Nghiên cứu Hán Nôm >> Năm 2012
Mai Thu Quỳnh
76. Cuộc đi Pháp dự Đấu xảo năm 1900 của phái bộ Việt Nam (TBHNH 2012)

Cập nhật lúc 21h54, ngày 09/02/2015

CUỘC ĐI PHÁP DỰ ĐẤU XẢO NĂM 1900

CỦA PHÁI BỘ VIỆT NAM

MAI THU QUỲNH

Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Từ cuối thế kỉ XVIII, nước Pháp đã cơ bản ổn định được tình hình Việt Nam theo hướng khiến triều đình nhà Nguyễn ngày càng phụ thuộc pháp nước Pháp. Lúc này, đời sống chính trị - xã hội của Việt Nam đã có nhiều thay đổi, trong khối tư liệu liên quan đến bang giao của Việt Nam xuất hiện những chuyến đi dự Đấu xảo ở Pháp. Trong đó, chuyến đi năm Thành Thái thứ 12 (1900) còn để lại một số tư liệu Hán Nôm đáng quan tâm.

Sách Đại Nam thực lục chính biên Đệ lục kỷ Phụ biên(1) có chép:

“Phái bộ Bắc Kỳ qua Pháp dự hội Đấu xảo tới kinh chiêm cận. Chuẩn thưởng Chánh sứ Vũ Quang Nhạ (Hiệp biện Đại Học sĩ lãnh Tổng đốc Bắc Ninh) kim khánh hạng nhất, Phó sứ Trần Đình Lượng (Tuần phủ Bắc Giang), Hoàng Trọng Phu (Tham tri Bộ Lễ sung Đốc học trường Quốc học) mỗi người một tấm kim khánh hạng hai”.

Theo thống kê của chúng tôi, ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm còn giữ ít nhất là 04 tài liệu chép nhật kí chuyến đi này, 04 tài liệu đó là: Tây hành nhật trình quốc âm(2) kí hiệu: AB.130, Như Tây Dương nhật trình kí kí hiệu: VNV.74, Sứ Tây nhật kí kí hiệu: A.2910, Phụ tra tiểu thuyết kí hiệu: VHv.1881. Cả bốn cuốn này đều là sách chép tay, trong đó hai cuốn đầu được viết bằng chữ Nôm theo thể thơ lục bát, hai cuốn sau được viết bằng chữ Hán (có xen chữ Nôm) theo thể văn xuôi.

Trang đầu của cuốn Tây hành nhật trình quốc âm chép rằng đây là sách của Tuần phủ Bắc Giang soạn năm Thành Thái thứ 12. Mà như chúng ta đã đọc ở đoạn sử chép trên, phái đoàn đi có Phó sứ là Tuần phủ Bắc Giang - Trần Đình Lượng, vậy tác phẩm thơ Nôm lục bát này chắc hẳn là của Trần Đình Lượng.

Như Tây Dương nhật trình kí dài 552 câu lục bát, có nội dung tương đối giống với cuốn Tây hành nhật trình quốc âm của Trần Đình Lượng.

Cuốn thứ ba, Phụ tra tiểu thuyết, là tác phẩm của Lê Văn Ngữ viết theo thể nhật kí và kí sự, nội dung phản ánh đường đi và những điều mắt thấy tai nghe trong chuyến đi(3).

Còn cuốn Sứ Tây nhật kí thì có cả một bài tự đặt ở trang đầu ghi tên Vũ Quang Nhạ, Trần Đình Lượng và Hoàng Trọng Phu. Như vậy đây có thể là cuốn nhật kí, nhật trình chính thức của phái đoàn này. Sách này dày 30 trang, mỗi trang 02 mặt, kích thước: 30 x 17cm, về bố cục: 01 trang ghi lời tựa, 05 trang ghi hành trình đi, 22 trang ghi các hoạt động của đoàn trên đất Pháp và 02 trang ghi hành trình về.

Tổng hợp nội dung ghi chép các tài liệu này chúng ta có lịch trình chuyến đi như sau:

Hành trình đi (Theo Phụ tra tiểu thuyết):

Ngày 02 tháng 4 (năm 1900)(4): 8h sáng lĩnh giấy, 05h chiều lên thuyền xuất phát.

Ngày 04 tháng 4 năm 1900: 03h chiều đến Hải Phòng, dừng thuyền.

Ngày 06 tháng 4 năm 1900: 4h chiều từ Hải Phòng đi vào Nam.

Ngày 07 tháng 4 năm 1900: 12h đêm đến Đà Nẵng, dừng thuyền.

Ngày 08: 02h chiều cho thuyền đi về hướng tây nam.

Ngày 09: 11h sáng đến Quy Nhơn, dừng thuyền. 07h tối lại đi.

Ngày 10: 01h chiều đến Nha Trang.

Ngày 11: 09h sáng đến Cần Giờ.

Ngày 11: 02h chiều đến bến Nghé.

Ngày 13: 09h sáng từ bến Nghé lên thuyền loại lớn.

Ngày 15: 08h sáng đến Singapo, dừng thuyền mua than, 02h chiều đi về hướng tây.

Ngày 20: 07h sáng đến Columbo (Sri Lanka), dừng thuyền mua than, 07h tối lại đi.

Ngày 27: 03h đêm đến Djibouti, dừng thuyền lấy than, 02h chiều lại đi.

Ngày 28: đêm 28 đi qua Ấn Độ Dương vào Hồng Hải.

Ngày 02 tháng 5: 05h sáng đến kênh đào Suez, dừng thuyền mua nước, 12h đi.

Ngày 03 tháng 5: 05h sáng đến Ai Cập, dừng thuyền, 10h vào Địa Trung Hải.

Ngày 07 tháng 5: 10h sáng đến Mác - xây (Pháp).

Ngày 09 tháng 5: 09h sáng lên xe lửa đi Pari, 11h đêm thì đến nơi.

Như vậy lộ trình của đoàn là: Hải Phòng - Đà Nẵng - Quy Nhơn - Nha Trang - Cần Giờ - Bến Nghé - Xanh Ca Bô - Cô Lâm Bô - Di Câu Ty - Ấn Độ Dương - Hồng Hải - Xuy Ít - Bô Tha Ích (Ai Cập) - Mặc Tha (Pháp) - Ba Di (Pháp).

Về nhật kí các hoạt động của đoàn tại Pháp (theo Sứ Tây nhật kí):

Ngày 08 tháng 5: thăm bảo tàng Xa Tô Đô ở Pari.

Ngày 09 tháng 5: từ Pari (9h sáng) đến Liông (2h chiều).

Ngày 10 tháng 5: đến chào quan Thượng thư Nê Bộ.

Ngày 11và 12 tháng 5: thăm trường đấu xảo.

Ngày 17 tháng 5: thăm tháp Épphen.

Ngày 18 tháng 5: thăm tượng đồng trên phố.

Ngày 19 tháng 5: thăm cục dệt.

Ngày 20 tháng 5: thăm xưởng xe điện.

Ngày 21 tháng 5: thămViện quang học.

Ngày 22 tháng 5: thăm quán làm tượng người bằng sáp.

Ngày 23 tháng 5: thăm quán đồ sứ.

Ngày 24 tháng 5: yết kiến Giám quốc điện hạ.

Ngày 25 tháng 5: thăm vườn hoa ở thủ đô.

Ngày 26 tháng 5: đi thành Việt Thiết.

Ngày 27 tháng 5: thăm trường diễn ca (tức rạp hát).

Ngày 28 tháng 5: đi bộ xem đồng ruộng và công việc cày bừa của người dân Pháp.

Ngày 29 tháng 5: đi xem phố buôn bán.

Ngày 30 tháng 5: đi thăm cửa hiệu Lô Pha Giơ.

Ngày 01 tháng 6: đi xem các học viện ở thành Pari (tức các trường học).

Ngày 02 tháng 6: đi xem cổ trường và âm trường (tức trường của những người mù và câm).

Ngày 03 tháng 6: đi xem đường hầm dưới phố Pari.

Ngày 04 tháng 6: đi thămviện quyển binh.

Ngày 05 tháng 6: đi thăm binh trại Vinh Xanh.

Ngày 06 tháng 6: đi thăm thành Danh Sơ.

Ngày 07 tháng 6: đi thăm thành Dạng.

Ngày 10 tháng 6: tiếp Thuộc bộ Thượng thư.

Ngày 12 tháng 6: dự yến tiệc.

Lộ trình về của đoàn thì giống lộ trình đi.

Như vậy, chuyến đi Pháp dự đấu xảo này có tư liệu ghi chép khá rõ ràng, đầy đủ. Từ những thông tin này, chúng ta hiểu rõ thêm về một chuyến đi ngoại giao của thời Thành Thái nói riêng và của triều Nguyễn nói chung.

Chú thích:

(1). Xem Quốc sử quán triều Nguyễn. Cao Tự Thanh dịch và giới thiệu. Đại Nam thực lục Chính biên Đệ lục kỷ Phụ biên. Tp. Hồ Chí Minh. Nxb. Văn hóa - Văn nghệ. 2011. Tr.344.

(2). Tây hành nhật trình quốc âm: đây là tên do tác giả ghi ở trang đầu của văn bản. Còn sách Di sản Hán Nôm Việt Nam - thư mục đề yếu (GS. Trần Nghĩa chủ biên) thì ghi tên sách này là Tây hành nhật trình.

(3). Phụ tra tiểu thuyết: xin xem thêm ở Hội nghị Thông báo Hán Nôm 2011. Mai Thu Quỳnh. Hành trạng của tác giả Lê Văn Ngữ và thông tin về chuyến công du Pari năm 1900.

(4). Ở đây tác giả không nói rõ là tính thời gian theo âm lịch hay dương lịch, nhưng ở mục này tác giả dùng từ “bản niên” (năm nay), và cuối mục Hồi trình kí tác giả viết: “Chuyến đi này kéo dài từ ngày 06 tháng 4 đến ngày 07 tháng 8 thì về và kết thúc tại Hải Phòng, vậy là qua 04 tháng…” mà ngày 07 tháng 8 (ngày về) là tính theo lịch âm, nên chúng tôi tạm khẳng định là những con số về thời gian ở mục này được tác giả tính theo âm lịch.


Tài liệu tham khảo
:

a. Tiếng Việt

1. Tổng tài Quốc sử quán triều Nguyễn Cao Xuân Dục soạn năm 1908, Quốc triều chính biên toát yếu, Quốc sử quán triều Nguyễn dịch năm 1925, xuất bản bởi Nhóm nghiên cứu Sử địa Việt Nam, 1972.

2. Trần Văn Giáp, Tác phẩm được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh: Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, Nxb. KHXH, 2003.

3. Trần Nghĩa, François Gros, Di sản Hán Nôm Việt Nam - Thư mục đề yếu, Nxb. KHXH, 1997.

4. Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Nho giáo ở Việt Nam, Nxb. KHXH, 2006.

5. Nguyễn Tài Thư, Lịch sử tư tưởng Việt Nam, Nxb. KHXH, Hà Nội, 1993.

b. Hán Nôm

1. Lê Văn Ngữ, Phụ tra tiểu thuyết, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu VHv.1881.

2. Trần Đình Lượng, Tây hành nhật trình quốc âm, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu Ab.130.

3. Như Tây Dương nhật trình kí, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu VNv.74.

4. Sứ Tây nhật kí, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu A.2910.

c. Tiếng Trung

1. Trử Bân Kiệt trứ, Trung Quốc cổ đại văn thể khái luận (中國古代文体概論), Bắc Kinh Đại học xuất bản xã, 1990.

(Thông báo Hán Nôm học 2012,tr.621-626)

In
Lượt truy cập: