Tạp chí Hán Nôm >> TCHN từ 2006 về sau >> Năm 2011 >> Số 3
Trần Chính Hoằng
Thư tịch chữ Hán Việt Nam được khắc in ở Trung Quốc (Tạp chí Hán Nôm, Số 3 (106) 2011, Tr.29 - 44)

Cập nhật lúc 12h03, ngày 31/03/2013


THƯ TỊCH CHỮ HÁN VIỆT NAM
ĐƯỢC KHẮC IN Ở TRUNG QUỐC(1)

GS. TRẦN CHÍNH HOẰNG

Sở Nghiên cứu chỉnh lí cổ tịch, Đại học Phúc Đán, Trung Quốc

Từ trước đến nay chưa thấy có ai đề cập đến thuật ngữ “đại khắc bản 代刻本”. Bài viết dùng thuật ngữ này để chỉ loại thư tịch trong kho tàng thư tịch chữ Hán vùng Đông Á xưa được hình thành bằng cách tác giả hoặc người biên tuyển nước này nhờ cá nhân hoặc tổ chức liên quan đến xuất bản của nước khác san khắc(2) cho trước tác hoặc tác phẩm biên soạn, biên tuyển của mình. Nếu xét theo góc độ văn bản học, bản khắc này đương nhiên là thư tịch chữ Hán của đất nước có tác giả hoặc người biên tuyển ra nó. Nhưng nếu xét theo phương diện văn bản thực tế, thì văn bản này lại thể hiện rõ diện mạo bên ngoài từ đất nước có người hoặc tổ chức xuất bản đã san khắc quyển sách đó.

Trong kho tàng thư tịch chữ Hán của Việt Nam hiện có một số văn bản do Trung Quốc khắc. Phần lớn trong số đó đều là văn bản do các thư phường ở Quảng Đông (đặc biệt là thư phường Phật Sơn) san khắc cho Việt Nam. Người đầu tiên chú ý, đồng thời đã tiến hành điều tra mảng thư tịch chữ Hán Việt Nam này, cũng như mối quan hệ giữa chúng với Phật Sơn, là Trần Khánh Hạo tiên sinh, người đang sinh sống ở Pháp(3). Tuy nhiên, do điều kiện hạn chế, ông Trần Khánh Hạo mới chỉ nêu một số tên sách có liên quan, và rất lấy làm tiếc vì không thể nắm bắt được tình hình cụ thể về văn bản Phật Sơn Trung Quốc khắc trong kho tàng thư tịch chữ Hán Việt Nam.

Từ năm 2007 đến nay, nhân tham gia công tác biên soạn bộ Việt Nam Hán văn Yên hành văn hiến tập thành, công trình hợp tác giữa Viện Nghiên cứu Văn sử Đại học Phúc Đán với Viện Nghiên cứu Hán Nôm, người viết bài này đã có cơ hội tiếp xúc với khá nhiều thư tịch chữ Hán Việt Nam. Từ đó, người viết phát hiện ra rằng trong các văn bản chữ Hán hiện đang lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam như Đông Nam tận mĩ lục ghi chép một số tư liệu lịch sử có liên quan đến bản Quảng Đông khắc; hơn nữa, chính bản thân chúng cũng là bản Quảng Đông khắc. Bên cạnh đó, Thư viện Quốc gia Trung Quốc cũng lưu giữ hai bộ thư tịch chữ Hán Việt Nam bản in giấy Trung Quốc là Nam Kì lục tỉnh địa dư chíHoàng Việt địa dư chí. Qua khảo sát cho thấy, Nam Kì lục tỉnh địa dư chí cũng là bản Phật Sơn khắc. Nhân Hội thảo khoa học quốc tế về "Xuất bản ấn loát với việc hoàn lưu tri thức - Đông Á sau thế kỉ XVI", chúng tôi xin giới thiệu đến chư vị học giả các kết quả nghiên cứu có liên quan.

I. Tư liệu lịch sử về bản Quảng Đông khắc trong Đông Nam tận mĩ lục

Đông Nam tận mĩ lục không phân quyển, bản khắc in lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu A.416. Tác giả Đặng Huy Trứ (1825 - 1894), tự Hoàng Trung, hiệu Tỉnh Trai, người Bác Vọng Quảng Điền Việt Nam. Năm thứ 3 niên hiệu Thiệu Trị đời Nguyễn (1843), ông đỗ Cử nhân, năm Thiệu Trị thứ 7 (1847) đỗ Tiến sĩ. Ông làm quan trải các chức Thông phán Thanh Hóa, Tri huyện Quảng Xương, vào Hàn lâm viện, sau lại ra ngoài làm Bố chánh Quảng Nam. Ông hai lần phụng mệnh đi sứ sang Quảng Đông Trung Quốc vào các năm Ất Sửu niên hiệu Tự Đức thứ 18 (1869) và năm Đinh Mão niên hiệu Tự Đức thứ 20. Cuốn sách này chính là vựng tập thơ văn xướng họa, tặng đáp giữa ông với bạn bè trong khoảng thời gian ông lưu trú ở Quảng Đông.

Dòng hàng ngang trên cùng ở trang bìa trong sách ghi “Tự Đức Mậu Thìn đông thập nguyệt tử thành” (Khắc xong tháng 10 mùa đông năm Mậu Thìn niên hiệu Tự Đức). Bên dưới chia làm 3 hàng dọc, thứ tự từ trái sang phải là “Vọng Tân Tỉnh Trai Đặng Hoàng Trung biên tập/ Đông Nam tận mĩ lục/ Đặng quý từ đường tàng bản”. Năm Mậu Thìn niên hiệu Tự Đức tức là năm Tự Đức thứ 21, tương đương với năm Đồng Trị thứ 7 nhà Thanh. Đặng quý từ đường tức là từ đường của dòng họ Đặng xây dựng ở Quảng Nam Việt Nam để thờ cúng phụ thân của Đặng Huy Trứ là Đặng Dị Trai, tên đầy đủ là “Đặng quý tiểu tôn từ đường”(4).

Phần chính văn được sắp xếp theo thể tài văn học. Đầu tiên là phần Thi (thơ xướng họa phần đa đều có phụ nguyên vận hoặc họa tác), tiếp đến là phần Tự (bao gồm thư tự hoặc tặng tự), sau đó lần lượt là phần Biển (đề biển), Liên (đối liên). Trong từng thể văn này, phần lớn các tác phẩm lại được sắp xếp theo thứ tự thời gian sáng tác. Bên dưới nhan đề các tác phẩm thơ văn, hoặc bên trong chính văn, hoặc cuối thiên đều có hai hàng chú thích cỡ chữ nhỏ. Những chú thích đó hoặc là chú thích vốn có của tác phẩm, hoặc là do họ Đặng thêm vào khi biên tập tác phẩm mà ta không thể dễ dàng phân biệt được. Trong đó có những tư liệu lịch sử liên quan đến bản Quảng Đông khắc. Xin xem bài Thập Giới viên Lương Huệ Tồn thư tặng ở phần thơ ca. Bài thơ như sau:

Dương thành khoái đổ sứ tinh lâm,

Thập Giới viên trung tống hảo âm.

Gia thặng ân cần ngôn hành lục,

Tôn quy khoản khúc hiếu liêm châm.

Bách niên vận sự tồn lê táo,

Vạn cổ thanh danh bá kim thạch.

Đường ngạc lan nha trùng chí hỉ,

Thử hồi thi họa đáng dao lâm.

Tạm dịch nghĩa là:

Dương thành vui mừng được thấy sứ giả đến,

Đưa tin tức tốt lành đến Thập Giới viên.

Gia phả ân cần ghi chép lời nói và việc làm,

Khuôn phép chất chứa bày tỏ bài học hiếu liêm.

Việc tốt trăm năm lưu lại trong sách vở,

Thanh danh muôn kiếp khắc ghi trên bia đá chuông đồng.

Anh em quý hiển vui mừng gặp chí nhau,

Bấy giờ tài thi họa đều xứng đáng là những bậc cao siêu.

Theo phàm lệ biên soạn của Đông Nam tận mĩ lục thì ý tứ nhan đề bài thơ Thập Giới viên Lương Huệ Tồn thư tặng này được viết để tặng chủ nhân của Thập Giới viên là Lương Huệ Tồn. Thế nhưng, hai hàng chữ chú nhỏ bên dưới tên Lương Huệ Tồn ở đầu đề bài thơ lại viết là: “Nam Hải huyện Phật Sơn trấn nhân, Ngũ Vân lâu Lương Dật Đường tòng đệ” (Em họ Lương Dật Đường ở Ngũ Vân lâu, thuộc trấn Phật Sơn, huyện Nam Hải). Đồng thời, hai hàng chữ chú nhỏ bên dưới câu thơ “Thập Giới viên trung tống hảo âm” lại viết là: “Ta đến đất Việt, từng đưa khắc các bộ sách Đặng Hoàng Trung thi sao, Tứ thập bát hiếu thi họa, Từ thụ yếu quy, Đặng Dị Trai ngôn hành lục, Bách duyệt tập, đều do một tay Huệ Tồn cả”. Cả hai đoạn chú này đều do tác giả Đặng Huy Trứ chú thêm. Cũng chính những đoạn chú này đã cung cấp nguồn tư liệu lịch sử cụ thể về một vị chủ nhân thư phường ở Phật Sơn đã khắc sách chữ Hán cho vị sứ thần người Việt Nam. Đó là vị chủ nhân họ Lương, tên là Huệ Tồn, ở thư phường tên Thập Giới viên đã san khắc cho người họ Đặng đến từ Việt Nam các bộ sách Đặng Hoàng Trung thi sao, Tứ thập bát hiếu thi họa, Từ thụ yếu quy, Đặng Dị Trai ngôn hành lục, Bách duyệt tập.

Ở phần Biển cũng tức là đề biển sách Đông Nam tận mĩ lục cũng có một câu của Đặng Huy Trứ “Đặng Dị Trai ngôn hành lục tử thành tặng Thập Giới viên Lương Huệ Tồn” (Khắc xong sách Đặng Dị trai ngôn hành lục tặng Lương Huệ Tồn ở Thập Giới viên). Nội dung biển là “Toại ngã hiếu tâm” (Thỏa lòng hiếu thảo của ta). Bên dưới nhan đề có ghi thời gian biên soạn là “bát nguyệt thập ngũ nhật” (ngày 15 tháng 8)(5). Trước đó một bài, dưới đầu đề bài Tặng Lê Hoa phủ ghi chú là “Mậu Thìn bát nguyệt thập ngũ” (ngày 15 tháng 8 năm Mậu Thìn). Và bên dưới tiêu đề bài Thân tặng Lí Thiệu Vinh ở ngay sau đó cũng chú “Cửu nguyệt sơ cửu nhật” (ngày mồng 9 tháng 9). Theo cách thức sắp xếp thứ tự của cuốn sách này, có thể biết mục chú “bát nguyệt thập ngũ nhật” ở bên dưới tiêu đề bài Đặng Dị Trai ngôn hành lục tử thành tặng Lương Huệ Tồn cũng tức là ngày 15 tháng 8 năm Mậu Thìn niên hiệu Đồng Trị thứ 7 (1868). Lúc này, cuốn sách Đặng Dị Trai ngôn hành lục do Thập Giới viên khắc đã khắc xong. Trong khi đó, Đông Nam tận mĩ lục lại căn cứ vào trang bìa trong ghi là “Tự Đức Mậu Thìn đông thập nguyệt tử thành” (Tháng 10 mùa đông năm Mậu Thìn niên hiệu Tự Đức khắc xong), thì thấy là thời gian hoàn công bốn cuốn sách Đặng Hoàng Trung thi sao, Tứ thập bát hiếu thi họa, Từ thụ yếu quyBách duyệt tập do họ Đặng sáng tác và biên soạn Thập Giới viên khắc không thể muộn hơn tháng 10 năm Mậu Thìn niên hiệu Đồng Trị thứ 7 (1868) (tức năm thứ 21 niên hiệu Tự Đức triều Nguyễn Việt Nam)

II. Hiện trạng những văn bản Quảng Đông khắc hiện đang lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Bản Đặng Dị Trai ngôn hành lục do Thập Giới viên ở Quảng Đông khắc vào trung thu năm Đồng Trị thứ 7 (1868) hiện khó mà tìm được tung tích. Thế nhưng, bốn cuốn sách có tên trong Đông Nam tận mĩ lụcĐặng Hoàng Trung thi sao, Tứ thập bát hiếu thi họa, Từ thụ yếu quyBách duyệt tập hiện đều được lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Hơn nữa, chúng ta đều có thể chứng minh được rằng mộc bản của những cuốn sách này đều do Thập Giới viên khắc ván.

Trong 4 cuốn sách nêu trên, đáng chú ý trước hết là cuốn Bách duyệt tập. Sách không phân quyển, kí hiệu lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm là VHv.2395. Dòng đầu tiên trên đầu trang bìa trong của nguyên bản đề: “Tự Đức Mậu Thìn đông thập nguyệt cung thuyên” (Tháng 10 mùa đông năm Mậu Thìn niên hiệu Tự Đức kính khắc). Bên dưới từ trái sang phải gồm 3 hàng dọc, lần lượt là: “Vọng Tân Tỉnh Trai Hoàng Trung Đặng Huy Trứ biên tập/ Bách duyệt tập/ Đặng quý từ đường tàng bản”. Ở quyển thủ có lời tựa của Đặng Huy Trứ như sau:

“Nay là tháng 7 mùa thu, nhân dịp đại khánh vạn thọ tứ tuần Hoàng thượng, mở ân khoa thi Hương, em trai Song Giang Huy Xán đỗ Cử nhân đệ cửu danh. Ngày 18 tháng trước, buổi sớm khởi hành trong chuyến đi làm khách, nhận được tiệp báo của Tú tài Trương Hoài Anh người Quảng Nam, khi cầm đọc vừa mừng mà lại vừa lo... Nhớ lại khi đó, tình hữu ái trong ta trào dâng, bất chợt thiên cơ bộc phát, có làm được một bài thơ Đường luật, đem khoe với chư vị yêu thơ ở Ngũ Dương. Họ đều bảo rằng: “Quan san vạn dặm, mà làm được bài thơ hay dường ấy là việc may hiếm có vậy, sao có thể không có lời chúc mừng được chăng?”. Được ít hôm sau, họ tặng cho 27 bài thơ Đường. Ta đọc duyệt thấy thực đã đạt được cái ý tụng bất vong quy (ca tụng không vượt quá giới hạn) của cổ nhân, đâu phải chỉ là những lời tâng bốc quá đáng. Bèn biên tập thành sách, đặt tiêu đề là Bách duyệt tập, lại đem khắc ván để lưu truyền mãi về sau. Sớm ngày lành tháng 10 mùa đông năm Mậu Thìn niên hiệu Tự Đức thứ 21, khâm phái sang Đông công cán, Hồng lô Tự khanh Biện lí Hộ bộ, Giải nguyên khoa Đinh Mùi, Vọng Tân Tỉnh Trai Hoàng Trung Đặng Huy Trứ viết tựa tại ngụ xá ở Bảo Châu, Hà Nam, Ngũ Dương”.

Từ dòng chữ trên trang bìa trong “Tự Đức Mậu Thìn đông thập nguyệt” (tháng mười mùa đông năm Mậu Thìn niên hiệu Tự Đức) và cùng câu cuối của lời tựa “Tự Đức vạn vạn niên chi nhị thập nhất tuế Mậu Thìn đông thập nguyệt cốc đán” (Ngày lành tháng 10 mùa đông năm Mậu Thìn niên hiệu Tự Đức thứ 21), đến việc đối chiếu với nội dung cuốn sách; cùng việc khảo sát nửa trang bìa trong, 4 trang lời tựa và 14 trang chính văn đều là chất giấy dó miền Nam Trung Quốc chất mỏng hơi vàng(6), cho thấy cuốn sách này là nguyên bản in của bản Thập Giới viên Quảng Đông khắc mà bài viết đã dẫn Đông Nam tận mĩ lục để thảo luận ở phần trên.

Điều thú vị là ở chỗ, khi đối chiếu với bản Bách duyệt tập với Đông Nam tận mĩ lục chúng tôi phát hiện ra rằng hai cuốn sách này không chỉ giống nhau về thời điểm san khắc, mà ngay cả hình thức văn bản trang bìa trong cũng hoàn toàn giống nhau, khung in phần chính văn cũng tương đương nhau(7), hàng khoản tuy khác nhau(8), song phần khoảng trắng, đuôi cá đơn, hình thức trang trí viền đôi bốn xung quanh, và cả khung ngoài hơi thô đều hoàn toàn giống nhau. Điều quan trọng nhất là Đông Nam tận mĩ lục cũng được in bằng loại giấy dó miền Nam Trung Quốc hệt như thế (chỉ có điều do trạng thái bảo quản trước khi tu bổ hơi khác nhau, cho nên chất giấy hơi ngả xám). Đối chiếu với nhật trình khởi hành của Đặng Huy Trứ từ Trung Quốc trở về nước lúc bấy giờ là ngày 11 tháng 11 năm Mậu Thìn niên hiệu Đồng Trị thứ 7(9), cũng là lúc khắc xong toàn bộ sách Đông Nam tận mĩ lục. Chính vì thế, chúng tôi càng có lí do để khẳng định rằng cuốn sách Đông Nam tận mĩ lụcBách duyệt tập hiện đang lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm đều là nguyên bản in của văn bản do Thập Giới viên ở Quảng Đông khắc.

Qua đối chiếu so sánh, kết quả cho thấy tình hình văn bản cuốn Đặng Hoàng Trung thi saoTứ thập bát hiếu thư họa toàn tập tương đối phức tạp bởi những văn bản Viện Nghiên cứu Hán Nôm hiện đang lưu giữ mà chúng tôi được thấy rõ ràng là đều được in bằng giấy của Việt Nam. Hơn nữa, quyển cuối của sách Đặng Hoàng Trung thi sao - thảo sao thứ 12 (quyển thứ 12) lại là tác phẩm mà tác giả Đặng Huy Trứ sáng tác sau khi trở về nước.

Đặng Hoàng Trung thi sao là thi tập cá nhân của Đặng Huy Trứ, kí hiệu Viện Nghiên cứu Hán Nôm là VHv.833/1-6. Hình thức trang bìa trong cũng tương tự như bản Đông Nam tận mĩ lục, gồm 3 hàng dọc, lần lượt là “Tự Đức Mậu Thìn thu thất nguyệt tân tuyên/Đặng Hoàng Trung thi sao/ Đặng quý thư đường tàng bản”, nét chữ cũng hoàn toàn giống Đông Nam tận mĩ lục. Mặt sau của trang bìa trong có lời san như sau: “Bản sao này được tuyển tập vào tháng 7 mùa thu năm Ất Sửu, tháng 4 mùa hạ năm Mậu Thìn biên tập xong và đưa khắc ván gỗ, tháng 7 mùa thu thì hoàn thành. Người theo việc chấp bút này là thí sinh Trương Hoài Dụ người Minh Hương Quảng Nam, và viên quan nhỏ Nguyễn Đình Lượng người Bình Chuẩn Tương Mai Hà Nội. Người sửa lại ván gỗ là Lương Huệ Tồn ở Song Môn Quảng Đông đến Thập Giới viên”.

Căn cứ vào lời san này, cùng liên hệ với các câu trong sách như: “Tự Đức Mậu Thìn Trung nguyên” (Tiết Trung nguyên năm Mậu Thìn niên hiệu Tự Đức), “Thị sao phàm thập hựu nhất thảo, hậu hữu tác, như bất cập tử” (Sao này gồm 11 thảo, về sau sáng tác thêm nhưng không kịp khắc in) trong lời tựa mà tác giả họ Đặng “Thư vu Ngũ Dương thành Hà Nam Bảo Châu ngụ xá” (Viết tại ngụ xá Bảo Châu Hà Nam thành Ngũ Dương) thì có thể biết được rằng nguyên bản sách Đặng Hoàng Trung thi sao chỉ có 11 quyển, việc viết chữ do Trương Hoài Dụ và Nguyễn Đình Lượng người Việt Nam đảm nhiệm, còn việc san khắc do Thập Giới viên ở Quảng Đông Trung Quốc tiến hành, thời gian hoàn công vào tháng 7 năm Mậu Thìn niên hiệu Đồng Trị nhà Thanh năm thứ 7 (1868).

Chúng tôi đã khảo sát khá kĩ văn bản bộ Đặng Hoàng Trung thi sao hiện đang lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm và phát hiện ra rằng ở quyển 12 (nguyên đề trong sách là “Thập nhị thảo sao”) gồm các tác phẩm của Đặng Huy Trứ sáng tác sau khi trở về nước, kiểu chữ hơi khác so với 11 quyển trước, trong khi đó cả bộ sách được in trên giấy Việt Nam. Do đó, bộ sách này có thể là bản khắc dựa trên cơ sở bản Đặng Hoàng Trung thi sao do Thập Giới viên khắc rồi khắc thêm quyển thứ 12 và in lại ở Việt Nam.

Một tác phẩm nữa do Đặng Huy Trứ biên soạn là Tứ thập bát hiếu thi họa toàn tập, không phân quyển, kí hiệu AC.16 Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Đây có lẽ cũng là bản Việt Nam in lại dựa trên bản Thập Giới viên khắc. Lí do là vì trang bìa trong có đặc điểm tương tự các văn bản đã nêu ở trên, cũng có ba hàng dọc viết bằng chữ khải: “Tự Đức Đinh Mão đông tân thuyên/ Tứ thập bát hiếu thi họa toàn tập/ Đặng Hoàng Trung gia thảo”. Hơn thế nữa, hình thức khung in chính văn cũng gần giống Đông Nam tận mĩ lục. Lời tựa ở quyển thủ viết rằng:

“Mùa xuân năm Đinh Tị, ta ở Hòa Vang, lần lượt thu thập được thi họa về nhị thập tứ hiếu do Lí Văn Trinh [ƒ](10), lòng lấy làm vô cùng mừng rỡ. Bèn gom lại và đề thơ, khiến cho kẻ trẻ tuổi tập tành(11) nhân việc lại được thơ, nhân thơ lại được họa. Về sau, thơ được ghi chép lại còn họa thì thất truyền... Đến mùa hạ năm..., lại có dịp sang Quảng Đông, gặp được người vẽ giỏi vẽ lại sự tích ở bên trái bài thơ, nhân đó mà xếp riêng thành tập, đặt nhan đề là Tứ thập bát hiếu thi họa, rồi đem khắc in để lưu truyền mãi mãi... Ngày rằm tháng 10 mùa đông năm Đinh Mão niên hiệu Tự Đức năm thứ 20, Khâm phái sang Đông công cán, Cáo thụ Trung Thuận đại phu Hồng lô Tự khanh Biện lí Hộ bộ sự vụ, Giải nguyên khoa Đinh Mùi, con của Vọng Tân Tỉnh Trai Hoàng Trung Đặng Huy Trứ viết tại cửa đông ngụ xá Trường Canh Hà Nam Quảng Đông”.

Qua đây có thể thấy, rằng năm Đinh Mão niên hiệu Tự Đức thứ 20 (tức niên hiệu Đồng Trị nhà Thanh năm thứ 6, 1867), tác giả họ Đặng vẫn còn ở Quảng Đông. Trong khi đó, phần ghi chép trong Đông Nam tận mĩ lục trích dẫn ở trên cho thấy rằng tác giả họ Đặng đã nhờ Thập Giới viên ở Quảng Đông khắc Tứ thập bát hiếu thi họa toàn tập. Vì thế, văn bản Tứ thập bát hiếu thi họa toàn tập “khắc mới vào mùa đông năm Đinh Mão niên hiệu Tự Đức” phải là bản do Thập Giới viên ở Quảng Đông khắc. Tuy nhiên, cũng tương tự như hiện trạng văn bản sách Đặng Hoàng Trung thi sao đã nêu ở trên, chúng ta cần suy xét trường hợp bộ Tứ thập bát hiếu thi họa toàn tập hiện đang lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm được in bằng giấy Việt Nam. Có nhiều chiều hướng để suy đoán, song cách lý giải hợp lý nhất phải chăng đây là bản in sau ở Việt Nam do tác gia họ Đặng đem ván sách từ Trung Quốc về nước rồi đem in(12).

Từ thụ yếu quy gồm 4 quyển. Theo Việt Nam Hán Nôm văn hiến mục lục đề yếu do Vương Tiểu Thuẫn chủ biên, đây là bản khắc trên cơ sở của bản “Tự Đức Mậu Thìn niên 1868 ấn vu Đặng quý tộc từ đường” (Năm Mậu Thìn niên hiệu Tự Đức 1868 in tại từ đường họ Đặng quý) hiện đang lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm(13). Tuy nhiên, do nguyên bản bị hư hại nhiều, tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm người viết chỉ được đọc nguyên bản của quyển 3 và quyển 4 đóng gộp thành một tập, chứ chưa được đọc tập khác gồm quyển 1 và quyển 2 có thể có chứa trang bìa trong. Thể chữ ở quyển 3 và quyển 4 đều là thể chữ Tống điển hình cuối đời Thanh. Văn bản được in bằng giấy tre (trúc chỉ) Trung Quốc màu vàng nhạt. Nếu như bộ Việt Nam Hán Nôm văn hiến mục lục đề yếu không nhầm về niên đại san khắc, thì rất có thể bộ sách này cũng là nguyên bản in của bản do Thập Giới viên ở Quảng Đông khắc.

III. Về Thập Giới viên và Ngũ Vân lâu thuộc thư phường ở Việt Đông xung quanh tác phẩm Đông Nam tận mĩ lục

Thập Giới viên còn gọi là Việt Đông Thập Giới viên, là nơi ít nhiều có tiếng tăm trong giới xuất bản ở Quảng Đông thời vãn Thanh. Từ năm Đạo Quang thứ 16 (1836), nơi đây đã san khắc bộ tiểu thuyết thông tục Ngũ hổ bình tây tiền truyện(14). Năm Đạo Quang thứ 27 (1847), khắc bộ Hiếu kinh(15). Vào khoảng niên hiệu Đồng Trị, sách khắc ở thư phường này thịnh vào bậc nhất. Nơi đây không chỉ khắc bộ Chiến quốc sách(16) do Trương Tinh Trưng người đời Thanh bình điểm, mà còn khắc cả sách y học Bình cầm thư ốc diệp án quát yếu(17). Mãi đến năm Quang Tự thứ 16 (1890), thư phường này vẫn còn xuất bản bộ tiểu thuyết Thiên Môn trận diễn nghĩa thập nhị quả phụ chinh tây(18).

Ở phần Liên của sách Đông Nam tận mĩ lục có câu đối Thập Giới viên Lương Lệ Phố nhân Song Giang đệ lĩnh giải tiệp báo đề tặng Đặng tộc từ đường và câu đối Đặng Huy Trứ đáp tặng lại Đáp tặng Lương Lệ Phố. Đây có thể là những bằng chứng tương hỗ kết hợp với hiện trạng các văn bản nêu trên tạo thành nguồn tư liệu lịch sử liên quan đến vấn đề Thập Giới viên khắc sách. Dưới cái tên Lương Lệ Phố trong đôi câu đối của tác giả họ Lương, Đặng Huy Trứ chú thích tên ông là “Nghi Miễn”, “người trấn Phật Sơn huyện Nam Hải, Giám sinh, Quân công lục phẩm đỉnh đới, phụng Chánh đại phu, thọ 76 tuổi”, là “chú của Lương Huệ Tồn”. Trong đôi câu đối Đáp tặng Lương Lệ Phố khen người họ Lương là “Ngũ phẩm Quân công bát tuần tấn thọ, chấp truyền thế đức tứ đại đồng đường” (Làm quan tới bậc Ngũ phẩm Quân công, hưởng thọ tám mươi tuổi; gia tộc suốt 20 thế hệ đức hạnh, cùng chung sống 4 đời). Từ đây có thể suy đoán rằng, Thập Giới viên của họ Lương ở Phật Sơn không phải là thư phường cá nhân của Lương Huệ Tồn mà là thư phường của gia tộc. Hơn nữa, gia tộc này có một vị thế quan chức nhất định.

Thế nhưng, Thập Giới viên tuy là hiệu sách của họ Lương ở Phật Sơn, nhưng cơ sở của nó không phải ở Phật Sơn mà là ở Quảng Châu. Điều này có thể nắm bắt được nét đại lược qua câu đầu “Bệnh cốt tư thư đáo Tuệ Thành” (Xương bị đau, khấp khểnh đến Tuệ Thành) ở bài thơ thứ nhất nhan đề Thu nhật vãng Thập Giới viên cấu thư phóng bộ chí Diệp gia từ Thanh Giới thư viện Diệp Lệ Tân Ngạc Lâu đề tặng thả dĩ lạp phiến sách thư nhân thứ nguyên vận đáp chi (Ngày thu đến Thập Giới viên mua sách, thả bộ đến thư viện Thanh Giới ở từ đường họ Diệp, được Diệp Lệ Tân Ngạc Lâu đề tặng, bèn lấy quạt làm sách đáp lại nguyên vận) thuộc phần Thi trong sách Đông Nam tận mĩ lục. Bên cạnh đó, ở bên dưới nhan đề sách Hiếu kinh bản khắc năm Đạo Quang thứ 27 (1847) hiện đang lưu giữ tại Thư viện Đại học Trung văn Hồng Kông đề rằng: “Dương thành Song Môn để Thập Giới viên tàng bản”(19). Đồng thời, bên dưới nhan đề sách Bình cầm thư ốc diệp án quát yếu bản khắc năm Đồng Trị thứ 13 hiện đang lưu giữ ở Thư viện Thượng Hải có khắc dòng chữ nhỏ “Tỉnh thành Song Môn để/Thập Giới viên tàng bản”. Đây rõ ràng là những chứng cứ xác thực về việc họ Lương mở nhà sách ở Quảng Châu.

Ngoài ra, điều đáng chú ý là mối quan hệ giữa Thập Giới viên và Ngũ Vân lâu. Trong phần I, bài viết đã trích dẫn bài Thập Giới viên Lương Huệ Tồn thư tặng thuộc phần Thi sách Đông Nam tận mĩ lục, dưới cái tên Lương Huệ Tồn trong nhan đề bài thơ có chú thích rằng: “Ngũ Vân lâu Lương Dật Đường tòng đệ” (Em họ Lương Dật Đường ở Ngũ Vân lâu). Trong khi đó, Thư viện Thượng Hải đang lưu giữ một bản khắc đời Thanh nhan đề là Thượng thư li cú. Dòng bên trái ở trang bìa trong đề: “Thập Giới viên tử hành”. Lời tựa ở quyển thủ và mép dưới tâm ván trang 1 và 2 mỗi quyển đều khắc ba chữ “Ngũ Vân lâu”. Qua tìm hiểu đặc điểm tương tự trong thư tịch cổ, chúng tôi đoán định rằng đây có thể là sách Thập Giới viên in sau khi có được ván sách của Ngũ Vân lâu. Trong khi đó, chủ nhân Ngũ Vân lâu và chủ nhân Thập Giới viên đều sống ở Phật Sơn, hơn nữa giữa họ lại có quan hệ anh em họ hàng, thì việc giao lưu thư bản giữa thư phường hai nhà có lẽ cũng không phải là việc ngẫu nhiên. Điều thú vị là, giữa Ngũ Vân lâu và sứ giả Việt Nam Đặng Huy Trứ cũng có mối quan hệ qua lại. Phần nghiêng trong sách Đông Nam tận mĩ lục có chép đôi câu đối nhan đề Tân niên đề tặng Ngũ Vân lâu của tác giả họ Đặng “dùng hai chữ Ngũ Vân điểm đầu”, câu đối như sau:

“Ngũ kinh tứ truyện, chư tử bách gia, thiên địa gian nhất thiết kì thư đô quy bảo tạng;

Vân ảnh thiên quang, phong thanh nguyệt sắc, vũ trụ nội thập phân hảo cảnh tận thuộc tân xuân”.

Tạm dịch nghĩa là:

“Ngũ kinh tứ truyện, chư tử bách gia, hết thảy mọi loại sách trong khoảng trời đất đều gom lại cất giữ;

Tia nắng tầng mây, tiếng gió bóng trăng, muôn vạn cảnh đẹp trong vũ trụ đều thuộc mùa xuân”.

Câu đầu ý nói Ngũ Vân lâu là một thư phường không sách gì là không khắc. Qua đây, chúng tôi không thể không liên tưởng rằng, do nhận lời khắc cho họ Đặng khá nhiều loại thư tịch trong một khoảng thời gian tương đối ngắn, phải chăng Thập Giới viên đã chuyển mời Ngũ Vân lâu tham dự việc này?

Tuy nhiên, cho đến nay chúng tôi chưa tìm thấy những ghi chép xung quanh việc Đặng Huy Trứ nhờ Ngũ Vân lâu khắc sách trong chuyến công cán Quảng Đông lần thứ 2 vào khoảng thời gian năm Đồng Trị thứ 6, thứ 7. Song, thảo sao thứ 8 sách Đặng Hoàng Trung thi sao chủ yếu thu thập các bài thơ trong dịp Đặng Huy Trứ sang công cán lần thứ nhất vào năm Đồng Trị thứ 4 (1865); trong đó, ở phần tiểu tự trước bài thơ "Đăng tiến Đặng gia thế mĩ toàn tập cung kỉ" rõ ràng cho thấy họ Đặng đã từng nhờ Ngũ Vân lâu khắc sách: “Sang Quảng Đông Trung Hoa hành mệnh, tới cửa khuyết thỉnh giáo. Ngoài việc công, bèn đọc (trước tác) của huynh trưởng dòng thứ Thiếu Văn, huynh thứ hai cháu của Giám ấm sinh Thúc Chu, đệ Tú tài khoa Mậu Ngọ Song Giang, phụng đem nguyên bản làm thành 8 sách, gộp thành một quyển, đặt tiểu dẫn lên đầu, đặt tên là Đặng gia thế mĩ. Tháng 7 mùa thu, đem tới Quảng Đông, nhờ một vị khắc chữ nổi tiếng ở Ngũ Vân lâu là Lương Dật Đường khắc ván gỗ, nhằm tỏ có chứng cớ vậy. Khoảng mươi ngày thì khắc xong, bạc hết ba lạng rưỡi tiền năm phân năm hào (tổng cộng 4815 chữ, mỗi 100 chữ giá 7 phân bạc, mỗi tấm ván hết một tiền tám phân bạc) in trên giấy trắng, bìa bằng gấm hoa văn hình rùa. Ta trở về, mang theo ván khắc, nay dịp ngày lành tết Nguyên đán, dâng tiến đại từ đường, trọng từ đường và quý từ đường mỗi nơi một tập, mộc bản lưu giữ tại quý từ đường”

Theo đó, trước khi nhờ Lương Huệ Tồn ở Thập Giới viên khắc những cuốn sách này, Đặng Huy Trứ đã từng nhờ anh họ của Lương Huệ Tồn là Lương Dật Đường, chủ nhân của Ngũ Vân lâu khắc cuốn Đặng gia thế mĩ toàn tập. Cho nên rất có khả năng việc kết giao giữa Đặng Huy Trứ và Lương Huệ Tồn là do Lương Dật Đường giới thiệu. Về sau, trên trang bìa trong bản Thập Giới viên khắc chúng tôi lại bắt gặp dòng chữ “Đặng quý từ đường tàng bản” hoặc “Đặng quý thư đường tàng bản”. Nếu như liên hệ với chi tiết Đặng Huy Trứ đem mộc bản sách Đặng gia thế mĩ toàn tập về nước và lưu giữ ở quý từ đường họ Đặng thì nghĩa của những cụm từ vừa nêu cũng không mấy khó hiểu. Còn giá tiền công san khắc của Ngũ Vân lâu được ghi chép trong lời tựa "Đăng tiến “Đặng gia thế mĩ toàn tập cung kỉ" là một chi tiết lịch sử duy nhất hiện có về giá tiền công bản khắc thay. Quả là đáng quý.

Nhân đây, chúng tôi cũng xin đề cập đến việc phần Tự sách Đông Nam tận mĩ lục còn thu thập một bài văn có nhan đề là Tô Tâm Dư thư tặng. Người họ Tô là người bản địa Quảng Đông. Qua những câu cuối bài văn cho thấy rõ ràng là lời tặng từ biệt trước khi họ Đặng về nước, nhưng khi xem xét chủ thể thì có lẽ lại là lời đề từ do thư phường Thập Giới viên viết cho bản khắc sách Tứ thập bát hiếu thi họa của Đặng Huy Trứ. Câu cuối bài văn đó như sau: “Ức dư nãng tại thị phường cấu đắc Nhật Bản quốc Mễ Am thư họa phổ sách, thán vi hải ngoại nhân kiệt. Kim dĩ Đặng sứ quân Tứ thập bát hiếu đồ khắc hiệu chi, thù giác văn nghệ do vi mạt kĩ nhĩ” (Nhớ khi xưa ta có mua được ở ngoài phố một cuốn sách phả thư họa của Mễ Am người Nhật Bản, than rằng đúng là nhân kiệt nước ngoài. Nay đem bản khắc tranh Tứ thập bát hiếu của Đặng sứ quân để đối chiếu, thì hiểu rằng văn chương giống như thứ mạt kỹ mà thôi).

Hãy tạm gác lại ý tứ bên trọng bên khinh trong câu văn trên, thì cái không khí mở cửa trên lĩnh vực xuất nhập khẩu thư tịch ở Quảng Đông thời bấy giờ ẩn giấu đằng sau đó mới là điều rất khiến người ta chú ý. Cũng chính vì thế mà các vị chủ thư phường Thập Giới viên, Ngũ Vân lâu của họ Lương ở Phật Sơn rất nhiệt tình trong việc khắc sách chữ Hán cho người Việt Nam. Điều đó tạo nên một phong cảnh khác lạ trong lĩnh vực khắc sách ở các địa phương miền Nam Trung Quốc thời vãn Thanh.

IV. Về bản Phật Sơn khắc sách Nam kì lục tỉnh địa dư chí

Bất kể với Thập Giới viên hay Ngũ Vân lâu thì người ủy thác khắc thư tịch cũng đều là vị văn thần Việt Nam Đặng Huy Trứ, người đảm nhiệm sứ mệnh đặc biệt sang Trung Quốc trong khoảng thời gian niên hiệu Đồng Trị; và thư tịch được khắc đều không được đem ra mua bán. Điều này không thể không khỏi khiến người ta nghi ngờ rằng loại sách chữ Hán Việt Nam bản Trung Quốc khắc này liệu có vấn đề gì đặc biệt chăng? Vì thế, chúng tôi lại xin nêu một ví dụ nhằm giúp giới học thuật có cái nhìn toàn diện hơn về bản Trung Quốc khắc sách chữ Hán Việt Nam, đó là bản Phật Sơn khắc sách chữ Hán Việt Nam Nam Kì lục tỉnh địa dư chí.

Sách Nam Kì lục tỉnh địa dư chí không phân quyển, lưu giữ tại Thư viện Quốc gia Trung Quốc, kí hiệu Địa 938.3/993. Hàng ngang trên đầu trang bìa trong đề “Nhâm Thân niên tân thuyên”, bên dưới từ phải sang trái gồm 3 cột dọc. Bên dưới câu “Duy Minh thị soạn” ở cột thứ nhất có đoạn “Tại Đề Ngạn đại thị quảng thịnh [] []”, cột thứ 2 là tên sách, cột thứ ba để trống. Phía dưới bên trái trang bìa trong có đóng một con dấu son có chữ “Cô Tô nguyên bản”, phía trên cột giữa đóng một con dấu son hình tròn có hình vẽ. Ở quyển thủ có ghi lời tựa “Tuế tại Nhâm Thân đông cát đán”, và dòng lạc khoản “Gia Định thành Phượng Do lí cư sĩ Duy Minh thị cẩn tự”. Lời tựa và chính văn đều chia mỗi trang 9 dòng, mỗi dòng 22 chữ. Hình thức trang in toàn văn bản đều thống nhất theo lối 2 tầng, bên trên là chú thích, bên dưới là chính văn, có miệng trắng, đuôi cá đơn và hai biên trái phải. Tuy nhiên, văn bản này hơi đặc biệt ở chỗ: bên dưới tâm trang ba trang đầu trước phần chính văn đều có khắc hai dòng 10 chữ nhỏ “Tại Đề Ngạn đại thị/Hòa Nguyên Thịnh phát khách”. Như chúng ta đã biết, Đề Ngạn chính là bờ đê (đê Ngạn) Sài Gòn (nay là thành phố Hồ Chí Minh Việt Nam), xưa nay vốn là khu tụ cư của Hoa kiều. Trong khi đó, toàn bộ văn bản được in trên giấy trúc Trung Quốc.

Nam Kì lục tỉnh địa dư chí, một văn bản chữ Hán Việt Nam in bằng giấy Trung Quốc, tự thân nó không hề có một chữ nào chứng minh rằng đó là bản khắc Trung Quốc. Nhưng nếu đem so sánh với một bộ sách chữ Hán Việt Nam dùng bản khắc Trung Quốc khác hiện đang được lưu giữ tại Thư viện Quốc gia Trung Quốc là Hoàng Việt địa dư chí thì mới có thể đoán định được rằng nó cũng là bản khắc Trung Quốc, cụ thể hơn là bản Phật Sơn khắc.

Bản Hoàng Việt địa dư chí lưu giữ tại Thư viện Quốc gia Trung Quốc gồm 2 quyển, kí hiệu Địa 938.3/999. Phía trên bên ngoài khung in trang bìa trong sách có 7 chữ “Tuế tại Nhâm Thân niên tân thuyên”, bên trong khung in từ phải sang trái có ba dòng:

“Minh Mệnh thập tứ niên trứ/Nhất tại Đề Ngạn Hòa Nguyên Thịnh phát khách.

Hoàng Việt địa dư chí

Việt Đông Phật Sơn/Phúc Lộc đại nhai/Kim Ngọc lâu tàng bản”

Năm Minh Mệnh thứ 14 triều Nguyễn Việt Nam tương đương với năm thứ 13 niên hiệu Đạo Quang nhà Thanh (1833). Như vậy, nếu căn cứ vào câu “Tuế tại Nhâm Thân niên tân thuyên”, đồng thời xem xét thể chữ toàn văn bản thì có thể xác định được rằng đây là bản khắc của Kim Ngọc lâu ở Phật Sơn Quảng Đông khắc vào năm Nhâm Thân niên hiệu Đồng Trị nhà Thanh năm thứ 11 (1872).

Chúng tôi đã tiến hành so sánh bản Nam Kì lục tỉnh địa dư chí đã nêu ở trên với bản Hoàng Việt địa dư chí do Kim Ngọc lâu ở Phật Sơn khắc thì thấy hình thức trang in (bản thức) phần tự văn và chính văn của hai văn bản hoàn toàn giống nhau, kích cỡ khung trang gần bằng nhau(20), hình thức trang bìa trong cũng gần như tương tự, dấu ấn đóng trên trang bìa trong cũng giống nhau, thể chữ đều là thể chữ Tống cuối đời Thanh, và đều được in trên giấy tre (trúc chỉ) Trung Quốc. Thế nên, cho rằng bản Nam Kì lục tỉnh địa dư chí hiện lưu giữ tại Thư viện Quốc gia Trung Quốc và bản Hoàng Việt địa dư chí do Kim Ngọc lâu ở Phật Sơn khắc đều ra đời từ một thư phường là điều có thể cơ bản khẳng định được. Do đó, việc Thư viện Quốc gia Trung Quốc trực tiếp ghi chép rằng Nam Kì lục tỉnh địa dư chí là bản Kim Ngọc lâu ở Phật Sơn khắc vào năm Đồng Trị thứ 11 có lẽ cũng từ đó mà ra.

Tuy nhiên, khi khắc bản Nam Kì lục tỉnh địa dư chí, Kim Ngọc lâu đã không trực tiếp khắc tên hiệu thư phường của mình lên 3 dòng trang tên sách giống như họ đã khắc ở Hoàng Việt địa dư chí, bởi vì cũng cùng ở vị trí đó thì bản Nam Kì lục tỉnh địa dư chí lại để trống. Song, vẫn còn một điều khiến người ta chú ý là ở phía dưới tâm trang chính văn, nơi mà bản Hoàng Việt địa dư chí khắc dòng chữ “Kim Ngọc lâu tàng bản”, thì ở Nam Kì lục tỉnh địa dư chí lại khắc dòng chữ “Tại Đề Ngạn đại thị/Hòa Nguyên Thịnh phát khách” (“phát khách” nghĩa là phát mại). Cái tên hiệu sách Hòa Nguyên Thịnh chúng tôi lại bắt gặp ở dòng đầu trang bìa trong sách Hoàng Việt địa dư chí, ghi là “Nhất tại Đề Ngạn Hòa Nguyên Thịnh phát khách”. Chỉ có điều, một bản thì ghi là “nhất tại”, còn một bản lại ghi là “tại”. Điều đó nói lên rằng, một phần sách Hoàng Việt địa dư chí được Kim Ngọc lâu tiêu thụ ở Trung Quốc, còn phần kia được Hòa Nguyên Thịnh bán tại Đề Ngạn Sài Gòn Việt Nam; trong khi đó sách Nam Kì lục tỉnh địa dư chí chỉ được Hòa Nguyên Thịnh bán tại Việt Nam. Nếu như chúng ta còn nhớ rằng ở mặt chính trang bìa trong và trong tâm trang in của những cuốn sách mà Thập Giới viên ở Quảng Đông khắc cho sứ thần Việt Nam Đặng Huy Trứ được chúng tôi đã trình bày ở phần trên không hề ghi tên hiệu của Thập Giới viên, mà đa phần lại ghi phía trả tiền là Việt Nam, đại loại như “Đặng quý từ đường tàng bản”; thì cũng có thể hiểu được rằng sách Nam Kì lục tỉnh địa dư chí có đến tám chín phần mười là bản khắc do tác giả người Việt Nam hoặc hiệu sách Việt Nam Hòa Nguyên Thịnh nhờ Kim Ngọc lâu ở Phật Sơn Trung Quốc khắc(21).

Qua đối chiếu so sánh cho thấy, sách Hoàng Việt địa dư chí bản Kim Ngọc lâu khắc cùng lắm cũng chỉ có thể gọi là bản chuẩn Trung Quốc khắc sách chữ Hán Việt Nam. Bản nền (để bản) của sách này chính là bản Hoàng Việt địa dư chí khắc năm Minh Mệnh triều Nguyễn Việt Nam năm thứ 14 (1833). Bản khắc năm Minh Mệnh hiện lưu giữ tại Thư viện Quốc gia Việt Nam, kí hiệu R.962. Hàng ngang trên đầu trang bìa trong đề: “Minh Mệnh thập tứ niên tân thuyên”, bên dưới khắc dòng chữ to thể Tống Hoàng Việt địa dư chí(22). Điều thú vị là ở chỗ, nếu đem đối chiếu với bản Kim Ngọc lâu khắc thì năm chữ Hoàng Việt địa dư chí ở trang bìa trong trên hai văn bản có kiểu chữ giống hệt như nhau. Tuy nhiên, bản Trung Quốc có điểm đặc biệt là quyển thủ nhiều hơn một bài “Tựa” ở cuối bài văn. Đoạn đó là:

“Sách Hoàng Việt địa dư chí là sách quý ở đời, không dễ kiếm. Ta từng thích cuốn sách này nhưng không có cách nào tìm được. Bấy giờ, may có quan Lô công người nước Đại Phú Lãng Sa vốn chuộng thư tịch triều Nguyễn, mua được từ Bắc Kì, đem về cho ta xem. Ta trông thấy sách thì như bắt được của quý. Ta đọc dần dần, càng đọc càng thấu hiểu rằng đây đúng là báu vật ở đời, nên càng trân trọng. Nhưng ta trộm nghĩ, tâm con người ta giống nhau, ta được đọc mà thấy như báu vật, nếu lại đem cất đi thì người đời không cùng biết được nét quý báu đó. Ta bèn nhờ khắc thay, rồi cho in, ắt về sau phàm những người đọc được sách này, đều là do tấm lòng hảo tâm của Lô công vậy”

Nước Đại Phú Lãng Sa chính là nước Pháp. Bắc Kì là Bắc Việt lúc bấy giờ. Thành Gia Định chính là Sài Gòn sau này (nay là Tp. Hồ Chí Minh), thuộc Việt Nam. Theo như lời tựa thì bản gốc của cuốn sách này là do viên quan người Pháp ở Việt Nam tên là Lô gì đó mua được từ Bắc Việt, sau đó chuyển cho tác giả lời tựa là Duy Minh Thị người Việt Nam, Duy Minh Thị lại “nhờ khắc". Thế nhưng, bản khắc ở Việt Nam đó đến nay không còn nữa. Trong khi đó, trên thực tế, bản lưu giữ đến ngày nay lại chính là bản trên cơ sở do Kim Ngọc lâu ở Phật Sơn Quảng Đông khắc lại. Sau khi Kim Ngọc lâu khắc xong bản này, một phần sách được đem về bán ở Sài Gòn(23). Thế nhưng, khoảng thời gian biên soạn mà phần tựa của Duy Minh Thị ở sách gốc nhắc đến lại chính là năm mà Kim Ngọc lâu ở Phật Sơn khắc mới sách này, tức là năm Đồng Trị thứ 11. Vì thế, nếu suy đoán rằng sách Hoàng Việt địa dư chí bản Kim Ngọc lâu này chính là bản do Duy Minh Thị người Việt Nam và hiệu sách Trung Quốc là Kim Ngọc lâu cùng nhau khắc lại. Hoặc giả gọi đó là bản chuẩn Trung Quốc khắc thì có lẽ gần với sự thực chăng(24).

Lời bàn thêm

Theo cách lí giải thông thường, các trước tác của người Việt Nam Đặng Hoàng Trung thi sao, Tứ thập bát hiếu thi họa toàn tập, Từ thụ yếu quy, Đặng Dị trai ngôn hành lục, Bách duyệt tập, Nam Kì lục tỉnh địa dư chí, Hoàng Việt địa dư chí như đã nêu trên đều thuộc loại “vực ngoại Hán tịch”. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều chưa thống nhất về định nghĩa của cụm từ này. Về mặt lí luận, mỗi quan điểm đó đều có chỗ hợp lí riêng. Nhưng nếu xét về mặt thực tế thì quả thực vẫn tồn tại không ít vấn đề phức tạp. Trong đó có quan điểm cho rằng cách nói “vực ngoại” vô hình trung Trung Quốc tự coi mình là trung tâm, mà rất có thể ở một mức độ nào đó còn vô tình chạm vào nỗi đau tinh thần mẫn cảm của giới chuyên gia học thuật có liên quan ở những nước xung quanh Trung Quốc. Còn nếu xét trên quan điểm văn bản học, thì rõ ràng là chính tính không xác định của khái niệm “vực ngoại Hán tịch” đã bộc lộ rõ nét đặc trưng khá phức tạp của những “vực ngoại Hán tịch vực nội san” thuộc thể loại bản Trung Quốc khắc.

Quan điểm của cá nhân người viết cho rằng, khi sử dụng khái niệm “vực ngoại Hán tịch” trong lĩnh vực văn hiến học, trước hết mỗi chúng ta nên tự xác lập cho mình một giới hạn tương đối rõ ràng và chính xác đối với thuật ngữ này. Chẳng hạn muốn đề cập đến thư tịch chữ Hán lưu giữ ở nước ngoài, hoặc là thư tịch chữ Hán được biên soạn và san khắc ở nước ngoài, hoặc chỉ nói đến thư tịch cổ Trung Quốc lưu giữ ở nước ngoài v.v... thì cần phải nêu cho rõ. Trong phạm vi khá chặt chẽ của lĩnh vực văn bản học, tốt nhất là ít dùng hoặc không nên sử dụng cụm từ “vực ngoại Hán tịch”, mà nên dùng các thuật ngữ có tính bao gồm như “Đông Á Hán tịch” (thư tịch chữ Hán Đông Á), hoặc “mỗ mỗ (quốc gia) thư tịch” (thư tịch chữ Hán của [tên quốc gia]). Nếu không, một bản khắc thời Minh được bày bán ở hiệu sách cổ tại Tokyo, bởi nó gửi thân ở Nhật Bản nên được gọi là “vực ngoại Hán tịch”. Rồi nó được một người Trung Quốc nào đó mua, số phận nó bắt đầu trở nên mơ hồ, đại thể chỉ có thể gọi là “Hán tịch” (thư tịch chữ Hán). Sau đó vài hôm, nó theo người chủ mới trở về nước, đi qua hải quan Trung Quốc, nó lại trở thành “Trung Quốc cổ tịch” (thư tịch cổ Trung Quốc). Thế là, cùng một cuốn sách nhưng lại được gọi tên bằng những thuật ngữ văn bản học không xác định, há không khiến người ta mù mờ sao?

(Hoàng Phương Mai dịch từ nguyên bản 越南漢籍裏的中國代刻本)

Chú thích:

(1) Để có bài viết này, người viết đã nhận được sự giúp đỡ và chỉ giáo của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Thư viện Quốc gia Việt Nam, Thư viện Quốc gia Trung Quốc, Thư viện Thượng Hải cùng các vị Trịnh Khắc Mạnh, Đinh Khắc Thuân, Lương Dĩnh, Thẩm Quốc Uy v.v... Nhân đây tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc! Nguyên văn tên bài viết là: "越南漢籍裏的中國代刻本" Thuật ngữ "đại khắc bản" trong bài này ý cả câu được hiểu là thư tịch chữ Hán Việt Nam được khắc ở Trung Quốc.

(2) Chẳng hạn cuốn sách Cổ dật tùng thư do vị học giả trứ danh Trung Quốc thời cận đại là Dương Thụ Kính biên soạn, sau đó nhờ người hữu quan ở Nhật Bản san khắc. Nếu như chúng ta hình dung nó bằng khái niệm “bản khắc thay”, thì có thể gọi đó là bản Nhật Bản khắc thay của tùng thư thư tịch cổ Trung Quốc.

(3) Xin xem Việt Nam Hán Nôm tịch chi xuất bản dữ mục lục của Trần Khánh Hạo, trong sách [tên tiếng Nhật] do Ki Bộ Chương biên soạn, Chu Thức hội xã Tri Tuyền thư quán xuất bản năm 2004, từ tr.335 trở đi.

(4) Xem thêm thảo sao thứ 8 Đặng quý từ đường đăng tiến hương hỏa đệ nhất khoán cung kỉ trong Đặng Hoàng Trung thi sao của Đặng Huy Trứ.

(5) Trong lời tựa cuốn sách, Đặng Huy Trứ cũng có viết câu “Hiệu tẩm Dị Trai ngôn hành lục, toại ngã hiếu tâm, Thập Giới viên Lương Huệ Tồn kì nhân dã” (Sửa bản khắc Dị Trai ngôn hành lục, thỏa lòng hiếu thảo của ta, ấy là ông Lương Huệ Tồn ở Thập Giới viên vậy), có lẽ cũng là chỉ việc này.

(6) Trên mặt giấy đều có đóng dấu son hai chữ “Hương đình” hình chiếc lá.

(7) Ở cuốn Bách duyệt tập, khung bên trong trang đầu phần chính văn có chiều dọc là 17,2cm, chiều ngang là 11,8cm. Còn ở cuốn Đông Nam tận mĩ lục, chiều dọc khung bên trong phần chính văn là 17,4cm, chiều ngang là 12cm.

(8) Bách duyệt tập, mỗi nửa trang có 7 dòng, mỗi dòng 16 chữ to, chữ nhỏ hai hàng bằng nhau. Ở Đông Nam tận mĩ lục, mỗi nửa trang có 9 dòng, mỗi dòng 20 chữ to, chữ nhỏ hai hàng bằng nhau.

(9) Thảo sao (quyển) 12 trong Đặng Hoàng Trung thi sao ghi là sáng tác năm Mậu Thìn niên hiệu Tự Đức (tức năm Đồng Trị thứ 7), trong đó có bài Sơn Tây Đốc học Trần Nhã Trai nhân như Đông công hồi đề tặng (Đốc học Sơn Tây Trần Nhã Trai đề tặng nhân dịp sang Quảng Đông công cán trở về), tác giả họ Đặng chú dưới tiêu đề là: “Ta nay chọn ngày lành 11 tháng 11 mùa đông, cùng với ty thuộc Nguyễn Đình Lượng, nội quyến Hoàng Tự, thiếp lớn thứ 13 Tri Tân Hoàng Thị Ngân, thiếp nhỏ thứ 18 Tiên Xan Hà Thị Chi, con trai thứ 18 Hữu Mã, Hoàng ngũ tỉ theo đường phía cuối Hà Nam Quảng Đông đáp thuyền trở về nước”

(10) Nguyên văn câu này trong sách Tứ thập bát hiếu thi họa toàn tập kí hiệu AC.16, Viện Nghiên cứu Hán Nôm bị mờ mất một chữ, do đó tác giả bài viết tạm thời để trống (ND).

(11) Nguyên văn câu này trong sách Tứ thập bát hiếu thi họa toàn tập kí hiệu AC.16, Viện Nghiên cứu Hán Nôm là “將使童習者因事以得詩” (tương sử đồng tập giả nhân sự dĩ đắc thi), tác giả bài viết đọc nhầm là “將使音習者因事以得詩” (tương sử âm tập giả nhân sự dĩ đắc thi) (ND)

(12) Tình hình chi tiết về việc biên soạn và san khắc bộ Tứ thập bát hiếu thi họa toàn tập có thể tham khảo bài viết Hà Nội Hán Nôm Nghiên cứu viện tàng Tứ thập bát hiếu thi họa toàn tập khảo biện của tác giả Hứa Đoan Dung đăng trên Hoa Cương văn khoa học báo số 22, tháng 3 năm 1998.

(13) Việt Nam Hán Nôm văn hiến mục lục đề yếu, trang 115, Viện Văn triết Trung Quốc thuộc Viện Nghiên cứu trung ương Đài Loan, 2002.

(14) Theo Tiểu thuyết thư phường lục do nhóm Vương Thanh Nguyên biên soạn, trang 70, Nxb. Thư viện Bắc Kinh, 2002.

(15) Theo Hương Cảng Trung văn đại học đồ thư quán Trung Quốc cổ tịch mục lục, tr.58, Nxb. Trung văn đại học, 2004.

(16) Theo Hương Cảng Trung văn đại học đồ thư quán Trung Quốc cổ tịch mục lục, tr.123.

(17) Sách này do Thư viện Thượng Hải lưu giữ, ghi là “Đồng Trị Giáp Tuất lập đông hậu san” (san khắc sau lập đông năm Giáp Tuất niên hiệu Đồng Trị), năm Giáp Tuất tức là năm Đồng Trị thứ 13 (1874).

(18) Theo Trung Quốc thông tục tiểu thuyết tổng mục đề yếu, trang 757, Công ty xuất bản Văn Liên Trung Quốc, 1990.

(19) Theo Hương Cảng Trung văn đại học đồ thư quán Trung Quốc cổ tịch mục lục, tr.58.

(20) Chiều dọc khung trong trang đầu phần chính văn sách Nam kì lục tỉnh địa dư chí dài 19cm, chiều ngang 12,4cm. Chiều dọc khung trong trang đầu phần chính văn sách Hoàng Việt địa dư chí dài 18,6cm, chiều ngang 12,3cm.

(21) Theo Việt Nam Hán Nôm văn hiến mục lục đề yếu do Vương Tiểu Thuẫn chủ biên, trang 291, thì hiện nay Thư viện Quốc gia Pháp ở Pari cũng đang lưu giữ một bản Nam Kì lục tỉnh địa dư chí, nhưng là bản “Quảng Thịnh Nam đại thị ấn vu 1833”. Nếu như sách này không sai sót về năm in trước tác thì sách Nam Kì lục tỉnh địa dư chí bản Phật Sơn khắc hiện đang lưu giữ ở Thư viện Quốc gia Trung Quốc liệu có đúng là mới soạn vào năm đó như lời tựa Duy Minh Thị ở quyển thủ không. Đây vẫn còn là một vấn đề nghi vấn.

(22) Nếu đem so sánh bản Quan Văn đường in sau vào năm Duy Tân triều Nguyễn Việt Nam năm thứ nhất (1907) hiện đang lưu giữ tại Thư viện Quốc gia Trung Quốc với bản khắc năm Minh Mệnh thứ 14 thì thấy ngoài sự khác biệt về trang bìa sách, còn lại ván sách phần chính văn hoàn toàn giống nhau. Do đó, kết quả dự đoán là tương đối rõ ràng.

(23) Ở trang tên sách có dòng chữ quảng cáo: “Nhất tại Đề Ngạn Hoàng Nguyên Thịnh phát khách”.

(24) So sánh sách Hoàng Việt địa dư chí bản Việt Nam và bản Trung Quốc cho thấy, hàng khoản ở hai bản giống nhau, hình thức trang in tương tự nhau. Giữa hai bản chỉ có chút khác biệt: ở bản Việt Nam bốn xung quanh viền đơn, tầng dưới không vạch ngăn, nét chữ hơi thô; trong khi đó, ở bản Trung Quốc thì hai bên trái phải viền đôi, tầng dưới có vạch ngăn, nét chữ là chữ thể Tống hơi vuông tiêu biểu cuối đời Thanh. Chính vì thế, dù nét chữ trang tên sách bản Trung Quốc bắt chước từ bản Việt Nam, song rõ ràng là bản Trung Quốc không trực tiếp dùng bản Việt Nam in lại, mà đã qua viết lại chữ mới. Qua việc so sánh văn bản hai bản, chúng tôi còn phát hiện được một số hiện tượng rất kì lạ: Thứ nhất, ở phần giữa quyển 1, số trang hai bản đều sai giống nhau, chỉ có điều bản Việt Nam dùng cách khắc thêm chữ “thượng” lên trên số trang của các trang bị trùng từ trang 19 đến trang 26 khiến văn bản vẫn bảo đảm được độ chính xác; trong khi đó, bản Trung Quốc lại căn cứ vào thứ tự trang bản nền để đánh tiếp số trang mà hoàn toàn không quan tâm đến tình trạng lẫn lộn sai khác ở nội dung văn bản. Thứ hai, chữ đơn trong bản Trung Quốc sai rất nhiều, chẳng hạn 北客 “bắc khách” thành 北容“bắc dung”, 珥河 “Nhị Hà” thành 環河 “Hoàn Hà” (ở quyển 1), biến 二三裏 “nhị tam lí” thành “nhị tam trình”, sửa 神刓鬼刻 “thần ngoan quỷ khắc” thành 神頑鬼刻“thần ngoan quỷ khắc” (ở quyển 2). Hiện tượng như thế là rất nhiều. Liên hệ với lời tựa của Duy Minh Thị thì cách giải thích hợp lí nhất về nguyên nhân phát sinh các hiện tượng kì lạ đó chỉ có thể là: chính vì bản khắc năm Minh Mệnh thứ 14 mà Duy Minh Thị từng đọc rất hiếm, cho nên khi cùng với Kim Ngọc lâu ở Phật Sơn khắc lại sách này, Duy Minh Thị đã cất công viết lại một phần văn bản, trong khi đó Kim Ngọc lâu lại căn cứ vào chữ viết ở bản sao lại này để khắc ván. Mặc dù người sao chép đã sao lại một cách trung thực trang bìa trong của nguyên bản, song ở phần chính văn rất có thể lại viết kiểu chữ hành thảo. Do đó, khi viết lại chữ của bản Trung Quốc, họ đã không hiểu được những con chữ sai mang hàm nghĩa nguyên văn danh từ đặc thù của Việt Nam xuất hiện khá nhiều. Hơn nữa, họ cũng không thể phát hiện một cách nhanh chóng sự nhầm lẫn về số thứ tự trang của nguyên bản./.

(Tạp chí Hán Nôm, Số 3 (106) 2011, Tr.29 - 44)

In
Lượt truy cập: