Nghiên cứu Hán Nôm >> Năm 2010
Nguyễn Kim Măng
33. Tiến sĩ Trần Bảo và dòng họ Trần qua tư liệu Hán Nôm (TBHNH 2010)

Cập nhật lúc 16h28, ngày 19/10/2013

TIẾN SỸ TRẦN BẢO VÀ DÒNG HỌ TRẦN QUA
TƯ LIỆU HÁN NÔM

NGUYỄN KIM MĂNG

Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Viết về Tiến sĩ Trần Bảo hay Trần Quang Bảo, sách Thiên Nam lịch triều liệt huyện đăng khoa lục bị khảo chép: "Trần Bảo người làng Trần Xá, đỗ Đồng Tiến sĩ khoa Kỉ Sửu năm Quang Thuận thứ 10 (1469) đời Lê Thánh Tông. Niên hiệu Hồng Đức năm Kỉ Mùi, là Cẩm Y vệ Phó đoán sự, làm quan đến chức Thượng thư Bộ Công, tước Thiếu bảo Nam Quận công. Viễn tôn là Trần Lương Bật di cư đến Cổ Am, Vĩnh Lại đỗ Tiến sĩ niên hiệu Cảnh Trị năm Giáp Thìn (1664)". Thông tin về Tiến sĩ Trần Bảo được chép trong các sách Đăng khoa lục với vài dòng thông tin ngắn như vậy.

Rất may, gần đây chúng tôi có dịp cộng tác với dòng họ và khảo sát các tư liệu, chúng tôi mong được chia sẻ những thông tin mà mình có được để cung cấp cho những người có cùng mối quan tâm.

+ Về Gia phả: Tư liệu về Gia phả có được từ 2 nguồn. Một do sưu tầm tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Bản 陳族家譜/ Trần tộc Gia phả, kí hiệu A.1266, do Trần Quang Xuyến viết soạn năm 1839 (niên hiệu Minh Mạng thứ 20), gồm 66 trang, mỗi trang 8 dòng, mỗi dòng 18 chữ.

Bản 卯梂陳族家譜 / Mão Cầu Trần tộc gia phả, kí hiệu A.680 do Trần Quang Trù sao chép vào năm 1844 (niên hiệu Thiệu Trị thứ 4), bản này gồm 56 trang, mỗi trang 8 dòng, mỗi dòng 18 chữ.

Một nguồn khác do dòng họ cung cấp. Chúng tôi có 陳族家譜/ Trần tộc Gia phả do Trần Tất Đắc sao chép năm 1925, niên hiệu Khải Định thứ 10, tại Từ đường họ Trần thôn Trịnh Thượng. Gồm gồm 53 trang chép trên giấy dó, mỗi trang 8 dòng, mỗi dòng 18 chữ.

Bản 陳族家譜/ Trần tộc Gia phả, do Trần Tất Đắc chép niên hiệu Khải Định thứ 10 (1925) của thôn Ngọc Lũ. Gồm gồm 15 trang chép trên giấy dó, mỗi trang 8 dòng, mỗi dòng 18 chữ, có sơ đồ phả hệ.

Bản 陳族家譜/ Trần tộc Gia phả là bản chữ chữ Nôm, do chi họ Trần thôn Đồng Phú cung cấp. Gồm 36 trang chép trên giấy dó, mỗi trang 8 dòng, mỗi dòng 20 chữ. Như vậy Gia phả của dòng họ Trần có tất thảy 5 bản. Cách thức chép khác nhau, có bản chép đầy đủ từ Đại tông đến Tiểu tông, có bản chỉ chép chi tổ của mình. Trong đó bản Phả họ Trần thôn Ngọc Lũ là bản A.1266 và A.680 chép đầy đủ nhất. Trong các gia phả này có 3 bản chỉ chép từ cụ Tổ đời thứ 1 là Thiện Thiện công đến đời thứ 15 là Yến Đường hầu.

Trong 15 của dòng họ, theo Gia phả cho biết Tiến sĩ Trần Bảo là cụ tổ đời thứ 3 của họ Trần, tên húy Quang Bảo, hiệu Tốn Trai tiên sinh, thụy Trọng Phác. Đỗ Tiến sĩ khoa Kỷ Mùi(1) niên hiệu Quang Thuận, được ban Đặc tiến Kim tử Vinh Lộc đại phu, Hộ bộ Thượng thư, kiêm Chưởng Lục bộ Thượng thư, Đức Thuần hầu, phong tặng Thái bảo Nam Quận công. Vợ người họ Trần tên hiệu Từ Quang. Sinh con trai thụy là Đức Huân, được tặng phong Thái bảo Trinh Quận công.

Theo Trần thị gia phả cũng cho biết: “Trần Bảo là người tính tình hào hoa hơn người, bẩm tính thông minh, thích học hỏi tham cứu đến những lẽ uẩn áo của cõi trời và người, khí lượng tiêu biểu của nước nhà, chói lọi bậc chân Nho, phảng phất hòa nhã như trăng sáng gió lành; phơi phới cát sĩ, dung nghi uyển chuyển như cây ngọc cành quỳnh. Ngài sớm được cất nhắc, đỗ đạt bậc cao, từng làm nhiều chức vị quan trọng trong triều đình. Giữ gìn khí tiết của sứ bộ mà người Minh tôn kính, nắm binh quyền mà giặc Chiêm Thành thực lòng quy phục. Ngôi tới Tam(2) công, chức gồm Lục(3) bộ. Cụ liêm khiết trung thành với bề trên, bao dung với người dưới, danh tiếng hiển hách một thời. Khi về già, cụ cáo quan về quê dạy học, học trò có đến mấy nghìn người thành đạt. Khoa giáp huyện ta thực cũng bắt đầu từ cụ. Thế nên huyện ta thờ cụ làm Tiên hiền khai khoa, phối thờ nơi Văn chỉ. Đình miếu thôn ta và nhà thờ họ thôn ta đều phối thờ cụ. Hiện nay phần mộ của cụ an táng tại gò hình Kim tinh Miếu Đông xứ.

Phu nhân vốn là con gái của Trần Tướng công người xã Cổ Am huyện Vĩnh Lại tỉnh Hải Dương. Hai cụ sinh được hai con trai. Lúc bấy giờ gia đình nhà ngoại giàu có dư dật nhưng không có con nối dõi. Phu nhân bèn xin cụ cho người con thứ sang làm con nối dõi bên ngoại. Con cháu đời sau của bên ngoại đông đúc, khoa mục nối nhau, trâm anh kế thế, đến như các họ Trần ở Bảo Triện - Gia Bình; Cổ Am - Vĩnh Lại đều là con cháu của họ ta, đời đời phát đạt”.

Trong 3 bản phả (kí hiệu A.1266; A.680 và bản Ngọc Lũ) sau phần ghi tiểu sử, hành trạng đều có một bài thơ Đường luật ca ngợi khí tiết và công lao của các cụ. Con cháu của Tiến sỹ Trần Bảo nối nghiệp ông cha, sau này có nhiều người được ban tước công, tước hầu. Đó là con trai Trinh Quận công (đời thứ 4), Nghiêm Quận công (đời thứ 5), Bàn Quận công (đời thứ 6), Lộc Quận công (đời thứ 7), Diễn Quận công (đời thứ 8), Yến Đường hầu và Huân Tường hầu (đời thứ 9). Trong đó có hai người cháu gái là Trần Thị Ngọc Thuần và Trần Thị Ngọc Giám, được tiến vào phủ làm Cung tần của Trịnh Tùng và Trịnh Tráng.

Hậu duệ của Trần Bảo có Bàn Quận công làm quan võ nhưng có rất nhiều thành tựu. Bàn Quận công được làm Phò mã nhà Mạc, kết hôn cùng Chiêu Huy Công chúa, trước phù giúp nhà Mạc, sau về với nhà Lê. Trong gia phả chép những thư từ qua lại giữa chúa Trịnh và Bàn Quận công như: Công di Trịnh thành tổ thệ văn (Bài văn thề của Bàn Quận gửi cho Trịnh Thành tổ), đáp lại Chúa Trịnh có bài Trịnh Thành tổ di công thư (Thư của Trịnh Thành tổ gửi Bàn Quận), hoặc Công kì biểu văn (Bài văn cầu biểu của Bàn Quận). Khi Bàn Quận mất có bài Lê Hoàng dụ tế công văn (Bài văn tế của vua Lê).

+ Về văn bia: Hiện còn 8 tấm bia nói về các nhân vật dòng họ Trần, nay được lưu giữ tại am Trường Thọ, chùa Diễn Khánh và 1 bia lưu giữ tại nhà thờ họ Trần thôn Ngọc Lũ, 1 bia lưu giữ tại nhà thờ họ Trần thôn Đồng Phú.

+ Về thần tích: Thần tích thôn Trần Xá huyện Nam Xương tỉnh Hà Nam, kí hiệu AE.a13/30 được lưu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Qua đối chiếu bản thần tích có nội dung gần như trùng với các bản gia phả trên. Tư liệu thần tích, thần sắc chúng tôi sưu tầm tại Viện Thông tin Khoa học xã hội cũng có cùng nội dung trên.

+ Về sắc phong: hiện dòng họ còn giữ được 18 đạo sắc gồm:

Tiến sĩ Trần Bảo được phong 03 sắc, trong đó 02 sắc vào năm Khải Định thứ 2 (1917) và Khải Định thứ 9 (1924).

Nghiêm Quận công (con trai Tiến sĩ Trần Bảo) được ban 01 sắc niên hiệu Long Đức thứ 1 (1732).

Đệ nhất cung tần và Đệ nhị cung tần 02 sắc vào các năm Định thứ 2 (1917) và Khải Định thứ 9 (1924).

Bàn Quận công, được ban 06 sắc vào các năm Đức Long thứ 1 (1629), Dương Hòa thứ 4 (1638), Cảnh Hưng thứ 44 (1783), Duy Tân thứ 7 (1913) Khải Định thứ 9 (1924).

Lộc Quận công được ban sắc vào năm Vĩnh Trị thứ 4 (1679) và Khải Định thứ 9 (1924).

Diễn Quận công được ban 02 sắc vào năm Đức Nguyên thứ 1 (1679) và Chính Hòa thứ 4 (1686).

Tất cả số sắc trên đều là bản gốc, chúng được dòng họ gìn giữ rất cẩn thận, nhưng rất tiếc do thời gian hủy hoại nên một vài bản trong số đó đã bị mủn, rách. Dòng họ đã nhờ Viện Nghiên cứu Hán Nôm phục chế lại, nhưng việc bảo quản số sắc này được bảo đảm về lâu dài đối với dòng họ cũng là một điều khó khăn.

Như vậy, trải qua gần 600 năm dòng họ Trần đã có đến 25-26 thế hệ với nhiều chi phái sinh sống ở khắp mọi nơi. Trong đó có những chi phái lớn như: Chi trưởng mang tên đệm Trần Quang hiện đang cư trú ở Trần Xá, Đồng Phú, Mão Cầu, xã Nguyên Lý, huyện Lí Nhân tỉnh Hà Nam. Chi thứ (tách ra từ đời thứ 4) cư trú ở xã Cổ Am huyện Vĩnh Bảo thành phố Hải Phòng. Chi út (tách ra từ đời thứ 10) cư trú ở xã Ngọc Lũ huyện Bình Lục tỉnh Hà Nam. Một bàng chi (tách ra từ đời thứ 7) cư trú tại xã Điền Trì huyện Nam Sách tỉnh Hải Dương.

Chú thích:

(1) Có lẽ trong gia phả chép nhầm chi tiết “năm Kỉ Sửu niên hiệu Quang Thuận thứ 10 (1469)” thành “năm Kỉ Mùi niên hiệu Quang Thuận thứ 10”, vì niên hiệu Quang Thuận và Hồng Đức của vua Lê Thánh Tông đều không có năm Kỉ Mùi.

(2) Tam công: Gồm Thái sư, Thái phó, Thái bảo đều hàng chánh nhất phẩm.

(3) Lục bộ: Tức sáu bộ trong triều đình phong kiến đó là Bộ Lại, Bộ Hình, Bộ Lễ, Bộ Binh, Bộ Hộ và Bộ Công./.

(Thông báo Hán Nôm hoc, 2010, tr.245-249)

In
Lượt truy cập: