Nghiên cứu Hán Nôm >> Tổng mục lục
Lưu Đình Tăng
44. Thơ ca đối đáp trong lễ tục đón dâu của người Tày (TBHNH 2010)

Cập nhật lúc 16h10, ngày 19/10/2013

THƠ CA ĐỐI ĐÁP TRONG LỄ TỤC ĐÓN DÂU CỦA NGƯỜI TÀY

LƯU ĐÌNH TĂNG

Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc Tày Nùng ở vùng biên giới phía Bắc nước ta cực kỳ phong phú đa dạng. Những nét đẹp ấy đã được bao thế hệ người Tày chắt chiu gìn giữ và lưu truyền từ đời này sang đời khác, rồi ghi lại thành sách vở. Nhiều năm nay Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã tổ chức các đoàn nghiên cứu sưu tầm và đưa về kho sách của Viện Nghiên cứu Hán Nôm hàng ngàn cuốn sách có giá trị. Trong đó có khá nhiều sách ghi chép tục lễ cưới xin của người Tày. Chẳng hạn như cuốn Ca đám cưới ký hiệu VNv.674. Sách có khuôn khổ trung bình 12 x 22cm gồm 122 trang, chữ viết chân phương dễ xem. Cuốn sách ghi niên đại là ngày 20 tháng 6 năm Bảo Đại thứ 8 (1923). Sách ghi lại các bài ca kể về đoạn đường đi đón dâu của họ nhà trai từ lúc đi ra khỏi nhà cho đến khi tới nhà gái làm lễ và đón được con dâu về. Đầu tiên họ nhà trai chọn ra một người khéo léo linh hoạt giỏi ăn nói như thể người chủ hôn đại diện cho họ nhà trai gọi là Quan lang hoặc Quan làng, và hai người phụ nữ gọi là Pả me hoặc Pả mẻ. Viên Quan lang này ngoài tài ăn nói ra còn phải biết làm thơ ca, thuộc lòng một số bài ca đám cưới trong dân gian. Trong quá trình làm lễ đón dâu tất cả các nghi thức như: Màn chào hỏi nhà gái, dâng sính lễ, giới hiệu của hồi môn, giới thiệu chú rể… họ nhà trai đều phải trình bày bằng lời ca. Phía họ nhà gái khi đón tiếp họ nhà trai cũng ra sức tìm cách thử tài họ nhà trai bằng cách chăng dây, đóng cửa, đặt đòn gánh ngăn lối đi… bắt họ nhà trai phải đối đáp cho đúng cho hay rồi mới được đi. Quá trình hành lễ đôi đáp ấy có thể hình dung thành 4 chặng là:

Chặng thứ nhất: Chăng dây

Chặng thứ hai: Giữ cửa

Chặng thứ ba: Chặng hát trong nhà

Chặng thứ tư: Lễ chính thức

Đây là chặng cuối cùng phải thực hiện đầy đủ các nghi thức.

Dưới đây chúng tôi xin trích dịch giới thiệu đầy đủ các nghi thức đó từ trong bản Ca đám cưới ký hiệu VNv.674 và tuyển chọn 3 bài hát đối đáp giữ họ nhà trai và họ nhà gái.

Sách phân rõ các chặng:

Chặng thứ nhất: Chăng dây (khên lền). Khi họ nhà trai đến họ nhà gái dón dâu các cô bên nhà gái thường đón đường chăng dây hoặc chăng lưới cản lối nhà trai tới đón dâu. Nhà trai phải nộp lễ (hoặc tiền) các cô mới rút dây cho đi tiếp.

Chặng thứ hai gọi là chặng giữ cửa (thủ tu), nhà gái thường thử nhà trai bằng cách bày những vật chướng lạ trên đường lên nhà hoặc trước cửa nhà như đòn gánh, cái chổi hoặc thắp đèn treo lơ lửng trước của hoặc một vài vật vô lý nào đó như con dao, cái thớt… rồi là 4 chén rượu mang ra để Quan lang “rửa chân”. Cứ thế hai họ hát đối đáp với nhau, đối đáp không nổi sẽ bị coi là thua cuộc kém tài, kém lịch thiệp.

Chặng thứ ba: Sau khi vào nhà còn nhiều việc phải hát đối đáp như khi rải chiếu (pjái fục) nhà gái lại cố ý rải lệch, rải trái nhiều khi còn dựng nguyên chiếc chiếu lên vách hoặc đặt ở sàn nhà. Ông Quan lang nhà trai phải lập tức hát để chất vấn và đề nghị họ nhà gái chỉnh lại cho ngay ngắn. Khi mời trầu (nai mjầu) mời nước (nai nặm chà) cũng vậy người ta chất vấn, giải thích cho nhau nghe về nguồn gốc của nước trà, trầu cau.

Chặng thứ tư: Sau khi ăn trầu, uống nước xong thì đến việc làm lễ chính thức gồm các cung: 1. Cung nạp lễ; 2. Cung lễ tổ tiên; 3. Cung nộp vải khô ướt (Cung nộp can thấp); 4. Cung giải uế; 5. Mời ăn cơm (nai kin khẩu); 6. Cung lễ phụ mẫu; 7. Lễ tông thân…; 8. Cung xin đón dâu về nhà chồng.

 

BÀI 1:

HẮP TU VÂN CA (BÀI HÁT VỀ CỬA ĐÓNG)

Họ nhà gái hát:

Khỏi chiềng mừa các á cần nỏ!

Khỏi xo xam khéc lạ tàng cằn

Tỉ nẩy tu Đông Quân cẩm đoản

Háp cón cần pây bản hâư quây?

Ham háp nhựng cúa đây vô slổ

Khẩu slan them slửa lụa đây đu

Háp khẩu them háp mu mà quá

Y như vua xuất giá tấy binh

Hết rừ lạc lữ dinh tua khỏi

Xam cần rừ thất lội sai ngoa

Háp cón pây hâư mà quá nẩy?

(Tôi xin thưa các nàng đây nhé)!

Tôi xin hỏi khách lạ bên đường

Nơi đây cửa Đông Quân(1) cấm đoán

Gánh trước người đi bản nào xa?

Gồng gánh những của ang vô số

Gạo thơm cùng áo lụa đẹp thay

Rượu ngon cùng lợn quay khiêng vác

Y như vua xuất phát dấy binh

Sao lạc tới nữ dinh(2) tôi đấy

Hỏi người nào thất lỗi ai ngoa

Gồng gánh đi đâu mà về tới?

Họ nhà trai đáp:

Khỏi chiềng mừa các á cần nỏ!

Khỏi kể slậư vằn xưa hẩư chắc

Én Nam lẻ nhạn Bắc Đông Tây

Vằn còn mì tin pây tin tẻo

Sứ điệp pặt khảm kéo thông tin

Sloong bưởng đảy định rườn giá slủ

Hội hợp tởi Phục Hy tặt tạo

Chắng tặt pền slao báo dương gian

Tua cải cần điểm trang nả mjạc

Khóp tằng họ quý tộc chồm khua

Nhở én bên khảu mừa thông sự

Tua khỏi dú cách xứ viện phương

Xo cần khay tu luông hẩư khỏi. Thôi!

(Tôi xin cùng các ả trình thưa

Tôi kể chuyện ngày xưa cho biết

Én Nam thì nhạn Bắc Đông Tây

Ngày trước có tin qua tin lại

Sứ điệp vượt rừng núi thông tin

Hai bên được kết duyên giá thú

Hội hợp đời Bàn Cổ(3) truyền về

Phép tắc đời Phục Hy(4) đặt tạo

Mới đặt thành trai gái dương gian

Lớn lên người điểm trang xinh đẹp

Khắp họ hàng dân tộc mừng vui

Nhờ én bay tới nơi báo việc

Chúng tôi từ cách biệt phương xa

Xin người mở cửa cho tôi vào. Đi nhé!)

 

BÀI 2:

DÀO KHA VẤN CA (BÀI HÁT RỬA CHÂN)

Họ nhà gái hát:

Vằn nẩy cụng vằn đây Đại Xá

Canh Ngọ pi khắc hỏa Bính Thân

Pi Kỷ phạ lẹng hâng đại hạn

Bợi vằn cón vua Hản cheng công

Lưu Đài cắp Hán Xuân nhằng lé

Chut hương khửn lạy mẻ mường bân

Đại hạn đảy slip xuân khỏ lẳm

Lẹng hâng bấu mì nặm dào kha

Bợi Hoàng Trương ngâm nga kiện phạ

Chắng khỏ tằng thiên hạ tằng lai

Tản cần mà dặng đai tẩư lảng

Báo slao keo vội váng tung gia

Pây au nặm dào kha hẩư khoái

Pả mẻ dặng cà nẩy lểu hâng

Au lẩu mà hẩư cần dào cón. Thôi nỏ!

(Hôm nay tốt ngày - ngày Đại Xá(5)

Năm Canh Ngọ khắc hỏa Bính Thân

Năm Kỷ trời nắng lâu đại hạn

Bởi ngày trước vua Hán tranh công

Lưu Đài cùng Hán Xuân còn lẻ

Đốt hương lên lạy mẹ mường trên(6)

Đại hạn đã mười năm khổ lắm

Hạn lâu không có nước rửa chân

Bởi Hoàng Trương ngâm nga kiện trời

Mới khốn cho mọi người thiên hạ

Khách đến đều đứng cả dưới sàn

Gái trai kéo vội vàng lên gác

Lấy nước ra cho khách rửa chân

Bác mẹ đứng đã lâu đấy rồi

Lấy rượu ra cho người rửa trước. Thôi nhé!)

Họ nhà trai đáp:

Khỏi chiềng mừa các á cần nỏ

Cốc lẩu dú hâư oóc?

Choóc lẩu dú hâư mà?

Chắng pền lẩu dào kha giờ nẩy

Ngần chèn lẻ nẳng tẩư

Khẩu lẩu lẻ nắng mưa

Lẩu nẩy mừa tiển vua Ngọc Hoáng

Hết rừ au lồng lảng dào kha?

Thuổn nặm lẻ au cà mà lảu

Lẩy nẩy sle quí chức cần kin

Lồng thẻ nặm làng tin rừ đảy?

Cần cỏi ngặm đâư slẩy ngòi đu

Tua khỏi phuối thúc xu rụ bấu? Thôi nỏ!

(Tôi xin thưa các ả các cô

Gốc rượu ở đâu ra?

Chén rượu đâu mà tới?

Nay thành rượu đem tưới rửa chân

Bạc tiền là ở dưới

Cơm rượu ở bên trên

Rượu này đem tiến vua Ngọc Hoàng

Sao lại đem xuống sàn rửa chân?

Hết nước lẩy cỏ gianh mà cọ

Rượu này để quý họ người dùng

Đem thay nước rửa chân sao được?

Người hãy ngẫm trong dạ xem sao?

Tôi nói có vừa tai hay chẳng? Thôi nhé!)

 

BÀI 3:

NAI NẶM CHÀ (MỜI NƯỚC TRÀ)

Họ nhà gái hát:

Khỏi chiềng mừa Quang lang cần nỏ!

Củ tin cần khảu mà thâng các

Khỏi ná mì chà mjạc đảy nai

Chà đây dú đâư Keo

Noọng khỏi nhằng đang đeo pây xa bấu đảy

Chảm kin chà bâư mạy sơn lâm

Chảm kin chẻn chà bôm hết tiểng.

(Tôi trình cùng Quang lang người hỡi!

Bước chân người vào tới nơi đây

Tôi không có trà ngon đãi khách

Trà ngon ở bên Hác(7)

Trà mạn ở bên Kinh(8)

Tôi đây còn neo đơn đi tìm không được

Tạm uống trà rừng núi lá cây

Tạm uông chén trà đây lấy tiếng).

Nhà trai đáp:

Khỏi chiềng mừa phụ mậu sở sinh

Hợp đồng quan thân quý họ cần nỏ!

Rườn cần pây chợ háng mọi pan

Chà đây dú đâư Hác

Chà mjạc dú đâư Keo

Dự au đảy chà chuyên thết khỏi

Vằn nẩy việc giao hội trường sinh

Thết khỏi đảy chồm kin ơn tản.

(Tôi xin trình phụ mẫu sở sinh

Họ hàng cùng quan thân quí chức

Nhà người từng đi chợ các phiên

Trà ngon ở bên Hác

Trà mạn ở bên Kinh

Mua về được trà chuyên thết đãi

Hôm nay việc giao hội trường sinh

Mời tôi uống mừng vui ơn tạ.

Chú thích:

1. Đông Quân: chúa coi mùa xuân, trông nom các loài hoa nở.

3. Lữ dinh: nơi quân lữ đóng. Ở đây chỉ trong nhà của nhà gái.

4. Bàn Cổ: theo cổ truyền của Trung Hoa thì Bàn Cổ là thủy tổ của loài người.

5. Phục Hy: ông vua nước Tàu đời thượng cổ.

6. Đại Xá: tha hết cả tội lỗi cho mọi người.

7. Mường trên: mường trời, trên trời. Mẹ mường trên ở đây chỉ mẹ Hoa tức Cả ở mường trời có quyền lớn để ban phúc cho người trần gian.

8. Hác: chỉ người và đất Trung Quốc.

9. Kinh: chỉ người và đất ở miền xuôi nước Việt./.

(Thông báo Hán Nôm hoc, 2010, , tr.318-325)

In
Lượt truy cập: