Nghiên cứu Hán Nôm >> Năm 2010
Nguyễn Xuân Diện
10. Những cơ sở tư liệu tái hiện hình ảnh vua Đinh và cuộc sống kinh đô Hoa Lư (TBHNH 2010)

Cập nhật lúc 17h11, ngày 19/10/2013

NHỮNG CƠ SỞ TƯ LIỆU TÁI HIỆN HÌNH ẢNH VUA ĐINH VÀ
CUỘC SỐNG KINH ĐÔ HOA LƯ

NGUYỄN XUÂN DIỆN

Viện Nghiên cứu Hán Nôm

MỞ ĐẦU:

Triều vua Đinh và Kinh đô Hoa Lư là một vấn đề lớn trong lịch sử, đòi hỏi nỗ lực nghiên cứu liên ngành, đa ngành. Cho đến nay, nhiều vấn đề về thời đại này vẫn còn đang nằm trong mịt mùng lịch sử hoặc còn nằm trong sự tranh cãi của giới sử học nói riêng, giới nghiên cứu nói chung. Ngay như việc phát hiện những tư liệu về thời đại này kể cả tư liệu văn vật, thư tịch lẫn các tư liệu folklore cũng còn rất khiêm tốn.

Những chương trình lớn, nhằm kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội luôn đặt thời đại của vua Đinh và cố đô Hoa Lư trong tiến trình của đại lễ, với sự góp mặt của tỉnh Ninh Bình - cũng chưa thực sự đặt ra vấn đề cầu tìm những dữ kiện lịch sử đang ẩn giấu trong thư tịch cổ hoặc trong lòng đất. Với những gì đã biết, đã thấy, đã thu nhặt được từ hàng chục năm nay, cũng chưa có một chương trình nghiên cứu đi vào xu hướng tổng kết, nhằm cung cấp những hiểu biết chuyên sâu cho giới nghiên cứu và những hiểu hiết phổ thông cho đông đảo nhân dân. Ở đây, giới văn học nghệ thuật, trong đó có ngành điện ảnh chính là cái cầu nối giữa giới học giả và đông đảo nhân dân. Họ chính là người chuyển tải những kết quả nghiên cứu về lịch sử bằng ngôn ngữ nghệ thuật. Trong ý nghĩa như vậy, công việc của các nhà điện ảnh có một vị thế quan trọng vì chính ngôn ngữ điện ảnh là một cách đưa lịch sử đến với đại chúng trực tiếp và sinh động. Vì vậy, các nhà điện ảnh cần phải được cung cấp những kiến thức cơ bản, tin cậy thì mới có thể tái hiện được hình ảnh vua Đinh và cuộc sống của Kinh đô Hoa Lư bằng ngôn ngữ điện ảnh hôm nay. Điều này lại càng trở nên quan trọng và cấp thiết hơn bao giờ hết, khi mà dư luận xã hội đang trách cứ giới điện ảnh nước nhà không đưa được lịch sử hào hùng của dân tộc lên màn ảnh, khiến cho nhân dân, đặc biệt là thanh thiếu niên phải xem phim Tàu, qua đó thạo sử Tàu hơn sử Việt…

Trong tình hình ấy, việc làm một bộ phim về lịch sử về Vua Đinh và Kinh đô Hoa Lư là một công việc khó khăn, vì sử liệu về thời đại này rất ít ỏi, và việc chuyển các tư liệu đó (chữ viết, hiện vật) thành những hình ảnh sống động thì lại càng khó khăn gấp bội. Bài viết này cố gắng đưa ra những hệ thống tư liệu về vua Đinh và kinh đô Hoa Lư để các nhà điện ảnh cùng suy ngẫm và chọn lựa.

I. NHỮNG ÂM VANG CỦA TRUYỀN THUYẾT

Triều đại nhà Đinh là một triều đại xa xưa trong lịch sử Việt Nam. Một ngàn năm đã qua, chính là thời gian mà những câu chuyện về vua quan và triều đại này được thêu dệt và bao phủ bởi những lớp sương huyền thoại. Những truyền thuyết, huyền thoại, những câu chuyện về vua Đinh và triều đại này đã thấm sâu trong văn hóa dân gian vùng Hoa Lư, Ninh Bình. Ngoài những sự tích, truyền thuyết liên quan trực tiếp đến vua Đinh và kinh đô Hoa Lư còn có rất nhiều các huyền thoại, sự tích về mỗi ngọn núi, vực sông, gò cao, sông lớn… ở vùng Hoa Lư đều được dân gian mã hóa bằng những câu chuyện thực hư, hư thực(1).

Câu chuyện huyền thoại về vua Đinh còn được ghi lại trong Toàn thư với nhiều chi tiết mang tính giai thoại hoặc mang tính ly kỳ. Đó là chuyện vua Đinh lúc nhỏ được lũ trẻ công kênh và cầm hoa lau đi hai bên để rước như nghi trượng thiên tử. Rồi chuyện người chú của vua chống lại vua, khiến vua thua chạy, khi đi qua cầu rơi xuống bùn, người chú toan đâm chết, bỗng thấy hai rồng vàng hộ vệ vua, nên sợ mà lui.

Công dư tiệp ký (Ghi nhanh ngoài giờ làm việc công) của Vũ Phương Đề (1697 - ?) trong phần Âm phần dương trạch có truyện Đinh Tiên Hoàng ký, chép rằng: Nhà Đinh Tiên Hoàng gần một cái đầm sâu, mẹ ông vẫn thường ra đấy tắm giặt. Một hôm bà bị con rái cá lớn hãm hiếp nên thụ thai và sinh ra ông. Bố ông không biết, chỉ mẹ ông biết ông là con của loài rái cá. Mấy năm sau, người chồng qua đời, mà con rái cá cũng bị dân bắt được đem về ăn thịt, còn xương thì quẳng vào một xó. Bà được tin, đến nơi, đợi mọi người về hết, thu nhặt hết xương đem về, gói ghém cẩn thận và để trên gác bếp và bảo cho Đinh Tiên Hoàng biết đó là hài cốt của cha. Sau, có thầy địa lý Tàu sang nước ta, dõi theo long mạch đến Hoa Lư. Buổi tối thầy địa lý xem thiên văn, thấy có tia hào quang như dải lụa đỏ tự đầm nước bốc lên bắn thẳng vào sao Thiên Mã. Sáng hôm sau, thầy địa lý lần đến xem xét hồi lâu và đoán dưới đáy đầm tất có vật thiêng nên muốn thuê người bơi lặn giỏi xuống dưới đó xem sao. Nguyên là trong đầm đó, người ta đồn rằng bên dưới có chỗ rất thiêng, xưa nay chẳng ai dám bén mảng tới. Vì thế, thầy địa lý treo giải thưởng rất hậu cho người nào có gan lặn xuống để dòm xem. Họ Đinh bèn nhận lời ngay. Rồi ông lặn xuống đó, lấy tay sờ quanh, thấy có một con vật hình như con ngựa đứng dưới đáy đầm. Ông bèn trở lên báo cáo lại cho thầy địa lý biết. Thầy bảo ông lặn xuống chuyến nữa và đem theo một nắm cỏ non, nhử vào mồm ngựa xem nó thế nào. Ông lại cầm nắm cỏ xuống, đứng trước đầu ngựa để nhử, thấy nó há miệng ngoạm lấy nắm cỏ. Ông bơi lên báo cho biết, thầy địa lý gật đầu bảo: “Dưới đầm quả nhiên có ngôi huyệt quý”. Rồi thầy đưa ra một số bạc vàng bảo với ông rằng: “Nay hãy tạm thù lao một ít, sau này sẽ xin tặng thêm. Tôi cần phải trở về bản quốc mấy tháng rồi lại sang ngay, bấy giờ ta sẽ nói chuyện sau”. Lúc ấy tuy còn ít tuổi, nhưng ông rất thông minh. Nghe bọn khách nói chuyện với nhau, ông hiểu ngay là huyệt ở mồm ngựa, không còn hồ nghi gì. Đợi họ đi rồi, ông đem gói xương ở gác bếp xuống, lấy cỏ bao bọc xung quanh, rồi lặn xuống để vào mồm ngựa, ngựa bèn ăn hết ngay. Từ đó nhiều người phục tòng ông và tôn ông làm trại trưởng…

Cách mấy năm sau, thầy địa lý đem xương bố ở Trung Quốc sang, tìm đến chỗ đầm ấy để mai táng. Nghe nói Đinh Bộ Lĩnh đã trở thành bậc anh tài cái thế, thủ hạ có hơn một nghìn người, thầy địa lý biết ngay là họ Đinh đã táng huyệt ấy rồi. Thấy uổng phí bao nhiêu công sức, thầy căm tức lắm, bèn đến bảo ông rằng: “Nghe nói ông đã được đất. Cái huyệt tuy đẹp, nhưng ngựa không có gươm thì không được tốt. Nay tôi tặng cho một thanh gươm, ông đem xuống treo ở cổ ngựa, như vậy thì ông sẽ dọc ngang trời đất, đánh đâu được đấy”. Đinh Bộ Lĩnh tin lời thầy địa lý bèn lặn xuống chỗ ngựa thần, lấy tay sờ cổ ngựa, để gươm vào đấy rồi bơi lên. Từ đó đánh đâu được đấy, gọi là Vạn Thắng Vương. Ông dẹp được 12 sứ quân, thống nhất dư đồ, lên làm vua, hiệu là Đinh Tiên Hoàng. Ông ở ngôi 12 năm thì bị tên hầu cận là Đỗ Thích ám sát, con cả là Đinh Liễn cũng bị giết. Vì thầy địa lý dùng kế đánh lừa để gươm vào đầu ngựa, nên hai bố con ông mới thế(2).

Ngoài những tài liệu trên, kho Thần tích AE của Viện Nghiên cứu Hán Nôm cũng có nhiều bản thần tích về Đinh Tiên Hoàng hoặc các tướng lĩnh dưới thời vua Đinh, cũng như thần tích của các thủ lĩnh của 12 sứ quân dưới thời Đinh Tiên Hoàng. Những văn bản thần tích này chép những sự tích ly kỳ về công tích, hành trạng của các vị thành hoàng, các vị thần được các làng quê thờ phụng suốt 1000 năm qua. Riêng về sự tích Đinh Tiên Hoàng có các bản thần tích của xã Đặng Xá, tổng Kim Bảng, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam (AE.a13/15); xã Đại Hữu, tổng Đại Hữu, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình (AE.A4/9); xã Quan Thành, tổng Tam Lộng, phủ Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa (AE.b2/14)…

II. THƯ TỊCH LỊCH SỬ VỀ ĐINH TIÊN HOÀNG VÀ TRIỀU ĐINH

1. Đại Việt sử ký toàn thư

Dựa vào các ghi chép trong Đại Việt sử ký toàn thư (gọi tắt là Toàn thư), chúng ta có các thông tin như sau:

Vua lên ngôi, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt (gần đây có kiến giải cho rằng quốc hiệu đó là Cồ Việt(3)).

Kinh đô Hoa Lư có thành, có hào, có các cung điện và triều nghi.

Sân triều có đặt vạc lớn, có chuồng hổ dữ để dùng uy lực chế ngự thiên hạ.

Quân lính đội mũ bình đính (phẳng đầu) vuông bốn góc (loại mũ này làm bằng da, chóp phẳng, bốn bên khâu liền, trên hẹp dưới rộng…).

Năm Thái Bình 2 (971) bắt đầu định cấp bậc văn võ, tăng đạo.

Năm Thái Bình 6 (975) quy định áo mũ của các quan

Trịnh Tú đem vàng, lụa, sừng tê, ngà voi sang nhà Tống

Năm Thái Bình 7 (976) thuyền buôn nước ngoài đến dâng sản vật nước họ.

Năm 978, tháng Giêng động đất; tháng 2 có mưa đá; tháng 6, nắng hạn(4).

2. Lịch triều hiến chương loại chí

Những thông tin về Lễ nghi chí đời Vua Đinh như sau: “Từ đời Đinh, đời Lý về trước, nghi tiết còn đơn giản, đến đời Trần đời Lê về sau, lễ chế mới nhiều, hoặc trước sơ lược mà sau tường tận hơn, hoặc trước không mà sau có, đều là do lễ nghĩa mà đặt, văn mỗi thời mỗi khác, nghi thức đã đặt, đều phải chép cả”(5).

Dưới đây là thông tin về quy chế về Lễ nghi của triều Đinh mà Lịch triều hiến chương loại chí ghi nhận và không ghi nhận:

Quy chế về mũ áo của đế vương:

“Từ đời Lý, đời Trần trở về trước, mũ áo của vua thế nào, không thể khảo cứu được”(6). (Sđd, tr.703).

Quy chế về phẩm phục của các quan:

“Đinh Tiên Hoàng, năm Thái Bình thứ 6 (975) định phẩm phục của các quan văn võ (quy chế không thể khảo cứu được)” (Sđd, tr.707).

Quy chế về xe kiệu và nghi vệ của vua chúa: Không có thông tin về triều Đinh.

Kiệu võng và nghi vệ của các quan: Không có thông tin về triều Đinh.

Lễ tế trời đất: Không có thông tin về triều Đinh.

Lễ thờ tôn miếu: Không có thông tin về triều Đinh.

Những lễ khánh hạ của triều đình (lễ nhận ngôi và lên ngôi, lễ ban chiếu thư, lễ thánh thọ, lễ bảo thần, lễ khánh thọ, lễ diên thọ, lễ chính đán, lễ thường triều, lễ tiến lịch, lễ tiến xuân, lễ tiến xuân ngưu): Không có thông tin về triều Đinh.

Lễ quốc tang và việc tang (tang nghi và tang phục, lễ lên ngôi của vua nối nghiệp, nghi thức ban chiếu khi vua lên ngôi, lễ táng sơn lăng,…): Không có thông tin về triều Đinh.

Lễ tấn phong và sách phong

Lễ sách lập Hoàng hậu: Đinh Tiên Hoàng, năm Thái Bình thứ 1 (970) lập 5 vị Hoàng hậu”. (Sđd, tr.835).

Các lễ tế cáo cầu đảo và ăn thề: tế đàn Xã Tắc, tế thần Tiên Nông, tế bách thần, tế âm hồn, tế kỳ đạo, tế kỳ an,…

Dưới đây là thông tin về Binh chế của triều Đinh mà Lịch triều hiến chương loại chí ghi nhận:

Ngạch quân

Đời Đinh: Đinh Tiên Hoàng, năm Thái Bình thứ 5 (974), định ngạch quân 10 đạo quân, mỗi quân 10 lữ, mỗi lữ 10 tốt, mỗi tốt 10 ngũ, mỗi ngũ 10 người. (Sđd, tr.313)(7).

Dưới đây là thông tin về Bang giao của triều Đinh mà Lịch triều hiến chương loại chí ghi nhận:

Điển sách phong

Đời Đinh: Tiên Hoàng, năm Thái Bình thứ 3 (972) sai Nam Việt Vương (Đinh) Liễn đi sứ nước Tống. Năm thứ 4 sứ về. Nhà Tống sai sứ đem sách sang phong cho Tiên Hoàng làm Giao Chỉ quận vương…Lại phong cho (Đinh) Liễn làm Kiểm hiệu thái sư Tĩnh Hải quân tiết độ sứ An Nam đô hộ.

Năm thứ 6 (975), nhà Tống sai Hồng Lô tự khanh là Cao Bảo Tự và Vương Ngạn Phù đem sách sang gia phong cho Tiên Hoàng làm Nam Việt vương, và gia phong cho Đinh Liễn làm Khai phủ nghi đồng tam ty kiểm hiệu thái sư Giao Chỉ quận vương.

(Phan Huy Chú) xét: Nước ta từ thời Hùng Vương mới bắt đầu thông hiếu với Trung Quốc, nhưng danh hiệu còn nhỏ, không được dự vào hàng chư hầu triều hội ở nhà Minh Đường. Rồi bị Triệu Đà kiêm tính, nhà Hán phong Đà làm Nam Việt vương, chỉ được sánh với chư hầu của Trung Quốc, chứ chưa được nêu là một nước. Đến sau nội thuộc vào nhà Hán, nhà Đường, bèn thành quận huyện. Đến khi Đinh Tiên Hoàng bình định các sứ quân, khôi phục mở mang bờ cõi, bấy giờ điển lễ sách phong của Trung Quốc mới nhận cho đứng riêng là một nước. (Sđd, tr.534-535)

3. Chân dung Đinh Tiên Hoàng trong mắt của sử gia phong kiến

Sử thần triều Lê (chép trong Toàn thư):

Vua tài năng sáng suốt hơn người, dũng cảm mưu lược nhất đời, quét sạch các hùng trưởng, tiếp nối quốc thống của Triệu Vũ Đế, song không biết dự phòng, không giữ được trọn đời, tiếc thay! (Sdd, tr.210)

Lê Văn Hưu nói: Tiên Hoàng nhờ có tài năng sáng suốt hơn người, dũng cảm mưu lược nhất đời, đương lúc nước Việt ta không có chủ, các hùng trưởng cát cứ, một phen cất quân mà mười hai sứ quân phục hết. Vua mở nước dựng đô, đổi xưng hoàng đế, đặt trăm quan, lập sáu quân, chế độ gần đầy đủ, có lẽ ý trời vì nước Việt ta mà lại sinh bậc thánh triết để tiếp nối quốc thống của Triệu Vương chăng? (tr.211).

Lê Văn Hưu nói (về việc Đinh Tiên Hoàng lập 5 hoàng hậu): Từ xưa chỉ lập [hoàng hậu] một người để chủ việc nội trị mà thôi, chưa từng nghe nói lập đến 5 người. Tiên Hoàng không kê cứu cổ học, mà bầy tôi đương thời lại không có ai biết giúp sửa cho đúng, để đến nỗi chìm đắm trong tình riêng, cùng lập 5 hoàng hậu. Sau đến hai triều Lê, Lý cũng phần nhiều bắt chước làm theo, ấy là do Tiên Hoàng khởi xướng sự rối loạn thứ bậc vậy (tr.212).

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói (về việc bỏ con trưởng, lập con thứ): Nối ngôi dùng con đích là đạo thường muôn đời, bỏ đạo ấy, chưa từng không gây loạn. Cũng có khi nhân thời loạn mà lập Thái tử, thì trước hết chọn người có công, hoặc con đích trưởng quá ác phải bỏ thì sau mới lập con thứ. Thế là xử việc lúc biến mà vẫn được đúng đắn, người xưa vẫn từng làm. Nam Việt Vương Liễn là con trưởng, lại có công, chưa thấy lầm lỗi gì. Tiên Hoàng yêu con thứ mà quên con trưởng, cho như thế mới đủ tỏ tình yêu quý, không biết như thế là làm hại con. Liễn lại nhẫn tâm, đến nỗi giết em, thiên đạo nhân luân mất hết, chuốc họa chết thiệt thân, còn liên lụy cả cha nữa, há chẳng rùng rợn lắm thay! Không thế thì tội đại ác của Đỗ Thích do đâu nảy ra để hợp với lời sấm được? (tr.214)

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói (về mệnh của Đinh Tiên Hoàng): …Cho nên Tiên Hoàng không được trọn đời là do chưa làm hết việc người, không phải mệnh trời không giúp. Cũng vì vua không giữ được trọn đời khiến cho cái thuyết sấm đồ đắc thắng, đời sau không thể không bị mê hoặc vì điều đó. (tr.215).

Sử thần triều Nguyễn (chép trong Khâm định Việt sử thông giám cương mục):

- Sử thần phê việc đặt vạc, nuôi cọp để ra oai với người có tội: “Đạo trời ưa kẻ khiêm nhường, đạo người răn người tự mãn. Tiên Hoàng nhà Đinh là người vô học, không có mưu mô gì, chỉ quen dữ tợn, kiêu căng, đến nỗi cuối cùng cả hai cha con đều bất đắc kỳ tử, mới được hai đời đã mất! Nhân đức và tàn bạo thật khác nhau hẳn: đáng làm gương chung. Đinh kêu là Vạn Thắng, Tần mong được vạn thế, xe trước xe sau cùng đi một vết, thương thay! (Tập Một, tr.238).

Lời bàn của Nguyễn Nghiễm, người làng Tiên Điền về chuyện động đất, hạn hán, mưa đá: “Về việc Tiên Hoàng lập Hạng Lang, trước đó thì có động đất, sau đó thì có mưa đá, có hạn hán. Trời kia răn bảo trờ trờ ra đấy; thế mà cứ coi làm thường, không sớm tỉnh ngộ! Vậy, muốn không mất, phỏng được chăng? (Sđd, tr.242).

III. HIỆN VẬT KHẢO CỔ HỌC KINH ĐÔ HOA LƯ VÀ TRIỀU ĐẠI NHÀ ĐINH

Kinh đô Hoa Lư và triều đại nhà Đinh từ lâu đã được các nhà khảo cổ học quan tâm nghiên cứu. Bài Điểm qua các lịch sử nghiên cứu kinh thành Hoa Lư, trong sách Kinh đô Hoa Lư thời Đinh - Tiền Lê, tác giả Đặng Công Nga cho biết “thời nào cũng có các sử gia, các nhà nghiên cứu quan tâm tìm hiểu và ghi chép, khảo cứu và mô tả về nó”(8). Tiếp theo, tác giả đã điểm lại các sử liệu quốc gia: Đại Việt sử ký, Đại Việt sử lược, Dư địa chí, Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Nam nhất thống chí, các địa phương chí như Ninh Bình phong vật chí, Ninh Bình tỉnh chí, Gia Viễn huyện chí

Về tài liệu khảo cổ học, Đặng Công Nga nhắc đến các cuộc khai quật và những hiện vật được tìm thấy ở chùa Bà Ngô, cột kinh Đinh Liễn (do Hà Văn Tấn phát hiện và công bố), những viên gạch có chữ, dấu vết cung điện, thành và hào, nền tháp, vật liệu kiến trúc và trang trí …

Nhưng hình ảnh về con người và cuộc sống của kinh đô Hoa Lư thì cho đến nay vẫn vắng bóng. Trong hai cuốn sách quan trọng do giới nghiên cứu cổ mỹ thuật biên soạn và công bố là: Điêu khắc cổ Việt Nam (Phan Cẩm Thượng) và Hình tượng con người trong chạm khắc cổ Việt Nam (nhóm tác giả Viện Mỹ thuật) không có chương mục hoặc phần viết, hình ảnh nào về thời Đinh, triều Đinh. Như vậy, chúng ta không thể tìm thấy một hình ảnh chạm khắc nào về con người thời kỳ này. Việc tái hiện lại hình ảnh vua Đinh và cuộc sống kinh đô Hoa Lư hơn 1000 năm trước càng trở nên một thách đố.

Các tư liệu về trang phục (dân và quan), xe kiệu thuyền bè, thành quách cung điện và đời sống nhân dân, đời sống cung đình; lời ăn tiếng nói của ngôn ngữ cung đình triều Đinh đều không thể khảo chứng.

THAY LỜI KẾT LUẬN

Thời đại vua Đinh và Kinh đô Hoa Lư là một thời đại cần được giới học thuật đẩy mạnh nghiên cứu, tổng kết, không những để cung cấp hiểu biết cho xã hội mà còn làm cơ sở cho các ngành văn học nghệ thuật có dữ liệu xây dựng và tái hiện bằng ngôn ngữ riêng của từng ngành.

Với những kết quả thu thập được hiện nay, có 3 nguồn để có thể cung cấp dữ liệu cho việc tái hiện hình ảnh vua Đinh và Kinh đô Hoa Lư: nguồn folklore (văn hóa dân gian), nguồn thư tịch lịch sử và nguồn khảo cổ học. Nguồn folklore được thu thập tại địa phương Hoa Lư, Ninh Bình, do các nhà nghiên cứu và sưu tầm địa phương cung cấp (bên cạnh việc sử dụng những sưu tầm đã in thành sách, còn tiếp tục sưu tầm nữa). Nguồn tư liệu thư tịch lịch sử (được hiểu là những văn bản Hán Nôm, có giá trị sử liệu) sẽ được khai thác tại các kho lưu trữ như Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Thư viện Viện Sử học, Thư viện Quốc gia… và bảo tàng Ninh Bình. Nguồn tư liệu khảo cổ học sẽ khai thác từ các báo cáo khai quật đã tiến hành từ thập kỷ 60 của thế kỷ trước, các bài nghiên cứu của học giả, các luận văn, luận án Khảo cổ học về Hoa Lư.

Trong 3 nguồn tư liệu nêu trên, mỗi nguồn đều có giá trị riêng, đều có thể sử dụng làm tư liệu cho việc tái hiện hình ảnh vua Đinh và kinh đô Hoa Lư. Tuy vậy, việc sử dụng để lọc lựa đem sử dụng đều cần hết sức cân nhắc, vì mỗi loại tư liệu đều có cái hạn chế riêng trong việc tái hiện bằng ngôn ngữ điện ảnh.

Điều cuối cùng chúng tôi đề cập đến trong bài này là, cho dù có các nguồn tư liệu nào, thì việc lựa chọn để đưa vào xây dựng thành một bộ phim cũng cần hết sức thận trọng, vì bộ phim chính là sự phản ánh nhận thức, đánh giá và ghi nhận của con người hôm nay về một triều đại đã cách chúng ta 1.000 năm lịch sử; hơn nữa, sản phẩm điện ảnh này sẽ phải được xem như là một trong những tác phẩm góp phần lấp đầy khoảng trống ở mảng phim lịch sử từ mấy chục năm nay của ngành điện ảnh nước nhà.

 

Chú thích:

(1) XemLê Doãn Đàm: Thắng tích cố đô Hoa Lư và những huyền thoại, Nxb. Phụ nữ, 2009.

(2) Công dư tiệp ký. In trong Tổng tập tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam. Tập I. Nxb. Thế giới, Hà Nội, 1997, tr.554-555.

(3) Xem bài của Trần Trọng Dương: Khảo về "Đại Cồ Việt" (nước Việt - nước Phật giáo) trên Tạp chí Hán Nôm số 2-2009.

(4) Đại Việt sử ký toàn thư. Tập I, Nxb. KHXH, H. 1993, tr.210-215.

(5) Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí. Tập I. Nxb. Giáo dục, H. 2007, tr.702.

(6) Phan Huy Chú cho biết: xem trong sử duy chỉ biết “Lê Đại Hành lên ngôi, mặc áo long cổn, về sau áo mặc phần nhiều dùng vóc đỏ, mũ sức trân châu” và Lý Thái Tông mới chế thứ mũ gọi là bát giác tiêu dao bằng vàng (tên mũ, lối mũ ấy nau không khảo cứu được)”. Ông cũng cho biết: “Còn như sắc áo thì hình như trước không có quy chế nhất định. Lê Đại Hành đã dùng thứ vóc đỏ, đến Lý Cao Tông mới cấm nhân dân trong nước không được mặc áo sắc vàng, thế thì áo hoàng bào trước kia chưa phải là đồ dùng riêng của vua”(Sđd, tr.703)

(7) Ngọ Phong Ngô Thì Sĩ nói rằng: Xét quy chế quân lữ này, từ 1 ngũ 10 người đến 1 đạo 10 quân, thành số quân 10.000. Tổng số 10 đạo và 10 vạn người. Số cơm áo 10 vạn lấy gì mà cung đủ được? Có lẽ bấy giờ binh và nông chưa chia nhau, còn là khi có việc thì gọi ra, khi xong việc lại giải tán về đồng ruộng, hoặc giả như cách kén binh ở tứ trấn ngày nay, chỉ có số ngạch ở sổ mà thôi.

(8) Sách đã dẫn. Sở Văn hóa - Thông tin Ninh Bình, 2002. tr.9.

Tài liệu tham khảo chính:

- Đại Việt sử ký toàn thư. 4 tập. Nxb. KHXH, H. 1993.

- Khâm định Việt sử thông giám cương mục. Quốc sử quán triều Nguyễn. Hai tập, Nxb. Giáo dục, H. 1998.

- Lịch triều hiến chương loại chí. Phan Huy Chú, 3 tập. Nxb. Giáo dục, H. 2007.

Vũ Phương Đề: Công dư tiệp ký. In trong Tổng tập tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam. Tập I. Nxb. Thế giới. H. 1997

Kinh đô Hoa Lư thời Đinh - Tiền Lê (Đặng Công Nga). Sở Văn hóa - Thông tin Ninh Bình, 2002.

Di tích danh thắng Hoa Lư Ninh Bình. Lã Đăng Bật. Sở VH-TT Ninh Bình, 1993.

Thắng tích cố đô Hoa Lư và những huyền thoại. Lê Doãn Đàm. Nxb. Phụ nữ, 2009.

Danh nhân đất Ninh Bình. Nhiều tác giả. Trung tâm UNESCO thông tin tư liệu lịch sử và văn hóa Việt Nam, 2000.

Điêu khắc cổ Việt Nam. Phan Cẩm Thượng. Nxb. Mỹ thuật. H. 1997.

Hình tượng con người trong chạm khắc cổ Việt Nam Nhiều tác giả. Đại học Mỹ thuật Hà Nội xuất bản, 2002./.

(Thông báo Hán Nôm hoc, 2010, tr.66-78)

In
Lượt truy cập: