Nghiên cứu Hán Nôm >> Chủ đề >> Lịch sử
Phan Đăng Thuận
90. Tư liệu về thứ phi của Thái tổ Mạc Đăng Dung (TBHNH 2012)

Cập nhật lúc 10h27, ngày 09/02/2015

TƯ LIỆU VỀ THỨ PHI CỦA THÁI TỔ MẠC ĐĂNG DUNG

PHAN ĐĂNG THUẬN

Hà Nội

trong chương trình nghiên cứu về nhà Mạc và hậu duệ ở Vĩnh Phúc, chúng tôi đã đi về đền thờ bà Chúa Lối thuộc làng Lối xã Xuân Lôi huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Phúc. Bà là Nguyễn Ngọc Lãng, quê ở làng Lối nên gọi là bà Chúa Lối. Bà là Thứ phi của Thái tổ Mạc Đăng Dung. Năm 1538 bà bị bệnh, xin về bản quán để chữa trị và mất tại quê nhà. Hiện nay ở đền còn có văn bản bằng chữ Hán có tiêu đề: “Hoàng Việt Thái Chiêu mộ chí”. Bia được khắc vào năm Đại Chính thứ 8 (1538). Cuối văn bản có thêm dòng ghi chú bằng chữ Hán, cho biết vào năm Thành Thái thứ 10 (1907), ông “Đỗ Văn Phác người trong thôn coi đền khi cày ruộng thấy 2 phiến đá mộ chí, đem ghép lại, nhân đó sao chép, rồi lại chôn đá vào chỗ cũ”.

Nguyên văn:

西西光。。。祭月十也。銘

正巨

舊。

Dịch nghĩa:

Bia mộ Thái Chiêu Viên nước Hoàng Việt

Thái Chiêu Viên họ Nguyễn, tên huý là Ngọc Lãng, quê ở xã Xuân Lôi huyện Lập Thạch. Ông nội là Phụng Trực đại phu Hộ bộ Thượng thư tên là Thiệu Tri. Thân phụ là Liêu Đàm bá Lương Hãn. Thân mẫu là Tự Phu nhân tên là Nguyễn Thị Trinh. Thái Chiêu Viên sinh giờ Dậu ngày 10 tháng 8 năm Đinh Mão, niên hiệu Đoan Khánh thứ 3 triều Lê (1507). Bẩm sinh thiên tính, dáng vẻ đoan trang tính tình hiền hậu. Đó là điều tốt trong gia tộc đã hiện rõ.

Thái Thượng hoàng khi chưa lên ngôi vua, đã được cho theo hầu, một lòng cung kính, giữ gìn, cần kiệm, việc gì cũng giữ đúng lễ phép. Thái Thượng hoàng khi lên ngôi vua, liền phong cho là “Chiêu Viên” và cho ở cung Trường Xuân; lại ban 270 mẫu ruộng bãi dâu. Hoàng thượng rộng mở đạo hiếu, lại ban thêm đại tự là “Thái Chiêu Viên”. Ngày 20 tháng 2 niên hiệu Đại Chính thứ 8 (1537), Thái Chiêu Viên lâm bệnh. Quan ngự y là Lý Phác phụng mệnh đến chữa trị và ban cho 500 quan tiền. Ngày 21 tháng 3 năm đó bà vâng mệnh trở về quê nhà chữa bệnh. Tuy đã dùng nhiều phương pháp điều trị, kể cả thần dược, nhưng không có kết quả. Bà mất vào giờ Dậu ngày 4 tháng 4 năm đó, hưởng thọ 31 tuổi.

Thái Thượng hoàng sai Thái bảo Trấn Quốc công là Mạc Văn Soạn và Tây Ninh hầu Điện Kính, Ty lễ giám chưởng giám là Doãn Anh cùng vâng mệnh đến ban cho 200 quan tiền. Khi nghe tin cáo phó, nhà vua nghỉ chầu 2 tháng, sai Nam quân Đô đốc phủ chưởng phủ sự Tuyên Quận công Đặng Văn Trí, Tây quân Đô đốc phủ chưởng phủ sự Lương Quận công Phạm Kim Ngô, Ty Lễ giám Hữu Đề điểm Nguyễn Nhượng đến trông coi việc tang lễ và ban cho 300 quan tiền cùng thuỵ hiệu “Cẩn Nghi”. Vào giờ Tỵ ngày 11 tháng đó làm lễ “nhập thần” Thái Chiêu Viên. Ngày 21 tháng ấy, Hoàng thượng lệnh cho Nam quân Đô đốc phủ Tả Đô đốc Ngãi Dương hầu Lê Sung Quảng đến tế và ban cho 300 quan tiền. Vào ngày 21 tháng 10 năm đó, Hoàng thượng đi kinh lý vùng Tuyên Quang trở về, đích thân vào chia buồn với gia đình và lại ban 100 quan tiền. Vào giờ Dần ngày 6 tháng 12 năm đó, làm lễ Khải Thần. Ngày 18 tháng đó, nhà vua sai Hương Quận công là Đinh Bá Đàm lo việc tế lễ. Giờ Tỵ ngày 19 tháng đó, lễ cử hành an táng được đưa về cánh đồng “Lỗ Hấp” mộ phần theo “Đoài sơn chấn hướng”. Nhớ Thái Chiêu là người thảo hiền, đức hạnh, chăm chỉ lễ phép mà không được trường thọ, thật đáng thương thay. Có bài minh rằng:

Mây mờ che trăng tỏ,

Cỏ buồn chốn huyền đường.Dungnghi như còn đó,

Soi sáng mãi muôn đời.

Ngày 19 tháng12 niên hiệu Đại Chính thứ 7 (1537), Cẩn sự lang Hàn lâm viện Hiệu lý Phạm Ký phụng mệnh soạn.

Cẩn sự lang Trung thư giám chính thần Đinh Nhân Dũng phụng mệnh viết chữ. Gia Hạnh đại phu Công bộ yên bí đường tạo sở san thư tượng Tượng chính thần Đoàn Hữu Du phụng mệnh khắc.

Tháng 2 niên hiệu Thành Thái thứ 10 (1907) Đỗ Văn Phác người trong thôn coi đền khi cày ruộng thấy 2 phiến đá mộ chí, đem ghép lại, nhân đó sao chép, rồi lại chôn đá vào chỗ cũ.

Nhận xét:

Đây là một tư liệu quý giúp chúng ta hiểu thêm về tiểu sử của một nhân vật trong hoàng tộc Mạc cũng như để nghiên cứu về lịch sử xã hội Đại Việt thời Mạc. Tư liệu này cũng giúp chúng ta hiểu được mối quan hệ gắn bó giữa nhà Mạc với vùng đất Vĩnh Phúc.  

Chú thích:

(1). Chúng tôi xin cảm ơn PGS.TS Đinh Khắc Thuân đã hiệu đính, chỉnh lý giúp.

(Thông báo Hán Nôm học 2012,tr.737-741)

In
Lượt truy cập: