Tạp chí Hán Nôm >> TCHN từ 2006 về sau >> Năm 2011 >> Số 1
Trịnh Khắc Mạnh
Thêm một số tư liệu Hán Nôm ghi chép về Hoàng Sa - Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam (Tạp chí Hán Nôm, Số 1 (104) 2011, Tr.43-51)

Cập nhật lúc 21h37, ngày 26/03/2013

THÊM MỘT SỐ TƯ LIỆU HÁN NÔM GHI CHÉP VỀ HOÀNG SA - TRƯỜNG SA THUỘC CHỦ QUYỀN VIỆT NAM

PGS.TS. TRỊNH KHẮC MẠNH

Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Biển đảo của Việt Nam có một vị trí hết sức quan trọng trong việc giữ gìn, bảo vệ an ninh đất nước. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, tháng 11 năm Đại Định thứ 22 (1161) đời vua Lý Anh Tông, nhà vua sai Tô Hiến Thành làm Đô tướng, Đỗ An Di làm Phó, đem 2 vạn quân đi tuần các nơi ven biển Tây Nam để giữ yên miền biên giới(1). Cũng theo sách Đại Việt sử ký toàn thư, năm Chính Long Bảo Ứng thứ 10 (1172) đời vua Lý Anh Tông, mùa xuân tháng 2, nhà vua lại đi tuần các hải đảo ở địa giới các bang Nam Bắc, vẽ bản đồ và ghi chép phong vật mang về(2). Đến thời Lê - Nguyễn, thư tịch Hán Nôm viết về biển đảo Việt Nam nói chung, đặc biệt về lập trường của nhà nước phong kiến Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được khẳng định chủ quyền lãnh thổ trong việc xây dựng và bảo vệ an ninh đất nước.

Theo điều tra bước đầu của chúng tôi, mảng thư tịch Hán Nôm viết về lập trường của nhà nước phong kiến Việt Nam xác định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên biển Đông được sao chép trong các loại tài liệu như: 1/ Bản đồ, v.v... có thể kể như: Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư 纂集天南四至路圖書, Toản tập An Nam lộ 纂集安南路, v.v... 2/ Thư tịch về lịch sử, địa chí, hội điển, v.v... có thể kể như: Đại Việt sử ký tục biên 大越史記續編, Phủ biên tạp lục 撫編雜錄, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ 欽定大南會典事例, Lịch triều hiến chương loại chí 歷朝憲章類誌, Hoàng Việt địa dư 黃越地與, Đại Nam nhất thống chí 大南一統志, Đại Nam thực lục 大南實錄, Quốc triều chính biên toát yếu 國朝正編撮要, Việt sử cương giám khảo lược 越史綱監考略, v.v... 3/ Các tập công văn, chiếu, tấu, biểu, sớ, v.v... có thể kể như: Châu bản triều Nguyễn 阮朝硃本, v.v... 4/ Các tập thơ, văn, tạp văn... có thể kể như: Mân hành thi thoại tập閩行詩話集, Đông hành thi thuyết東行詩說, Khải đồng thuyết ước 啟童說約v.v... Cho đến thời điểm hiện nay, chúng tôi đã sưu tập được hàng trăm đơn vị tài liệu Hán Nôm ghi chép về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thể hiện nhất quán lập trường quan điểm của nhà nước phong kiến Việt Nam đã từng quản lý hai quần đảo này. Các tài liệu ghi chép về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, là những tư liệu thuộc về Nhà nước quản lý, làm căn cứ pháp lý xác định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên biển Đông. Từ trước tới nay các nhà khoa học đã tập trung nghiên cứu khai thác mảng tư liệu Hán Nôm về bản đồ và lịch sử, địa chí, hội điển, v.v... để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở biển Đông. Trong bài viết này chúng tôi xin giới thiệu cùng bạn đọc hai mảng tư liệu viết về Hoàng Sa và Trường Sa khẳng định thuộc chủ quyền Việt Nam chưa được quan tâm đúng mức.

1/ Hoàng Sa và Trường Sa được ghi chép trong các tập công văn, chiếu, tấu, biểu, sớ

Trong các tập công văn, chiếu, tấu biểu, sớ, v.v... chúng tôi quan tâm trước hết đến các tài liệu Châu bản 硃本. Châu bản là các tập văn bản được vua ngự phê hay ngự lãm và có ghi bút tích bằng mực son. Qua các điều tra lưu trữ thì Châu bản hiện nay chỉ còn ở triều Nguyễn. Ở Trung tâm Lưu giữ Quốc gia I thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước đang quản lý 734 tập của các thời vua triều Nguyễn, mỗi tập có tới vài trăm văn bản(3). Viện Nghiên cứu Hán Nôm cũng đang quản lý 64 cuộn microfilm Châu bản triều Nguyễn do Thư viện Viện Harvard-Yenching Hoa Kì trao tặng(4). Châu bản là những tài liệu lịch sử còn giữ được nguyên bản và độc bản, mang đậm nét dấu ấn của một thời đại; là nguồn tư liệu hết sức có giá trị khi nghiên cứu lịch sử, chính trị, văn hóa, pháp luật, kinh tế, v.v... của đời sống xã hội đương thời.

Tài liệu Châu bản viết bằng chữ Hán chữ Nôm chúng ta đã công bố văn bản tìm thấy ở đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng ngãi)(5) và cũng được giới thiệu tóm tắt vài văn bản(6). Qua khảo cứu chúng tôi đã tìm thấy vài chục văn bản Châu bản triều Nguyễn ghi chép khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền lãnh thổ Việt Nam và do nhà nước phong kiến Việt Nam quản lý. Các vua triều Nguyễn đã sai người đi thăm dò, khảo sát đường biển, vẽ bản đồ cắm mốc ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ví dụ như: trong một bản tấu của Bộ Công năm Minh Mệnh thứ 17 (1836) ghi rõ vua chuẩn y sai Suất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật đem binh thuyền, mỗi thuyền mang theo 10 cọc gỗ viết to khắc sâu dòng chữ ghi rõ vào năm Minh Mệnh thứ 17 đến Hoàng Sa để cắm mốc, đánh dấu. Hay như văn bản năm Minh Mệnh thứ 19 (1838) do Bộ Công tâu trình trong một đợt đi khảo sát năm 1838, đoàn khảo sát đã đến được 25 đảo thuộc vùng thứ 3 và đoàn cũng vẽ được 4 bản đồ mang về dâng trình v.v... Sau đây chúng tôi xin giới thiệu nguyên văn hai văn bản Châu bản để bạn đọc tham khảo.

- Châu bản thứ nhất: ghi ngày 12 tháng 2 năm Minh Mệnh thứ 17 (1836). (Phần chữ Hán xem Phụ lục 1)

Dịch nghĩa:

Ngày 12 tháng 2 năm Minh Mệnh thứ 17 (1836).

Bộ Công phúc trình: Nay tiếp nhận công văn của Nội các vâng mệnh giao cho Bộ thần (trong đó) có Châu phê: Các thuyền được phái đi Hoàng Sa, mỗi thuyền mang 10 mộc bài (cột gỗ, mỗi cột dài 4 đến 5 thước, dầy 1 tấc)(a) viết to khắc sâu dòng chữ: Ghi họ tên viên Cai đội thủy quân năm Bính Thân Minh Mệnh thứ 17 vâng mệnh đi khảo sát Hoàng Sa. Đến Hoàng Sa thì cắm mốc đánh dấu. Hãy tuân mệnh.

Lần này, viên Chánh đội trưởng Thủy quân được cử đến Hoàng Sa là Phạm Hữu Nhật, giờ Mão hôm trước đã đi thuyền từ cửa Thuận An đến tỉnh (Quảng) Ngãi. Bộ thần xin cho chuẩn bị gấp cột gỗ đủ số, báo ngay cho tỉnh Quảng Ngãi, chuyển gấp (số cột gỗ ấy) cho viên này.

Vậy xin phúc trình.

Chú thích:

a/ Trong văn bản dòng chữ này do nhà vua Minh Mệnh viết bên cạnh chữ mộc bài.

- Châu bản thứ hai: ghi ngày 28 tháng 12 năm Thiệu Trị thứ 7 (1847) (Phần chữ Hán xem Phụ lục 2)

Dịch nghĩa:

Bộ Công tâu(a): Chiểu theo lệ, xứ Hoàng Sa thuộc cương giới trên biển của nước ta, hàng năm có phái binh thuyền đến thăm dò để thông thuộc đường biển. Ngày tháng 6 năm Thiệu Trị thứ 5 (1845), vâng theo lời Thánh dụ: năm Thiệu Trị thứ 6 (1846), hoãn việc phái binh thuyền [đi khảo sát], đến năm sau tiếp tục. Hãy tuân mệnh. Đến ngày tháng giêng năm nay, bộ thần đã trình đủ lý do xin tiếp tục, đã được Châu phê: cho (dừng lại). Vả lại sang xuân, đã đến kỳ đi khảo sát, mà việc cần thiết là phải chuẩn bị thật đầy đủ. Nhưng xét thấy lúc này công việc quá bận, nên việc đi khảo sát đầu xuân năm nay xin được dừng lại, đợi đến năm sau hãy cho tiếp tục. Vậy xin tâu trình đợi chỉ, [ để] chiểu theo thi hành.

Vậy xin tấu trình.

Thần Nguyễn Hữu Độ phụng khảo.

Thần Nguyễn Trực phụng soạn.

Thần Nguyễn Văn Điển, thần Trương Quốc Dụng, thần Nguyễn Đình Hưng phụng duyệt.

Chú thích:

a/ Trong văn bản có chữ “Đình” (dừng) do vua Thiệu Trị phê.

- Ngoài ra, trong các tập công văn, chiếu, tấu, biểu, v.v... cũng tìm thấy khá nhiều đoạn văn viết về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa khẳng định chủ quyền của Việt Nam. Ví dụ như: trong tác phẩm Minh Mệnh chính yếu 明命政要có đoạn ghi về Hoàng Sa như sau: “, . , . . (7)// (Thương thuyền nước Anh gặp nạn ở Hoàng Sa, hơn 90 người trôi dạt vào tỉnh Bình Định. Nhà vua sai tỉnh thần tuyên chỉ chẩn cấp, mọi người đều cúi đầu lạy tạ mãi. Sự cảm động trong lòng của họ thể hiện ra lời nói và khuôn mặt. Tỉnh thần đã tâu lên).

2/ Hoàng Sa và Trường Sa được ghi chép trong các tập thơ văn, tạp văn, v.v...

Trong các tập thơ văn cũng không ít các tư liệu viết về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đây là những ghi chép của các nhà thơ, nhà văn trong những chuyến công cán, họ ghi chép một cách trung thực hiện trạng lịch sử địa lý lúc bấy giờ. Theo chúng tôi đây cũng là những tài liệu không kém phần quan trọng khi sử dụng làm những căn cứ khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam. Xin nếu một số ví dụ:

- Trong tác phẩm Mân hành thi tập 閩行詩集 của Lý Văn Phức, phần Đông hành thi thuyết東行詩說 trong tập thơ có bài dẫn về Vạn lý Trường Sa như sau “, 西, , , , . . , , , . , 西, , , , , 日奄, , 滿, , 退, , (8)//(Vạn Lý Trường Sa là một dải cát trắng nhô lên từ giữa biển, phía Tây giáp biển Quảng Ngãi, phía Đông giáp biển Lã Tống (Philippines), Bắc giáp vùng biển hai tỉnh Quảng Đông và Phúc Kiến, kéo dài hàng vạn dặm, chiều ngang thì không biết bao nhiêu. Cho nên từ xưa đến nay nó được mệnh danh là xứ tuyệt hiểm. Thuyền bè qua lại, khi đến đây thường coi chỗ không nhìn thấy được làm mốc giới, có lẽ là chân bãi cát đó xa lắm, một khi đi lầm đường thì không sao quay lại chỗ cũ được. Ngày 14 tháng 5 thuyền đi từ Quảng Ngãi, đến góc phía Tây của trấn Bình Định, tính toán không sai phân kim theo hướng Mão Ất mà đi, nào ngờ gió thổi ngược, nước nổi cuồn cuộn, thuyền đi theo đường không thể tiến lên phía trước được. Đến trưa ngày hôm sau, bỗng nhìn thấy một dải cát lờ mờ, sắc trắng tới tận chân trời, mọi người trên thuyền trong lòng xốn sang, mắt chớp liên hồi, vội chuyển buồm theo hướng Dậu trở về lại Quảng Ngãi, đậu thuyền ở Cần Tảo, may được vô sự).

- Tác phẩm Khải đồng thuyết ước啟童說約do Phạm Vọng范望(tức Phạm Phục Trai 范復齋) soạn thảo và Ngô Thế Vinh 吳世榮 nhuận sắc, là sách giáo khoa dạy trẻ em các kiến thức về xã hội. Trong sách ở mục dạy địa lý cho trẻ em có bản đồ ghi Hoàng Sa thuộc Việt Nam(9).

3/ Đôi lời đề xuất

Tư liệu Hán Nôm viết về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ trước tới nay được các nhà khoa học tập trung khai thác và nghiên cứu ở hai mảng chủ yếu là tài liệu bản đồ vàthư tịch về lịch sử, địa chí, hội điển, v.v... Tuy nhiên, ngay cả những mảng tài liệu này cũng chưa được sưu tập đầy đủ, ví như: tác phẩm Càn khôn nhất lãm 乾坤一覽của Phạm Đình Hổ, có đoạn viết về Trường Sa như sau: “. , . (10)// (Mỗi năm vào tháng quí đông (tháng 12), [ có ] 18 chiếc thuyền đến đây thu nhặt đồ vật, phần nhiều thu lấy được các loại tiền vàng, súng đạn. Từ cửa Đại Chiêm vượt biển đến đây mất 1 ngày rưỡi. Từ cửa Sa cửa Đại Chiêm vượt biển đến đây mất 1 ngày rưỡi. Từ cửa Sa Kỳ vượt đến đây mất nửa ngày. Xứ Trường Sa cũng có đồi mồi...).

Tác phẩm Hoàn vũ ký văn 寰宇紀聞 của Nguyễn Thu hiệu Tĩnh Sơn, mục Sản vật có đoạn ghi: “ . . , . , , . 渚中多文螺(俗氵火(沃)(a)王車氵渠, , ) . . : 使. , . , . (11) // (Lại xét rằng ngoài vùng biển Quảng Ngãi có đảo Hoàng Sa. Từ bờ ra biển thuận gió phải ba bốn ngày đêm mới đến đảo. Đảo ấy núi trùng điệp, vùng dưới núi có nước ngọt. Giữa đảo có bãi cát vàng dài khoảng 30 dặm, nước rất trong, quanh đảo nhiều chim lạ. Trong đảo có nhiều ốc văn (tục gọi là ốc tai, ốc xà cừ, vỏ của nó có thể làm đồ trang sức, có loại nổi tiếng đem muối nấu lên ăn rất ngon) lại có cả hải sâm. Lại tương truyền các thuyền gặp nạn hàng hóa chìm ở đây. Theo sách cũ ghi rằng: "buổi đầu dựng nước, đặt đội Hoàng Sa thường lấy dân thôn An Vĩnh huyện Bình Sơn sung vào. Hàng năm tháng 3 cho ra biển thu lấy hải vật, tháng 8 mang về nộp. Gần đây, khoảng năm Minh Mệnh (1820 - 1840) thường sai thuyền quan đến xứ này, không chỉ thu lượm hải vật mà còn thăm dò đường biển. Việc thu lượm hải vật có lẽ không thật nhiều lắm).

Chú thích:

a/ Trong văn bản đọa văn này viết nhỏ. Chữ氵火chúng tôi đoán là chữ (ốc).

Tác phẩm Thiên tải nhàn đàm 載閒談 do Đàm Nghĩa Am biên tập năm Gia Long thứ 19 (1820) có bản đồ ghi chú về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa(12)thuộc chủ quyền Việt Nam.

Nay bài viết giới thiệu những tư liệu Hán Nôm về các mảng là những tập công văn, chiếu, tấu, biểu, sớ, v.v... hay các tập thơ, văn, tạp văn, v.v...; mở rộng hướng sưu tập tư liệu, góp phần làm phong phú các tư liệu Hán Nôm viết về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc lãnh thổ, chủ quyền Việt Nam trải qua nhiều thế kỷ.

Tư liệu Hán Nôm viết về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là những tài liệu rất có giá trị, góp phần quan trọng vào việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này. Để có được một sưu tập tư liệu Hán Nôm hoàn chỉnh về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhằm quản lý và công bố các tư liệu này, chúng tôi đề nghị:

- Tư liệu Hán Nôm viết về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa hiện chưa được sưu tầm, nghiên cứu khai thác đầy đủ; còn khá nhiều tư liệu ở các thư viện, trong các dòng tộc, gia đình trong nước và ở nước ngoài; nên cần có một kế hoạch sưu tầm, nghiên cứu tổng thể về các tư liệu Hán Nôm viết về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nói riêng, về biển Đông nói chung ở trong nước và ngoài nước.

- Cần có kế hoạch bảo quản, quản lý các tư liệu này theo một chế độ tài liệu đặc biệt, để đảm bảo bản quyền văn bản.

- Áp dụng công nghệ tin học để quản lý các tài liệu này, như quét scaner và lưu vào các phương tiện mang tin điện tử.

- Xây dựng kế hoạch, chế độ công bố các tài liệu Hán Nôm viết về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa dưới dạng các bài thông báo, nghiên cứu trên các tạp chí khoa học, để quảng bá rộng rãi những giá trị của các tài liệu Hán Nôm viết về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, khẳng định chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

 

Chú thích:

(1) Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 1, bản dịch, Nxb. KHXH, H. 1998. tr.323.

(2) Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 1, bản dịch, Nxb. KHXH, H. 1998. tr.325.

(3) Mục lục Châu bản triều Nguyễn, tập 1, Nxb. Văn hóa - Thông tin, H. 2010, tr.VI.

(4) Xem bài Trịnh Khắc Mạnh: Công tác sưu tầm tư liệu Hán Nôm ở nước ngoài của Viện Nghiên cứu Hán Nôm trong thời gian gần đây, Tạp chí Hán Nôm, Số 3 (89)-2008.

(5) Nguyễn Đăng Vũ - Nguyễn Xuân Diện: Khảo cứu tư liệu Lý Sơn, trong Thông báo Hán Nôm học năm 2009, Nxb. Thế giới, H. 2010.

(6) Nguyễn Nhã: Quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Luận án Tiến sĩ Lịch sử, bảo vệ tại Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, năm 2002.

(7) Minh Mệnh chính yếu明命政要, kí hiệu VHv. 1254/1-12.

(8) Mân hành thi tập閩行詩集, A.1250

(9) Khải đồng thuyết ước啟童說約. VHv.1488.

(10) Càn khôn nhất lãm 乾坤一覽,A.414.

(11) Hoàn Vũ ký văn寰宇紀聞, A.585.

(12) Thiên tải nhàn đàm 載閒談, A.584.

(Tạp chí Hán Nôm, Số 1 (104) 2011, Tr.43-51)

In
Lượt truy cập: