Trần Văn Giáp: Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, TVQG xuất bản, H. 1972. Nay cuốn lịch đối chiếu của Lê Thành Lân ghi năm ấy nhuận tháng Giêng, mà ngày Dương lịch cũng là ngày 6-3-1708. Các quy đổi ngày tháng âm lịch ra dương lịch trong bài này đều căn cứ theo Lê Thành Lân: Đối chiếu lịch dương với lịch âm của Việt Nam và Trung Quốc 2030 năm. Nxb. Giáo dục, H. 2007.

6. Phần thứ nhất cuốn Gia phả tập biên, sách chép tay, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu A.3075.

7. Quốc sử quán triều Lê soạn, sách chép tay. Bản dịch Ngô Thế Long - Nguyễn Kim Hưng, Nxb. KHXH, H. 1991.

8. Tứ trọng là 4 tháng giữa của 4 mùa - tức các tháng 2, 5, 8, 11 hàng năm. Sinh viên Quốc tử giám làm bài thi vào các tháng ấy.

9. Xem Đại Việt sử ký tục biên, Bản dịch, Nxb. KHXH, H, BD, tr.156.

10. Từ điển Bách khoa Việt Nam.

11. Từ điển văn học. Bộ mới. Nxb. Thế giới, H., Mục Nguyễn Nghiễm do Nguyễn Lộc viết.

12. ĐVSKTB, Bd, tr.314; Cương mục CB 43,13b.

13. Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí - Văn tịch chí. Cũng xem: Trần Văn Giáp: Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, T.I, tr.101.

14. Đại Việt sử ký tiền biên (ĐVSKTB), Ngô Thì Sĩ soạn, Ngô Thì Nhậm chỉnh lý. Sách in ván gỗ, Bắc Thành học đường tàng bản, Cảnh Thịnh thứ 8 (1800). Bản dịch Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Nxb. KHXH, H. 1997.

15. Hồng Ngư cư sĩ Nguyễn Hi Tư (tức Nguyễn Nghiễm) viết Tựa năm Cảnh Hưng Tân Dậu (1741) trong cuốn Danh gia thi tạp vịnh, A.1104.

16. Tân biên Thạch Hà Trảo Nha Ngô thị gia phả. Tiến sĩ Ngô Phúc Lâm soạn. Hồng Ngư cư sĩ đề Tựa năm Cảnh Hưng Mậu Thìn (1748).

(Xem bản PDF đính kèm có ảnh minh họa)
(Tạp chí Hán Nôm, Số 5(102) 2010; Tr.36-48).

Tải về nội dung chi tiết tại đây:  
In
Lượt truy cập: