Nghiên cứu Hán Nôm >> Tổng mục lục
Lê Thị Thanh Thư - Phạm Văn Thưởng
94. Bản thần tích về một vị công thần triều Tĩnh Vương và hai vị Đại vương Âm phù (TBHNH 2012)

Cập nhật lúc 21h48, ngày 09/02/2015

BẢN THẦN TÍCH VỀ MỘT VỊ CÔNG THẦN TRIỀU TĨNH VƯƠNG

VÀ HAI VỊ ĐẠI VƯƠNG ÂM PHÙ

LÊ THỊ THANH THƯ - PHẠM VĂN THƯỞNG

Ban Quản lý di tích tỉnh Bắc Ninh

§ình Mỹ Thôn tọa lạc trên một khu đất đẹp ở phía Tây của làng, xưa thuộc xã An Khoái, tổng Xuân Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Nay là thôn Mỹ Thôn, xã Xuân Lai, huyện Gia Bình. Theo các cụ già làng truyền lại: đình vốn được khởi dựng từ thời Lê (thế kỷ XVII), đình xưa có quy mô to lớn gồm: 7 gian đại đình, 3 gian Hậu cung, bộ khung bằng gỗ lim chắc khỏe, nghệ thuật trang trí chạm khắc tinh xảo. Trước đình có hai dải vũ, hai bên cổng đình trang trí hình hai con nghê lớn. Nhưng rất tiếc trong kháng chiến chống Thực dân Pháp, thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến của nhà nước, đình đã bị đốt phá hoàn toàn, rất may là toàn bộ đồ thờ tự của đình đã được nhân dân cất giữ chu đáo nên không bị mất mát. Năm 1995, với truyền thống hướng về cội nguồn, nhân dân địa phương đã góp công, góp của xây dựng lại ngôi đình với dáng vẻ truyền thống trên nền xưa đất cũ. Gần đây đình lại tiếp tục được trùng tu tôn tạo để có được dáng vẻ khang trang như hiện nay.

Theo khảo sát tại đình, chúng tôi thấy hiện nay đình còn giữ được nhiều tài liệu hiện vật quý như: Kiệu bát cống, hoành phi, câu đối…đặc biệt là bản thần tích chữ Hán được nhân dân phụng sao vào đời vua Thành Thái thứ 16 (1904). Toàn bộ nội dung thần tích được viết trên một bản giấy màu vàng có vẽ trang trí hình rồng vân mây, triện vuông hình chữ thọ giống như giấy sắc phong, chữ viết chân phương, rõ nét. Xin được dịch nghĩa như sau:

Ngọc phả ghi chép một vị công thần và 2 vị đại vương âm phù triều Tĩnh Vương [thuộc chi Càn bộ trung đẳng] bản chính của Bộ Lễ.

Xưa vào thời Hùng Vương thứ 4, ở đạo Kinh Bắc [xưa gọi là quận Bắc Giang], phủ Thuận An, huyện Lương Tài [trước gọi là Thiện Tài], trang Trình Khê, có người họ Tạ, tên húy là Hương, vợ là Đào Thị, tên húy là Hinh. Ông là con nhà giàu có, 3 đời làm nghề y, luôn làm việc thiện, vợ chồng ông được ban đức rất hậu. Năm ông gần 50 tuổi, bà hơn 40, con trai mất sớm. Bấy giờ, bà Đào Thị đêm ngủ mộng thấy Sơn Chủ Hổ Thần đến ứng cảm trong mộng, từ đó bà có thai. Đến ngày 15 tháng 3 năm Giáp Dần bà sinh hạ được một người con trai, mặt mũi khôi ngô tuấn tú. Ông biết đó là sơn thần xuất thế, bèn đặt tên là Cường Bạo. Thời gian nuôi dưỡng qua đi, đến năm 16 tuổi, ông là người có tư chất thông minh, hiểu binh thư, giỏi võ nghệ, chỉ cần một cành tre dài, ông có thể nhấc được cả chiếc đỉnh, sức mạnh có thể chống với muôn người, không ai địch nổi.

Năm ông 18 tuổi, cha mẹ đều mất, ông bèn chọn nơi đất tốt làm lễ an táng thân phụ. Ba năm sau, bấy giờ có giặc Ân sang xâm chiếm nước ta. Tĩnh Vương bèn tuyển mộ dũng sĩ tài giỏi ở các đạo trong quận huyện dấy binh dẹp giặc. Lúc đó Bạo công nghe có chiếu mệnh của thiên tử tuyển khắp thiên hạ, ông liền chiêu mộ được 5000 binh lính tiến đến chỗ nhà vua để ứng tuyển. Vua thấy ông có tài văn võ, bèn ban cho ông làm Hữu tướng quân tiến đến đạo Kinh Bắc. Quân lính bộ hành, trống dong cở mở bay phấp phới, vang động núi rừng. Vào một hôm, đêm đến khi ông lui quân đến đạo Kinh Bắc, phủ Gia Định, trang An Khoái, bỗng gặp giặc Ân, ông đã đến đền của thần cầu âm phù giết giặc, đến cuối canh 3 khi còn đang mơ màng thì bỗng thấy 2 ông lão mũ áo chỉnh tề đến tự xưng là: Chúng tôi vốn là 2 vi thiên thần, cai trị tại miếu nơi đây. Một người là Đô Thiên, một người là Thạc Phụ, chúng tôi nghe nói tướng quân nam chinh dẹp giặc, cho nên linh ứng giáng lâm phù giúp. Bèn cho một cây thiết trùy đặt tại bến sông khu đất có hình rồng, rồi dùng thần pháp trấn trị. Trong khoảnh khắc quân giặc đã chạy tán loạn. Sau này xin cho chúng tôi được cùng phối thờ ở đó vậy. Hai ông nói xong, bèn cưỡi không trung bay đi, ông liền tỉnh giấc biết là thần linh báo mộng.

Sáng hôm sau, ông cho mời các bậc kì lão và nhân dân trang An Khoái dẫn ra bến sông khu đất có hình rồng ấy. Quả nhiên thấy cây thiết trùy thần trượng đặt ở đó, ông liền đón nhận và nói với nhân dân rằng: “Đó là linh thần của trang các ngươi đấy”. Ngay lập tức ông truyền lệnh cho các binh sĩ, dân chúng thiết lập đồn doanh tại khu đất hình rồng đó để ứng phó với giặc Ân. Từ khi có ông đến, nhân dân trang An Khoái đều được yên ổn, nên họ rất cảm tạ ân đức của ông. Nay lập đồn nhưng sau nhân dân sẽ dựng đền để thờ phụng ông, ông đồng ý.

Một hôm, các bậc kì lão cùng với dân chúng đến dự yến tiệc, ông bèn nói với các vị phụ lão rằng: nhân dân trang An Khoái có hậu đức với ta, còn để lại di mệnh để ngày sau phụng sự 3 vị. Hôm sau, thấy sứ giả phụng mệnh chiếu thư sai ông đến đạo Kinh Bắc. Giặc Ân tới chỗ Tả tướng Phù Đổng, ông liền cùng với Bạo công dấy binh thẳng đến chân núi Sóc Sơn, ngồi tại đó bàn kế sách tiến đánh. Bỗng thấy giặc Ân trùng trùng, điệp điệp bốn phía hô hoán kéo đến. Quân của ông chưa kịp chuẩn bị giáp mũ, ngựa xe nên bị bao vây. Triều đình vốn không biết nên không có quân cứu viện, ông liền kêu gọi binh sĩ đến nói rằng: “Ta cùng với các tướng sĩ hãy quyết chiến một trận với giặc Ân”. Bèn lấy cây thiết trùy thần trượng chỉ huy tiến đánh, giặc Ân đại bại, tử trận rất nhiều, chém được cả chính tướng, tì tướng và hàng nghìn tên địch, thu hết khí giới lương thực, đó là thiên tâm linh thần âm phù trợ giúp. Sau khi dẹp được giặc Ân, bỗng thấy Phù Đổng ở núi Vệ Linh, liền lấy gươm chặt cây dung thụ rồi cưỡi không trung mà đi, không biết hóa từ lúc nào.

Còn ông Cường Bạo trở về trang Trình Khê, khi ngồi ở giữa nhà bỗng thấy một áng mây sắc vàng như hình dải lụa mầu đỏ giáng xuống trước đồn doanh, bỗng thấy thân ông bay ra ngoài, rồi không biết hóa lúc nào [hôm đó là ngày 20 tháng 6]. Nhân dân thấy kinh hãi bèn tâu lên triều đình, nhà vua bèn sai sứ ban chỉ dụ sắc phong là: “Khang tế phúc thần”, chuẩn cho trang An Khoái đón nhận mỹ tự và lập đền thờ phụng các ông.

Đến thời Hùng Duệ Vương vẫn còn dấu tích tên tuổi, nên nhà vua đã phong tự hiệu cho các thần:

- Nhất phong: Bảo hựu Đô Thiên đại vương.

- Nhất phong: Cường Bạo khang tế Phúc Tướng đại vương.

- Nhất phong: Uy hiển Thạc Phụ đại vương.

Từ đó về sau các ngài đều linh ứng rõ ràng. Cho nên các bậc đế vương đều gia phong mỹ tự. Đến thời Tống Thái Bình sai tướng Hầu Nhân Bảo đem 10 vạn binh lính thủy bộ chia làm 2 đạo tiến vào xâm lược nước ta. Vua Lê Đại Hành đại phá 10 vạn tinh binh cự chiến, khi đến đạo Kinh Bắc, phủ Thuận An, huyện Gia Định thì gặp đội quân Tống đi đường thủy tiến đến. Nhà vua bèn đóng quân ở bến sông, đêm đến vào đền cầu âm phù giết giặc.

Sau khi dẹp xong giặc, nhà vua sắc phong các ngài là “Thượng đẳng phúc thần”, bắt được tướng Hầu Nhân Bảo và giết vô số binh lính rồi phụng mệnh khải hoàn trở về kinh sư, mở tiệc khao thưởng tướng sĩ, bọn giặc sớm được dẹp tan cũng là nhờ sự giúp đỡ của thần. Cho nên bèn gia phong cho các thần là:

- Nhất phong: Bảo hựu Đô Thiên hiển ứng, hộ quốc tế thế, trạch dân hoằng hưu, phúc diễn hồng ân trợ thắng linh quang đại vương.

- Nhất phong: Cường Bạo dũng lược phổ tế, cương nghị dương vũ, phù tộ hiển đức, phong công tá trị, triệu mưu hùng kiệt đại vương.

- Nhất phong: Uy hiển Thạc Phụ linh ứng hộ quốc tế thế trạch dân hoằng hưu, phúc diễn hồng ân trợ thắng linh quang đại vương.

Sắc chỉ ban cho trang An Khoái trùng tu miếu điện để phụng sự việc tế tự.

Hoàng triều Cảnh Hưng phong cho 3 vị đại vương là: Diên hy tích khánh.

Hoàng triều Cảnh Thịnh phong cho 3 vị đại vương là: Dực chính khai bình.

Phụng sự ngày sinh, ngày hóa, các tiết, húy, tự các thần. Cấm không được đặt tên là: Đô Thiên, Thạc Phụ, Cường Bạo. Chuẩn cho trang An Khoái phụng sự tế tự.

- Ngày sinh của thần là 15 tháng 3. Vào chính lệ lễ thượng hạ gồm: bò, lợn, xôi, rượu, bánh chay, giao lưu ca hát.

- Ngày hóa của thần là 20 tháng 6, lễ vật dùng như trước, cấm ca hát.

- Lễ cầu phúc vào ngày 15 tháng 9, lễ vật tùy theo.

- Lễ cầu phúc vào ngày 1 tháng 12. Chính lễ dùng như trước.

Ngày tốt tháng giêng năm thứ nhất niên hiệu Hồng Phúc [1572].

Hàn lâm viện Đông các Đại Học sĩ, thần Nguyễn Bính phụng soạn chính bản.

Ngày tốt tháng 2 năm thứ 6 niên hiệu Vĩnh Hựu [1740]

Quản giám bách linh Tri điện, Hùng lĩnh thiếu khanh, thần Nguyễn Hiền tuân theo bản cũ.

Vào năm thứ 16 thời vua Thành Thái, tức ngày tốt tháng 3 năm Giáp Thìn [1904], nhân dân đến xã Bình Trù phụng sao lạithần tích./.

(Thông báo Hán Nôm học 2012,tr.764-769)

In
Lượt truy cập: