Nghiên cứu Hán Nôm >> Chủ đề >> Văn khắc
Phạm Thùy Vinh
105. Hoàng đế Lê Thái Tông và uy danh của Đại Việt qua văn bia Lam Sơn Hựu lăng bi (TBHNH 2012)

Cập nhật lúc 09h42, ngày 09/02/2015

HOÀNG ĐẾ LÊ THÁI TÔNG VÀ UY DANH CỦA ĐẠI VIỆT QUA
VĂN BIA
LAM SƠN HỰU LĂNG BI

PHẠM THỊ THUỲ VINH

Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Hoàng đế Lê Thái Tông tên thật là Lê Nguyên Long, sinh năm 1423 mất năm 1442. Ông là con trai của Lê Lợi và bà Cung từ Hoàng thái hậu Phạm Thị Ngọc Trần, lên ngôi năm 1433 khi mới 10 tuổi. Ông là một minh quân, mở mang việc học, coi trọng các bậc công thần như Nguyễn Trãi, Nguyễn Xí, Đinh Liệt và trấn áp các vị công thần chuyên quyền như Lê Sát, Lê Ngân. Chín năm sau khi lên ngôi vua, trong một cuộc tuần du về phía đông của Đại Việt ông đã đột ngột băng hà và kéo theo một vụ thảm sát dã man trong lịch sử Việt Nam, đó là vụ án Lệ Chi viên mà muôn đời sau còn uất hận.

Là một vị vua trẻ như thế nhưng ông đã kịp để lại nhiều dấu ấn quan trọng với đất nước. Các kỳ thi tuyển Tiến sĩ của triều đình nhà Lê được bắt đầu từ niên hiệu Đại Bảo là niên hiệu gắn liền với Hoàng đế Lê Thái Tông. Toàn bộ sự nghiệp vẻ vang của ông được đúc kết lại trên văn bia Hựu lăng ở Lam Sơn, trong đó không chỉ nêu lên vai trò và những đóng góp của ông cho lịch sử mà còn ghi nhận vị thế của quốc gia Đại Việt đối với các nước xung quanh, đặc biệt là các nước vùng Đông Nam Á. Từ Java đến Xiêm La, Camphuchia, Malai đều thần phục Đại Việt, điều đó cho thấy nước ta bấy giờ đã phát triển và có vị trí cao đối với khu vực. Bài văn bia tuy ngắn gọn nhưng súc tích đã nêu bật được công trạng của vị vua thứ hai triều Lê sơ - Hoàng đế Lê Thái Tông.

Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu toàn bộ văn bia Lam Sơn Hựu lăng bi:

Thác bản bia có ký hiệu N0 13481 Viện Nghiên cứu Hán Nôm, có niên đại là năm Đại Bảo thứ 3 (1442). Bia dựng ở lăng Lê Thái Tông, thuộc xã Lam Sơn huyện Thọ Xuân tỉnh Thanh Hóa. Bia có kích thước 75x140 cm, bị vỡ đôi ở phần dưới của bia nên bị mất một số chữ, chữ còn lại dễ đọc. Xung quanh trang trí rồng và dây leo. Tên bia viết bằng chữ triện.

Nguyên văn chữ Hán:

藍 山 祐 陵 碑

大 寶 三 年 壬 戌 八 月初 四 日 辛 卯[[]] 太 宗 皇 帝 賓 天 十 一 月 十 六 日 壬 申 葬 于 藍 山 永 陵 之 左 曰 祐 陵 帝 姓 黎 諱 左 從 []右 從 []高 皇 帝 之 子 恭 慈 光穆 仁 明 皇 太 后 所 生 也 雄 [][][] 精 圖 治 定 制 度 頒 經籍 制 禮 作 樂 明 政 恤 刑 此 [][][]備 海 內 丕 變 瓜 哇 進 羅 三 佛 齊 占 城 滿 剌 加 等 國 [][][]來招 集 亡 板 借 号 紀 元 順 每 州 土凶 儼 遠 挾 哀 牢 [][][]

帝 親 帥 六 師 政 天 之罰 一 旬 而 宗 來 授 首 再 駕 而 凶 [][][]兵 亦 皆 望 風 奔 潰 生 獲 其 將 局 蒙 及 兵十 餘 萬 邊 境 [][][]皇 威 遠 暢 華 夏 蠻 罔 不 率 俾 是 年 秋 [][][]崩 在 位 九 年 元 凡 二 曰 紹 平 曰 大寶

大 寶 三 年 壬 戌 十 一月 吉 日 翰 林 院 侍 讀 進 士 兼 知 御 前 學 生 局 近 侍 祇 侯 各 局 臣 阮 天 錫 奉 敕 譔

御 前 學生 局 局 副 臣 阮公 整 奉 書


Dịch nghĩa:

BIA HỰU LĂNG Ở LAM SƠN

Ngày 4 tháng 8 năm Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo thứ 3 (1442) Thái Tông Hoàng đế băng hà.

Ngày Nhâm Thân 16 tháng 11 táng ở bên trái Vĩnh Lăng, Lam Sơn, gọi là Hựu Lăng. Hoàng đế họ Lê, huý là [Long], là con của Thái Tổ Cao Hoàng đế, do Cung từ Quang mục Nhân minh Hoàng Thái hậu sinh ra. Hoàng đế là người định ra chế độ, ban bố thư tịch, chế ra lễ, làm ra nhạc, làm sáng rõ nền chính trị, khoan dung khi dùng hình phạt. Vì thế [uy danh] của Hoàng đế bao trùm trong lãnh hải, vang rộng ra đến các nước Qua Oa, Tiêm La, Tam Phật Tề, Chiêm Thành, Mãn Thích Gia [][]…[] đều đến quy tập. Kẻ vong bản mượn niên hiệu Kỷ Nguyên là Hung Nghiễm, Thổ tù châu Thuận Mỗi đã dựa vào địa thế xa xôi tiếp giáp với Ai Lao [để làm loạn- ND, vì chỗ này bị mất chữ ] khiến cho Hoàng đế thân chinh chỉ huy 6 đội quân thay trời hỏi tội, mới có 10 ngày mà bọn thủ lĩnh đều quy phục. Lại xuất giá chinh phạt nên các đạo viện binh của Hung Nghiễm đều tan tác như gió thổi, bắt sống được tướng Cục Mông và hơn 10 vạn binh tượng. Uy phong của Hoàng đế bay xa, các vùng Hoa Hạ, Man di không dám khinh suất. Mùa thu năm đó, Hoàng đế băng, tại vị 9 năm, cải niên hiệu hai lần là Thiệu Bình và Đại Bảo.

Ngày lành tháng 11 năm Nhâm Tuất niên hiệu Bảo Đại thứ 3 (1442).

Hàn lâm viện Thị độc Học sĩ kiêm Tri Ngự tiền Học sinh cục Cận thị chỉ các cục, thần Nguyễn Thiên Tích vâng sắc soạn.

Ngự tiền Học sinh cục Cục phó thần Nguyễn Công Chỉnh vâng lệnh viết chữ.

 


Chú thích
:

(1). Những chỗ chúng tôi ghi trong ngoặc là đoạn trắng tức là chữ bị mờ hết không đọc rõ.

 

(Thông báo Hán Nôm học 2012,tr.849-852)

In
Lượt truy cập: