Nghiên cứu Hán Nôm >> Chủ đề >> Nhân vật
Trần Hậu Yên Thế
86. Bảo Quang Hoàng hậu là ai? Tại sao lại có danh hiệu này? (TBHNH 2012)

Cập nhật lúc 10h58, ngày 09/02/2015

BẢO QUANG HOÀNG HẬU LÀ AI?
TẠI SAO LẠI CÓ DANH HIỆU NÀY?

TRẦN HẬU YÊN THẾ

Đại học Mỹ thuật Việt Nam

Trong 03 tấm bia ở đền vua Lê, Hoa Lư, Ninh Bình thì có hai tấm được làm vào đầu thời Hoàng Định. Tấm bia Tạo tác Thánh tượng tiền triều Lê Đại Hành Hoàng đế bi ký tịnh minh là một trong ba tấm bia đó. Trên bia ghi đến việc tạo tượng thờ ở đền vua Lê. Tên của ba pho tượng đó được ghi rõ gồm có: Lê triều Đại Hành Hoàng đế, Bảo Quang Hoàng thái hậu và Ngọa triều Hoàng đế. Điều cần làm rõ trong nghiên cứu này là Bảo Quang Hoàng thái hậu là ai? Tại sao lại có danh xưng này?

Bài viết nghiên cứu này là quá trình đối chiếu tư liệu văn bản với thực tế các thực hành nghi lễ và bài trí tượng thờ hiện nay. Phương pháp nghiên cứu liên ngành là phương pháp nghiên cứu chủ đạo trong quá trình khảo sát.

Giới thiệu sơ bộ về tấm bia Tạo tác Thánh tượng tiền triều Lê Đại Hành Hoàng đế bi ký tịnh minh. Bia ghi rõ làm năm Hoàng Định năm thứ 12 ngày 19 tháng 6. Nhưng ở mặt khác có ghi quá trình làm tượng hưng công vào ngày 19 tháng 6 năm Tân Hợi (1611), làm xong vào ngày 20 tháng 6 năm Nhâm Tý, làm lễ nhập tượng vào 20 tháng 7 cùng năm. Do đó có thể chắc rằng tượng được đưa vào đền tháng 7 năm Nhâm Tý, suy ra vào năm Hoằng Định thứ 13. Như vậy thời điểm ngày 19 tháng 6 năm Hoàng Định thứ 12 mới là thời điểm hưng công. Danh tính người soạn bia có ghi do vị Tiễn sĩ đỗ khoa thi Mậu Tý, Đặc tiến kim tử Vinh lộc đại phu đương chức Hình bộ Thượng thư kiêm Đông các Học sĩ Quốc tử giám Tế tửu Nghĩa Khê hầu trụ quốc dương sách. [Cũng ở đền vua Lê còn có tấm bia Tiền triều Đinh Tiên Hoàng đế miếu công đức bi ký tịnh minh do Tiến sĩ đỗ khoa thi Tân Mùi, Đặc tiến kim tử Vinh lộc đại phu đương chức Hình bộ Thượng thư kiêm Đông các Học sỹ Quốc tử giám Tế tửu Nghĩa Khê hầu trụ quốc Nguyễn Lễ soạn. Có thể suy ra hai tấm bia này đều do Nguyễn Lễ nhuận sắc. Nhưng không rõ vì lẽ gì năm đỗ Tiến sĩ lại không thống nhất]. Bia còn nhắc đến việc Quận công Bùi Thời Trung(1) thừa lệnh chúa Trịnh Kiểm chủ trì việc hưng công xây đền, tạc tượng. Có thể nói tính chất quốc gia của hoạt động trùng tu tôn tạo đền vua Đinh vua Lê thời đó nên danh tính của vị Bảo Quang Hoàng thái hậu không thể tự ý tùy tiện ghi được.

Trên góc độ văn bản lịch sử như các bộ sử chính thống như Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt sử ký tiền biên đều không nhắc đến Hoàng thái hậu nào có tên là Bảo Quang. Cũng như tất cả các Hoàng hậu của hai triều Đinh và Tiền Lê không có ai có tên tục hay tên hiệu là Bảo Quang Hoàng hậu. Năm Hoàng hậu triều Đinh là Đan Gia, Trinh Minh, Kiều Quốc, Cồ Quốc và Ca Ông, năm Hoàng hậu triều Lê là Đại Thắng Minh Hoàng hậu (Dương Vân Nga), Phụng Càn Chí Lý Hoàng hậu, Thuận Thánh Minh Đạo Hoàng hậu, Trịnh Quắc Hoàng hậu và Phạm Hoàng hậu. Lê Long Đĩnh sau khi lên ngôi truy tôn hiệu mẹ là Hưng Quốc quảng thánh Hoàng thái hậu (bà không phải là một trong năm vị Hoàng hậu của Lê Đại Hành nhưng là mẹ của hai vua Lê Long Việt và Lê Long Đĩnh).

Tuy tên gọi trong tam vị tượng thờ ở đền vua Lê Đại Hành còn chưa xác minh được thì có một thực tế là từ xưa tới nay, ai ai cũng thừa nhận đó là tượng của bà Dương Vân Nga, Hoàng hậu hai triều Đinh - Lê. Vào đời Lê Trung hưng đã từng có vị quan muốn đưa tượng Dương Vân Nga về thờ tại đền vua Đinh cho đúng lẽ cương thường ‘trai trung không thờ hai chúa, gái chính chuyên không lấy hai chồng’, nhưng việc không thành. Đối với dân làng Trường Yên, tượng bà hậu trong đền đương nhiên là Dương Hoàng hậu. Trước đây còn có tục hàng năm đến lễ ở đền vua Đinh phải rước tượng bà Dương hậu từ đền vua Lê về, các vị bô lão trong làng cho lật đít tượng lên, đánh 10 roi. Tục này đến những năm đầu của thập kỷ 80 thế kỷ XX vẫn còn duy trì.

Đứng về mặt tiếu tượng học, bức tượng có một đặc điểm chưa từng có trong nghệ thuật tạc tượng chân dung các bà hoàng phi công chúa là mặt rất đỏ. Những pho tượng cùng thời kỳ đó như Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc, Công chúa Lê Thị Ngọc Duyên ở chùa Bút Tháp, cũng như rất nhiều các pho tượng hậu tạc các hoàng phi, cung phi khác, da mặt đều phủ một lớp bột xương trắng ngà. Và da mặt và tay đồng nhất. Theo lý giải của dân gian, bà Dương hậu do vụng trộm với vị tướng họ Lê trong lòng thấy xấu hổ nên đỏ mặt (theo cách lý giải này, tượng quay về đền vua Đinh, Dương Thái hậu đến chết rồi vẫn không hết hổ thẹn khi nhìn về đền thờ chồng cũ). Tượng thờ các nhân vật nữ không tô màu đỏ vì trong dân gian vẫn lưu truyền câu ca ‘đa mao hồng diện’ chỉ những người đàn bà có nhu cầu tình dục cao. Hoàn vương ca tích là bản trường ca cổ lưu truyền trong dân gian. Trong văn bản này, dung nhan của bà Dương hậu góa chồng khi gặp Lê Hoàn được mô tả như một người đàn bà đầy khát khao: “Môi son rừng rực, mặt hoa rờn rờn - Mắt kia sao mọc cờn cờn - Cổ kia đã trắng lại tròn hân hân..”.

Từ những đối chiếu liên văn bản ở trên, chúng tôi đưa đến một giả thuyết khoa học là: Bảo Quang Hoàng thái hậu là cách gọi tránh tên hiệu Đại Thắng Minh Hoàng hậu. Các nhà Nho rất ác cảm với việc Lê Đại Hành lấy tên hiệu Đại Thắng Vương của Đinh Tiên Hoàng, chồng cũ của Dương hậu làm danh hiệu mới. Nhưng tên gọi Bảo Quang từ đâu ra. Ngược lại dòng lịch sử, về cuối đời, sau cái chết của Đinh Toàn và sự thất thế của bà hoàng không có con nối dõi, Dương Vân Nga về tu ở chùa Am Tiên. Bảo Quang có thể là pháp danh của bà. Theo Từ điển Phật học Hán Việt của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (Nxb. Khoa học xã hội) thì Bảo Quang thiên tử hay Bảo Ý, Nhật thiên tử là một danh hiệu của đức Quán Âm. Ngoài các công hầu khanh tướng như đã nêu ở trên, danh tính một nhân vật quan trọng nữa mà tấm bia Tạo tác Thánh tượng tiền triều Lê Đại Hành Hoàng đế bi ký tịnh minh nhắc đến là Nam phương Trúc quốc Tam tạng sa môn Chân Nghiêm Thiền sư có mặt trong lễ khai quang nhập thần hô tượng ngày 24 tháng 7 năm Nhâm Tý. Pháp danh của bà Dương hậu có thể không ghi trong chính sử nhưng nó có thể được lưu lại trong các kinh điền Phật giáo hoặc lưu truyền trong dân gian.

Giả thuyết này còn phải tiếp tục được khảo cứu qua nhiều nguồn thư tịch nữa. Tuy vậy, xét về mặt thực chứng lịch sử, chúng ta đều biết Dương Vân Nga là một nhân vật lịch sử cực kỳ đặc biệt. Bà có liên hệ tới sự suy vong và hình thành của ba triều đại Đinh - Tiền Lê - Lý. Tên gọi Bảo Quang nếu đúng cho ta hình dung giai đoạn về tu ở chùa Am Tiên, bà đã kết nối với lực lượng Phật giáo để hậu thuẫn cho con rể Lý Công Uẩn chấm dứt vai trò lịch sử của nhà Tiền Lê.

Kết luận

Cũng như Trần Thủ Độ, Dương Vân Nga là một nhân vật lịch sử phức tạp được người đời hết mực khen chê. Đúng như câu ca dân gian đánh giá về bà “Có công với nước vô duyên với đời”. Nghiên cứu thân thế sự nghiệp của Dương Vân Nga giai đoạn xuất gia nên cần được tiếp tục nghiên cứu sâu thêm.

Trong nghiên cứu mỹ thuật cổ truyền, các học giả thế hệ Viễn đông Bác cổ đã sử dụng tư liệu văn bản Hán Nôm. Sử dụng tư liệu Hán Nôm sẽ giúp cho nghiên cứu mỹ thuật cổ truyền đạt tới tính thực chứng lịch sử(2).

 

Chú thích:

(1). Đặc tiến Phụ quốc thượng tướng quân vĩ đốc hiệu lực tứ vệ quân sự [ ?] thiệu công Thượng trụ quốc Bùi Thời Trung.

(2). Có một thực tế đáng lo ngại là việc giảng dạy Hán Nôm không được triển khai ở khoa Lý luận và Lịch sử mỹ thuật trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam (mặc dù khung chương trình đào tạo ban đầu có ghi đây là học phần bắt buộc). Điều đó dẫn đến một thực tế là hầu hết các nhà nghiên cứu mỹ thuật ở Việt Nam không có khả năng tra cứu văn bản chữ Hán.

Tài liệu tham khảo:

1. Đại Việt sử ký tiền biên, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1997.

2. Đại Việt sử ký toàn thư, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam. Năm xuất bản?

3. Bùi Minh Đức (2012), Lịch sử nhìn lại dưới góc độ y khoa, Nxb. Văn hóa văn nghệ.

(Thông báo Hán Nôm học 2012,tr.713-718)

In
Lượt truy cập: