Nghiên cứu Hán Nôm >> Năm 2010
Thế Anh
3. Một cuốn gia phả viết bằng chữ Nôm và Quốc ngữ của những năm đầu thế kỷ XX (TBHNH 2010)

Cập nhật lúc 17h20, ngày 19/10/2013

MỘT CUỐN GIA PHẢ VIẾT BẰNG CHỮ NÔM

VÀ QUỐC NGỮ NHỮNG NĂM ĐẦU THẾ KỶ XX

THẾ ANH

Hội Ngôn ngữ học Việt Nam

Vừa qua chúng tôi có được đọc 5 tập trong bộ gia phả họ Nguyễn làng Xuân Cầu thuộc xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. 5 tập này gồm 3 tập Hán Nôm và 2 tập Quốc ngữ, tổng cộng 465 trang (2 tập Quốc ngữ là phiên âm từ 3 tập Hán Nôm sang). Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết người biên soạn cuốn phả này là cụ Nguyễn Đạo Quán, đậu Phó bảng khoa Mậu Tuất, Thành Thái thứ 10 (1899). Điểm nổi bật ở cuốn Gia phả này là người soạn viết bằng chữ Nôm rồi lại phiên âm ra chữ Quốc ngữ và theo chỗ chúng tôi biết thì việc một nhà Nho sử dụng thành thạo chữ Quốc ngữ để viết Giả phả là một điều khá mới mẻ phù hợp với xu thế phát triển của xã hội và là một nhận thức khá tiến bộ vào thời điểm những năm đầu thế kỷ trước.

Phần chính của cuốn gia phả đã liệt kê được 16 đời liên tục kể từ cụ Thủy tổ đời thứ nhất vào khoảng đời Lê Thánh Tông Hồng Đức thứ 15 (1484) đến đời thứ 16 năm Quí Mùi (1943) ước tính khoảng 460 năm, nếu tính đến hôm nay (2010) thì dòng họ này đã tồn tại và trải qua một chặng đường lịch sử trên 5 thế kỷ. Điều đáng chú ý của quyển gia phả là người soạn đã ghi chép hành trạng của từng người khá tỉ mỉ và cụ thể làm cho người đọc thấy rõ phẩm chất đạo đức cũng như sự cống hiến của tiền nhân cho đất nước, cho gia tộc và địa phương.

Một điều phổ biến trong các cuốn gia phả trước đây là thường ghi rất vắn tắt hoặc đề cập rất ít thông tin về đời tư của các nàng dâu, riêng trong cuốn gia phả này thì lại ghi rất cụ thể và tỷ mỉ về những nàng dâu của dòng họ, thậm chí có người 2, 3 vợ đều được ghi chép đầy đủ. Theo chúng tôi đây là điểm tiến bộ, bởi xét về quan hệ huyết thống thì con người sinh ra đâu chỉ có cha là đủ, mà công mẹ mang nặng đẻ đau lớn lắm, sao lại có thể bỏ qua được.

Đây là sự trân trọng của người viết nói theo ngôn từ hiện đại là thấm đẫm tinh thần bình đẳng giới.

Người khai khoa cho dòng họ là Nguyễn Hằng (đời thứ 4) sinh năm 1558, đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Bính Tuất niên hiệu Đoan Thái (1586) đời Mạc Mậu Hợp, làm quan với nhà Lê đến chức Tham chính, tước Thọ Kiều bá.

Con Nguyễn Hằng là Nguyễn Tính sinh năm 1611 cũng đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Canh Thìn niên hiệu Dương Hoà 6 (1640) đời Lê Thần Tông, làm quan đến chức Lễ bộ Hữu Thị lang, tước Nghĩa Quận công, sau khi mất được truy tặng chức Tả Thị lang Bộ Binh, Nguyễn Tính được địa phương tôn làm Á thần.

Người đỗ đại khoa thuộc đời thứ 7 là Nguyễn Hành, sinh năm 1656 đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Mậu Thìn niên hiệu Chính Hòa thứ 9 (1688) đời Lê Hy Tông. Năm Quý Dậu (1693) ông đỗ khoa thi Từ mệnh, được cử đi sứ nhà Thanh, làm quan đến chức Lại bộ Tả Thị lang. Sau khi mất được truy tặng chức Công bộ Thượng thư.

Người thứ tư của dòng họ đỗ đại khoa là Nguyễn Gia Cát thuộc đời thứ 11, ông sinh năm 1760, Nguyễn Gia Cát đỗ Nho sinh trúng thức khi chưa đến 18 tuổi, 26 tuổi đỗ Đồng chế khoa xuất thân Đinh Mùi niên hiệu Chiêu Thống thứ 1 (1787) đời Lê Mẫn Đế. Làm quan với triều Tây Sơn đến Đốc học Bắc thành. Sau làm quan với nhà Nguyễn đến chức Lễ bộ Tả Tham tri, tước Quỳ Giang hầu. Đầu đời Gia Long (1802-1819) Nguyễn Gia Cát có đi sứ sang nhà Thanh. Tác phẩm có Hoa trình thi tập.

Và vị đại khoa cuối cùng của dòng họ là Nguyễn Đạo Quán (chúng tôi đã đề cập đến ở đầu bài viết).

Ngoài ra những người đỗ Tú tài và Cử nhân thì thời nào cũng có. Có thể nói đây là một dòng họ thuộc hàng danh gia vọng tộc có nhiều đóng góp cho quê hương, đất nước.

Cuốn gia phả còn ghi lại được nhiều tư liệu có giá trị về mặt văn học như bài Gia huấn bằng chữ Nôm có nhan đề Bản tộc tương miễn (trong họ cùng khuyên bảo nhau) theo thể thơ song thất lục bát của cụ Túc Trai Nguyễn Gia Hội (tổ hàng thứ 10 của dòng họ) soạn vào năm Đinh Vị Chiêu Thống năm thứ nhất (1787) hoặc bài Hợp tộc nghi (Nghi tiết khi hội họp trong họ) soạn vào ngày mồng một tháng 8 năm Nhâm Tuất, đời Cảnh Hưng thứ 3 (1742) của cụ Trung Thuận Nguyễn Viết Bạt đỗ Tứ trường hợp cách khoa thi Hương năm Đinh Mão, Cảnh Hưng thứ 8 (1747). Bài văn đề ra những qui định cụ thể cho người trong họ như đạo làm con thì phải hiếu kính với cha mẹ; vợ chồng, anh em thì phải hòa mục; đối với làng xóm thì phải kính già, yêu trẻ, không để người ngoài lăng mạ đến Tổ tiên, việc hiếu việc hỷ trong họ cũng được qui định chi tiết, cụ thể.

Ngoài ra trong gia phả còn có những câu chuyện về văn học rất lý thú có thể bổ sung cho nguồn tư liệu chính thống như trường hợp của Nguyễn Hằng, ông tuy là một vị triều quan danh vọng, nhưng cuộc sống rất thanh bạch, nghèo túng. Ông có bài thơ Nôm tư vịnh, đáng chú ý bài thơ có xen những câu lục ngôn như ta thường gặp trong thơ Nôm Nguyễn Trãi,

Ư hử trên đầu tóc đã hai

Nghĩ mình khó ngót chửa bằng ai

Nằm nhà giột kho kho ngáy

Lắc bầu không khích khích cười

Cật thiếu mành to che tháng giá

Bếp không nồi đất nấu canh khoai

Lại nghe Chu Dịch lời này nữa

Bĩ cực ngày rày ắt thái lai

Và một bài khác xin trích 4 câu:

Ba mươi chín tuổi đỗ đăng khoa

Song kiết ai bằng song kiết ta

Đãi khách vẻ vang rau lộc, muống

Điều canh chan chứa nước chè, cà.

Xin lưu ý hai chữ song kiết trong câu thơ thứ hai trên đây, bản chữ Nôm viết là song viết mà người soạn đã phiên âm là song kiết. Nếu đọc đúng mặt chữ thì phải là song viết. Chữ này ta thường gặp trong thơ Nôm Nguyễn Trãi, trong Bạch Vân quốc ngữ thi của Nguyễn Bỉnh Khiêm và cả trong Bùi thị gia phảThiên Nam dư hạ tập cũng có từ này.

Chữ song viết này lâu nay các nhà nghiên cứu còn đang tranh luận và chưa xác định được chắc chắn nghĩa cụ thể và âm đọc. Có người đọc là suông nhạt (Đỗ Hỷ), rông vát (Nguyễn Tài Cẩn), song nhật (Nguyễn Quảng Tuân, Bùi Văn Nguyên)... và cách giải thích cũng khác nhau. Chúng tôi xin lưu ý một cách đọc khác trong cuốn gia phả này là song kiết để các nhà nghiên cứu tham khảo.

Kết luận: Đây là cuốn gia phả của một dòng họ có truyền thống khoa hoạn lâu đời, người viết phả lại là một nhà Nho cuối cùng của dòng họ (đậu Phó bảng) đã sớm tiếp xúc với chữ Quốc ngữ, nên cách viết cũng khoa học, mạch lạc, cụ thể và tỉ mỉ, có tra cứu, đối chiếu với nhiều nguồn tư liệu đáng tin cậy, không sơ lược như nhiều cuốn gia phả thông thường. Tác giả đã viết bằng chữ Nôm rồi lại phiên âm ra chữ Quốc ngữ nên tính phổ cập cũng rộng rãi hơn. Đặc biệt trong phần hành trạng của các vị đại khoa của dòng họ có nhiều câu chuyện rất lý thú có thể bổ sung cho nguồn tư liệu chính thức chưa được đề cập tới.

(Thông báo Hán Nôm hoc, 2010, tr.20-24)

In
Lượt truy cập: